Trong nhà tổ Viên gia ở ngõ Nhị Lang, Thôi Sàm cả người đầy máu ngồi trên ghế dựa, hai tay kết thành Bảo Bình ấn, gian nan bảo vệ túi da này không để tan vỡ. Đây không chỉ là vì túi da này rất khó tìm được, còn là vì thân thể này giống như một lồng giam khóa hồn phách của hắn lại. Trong thời gian ngắn, đừng nói là thần hồn từ kinh thành Đại Ly đi đến núi sông Long Tuyền giống như trước kia, một khi thân thể bị hủy diệt hắn sẽ hoàn toàn trở thành hồn phách phân ly, giống như người tàn khuyết, cả đời suy sụp thành cá tôm trong vũng bùn dưới đáy năm cảnh giới trung. Những lang sói hổ báo trước kia nơm nớp lo sợ nằm rạp dưới chân hắn, hôm nay muốn giết hắn sẽ dễ như trở bàn tay.
Mặc dù thể xác và tinh thần đều bị thương nặng, nhưng sau khi Thôi Sàm nhổ ra một ngụm máu, vẫn chống lên tay vịn của ghế, tay chân run rẩy đứng dậy. Trong lòng hắn biết rõ, càng như vậy thì càng không thể nằm xuống nghỉ ngơi. Hắn ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ mái nhà, nơi đó đã từng có giọng nói của thánh nhân Binh gia Nguyễn Cung truyền xuống, chỉ là lúc này hắn đã mất đi pháp thuật thần thông để trò chuyện với Nguyễn Cung.
Thôi Sàm nói với giọng khàn khàn:
- Đi ra.
Một thiếu niên tướng mạo tinh xảo không tì vết từ phòng bên mở cửa bước ra, vẻ mặt sợ hãi đi đến trước người Thôi Sàm, không biết phải làm gì.
Thôi Sàm tín nhiệm gián điệp tử sĩ của hắn ẩn nấp trong trấn nhỏ, nhưng chỉ tin tưởng sự trung thành của bọn họ với quốc sư Đại Ly là mình, lại hoàn toàn không yên tâm với thực lực của bọn họ. Hắn không hi vọng bọn họ có thể hộ tống mình bình yên trở lại kinh thành, nói không chừng còn chưa ra khỏi trấn nhỏ, một quân cờ nào đó mà Tống Trường Kính hoặc cô ả kia sắp xếp trong bốn họ mười tộc sẽ thừa cơ hành động.
Cho nên hắn ra lệnh cho thiếu niên:
- Đến tiệm rèn tìm Nguyễn sư, mời ông ta tới đây một chuyến. Cứ nói thẳng là Thôi Sàm ta có chuyện cầu ông ta, sẵn lòng làm một vụ mua bán lớn với ông ta, có liên quan đến chuyện sắc phong sơn thần núi Thần Tú. Đừng quên là phải mời. Nếu Nguyễn Cung không chịu tới, về sau ngươi cũng không cần trở lại ngôi nhà này nữa. Một chút âm hồn tạm thời được ta thu gom sắp đặt trong cơ thể ngươi, không chịu nổi mấy ngày dương khí gió mạnh bào mòn.
Sắc mặt trắng thiếu niên như tuyết, gắng sức gật đầu.
Thôi Sàm chán nản ngồi xuống ghế dựa, dặn dò:
- Sau khi ra cửa vẻ mặt hãy tự nhiên một chút, đừng ủ rũ giống như chết cha chết mẹ, nếu không kẻ ngốc cũng biết ta đã xảy ra chuyện.
Thiếu niên rụt rè gật đầu, bước nhanh rời đi.
Thật là buồn cười, suy sụp đến mức phải hạn chế phạm vi hoạt động, khóa kín lối ra của hồn phách, bây giờ còn phải giúp đỡ tu bổ, làm thợ may cho lồng giam này.
Nhưng Thôi Sàm vừa nhắm mắt lại, tiếng bước chân quen thuộc bỗng vang lên. Hắn lập tức mở mắt ra, đang muốn lớn tiếng trách mắng con rối làm việc không ra hồn này.
Nhưng khi nhìn thấy vị khách không mời bên cạnh thiếu niên bằng sứ, hắn lập tức đổi sắc mặt, cười nói với thiếu niên:
- Mang một cái ghế tới đây cho Dương lão tiền bối, bưng thêm một ly trà nữa.
Ông lão rít thuốc lá, một tay đặt phía sau người, nhìn sang chung quanh, cũng không nhìn tới thiếu niên quốc sư dáng vẻ thê thảm, cười ha hả nói:
- Cấm chế ở đây do Thôi Sàm ngươi tự tay bố trí, bây giờ có người phá cửa xông vào, chủ nhân lại còn đang ngủ say. Quốc sư đại nhân, có phải đã gặp phiền phức gì? Có cần ta giúp một tay không?
