CHƯƠNG 01 “Cô giáo Thịnh, đã lâu không gặp.”

Editor: Cỏ May Mắn

Ngày Thịnh Tuệ gặp Chu Thời Dư là một ngày nắng tháng ba rực rỡ khác thường.

Mùa xuân se se lạnh, nắng chan hòa rọi chiếu, từng làn gió mát lạnh lẻn bay vào cửa sổ như muốn khuấy động sự nghiêm túc của phòng giáo viên lúc này.

Tâm trạng của Thịnh Tuệ không bằng một phần mười so với tiết trời đẹp đẽ ngoài kia. 

“Hai ngày! Mới khai giảng hai ngày mà con tôi đã bị thương!”

“Một lớp có sáu đứa thôi mà cũng không quản được? Sao cái trường này lại tuyển một giáo viên vô trách nhiệm như thế?”

Văn phòng giáo viên cực kỳ im ắng, chỉ có tiếng mẹ học sinh vang ra từ đầu dây bên kia của điện thoại, từng từ từng chữ rất rõ ràng.

Hai bên thái dương Thịnh Tuệ đau nhói, cô gượng cười: “Chị đừng kích động, đứa nhỏ chỉ bị xước da thôi ạ.”

“Đây là việc nhỏ hả? Hôm nay trầy da, ngày mai té gãy chân, nếu xảy ra chuyện lớn làm chậm trễ con tôi thì cô bồi thường nổi không?”

“Tôi mặc kệ, hôm nay cô phải kêu phụ huynh của đứa đó đến đây, nếu không tôi lên sở giáo dục khiếu nại cô!”

“……”

Cuộc gọi kết thúc, văn phòng chìm vào sự tĩnh lặng cực độ.

Một lúc lâu sau, Tề Duyệt – giáo viên dạy toán đối diện Thịnh Tuệ mới dám ngẩng đầu lên, nhỏ giọng xin lỗi: “Thật lòng xin lỗi chị, học sinh bị thương trong tiết của em mà lại hại chị bị mắng.”

Ở trường học giáo dục đặc biệt, học sinh đều là trẻ tự kỷ, hiếu động hoặc là những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ. Nhất là với những đứa trẻ càng nhỏ tuổi, tranh cãi xung đột rồi bị thương cũng là chuyện thường ở huyện.

Sự việc buổi sáng thực ra rất đơn giản. Lúc Tề Duyệt đang trong lớp, một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) làm rớt bánh bao nhân thịt lên con thú bông ở trên bàn, sau đó, trò ấy bị bạn cùng bàn đẩy ngã xuống đất, kèm theo tiếng hét chói tai.

Thịnh Tuệ từ văn phòng bên cạnh chạy như bay đến để kiểm tra vết thương của học sinh.

Cũng may chỉ trầy xước ngoài da, không bị thương ở đầu và mắt.

Nếu ở một trường tiểu học bình thường, một đứa trẻ bảy tuổi bị trầy xước ở mặt, có lẽ không cần thông báo cụ thể cho phụ huynh. Nhưng tình hình ở trường giáo dục đặc biệt thì khác.

Hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm cũ từ chức vội vàng, Thịnh Tuệ mới tiếp nhận lớp có hai ngày nên chưa kịp trao đổi với từng phụ huynh, phản ứng đầu tiên sau khi thấy đứa trẻ bị thương chính là gọi điện thông báo.

Vậy nên mới có cuộc trò chuyện vừa rồi.

“Hôm nay may nhờ có chị.” Tề Duyệt tiến lại gần Thịnh Tuệ, trong lòng còn thấy kinh hãi: “Nếu là em, nhất định lúc bị mắng sẽ khóc ngay tại chỗ.” 

Thịnh Tuệ nghe vậy thì hơi nhíu mày.

Trốn tránh trách nhiệm không nên là phản ứng đầu tiên sau khi gặp vấn đề.

Là chuyện liên quan đến học sinh, không thể để chậm trễ, nhưng khi đối xử với người mới, cô vẫn cố gắng hết sức tế nhị, nhẹ nhàng đưa lời khuyên: “Bất cứ lúc nào em cũng nhớ dành sự quan tâm của mình cho học sinh.”

“Về sau em cần phải độc lập giải quyết vấn đề.”

“Chỉ có cô giáo Thịnh vừa xinh đẹp vừa tốt bụng mới bằng lòng giúp em.” Tề Duyệt thân mật ôm lấy vai cô, lấy lòng: “Khi nào chị rảnh em rủ đi uống trà sữa nhé.”

Thấy Thịnh Tuệ không đáp lời, cô ấy lại bắt lấy tay cô lắc nhẹ, giọng đáng thương: “Còn việc tìm phụ huynh của đứa nhỏ….”

“Chị sẽ gọi điện, em về lớp trông học sinh đi.” Dù biết rõ tâm tư của cô ấy, Thịnh Tuệ vẫn mềm lòng: “Lần sau nhất định phải chú ý.”

“Em biết rồi, chị là tốt nhất.”

Tiếng đóng cửa vang lên, văn phòng lại trở về trạng thái yên tĩnh.

Nụ cười trên môi nhạt đi, Thịnh Tuệ xoa xoa sống mũi cho đỡ mỏi, ngẩng đầu lên lại nhìn thấy hình ảnh bản thân bất lực phản chiếu trong màn hình đen của máy tính. 

Cô không có chiếc mũi cao và đôi mắt sâu chuẩn gu Âu Mỹ, ngược lại, cô mang nhiều nét cuốn hút của châu Á hơn:

Đường nét khuôn mặt mềm mại, ngũ quan nhỏ nhắn và thanh tú, đôi mắt hạnh trong veo, khi cô cười đôi mắt cong cong, làm người ta có cảm giác thân thiết, gần gũi, không thể không đến gần.

Hầu hết mọi người mô tả cô là một người hòa nhã, dễ chịu, cũng không ít người nói bên tai cô rằng cô trông thật dịu dàng. 

Mở máy tính văn phòng, Thịnh Tuệ nhanh chóng tìm thấy file thông tin liên lạc của phụ huynh mà giáo viên chủ nhiệm cũ đã lưu.

Cô lướt tìm số của phụ huynh Chu Dập – học sinh có con thú bông bị bẩn và đẩy bạn cùng bàn xuống đất, cũng là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ.

Trong phần thông tin liên lạc có hai số điện thoại, Thịnh Tuệ dùng điện thoại trường gọi cho số đầu tiên, ống nghe vang lên tiếng tút tút báo bên kia đã tắt máy.

Vì vậy cô gọi cho số thứ hai.

Sau 3 tiếng bíp, cuối cùng điện thoại cũng được kết nối.

“Xin chào ba mẹ của Chu Dập.” Thịnh Tuệ mở đầu: “Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em ấy, Thịnh Tuệ.”

Cô tóm tắt lại sự việc bằng một, hai câu rồi truyền đạt yêu cầu của phụ huynh có học sinh bị ngã: “Chiều nay lúc 5 giờ, ba mẹ có thể tới trường một chuyến được không?”

Tín hiệu bên kia có lẽ không tốt, Thịnh Tuệ hỏi xong mà không nhận được câu trả lời.

Cô đành phải nhắc lại thời gian và địa điểm rồi trang trọng hỏi: “Chiều nay lúc 5 giờ, xin hỏi ba mẹ có tiện tới trường trò chuyện một chút được không?”

Lần này có vẻ đầu dây bên kia đã có tín hiệu, chỉ dừng lại một lúc trước khi đáp lại cô.

“…… Được.”

Người nghe điện thoại là đàn ông.

Giọng nói của người đàn ông rõ ràng và cuốn hút, nhưng sau khi truyền qua ống nghe thì hơi khàn khàn, giọng điệu rất lịch sự và tao nhã:

“Tôi sẽ đến đúng giờ hẹn.” 

“Chờ cả sáng cũng không thấy con trả lời tin nhắn của mẹ, con thấy đối tượng xem mắt thế nào?”

11 giờ rưỡi trưa, Thịnh Tuệ đang định đi đến nhà ăn cùng đồng nghiệp thì nhận được điện thoại của mẹ. “Dì Lưu nói đằng trai rất vừa ý với điều kiện của con, hai đứa mau chọn giờ rồi gặp mặt nhau đi.”

Hồi sáng cô đã đọc tin nhắn, nội dung thì cũng là thúc giục cô đi xem mắt.

Trong lòng bất đắc dĩ, Thịnh Tuệ ra hiệu cho đồng nghiệp đi trước, cô giải thích với mẹ: “Vừa rồi bận việc nên con không nhìn điện thoại.”

“Bận đến mức không dành ra chút thời gian trả lời được sao, đừng có mà lừa mẹ.”

Mẹ cô không hài lòng cách cô trả lời qua loa cho có, giọng bà nghiêm khắc: “Có phải con định không đi xem mắt đúng không?”

Thịnh Tuệ im lặng như ngầm đồng ý, vài giây sau, cô nghe tiếng mẹ mình nghẹn ngào: “Tiểu Tuệ, sức khỏe mẹ con không tốt, ai biết được ngày nào mẹ qua đời, mẹ chỉ có đúng một nguyện vọng là tận mắt nhìn thấy con gả cho một người tốt…”

“Mẹ, ca phẫu thuật ung thư vú của mẹ được tiến hành kịp thời, bác sĩ nói chỉ cần mẹ chú ý hơn sẽ không ảnh hưởng đến tuổi thọ đâu.”

Thịnh Tuệ nhớ lại năm ngoái bệnh tật hành hạ thân xác mẹ cô, cuối cùng đành phải thỏa hiệp:

“Con đồng ý đi xem mắt, bác sĩ nói mẹ không được tức giận, chuyện này không đáng để mẹ tổn thương thân thể. Được không?”

“Không gạt mẹ chứ?”

“Không đâu, khi nào tan làm con liên lạc với người giới thiệu liền.”

“Con sắp 30 rồi, càng kéo dài càng khó kết hôn.” Mẹ cô lúc này mới vừa lòng, dặn dò: “Mẹ làm vậy là vì tốt cho con thôi, ngàn vạn lần đừng giống mẹ hồi xưa, lấy phải ba con là kẻ nghiện rượu vô dụng.” 

Thịnh Tuệ nhẹ nhàng đáp: “Con hiểu rồi, mẹ nhớ uống thuốc đúng giờ.”

Sau khi cúp máy, cô nhẹ nhõm thả điện thoại xuống bàn.

Ba mẹ ly dị khi cô còn nhỏ, như trong ký ức của Thịnh Tuệ, ba mẹ đã cãi vã và xích mích không ngừng, mãi cho đến khi mẹ cô bỏ đi và tái hôn với người mới, ba cô một mình nuôi nấng cô.

Tuổi thanh xuân của cô không có gì khác ngoài một người cha nghiện rượu, những trận đánh đập của ông và những lời đàm tiếu chỉ trỏ của những người hàng xóm.

Bị ảnh hưởng bởi chính gia đình mình, Thịnh Tuệ không ôm hy vọng gì về tình yêu và hôn nhân, cô sinh ra bản năng tránh mâu thuẫn, tránh khắc khẩu.

Giống như vừa rồi, để tránh khỏi cãi vã với mẹ, cô thà rằng lãng phí thời gian đi xem mắt.

Một bữa cơm mà thôi, Thịnh Tuệ trong lòng tự an ủi mình. Bác sĩ dặn dò người bệnh cần phải giữ tâm trạng vui vẻ, coi như dùng cô dùng hai tiếng đi ăn để đổi cho mẹ mấy ngày tâm trạng tươi vui.

Trong thế giới của người lớn, ai mà chẳng có việc mình không muốn nhưng vẫn phải làm đâu.

Cô nhanh chóng điều chỉnh cảm xúc, Thịnh Tuệ mỉm cười, cầm lấy bút tiêm insulin (*), đứng dậy đi phòng vệ sinh, khóa cửa.

(*) Bạn bấm vào đây để đọc chú thích nhé

Cô cúi đầu, kéo vạt áo lên, xé mở gói bông tẩm cồn rồi lau nhẹ, cồn làm cho hai bên eo và bụng cô thấy mát mát.

Tay trái cô kéo da bụng để cố định vị trí tiêm, tay phải cô mở nắp bút, trong lòng thầm tính toán liều insulin.

Sau đó, cô nhìn xuống, đưa cây kim dài 0.5 centimet vào da, bình tĩnh đâm kim vào cơ thể, từ từ tiêm insulin vào, giữ nguyên tư thế đó trong 10 giây rồi rút kim ra.

(*)

Toàn bộ quá trình liền mạch lưu loát.

Khi cô 14 tuổi, cô được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 (*). Mỗi ngày cô cần phải tiêm bốn lần, trước ba bữa ăn và trước khi đi ngủ. Chuỗi hành động này trở thành một phần sinh hoạt của cuộc sống cô, muốn không thành thục cũng khó.

(*)

Sau giờ nghỉ trưa, lớp học tiếp tục ca học buổi chiều, trong nháy mắt đã đến giờ tan học lúc 4 giờ rưỡi.

Phụ huynh của hai bên hẹn gặp nhau trong phòng họp, Thịnh Tuệ đích thân đưa 4 đứa trẻ còn lại của lớp học ra cổng trường, đồng thời nhờ Tề Duyệt trông coi 2 học sinh còn lại.

Sau khi tiễn các học sinh, cô về lại văn phòng, vừa đi đến khu dạy học tầng 3, cô nhận được điện thoại từ Tề Duyệt.

Trong điện thoại, giáo viên dạy toán trẻ tuổi không giấu được vẻ kích động: “Cô giáo Thịnh có biết không, hóa ra ba của Chu Dập là Chu Thời Dư! Bây giờ anh ấy đang ở phòng họp trên lầu 3, chị đi xem một chút đi!”

Thịnh Tuệ đang đứng ở góc cầu thang, cô thả chậm bước chân, nhìn về phía phòng họp cuối hành lang đông nghịt người.

“… Chu Thời Dư?”

Cô hơi nhíu mày, đọc lẩm nhẩm tên người đàn ông, cảm thấy cái tên này quen tai quá.

Ngày hôm qua Chu Dập tan học, bảo mẫu trong nhà tới đón cậu bé, cô cũng chưa bao giờ gặp người được gọi là “ba”.

Rốt cuộc là ở đâu nhỉ? Cô đã nghe cái tên này nhiều hơn một lần rồi.

“Chị không biết Chu Thời Dư sao? Đó là ông trùm trong giới đầu tư mạo hiểm, có giá trị hơn chục tỷ, được mệnh danh “bách phát bách trúng” trong giới đó! Nghe nói anh ấy chưa đến 30 tuổi nhưng sao có đứa con lớn vậy nhỉ…”

Giọng nói hào hứng của Tề Duyệt vẫn quanh quẩn bên tai, Thịnh Tuệ đi đến cửa phòng họp.

Nhìn đám đông ở đằng xa cách năm, sáu lớp, cô đã thấy rõ nét mặt của người đàn ông trong phòng họp, chợt hiểu sự quen thuộc vừa rồi là từ đâu mà ra.

Trong đời nhất định sẽ gặp được một người như vậy. Cho dù giữa hai người không hề có điểm chung, cho dù thời gian trôi qua đã rất lâu, chỉ bởi vì người ấy đủ xuất sắc, người ấy sẽ luôn có một vị trí trong ký ức của bạn.

Ít nhất đối với Thịnh Tuệ, Chu Thời Dư chính là một sự tồn tại như vậy.

Trong 3 năm cấp ba, cô đã nghe rất nhiều huyền thoại về Chu Thời Dư, mỗi lần đến các kỳ thi lớn, cô sẽ âm thầm “vái lạy xin vía” học thần (*) để đạt điểm cao.

(*) Học thần: không học nhiều nhưng điểm vẫn cao.

Người đàn ông cô nhìn thấy không còn là cậu thiếu niên đứng dưới cột cờ danh dự của trường nữa, anh đang ngồi trên ghế sô pha, quay lưng về phía ánh đèn, tư thế bình dị nhưng nghiêm túc.

Chu Thời Dư mặc một bộ vest màu đen sang trọng, bên trong là một chiếc áo sơ mi màu trắng, nút áo vest gài lại tôn lên phần eo hẹp, cổ áo cũng được cài nút trên cùng. 

Lần theo chiếc cổ mảnh khảnh là yết hầu, đường viền hàm sắc nét, đôi môi mỏng, đôi mắt đen sâu thẳm bên dưới chiếc kính gọng vàng, tất cả toát lên vẻ lãnh đạm và cấm dục.

Trước mặt người đàn ông này, thầy chủ nhiệm thậm chí còn không dám ngồi xuống, dạ thưa liên tục, khom người rót nước: “Chuyện vặt vãnh như vậy, thật xin lỗi đã làm phiền anh Chu đích thân đi một chuyến.”

“Cô giáo Thịnh cũng thật là, sao lại gọi điện làm phiền anh tới tận đây chứ…”

Chu Thời Dư rũ mắt nhìn người trước mặt đang bận rộn, chân anh vắt chéo, bàn tay đang đặt trên đầu gối, mười ngón thon dài. Tuy cách nhau một khoảng nhưng Thịnh Tuệ có thể nhìn thấy rõ ràng từng khớp xương và đường gân nổi trên mu bàn tay anh gợi lên cảm giác mạnh mẽ.

Rõ ràng là được gọi đến để trao đổi với giáo viên, Chu Thời Dư vẫn bình tĩnh, trên môi mang theo nụ cười ôn hòa khiêm tốn, nhưng lại có tư thái của cấp trên.

Khi thầy chủ nhiệm bưng nước để lên bàn, người đàn ông mới chậm rãi gật đầu, đôi môi mỏng khẽ cong lên, giọng nhẹ nhàng và lịch sự đáp: “Anh vất vả rồi.”

Chủ nhiệm được tôn trọng đâm ra hoảng sợ: “Không, không có gì.”

“Bình thường thầy chủ nhiệm dữ như vậy, sao hôm nay lúng túng thế.”

“Trời, cô còn không nhìn xem người đối diện ông ấy là ai. Đó là Chu Thời Dư, một ngày kiếm được biết bao nhiêu tiền, chắc gấp mấy lần chúng ta cộng lại.”

“Nghe nói sân vận động mới khởi công và khu ký túc xá đều là do anh ấy chi tiền, đừng nói là chủ nhiệm, đến hiệu trưởng nhìn thấy anh ấy cũng đến cúi đầu khom lưng nữa kìa.”

Đồng nghiệp ở ngoài hành lang xì xào bàn tán, rất nhanh đã có người phát hiện ra Thịnh Tuệ, họ đều tự giác nhường đường cho cô.

“Cô giáo Thịnh đưa học sinh tan học sẽ quay về ngay….”

Chủ nhiệm liến thoắng giải thích, nghe thấy tiếng huyên náo ngoài cửa liền liếc sang, thấy Thịnh Tuệ thì vội vẫy tay kêu cô tới: “Tiểu Thịnh lại đây, vị này chính là tổng giám đốc Chu – Chu Thời Dư.”

Cô biết đối phương có thân phận tôn quý nên chân bước nhanh đi vào phòng họp.

Chu Thời Dư lại chủ động đứng dậy trước, cười dịu dàng, lặng lẽ đợi Thịnh Tuệ dừng lại trước mặt anh, những người xung quanh nhìn họ với ánh mắt kinh ngạc.

Cả hai đứng đối diện nhau, sự chênh lệch chiều cao giữa hai người lộ ra ngay lập tức.

Thịnh Tuệ gần 1m7 đã được coi là cao, cô phải ngẩng đầu lên mới có thể đối mắt với Chu Thời Dư, người đang rũ mắt xuống nhìn cô.

Khác với khuôn mặt lạnh lùng và khí thế trấn áp người khác, ở cự ly gần nhìn đôi mắt đen nhánh sau cặp kính gọng vàng, càng nhìn kỹ sẽ thấy ôn hòa điềm đạm giống như gió mùa xuân.

Nho nhã mà nghiêm nghị, dịu dàng mà sâu sắc, những từ ngữ mô tả cái đẹp đều có thể dùng được cho anh.

Bốn mắt nhìn nhau, Thịnh Tuệ nhớ tới cuộc gọi vừa nãy của Tề Duyệt, mở đầu tự giới thiệu: “Chào ba của Chu Dập, tôi là chủ nhiệm lớp em ấy, Thịnh Tuệ.”

Vừa dứt lời, đuôi lông mày của người đàn ông hơi nhấc lên, trong đáy mắt có một tia kinh ngạc lướt qua, nhanh đến mức khó phát hiện.

Thịnh Tuệ bắt gặp biểu cảm cực nhỏ đó nhưng cô không nghĩ gì nhiều.

Bởi vì trong giây tiếp theo, Chu Thời Dư đã chủ động đưa tay về phía cô, với nụ cười nhã nhặn, phong thái của anh giống như một quý tộc thời Trung Cổ bước ra từ bức tranh sơn dầu quý giá: “Cô giáo Thịnh, lâu rồi không gặp.”


Editor có lời muốn nói: Bộ truyện dài thứ hai của nhà Cỏ đây~

Cá nhân mình rất tâm đắc bộ truyện này. Tác giả có cách xây dựng nhân vật khá thú vị; mối tình đẹp chữa lành lẫn nhau của nam nữ chính làm mình cảm giác như được sưởi ấm vậy! Có vài tình tiết làm mình rung động giùm nhân vật luôn hôhô 🤣

Hy vọng khả năng của mình có thể truyền tải được nét hay ho hấp dẫn của bộ truyện cho các bạn nhen 🥺🤗

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play