Trong bóng đêm, Trần Bình An trốn vào núi sâu, ba chân bốn cẳng chạy như điên. Không lâu sau đã chạy vào một mảnh rừng trúc đất đai rất xốp, thiếu niên giày cỏ bắt đầu cố ý đạp mạnh chân.
Sau khoảng nửa nén nhang, khi sắp chạy ra khỏi khu vực ven rìa rừng trúc, thiếu niên bỗng trèo lên một cây trúc bên tay trái, đung đưa về phía một cây trúc khác cách đó không xa, còn giống một con vượn hơn so với vượn Bàn Sơn của núi Chính Dương. Sau khi lặp lại mấy lần, cuối cùng hắn nhẹ nhàng đáp xuống đất, ngồi xuống dùng tay xóa đi dấu chân. Hắn quay đầu nhìn, trông thấy đã cách cây trúc đầu tiên đến năm sáu trượng, lúc này mới tiếp tục chạy nhanh.
Chưa tới thời gian một nén nhang, đã có thể loáng thoáng nghe được tiếng nước suối. Thiếu niên đang chạy băng chẳng những không dừng bước, trái lại còn nhảy lên thật cao, cả người rơi vào trong nước suối. Thiếu niên nhanh chóng đứng lên, hóa ra hắn đã rơi xuống một tảng đá lớn. Thiếu niên rất quen thuộc với đất đai sông núi vùng này, cố gắng mở to hai mắt, dựa vào thị lực xuất sắc và trí nhớ hơn người, nhảy trên những tảng đá trong khe suối nhỏ, lén lút chạy về hướng hạ du. Nếu cứ đi tiếp như vậy sẽ đến được Lưng Trâu Xanh ở bên khe suối phía nam trấn nhỏ, sau đó là cầu mái che, cuối cùng là tiệm rèn của Nguyễn sư phụ.
Nhưng thiếu niên không đến quá gần Lưng Trâu Xanh. Sau khi khe suối nhỏ chảy ra khỏi núi, tại một nơi dòng nước đột ngột thu hẹp giống như vòng eo con gái, hắn lại leo lên bờ bên phải.
Rất nhanh hắn nghe được tiếng kêu khẽ của một cô gái:
- Trần Bình An, bên này.
Trần Bình An ngồi xổm xuống thật nhanh, thở hồng hộc, đưa tay lau mồ hôi trên trán.
Thiếu nữ áo đen thấp giọng hỏi:
- Thật sự có thể lừa con vượn già kia lên núi sao?
Thiếu niên khổ sở nói:
- Cố hết sức rồi.
Đó là Ninh Diêu cũng từ đường Phúc Lộc trong trấn nhỏ đi vòng tới hội họp, nàng hỏi:
- Bị thương rồi?
Thiếu niên giày cỏ lắc đầu nói:
- Vết thương nhỏ thôi.
Tâm tình thiếu nữ phức tạp, tức giận nói:
- Dám đùa như vậy, con vượn già không đánh chết ngươi xem như may mắn lắm rồi!
Trần Bình An nhếch miệng cười nói:
- Lão súc sinh đã phá hư quy củ một lần. Nhưng nếu cô ra tay chậm một chút nữa, có lẽ tôi sẽ gặp nguy hiểm rồi.
Thiếu nữ ngẩn người, sau đó thoải mái nói:
- Thật sự thành công rồi? Giỏi đấy, Trần Bình An!
Trần Bình An cười hì hì.
Ninh Diêu trợn trắng mắt, hỏi:
- Tiếp theo thì sao?
Thiếu niên giày cỏ ngẫm nghĩ:
- Mục tiêu lớn trước đó của hai ta vẫn không thay đổi, nhưng có một số chi tiết cần phải sửa lại, con vượn già quá lợi hại rồi.
Ninh Diêu dùng một tay vỗ vào đầu thiếu niên giày cỏ, vừa bực vừa buồn cười nói:
- Ngươi mới biết à?
Trần Bình An đột nhiên nói:
- Ninh cô nương, cô xoay người đi, tôi muốn bôi một chút thảo dược lên lưng. Thuận tiện giúp tôi trông chừng bên phía khe suối nhỏ một chút.
Thiếu nữ thoải mái xoay người, nhìn về thượng du khe suối nhỏ.
Trần Bình An cởi bộ áo ngoài vốn thuộc về Lưu Tiện Dương, tháo bộ giáp gỗ sứ kia xuống. Sau đó từ trong một chiếc túi vải bên hông lấy ra lọ sứ của tiệm Dương gia, đổ một ít thuốc thoa sền sệt vào lòng bàn tay phải, tay trái vén áo còn tay phải bôi lên lưng.
Thiếu niên vốn chịu đau rất giỏi cũng phải đổ mồ hôi lạnh ròng ròng.
Thiếu nữ mặc dù không xoay lại nhưng vẫn hỏi:
- Đau lắm à?
Thiếu niên cười nói:
- Như vậy có là gì.
Thiếu nữ bĩu môi, cậy mạnh cái gì chứ.
- --------
Tại ngôi nhà ngoài cùng phía tây trấn nhỏ, có một vị phu nhân đang ngồi dưới đất gào khóc, ra sức vỗ ngực, lảo đảo lắc lư, áo quần phong phanh giống như tùy thời muốn rách ra. Hai đứa con nhỏ cả người dơ dáy đứng bên cạnh mẫu thân, không biết phải làm gì. Một người đàn ông chất phác ngồi ở ngoài nhà, thở vắn than dài, vẻ mặt bất đắc dĩ. Không biết vì sao nóc nhà lại có thêm một lỗ thủng, khí lạnh mùa xuân còn chưa tan hết, thân thể của mình chịu được, nhưng sắp tới vợ và đám nhóc của mình phải làm sao?
Hàng xóm láng giềng cách đó không xa kéo tới, chỉ chỉ trỏ trỏ. Có người nói lúc trước cũng nghe thấy trên nóc nhà mình có tiếng động, ban đầu chỉ cho là mèo hoang quấy rối, vì vậy cũng không để ý. Cũng có người nói hôm nay phía tây trấn nhỏ không yên bình, hình như có trẻ con nhìn thấy một lão thần tiên mặc áo trắng bay tới bay lui, một bước có thể bằng mười mấy bước của dân chúng bình thường, còn biết vượt nóc băng tường. Cũng không biết là Thổ Địa gia chạy ra khỏi từ đường, hay là Sơn Thần kia rời khỏi núi rồi.
Có một vị kiếm tu trẻ tuổi của vườn Phong Lôi ngồi riêng ở một nơi, sắc mặt nặng nề.
Trước đó Lưu Bá Kiều tán gẫu với Thôi tiên sinh ở dinh quan giám sát, sau khi nghe kể về động tĩnh trong nhà lớn Lý gia, hắn đã ngửi thấy mùi tanh. Có điều vị nhân tài kiệt xuất của vườn Phong Lôi này có tự phụ đến mấy, cũng không dám đến nhà khiêu khích một con vượn Bàn Sơn. Hắn chỉ nghĩ xem có thể đứng ngoài quan sát hay không, nếu có cơ hội đâm sau lưng con vượn già một nhát thì càng hả lòng hả dạ. Cho nên Lưu Bá Kiều đã mò lên mái cong của một ngôi nhà lớn, nhìn xuống trấn nhỏ, tìm kiếm phương hướng hành động của con vượn già. Kết quả hắn nhanh chóng phát hiện được động tĩnh khác thường ở phía tây ngõ Nê Bình, thế là Lưu Bá Kiều tính cách lớn gan đã lặng lẽ bám theo.
Trong nháy mắt khi vượn hộ sơn núi Chính Dương không tiếc vận chuyển khí tức, Lưu Bá Kiều vốn đã bị thương từ trước, thanh phi kiếm bản mệnh buộc phải dời đến chăm sóc ở huyệt Minh Đường, lúc này lại rục rịch gần như muốn “thoát vỏ” bay ra.
Bởi vì trong vùng trời đất kỳ lạ này, tu vi cao thấp sẽ tỉ lệ thuận với độ mạnh yếu của thiên đạo trấn áp, theo như tính toán của Lưu Bá Kiều thì con vượn hộ sơn kia sẽ không thoải mái. Cho dù có thể cưỡng ép vận khí lấy hơi, sau đó lợi dụng thân thể mạnh mẽ hay thần thông vô thượng, áp chế ngược Khí Hải sôi trào (1) do thiên đạo dẫn phát, nhưng số lần “làm càn” như vậy chắc chắn sẽ không quá nhiều. Nếu không sẽ phải gánh chịu nguy hiểm lớn như nước lũ vỡ đê, đến lúc đó đạo hạnh ngàn năm có thể sẽ bị hủy trong chốc lát. Lùi một bước mà nói, mỗi lần dùng thân phận “thần tiên” ngoài vùng trời đất này để ra tay đều phải chịu hao tổn, giống như người phàm tục trên thế gian bị tổn thọ vậy.
Nhưng khi Lưu Bá Kiều nhìn thấy hai cái hố lớn sau khi con vượn già đạp sụp nóc nhà đáp xuống đất, tên thiên tài kiếm đạo của vườn Phong Lôi này mới cảm thấy vui mừng vì mình không hành động thiếu suy nghĩ, nếu không sẽ dẫn lửa thiêu thân. Lúc đó với khí tức hùng hậu của con vượn già, nếu không phải phát hiện động tĩnh của nhà lớn Lý gia ở đường Phúc Lộc, buộc phải đi xác định an nguy của bé gái núi Chính Dương, muốn truy sát thiếu niên giày cỏ xảo quyệt như cáo kia chưa hẳn nắm chắc mười phần, nhưng muốn truy sát Lưu Bá Kiều thì chắc chắn có thể giết được.
Đương nhiên con vượn già không phải kẻ mù, càng không phải kẻ ngu, khi phi kiếm bản mệnh muốn bay ra, con vượn hộ sơn nhất định đã phát giác được sự tồn tại của mình.
Lưu Bá Kiều đi dạo một vòng ở cửa âm phủ, đúng là nghĩ lại vẫn rùng mình, nhưng không thể nói là sợ chính bản thân con vượn già kia. Vườn Phong Lôi đối diện với núi Chính Dương, cho dù thực lực hai bên chênh lệch thế nào, không ra tay thì thôi, một khi bên nào đó ra tay thì sẽ không chết không thôi. Hơn nữa người có tu vi thấp chắc chắn sẽ không dập đầu cầu xin đối thủ, đây là sự thật mà năm trăm năm qua hai thánh địa kiếm đạo ở Đông Bảo Bình Châu đã dùng vô số mạng người để chứng minh.
Huống hồ Lưu Bá Kiều không phải là không có đường lui ở trấn nhỏ.
Lưu Bá Kiều chậm rãi đứng lên, không về thẳng dinh quan mà đi đến ngôi nhà nhỏ rách nát ở ngoài cùng phía tây, đứng bên ngoài bức tường thấp bằng đất vàng gọi lớn một tiếng. Khi người đàn ông và vợ đều quay đầu nhìn về phía này, hắn tiện tay ném ra một đồng tiền kim tinh cho vị phu nhân đang khóc như mưa, cười nói:
- Đại tỷ, xin tỷ đừng khóc nữa, ta ở cách xa như vậy mà cũng sợ đến cuống cuồng rồi!
Phu nhân cầm lấy đồng tiền màu vàng, cúi đầu liếc nhìn kiểu dáng, thấy nó tương tự như tiền đồng nhưng màu sắc lại khác biệt. Bà hơi ngớ người, nhỏ giọng hỏi:
- Vàng?
Lưu Bá Kiều cười ha hả nói:
- Không phải, nhưng còn đáng giá hơn vàng nhiều...
Phu nhân đầu tiên là sững sốt, sau đó giận dữ, ném mạnh đồng tiền màu vàng về phía người trẻ tuổi xứ khác kia, đứng dậy chống nạnh mắng:
- Cút sang một bên! Là vàng thì ta còn tin một chút. Đáng giá hơn vàng? Ngươi nghĩ lão nương chưa từng thấy việc đời à? Lão nương cũng là người đã tự tay cầm bạc rồi. Đồ khốn ở đâu ra lại dám đến chỗ lão nương giả làm đại gia, đàn ông nhà ta còn chưa chết đâu!
Nói đến đây phu nhân càng tức giận, bước nhanh tới, vòng eo to khỏe không nhỏ hơn thùng nước bao nhiêu, lại có thể bị bà ta vặn đến mức toát ra vẻ phong tình. Bà ta đá vào người đàn ông đang ngồi xổm dưới đất không nói lời nào, khiến cho ông ta té nghiêng qua. Người đàn ông đừng nói là đánh lại, ngay cả cãi lại cũng không dám, chỉ bò dậy khom người chạy ra xa, sau đó tiếp tục ngồi xuống, ánh mắt u oán.
Phu nhân chỉ vào người đàn ông của mình mắng:
- Thứ hèn nhát không có tiền đồ, chẳng khác gì người chết. Xảy ra chuyện thì chỉ biết giả chết, suốt ngày đi lang thang không mục đích, vớt cá bắt rắn như đám trẻ mặc quần yếm vậy, còn không bằng con trai của ông! Tiểu Hòe dù sao cũng biết trộm... nhặt ít đồ về nhà. Ông là một người cha, tại sao lại từ chối không chịu đến làm thuê ở tiệm Dương gia, là giàu đến chảy mỡ rồi, không muốn so đo với bạc à? Quanh năm suốt tháng cũng không làm được mấy chuyện đứng đắn...
Nói đến đây, quang cảnh trước ngực phu nhân có thể xứng với hai chữ “đồ sộ”, đột nhiên cười cười:
- Nếu không phải buổi tối còn xem như biết giày vò người khác, lão nương bằng lòng sống với ông sao?
Hàng xóm láng giềng đứng chung quanh xem cuộc vui đều ồ lên cười lớn, có đàn ông trai tráng còn huýt gió nói lời thô tục.
Phu nhân cuối cùng lại chĩa mũi dùi vào tên đầu sỏ phạm tội kia, quát lên:
- Còn không cút à, chưa dứt sữa đúng không?
Lưu Bá Kiều nào từng thấy qua sự thô tục như vậy, chẳng những không cảm thấy quê mùa mà còn cảm thấy khá hứng thú, cảnh tượng náo nhiệt này nhìn rất thú vị. Cho dù bị phu nhân mắng rất thảm, hắn vẫn không giận mà lại cười. Tại sư môn vườn Phong Lôi, mỗi lần mình cãi nhau xong đều sẽ có cảm giác tịch mịch, cảm thấy chỉ có một thân võ nghệ cao cường, lại không có đối thủ ngang sức ngang tài. Không ngờ hôm nay cuối cùng đã có đất dụng võ, hắn lập tức phấn chấn, cười đùa cợt nhả nói:
- Chưa dứt sữa đấy, đại tỷ có thể giúp ta không?
Phu nhân khẽ nhướng mày, cười nhạo nói:
- Ta sợ không cẩn thận khiến ngươi ngạt chết thôi. Ngươi đấy, có thể tìm Mã bà bà ở ngõ Hạnh Hoa! Bảo đảm no nê!
Lập tức tiếng cười rung trời.
Mặc dù Lưu Bá Kiều không biết Mã bà bà là thần thánh phương nào, nhưng từ phản ứng của người nghe và người xem chung quanh, có thể biết trận này mình đã thua thảm rồi.
Sau đó hắn dùng hai ngón tay kẹp lấy đồng tiền kim tinh kia lắc lắc:
- Thật không cần sao?
Phu nhân rõ ràng hơi do dự hoài nghi.