Sắc mặt Thôi Sàm vẫn như thường, lắc đầu nói:
- Không cần nữa.
Ông lão ngồi xuống ghế dựa do thiếu niên mang tới. Ông ta ngồi ở hướng đông, còn Thôi Sàm ngồi ở hướng nam nhìn về hướng bắc, đối diện với tấm biển trong nhà chính Viên gia. Ông lão nhìn vẻ mặt vừa thận trọng vừa tò mò của thiếu niên, cảm khái nói:
- Trình độ của ngươi đối với thần hồn đúng là không tệ.
Thôi Sàm hỏi:
- Bây giờ chúng ta nói chuyện, Nguyễn Cung có nghe được không?
Lão Dương cười nói:
- Tính cách của Nguyễn Cung thế nào chứ, sẽ không ăn no rửng mỡ đi rình xem động tĩnh của ngươi. Nếu không phải ngươi nhiều lần khiêu khích, ngươi cho rằng hắn sẽ để ý tới ngươi sao?
Thôi Sàm trầm giọng nói:
- Cẩn thận có thể lái được thuyền vạn năm!
Đây là lần thứ hai Thôi Sàm nói câu này với lão Dương, lần đầu là ở núi sứ cũ.
Ông lão rít thuốc:
- Có đạo lý.
Thôi Sàm yên tĩnh đợi một lúc:
- Được rồi chứ?
Ông lão khẽ gật đầu:
- Thôi quốc sư cứ nói thoải mái.
Thôi Sàm dùng mu bàn tay lau máu tươi rỉ ra khóe miệng, hỏi:
- Ta nên gọi đại tiên sinh là Thanh Đồng Thiên Quân? Hay là cái tên có danh tiếng lớn hơn...
Ông lão mặt không cảm xúc ngắt lời Thôi Sàm:
- Đủ rồi.
Thôi Sàm quả thật không nói tiếp, thổn thức cảm khái nói:
- Thực không dám giấu, vãn bối vẫn luôn hâm mộ trận chiến đó.
Hắn bỗng cười lên:
- Không hận chưa thấy các Thần Quân, chỉ hận Thần Quân chưa thấy ta. Đây là cảm khái trong lòng ta khi theo học với thầy, lần đầu tiên tiếp xúc với bí mật. Khi đó thầy đã phê bình ta không biết trời cao đất dày, ăn nói lung tung. Hôm nay nghĩ đến, thầy đã đúng còn ta thì sai.
Ông lão khoát tay nói:
- Sư môn các ngươi thầy trò bất hòa hay huynh đệ tương tàn cũng được, ta không có hứng thú.
Thôi Sàm cười nhạo nói:
- Vậy ngài tới đây chỉ để chê cười ta sao?
Lão Dương hỏi:
- Ta hơi tò mò, phiên vương Đại Ly Tống Trường Kính, một võ nhân chỉ hướng về cảnh giới thứ mười một của võ đạo, tại sao ngươi và hắn lại như nước với lửa vậy?
Thôi Sàm lắc đầu nói:
- Không phải ta và Tống Trường Kính muốn liều mạng một mất một còn, mà là Đại Ly chúng ta có một cô ả lợi hại không chấp nhận được hắn. Lúc trước đồ sứ bản mệnh của Trần Bình An bị đập vỡ, chính là do cô ta ở sau màn sắp đặt, nhằm để con trai của cô ta dễ dàng lấy được cơ duyên hơn. Nếu không có Mã gia ở ngõ Hạnh Hoa ham mê phú quý đồng ý ra tay, cũng sẽ có Lưu gia Tống gia gì đó. Đương nhiên ta không phủ nhận, sau đó ta dùng Trần Bình An để nhắm vào Tề Tĩnh Xuân chỉ là thuận theo tình thế mà thôi. Đây đúng là một trong số nước cờ thần thành hiếm hoi trong đời này của ta. Tề Tĩnh Xuân cờ cao một nước, ta nhận thua, nhưng ta vẫn không cảm thấy nước cờ này kém cỏi.
