Trần Bình An ăn mứt quả đã gần mười năm chưa được thưởng thức, vác nhánh hòe trở về ngõ Nê Bình. Khi đi qua một ngôi nhà còn tồi tàn hơn nhà tổ của mình, trong lòng hắn cảm thấy xấu hổ, nghĩ thầm có nên mượn ít bạc của Nguyễn sư phụ, sửa lại ngôi nhà này trước hay không. Tuy rằng từ nhỏ đã sống ở ngõ Nê Bình, nhưng Trần Bình An chưa từng thấy nhà này có người cư trú. Lúc trước truy đuổi đánh giết với con vượn Bàn Sơn trên nóc nhà, Trần Bình An cố ý lừa gạt lão đến đây, khiến cho nóc nhà bị con vượn già đạp ra một lỗ thủng lớn.

Hắn cảm thấy cần phải chịu trách nhiệm về chuyện này, nếu không về sau ngôi nhà này khó tránh khỏi gió táp mưa sa, chịu khổ chịu tội. Ngôi nhà vốn có thể chống đỡ được thêm hai ba chục năm, bây giờ e rằng ngay cả năm năm cũng không chịu nổi, xà cột trong nhà sẽ mục nát rất nhanh. Điểm này rất giống với thân thể Trần Bình An bị Thái Kim Giản cưỡng ép “Chỉ Điểm”, đều là cảnh ngộ tám bề lọt gió. Cho nên hắn càng ưu sầu lo lắng, thầm nghĩ dù thế nào cũng phải sửa lại ngôi nhà vô chủ này, không cần đến mức ngay ngắn khí phái nhưng cũng phải vững chắc kiên cố.

Trần Bình An cũng đã nghĩ đến chuyện lấy ra một đồng tiền kim tinh, tìm người khác đổi thành vàng thật bạc trắng hay tiền đồng bình thường, chẳng hạn như lão Dương ở tiệm Dương gia, hoặc là Nguyễn sư phụ ở tiệm rèn. Nhưng hắn có một trực giác, tiền đồng kim tinh là thứ chỉ có thể gặp chứ không thể cầu, dùng một đồng thì ít đi một đồng. Còn như bạc và tiền đồng bình thường, tới chỗ nào cũng có thể kiếm được, chẳng qua là dốc sức nhiều hay ít mà thôi.

Cho nên hắn quyết định hỏi mượn Nguyễn sư phụ trước, nếu không mượn được thì mới dùng đến tiền đồng kim tinh. Tiếc thì có tiếc, nhưng vấn đề trước mắt đã vô cùng cấp bách, không thể giả vờ như không nhìn thấy, hắn rất ngại mắc nợ người khác.

Trần Bình An trở lại nhà, đặt nhánh hòe do tiểu cô nương kia tặng dựa nghiêng vào tường. Khối đá mài kiếm giá trị liên thành kia vẫn còn nằm trong sọt, nhưng dĩ nhiên sẽ không quang minh chính đại ném trong sân như vậy, đã được Trần Bình An mang vào trong nhà. Nếu không phải thời gian gấp rút, hắn còn muốn đào một cái hố sâu một trượng trong sân, chôn khối đá mài kiếm không nổi bật nhưng đáng giá kia xuống. Trảm Long Đài, chỉ nghe tên thôi đã cảm thấy quý giá hơn ba túi tiền đồng kim tinh kia rồi.

Trần Bình An nghe được tiếng gà kêu ở nhà kế bên. Khi Tống Tập Tân và Trĩ Khuê rời khỏi trấn nhỏ, không có thời gian quan tâm đến gà mẹ và gà con trong lồng, có lẽ lúc này đã đói rồi. Hắn đi vào nhà cầm xâu chìa khóa kia lên, lại lấy một nắm gạo trong nhà mình, đi sang nhà kế bên, mở lồng gà ra, ngồi xuống rải gạo từ kẽ ngón tay cho gà ăn.

Sau đó hắn mở cửa nhà bếp, muốn xem thử có lương thực dư như thóc gạo gì đó hay không, để tránh bị nổi mốc hư hỏng uổng phí. Kết quả khi vào nhà bếp lại khiến Trần Bình An mở rộng tầm mắt, bên trong có một lu gạo lớn, chỉ mở nắp ra nhìn đã khiến hắn thấy no rồi. Trong tủ có đủ nồi chén gáo chậu, trên vách tường còn treo một hàng chân giò và cá khô, tất cả đều được dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ, đồ vật lớn nhỏ hỗn tạp nhưng không lộn xộn.

Trần Bình An bỗng nhiên bị một đống củi ở gần bếp lò thu hút, bèn đến gần ngồi xuống, quả nhiên là người gỗ lúc trước bị Trĩ Khuê dùng dao làm bếp chẻ ra. Cô vốn không biết chẻ củi, cho nên lúc đó chẻ cả buổi cũng không có hiệu quả bao nhiêu. Nếu đổi lại là Trần Bình An, chỉ một chốc là có thể chẻ nát người gỗ cao bằng người bình thường rồi. Lúc này hắn cúi đầu ngồi xuống, phát hiện người gỗ này rất kỳ lạ, trên người khắc rất nhiều điểm đỏ trải rộng khắp toàn thân, lưa thưa không thứ tự. Có một số nơi dày đặc co cụm với nhau, một số nơi khác lại cách rất xa mới có một điểm đỏ như chu sa.

Trần Bình An cầm một đoạn cánh tay người gỗ cẩn thận quản sát, trông thấy bên cạnh mỗi điểm đỏ còn khắc chữ đen cực nhỏ. Điểm đỏ vốn lớn chừng hạt gạo, nét bút của những chữ kia càng nhỏ đến mức không thể nhận ra. Cũng may đây là Trần Bình An, nếu đổi thành thị lực của người bình thường, e rằng chỉ nhìn thấy điểm đỏ và điểm đen mà thôi.

Trần Bình An thử chắp vá những mảnh vỡ kia lại, không lâu sau người gỗ đã tái hiện nguyên hình. May mắn là người gỗ cũng không thiếu bộ phận lớn nào, đáng tiếc là ở rất nhiều chỗ nối, điểm đỏ và chữ đen đã bị dao làm bếp của Trĩ Khuê chặt đứt hoặc cạo đi gần hết, đoán chừng còn lại bảy tám phần mười điểm đỏ chữ đen hoàn chỉnh.

Hắn đứng dậy đi mở cửa sổ ra, để nhà bếp thông thoáng sáng sủa hơn, lúc này mới tiếp tục ngồi xuống quan sát tỉ mỉ, không muốn bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, chuyện này tốn khoảng một canh giờ. Mặc dù hắn không biết phần lớn chữ đen, nhưng vẫn cố gắng ghi nhớ nét bút và kết cấu của chúng.

Từ đáy lòng Trần Bình An vẫn luôn rất kỳ vọng vào việc đọc sách biết chữ. Lúc còn làm thợ gốm, rất nhiều lần hắn trèo lên đỉnh núi nhìn về trấn nhỏ phía xa, ngoại trừ tìm xem ngõ Nê Bình ở hướng nào, nơi thứ hai muốn biết là ngôi trường học kia. Lúc còn nhỏ có một đứa trẻ đen nhẻm gầy gò thường đi đến trường học, ngồi xổm dựa vào chân tường, trên đầu là tiếng đọc sách oang oang. Mặc dù nghe không hiểu nhưng đứa trẻ lại cảm thấy an tâm, lòng rất yên tĩnh, những uất ức phải chịu trong ngày cũng không còn nữa.

Nhưng đối với cô nhi ngõ Nê Bình khi đó, đọc sách là thứ còn xa xỉ hơn nhiều so với mứt quả, chỉ đứng ở xa nhìn là được rồi.

Lúc này Trần Bình An nhắm mắt lại, dựa theo trí nhớ xây dựng một người gỗ hoàn chỉnh trong đầu. Nếu trí nhớ có điểm không rõ, hắn cũng không vội mở mắt kiểm tra mà trước tiên bỏ qua. Kết quả từ đầu đến cuối, người gỗ có khoảng bốn năm chục nơi điểm đỏ chữ đen không xác định được.

Lần lượt ghi nhớ những chỗ đã bỏ sót kia, Trần Bình An hít thở sâu một hơi, muốn làm lại một lần nữa. Nhưng vừa nhắm mắt thì đầu lại hơi choáng váng, hắn quyết định không gò ép mình nữa. Có một số chuyện không phải cứ dốc hết sức là được, nếu không chỉ sẽ càng làm càng loạn. Sau khi Trần Bình An học làm gốm thì đã cảm nhận sâu sắc về chuyện này, không phải do thiên tư thông minh, chỉ là suốt ngày bị lão Diêu mắng như tát nước nên đã đúc kết thành tâm đắc.

Hắn lại phá tung người gỗ, chất đống ở một góc bếp lò, sau đó rời khỏi nhà bếp, đóng kỹ cửa viện. Hắn ngẫm nghĩ, hay là đến cửa đông trấn nhỏ tìm người giữ cửa lần nữa. Sau này làm học đồ chính thức của tiệm rèn, nhiều khả năng phải ở lại bên đó, không thể đưa thư được nữa, cho nên Trần Bình An muốn nói với gã độc thân kia một tiếng, có điều lần trước đã đến tìm nhưng không tìm thấy.

Trần Bình An chạy chầm chậm đến cửa đông trấn nhỏ, thấy ngôi nhà đất vàng kia vẫn khóa chặt cửa. Hắn thở dài, ngồi trên gốc cây mà người giữ cửa Trịnh Đại Phong thường ngồi. Trấn nhỏ không phải trên núi, không có khái niệm ghế ngồi của sơn thần gì đó. Hắn ngồi ngơ ngác tại chỗ, tranh thủ thời gian rãnh rỗi một cách hiếm thấy.

Không biết đã qua bao lâu, trên con đường trong trấn nhỏ bỗng vang lên tiếng bánh xe. Trần Bình An quay đầu nhìn, trông thấy một chiếc xe trâu đi đầu, phía sau là hai chiếc xe ngựa có khoang. Một đám trẻ ngồi trên xe trâu, còn có hai gương mặt quen thuộc, đó Lý Bảo Bình mặc áo bông đỏ chót và Thạch Xuân Gia hai má đỏ bừng. Còn lại chắc là những đứa trẻ trong trường học mà Thạch Xuân Gia đã nói, Lý Hòe, Lâm Thủ Nhất và Đổng Thủy Tỉnh.

Năm đứa trẻ trên xe trâu trò chuyện líu ríu, sôi nổi náo nhiệt.

Đánh xe là một người trung niên có gương mặt xa lạ, ông lão lúc trước quét sân ở trường học thì ngồi phía sau người đánh xe.

Trần Bình An nhìn qua, ngoại trừ tiểu cô nương mặc áo bông đỏ xuất thân từ Lý gia thuộc bốn họ lớn ở đường Phúc Lộc, bốn đứa trẻ còn lại đều ăn mặc khác biệt một trời một vực. Tổ tiên của Thạch Xuân Gia nhiều đời sống ở ngõ Kỵ Long, trông coi cửa tiệm cũ tên là Áp Tuế, không lo cơm áo nhưng cũng không phải giàu có, cho nên tiểu cô nương ăn mặc chỉ có thể xem như thoải mái ấm áp. Bên cạnh Thạch Xuân Gia có một đứa bạn cùng lứa vẻ mặt nghiêm nghị, khoác một bộ áo lông cáo màu đen mới tinh quý giá, sắc mặt hơi trắng, mặt mày lạnh nhạt.

Phụ thân Lý Nhị của Lý Hòe là một kẻ hèn nhát nổi tiếng trong trấn nhỏ, Lý Hòe còn có một chị gái tên là Lý Liễu, nhưng cha mẹ và chị gái đã ra ngoài kiếm sống rồi, chỉ để lại một mình Lý Hòe gởi nuôi ở nhà cậu. Hôm nay nó cũng phải rời khỏi quê hương, theo ông lão họ Mã đến thư viện Sơn Nhai kia. Thiếu niên cuối cùng thì mặc quần áo phong phanh, khoác hai chiếc áo ngoài chắp vá đủ chỗ, cả người lộ vẻ bần hàn, vừa nhìn đã biết là trẻ con nhà nghèo lớn lên trong ngõ nhỏ.

Lý Bảo Bình, Thạch Xuân Gia, Lý Hòe, Lâm Thủ Nhất, Đổng Thủy Tỉnh.

Năm đứa trẻ thuộc trấn nhỏ ngồi trên chiếc xe trâu không thể che gió che mưa, chạy về hướng thư viện Sơn Nhai, một trong bảy mươi hai thư viện Nho gia, thánh địa trong lòng vô số người đọc sách ở Đông Bảo Bình Châu. Vào giây phút này năm đứa trẻ chắc chắn không biết, trong lãnh thổ một châu vương triều san sát, vô số thế gia vọng tộc nhiều đời giàu có, cho dù phải luồn cúi, dùng hết nhân tình hương khói, cũng muốn đưa con cháu nhà mình vào trong đó, đi theo những phu tử tiên sinh áo dài tay rộng, học tập tu thân trị quốc bình thiên hạ từ thánh hiền Nho gia.

Bọn chúng dĩ nhiên càng không biết, có thể gọi Tề Tĩnh Xuân một tiếng thầy giáo là chuyện hiếm có biết bao. Trái lại những đứa trẻ này chỉ cảm thấy Tề tiên sinh quá nhiều quy củ, thường nghiêm mặt lại, khiến người ta cảm thấy khó thân cận. Thỉnh thoảng Tề tiên sinh cũng cười, nhưng bọn nhỏ thậm chí không biết mình đã làm đúng chuyện gì mà khiến tiên sinh vui vẻ như vậy.

Lý Bảo Bình tinh mắt nhìn thấy Trần Bình An ngồi trên gốc cây, liền dùng thế sét đánh không kịp bưng tai nhảy xuống xe trâu, hơi lảo đảo chạy nhanh đến trước người Trần Bình An, sau đ1o đột nhiên dừng lại. Dường như cô bé không biết nên nói gì, cuối cùng chỉ ưỡn ngực nói một câu “tôi phải đi đến một nơi rất xa rất xa”, gương mặt nhỏ nhắn đầy vẻ kiêu ngạo.

Ông lão đầu đội mũ cao trầm giọng gọi:

- Lý Bảo Bình!

Mặc dù không thích lắm nhưng ông lão vẫn bảo người đánh xe trâu dừng lại. Tiểu cô nương bĩu môi, cuối cùng vẫn xoay người chạy về phía xe trâu. Cô bỗng nhiên nghe được người phía sau gọi tên mình, bèn quay đầu nhìn lại, trông thấy hắn đang giơ nắm tay về phía mình khẽ lắc lắc, chắc là muốn bảo cô phải nỗ lực.

Lý Bảo Bình cũng giơ nắm tay lên với hắn, ra hiệu mình sẽ cố gắng.

Trần Bình An hiểu ngầm cười, cảm thấy cố gắng của tiểu cô nương mặc áo bông đỏ này có lẽ là dùng để chơi đùa, thư viện Sơn Nhai khắp nơi đều sẽ lưu lại dấu chân của cô.

Hắn ngẩng đầu nhìn lên, trông thấy ông lão quét sân đã gặp mấy lần ở trường học đang nhìn mình gật đầu, hắn cũng theo bản năng cười đáp lễ.

Cùng lúc này trên một chiếc xe ngựa phía sau có người khẽ buông màn xuống.

Mặc dù chỉ thoáng nhìn qua, nhưng Trần Bình An vẫn thấy rõ nét mặt của người kia, đó là người đọc sách đã đến tiệm rèn tìm Nguyễn sư phụ.

Hắn đưa mắt nhìn xe trâu xe ngựa từ từ chạy ra khỏi trấn nhỏ.

Nếu Trần Bình An có thể ngự kiếm bay lượn như Ninh Diêu, nhìn xuống non sông ngàn dặm vừa mới bám rễ này, nhất định sẽ bị các loại cảnh tượng lạ lùng làm rung động.

Có hằng hà sa số chim bay cá nhảy, chiếm giữ bên ngoài đường biên giới nơi tiếp giáp giữa động tiên Ly Châu và lãnh thổ Đại Ly. Ở nơi xa hơn còn có vô số đồng loại của chúng đang điên cuồng chạy về phía này, giống như bị thứ gì thu hút.

Bên ngoài đường biên giới vô hình, bọn chúng không dám tiến lên một bước, cũng không muốn lùi lại một bước.

Còn có một bà lão đứng ở đầu cuối dòng suối nằm trong ranh giới, nửa người trên lộ ra khỏi mặt nước, mái tóc màu xanh đen như thác nước chảy xuống, tỏa ra chung quanh thân thể, giống như một đóa hoa sen màu đen.

Gương mặt bà lão vốn loang lổ như vỏ cây khô, lúc này đã có dáng vẻ của một vị phu nhân chưa đến bốn mươi tuổi.

Còn có ngọn núi Phi Vân kia giống như bị mặt đất đùn lên, chậm rãi dâng lên cao với tốc độ mắt thường có thể nhìn thấy.

Động tiên tan vỡ, rơi thành đất lành.

Dân chúng trấn nhỏ sinh trưởng trong động tiên Ly Châu ngày trước, bất kể giàu sang nghèo hèn, bất kể bản tính thiện ác đều có kiếp sau.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play