Có sáu cô gái trẻ tuổi trên thuyền, tất cả đều là học sinh cấp ba, Tiêu Cốc là cô giáo nên tỏ ra cực kỳ cảnh giác với Tạ Lam Sơn đột nhiên xuất hiện.
Tạ Lam Sơn cũng không giải thích bản thân là cảnh sát, em gái coi anh là tiếp viên nam, anh cũng vui vẻ tạm trút bỏ thân phận của mình, hồ bơi trị liệu, phòng mát-xa, quán bar ngắm cảnh, vừa keep fit vừa hưởng thụ bầu trời quang mây vàng nắng ngày thu cũng như những cơn sóng cuộn trào ngoài biển khơi.
Buổi tối ăn trên cùng một bàn, cộng thêm cô giáo Tiêu Cốc thì vừa đủ bàn tám người. Sáu cô bé nhao nhao tranh nhau giới thiệu bản thân cho Tạ Lam Sơn, ai ai cũng tích cực trước một người khác giới đẹp như thế này. Bành Nghệ Tuyền thì khỏi phải nói, tiểu thư Tinh Hối không ai không biết, bình thường không nhìn thấy mặt thì cũng phải nghe tên. Trâu Nhược Kỳ cũng vậy, cô chuyển tới trường vào năm lớp mười một, thời gian tham gia nhóm này ngắn nhất nhưng có vẻ như lại là người được Bành Nghệ Tuyền tin tưởng và yêu thích nhất. Có va chạm mới có quen biết, Tạ Lam Sơn nhận thấy Trâu Nhược Kỳ rất xu nịnh Bành Nghệ Tuyền, hay nói chính xác hơn thì là sợ hãi.
Mấy cô bé này tuy nói là thân thiết gắn bó khăng khít, tự hình thành một nhóm riêng, nhưng bọn họ lại không cùng cấp bậc. Bọn họ cười rất thân thiện, ầm ĩ vui tươi, nhưng Tạ Lam Sơn vẫn nhìn ra, tất cả đều sợ Bành Nghệ Tuyền.
Tạ Lam Sơn hướng ánh nhìn về phía Trâu Nhược Kỳ, coi cô là điểm mốc rồi bắt đầu chuyển tầm mắt thuận theo chiều kim đồng hồ, anh nhìn cô bé tóc ngắn màu hơi hung đỏ ngồi bên tay phải Trâu Nhược Kỳ: “Em tên gì?”
Bành Nghệ Tuyền trả lời thay: “Cậu ta tên Cầu Phỉ, vì mặt xấu nên bọn tôi còn gọi là Xú Phi.”
Tạ Lam Sơn ngạc nhiên trông thấy, cô bé trước mắt không những không xấu mà còn có dáng người thon thả cao ráo, ngoại hình và phong cách ăn mặc đều rất Tây.
“Không tin à? Giờ cậu ta gầy hơn, cũng có tiền trưng diện hơn, chứ hồi trước thật sự không khác gì lợn nái.” Bành Nghệ Tuyền nói chuyện rất thô lỗ, cô nàng không hề nể mặt bất cứ ai. Cô nói với Cầu Phỉ, “Nào, đẩy cái mũi lên cho tôi xem.”
Vậy mà Cầu Phỉ lại thật sự đẩy mũi giống con lợn ngay trước mặt mọi người, cố vặn vẹo đường nét trên gương mặt làm ra vẻ xấu xí, mấy cô bé còn lại thích thú cười khanh khách không ngừng.
“Đúng rồi, trước đây em béo như lợn ấy.” Thu lại ngón tay đang đặt ở đầu mũi, Cầu Phỉ rất thoải mái, có vẻ như hoàn toàn không tức giận vì biệt danh của mình, cô bé giật giật mái tóc của mình và nói, “Anh nhìn tóc của em này, không phải nhuộm đâu mà đẻ ra đã có màu này rồi, bác sĩ bảo do em thiếu kẽm, mà em cảm thấy thực ra cái em thiếu là trí thông minh mới đúng.”
Cô bé nói xong thì tự cười lớn, sau đó quay sang nói với Tạ Lam Sơn: “Anh cũng gọi em là Xú Phi đi.”
Tiếp tục nhìn theo chiều kim đồng hồ là một cặp chị em họ, chị gái tên là Vu Thấm, em gái tên Vu Dương Tử. Đường nét gương mặt khá giống nhau, có thể nhìn ra là hai chị em nhưng cũng lại khác nhau rất nhiều. Ngoại hình chị gái rất xinh đẹp, tóc dài mặt dài và để mái bằng, em gái thì nhìn tròn trịa hơn nhưng được cái khi cười nhìn rất ngọt ngào, toát ra sức sống trẻ trung bừng bừng.
Thực ra người chị lớn hơn mấy cô bé ở đây một tuổi. Cô và Bành Nghệ Tuyền quen nhau tại một câu lạc bộ múa hồi cấp hai, tính tình hợp cạ nên chẳng bao lâu sau cũng tham gia nhóm nhỏ này. Lẽ ra hiện giờ cô phải học năm nhất đại học, tiếc là năm nay cô đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, vậy nên buộc phải học lại.
Em gái thì lại là người nhỏ tuổi nhất ở đây, chỉ có cô bé này và cô bé còn lại kia là giờ vẫn đang học lớp mười một, bọn họ học chung một lớp nhưng người kia là do phải bảo lưu một năm vì mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Cô gái cuối cùng tên là Lục Vi Vi, nụ cười hờ hững, bản thân trông cũng rất thờ ơ, toát ra khí chất người đẹp ốm yếu, người yếu ớt gầy gò nhưng nhìn kỹ lại thấy có chỗ sưng phù. Cô là người yên tĩnh nhất trong số sáu người, nghe bảo trước kia cũng là dân múa, còn từng giành giải thưởng, nếu không phải mắc bệnh đột ngột thì vốn đã có tương lai rộng mở.
Bàn ăn đều do một tay cô giáo Tiêu Cốc chuẩn bị, một nồi nạm bò kho ăn kèm với cơm, thêm măng tây xào chung cùng mướp đắng, bữa tối khá đầy đặn.
Cô giáo Tiêu Cốc vừa xếp bát đũa vừa nói: “Nguyên liệu nấu ăn trên thuyền có hạn, mọi người ăn tạm nhé.”
Thường Minh đi từ phòng thuyền trưởng vào phòng cho khách và ăn cơm cùng đám con gái, thấy trong khoang thuyền có thêm một sinh vật giống đực nữa thì lập tức phấn chấn hơn: “Khui chai rượu đi, uống hai chén với cậu em này.”
Bành Nghệ Tuyền cũng cười khanh khách hùa theo: “Rượu ngon ắt có khách tới, hôm nay vui như vậy thì phải lấy rượu anh tôi giếm mới được!”
“Sâu rượu như chú bớt bớt đi, muốn uống thì lát tự đi mà uống, ở đây toàn các cô bé, hai con ma men còn ra thể thống gì?” Cô giáo Tiêu Cốc sầm mặt nhìn Thường Minh, suy cho cùng chị ta vẫn nghi ngại một người lạ như Tạ Lam Sơn, sợ anh mượn rượu làm càn, âm mưu quấy rối.
Tạ Lam Sơn biết người nọ lo lắng điều gì nên chỉ cười giảng hòa: “Bình thường tôi không uống nhiều rượu đâu.”
Cơm tự xới, thức ăn tự gắp thêm, Thường Minh ăn như hổ đói, chẳng mấy chốc đã quét sạch bàn ăn trước mặt. Gã đứng dậy quay về phòng cho thuyền trưởng, không ai uống rượu cùng gã, ngồi ở đây cũng chẳng có gì thú vị.
Có vẻ như Bành Nghệ Tuyền không được ngon miệng, gẩy được hai đũa là thôi, cô nàng chê măng tây quá chát, mướp đắng quá đắng, miệng toàn là vị kỳ quái. Cô nàng đề xuất muốn chơi trò chơi, bốn người một nhóm vừa đủ chia làm hai nhóm.
Đây là một trò chơi phổ biến trên bàn ăn, mỗi người phải giơ hai bàn tay ra và nói về một chuyện mình từng làm, quan trọng nhất là bản thân làm rồi nhưng cho rằng người khác chưa từng làm, những ai chưa từng làm thì sẽ cụp một ngón tay xuống, từng làm thì giữ nguyên không đổi. Ai gập hết toàn bộ ngón tay thì sẽ thua. Người thua sẽ bị phạt, bình thường thì sẽ là Nói thật hay Thử thách, tuy trò chơi chẳng có gì mới lạ nhưng lại đủ để khuấy động không khí trên bàn ăn.
Cô giáo Tiêu Cốc là người đầu tiên thua cuộc, gì mà đi quẩy, đi bar, chơi PUBG, chị ta chưa từng làm bất cứ chuyện nào trong số đó, chẳng mấy chốc đã phải cụp hết mười ngón tay.
Nhóm thắng sẽ trừng phạt nhóm thua, bọn họ hỏi cô giáo Tiêu: “Cô Tiêu, cô chọn nói thật hay thử thách?”
Cô giáo Tiêu Cốc nói: “Tôi chưa chơi cái này bao giờ, chọn nói thật đi.” Chị ta sợ mấy cô bé này không có chừng mực giới hạn, chọn thử thách có khi sẽ đánh liều làm ẩu.
Cầu Phỉ tóc đỏ và cô em gái Vu Dương Tử lên tiếng trước: “Ai thèm nghe cô nói thật chứ!” Ý là bọn họ không thích tám chuyện với một bà cô già.
Cô giáo Tiêu Cốc đành thuận theo ý mọi người: “Vậy thì thử thách.”
Bành Nghệ Tuyền chợt cười lạnh: “Được đấy, cô c ởi sạch quần áo rồi ra đứng trên boong tàu đi.”
Một cô gái xinh xắn lại có thể mang ánh mắt độc địa xấu xa như vậy, cô giáo Tiêu nghe mà chết trân tại chỗ.
Mấy cô bé còn lại đồng loạt cười phá lên, tiếng cười cực kỳ chói tai, cô giáo Tiêu lén nhìn sang bên phải, cảm giác thánh thiện bất lực như một ni cô sa vào Động Bàn Tơ, cũng chẳng biết có nên dâng hiến x@c thịt của mình hay không.
Người đẹp ốm yếu Lục Vi Vi không chấp nhận được, trong đám con gái cũng chỉ có mình cô bé này phản đối: “Nghệ Tuyền, chơi thì cũng phải có giới hạn, cậu thế là hơi quá rồi đó.”
“Cậu quên điển cố mà chúng ta từng học trong sách Ngữ Văn à, về chuyện Hoa Hâm và Vương Lãng đi thuyền lánh nạn ấy?” Bành Nghệ Tuyền nhếch khóe môi nói bằng giọng cực kỳ mỉa mai, cô nàng tự giải thích, “Có hai người ngồi chung trên một chiếc thuyền, bỗng gặp phải một người chìm dưới nước, một người hào hiệp muốn cứu người đuối nước lên thuyền, nhưng người còn lại thì cật lực phản đối, cho rằng thuyền đã quá tải trọng, chở thêm một người sẽ có nguy cơ đắm thuyền. Người hào hiệp chỉ trích người kia không có lòng nhân từ, cuối cùng vẫn cứu người đuối nước kia lên thuyền. Nhưng đến khi thuyền gặp sóng gió và rơi vào nguy hiểm giữa đường, cái người hào hiệp kia lại chẳng hề do dự đẩy người đuối nước xuống khỏi thuyền để bảo vệ bản thân.”
Dừng lại một lát, sau đó Bành Nghệ Tuyền nhìn chằm chằm vào Lục Vi Vi, lời nói như có thêm hàm ý khác: “So với tôi ngay từ đầu đã không cho người lên thuyền, cậu còn tởm hơn.”
Đã không khuyên ngăn được mà còn rước lấy ê chề, Lục Vi Vi siết chặt nắm tay, cả người run lên.
Trên bàn ăn chén bát thịnh soạn nhưng lại có sóng ngầm cuộn trào. Từ lâu đã nghe tình cảm giữa đám nữ sinh là tình chị em cây khế, Tạ Lam Sơn hơi nhíu mày, anh nhìn ra được giữa hai người này có mâu thuẫn cá nhân, có vẻ như không chỉ dừng lại ở một hình phạt vô lý và khiếm nhã.
Trâu Nhược Kỳ đứng ra hòa giải: “Ra biển là để vui vẻ mà, sao lại cãi vã rồi, có chơi nữa không?”
Thấy hai cô gái chuẩn bị đánh nhau tới nơi, Tạ Lam Sơn nâng ly đồ uống không cồn lên rồi chậm rãi nhấp một ngụm. Anh nghe Trâu Nhược Kỳ nói thì nhướng mày, bảy ngón tay vẫn còn xòe ra khẽ động, anh giả vờ thở dài: “Cùng là con gái sao phải làm khó nhau, chưa kể cô Tiêu có gì các em cũng có cái đó, có gì đẹp mà xem? Tôi vẫn còn vài ngón tay đây này, thua thì tôi cởi cho mấy em xem, đảm bảo k1ch thích.”
Cô giáo Tiêu không nghe nổi những lời sỉ nhục chửi bới nữa nên đành cúi gằm mặt rời đi.
“Tôi ngứa mắt mụ ta lâu rồi, mụ ta cứ lén lút thập thò trong nhà tôi, nếu không phải muốn ăn cắp đồ thì chắc chắn là muốn quyến rũ ba tôi!” Bành Nghệ Tuyền tức tối chửi, cô nàng còn cố tình cao giọng để Tiêu Cốc mới rời đi vẫn nghe thấy, “Con đàn bà đê tiện!”
Mấy cô bé đều rất thích Tiêu Cốc, mặc dù không dám cãi cọ với Bành Nghệ Tuyền một cách trực diện như Lục Vi Vi nhưng cũng đều tỏ ra không vui, cũng dè dặt khuyên Bành Nghệ Tuyền một vừa hai phải.
Chỉ có Vu Thấm là giữ thái độ thờ ơ, như thể từ đầu đến cuối đều chẳng liên quan đến mình.
Tạ Lam Sơn tò mò trước sự lạnh nhạt của cô bé này, anh cố ý hỏi: “Em không muốn nói gì hay làm gì sao?”
Vu Thấm khinh thường đáp: “Liên quan gì tới tôi?”
Tạ Lam Sơn nói: “Dù sao thì cô ấy cũng chăm sóc những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của em, em còn gọi cô ấy là cô giáo…”
“Thế thì sao?” Rõ ràng cô bé này rất ích kỷ, thật sự không quan tâm đ ến ai, “Dù chị ta có chết thì cũng chẳng liên quan gì đến tôi.”
Tạ Lam Sơn mỉm cười, không dùng dằng ở đề tài này nữa, anh chỉ nhẹ nhàng ngâm một bài thơ bằng tiếng Anh:
They came first for the socialists, and I did not speak out because I was not a socialist.
(Ban đầu họ tới sát hại những người Cộng sản, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải là Cộng sản)
Then they came for the trade unionists, and I did not speak out because I was not a trade unionist.
(Rồi họ sát hại các thành viên công đoàn, và tôi im lặng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn)
…
Then they came for me, and there was no one left to speak for me.
(Đến khi họ sát hại tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi được nữa)
Giọng anh trầm lại mềm mại, ngâm thơ nghe hay cực kỳ, mấy cô bé hoặc là trình độ tiếng Anh không tốt nên nghe không hiểu, hoặc là đã đắm chìm trong chất giọng của anh nên vốn chẳng thèm nghe nội dung. Chỉ có mình Vu Thấm là vừa nghe đã hiểu ngay khi Tạ Lam Sơn ngâm câu đầu tiên, người này đang mượn bài thơ tưởng niệm những nạn nhân Do Thái bị phát xít giết hại để lên án sự thờ ơ của mình.
Cô cảm thấy cực kỳ khó chịu, đang định đổi thái độ thì Trâu Nhược Kỳ bên cạnh lại kịp thời lên tiếng: “Được rồi, chơi tiếp đi!”
Tiền cược Tạ Lam Sơn đưa ra quá hấp dẫn nên mấy cô bé bắt đầu tập trung hỏa lực, thay nhau chĩa mũi dùi tấn công Tạ Lam Sơn, lúc đến lượt cô em gái Vu Dương Tử thì anh đã chỉ còn đúng một ngón tay cuối cùng.
Ai ngờ cô bé lại nói một chuyện đã từng có người nói trước đó, bản thân phải tự gập một ngón tay, trái lại còn giúp Tạ Lam Sơn thoát chết.
Bành Nghệ Tuyền hết sức tức giận, lập tức chửi Vu Dương Tử: “Đ*t mẹ trong đầu mày toàn bùn hay gì, chẳng phải chị mày mới nói vừa bị hành kinh hay sao?”
Vu Dương Tử ăn chửi mà không dám cãi, ngoài Lục Vi Vi thì tất cả mọi người đều khúm núm trước cô chiêu họ Bành này.
“Cậu đừng tức giận với con bé ngốc này làm gì, tới lượt cậu đó.” Trâu Nhược Kỳ lại là người đứng ra hòa giải, cô nói với Bành Nghệ Tuyền, “Cậu nói ra một việc chấn động đất trời quỷ thần còn phải sợ, bắt A Lam c ởi sạch đồ là được còn gì?”
Cái gì nói được thì cũng đã nói hết rồi, Bành Nghệ Tuyền cúi đầu rơi vào trầm tư. Sau một cơn sóng lớn, thân tàu hơi chao đảo, ngọn đèn trên đầu ảm đạm mờ ảo, dịu dàng hắt bóng xuống những gương mặt trẻ trung xinh đẹp.
Bỗng nhiên, dường như Bành Nghệ Tuyền nảy ra gì đó, cô nàng âm u lên tiếng: “Tôi từng giết người rồi.”
Ngay khi câu này được thốt ra, bầu không khí mới nãy còn ồn ào huyên náo đã lập tức yên tĩnh lại như rút củi đáy nồi. Bành Nghệ Tuyền thì huênh hoang đắc ý, trong khi vẻ mặt của những người còn lại đều rất quái lạ. Tạ Lam Sơn không còn cười nữa, trực giác nhạy bén của cảnh sát nói cho anh biết, cô nàng này không chỉ đang bịa chuyện giật gân để lòe người khác.Hết chương 67.
*Trong bản gốc, tác giả quote câu “Then they came for the trade unionists, and I did not speak out because I was not a trade unionist.” nhưng lại dịch nghĩa thành “Rồi họ sát hại người Do Thái, và tôi im lặng bởi tôi không phải người Do Thái.”, mình xin phép sửa lại cho đúng nghĩa của câu tiếng Anh.
Bài thơ nổi tiếng của Martin Niemöller tại Đài tưởng niệm Holocaust (tưởng niệm những nạn nhân trong các cuộc thảm sát của Đức Quốc xã) ở Boston có nội dung như sau:
Ban đầu họ tới sát hại những người Cộng sản, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải là Cộng sản.
Rồi họ sát hại người Do Thái, và tôi im lặng bởi tôi không phải người Do Thái.
Rồi họ sát hại các thành viên công đoàn, và tôi im lặng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn.
Rồi họ sát hại người Công giáo, và tôi im lặng vì tôi là người theo đạo Tin lành.
Đến khi họ sát hại tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi được nữa.
Đó là một lời nhắc nhở rằng người ta phải lên tiếng vì công lý và không được giữ thái độ “trung lập” giữa thiện và ác.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT