Trước khi lên thuyền cá voi Thôn Bảo đi đến Đồng Diệp châu, Trần Bình An đã tới khu chợ bên ngoài lầu Thượng Hương một chuyến, mua một ống nhang. Bên trong chứa tám mươi mốt cây nhang tam thanh đặc biệt của núi Đảo Huyền, mùi thơm phả vào mũi, dùng để thờ cúng thần linh hay thắp nhang tĩnh tâm đều là thượng phẩm. Có điều giá cả không rẻ, tốn một đồng tiền tiểu thử, cũng là một trăm đồng tiền hoa tuyết.
Sở dĩ tiêu tốn như vậy, là vì Trần Bình An nhớ tới núi Lạc Phách nhà mình có một ngôi miếu sơn thần. Sau này nếu có bằng hữu đến thăm, có thể lấy nhang này tặng cho bọn họ. Khách có thành ý, thần hưởng nhang thơm, dù sao cũng là chuyện tốt.
Ngoại trừ ống nhang của lầu Thượng Hương, cùng với hai món bảo bối trước đó dùng số tiền lớn mua từ nhà Linh Chi, Trần Bình An còn đến cửa tiệm bên ngoài lầu Kính Kiếm, mua một bộ “Kiếm Tiên Đồ” do họa sĩ nổi tiếng của Bà Sa châu vẽ. Tổng cộng có năm bức tranh lớn được cuộn lại, mỗi bức vẽ hai mươi vị kiếm tiên. Mỗi vị kiếm tiên trong tranh chỉ dài một tấc, sống động như thật, nhẹ nhàng như tiên.
Bản đầu tiên của “Kiếm Tiên Đồ”, là danh tác của một vị họa sĩ tổ sư gia sau khi quan sát trận chiến ở Kiếm Khí trường thành. Về sau nó được mô phỏng rất nhiều.
Số lượng kiếm tiên của lầu Kính Kiếm quá nhiều. Bộ “Kiếm Tiên Đồ” này được gọi là Thạch Cừ bản, chỉ dựa theo yêu thích cá nhân của họa sĩ, chọn lấy trăm người trong đó. Ngoài ra còn có mấy phiên bản khác giá cả chênh lệch, trong đó Thạch Cừ bản là đắt nhất.
Sau khi Trần Bình An cẩn thận so sánh, cảm thấy kiếm tiên được vẽ trong Thạch Cừ bản hợp ý mình nhất, liền cắn răng mua một bộ. Khoản chi tiêu này không xem là nhỏ, tốn đến năm mươi đồng tiền tiểu thử.
Ông chủ tiệm mặt mày hớn hở, không biết là vui vì gặp được người tiêu tiền như nước, hay là trong lòng cảm thấy Trần Bình An có ánh mắt tốt. Ông ta còn kể lại một số chuyện lý thú liên quan đến “Kiếm Tiên Đồ”. Chẳng hạn như trên đời có mấy vị kiếm tu, trong lúc vô tình lấy được nguyên bản “Kiếm Tiên Đồ” không hoàn chỉnh, ngộ ra được chân ý trong tranh, một bước lên tiên, trở thành lục địa kiếm tiên tiếng tăm lừng lẫy.
Bộ “Kiếm Tiên Đồ” này, Trần Bình An dự định sau này làm quà tặng cho thánh nhân Nguyễn Cung. Lúc rời quê nhà quận Long Tuyền, Nguyễn sư phụ vẫn chưa cử hành buổi lễ khai sơn lập tông, bây giờ chắc là đã làm xong rồi. Năm mươi đồng tiền tiểu thử, đối với Nguyễn Cung có lẽ không đáng nhắc tới. Nhưng dù sao cũng là đồ vật từ núi Đảo Huyền mang về Long Tuyền Đại Ly, đi qua rất nhiều núi non, cũng có một chút mùi vị của lễ nhẹ tình thâm.
Người nhờ vào quần áo, ngựa nhờ vào yên cương. Trên đường tới bến thuyền Thượng Hương, lại có mấy nữ tiên sư tuổi xuân đưa mắt nhìn Trần Bình An, còn là nhìn xong lại nhìn thêm một chút, chứ không phải chỉ đảo qua rồi thôi.
Chuyến này đến Đồng Diệp châu tầm đạo, so với đưa kiếm tới núi Đảo Huyền, tâm tư của Trần Bình An càng nặng hơn một chút. Sau khi xác định những cô gái luyện khí sĩ trẻ tuổi kia không có ác ý, hắn cũng không suy nghĩ nhiều nữa.
Bến thuyền Thượng Hương còn lớn hơn bến thuyền Tróc Phóng. Bên hông Trần Bình An đeo ngọc bội đi thuyền, cũng không nhìn thấy cá voi Thôn Bảo thân thể to lớn kia, chỉ nhìn thấy một con rùa Sơn Hải trên mai xây đình đài lầu các, cùng với một chiếc xe lớn được loan xanh tiên hạc kéo.
========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1.
Các Lão Phu Nhân Dưỡng Thành Ký2.
Vợ Mình Mình Nuôi3.
Bạo Quân Sủng Hôn Hằng Ngày4.
Đặt Cơm Hộp Ở Thập Niên 60=====================================
Còn có một vật đặc biệt của Phù Dao châu được ghi chép trong “Sơn Hải Chí”, đó là một ngọn núi nhỏ được cây xanh che phủ, cũng không biết là núi Phi Lai hay đỉnh Phi Khứ. Nghe đồn chân núi do linh khí của ngọn núi này ngưng tụ thành, là vật đại bổ của giao long trên thế gian. Thời viễn cổ giao long trên lục địa vào sông hóa rồng, sau khi chọn một con sông lớn dẫn vào biển, sẽ nhờ người mang những ngọn núi Phi Lai và đỉnh Phi Khứ này ném bên bờ sông. Nhằm có thể kịp thời ăn uống, đề phòng kiệt sức, khí huyết kiệt quệ.
Trần Bình An chỉ mới bắt đầu học ngôn ngữ thông dụng Trung Thổ Thần Châu, còn không thể hỏi đường lưu loát. Nếu thật sự không được, cũng chỉ có thể lấy ra thẻ trúc khắc chữ hỏi đường. May mà hắn tìm được mấy hành khách cũng đeo ngọc bội đi thuyền giống như mình, liền yên lặng đi theo bọn họ. Đi một đoạn đường, rất nhanh đã tới một nơi đầu người nhốn nháo.
Trần Bình An thở phào một hơi, đột nhiên vai trái lại bị người ta vỗ nhẹ một cái. Hắn quay đầu nhìn về bên phải, trông thấy một gương mặt quen thuộc. Người nọ thấy Trần Bình An không trúng kế, cảm thấy mất hứng, uể oải nói:
- Thế nào, ngươi cũng đến Phù Kê tông ở Đồng Diệp châu à? Trùng hợp vậy, không phải là ngươi có mưu đồ với ta đấy chứ? Thèm thuồng mỹ sắc?
Kẻ ác tố cáo trước?
Ấn tượng của Trần Bình An đối với nam tử xinh đẹp đầu cài trâm ngọc, người mặc váy hồng, hông cột lụa màu này, không tốt cũng không xấu.
Nếu nói cùng nhau từ thành Lão Long ngồi thuyền đảo Quế Hoa tới núi Đảo Huyền là duyên phận, vậy thì từ núi Đảo Huyền đi đến Phù Kê tông cùng một ngày, rất có thể là tính toán lòng dạ khó lường.
Vị con cháu họ Lục từng bị đạo đồng nhỏ canh cửa đánh ra khỏi lầu Thượng Hương, rõ ràng nhìn ra được sự đề phòng của Trần Bình An. Hắn vỗ vỗ miếng ngọc bài đi thuyền bên hông, cười ha hả nói:
- Đúng như ngươi nghĩ, lần này ta đi đến Phù Kê tông là ôm cây đợi thỏ, cố tình chờ ngươi.
Đây xem như là thẳng thắn kiểu gì?
Trần Bình An cảm thấy khó hiểu, trong lòng hạ quyết tâm, nhất định không thể gần gũi với người này. Đối phương chẳng những dáng vẻ như cô gái tuyệt sắc, giọng nói cũng trong trẻo êm tai, khó phân biệt nam nữ. Trước kia “trong lúc vô tình” cùng nhau dạo chơi đình Tróc Phóng, từ lời nói và hành vi của hắn, rõ ràng là một kẻ tính tình linh hoạt, làm việc không theo lẽ thường.
Mặc dù Trần Bình An không phản cảm với trang phục, tính tình và sở thích của người này, nhưng cũng không muốn có người phá vỡ cuộc sống yên bình của mình.
Hai tay người nọ đặt sau lưng, mười ngón tay đan xen, cằm hơi nhếch lên, híp mắt nhìn Trần Bình An, tư thái yêu kiều còn lẳng lơ hơn mấy cô gái. Hắn ôn nhu nói:
- Bất kể ngươi có tin hay không, ta vẫn muốn nói ra chân tướng. Ta họ Lục tên Đài, Lục trong lục địa, Đài trong dương đài (sân thượng). Ta là con cháu họ Lục ở Trung Thổ Thần Châu, ở trong gia tộc không được ưa thích, cho nên mới chạy ra ngoài du lịch thiên hạ.
- Ta đã đi qua năm châu trong chín châu lớn của thế giới Hạo Nhiên, vốn không định đi Đồng Diệp châu. Nhưng hôm nay thật sự trong túi không có tiền, liền nghĩ xem có thể tìm được một người tốt bao ăn bao uống mà không ngấp nghé mỹ sắc của ta hay không. Ta cảm thấy ngươi chính là người như vậy. Dù sao đã thiếu ngươi một đồng tiền cốc vũ, chắc ngươi sẽ không để ý ta thiếu thêm đồng nữa. Không chừng đến Đồng Diệp châu rồi, trên đường ta gặp may mắn, có thể trả tiền cho ngươi, còn thuận tiện kiếm được lộ phí về nhà.
Lục Đài thấy Trần Bình An không có biểu cảm gì, hiển nhiên không tin lời nói dối của hắn, liền thở dài một tiếng:
- Được rồi, ta sẽ nói thật. Ta xuất thân từ Âm Dương gia, tinh thông xem bói. Trong túi không có tiền là thật, còn không kiếm được tiền là giả. Nhưng sau khi thiếu ngươi một đồng tiền cốc vũ, ta đã bói cho mình một quẻ. Là quẻ thượng thượng, nói là “đông du Thôn Bảo, Đồng Diệp phong hầu”.
- Ý tứ của quẻ này rất đơn giản, nhưng vì đề phòng bất trắc, ta vẫn chờ ở chỗ này đủ hai mươi ngày. Đây là nguyên nhân ban nãy ta nói là “ôm cây đợi thỏ”. Cuối cùng nhìn thấy ngươi, ta đã biết chuyến đi đến Đồng Diệp châu này được lão tổ tông hiển linh phù hộ, không đi thì sẽ bị trời đánh thánh đâm.
Trần Bình An không nói những lời khó nghe, cũng không lộ vẻ thiếu kiên nhẫn, chỉ dùng giọng điệu ôn hòa giống như thương lượng dò hỏi:
- Lục công tử, ngươi theo quẻ đại cát đi tới Đồng Diệp châu, ta đương nhiên sẽ không ngăn cản, cũng không ngăn được ngươi. Nhưng hai chúng ta có thể đường ai nấy đi không? Nếu Lục công tử ngươi cần tiền gấp, ta có thể cho ngươi mượn thêm một ít tiền tiểu thử...
Lục Đài đột nhiên ngắt lời Trần Bình An, giọng nói và vẻ mặt đều quyến rũ tự nhiên:
- Lục công tử cái gì, để tránh phiền phức ngươi cứ gọi ta Lục cô nương là được rồi. Nếu không ánh mắt người khác nhìn ta sẽ rất kỳ quái.
Da đầu Trần Bình An ngứa ngáy. Ngươi đã để ý ánh mắt người khác nhìn mình, sao không để ý ta nhìn ngươi như thế nào?
Lục Đài lại bắt đầu làm nũng:
- Trần Bình An, có được không? Giúp ta một đoạn đường đi. Ta có thể thề với trời, nếu có bất kỳ ý nghĩ xấu nào với ngươi, sẽ bị trời đánh chết không yên, bị ném vào đầm sét, bị trấn áp dưới núi Tuệ, bị giam cầm trong lò luyện của long cung dưới biển sâu, bị lưu đày đến bí cảnh hoang vu vạn dặm không người...
Hắn ngoài miệng nói linh tinh, còn vươn một cánh tay thon dài trắng nõn hơn cả con gái, muốn kẹp lấy cánh tay Trần Bình An.
Trần Bình An cả người nổi da gà, không quan tâm đến khách sáo hay không khách sáo gì nữa, lập tức gạt văng cánh tay của Lục Đài, nghiêm chỉnh nói:
- Công tử... Lục cô nương xin tự trọng!
Lục Đài hậm hực thu tay, đứng tại chỗ cắn môi, ánh mắt u oán, lã chã muốn khóc.
Trần Bình An xoay người rời đi, Lục Đài lại đi theo như hình với bóng. Trần Bình An dừng bước thì Lục Đài cũng dừng bước, Trần Bình An quay đầu thì Lục Đài cũng quay đầu. Lục Đài lại không biết từ đâu lấy ra một chiếc gương đồng nhỏ lung linh tinh xảo, giữa ngón tay còn kẹp một hộp son đã mở, giống như mỹ nhân soi gương trang điểm trong khuê các.
Trần Bình An chỉ cảm thấy sởn gai ốc, xung quanh lại có rất nhiều ánh mắt của luyện khí sĩ nam nhộn nhạo. Một số địa tiên có tuổi đạo hạnh cao thâm, mặc dù đã nhìn thấu pháp thuật che mắt của Lục Đài, biết được thân phận nam nhân của hắn, nhưng ánh mắt vẫn rất nóng bỏng.
Trên đường tu hành, trường sinh đằng đẵng, không kiêng kị gì.
Lục Đài giống như một cô gái đáng thương bị chồng ruồng bỏ, không dám oán trách kẻ phụ lòng, chỉ có thể quyến luyến đi theo như vậy. Những ánh mắt xung quanh lại đầy vẻ nghiền ngẫm.
Trước giờ Trần Bình An chưa từng trải qua hoàn cảnh buồn nôn như vậy, trong lòng tức giận, nhưng lại không làm gì được Lục Đài.
Phía trước bến thuyền không ngừng có người đột nhiên biến mất. Trần Bình An mới ý thức được địa điểm lên thuyền của cá voi Thôn Bảo, chính là những tấm thảm gấm vóc được trải dưới đất. Ngọc bài đi thuyền mà cá voi Thôn Bảo bán ra, chia làm ba loại là đỉnh Vân Tại, vườn Y Nỉ và hồ Bích Thủy, giá cả khác nhau. Trần Bình An đã chọn hồ Bích Thủy ở chính giữa.
Lúc này nhìn ba tấm thảm kia, cảnh tượng hoàn toàn khác nhau. Một tấm có mây mù lượn lờ, vô cùng nổi bật. Một tấm có sóng biếc mênh mông, nhà cửa giữa hồ như sao trên trời. Một tấm lại có đình viện lầu các rực rỡ gấm hoa.
Lục Đài đi phía sau không xa rụt rè giải thích:
- Cũng không thể lên thuyền từ miệng cá voi Thôn Bảo đúng không? Chiếc thuyền cá voi Thôn Bảo này kích thước rất lớn, có thể nói là đứng đầu Kim Giáp châu. Trong cơ thể cá voi Thôn Bảo có bốn bí cảnh (khu vực thần bí) nhỏ, trong đó ba bí cảnh được chế tạo thành nơi cho hành khách cư trú. Chiếc thuyền cá voi Thôn Bảo của Thành Lão Long chỉ có một bí cảnh, so sánh thì đúng là nghèo nàn. Ba tấm thảm này thực ra là bùa rút đất cấp bậc rất cao, có thể giúp hành khách đi thẳng tới ba bí cảnh.
Trần Bình An bỗng nhiên tỉnh ngộ.
Trong “Sơn Hải Chí” cũng có ghi chép kỹ càng về bí cảnh. Bởi vì liên quan đến động tiên đất lành, có dính dáng với động tiên Ly Châu, cho nên Trần Bình An rất để tâm. Hắn còn đặc biệt đi tìm ông chủ trẻ tuổi của nhà trọ Quán Tước, thỉnh giáo một chút học vấn không có trong sách.
Những người sinh trưởng ở núi Đảo Huyền, bất kể tu vi cao hay thấp, gia thế tốt hay xấu, lúc nói chuyện thường là giọng điệu rất lớn, kiến thức rất rộng. Thánh nhân thiên quân địa tiên, mở miệng là nói ngay, không hề kiêng kị. Những gì bọn họ đã thấy và nghe rất hỗn tạp rộng lớn, nhiều hơn bất kỳ nơi nào bên ngoài núi Đảo Huyền.
Ông chủ trẻ tuổi vốn không thích nói chuyện lắm, nhưng có lẽ xem Trần Bình An là quý nhân, cho nên mới hiếm hoi tâm sự một phen.
Rất nhiều động tiên đất lành tự già cỗi mục nát, hoặc là bị ngoại lực tàn phá hủy hoại, sau khi vỡ tan, thông thường sẽ lưu lại một vài khu vực kích thước không đều. Những khu vực này không biết kết cuộc ra sao, cho nên được gọi là bí cảnh. Thực ra cửa tiệm bán rượu vong ưu ở núi Đảo Huyền, chính là một bí cảnh còn sót lại của đất lành Hoàng Lương.
Rất nhiều cơ duyên của người tu đạo, thường không thể tách rời khỏi bí cảnh. Bí cảnh có thể thêu hoa trên gấm, cũng có thể tặng than trong tuyết. Có thể nói sự tồn tại của bí cảnh lớn lớn nhỏ nhỏ, đã khiến luyện khí sĩ tràn đầy khao khát và hi vọng. Phân nửa dã tu tán tu sở dĩ có thể quật khởi, đều phải quy công cho thu hoạch của bọn họ ở bí cảnh.
Có người vô tình xông vào một bí cảnh chưa bị chiếm giữ, bồng lai tiên cảnh của tinh hoa cỏ cây, vùng đất hoang vu khí độc lan tràn, hoặc là hang động của tiên nhân binh giải (mượn binh khí để giải thoát đắc đạo). Nếu may mắn một chút, sẽ có thể một bước lên trời, còn nếu xui xẻo, không chừng sẽ phải chết già trong đó. Hoặc là gặp phải tai họa bất ngờ, sau khi chết di vật trên người sẽ trở thành một trong số cơ duyên của hậu nhân.
Trần Bình An rất muốn biết, sau khi động tiên Ly Châu tan vỡ rơi xuống, liệu có bí cảnh còn sót lại nhân gian hay không. Lúc trở về có thể hỏi Ngụy Bách thử xem.
Lúc này Trần Bình An đi tới tấm thảm dẫn đến hồ Bích Thủy của cá voi Thôn Bảo. Lục Đài thở dài một tiếng, bước chân nhanh hơn, thong dong bước đi, lại chắn đường Trần Bình An, vươn tay nói:
- Ta vốn cũng đi đến hồ Bích Thủy. Nhưng ngươi đã chán ghét ta như vậy, ta cũng không muốn làm chướng mắt ngươi nữa. Ta có thể dùng một ít tiền tìm người đổi ngọc bài, đi đến vườn Y Nỉ nổi danh đã lâu. Như vậy hai ta sẽ mỗi người một ngả. Trần Bình An, ban nãy ngươi nói có thể cho ta mượn thêm một ít tiền tiểu thử, còn giữ lời không? Nếu không chắc ta không đi vườn Y Nỉ được...
Một nam nhân lại tỏ ra nhu nhược đáng yêu, nhìn thế nào cũng thấy kỳ quặc.
Trần Bình An lập tức lấy ra một nắm tiền tiểu thử, xem như tiêu tiền giải nạn, đi đến gần mấy bước, nhanh chóng đưa cho Lục Đài. Chỉ cần đối phương không quấy rầy mình nữa, để mình tập trung luyện quyền luyện kiếm, Trần Bình An sẵn sàng tốn số tiền này.
Lục Đài cầm lấy tiền tiểu thử, ngơ ngác nhìn Trần Bình An, cặp mắt như nước mùa thu có uất ức không nói hết được. Hắn ủ rũ xoay người, có lẽ là đi tìm người đổi chỗ ở.
Sau khi Trần Bình An đi lên tấm bùa rút đất kỳ lạ kia, lại thấy Lục Đài vui mừng phấn khởi nháy mắt với hắn. Lục Đài giơ một miếng ngọc bài mới đổi được, trên đó có khắc hai chữ “Bích Thủy”.
Hóa ra trong túi Lục Đài đúng là không có tiền, cho nên ban đầu hắn chỉ có thể mua một miếng ngọc bài đỉnh Vân Tại rẻ nhất. Sau đó Trần Bình An nghe được những lời ba hoa chích chòe gạt người của hắn, đã cho hắn một nắm tiền tiểu thử...
Lục Đài bước chân nhẹ nhàng, dương dương đắc ý, tươi cười hoạt bát đi về phía Trần Bình An, dung nhan càng kiều diễm hơn.
Trước khi thân hình biến mất, Trần Bình An không nhịn được mắng một câu “ông nội ngươi”.