Lão Dương nhả khói, hí mắt nói:
- Đồ sứ bản mệnh vừa vỡ, thiếu niên ngõ Nê Bình kia giống như một ngọn nến, đặc biệt thu hút sự chú ý, dễ dàng tạo nên hiện tượng thiêu thân lao vào lửa một cách tự nhiên. Cô ả mà ngươi nói kia đoán không sai, thiếu nữ do thần ý tinh khí còn sót lại của con chân long kia ngưng tụ thành, lúc đầu đã dựa theo bản năng chạy đến chỗ Trần Bình An. Nhưng khi cô ta thoát khỏi cái giếng nhốt rồng kia, chạy tới ngõ Nê Bình, lảo đảo đi đến trước cửa hai nhà, mới phát giác được trong nhà Tống Tập Tân có long khí nồng nặc. Đây đúng là thức ăn ngon nhất trên đời với cô ta, cho nên liều mạng cũng muốn gõ cửa nhà hắn, chỉ tiếc không còn sức lực, mới ngã nhào vào đống tuyết trước cửa nhà Trần Bình An. Sau đó Trần Bình An đã cứu cô ta, nhưng khi cô ta tỉnh lại, đương nhiên không muốn lập giao ước với một người trần mắt thịt bình thường như vậy, dù sao đó chẳng khác nào tự sát. Đối với sinh mệnh dài đằng đẵng của cô ta, một đời ngắn ngủi của người phàm tục thật sự không đáng nhắc tới, đương nhiên cô ta không muốn chỉ đạt được tự do trong thoáng chốc. Vì thế cô ta tự xưng là tỳ nữ mới đến nhà Tống Tập Tân. Trần Bình An lại thật thà chất phác, hai tay dâng tặng phần cơ duyên đại đạo lớn nhất động tiên Ly Châu này cho người khác. Hơn nữa Trần Bình An khi đó giống như nghịch tử của họ lớn, nghịch thần của nước lớn, quả thật bị thiên đạo vô hình áp chế, không giữ được bất kỳ phúc duyên nào.
Nói đến đây ông lão lại lắc đầu:
- Nhìn thấy được nhưng không sờ được, không lấy được.
Thôi Sàm an tĩnh nghe ông lão tường thuật xong, mới trở lại chủ đề chính:
- Ngay cả hoàng đế bệ hạ cũng tin tưởng em trai Tống Trường Kính trước giờ không có hứng thú với ghế rồng. Chỉ tiếc có một lần bệ hạ thỉnh giáo ta về cờ vây, cô ả kia cũng ở bên cạnh quan sát, chỉ nước cho bệ hạ để tránh ván cờ kết thúc quá sớm.
- Bệ hạ đột nhiên hỏi ta, vị phiên vương sa trường lập nhiều công lao của ông ta, liệu có một ngày sẽ đột nhiên mang binh giết đến kinh thành Đại Ly, dùng dao trong tay đòi chiếc ghế của ông ta hay không.
- Ta đương nhiên thành thực trả lời, vương gia không sẽ làm như vậy. Nhưng nếu có một ngày, đám đại tướng võ nhân chiến công hiển hách dưới trướng vương gia nảy sinh ý định làm công thần đỡ rồng. Đến lúc đó vương gia cũng đã bước vào cảnh giới thứ mười, thậm chí là cảnh giới thứ mười một trong truyền thuyết, cảm thấy nhân sinh rất nhàm chán, cộng thêm mọi người bên cạnh đều mê hoặc xúi giục, có thể sẽ muốn mặc long bào ngồi ghế rồng xem thử, tránh làm nguội lạnh tâm tư của chúng tướng sĩ.
- Sau khi ta nói xong câu này, vị hoàng đế Đại Ly kia lại cười lên. Cuối cùng hoàng đế bệ hạ quay đầu hỏi cô ả bên cạnh, “nàng cảm thấy thế nào”. Cô ả kia nói với ông ta, “hoàng đế bệ hạ dã tâm không đủ lớn, một nửa Đông Bảo Bình Châu là có thể lấp đầy bụng. Còn Tống Trường Kính thì khác, tương lai thành tựu võ đạo của hắn càng cao thì sẽ càng muốn đi lên chỗ cao hơn”. Nghe cô ả kia nói xong, bệ hạ liền cười bảo hai chúng ta đều nói vô căn cứ, ngôn từ xúi giục, muốn hủy đi cây cột chống của Đại Ly ta, nên lôi xuống chém đầu. Có điều hôm nay là ngày lành, thích hợp đánh cờ chứ không thích hợp chém giết, tạm thời lưu lại hai chiếc đầu trên cổ các ngươi.
Lão Dương cười nói:
- Tống Trường Kính gặp phải hai đối thủ như các ngươi đúng là xui xẻo tám đời, một cô ả thì thầm bên gối, một tâm phúc vu tội gièm pha.
Thôi Sàm dứt khoát hỏi:
- Ngài tìm ta rốt cuộc có chuyện gì?
Lão Dương nói một câu kỳ quái không đầu không đuôi:
- Chúng ta tin tưởng tướng soái có giống, giàu sang có gốc, sống chết có mệnh. Các ngươi thì không tin.
Thôi Sàm không hề nhượng bộ chuyện này, hoàn toàn không tỏ ra hèn yếu vì sống chết nằm trong tay người khác, cười lạnh nói:
- Mặc dù ta không cho rằng đám người hiện giờ tốt đẹp, nhưng ta càng không cảm thấy các người là thứ tốt lành gì.
Lão Dương nhìn về Thôi Sàm:
- Nói đi, rốt cuộc Tề Tĩnh Xuân chọn Trần Bình An làm gì?
Thôi Sàm cười híp mắt nói:
- Ngài đoán xem?
Rất dễ thấy Thôi Sàm nhất định sẽ không nói ra đáp án, bởi vì chuyện này liên quan đến đạo tâm của hắn.
Lão Dương hỏi:
- Ngươi cho rằng ta sẽ không giết ngươi?
Thôi Sàm gật đầu nói:
- Ngài không dám. Cho dù là một con chó do ta nuôi, lúc này vì phú quý tiền đồ cũng có thể dám giết ta, nhưng chỉ có ngài là không dám.
Lão Dương cười nói:
- Ngươi thông minh như vậy, sao lại bại bởi Tề Tĩnh Xuân?
Thôi Sàm ủ rũ dựa lưng vào ghế, tự giễu nói:
- Tề Tĩnh Xuân đã nói một câu, có thể trả lời được vấn đề của ngài, “chuyện trên thế gian, chỉ có tấm lòng son là không thể thăm dò”.
Lão Dương lắc đầu nói:
- Xem đi, đây chính là hậu quả khi các ngươi không tin vào số mệnh, không giải thích được, hư vô mờ mịt, mây che sương lấp, không rễ không chân.
Thôi Sàm cười ha hả:
- Thế nào, tiền bối muốn ta đi theo con đường của các người?
Lão Dương hỏi ngược lại:
- Không muốn gương vỡ lại lành, trở lại đỉnh cao sao? Huống hồ ngươi tôn sùng mấy chữ “công lao sự nghiệp”, tinh túy của nó cũng có điểm giống với chúng ta.
Thôi Sàm giơ một ngón tay ra, run rẩy chỉ vào lão Dương, thiếu chút nữa cười ra nước mắt, thẳng thừng mỉa mai:
- Thôi Sàm ta tuy không so được với tiên sinh nhà ta, cũng không sánh bằng Tề Tĩnh Xuân, nhưng nếu vì cái gọi là kim thân bất hủ, kết quả lại làm một con chó săn giữ nhà giữ cửa cho người khác, bị những kẻ vốn bị ta xem thường tùy ý sai khiến, đó là ta điên hay là ngài điên? Lão tiền bối, không phải ta nói ngài, nhưng có phải ngài đã bệnh tình nguy cấp mù quáng xin chữa hay không? Hay là tình cảnh cũng giống như ta, đột nhiên gặp phải biến cố, bị phá hỏng một kế hoạch mưu đồ đã lâu?
Lão Dương hời hợt nói một câu:
- Ngươi cảm thấy ai có thể tùy ý sai khiến ta?
Thôi Sàm đột nhiên nheo mắt lại, sắc mặt nghiêm túc, im lặng không nói gì.
Lão Dương ngồi xếp bằng nhìn lên cửa sổ mái nhà, vẻ mặt an tường.
Người đời đều nói “ngẩng đầu ba thước có thần linh” (1), thực ra đã sớm không còn nữa.
Thôi Sàm hít sâu một hơi:
- Khuyên ngài một câu, nếu có động tay động chân lên người thiếu niên kia, hãy kịp thời chấm dứt đi.
Lão Dương lắc đầu, chậm rãi nói:
- Không có.
Thôi Sàm cười nói:
- Đoán rằng trước khi chết Tề Tĩnh Xuân đã thanh lý tất cả đầu đuôi rồi, cộng thêm ngài và ta cũng xem như sạch sẽ. Như vậy ngoại trừ cô ả ở kinh thành Đại Ly kia có thể mưu đồ gây rối, Trần Bình An đã không còn nỗi lo về sau ở “trên cao nhìn xuống” nữa.
Lão Dương đột nhiên nói:
- Nếu không làm người đồng đạo được, không sao, chúng ta có thể làm một vụ mua bán công bình.
Thôi Sàm cũng không cần hỏi, lập tức nói:
- Ta đồng ý.
- --------
Đi hết năm dặm đường đầu tiên, Trần Bình An bảo tiểu cô nương mặc áo bông đỏ nghỉ ngơi một lát. Sau đó là bốn dặm, rồi đến ba dặm sẽ dừng lại nghỉ ngơi. Hai người xuôi nam tạm thời phải đi đường vòng, dọc theo hướng của dòng suối, nếu không đường núi khó đi, Lý Bảo Bình sẽ hoàn toàn không theo kịp. Mặc dù tiểu cô nương thể lực xuất chúng vượt xa đám bạn cùng lứa, nhưng dù sao vẫn là một đứa trẻ tám chín tuổi, thân thể xương cốt có tốt cũng không so được với người trưởng thành. Trần Bình An không thể dùng cước lực của mình dẫn cô bé đi theo.
Hai người ngồi trên tảng đá nhẵn bóng bên khe suối. Lý Bảo Bình đầu đầy mồ hôi, nhìn thấy Trần Bình An đột nhiên tháo giày cỏ ra, xắn ống quần đi xuống nước. Có lẽ là do mặt nước đã rộng hơn rất nhiều, nước suối chỉ cao không quá đầu gối, có thể nhìn thấy rất nhiều cá nhỏ màu xanh bơi lội chung quanh, vô cùng linh hoạt, phần nhiều kích cỡ chừng bàn tay.
Từ lần đầu tiên đi vào khe suối nhỏ, Lý Bảo Bình đã mơ ước có một ngày mình sẽ bắt được cá. Nhưng cá lội gian xảo hơn con cua hay tôm càng xanh rất nhiều, cô không có cách nào để bắt chúng. Trước kia cô cũng từng học theo người khác, lén chặt một cây trúc xanh làm cần câu. Nhưng cùng là cần câu, lưỡi câu, dây câu và con giun, trước giờ cô lại không câu được cá trong khe suối. Tiểu cô nương thường nấp ở dưới bóng cây bên bờ sông, mặc dù cô có thể ngồi câu cá hết một buổi chiều, nhưng lại không có một chút thu hoạch nào. Người khác đều dùng mấy cây cỏ đuôi chó xâu đầy cá, hoặc là giỏ cá chật ních thành quả, từng người vui vẻ trở về nhà tìm cha mẹ, chỉ có tiểu cô nương là vẫn không thu hoạch được gì.
Cho nên trong suy nghĩ của tiểu cô nương, Trần Bình An có thể lên núi xuống nước, đốt than hái thuốc, câu cá bắt rắn, giống như không gì không làm được, hình tượng đã trở nên rất cao lớn. Những bí mật này cô chỉ nói với Thạch Xuân Gia.
Lúc này tiểu cô nương nhìn thấy Trần Bình An trước tiên tìm một nơi ở gần bờ, hình như cá lội phần lớn tụ tập trốn dưới những tảng đá xanh lớn ở đó. Tiếp theo hắn bắt đầu xây dựng một con “đê” ở phía thượng du, dài khoảng bằng chiều cao của Lý Bảo Bình, toàn bộ đều dùng những viên đá lớn nhỏ trong nước suối gần đó. Vẫn có dòng nước xuyên qua khe hở giữa những viên đá chảy xuống hạ du, nhưng Trần Bình An không vội dùng đá vụn và cát chặn lại, mà xây thêm hai con đê một ngang một dọc, cuối cùng giống như tạo thành một hồ nước nhỏ.
Lý Bảo Bình đi đến ngồi xuống trên bờ gần hồ nước, mở to hai mắt nhìn Trần Bình An bắt đầu lấp chỗ hở, động tác rất nhanh tràn đầy mỹ cảm. Đồng thời cô cũng phát hiện lúc Trần Bình An cúi đầu làm việc, sắc mặt bình tĩnh, vẻ mặt chuyên chú, tâm thần đắm chìm trong đó, lòng không tạp niệm.
Giống như lúc tiểu cô nương đi học ở trường làng, lần đầu tiên nhìn thấy Tề tiên sinh cầm bút viết chữ, trong lòng có một cảm giác thoải mái không nói rõ được.
Một lúc sau con đê phía thượng du đã gần như kín chặt, không còn nước chảy vào, đê ở mặt bên cũng như vậy, còn đê phía hạ du chỉ dùng để phòng ngừa cá lội chạy trốn, cho nên cũng không dùng cát trong nước suối che lại. Cuối cùng mực nước của “hồ nuôi cá” này dần dần hạ xuống.
Gương mặt nhỏ của Lý Bảo Bình tràn đầy hạnh phúc, hai tay nắm chặt lại lẩm bẩm, còn khẩn trương hơn Trần Bình An đang ngồi xuống tảng đá nghỉ ngơi một lát.
Trần Bình An bắt đầu đi vào hồ nước, dùng hai tay múc nước ra ngoài.
Lý Bảo Bình tấm tắc nói:
- Trần Bình An, anh làm như vậy là vớt sạch cá trong ao. À không đúng, đây là nghĩa xấu, phải là rút củi dưới đáy nồi!
Trần Bình An cười hỏi:
- Trước kia luôn thấy em câu cá bên khe suối, con cá lớn nhất câu được dài bao nhiêu?
Lý Bảo Bình thở dài:
- Con cá quá thông minh, em chỉ có thể dùng một cây cỏ đuôi chó dụ con cua chui ra khỏi lỗ, còn câu cá thì quá khó.
Trần Bình An phì cười hỏi:
- Có phải cần câu do em tự làm không?
Lý Bảo Bình gắng sức gật đầu nói:
- Đúng vậy. Trong góc hậu viện nhà em có một mảnh rừng trúc tía, nghe nói là do ông nội của ông nội em trồng xuống. Đám người cha em canh phòng rất nghiêm ngặt, em vừa mở miệng nói muốn làm cần câu liền bị từ chối. Vất vả lắm em mới lén lút chặt được một cây, đó là dùng kéo mài từng chút một, đúng là mệt chết.
Nước trong hồ càng lúc càng đục, đã có cá bắt đầu chạy trốn, bọt nước bắn lên tung tóe. Trần Bình An đã thấy quen chuyện này, ngẩng đầu cười nói:
- Cây trúc kia vốn không tính là quá nhỏ, em còn chặt đầu chặt đuôi?
Lý Bảo Bình ngỡ ngàng nói:
- Đúng vậy. Em sợ cần câu quá nhỏ còn cá lại quá lớn, lúc câu lên bị gãy thì phải làm sao. Nếu lại đến rừng trúc tía tìm cần câu, cho dù cha không đánh em, em cũng không muốn dùng kéo đối phó với những kia cây trúc nữa.
Trần Bình An bất đắc dĩ nói:
- Nào có ai dùng gậy trúc câu cá? Thực ra cá trong khe suối này của chúng ta cũng không lớn, cần câu mà to thì em sẽ không cảm giác được nó rốt cuộc đã mắc câu hay chỉ mới chạm vào mồi câu. Cá chẳng phải ngốc, trước khi bọn chúng nhấp vài cái sẽ không cắn lưỡi câu, nếu em kéo cần lên quá sớm chắc chắn sẽ không câu được. Câu cá phải dùng cần câu kích thước vừa phải, biết xem thời vụ và khí trời, còn phải tìm được ổ cá, nghiên cứu về lưỡi câu và mồi câu.
Tiểu cô nương mặc áo bông đỏ há hốc mồm giống như đang nghe thiên thư. Cô hơi xấu hổ, thực ra còn có một chuyện cô không nói với Trần Bình An, đó là lưỡi câu treo ở cuối dây câu trên gậy trúc, là do cô dùng kim thêu trong nhà bẻ cong mà thành, có thể hơi lớn một chút, khiến cho những con cá kia muốn nuốt vào cũng rất khó khăn.
Trong lòng Lý Bảo Bình thầm nói với mình, không sao không sao, tuổi trẻ vô tri, về tình có thể tha thứ được.
Trần Bình An thấy tiểu cô nương có vẻ phiền muộn không vui, đành phải an ủi:
- Nhưng nhiều năm như vậy em vẫn không câu được một con cá nào, anh cảm thấy càng lợi hại.
Ánh mắt Lý Bảo Bình sáng lên, giống như mở được nút thắt đã nhiều năm, trong thoáng chốc tinh thần phấn chấn.
Cô tò mò hỏi:
- Tại sao phải bắt cá, chúng ta còn nhiều đồ ăn như vậy mà.
Trần Bình An giải thích:
- Em nghĩ xem, có một câu là “ngồi ăn núi lở”, núi cũng có thể ăn hết huống hồ là hai cái gùi nhỏ của chúng ta. Cho nên phải tiết kiệm một chút, đường sau này còn dài.
Lý Bảo Bình cũng cho rằng như vậy, nóng lòng muốn thử:
- Dạy người dùng cá không bằng dạy người bắt cá, chuyện giống như vậy, còn có chặt trúc làm cần câu và câu cá, mò cá, sau này anh có thể dạy em.
- Chụp lấy.
Trần Bình An ung dung bắt một con cá bàn đá xanh đỏ đan xen, mỉm cười nhẹ nhàng vứt cho tiểu cô nương, nhìn Lý Bảo Bình luống cuống tay chân nói:
- Em tuổi còn nhỏ, nên làm những chuyện trong khả năng là được rồi, không cần chuyện gì cũng so sánh với anh. Anh vốn là người trông nom em đến thư viện Sơn Nhai nhập học.
Tiểu cô nương rất vất vả mới dùng hai tay bắt được con cá kia, lời lẽ đanh thép nói:
- Sai rồi, sai rồi. Tề tiên sinh từng nói chúng ta phải đọc vạn quyển sách, cũng phải đi vạn dặm đường. Trong cái gùi của em chỉ có năm quyển sách, còn lại phải đến lầu chứa sách trong thư viện, nhưng đi vạn dặm đường cũng là chuyện người đọc sách nhất định phải làm. Cắp sách du học chính là vác theo hòm sách, vừa ngắm nhìn non sông tươi đẹp vừa rèn luyện đạo đức học vấn, hai cái không thể thiếu một, nếu không thì sẽ như người què đi đường.
- Bên cạnh em có rất nhiều cỏ đuôi chó, cứ đâm qua mang cá là có thể xâu vào với nhau, nếu sợ đứt thì có thể ghép hai ba cây cỏ đuôi chó lại.
Trần Bình An vừa dạy cô bé cách xử lý chiến lợi phẩm vừa nói:
- Cắp sách du học là vác hòm sách sao? Vậy có phải giống như loại mà Trần Tùng Phong quận Long Vĩ vác theo, làm bằng trúc, rất đẹp mắt? Sau này nếu đi qua rừng trúc, anh có thể làm cho em một cái, vừa lúc cũng muốn làm một chiếc cần câu. Phải biết lợi dụng tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục đi xuống thì nước sẽ sâu hơn, không thể dùng phương pháp hôm nay để bắt cá.
Tiểu cô nương ngồi xổm bên bờ, lần lượt xâu những con cá bàn đá bị ném lên bờ. Nghe được lời này liền cao hứng đến nhảy lên:
- Thật sao?
Trần Bình An cười nói:
- Anh lừa em làm gì? Ài, cẩn thận cẩn thận, đừng nhảy nữa, coi chừng cả người lẫn cá rơi vào trong suối. Cá chạy không thoát, người lại cảm lạnh thì phải làm thế nào.
- Vui quá, vui quá, cuối cùng em cũng sắp có hòm sách nhỏ của mình rồi!
Trần Bình An ngồi xuống dòng suối gần như khô cạn thấy đáy, đầu dán vào đá, đưa tay vào phía dưới tảng đá mò cá:
- Loại cá này phơi khô là có thể ăn sống, nếu em ngại bẩn thì anh sẽ bỏ nội tạng đi, trước kia thì anh không cần.
Lý Bảo Bình đấu tranh trong lòng một phen, rụt rè nói:
- Hay là cứ bỏ nội tạng đi.
Trần Bình An lại móc ra một con cá bàn đá, nhẹ nhàng ném vào bụi cỏ trên bờ:
- Tùy em thôi, cứ để anh làm là được.
Lý Bảo Bình tay xách ba xâu cá vội vàng nói:
- Để cho em.
Trần Bình An gật đầu, tiếp tục mò cá dưới tảng đá.
Sau chốc lát bỗng nghe một tiếng “tũm”, tiểu cô nương đứng trong nước suối cách đó không xa đang gào khóc.
Trần Bình An vội vàng đứng dậy, chạy nhanh tới, khẩn trương hỏi:
- Sao rồi?
Tiểu cô nương khóc đến xé nát ruột gan:
- Có một con cá, em vừa lấy từ trên cỏ đuôi chó xuống, nhìn giống như sắp chết rồi. Không ngờ vừa bỏ xuống nước, nó liền quẫy đuôi lập tức bỏ chạy! Em không bắt kịp...
Trần Bình An cười đến sặc sụa, trước tiên khom người giúp cô bé xắn ống quần đã ướt đẫm lên, nhẹ nhàng ôm cô bé lên bờ, bảo cô tháo giày ra, nói rằng mấy con cá này cứ để hắn đối phó.
Tiểu cô nương ngoan ngoãn cởi giày, nhưng vẫn khóc rất thương tâm, luôn cảm thấy mình đã làm một chuyện có lỗi với Trần Bình An, giống như trời cũng sắp sập xuống.
Trần Bình An ở một bên thành thạo mổ bụng cá, bỏ hết nội tạng, cố gắng nhịn cười, nghĩ thầm không nên xát muối vào vết thương của tiểu cô nương thì hơn.
Cuối cùng hắn quay đầu nhìn về phía Lý Bảo Bình, nhẹ nhàng nhấc ba xâu cá đã xử lý sạch sẽ lên.
Đúng là thu hoạch lớn.
Tiểu cô nương nín khóc mỉm cười, mặt đầy nước mắt cười hì hì nói:
- Chạy mất một con, vẫn còn nhiều như vậy à.
Trần Bình An đi đến ngồi xuống bên cạnh cô bé, đưa ba xâu cá cho cô, xoa đầu cô nói:
- Đúng vậy, cho nên về sau gặp phải chuyện như vậy cũng không cần thương tâm.
Tiểu cô nương giơ ba xâu cá lên cao, đặt ở trước mắt mình, vui vẻ nói:
- Được rồi!
Trần Bình An dịu dàng nói:
- Sau này sẽ làm cho em mấy đôi giày cỏ vừa chân, bảo đảm sẽ không trầy xước chân.
Hai mắt tiểu cô nương sáng lên:
- Có thể sao?
Trần Bình An cúi đầu giúp cô vắt nước trên ống quần:
- Rất đơn giản.
Tiểu cô nương thở dài:
- Anh cái gì cũng biết, còn em thì chẳng biết gì cả.
Trần Bình An cười nói:
- Sau này em có thể dạy anh đọc sách viết chữ. Hiện giờ chữ mà anh biết không nhiều, chỉ khoảng năm trăm chữ.
Lý Bảo Bình vừa nghe đến chuyện này, lập tức gật đầu giống như gà con mổ thóc:
- Một lời đã định!
Hai người ngồi kề vai nhìn nước suối chậm rãi chảy qua. Lý Bảo Bình thuận miệng hỏi:
- Anh có biết con suối nhỏ này tên là gì không?
- Suối Long Tu.
- Sao anh biết con suối nhỏ này tên là Long Tu?
- Lần trước khi anh vào núi có mang theo hai tấm bản đồ, Nguyễn sư phụ nói đó là bản đồ địa thế của huyện Long Tuyền chúng ta. Trên bản đồ có ghi chú là suối Long Tu, nhưng sau khi từ hướng đông nam chảy nghiêng về hướng nam, đường đỏ trên bản đồ dần dần lớn hơn, sau đó đổi tên thành sông Thiết Phù.
- Thế à, vậy em nói cho anh biết, triều đình Đại Ly chúng ta có sáu bộ, trong đó Lễ bộ lại có ba quan thiên địa nhân, địa quan phụ trách vẽ những tấm bản đồ này. Nhưng phải có địa sư của Khâm Thiên giám giúp dẫn đường, cùng nhau đi qua sông núi, giống như dùng chân từng bước đo đạc lãnh thổ của cả một vương triều, một ngàn dặm, một vạn dặm, sau đó vẽ lên bản đồ từng tấc từng thước. Trần Bình An, anh nói xem những địa quan và địa sư kia có lợi hại không?
- Thế nào, em muốn sau này lớn lên làm địa quan của Lễ bộ, hay là địa sư của Khâm Thiên giám?
- Trần Bình An, anh không biết sao? Nữ nhân không thể làm quan. Hơn nữa không chỉ có Đại Ly chúng ta, hình như cả thiên hạ đều như vậy. Giống như em và Thạch Xuân Gia, đọc sách thì được, nhưng cũng không nghe nói có cô gái nào trở thành người dạy học, hoặc là được người khác xưng là học giả.
- Vậy à.
- Đúng rồi, Trần Bình An, anh nói cây trâm ngọc trên đầu anh là do thầy giáo của Tề tiên sinh đưa cho Tề tiên sinh, sau đó Tề tiên sinh lại đưa cho anh.
- Đúng vậy.
- Trần Bình An, vậy từ hôm nay trở đi em phải gọi anh là tiểu sư thúc rồi!
- Vì sao?
- Anh làm tiểu sư thúc của em, nếu sau này em chọc giận anh, anh muốn bỏ em lại mặc kệ, nhất định phải tự xét lại mình. Trần Bình An ta là tiểu sư thúc vô cùng kính mến của Lý Bảo Bình, đương nhiên phải cùng chung hoạn nạn với tiểu cô nương tốt như vậy.
- Có thể không làm tiểu sư thúc gì đó được không? Yên tâm, anh sẽ không bỏ em lại.
- Không được!
- Vậy anh không làm hòm trúc nhỏ và giày cỏ cho em nữa.
- Không sao, em không sợ. Em vẫn muốn gọi anh là tiểu sư thúc!
- Hả?
- Trên đời có tiểu sư thúc nào không làm hòm trúc nhỏ và giày cỏ cho em sao?
Trần Bình An lại không biết nói gì.
- --------
Chú thích:
(1) Ngẩng đầu ba thước có thần linh: theo truyền thuyết trên đầu mỗi người ba thước đều có thần linh giám sát, khuyên người ta không nên làm những chuyện trái với lương tâm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT