Lúc Phương Quả tỉnh lại đã tầm một giờ trưa.
Ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ chiếu lên da đã lâu nên thấy nóng hổi.
Phương Quả bật dậy, nhưng cái eo đau nhức khiến cậu lại nằm xuống, phải mất hồi lâu mới tạm thích nghi được con đau như muốn gãy đôi thắt lưng này. Cậu đứng dậy, tay chân tê rần cứng ngắc, toàn thân ê ẩm, nhất là từ chỗ xương cụt chạy dài vào trong chỗ kín, vừa nóng vừa rát.
Mở cửa bước ra ngoài, mặt Phương Quả ngay lập tức trắng bệch.
Chỉ thấy trước mắt sừng sững một tấm bia đá, là một nấm mồ.
Đối diện cửa phòng là một ngôi mộ! Mộ chôn người chết!
Thực ra, đối với chuyện xảy ra hôm qua Phương Quả vẫn còn nhớ mang máng, những hình ảnh triền miên, những áp chế cưỡng đoạt, những lần cực khoái, lại còn xấu hổ khóc lóc xin tha, và cả những tiếng rên rỉ không kiềm chế được.
Huống chi, khi cơ thể hoàn toàn tỉnh táo, dư vị đọng lại trên cơ thể nói cho cậu biết những thứ tưởng là mộng kia thật sự đã xảy ra.
Âm hôn, lúc chết người nam chưa lập gia đình thì tìm xác nữ hợp táng.
Hai kẻ đã chết thành thân cũng phải mời bà mai, tam thư lục lễ*, kiệu tám người khiêng. Nhưng cậu là người sống, bị người ta lừa thành thân với một ma nam, và rồi động phòng trong mơ hồ.
*Tam thư lục lễ:
Tam thư: là 3 lá thư do đàng trai gửi sang họ nhà gái để đưa tin, xin báo và chuẩn bị dàn xếp các nghi thức.
– Thư đầu ngỏ ý muốn cầu hôn và xin được bước sang nhà gái để bàn tính mọi chuyện khi hai bên đã thuận.
– Thư thứ hai là sau lễ Dạm ngõ (Nạp thái), họ nhà trai chọn ngày lành, tháng tốt nhờ người mai dong sang họ nhà gái hỏi ngày sinh tháng đẻ và tên tuổi của người con gái mà họ muốn cưới.
– Thư thứ ba là sau Lễ Hỏi (Nạp tế), họ nhà trai xin họ nhà gái ngày, giờ rước dâu. (kèm ngày giờ dự kiến bên nhà trai đã xem sẵn)
Xưa trong việc giá thú có sáu lễ , theo “Chu Công Lục Lễ” lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tế, thỉnh kỳ và thân nghinh.
1- Lễ nạp thái: là một lễ đến nhà gái để ngỏ ý về việc đã chọn một người con gái gia đình ấy.
2- Vấn danh: theo đúng nghĩa chữ vấn danh, lễ này cốt để nhà trai hỏi rõ tên, tuổi người con gái và mẹ đẻ người ấy, để biết rõ hơn về thân thế cũng như sự giáo dục của người này.
3- Nạp cát: lễ này có nghĩa là nhà trai đã bói được quẻ tốt về hôn nhân giữa đôi trai gái.
4- Thỉnh kỳ: lễ này có mục đích xin nhà gái ấn định ngày làm lễ cưới dựa theo ngày tháng tốt xấu.
5- Nạp tế: đưa sính lễ tới nhà gái.
6- Thân nghinh: là lễ đón dâu về nhà trai.
Chuyện này khiến cho Phương Quả khó lòng chấp nhận, thậm chí còn tức giận hơn là sợ hãi.
Cậu bước qua nhìn nấm mồ, bên trên có tên và ảnh người con trai đó.
Vệ Nhiên.
Phương Quả chưa bao giờ gặp anh trai Vệ Duy, nhưng hiện tại người này đã là chồng quỷ của cậu.
Phương Quả càng nghĩ càng tức, càng nghĩ càng giận.
Ngay trước bia mộ có để một ít tiền giấy nhang đèn, dưới cơn giận dữ, Phương Quả đá bay hết cả, thậm chí cậu còn muốn đào mả lấy xương vứt ra đồng không mông quạnh phơi nắng cho tan thành mây khói.
Đáng tiếc, cậu chỉ là một sinh viên yếu đuối, dù đã đi làm một năm cũng chỉ là nhân viên văn phòng, nói theo kiểu các cụ ngày xưa thì chính là thư sinh tay trói gà không chặt. Còn nữa, với cơ thể cậu lúc này, động tác hơi mạnh một tẹo như đá mớ tiền vàng đèn nhang thôi cũng đủ khiến cậu đau trợn cả mắt.
Phương Quả hết cách đành quay lại phòng, nhưng đập vào mắt chính là chữ hỷ đỏ chót to đùng bên trong, thật mỉa mai thay.
Âm hôn là bái đường cùng người chết, thuộc việc hiếu hỉ*, cho nên phòng ốc trang trí nửa đỏ nửa trắng, nhìn vào quỷ dị hết mức. Hơn nữa, nguyên căn nhà chỉ có một mình cậu, không một tiếng vang, im lặng đến mức khiến người khủng hoảng.
* Việc hiếu hỉ: là việc ma chay cưới hỏi.
Phương Quả vào phòng, cố gắng lờ đi cái giường lộn xộn để tìm hành lý của mình, kiểm tra thấy không mất gì liền kéo va li ngang qua cái bàn có để mấy khay trái cây khô và một bài vị.
Bài vị dùng chữ vẽ bùa nhũ vàng viết tên Vệ Nhiên, đây là bài vị của hắn.
Đêm qua cậu đã thành hôn cùng nó.
Phương Quả hoàn hồn, không nhìn tấm bài vị nữa, vội vội vàng vàng kéo hành lý chạy đi.
Không đi chất vấn dân bản không phải vì cậu hèn nhát. Mà bởi cậu lý trí hơn cả sự phẫn nộ. Nơi này xa xôi hẻo lánh, hẳn là có luật lệ riêng. Riêng việc lừa một cậu trai cưới ma, hại đến mạng người thế này cũng đủ cho thấy bản này chẳng có mấy người lương thiện.
Ít nhất là khi có người cả gan khiêu chiến luật lệ hoặc làm tổn hại lợi ích của bản, chắc chắn sẽ bị tấn công hội đồng.
Dù với nhiều chuyện Phương Quả được chăng hay chớ, góc độ nào đó cũng rất thơ ngây, nhưng không có nghĩa là cậu chưa từng nhìn thấy những điều xấu xa đen tối. Những thứ đen tối tà ác trên thế giới này thường hay xuất phát từ nơi xa xôi lạc hậu thiếu hiểu biết.
Người bà đã mất của Phương Quả là một bà đồng, ngày trước có giúp người ta xem nhân duyên đo vận mệnh. Có lần, nhà đại địa chủ ở bản bên cạnh mời bà sang, nói là trong nhà trúng tà, vô duyên vô cớ xuất hiện tai họa.
Bà qua đó xem, rồi xem cả mộ tổ tiên của nhà người ta. Tới khi trở lại chỉ nói một câu bó tay, bảo nhà địa chủ nên đi tìm thầy phong thủy.
Dặn đi dặn lại phải mời thầy phong thủy, rõ rằng phong thủy xảy ra vấn đề. Trong nhà thường xuyên vô duyên vô cớ xảy ra tai nạn, này do phong thủy nhà cửa hoặc phong thủy mộ phần tổ tiên.
Về nhà bà cứ lẩm nhẩm hai từ “nghiệp chướng”, và nhất thời nổi hứng kể cho cậu nghe nguyên nhân.
Bà kể, mồ mả tổ tiên nhà đại địa chủ kia là huyệt chuồn chuồn lướt nước hiếm gặp, chôn cất các cụ hai đầu trên dưới đều có nguồn nước chạy quanh, lẽ ra con cháu phải được thịnh vượng phát tài, thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng mộ phần lại bị rải vôi trắng.
Vôi trắng hút nước chống phân hủy, trên thực tế, rất nhiều ngôi mộ xung quanh sẽ rắc vôi trắng. Có điều làm vậy không hợp với kiểu huyệt chuồn chuồn lướt nước này, bởi vì nó hút sạch nước thì lấy nước đâu mà lướt?
Huyệt kia lập tức trở thành huyệt chết, tai họa sẽ ập lên đầu con cháu.
Vốn chỉ làm ăn thất bát dẫn tới táng gia bại sản, vận khí xui xẻo, chứ không đến mức hại đến mạng người.