Trần Bình An không về thẳng nhà Lưu Tiện Dương mà về ngõ Nê Bình trước, nói với Ninh Diêu về dự định của Lưu Tiện Dương.

Ninh Diêu nghe xong cũng không bày tỏ ý kiến, chỉ nói đây là chuyện giữa các ngươi, nàng chỉ thu tiền của người, giải nạn cho người. Nếu Lưu Tiện Dương không cần nàng ra tay vẫn có thể thoát khỏi kiếp nạn, nàng sẽ trả lại ba túi tiền đồng kim tinh kia. Trần Bình An nói đây không phải là chuyện tiền bạc, kết quả Ninh Diêu lại lạnh lùng trả lời một câu, vậy là ngươi muốn nói chuyện tình cảm với ta, hai ta đã đến mức đó rồi à? Trần Bình An thiếu chút nữa đã bị câu này của nàng làm nghẹn chết, đành phải ngồi xổm ở ngưỡng cửa vò đầu.

Ninh Diêu liếc nhìn bánh ngọt trên bàn do Trần Bình An mang tới, có bánh táo gạo nếp ăn ngon giá rẻ, cũng có viên sen ngọc khá đắt đỏ, nhất định là thiếu niên đã dốc hết sức để làm tròn đạo đãi khách. Lần đầu tiên thiếu nữ hơi mềm lòng và áy náy, nhất thời cảm thấy mình giống như không biết điều. Ăn của người ta, ở nhà người ta, gặp phải chuyện khó, cho dù không giúp được nhiều thì cũng không nên thêm dầu vào lửa. Nàng bèn hỏi:

- Có phải Lưu Tiện Dương ở chỗ tiệm rèn bị uy hiếp đến thân thể, cho nên mới buộc phải bán bộ giáp nổi cục màu xen đen kia? Ví dụ như trong tiệm có ẩn giấu tay sai của bốn họ mười tộc, âm thầm giáo huấn Lưu Tiện Dương một trận?

Trần Bình An suy nghĩ một lúc, lắc đầu nói:

- Sẽ không đâu, Lưu Tiện Dương chắc chắn không phải loại người bị uy hiếp sẽ cúi đầu nhận thua. Năm đó lần đầu tiên tôi gặp hắn, cho dù bị đám người ở đường Phúc Lộc đánh đến nôn ra máu, hắn cũng không nói nửa câu nhận sai, vẫn luôn chịu đựng, thiếu chút nữa đã bị người ta đánh chết thật. Nhiều năm như vậy tính tình của Lưu Tiện Dương vẫn không thay đổi.

Ninh Diêu lại hỏi:

- Tinh lực dồi dào, dũng cảm khí phách, coi trọng lời hứa, xem nhẹ sống chết, thực ra trước giờ không thiếu những hiệp khách xuất thân ngõ hẹp như vậy, trên đường đi ta đã tận mắt nhìn thấy không ít. Nhưng một khi lợi ích lớn bày ra trước mặt, đổi thành một loại cám dỗ khác, Lưu Tiện Dương hắn rốt cuộc có thể giữ được bản tâm hay không?

Trần Bình An lại lâm vào trầm tư, cuối cùng ánh mắt kiên định nói:

- Lưu Tiện Dương sẽ không làm kẻ phá của vì người ngoài cho hắn cái gì đó, hắn rất yêu quý ông nội mình. Trừ khi thật sự giống như hắn nói, trước khi lâm chung ông nội đã dặn dò hắn, có thể bán bảo giáp nhưng đừng bán tống bán tháo, còn bộ Kiếm Kinh kia nhất định phải giữ lại Lưu gia bọn họ, sau này còn phải truyền cho đời sau.

Ninh Diêu nói:

- Theo tình hình mà ta biết, bộ giáp nổi cục kia phẩm chất không tầm thường, nhưng cũng không xem là quá quý hiếm. Còn bộ Kiếm Kinh kia có thể làm cho núi Chính Dương dòm ngó từ lâu, hơn nữa không tiếc điều động hai người tới đây tìm bảo, tuyện bố đã là vật trong túi, vậy thì nhất định là đồ tốt. Cho nên có thể hiểu được quyết định bán bảo giáp giữ Kiếm Kinh này.

Trần Bình An gật đầu.

Ninh Diêu vuốt ve vỏ đao màu xanh lá, ánh mắt lạnh lùng:

- Vì để cẩn thận, ta sẽ cùng ngươi đến nhà Lưu Tiện Dương, trước tiên đuổi vị phu nhân kia đi. Nếu Lưu Tiện Dương chính miệng nói là muốn bán, vậy cứ để họ mang rương đựng bảo giáp đi, sau đó ta sẽ cùng ngươi đến tiệm Nguyễn gia gặp Lưu Tiện Dương một lần, hỏi hắn xem rốt cuộc nghĩ thế nào. Nếu quả thật đó là di chúc lúc lâm chung của ông nội hắn, ngươi và ta không cần động tay động chân nữa, mỗi nhà đều có chỗ khó của mình, không phải việc của ngươi thì đừng xen vào lung tung. Còn nếu không phải thì bảo hắn nói ra nỗi khổ tâm, chẳng qua là ta đi đoạt lại chiếc rương kia mà thôi!

Trần Bình An lo lắng hỏi:

- Ninh cô nương, thân thể của cô không sao chứ?

Ninh Diêu cười lạnh nói:

- Nếu đối phó với con vượn già Bàn Sơn của núi Chính Dương, nhất định sẽ rất vất vả. Nhưng nếu là người đàn bà kia, trong trấn nhỏ này ta chỉ dùng một tay là đủ rồi.

Trần Bình An tò mò hỏi:

- Vượn Bàn Sơn?

Ninh Diêu trả lời qua loa:

- Nghiệt chủng của một loại hung thú thượng cổ còn sót lại trong thiên hạ này, chân thân là hình thể một con vượn lớn như núi. Theo lời đồn một khi lộ ra chân thân sẽ có thể nhổ một ngọn núi cao lên, vác trên lưng bước đi. Có điều đây chỉ là lời đồn mà thôi, dù sao cũng chưa ai thật sự nhìn thấy. Mấy trăm năm qua núi Chính Dương này vẫn luôn ẩn nhẫn không lên tiếng, thực ra nội tình rất sâu, mặc dù tông môn có thứ hạng không cao ở Đông Bảo Bình Châu nhưng không thể xem thường. Vì vậy chúng ta không nên tranh chấp với bọn họ là tốt nhất, còn đã tranh chấp...

Trần Bình An cẩn thận hỏi:

- Đã tranh chấp thì thế nào?

Ninh Diêu đứng lên, dùng ngón cái đẩy đao ra khỏi vỏ hơn một tấc, ánh mắt nhìn thiếu niên giày cỏ như nhìn kẻ ngốc, nói với giọng hiển nhiên:

- Còn thế nào nữa? Chém chết bọn chúng thôi!

Trần Bình An nuốt một ngụm nước bọt.

Sau đó thiếu niên vác sọt lên, dẫn theo thiếu nữ đã mang nón che mặt, bên hông đeo đao màu xanh lá, cùng nhau chậm rãi đi về hướng nhà tổ của Lưu Tiện Dương.

Ninh Diêu quay đầu liếc nhìn cái sọt của thiếu niên, hỏi:

- Sao hôm nay lại ít như vậy?

Trần Bình An thở dài:

- Mã Khổ Huyền, à, chính là cháu trai của Mã bà bà ở ngõ Hạnh Hoa, tuổi tác xấp xỉ với tôi, hiện giờ giống như đã hoàn toàn biến thành một người khác. Theo như cách nói của hắn, là do phong thủy của trấn nhỏ thay đổi, cho nên những viên đá trong khe suối nhỏ này càng ngày càng không giữ được “khí”.

Vẻ mặt Ninh Diêu nghiêm túc, trầm giọng nói:

- Hắn nói không sai, trấn nhỏ này sắp trở trời rồi. Ngươi tốt nhất hãy giải quyết chuyện này cho sớm, mau chóng rời khỏi trấn nhỏ, cho dù đi rồi trở về cũng tốt hơn là cứ ở mãi trong trấn.

Trần Bình An không phải là người cố chấp chưa đụng tường thì chưa quay đầu, từ nhỏ đã sống một mình quen rồi, ngược lại càng biết rõ nhân tình ấm lạnh và nặng nhẹ, bèn gật đầu cười nói:

- Sẽ vậy. Chỉ cần nhìn thấy Lưu Tiện Dương và Nguyễn sư phụ uống trà bái sư, tôi sẽ lập tức rời khỏi nơi này. Tốt nhất khi đó Nguyễn sư phụ cũng đồng ý đúc kiếm cho cô.

Nhìn mặt hắn tràn đầy vui sướng, Ninh Diêu nghi hoặc hỏi:

- Chuyện không liên quan gì tới ngươi cũng đáng vui vẻ như vậy? Nói ngươi tốt bụng quá mức còn không phục à?

Có lẽ vì cho rằng hai người đã quen thân hơn một chút, Trần Bình An nói chuyện cũng không che che giấu giấu như trước nữa, nói một cách thẳng thắn:

- Lưu Tiện Dương, Cố Xán, cộng thêm Ninh cô nương đây, cô nghĩ xem, trên đời có nhiều người như vậy, tôi cũng chỉ quan tâm đến ba người, sao lại là tốt bụng quá mức?

Ninh Diêu cười híp mắt hỏi:

- Trong ba người đó, ta xếp thứ mấy?

Trần Bình An vừa thành khẩn vừa xấu hổ nói:

- Tạm thời là thứ ba.

Ninh Diêu lấy bội đao xuống tùy ý cầm trong tay, dùng vỏ đao gõ nhè nhẹ vào vai thiếu niên, giả vờ cười không tự nhiên nói:

- Trần Bình An, ngươi phải cảm ơn ta không giết ngươi đấy.

Trần Bình An khó hiểu hỏi:

- Cô không cảm thấy sắc thuốc phiền phức sao?

Ninh Diêu sững sốt, đã hiểu được ý nghĩ của hắn:

- Trần Bình An, ta đột nhiên phát hiện, sau này dù ngươi ra bên ngoài cũng có thể sống rất tốt.

Trần Bình An không hề tham lam, thành tâm thành ý nói:

- Tốt như bây giờ là được rồi.

Ninh Diêu không bày tỏ ý kiến, khẽ lắc lư đao màu xanh lá trong tay, giống như thiếu nữ nông thôn đung đưa nhành hoa.

Đến chỗ rẽ trong con ngõ nhà Lưu Tiện Dương, một bóng đen bỗng nhiên chạy ra. Thiếu chút nữa Ninh Diêu đã rút đao ra khỏi vỏ, may mà kịp thời kìm được. Hóa ra đó là một con chó vàng, chạy vòng quanh Trần Bình An rất thân thiết. Trần Bình An khom lưng xoa xoa đầu nó, sau đó đứng lên cười nói:

- Là chó do nhà kế bên Lưu Tiện Dương nuôi, gọi là Lai Phúc, đã nhiều năm rồi lá gan vẫn rất nhỏ. Trước kia tôi và Lưu Tiện Dương thường mang nó lên núi, nó cũng chỉ biết đi theo sau đuôi chúng tôi tham gia náo nhiệt. Lưu Tiện Dương luôn chê nó không bắt được thỏ núi gà rừng, thường nói Lai Phúc còn không bằng một con mèo. Giống như con mèo mà nhà Mã Khổ Huyền nuôi, có người thấy nó thường tha gà rừng và rắn vào trong nhà. Có điều Lai Phúc đã lớn tuổi, mười tuổi đến nơi, đã rất già rồi.

Nói đến đây, thiếu niên giày cỏ không nhịn được lại khom lưng xoa xoa đầu Lai Phúc, ôn nhu nói:

- Tuổi tác đã lớn thì phải thừa nhận mình già, đúng không? Yên tâm, sau này chờ ta kiếm được nhiều tiền nhất định sẽ không để ngươi đói bụng.

Ninh Diêu lắc đầu, nhìn thấy cảnh này nàng không thể sinh ra đồng cảm.

Cho dù trên đoạn đường này nàng đã gặp rất nhiều người và rất nhiều chuyện, tiên gia cao nhân ăn trên ngồi trước, dân chúng quê mùa người trần mắt thịt, con cháu quyền quý áo gấm ngựa nhanh, phong thái thần tiên ngự gió bay lượn, đã nhìn thấy rất nhiều vui buồn li hợp.

Ninh Diêu cũng từng có thành kiến với những nơi đất khách quê người này, có điều đi lại nhiều rồi, thành kiến vẫn còn nhưng không lớn như trước nữa.

Có hành giả (1) của Phật gia, cầm chén đi bằng chân trần trong đêm mưa gió thê lương, hô vang Phật hiệu, bước chân kiên định. Có thư sinh nghèo vào kinh dự thi, ôn nhu vẽ lông mày cho hồ ly khoác da người trong chùa xưa đổ nát, cuối cùng khi một lần nữa lên đường, cho dù biết rõ tóc mai của mình đã bạc trắng cũng không hối hận.

Có đạo nhân trẻ tuổi giữ chức vị Thiên Sư, một mình băng qua chiến trường và bãi tha ma cổ xưa, mặc niệm Phúc Sinh Vô Lượng Thiên Tôn (2), không tiếc tiêu hao tu vi bản thân để dẫn dắt một con đường siêu thoát cho đám cô hồn dã quỷ. Có quan văn trung niên ban đầu nhậm chức đã tự tay cấm tiệt miếu Long Vương xây dựng tràn lan, đến khi môi khô nứt nẻ rỉ máu, mới bày bàn thờ bên lòng sông khô cạn, khàn giọng đọc “văn cầu mưa Long Vương”, cuối cùng vì dân chúng trong địa hạt mà hướng về miếu Long Vương quỳ xuống xin tội.

Có cụ già bảy mươi là bô lão tiền triều, không muốn dẫn theo đứa con trai đã ra làm quan tân triều, chỉ dẫn theo đứa cháu nhỏ còn học vỡ lòng, đi lên cao nhìn xuống. Đối diện với non sông nước nhà đã tan vỡ, lệ già đầy mặt, nói với cháu trai những châu quận đã được đổi tên kia vốn gọi là gì. Có một con thuyền nhỏ xuôi dòng trôi xuống eo sông dài ngàn dặm, có người đọc sách hăng hái trong tiếng vượn kêu hai bên bờ sông, đọc đến chỗ đắc ý lại ngẩng mặt lên trời thét lớn. Có nữ nhân nghiêng nước nghiêng thành mặt che giáp sắt, phóng ngựa uống rượu sau khi chiến tranh bế mạc, đó mới là vẻ đẹp tuyệt trần.

Một đường đi tới, một đường hiểu biết, một đường cảm ngộ, lòng hướng đạo của Ninh Diêu vẫn vững như đá núi, không có bất kỳ do dự nào.

Bây giờ Ninh Diêu lại nhìn thấy thêm một cảnh tượng.

Một thiếu niên ngõ hẹp lẻ loi trơ trọi, vác cái sọt đeo giỏ cá, xoa đầu một con chó già, thiếu niên tràn đầy hi vọng với tương lai.

Hai người vừa trở lại nhà Lưu Tiện Dương không lâu thì có người gõ cửa. Trần Bình An và Ninh Diêu liếc mắt nhìn nhau, sau đó Trần Bình An đi ra mở cửa. Ninh Diêu chỉ đứng ở cửa nhà, có điều nàng lại quay đầu liếc nhìn thanh trường kiếm nằm yên trên tủ.

Người gõ cửa là Lư Chính Thuần, dĩ nhiên là do vị phu nhân kia cầm đầu, ngoài ra còn có hai tên đầy tớ trung thành nhà họ Lư.

Vẻ mặt Lư Chính Thuần ôn hoà, nhẹ giọng hỏi:

- Ngươi là bạn của Lưu Tiện Dương, tên là Trần Bình An đúng không? Chúng ta tới để mang chiếc rương kia đi, chắc Lưu Tiện Dương đã nói với ngươi rồi. Cho nên ngươi cứ yên tâm nhận túi tiền này, trừ nó ra thì điều kiện mà phu nhân chúng ta đáp ứng với Lưu Tiện Dương, sau này sẽ giao đến tay hắn đầy đủ trọn vẹn.

Trần Bình An cầm lấy túi tiền kia, sau đó nhường đường. Vị phu nhân ung dung trang nhã kia dẫn đầu đi vào viện, Lư Chính Thuần mang theo hai tên đầy tớ đi ở phía sau. Phu nhân tự mình mở rương gỗ sơn đỏ đã được đặt trong nhà chính, ngồi xổm xuống đưa tay vuốt ve bộ bảo giáp hình dáng xấu xí kia, ánh mắt xuất hiện vẻ mơ màng trong chốc lát, sau đó là nóng bỏng và khát khao khó che giấu được. Nhưng tâm tình này nhanh chóng bị phu nhân thu lại, khôi phục vẻ mặt bình thường. Sau khi bà ta đứng lên thì ra hiệu cho Lư Chính Thuần có thể mang rương đi, đồ vật không hề nặng, dù sao bên trong chỉ có một bộ áo giáp mà thôi.

Phu nhân là người rời khỏi nhà cuối cùng, lúc đi tới ngưỡng cửa lại quay đầu nhìn thiếu niên giày cỏ, mỉm cười nói:

- Lưu Tiện Dương thật sự coi ngươi là bạn.

Trần Bình An không rõ ý nghĩa sâu xa nên chẳng biết nói gì, chỉ im lặng tiễn nhóm người này rời khỏi viện.

Cuối cùng Trần Bình An đứng ở ngoài cửa, thật lâu không dời bước. Ninh Diêu cũng đi đến bên cạnh hắn.

Phu nhân đi phía sau ba người Lư Chính Thuần, khi đến cuối ngõ bà ta quay đầu nhìn lại, trông thấy thiếu niên và thiếu nữ đang đứng kề vai, ngẫm nghĩ cười nói:

- Trẻ tuổi thật là tốt, nhưng cũng phải sống mới được.

- --------

Trong chiếc cầu mái che vắt ngang khe suối nhỏ, một thiếu niên cao lớn nằm trong vũng máu, thân thể co rúm, không ngừng nôn ra máu.

Nhưng lần này thiếu niên cao lớn đã không thể nghe được một thằng nhóc đen đen gầy gầy, kêu lên từng tiếng xé nát ruột gan “chết người rồi”.

Nơi bậc thềm phía bắc cầu mái che nhốn nháo đầu người, nghị luận sôi nổi, đứng từ xa xem náo nhiệt, nhưng không ai dám đến gần thiếu niên kia, sợ rước họa vào thân.

Có hai người bước nhanh vào cầu mái che. Người đàn ông ngồi xổm xuống, sau khi kiểm tra mạch đập ở cổ tay thiếu niên thì sắc mặt càng nặng nề.

Thiếu nữ áo xanh rất căm hận, nghiến răng nghiến lợi nói:

- Một quyền đánh nát ngực hắn, thủ đoạn thật tàn nhẫn!

Người đàn ông không nói gì.

Thiếu nữ áo xanh buộc tóc đuôi ngựa giận dữ nói:

- Cha! Người cứ trơ mắt nhìn Lưu Tiện Dương bị người ta đánh chết như vậy sao? Lưu Tiện Dương là nửa đồ đệ của người!

Người đàn ông vẫn không buông cổ tay thiếu niên ra, mặt không cảm xúc, hờ hững nói:

- Ta làm sao biết đường đường là núi Chính Dương, lần này lại không nói quy củ như vậy.

Thiếu nữ đột nhiên đứng dậy:

- Cha không quản thì để con quản!

Người đàn ông ngẩng đầu chậm rãi hỏi:

- Nguyễn Tú, con muốn cha nhặt xác cho con sao?

Thiếu nữ bước nhanh về phía trước, thẳng tiến không lùi, trầm giọng nói:

- Nguyễn Tú con không phải chỉ biết ăn thôi! Cũng biết giết người!

Chân mày người đàn ông thấp thoáng nổi trận lôi đình.

Non nửa nguyên nhân là vì khuê nữ của mình cứng đầu cứng cổ, còn lại dĩ nhiên là vì con vượn già của núi Chính Dương kia ra tay độc ác.

Người đàn ông ngẫm nghĩ, mình còn chưa chính thức tiếp nhận vị trí của Tề Tĩnh Xuân, vậy chẳng phải là mình cũng có thể không cần nói đạo lý?

Thiếu nữ áo xanh bỗng dừng bước.

Nàng đột nhiên nhìn thấy một thiếu niên gầy gò, từ đầu bên kia cầu mái che điên cuồng chạy về hướng mình.

Nàng nhìn thấy bóng người quen thuộc kia mang một đôi giày cỏ, mặt không biểu cảm giống như giếng xưa không dao động.

Hai người trong nháy mắt đi sát qua vai. Thiếu nữ muốn nói gì đó nhưng lại không nói ra được, chẳng hiểu vì sao nàng lại cảm thấy rất ủy khuất, trong thoáng chốc nước mắt chảy ra.

Thiếu niên giày cỏ ngồi xuống bên cạnh, đưa tay cầm lấy một tay của thiếu niên cao lớn. Ánh mắt Lưu Tiện Dương đã sớm mơ hồ, trong phút chốc giống như nhiều thêm mấy phần tinh thần khí, muốn nặn ra một nụ cười, nói đứt quãng:

- Người đàn bà kia nói nếu ta không giao bảo giáp ra, bà ta có thể sẽ giết ngươi... Bà ta còn nói, dù sao hai mẹ con bà ta cùng đến trấn nhỏ chúng ta, chỉ có một người bị trục xuất mà thôi, bà ta có thể chấp nhận cái giá này. Ta sợ, rất sợ bà ta thật sự giết ngươi... Những gì ta nói với ngươi lúc trước, thực ra không hoàn toàn là nói dối. Ông nội quả thật đã nói với ta những lời đó, cho nên ta cảm thấy bán thì cứ bán, chẳng có gì ghê gớm... Có điều ban nãy bà ta lại bảo người đi tìm ta, nói rằng lão già kia điên rồi, vừa nghe ta không có Kiếm Kinh thì khăng khăng muốn giết ngươi trước, sau đó sẽ tới giết ta. Ta thật sự lo lắng cho ngươi, muốn nói với ngươi một tiếng... liền chạy thẳng tới đây, sau đó bị lão khốn khiếp kia đánh một quyền, đau lắm...

Thiếu niên giày cỏ cúi đầu, nhẹ nhàng lau máu tươi trên khóe miệng Lưu Tiện Dương. Thiếu niên nhíu chặt khuôn mặt gầy gò đen nhẻm, nhẹ giọng nói:

- Đừng sợ, không sao đâu, tin tưởng ta, đừng nói chuyện nữa, ta đưa ngươi về nhà...

Một chút tinh thần khí gắng gượng của thiếu niên cao lớn dần dần nhạt đi, ánh mắt tan rã, lẩm bẩm nói:

- Ta không hối hận, ngươi cũng đừng tự trách mình. Thật ra... đúng là... ta cảm thấy hơi sợ, hóa ra ta cũng sợ chết.

Cuối cùng thiếu niên cao lớn nắm chặt tay người bạn duy nhất của mình, nghẹn ngào nói:

- Trần Bình An, ta thật sự rất sợ chết.

Thiếu niên giày cỏ ngồi dưới đất, một tay nắm chặt tay Lưu Tiện Dương, một tay khác xiết lại chống lên đầu gối.

Miệng lớn thở dốc, liều mạng hít thở.

Thiếu niên tuổi còn trẻ, lúc này giống như một con chó già.

Vành mắt thiếu niên giày cỏ đỏ bừng.

Khi hắn muốn đòi ông trời một công đạo thì càng giống như một con chó.

Trần Bình An không muốn như vậy, đời này cũng không muốn như vậy nữa!

- --------

Chú thích:

(1) Hành giả: tín đồ đạo Phật chưa làm lễ xuống tóc.

(2) Phúc Sinh Vô Lượng Thiên Tôn: một trong những Thiên Tôn của Đạo giáo, cùng với Độ Nhân Vô Lượng Thiên Tôn, Công Đức Vô Lượng Thiên Tôn...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play