Ngay lúc này phía xa có người bất đắc dĩ kêu lên:
- Bá Kiều, Thôi tiên sinh bảo ngươi mau trở về.
Lưu Bá Kiều nghe tiếng liền quay đầu nhìn, trông thấy đó là người con cháu họ Trần ở quận Long Vĩ, Trần Tùng Phong. Bên cạnh là một cô gái lạnh lùng vóc người cao gầy, hai tay trống trơn, cũng không mang theo vũ khí. Diện mạo của cô không quá xuất chúng, nhưng dáng dấp thì lại không thể chê, đôi chân dài rất hợp khẩu vị của Lưu Bá Kiều. Cô là bà con xa của Trần Tùng Phong, còn như xa đến đâu thì Trần Tùng Phong chưa từng chủ động nhắc tới. Trước giờ cô gái cũng luôn gọi thẳng tên Trần Tùng Phong. Trên đường đồng hành ba người vẫn cư xử bình thường, Lưu Bá Kiều cũng không cảm thấy cô gái này kiêu ngạo, chỉ là tính cách trời sinh hơi lạnh lùng.
Nếu Thôi Minh Hoàng đã lên tiếng, Lưu Bá Kiều cũng không dám ở lại lâu, lập tức đi theo hai người đến đường Phúc Lộc. Có điều lúc rời đi hắn lại bất giác liếc nhìn người đàn ông trung niên mặt ủ mày chau kia.
Một gã đàn ông nhếch nhác xen lẫn trong dòng người, do dự một lúc, đợi sau khi hàng xóm láng giềng lục tục tản đi mới một mình đi vào viện.
Phu nhân đang muốn dẫn theo hai đứa con đến nhà mẹ ở, thật sự là bất đắc dĩ. Người nhà mẹ đều là kẻ bợ đỡ, luôn kiêu căng tự đại xem thường người đàn ông mà bà đã chọn, cho nên những năm qua ngoại trừ dịp lễ tết thì bà rất ít khi lui tới. Nhưng gặp phải tai bay vạ gió như vậy, phu nhân thật sự không còn cách nào khác. Bà muốn có khí phách hơn một chút, dẫn theo con trai con gái đến nhà trọ quán rượu ở vài ngày, làm một bà vợ hào phóng xa xỉ một lần. Đáng tiếc là trong túi trống không, nghèo đến mức còn không nghe được tiếng leng keng của đồng tiền, đành phải mặt dày trở về nhà mẹ chịu xem thường.
Vì vậy phu nhân càng nghĩ càng giận, trước khi đi đã nhéo mạnh vào eo chồng mình, cho đến khi cả gương mặt của người đàn ông đều méo xẹo mới chịu bỏ qua. Hai đứa bé đã nhìn quen cảnh này, chẳng những không lo lắng cha mẹ cãi nhau mà còn cười lén.
Phu nhân tinh mắt nhìn thấy gã đàn ông nhếch nhác đang lén lút nấp ở chỗ cửa, lập tức mắng:
- Họ Trịnh kia, lại tới trộm quần áo của lão nương à? Ngươi thuộc giống chó đúng không? Thỏ còn không ăn cỏ bên cạnh hang, dù lão nương không muốn thừa nhận nhưng vẫn xui xẻo tám đời làm chị dâu của ngươi, sao ngươi có thể ra tay trộm được?
Gã đàn ông nhếch nhác khóc không ra nước mắt, có cảm giác muốn chết:
- Chị dâu, có trời đất chứng giám, chẳng qua là em quên mua kẹo cho Tiểu Hòe nhà chị ăn, nó mới cố ý nói như vậy, sao chị lại tin là thật?
Vẻ mặt bé trai kia rất ngây thơ.
Phu nhân đương nhiên là tin tưởng con cái nhà mình hơn, giơ tay lên muốn đập đối phương.
Gã đàn ông nhếch nhác vội vàng rụt cổ chạy sang một bên, hét lên với người đàn ông ngồi xổm dưới đất:
- Sư huynh, huynh cũng không khuyên chị dâu à!
Người đàn ông kia bỏ lại một câu ồm ồm:
- Không dám khuyên.
Gã đàn ông nhếch nhác không ngừng than thở:
- Người hiền lành không thể lăn lộn trong thói đời này rồi.
Phu nhân một tay dắt một đứa trẻ đi về phía cửa viện, đột nhiên quay đầu ném một ánh mắt quyến rũ, cười híp mắt nói:
- Họ Trịnh kia, lần sau mang nhiều tiền một chút, chị dâu bán cho ngươi. Một món chỉ lấy của ngươi năm mươi đồng tiền, thế nào?
Ánh mắt gã đàn ông nhếch nhác sáng lên, rụt rè nói:
- Vậy có hơi đắt không? Quần áo mới ở tiệm bên ngõ Hạnh Hoa vải vóc rất tốt, cũng chỉ ngang cái giá này...
Phu nhân trở mặt còn nhanh hơn lật sách, chửi mát:
- Còn thật dám có tâm tư xấu xa này? Đi chết đi, đáng kiếp cả đời độc thân! Một cái mạng nát, ngày nào đó chết ở ngoài cửa đông cũng không ai nhặt xác cho ngươi đâu...
Sau khi phu nhân và bọn nhỏ rời đi, người đàn ông lếch thếch nhẹ nhàng nhảy về phía sau, ngồi trên tường viện tức giận nói:
- Sư huynh, không phải đệ nói huynh, nhưng huynh đúng là đầu óc hồ đồ rồi mới chọn một người đàn bà chua ngoa như vậy làm vợ.
Hóa ra tên nhếch nhác này là người giữ cửa phía đông trấn nhỏ, họ Trịnh, là một kẻ độc thân.
Người đàn ông chất phác vẫn ngồi xổm trong viện thốt ra một câu:
- Ta tình nguyện.
Tên giữ cửa trấn nhỏ phụ trách thu tiền của người xứ khác im lặng một lúc, sau đó nói:
- Sư phụ lão nhân gia bảo huynh sắp tới hãy kiên nhẫn một chút, đừng động thủ với người khác.
Tên giữ cửa ngẩng đầu liếc nhìn nóc nhà đáng thương, đột nhiên cười lên:
- Sư phụ còn nói, nếu thật sự không nhịn được thì cứ tìm vợ huynh mà trút giận. Dù sao chị dâu cũng không sợ huynh giày vò, chị ấy rất giỏi chuyện này.
Người đàn ông luôn bảo trì trạng thái trầm mặc ngẩng đầu lên, nhìn kẻ nhếch nhác ngồi trên tường thấp. Người sau vội vàng đổi giọng nói:
- Được được được, là Trịnh Đại Phong đệ nói, chứ sư phụ không nói những lời này.
Người đàn ông chất phác đứng lên, mình và tứ chi của ông ta đều ngắn, nước da màu đồng thau, bắp thịt trên hai cánh tay phồng lên khiến cho tay áo căng cứng.
Lưng ông ta hơi gù, tức giận nói với tên giữ cửa trấn nhỏ:
- Nếu sư phụ chịu nói với ngươi hơn mười chữ, ta sẽ theo họ ngươi.
Trong lòng tên giữ cửa thầm đọc lời dặn dò của sư phụ, sau đó bấm ngón tay tính toán một chút, thật sự không tới mười chữ! Gã đàn ông nhếch nhác này đầu tiên là mắng một câu, sau đó rất chán nản, có phần thương cảm, lần đầu tiên lộ ra cảm xúc chân thành, cho nên có vẻ rất đáng thương.
Người đàn ông lưng gù hỏi:
- Còn có việc sao?
Tên giữ cửa gật đầu nói:
- Sư phụ nói để huynh đối phó với người kia.
Người đàn ông lưng gù nhíu mày, lại theo thói quen ngồi xổm xuống, nhìn về ngôi nhà đổ nát, trầm muộn nói:
- Dựa vào đâu?
Tên giữ cửa Trịnh Đại Phong khinh khỉnh nói:
- Dù sao cũng là chuyện sư phụ giao phó, huynh có làm hay không.
Người đàn ông kia ngẫm nghĩ:
- Ngươi đi đi. Lần sau nếu để ta nhìn thấy ngươi trộm quần áo của chị dâu, sẽ đánh gãy ba chân của ngươi.
Gã đàn ông nhếch nhác Trịnh Đại Phong giận dữ nói:
- Lý Nhị! Huynh hãy nói rõ ràng với ta! Ai trộm quần áo của bà vợ nhà huynh? Mấy lời khốn nạn như vậy huynh cũng tin sao? Đầu huynh bị vô nước rồi à?
Người đàn ông kia quay đầu sang, nhìn sư đệ đồng môn nóng nảy giận dữ, chỉ sầm mặt lại không nói gì.
Trịnh Đại Phong giống như một cô gái nhỏ u oán chịu đủ ủy khuất, bi phẫn tuyệt vọng nói:
- Sau này đệ không dám nữa. Được chưa?
Tên giữ cửa đứng lên, mũi chân nhún một cái, như một chiếc lá hòe bay ra đường, đến khi cách rất xa mới dám chửi như tát nước:
- Lý Nhị, bây giờ ông đây sẽ tìm chị dâu mua quần áo trên người chị ta!
Gã đàn ông nhếch nhác vừa buông lời uy hiếp vừa chạy nhanh hơn cả chó.
Có điều người đàn ông chất phác cũng không không có ý đứng dậy, chỉ thốt ra một chữ:
- Tồi.
- --------
Ba người trở lại dinh quan, vị quân tử Nho gia của thư viện Quan Hồ là Thôi Minh Hoàng ngồi ở sảnh chính chờ đợi đã lâu. Khi nhìn thấy cô gái xa lạ, Thôi Minh Hoàng liền đứng dậy gật đầu chào hỏi. Cô gái kia cũng gật đầu đáp lại, sắc mặt vẫn lạnh giá, theo như Lưu Bá Kiều thầm nói là biểu cảm giống như “khắp thiên hạ đều thiếu nợ cô rất nhiều bạc” vậy.
Sau khi ba người ngồi xuống, Thôi Minh Hoàng cười nói với Lưu Bá Kiều:
- May mà ngươi nhịn được không ra tay, nếu không nhất định sẽ gặp rắc rối lớn. Ngươi không nhìn thấy đâu, vừa rồi ở đường Phúc Lộc, quan giám sát Tống đại nhân của chúng ta và con vượn hộ sơn núi Chính Dương kia đã đấu ba quyền cứng chọi cứng, động tĩnh không nhỏ. Nói thật sắp tới bất kể ngươi gặp được thời cơ ngàn năm có một thế nào, ta khuyên ngươi vẫn không nên ra tay, không nên cảm thấy mình có cơ hội.
Lưu Bá Kiều tò mò hỏi:
- Chẳng lẽ lão súc sinh kia dùng ba quyền đánh bại Tống Trường Kính? Tống Trường Kính chỉ có mã ngoài như vậy sao? Không phải mọi người đều nói hắn đã chạm đến ngưỡng cửa cảnh giới thứ mười, chỉ kém nửa bước là có thể tiến vào cảnh giới kia à?
Thôi Minh Hoàng bất đắc dĩ nói:
- Dù sao chúng ta cũng đang ở nhờ nhà Tống đại nhân, ngươi có thể nói chuyện khách sáo một chút không?
Trần Tùng Phong cảm khái nói:
- Là Tống đại nhân chiếm ưu thế một chút.
Cho dù không quen biết vị phiên vương Đại Ly kia, nhưng chỉ cần là người tu hành, nghe được hành động vĩ đại này cũng phải cảm thấy ngưỡng mộ!
Một vị võ phu thuần túy, chỉ dùng thân thể cứng rắn đối kháng với một con vượn Bàn Sơn!
Mấu chốt là người này còn có thể chiếm được ưu thế!
Cô gái ngồi ở một bên nhắm mắt nghỉ ngơi, hai tay đặt trên đầu gối một cách tự nhiên.
Sua khi nghe được chuyện này, ngón tay cũng khẽ nhúc nhích.
Cô cũng bị Trần Tùng Phong vội vàng tìm đến gọi về, nếu không thì cô còn muốn tiếp tục dạo chơi trong trấn nhỏ.
Sở dĩ cô không khăng khăng cố chấp mà lại theo Trần Tùng Phong đi tìm Lưu Bá Kiều, sau đó trở về dinh quan, chỉ là do nhập gia tùy tục mà thôi.
Còn như Trần Tùng Phong có thể kiếm được lợi ích từ chỗ cây hòe già kia hay không, có thể lấy được mấy chiếc lá hòe tổ tiên phù hộ, cô gái cũng mang họ Trần này lại không để tâm lắm.
Nhưng khi Trần Tùng Phong tìm được cô, cô có thể cảm nhận được rõ ràng, gã trai trẻ tuổi kia đang cố gắng kiềm chế sự hưng phấn kích động. Có lẽ là thu hoạch khá phong phú, số lượng lá hòe rơi xuống đã vượt quá mong đợi của lão tổ họ Trần ở quận Long Vĩ.
Lưu Bá Kiều đột nhiên ôm bụng cười lớn:
- Lần này lão súc sinh bị ngã sấp mặt rồi, thật là sảng khoái, lại bị một thiếu niên bình thường đùa giỡn, dắt mũi đi hết cả nửa trấn nhỏ. Ha ha, cái chuyện cười này đủ cho ta ở vườn Phong Lôi nói đến mười năm rồi! Đến lúc đó với tính tình của đám người chưa thấy việc đời ở núi Chính Dương, nhất định sẽ vội vã nhảy ra, nói rằng những chuyện này đều là do vườn Phong Lôi chúng ta ngậm máu phun người, có bản lĩnh thì lấy chứng cứ ra! Ta lấy chứng cứ con mẹ nó chứ, nếu không phải trấn nhỏ cấm tiệt pháp thuật, cái giá phá hư quy củ quá lớn, ta có chết cũng phải “khắc ghi” cảnh này từ đầu đến cuối vào trong Âm Dung kính.
Sắc mặt Thôi Minh Hoàng bỗng hơi biến đổi, trầm giọng gọi Lưu Bá Kiều:
- Bá Kiều!
Gần như đồng thời cô gái cũng mở mắt ra.
Lưu Bá Kiều vừa định hỏi chuyện gì, bỗng nhiên ngậm miệng lại.
Rất nhanh có một người đàn ông mặc áo bào trắng chậm rãi đi đến, sau khi bước qua ngưỡng cửa liền cười híp mắt hỏi Lưu Bá Kiều:
- Chuyện gì mà buồn cười vậy, một mình vui vẻ không bằng mọi người vui vẻ, hay là để bản vương cùng chung vui?
Thôi Minh Hoàng đã sớm đứng lên, đang muốn nói chuyện, ý là muốn nhường chiếc ghế chủ tọa cho vị phiên vương Đại Ly này.
Tống Trường Kính mỉm cười lắc đầu với vị học giả của thư viện Quan Hồ này, ra hiệu không cần lễ nghi rườm rà như vậy. Ông ta tiện tay kéo một chiếc ghế tới, ngồi xuống bên cạnh Lưu Bá Kiều. Hai người Trần Tùng Phong và cô gái kia thì ngồi ở đối diện chia làm hai bên trái phải.
Mặc dù Lưu Bá Kiều gây cho người ta ấn tượng là một kẻ có tính cách ngang bướng không sợ gì cả, nhưng ở khoảng cách gần như vậy, đối diện với một vị võ phu rất có khả năng bước vào cảnh giới thứ mười trong truyền thuyết, nhất là người này có thể nói tiếng xấu rõ ràng, không bàn tới chuyện xây mộ địch, riêng sở thích chém giết thiên tài thì đúng là khiến người ta sởn tóc gáy. Vì vậy đừng thấy lúc vị phiên vương Đại Ly này không có mặt, Lưu Bá Kiều thoải mái gọi tên Tống Trường Kính, thực ra lúc này hắn đang rất chột dạ.
May mà trước giờ kiếm tu trẻ tuổi không quá quan tâm đến mặt mũi, liền cười xòa nói:
- Tống đại tông sư, tôi đang nói đến trận chiến đỉnh cao giữa lão nhân gia ngài và lão súc sinh núi Chính Dương, đúng là trời đất kinh, quỷ thần khiếp. Vương gia ngài xuất quyền như rồng, nếu không nương tay thì con vượn hộ sơn kia chắc chắn đã chết không toàn thây ở đường Phúc Lộc rồi. Tống đại nhân võ đạo cao, võ đức tốt, đúng là khiến vãn bối vỗ ngựa theo không kịp!
Tống Trường Kính chỉ cười không nói gì.
Trên trán Lưu Bá Kiều đổ mồ hôi lạnh, sau lưng cũng thấm ướt mồ hôi, cuối cùng không nói được chữ nào nữa, hoàn toàn im miệng.
Tống Trường Kính bỗng quay đầu nhìn về cô gái đối diện, ánh mắt nghiền ngẫm, cảm thấy hứng thú hỏi:
- Cô cũng là con cháu họ Trần ở quận Long Vĩ?
Cô gái lắc đầu, chậm rãi nói:
- Không phải.
Tống Trường Kính ồ một tiếng, như có suy nghĩ.
Bầu không khí trở nên lúng túng.
Cho đến khi Tống Tập Tân xuất hiện ở cửa, thiếu niên thấy trong nhà không còn ghế, bèn tùy ý ngồi ở ngưỡng cửa, nhìn về mọi người bên trong.
Tống Trường Kính cũng không để ý đến chuyện này, cười nói với Lưu Bá Kiều:
- Thực ra thiếu niên kia có thể sống sót được, ngươi cũng là một trong số ân nhân.
Ngay từ đầu con vượn Bàn Sơn kia đã nhận định, thiếu niên đến khiêu khích là do bị người khác xúi giục. Mà trong trấn nhỏ này, người dám gài bẫy núi Chính Dương chắc chắn không phải kẻ ngu dốt, đều là hạng người biết lập kế hoạch sau đó mới hành động. Cho nên con vượn già cảm thấy đây là bọ ngựa bắt ve, chim sẻ phía sau, mà con chim sẻ kia chắc chắn thân phận không thấp, thân thủ không tệ. Vì vậy con vượn già mới không muốn lộ ra một chút sơ hở nào, khiến cho lão khá chật vật ở ngõ Nê Bình.
Cho nên khi đến căn nhà ở ngoài cùng phía tây trấn nhỏ, con vượn già xác định chung quanh không có thích khách ẩn nấp, lúc này mới mạnh tay mạnh chân một chút, đánh một quyền vào vị trí trái tim sau lưng thiếu niên giày cỏ.
Lưu Bá Kiều cười khan nói:
- Tuy sự thật là vậy, nhưng loại ân nhân này tôi cũng không muốn làm.
Tống Trường Kính cười trừ.
Cô gái quay đầu liếc nhìn thiếu niên anh tuấn tiêu sái ngồi ở ngưỡng cửa.
Thiếu niên khẽ mỉm cười với cô.
Cô gái quay đầu đi, mặt không cảm xúc.
Thiếu niên bĩu môi, bắt đầu quang minh chính đại thưởng thức cặp chân dài của cô. Cô khoảng hai lăm hai sáu tuổi, nhan sắc xem như cũng được, nhưng thiếu niên cảm thấy cô gái rất thú vị.
Cô gái quay đầu sang, ánh mắt lạnh lùng, nói với giọng khàn khàn:
- Ngươi muốn chết?
Tống Tập Tân chỉ vào mình, vẻ mặt vô tội cực kỳ lộ liễu, biểu cảm rất thiếu giáo dục:
- Ta à?
Sau đó thiếu niên lại chỉ vào phiên vương Đại Ly Tống Trường Kính:
- Vậy cô phải hỏi ông ấy trước mới được.
Cô gái vừa muốn đứng dậy.
Tống Trường Kính lập tức híp mắt.
Trong sảnh chính, một áp lực hùng hậu như mưa lớn dội xuống đầu mọi người, không chỗ nào để tránh, da thịt của bọn họ lại có cảm giác đau đớn như kim đâm thật sự.
Chỉ có Tống Tập Tân ở cửa là hoàn toàn không cảm thấy gì.
Trần Tùng Phong gian nan mở miệng, nhưng giọng điệu lại không yếu thế:
- Vương gia, vị cô nương này cũng không phải là người Đông Bảo Bình Châu chúng ta, mong Vương gia hãy làm việc thận trọng!
Cô gái cười đứng lên:
- Ngươi dám giết ta? Không sợ Đại Ly các ngươi bị diệt nước sao?
Thôi Minh Hoàng đang muốn ngăn cản.
Chợt thấy cả người cô gái bay ngược ra ngoài, chiếc ghế dựa sau người hóa thành bột mịn giữa không trung. Thân thể cao gầy của cô đâm vào vách tường, giống như một đồ vật khảm vào trong đó.
Tống Trường Kính xuất quỷ nhập thần đã đứng dưới vách tường, chắp tay khẽ ngẩng đầu nhìn cô gái thất khiếu chảy máu, cười nói:
- Tiểu nha đầu, có phải ngươi cảm thấy cha mình hoặc là lão tổ rất lợi hại, cho nên có tư cách ở trước mặt bản vương phát ngôn... chữ kia nói thế nào ấy nhỉ?
Vị phiên vương này quay đầu cười nhìn về phía cháu mình. Thiếu niên cười híp mắt nói:
- Bừa, phát ngôn bừa bãi.
Tống Trường Kính cười cười, quay đầu tiếp tục nhìn cô gái. Mặc dù vẻ mặt cô gái đầy đau đớn, nhưng ánh mắt vẫn kiên nghị, không hề tỏ ra yếu thế khẩn cầu. Tống Trường Kính nói:
- Kiếp sau đầu thai đừng gặp phải bản vương nữa.
Trần Tùng Phong rất tức giận, trong mắt đầy tơ máu, tâm tình cực kỳ phức tạp, vừa giận dữ vừa sợ hãi, đang muốn lên tiếng.
Thôi Minh Hoàng đã giành trước tiến lên một bước, chắp tay xin lỗi, cúi đầu thành khẩn nói:
- Vương gia, có thể nể mặt tại hạ một chút không, đừng nên chấp nhặt với cô ấy.
Cô gái đối mặt với phiên vương Đại Ly, đột nhiên nhắm mắt lại giống như cam chịu.
Ngay lúc này thiếu niên ở ngưỡng cửa bỗng cười ha hả nói:
- Chú à! Bỏ qua đi. Khi dễ một cô gái, nếu truyền ra sẽ làm tổn hại thanh danh của chú đấy.
Thân hình Tống Trường Kính hơi khựng lại, cực kỳ nhỏ bé, cho dù là Thôi Minh Hoàng và Lưu Bá Kiều cũng cảm thấy sát thần kia không hề nhúc nhích.
Tống Trường Kính nghiêng đầu, vươn hai ngón tay tùy ý phất một cái, giống như phủi bụi trên vai.
Lưu Bá Kiều đứng đầu trong lứa người trẻ tuổi của vườn Phong Lôi, lúc này ngây ra như phỗng.
Thôi Minh Hoàng giống như trút được gánh nặng.
Trần Tùng Phong thì như rơi vào mây mù.
Tống Trường Kính cười nói với Lưu Bá Kiều:
- Thằng nhóc, không tệ, bản vương thấy ngươi được đấy.
Cô gái mở mắt, “kéo” mình ra khỏi vách tường, sau khi rơi xuống thì thân hình lắc lư, nói với bóng lưng kia:
- Hôm nay chỉ bảo, Trần Đối sẽ khắc ghi trong lòng.
Tống Trường Kính không để ý, chỉ nói với Lưu Bá Kiều:
- Sau khi rời khỏi trấn nhỏ hãy đến kinh thành Đại Ly tìm bản vương, có một thứ muốn đưa cho ngươi, chỉ xem ngươi có cầm được hay không, có mang đi được hay không.
Lưu Bá Kiều buột miệng nói:
- Phù kiếm!
Người tu hành đều biết phù kiếm là một trong số pháp khí chủ yếu của Đạo gia, nhưng nếu một thanh kiếm có thể trực tiếp gọi là “phù kiếm”, hơn nữa thế nhân đều biết, có thể tưởng tượng được thanh kiếm này rực rỡ thế nào.
Tống Trường Kính và Tống Tập Tân rời khỏi biệt viện. Người đàn ông cười nói:
- Oán khí trong lòng đã trút hết chưa?
Tống Tập Tân gật đầu nói:
- Gần hết rồi.
Chuyện liên quan đến Trần Bình An trước đó, người này thậm chí còn lừa gạt cả cháu ruột của mình, Tống Tập Tân đương nhiên đầy bụng căm phẫn oán hận.
Tống Tập Tân đột nhiên nhíu mày hỏi:
- Cô gái kia nhìn có vẻ lai lịch rất lớn, chú không sợ đánh nhỏ sẽ rước lấy lớn, đánh lớn lại rước lấy mấy lão già chết tiệt sao? Nếu như Địa Phương Huyện Chí không gạt người, vậy cháu cũng biết được sự lợi hại của mấy lão khốn khiếp kia. Đến lúc đó Đại Ly chúng ta thật sự không có vấn đề gì sao?
Người đàn ông nói một câu đã giải quyết vấn đề của thiếu niên.
- Ngươi quá xem thường ba chữ Tống Trường Kính này rồi.
.........
Trong sảnh chính, Thôi Minh Hoàng ngồi trở về vị trí, không lộ tâm tình.
Lưu Bá Kiều chán nản tựa lưng vào ghế, nghĩ lại còn sợ nói:
- Ai da, cảnh giới thứ bảy thứ tám và cảnh giới thứ chín này chênh lệch lớn vậy sao?
Vườn Phong Lôi có hai võ phu cảnh giới thứ bảy và thứ tám, hơn nữa quan hệ với Lưu Bá Kiều đều không tệ.
Thôi Minh Hoàng lắc đầu nói:
- Trong cờ vây, cùng là danh thủ bậc chín cũng chia ra mạnh yếu, chênh lệch rất lớn. Huống hồ Tống Trường Kính vốn thuộc loại đứng đầu trong cảnh giới thứ chín.
Sau đó Thôi Minh Hoàng nhìn về cô gái tên là Trần Đối, quan tâm hỏi:
- Trần cô nương không sao chứ?
Cô gái cũng là người mạnh mẽ, mặc dù sắc mặt tái nhợt nhưng vẫn thản nhiên cười nói:
- Không sao.
Trần Tùng Phong giống như còn thấp thỏm lo âu hơn người bà con xa trong cuộc này.
Trong lòng Thôi Minh Hoàng thở dài, trong loạn cục tranh đấu sắp tới, họ Trần quận Long Vĩ e rằng rất khó thể hiện tài năng rồi.
Lưu Bá Kiều tấm tắc nói:
- Búng ngón tay là có thể bắn phi kiếm của ta trở về khiếu huyệt, còn không làm thần hồn của ta bị thương chút nào, đúng là khó tưởng tượng.
Thôi Minh Hoàng trêu chọc:
- Bây giờ đã biết ngoài núi có núi, trên người có người rồi chứ?
Lưu Bá Kiều bản tính khó đổi, cười xấu nói:
- Trên người có người? Thôi đại tiên sinh đúng là không quân tử chút nào!
Thôi Minh Hoàng dở khóc dở cười, cũng lười để ý đến tên hồ đồ này.
Lưu Bá Kiều ngẫm nghĩ, cũng lên tiếng an ủi cô gái có cái tên hơi kỳ lạ kia, tránh cho cô nhất thời nghĩ không thông, quyết tâm muốn lấy trứng chọi đá đi gây sự với Tống Trường Kính, đến lúc đó những người có mặt ở đây đều không gánh nổi:
- Trần đại tỷ, mặc dù ta nói như vậy có vẻ tăng khí thế cho người khác, làm giảm uy phong của mình, nhưng gặp phải Tống Trường Kính thì cúi đầu lùi một bước cũng không mất mặt.
Trần Tùng Phong muốn nói lại thôi.
Nhưng cô gái lại ừ một tiếng, hờ hững nói:
- Tống Trường Kính quả thật có tư cách này, không phải là ta không phục, chỉ là không cam tâm mà thôi.
Lưu Bá Kiều nói không cần suy nghĩ:
- Thực ra cũng không cần bất cam. Nhìn ta đi, bây giờ ta đang rất cao hứng, sau này trở lại vườn Phong Lôi có thể khoe khoang cả mười năm. Ta có thể giao thủ với Tống Trường Kính Đại Ly, mặc dù chỉ có một chiêu, nhưng cuối cùng Lưu Bá Kiều ta cũng không tổn hao lông tóc gì! Đương nhiên nếu ta có thể lấy được thanh phù kiếm ở kinh thành Đại Ly kia, có khoe khoang một trăm năm cũng không sao!
Suy nghĩ của cô gái chuyển sang thứ khác.
Cô bất giác nhớ tới thiếu niên ngồi trên ngưỡng cửa kia, có thể dùng một câu nói ngăn cản Tống Trường Kính ra tay giết người.
- --------
Sau khi ông chủ già của tiệm Dương gia trở lại trấn nhỏ, lập tức chạy thẳng tới hậu viện tiệm nhà mình, không lớn không nhỏ, vừa lúc đủ cho ba người làm thuê trong tiệm cư trú.
Ông chủ đẩy cửa nhà chính hậu viện, thấy một ông lão đang ngồi trên ghế dựa chơi đùa với tẩu thuốc cũ của mình. Ông chủ đóng cửa lại, sau đó gọi một tiếng lão Dương. Ông lão kia vội vàng để tẩu thuốc cũ bằng trúc xuống, rót một chén trà, cười hỏi:
- Ông chủ, có người đang cần dùng thuốc gấp à? Muốn tôi lên núi ban đêm sao?
Ông chủ lớn tuổi nhìn lão già tuổi tác xấp xỉ này, lắc lắc đầu, nâng chén trà lên, thở dài nói:
- Hôm nay xem bệnh cho một người ở chỗ Nguyễn sư, đó là một thiếu niên họ Lưu, bị người xứ khác đánh một quyền gần chết. Bây giờ trong lòng tôi không thoải mái, cho nên muốn tới chỗ ông ngồi một chút để hoà hoãn lại.
Lão Dương mặt đầy nếp nhăn như vỏ cây hòe già, cười nói:
- Ông chủ, cứ ngồi là được, cũng không phải người ngoài.
Ông chủ đột nhiên nghĩ tới một chuyện:
- Đúng rồi, lão Dương, nhiều năm trước ông đã giúp một đứa trẻ, chính là thằng nhóc đáng thương ở ngõ Nê Bình kia, còn nhỏ tuổi đã đi bốc thuốc cho mẹ. Có phải nó tên là Trần Bình An không?
Lão Dương hơi kinh ngạc, gật đầu nói:
- Đúng vậy, cuối cùng mẹ của đứa bé kia vẫn ra đi, nếu không nhớ lầm thì không thể chịu được qua mùa đông đó. Về sau còn gặp đứa bé kia thêm mấy lần, số lần cũng không nhiều. Năm đó tôi thật sự không nỡ nhìn, còn cho đứa bé kia một phương thuốc dân gian không đáng giá. Sao rồi? Là đứa nhỏ này bị người ta đánh à?
Ông chủ uống một ngụm trà, cười khổ nói:
- Ban nãy không phải tôi đã nói rồi sao, thiếu niên kia họ Lưu. Lão Dương, ông cũng thật là, trí nhớ sao mà kém vậy!
Lão Dương cười ha hả, cũng không để ý.
Ông chủ già cẩn thận thử dò hỏi:
- Lão Dương, tiệm chúng ta có nên làm chút gì không?
Lão Dương cầm lấy tẩu thuốc cũ làm bằng trúc kia lắc lắc:
- Ông chủ, không cần làm gì là được.
Ông chủ già giống như được uống một viên thuốc an thần, gật đầu nói:
- Vậy cũng tốt, vậy cũng tốt. Lão Dương, vậy ông cứ làm chuyện của ông, tôi đi trước nhé.
Lão Dương vừa muốn đứng dậy đưa tiễn, ông chủ già vội vàng khuyên nhủ:
- Không cần tiễn, không cần tiễn.
Sau khi ông chủ già đi xuống bậc thềm thì quay đầu nhìn lại, thấy lão Dương đang muốn đóng cửa, nhìn thấy mình thì nhếch miệng cười cười. Ông chủ già vội vàng quay đầu rời khỏi.
Khi ông chủ trung niên tiếp nhận cửa tiệm, phụ thân đang hấp hối trên giường bệnh, di ngôn cuối cùng lại là mấy lời kỳ quái: “Khi trong tiệm gặp phải chuyện lớn hãy tìm lão Dương, làm theo lời ông ấy nói. Câu này hình như là do ông nội của ông nội con truyền lại. Sau này khi con truyền cửa tiệm cho đời sau, nhất định đừng quên nói những lời này, nhất định không được quên!”
Khi đó ông chủ già ra sức gật đầu đáp ứng, lúc này cha già mới nuốt một hơi cuối cùng, bình yên nhắm mắt chết đi.
Bóng đêm dần đậm.
Lão Dương thắp một ngọn đèn dầu.
Rít rít tẩu thuốc, ông lão nhớ tới vài chuyện cũ năm xưa, chỉ là những chuyện nhỏ đã định trước sẽ không ai quan tâm.
- --------
Một ngôi nhà tổ nhiều đời truyền lại được thu dọn rất ngăn nắp, không hề giống như một gia đình trong ngõ Nê Bình.
Một người đàn ông trung hậu hiền lành ngồi ở cửa viện, nhìn một đứa trẻ xinh xắn, cười hỏi:
- Con trai, qua hết năm có phải thành người lớn rồi không?
Đứa trẻ giơ một tay lên, hồn nhiên ngây thơ nói:
- Cha, con năm tuổi mụ, là người lớn rồi!
Người đàn ông cười cười, cảm thấy xót xa:
- Vậy sau này lúc cha không có ở nhà, mẹ phải giao cho con chăm sóc rồi, có làm được không?
Đứa trẻ lập tức thẳng lưng:
- Được!
Người đàn ông cười vươn bàn tay lớn đầy vết chai ra:
Hai người móc ngón út, ngón cái lật lên dính chặt vào nhau.
Người đàn ông buông tay ra, sau đó chậm rãi đứng lên, quay đầu nhìn bóng dáng thướt tha đang bận rộn trong nhà chính, đột nhiên sải bước rời đi.
Đứa trẻ phía sau hô lên:
- Cha, mứt quả ăn ngon lắm.
Môi của người đàn ông run rẩy, quay đầu lại, nặn ra một nụ cười:
- Biết rồi!
Đứa trẻ rốt cuộc vẫn là người hiểu chuyện, chớp chớp mắt:
- Cái nhỏ ăn ngon hơn một chút.
Người đàn ông nhanh chóng quay đầu đi, không dám nhìn con trai mình nữa, tiếp tục đi về phía trước, lẩm bẩm:
- Con trai, cha đi đây!
- --------
Trong tiệm Dương gia, một đứa trẻ thường xuyên tới mua thuốc, hôm nay lại bị một người phục vụ không kiên nhẫn đẩy ra khỏi cửa. Người phục vụ trẻ tuổi kia mắng:
- Nói với ngươi bao nhiêu lần rồi, mấy viên bạc vụn này ngay cả cặn thuốc cũng không mua được! Nào có ai phiền phức như ngươi, đứng chắn ở đây hơn cả nửa ngày. Chỗ chúng ta là tiệm thuốc, phải làm ăn, chứ không phải chùa chiền, không có Bồ Tát cho ngươi lạy đâu! Nếu không phải thấy ngươi còn nhỏ tuổi, ông đây thật muốn ra tay đánh người, cút cút cút!
Đứa trẻ nắm chặt túi tiền khô quắt kia, muốn khóc nhưng lại kiên trì không khóc ra tiếng, vẫn là lý do đã lặp lại vô số lần:
- Mẹ tôi còn đang chờ tôi sắc thuốc, đã rất lâu rồi. Nhà tôi thật sự không còn tiền nữa, nhưng mẹ tôi đang bệnh rất nặng...
Người phục vụ trẻ tuổi tiện tay vớ lấy một cây chổi, ra vẻ muốn đánh người.
Đứa trẻ đứng ở ngoài ngưỡng cửa sợ đến ngồi xổm xuống, hai tay ôm đầu, tay trái vẫn không quên nắm chặt túi tiền.
Một lúc lâu sau đứa trẻ ngẩng đầu lên, phát hiện một ông cụ vẻ mặt nghiêm túc đang đứng ở đó, đối diện với nó.
Người phục vụ trẻ tuổi hậm hực để cây chổi xuống, bận rộn làm chuyện của mình.
Ông lão vươn một tay ra:
- Mua đồ trả tiền, làm ăn kiếm tiền, đó là đạo lý hiển nhiên. Còn như kiếm nhiều hay ít thì phải xem lương tâm, nhưng chắc chắn không có chuyện lỗ vốn. Cho nên ngươi đưa túi tiền cho ta, ta sẽ nhận mấy viên bạc vụn kia. Dược liệu cần thiết cho mẹ ngươi chữa bệnh hôm nay, ta sẽ cho ngươi thiếu nợ trước. Nhưng sau này ngươi phải trả tiền, không được thiếu một phân một hào nào. Nhóc con, nghe có hiểu không?
Đứa trẻ chắp chớp mắt, cảm thấy lờ mờ, nhưng vẫn đưa túi tiền ra.
Cuối cùng ông lão có phần tốn sức nhoài người trên quầy, mới có thể nhìn thấy đứa trẻ gần như không thấy đầu kia, hỏi:
- Biết sắc thuốc thế nào không?
Đứa trẻ gật đầu như gà con mổ thóc:
- Biết!
Ông lão nhíu mày:
- Biết thật à?
Lần này đứa trẻ chỉ dám khẽ gật đầu.
Người phục vụ trẻ tuổi kia ở phía xa cười nói:
- Khi đó thầy Lưu của chúng ta đến ngõ Nê Bình một chuyến, xem bệnh cho mẹ nó xong đã dạy nó một lần, sau đó không yên lòng lại tự mình nhìn đứa nhỏ này sắc thuốc. Rất kỳ quái, một đứa bé còn nhỏ như vậy lại không mắc sai lầm nào. Là do thầy Lưu chính miệng nói, chắc sẽ không sai.
Ông lão phất phất tay với đứa trẻ:
- Đi đi.
Đứa trẻ vui mừng phấn khởi xách theo một túi dược liệu lớn được bọc giấy dầu, nhanh chóng chạy về ngõ Nê Bình.
Mẹ của nó đang nằm trên giường gỗ. Sau khi đứa trẻ rón ra rón rén tiến vào phòng, thấy mẹ mình còn đang ngủ bèn sờ lên trán của bà, phát hiện không nóng mới thở phào một hơi, sau đó lặng lẽ dịch tay của mẹ mình vào trong chăn.
Đứa trẻ đi đến nhà bếp bên ngoài phòng, dùng ấm sứ sắc thuốc, thừa dịp rảnh rỗi bắt đầu nấu cơm và đồ ăn.
Nó phải bước lên ghế nhỏ mới làm được.
Đứa trẻ gắng sức đảo nồi, bị hơi nước nóng hổi làm cho sặc sụa, còn không quên nhỏ giọng lẩm bẩm:
- Nhất định phải nấu cho ngon, nhất định phải vậy! Nếu không mẹ lại không chịu ăn rồi...
- --------
Một đứa trẻ mới năm tuổi mụ, vác một cái sọt gần như còn lớn hơn người nó, đi lên trên núi bên ngoài trấn nhỏ.
Đây là lần thứ hai đứa trẻ vào núi. Lần đầu tiên là được lão Dương của tiệm Dương gia dẫn theo, vì chiếu cố đến chân cẳng yếu đuối của nó nên đi rất chậm, cộng thêm ông lão chỉ muốn dạy đứa trẻ mấy loại thảo dược cần hái, hơn nữa cái sọt cũng do ông lão vác, vì vậy lần đó vào núi rời núi xem như rất nhẹ nhàng. Hôm nay thì khác, đứa trẻ đi dưới mặt trời chói chang, vác theo cái sọt, sau lưng truyền đến từng cơn đau như bị phỏng.
Nó vừa đi vừa khóc, cắn răng đi về phía trước.
Lần đó đến khi trời tối đứa trẻ mới trở lại tiệm Dương gia, trong sọt chỉ có một lớp dược liệu rất mỏng.
Lão Dương giận tím mặt.
Đứa trẻ nức nở nói, trong nhà chỉ có một mình mẹ, nó sợ mẹ đói nên phải về sớm, nếu không thì sẽ không chỉ có một chút dược liệu như vậy, ngày mai nó có thể dậy sớm vào núi.
Ông lão im lặng không lên tiếng, xoay người rời đi, chỉ nói sẽ cho nó thêm một cơ hội nữa.
Sau đó không tới hai tháng, tay chân của đứa trẻ đã đầy vết chai.
- --------
Có một ngày cơn mưa lớn thình lình kéo tới, khiến cho đứa trẻ lên núi hái thuốc quên thời gian bị chặn ở bên kia dòng suối.
Nhìn nước lũ cuộn trào, đứa trẻ gào khóc trong cơn mưa lớn.
Cuối cùng khi nó thật sự không kìm được, định nhảy vào trong nước suối.
Lão Dương đột nhiên xuất hiện ở bờ bên kia, một bước vượt qua khe suối nhỏ, lại một bước xách đứa trẻ trở về.
Hạt mưa lớn như hạt đậu nành đập vào người, nhưng trên đường xuống núi đứa trẻ vẫn luôn cười rất vui vẻ.
Sau khi ra khỏi núi, ông lão nói:
- Tiểu Bình An, ngươi giúp ta làm một chiếc tẩu thuốc, ta sẽ dạy ngươi một biện pháp nhỏ có thể leo núi không mệt.
Đứa trẻ đưa tay lau nước mưa qua loa, nhếch miệng cười nói:
- Được!
- --------
Đứa trẻ tung tăng trở lại ngõ Nê Bình, hôm nay nó hái được một cây thảo dược quý hiếm, cho nên tiệm Dương gia đã đưa thêm một ít dược liệu cần thiết cho mẹ.
Đứa trẻ cả ngày chưa ăn cơm đang đi, đột nhiên cảm thấy bụng quặn đau.
Tại khoảnh khắc đó, nó biết rằng mình đã ăn lầm đồ trên núi.
Đau đớn bắt đầu từ bụng kéo đến tay chân, cuối cùng lên đến đầu.
Trước tiên đứa trẻ cẩn thận ngồi xổm xuống, tháo cái sọt ra, sau đó hít thở sâu, muốm kìm nén cơn đau đớn kia.
Nhưng lúc thì nóng như lửa đốt, lúc thì lạnh như sốt rét, cuối cùng nó chỉ có thể đau đến mức lăn lộn trong ngõ nhỏ.
Từ đầu đến cuối đứa trẻ vẫn không dám kêu thành tiếng.
Bất kể đầu đập lung tung vào vách tường ngõ nhỏ thế nào, đứa trẻ vẫn không thốt ra tiếng.
Ở quá gần nhà.
Nó sợ mẹ mình nằm ở trên giường lo lắng.
Trong quá trình đó, ý thức của đứa trẻ mơ hồ, chỉ cảm nhận được tiếng đập của trái tim mình, giống như tiếng trống gần ở bên tai, vang lên thùng thùng.
- --------
Tại ngõ Hạnh Hoa, một đứa trẻ ngồi cách quầy mứt quả không xa, mỗi lần đều ngồi một lát, thời gian không lâu, nhưng vẫn khiến cho chủ quầy nhớ được khuôn mặt nhỏ nhắn đen nhẻm của nó.
Cuối cùng có một lần, người đàn ông bán mứt quả lấy một xâu xuống, cười nói:
Người phụ nữ trên giường bệnh đã gầy như que củi, gương mặt dĩ nhiên đã trở nên khô héo xấu xí.
Đứa trẻ vừa mới cầu khấn ở chỗ tượng thần đổ nát trở lại, đến giếng Thiết Tỏa ở ngõ Hạnh Hoa gánh nước về, đi đến bên giường, ngồi trên chiếc ghế dài nhỏ, phát hiện mẹ nó đã tỉnh liền nhẹ giọng hỏi:
- Mẹ, có thấy tốt hơn không?
Người phụ nữ gian nan cười nói:
- Tốt hơn nhiều rồi, không thấy đau nữa.
Đứa trẻ vui mừng phấn khởi:
- Mẹ à, cầu các Bồ Tát đúng là hữu dụng.
Người phụ nữ gật đầu, run rẩy vươn một tay ra. Đứa trẻ vội vàng nắm lấy tay mẹ nó.
Người phụ nữ vất vả khó nhọc nghiêng người, nhìn chăm chú vào gương mặt của con mình. Bà đã chịu nhiều ốm đau hành hạ, đột nhiên lại dạt dào hạnh phúc, thì thầm:
- Sao trên đời lại có đứa trẻ tốt như vậy, còn vừa khéo là con trai của ta?
- --------
Mùa đông năm ấy, người phụ nữ cuối cùng vẫn không chịu được qua cửa ải cuối năm, không thể chờ đến khi con trai dán câu đối xuân và thần giữ cửa, đã ra đi.
Trước khi bà nhắm mắt, trấn nhỏ vừa lúc có tuyết rơi, bà bảo con trai ra ngoài xem tuyết.
Người phụ nữ nghe tiếng bước chân con trai chạy ra khỏi nhà, nhắm mắt lại, thành kính mặc niệm: “Vỡ vỡ bình, vỡ vỡ an, vỡ vỡ bình an. Tiểu Bình An nhà ta, tháng tháng bình an, năm năm tháng tháng, tháng tháng năm năm, bình bình an an...”
Từ ngày đó trở đi, Trần Bình An đã trở thành cô nhi.
Chẳng qua là từ đứa trẻ biến thành thiếu niên.
- --------
Chú thích:
(1) Huyệt Khí Hải là một trong 36 đại huyệt trên cơ thể con người, nằm trên mạch Nhâm. Đôi khi người ta thường lấy tên là Đan Điền vì nó là một phần của vùng hạ Đan điền. Khí nghĩa là nguyên khí bẩm sinh, năng lượng cần thiết cho sự sống. Hải nghĩa là biển, nơi mọi nguồn nước đổ về.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT