Khi Trần Phổ và Lý Cẩn Thành mới tốt nghiệp, hai người thuê chung một căn hộ hai phòng.
Chuyện thuê nhà kiểu nào đã khiến hai người cãi nhau một trận. Trần Phổ muốn thuê một căn hộ bốn phòng ngủ cao cấp ở trung tâm thành phố, anh ở phòng ngủ chính, Lý Cẩn Thành ở phòng ngủ phụ, còn lại một phòng là phòng tập thể hình và một phòng là phòng làm việc. Hai phòng phía sau sẽ do anh thuê, Lý Cẩn Thành chỉ cần trả tiền một phòng là được.
Lý Cẩn Thành không đồng ý, được chú thím nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ nên Lý Cẩn Thành đã quen với việc chi tiêu hợp lý, không nợ nần ai, vì tính đến khi trưởng thành anh đã nợ quá nhiều rồi.
Lý Cẩn Thành vốn định thuê nhà ở gia viên Triều Dương, ở gần đơn vị, rất tiện. Trần Phổ nhất quyết không chịu, anh nói mình nhìn thấy khu chung cư đấy đã thấy tởm. Hơn nữa lúc ấy Trần Phổ đang ở phân cục khác nên lấy lý do chỗ làm ở xa. Cuối cùng, hai người thỏa hiệp, thuê một căn hộ hai phòng tầm trung mà khả năng tài chính của Lý Cẩn Thành cũng dư sức chi trả.
Một năm hơn ấy, hai người làm việc ở phân cục khác nhau, không còn như hình với bóng. Đôi khi chỉ có những buổi tối tan làm, cùng nhau xem bóng đá, nhâm nhi đĩa lạc. Đôi khi chỉ có cuối tuần mới có thể cùng nhau đi ăn cơm, hoặc là đi chơi bóng rổ. Nhưng đó là cảm giác rất an toàn, bạn biết luôn có người ở phía sau lưng bạn, hiểu được chí hướng của bạn, là cạ cứng của bạn, để bạn có thể sẻ chia niềm vui nỗi buồn khó nói với người ấy. Cậu ấy sẽ mãi mãi ủng hộ bạn vô điều kiện, đối xử tốt với bạn, giống như một tảng đá ngầm vững chắc với những góc cạnh mềm mại, đứng sừng sững trên con đường đời của bạn.
Đương nhiên cũng có nhiều khi hai người mâu thuẫn. Ví dụ như Trần Phổ hay để vớ cả tuần không giặt, Lý Cẩn Thành vừa chửi vừa giặt giúp anh. Trần Phổ kiến nghị thuê nhân viên dọn vệ sinh, Lý Cẩn Thành từ nhỏ đã cần kiệm mắng Trần Phổ lười như heo, căn nhà nhỏ như mắt muỗi mà còn phải thuê người làm.
Có lần, Trần Phổ tiêu hết sạch tiền, mà lại không rút tiền kịp nên mượn Lý Cẩn Thành 2000 tệ. Nào ngờ anh lại dùng 2000 tệ đấy mua áo phông, rồi tiếp tục vay Lý Cẩn Thành tiền ăn, khiến Lý Cẩn Thành tức gần chết.
Trần Phổ khi ấy đỏm dáng, cũng rất sành điệu, anh mua rất nhiều giày dép áo quần hàng hiệu, thích uốn tóc, còn chăm sóc da. Những món đồ hiệu anh mua thường đơn giản sang trọng, logo chìm nên cấp trên cũng không nhìn ra, còn khen anh mặc áo phông cùng kiểu dáng nhưng sao trông bảnh hơn người ta. Chỉ có Lý Cẩn Thành biết cái thằng này hướng ngoại part-time và phá của cỡ nào.
Có lần hai người đi uống bia ăn xiên nướng, nhắn đến chuyện sau này kết hôn sinh con, Trần Phổ nói: “Đương nhiên sau này tớ phải làm bố nuôi của con cậu.”
Lý Cẩn Thành nghe vậy liền nhíu mày lại, làm anh em thì được chứ làm bố nuôi thì khỏi, chiều hỏng con ảnh thì biết làm thế nào?
Khi ấy hai cảnh sát hình sự trẻ tuổi chẳng có phiền não gì, bị cấp trên mắng cũng dửng dưng như không, phá án không xong thì đi uống rượu như thường, dù sao trời sập thì cũng đã có các đội trưởng các thầy đỡ hộ. Hai người ưu tú, bảnh trai như vậy, tương lai chắc chắn sẽ là tinh anh của cảnh sát hình sự, tương lai rộng mở.
Hơn một tháng trước khi Lý Cẩn Thành mất tích, Trần Phổ tham gia một nhiệm vụ quan trọng nên phải đi công tác, thậm chí còn không được mang theo điện thoại. Khi anh về Tương Thành mới biết Lý Cẩn Thành xảy ra chuyện. Lúc đó phân cục cũng đã huy động lực lượng hùng hậu tìm kiếm một khoảng thời gian. Trần Phổ cũng theo các đồng nghiệp của Lý Cẩn Thành tìm kiếm vào mỗi ngày trời chưa sáng, còn cả sau khi tan làm và những ngày cuối tuần không cần phá án.
Nhưng họ không thu hoạch được gì.
Vì hôm đó sau khi tan làm, Lý Cẩn Thành hành động một mình không báo cáo lên cấp trên, nên không được coi là mất tích khi làm nhiệm vụ. Sau đó, do xảy ra những vụ án quan trọng khác nên án Lý Cẩn Thành buộc phải tạm gác lại, có thời gian lại tìm tiếp.
Chỉ có Trần Phổ vẫn dành mỗi buổi tuần rảnh rỗi để đi tìm. Dần dà, anh cũng thay đổi, trở nên kiệm lời, tóc tai bù xù. Anh vứt những bộ quần áo đẹp vào trong tủ, cũng không còn tâm trạng mặc chúng, tiền cũng ít tiêu, chỉ có vệ sinh là vẫn không làm. Không có Lý Cẩn Thành, anh nhờ mẹ thuê nhân viên dọn vệ sinh đến, nhưng không được bước vào phòng của Lý Cẩn Thành.
Từ nhỏ tới lớn hiếm khi Trần Phổ khóc, toàn là anh làm người khác phải khóc. Nửa năm sau khi Lý Cẩn Thành mất tích, có lúc một mình anh ngồi trong nhà, ôm mặt khóc tận mấy lần. Sáng sớm thức dậy còn lấy đá chườm mặt, sợ bị người ta phát hiện.
Sau này, một tối nọ, Trần Phổ nằm mơ, anh mơ thấy Lý Cẩn Thành mặc bộ quần áo ngày anh mất tích, máu me bê bết, gầy đi rất nhiều, trên người còn bẩn thỉu vô cùng.
Lý Cẩn Thành vẫn nở nụ cười hiền hòa như mọi khi, nói rằng, Trần Phổ, tớ đã qua đời rồi, bị người khác hại chết. Cậu phải minh oan cho tớ. Tớ là một cảnh sát, không thể vô cớ biến mất khỏi thế giới này.
Khi Trần Phổ tỉnh dậy, nước mắt đã thấm ướt nửa bên gối. Anh biết mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này.
Vì nếu đến cả anh cũng từ bỏ việc tìm kiếm, thì có lẽ Lý Cẩn Thành sẽ bị chôn ở một nơi tối tăm ngột ngạt nào đó, không còn được nhìn thấy ánh mặt trời.
Dù sao Lý Cẩn Thành cũng là một người rất thích tắm nắng, bởi vì thím anh cậu ấy là một bác sĩ y học cổ truyền, thím nói tắm nắng như vậy giúp bổ dương khí.
Khi ấy Trần Phổ đã hạ quyết tâm, khi nào chưa trút hơi thở cuối cùng thì anh vẫn sẽ tìm, sống phải thấy người, chết phải thấy xác.
——
Trần Phổ đưa Lý Khinh Diêu đến phòng 101, tòa nhà 17 Gia viên Triều Dương.
Lần này Trần Phổ không chung tổ với người khác, vì anh biết cô nhất định sẽ đến.
Tòa nhà 17 nằm ở một góc đối diện khác của Gia viên Triều Dương, khá xa chỗ hai người đang ở. Do nguyên nhân địa hình, nên tòa nhà này cách những tòa nhà xung quanh một khoảng nhất định, chỉ có năm tầng, mỗi tầng có hai dãy nhà bốn căn.
Căn hộ vô cùng cũ kỹ, mặt tường bong tróc, dán đầy những quảng cáo. Phòng 101 nằm ở cuối đầu Đông, hai người bước vào cửa phòng, phát hiện cửa phòng 101 đã được bịt kín bằng bức tường xi măng trắng, hai người lại đi một vòng quanh căn phòng, nhìn thấy cửa chính mở ra một khu vườn nhỏ. Trong khu vườn trồng các loại rau, còn phơi quần áo, có người đang xào rau “xèo xèo” trong bếp.
Lý Khinh Diêu tiến lên gõ cửa, một người phụ nữ ba mươi tuổi mở cửa, nhìn hai người với vẻ ngờ vực. Hai người xuất trình thẻ ngành, sau khi nói chuyện sơ qua liền biết hiện có một đôi vợ chồng sống tại đây, đều là nông dân đến Tây Thành làm công nhân. Hai người thuê phòng từ hai năm trước, không biết gì về hộ thuê trước đó nhưng đã cung cấp thông tin liên lạc của chủ nhà. Trần Phổ gọi điện nhờ đồng nghiệp trong Cục Cảnh sát kiểm tra căn cước của người phụ nữ và những người khác, không có gì bất thường.
Hai người lại vào trong quan sát, đây là một căn hộ ba phòng ngủ, phòng khách rất rộng. Đã bảy năm trôi qua, không tìm được bất cứ vết tích nào chứng minh Lưu Hoài Tín từng sống ở căn hộ này.
Lý Khinh Diêu gọi điện cho chủ nhà, nghe giọng là một người trẻ tuổi, đang làm việc tại Khu Phát triển Kinh tế Phía Nam, chạy xe 40 phút mới đến. Lý Khinh Diêu hẹn anh ta, lập tức lái xe đến nói chuyện trực tiếp với anh ta.
Ba người hẹn gặp nhau trong quán cà phê dưới tòa nhà văn phòng.
Chủ nhà tên Châu Huy, ba mươi tuổi, ba năm trước vừa mới du học về nước. Khi hỏi đến căn nhà ở gia viên Triều Dương, anh ta nói vì mình ở nước ngoài nên hoàn toàn không biết gì về hộ thuê trước đó, căn nhà do người mẹ góa của anh ta cho thuê, và đã bệnh nặng qua đời từ hai năm trước.
“Vậy cậu có danh sách thuê phòng, sổ sách hoặc danh sách chuyển khoản ngân hàng hồi đó không?” Trần Phổ hỏi.
—Hết chương 30—
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT