Sau khi đưa tiền vào thành ở cửa tây, đi qua cổng thành gần như có thể hình dung là dài đằng đẵng, Tôn Gia Thụ dẫn Trần Bình An lên một chiếc xe ngựa rộng rãi. Thoạt nhìn ngoại trừ xe hơi lớn, ngựa kéo xe hơi dễ bảo, cũng không nhìn ra phong thái của người có tiền.
Người đánh xe là một ông lão nghiêm túc. Sau khi Trần Bình An ngồi vào toa xe, mới phát hiện bên trong giống như một thế giới khác. Trong toa xe đặt bốn tấm bồ đoàn màu trắng, bức vách đối diện với rèm xe là một hàng tủ sách dày đến tận nóc, chứa đầy sách vở. Còn có một lư hương bằng đồng thau sáng bóng mê người, khói tím lượn lờ.
Hai người ngồi đối diện với nhau. Trần Bình An lại hơi thận trọng, chỉ lo đạp bẩn “thư phòng” nhỏ không nhiễm hạt bụi này.
Tôn Gia Thụ nhìn giày cỏ của Trần Bình An, cười nói:
- Lúc còn rất nhỏ, dựa theo gia quy nên ông nội đã bắt đầu dẫn ta vào nam ra bắc. Trước mười tám tuổi, gần như mỗi năm đều đổi một nơi khác nhau. Cho nên ta từng làm người phục vụ, thôn phu đánh cá đốn củi, buôn bán ở tiệm gạo, tư lại nha môn, nhiều vô số kể, có đến chục loại nghề nghiệp. Thực ra ta cũng biết đan giày cỏ, nhưng rất xù xì qua loa, không chắc chắn tỉ mỉ giống như đôi dưới chân của ngươi.
Tôn Gia Thụ khoanh chân ngồi trên bồ đoàn, không hề có vẻ lười nhác mà chỉ gây cho người ta cảm giác rất nhàn hạ ung dung. Hắn cười hỏi:
- Trần Bình An, có biết năm xưa ta sợ làm việc đồng áng gì nhất không?
Trần Bình An không phải là thần tiên có thể bấm tay tính toán, cũng không phải là con giun trong bụng Tôn Gia Thụ, đương nhiên đoán không ra. Huống hồ con người Tôn Gia Thụ này rất kỳ lạ, mặc dù hai người chỉ gặp mặt không lâu, nhưng ấn tượng đối với hắn lại là càng ở chung càng mơ hồ.
Tôn Gia Thụ mỉm cười nói:
- Là hái lá dâu. Vất vả hái đầy một gùi, ông nội ta đưa tay vào trong gùi nhẹ nhàng đè một cái, lại biến thành nửa gùi. Sau đó tiếp tục hái đầy rồi đè xuống, ta lại phải hái cả buổi, đứng là khiến người ta cảm thấy tuyệt vọng. Hơn nữa mỗi lần lên núi, ta luôn bị cây cỏ vạch ra những vết thương rất nhỏ, mặt trời chiếu xuống, mồ hôi chảy ra sẽ nóng rát đau buốt. Còn khi xuống ruộng cấy mạ, bị con đỉa cắn, ta lại cảm thấy thú vị. Ông nội thích hút thuốc lá sợi, hơ một chút con đỉa sẽ rớt xuống.
Trần Bình An hoàn toàn đồng ý, nói:
- Ở quê nhà chúng ta, trong ruộng nước mà bị đỉa cắn rất phiền phức, bởi vì không nỡ dùng muối giấm. Phải chịu giày vò cả buổi, đấu trí đấu gan với những con đỉa kia, cuối cùng máu tươi chảy ròng trên chân. May mà bên cạnh ruộng đất có một loại cỏ nhỏ, chỗ chúng ta gọi là “lục nương nương”, dùng lá cỏ dán vào vết thương sẽ có thể cầm máu rất nhanh. Sau khi ta rời khỏi quê nhà, cũng không nhìn thấy loại cỏ nhỏ này nữa.
Tôn Gia Thụ cười gật đầu:
- Người thật sự xuất thân từ gia đình nghèo khổ sẽ không để ý, cũng chịu khổ được. Còn loại thiếu gia có tiền như ta, dù chịu khổ nhiều cũng rất khó so sánh với các ngươi. Lúc đầu ta theo ông nội ra ngoài đi xa, thỉnh thoảng lại khóc lóc ẩm ĩ một phen, kêu gào muốn về nhà. Bây giờ nhớ lại, sau này nếu ta dẫn theo một đứa cháu trai như vậy, chắc chắn sẽ không có thái độ và sự nhẫn nại như ông nội năm xưa.
Trần Bình An cười nói:
- Nếu thật có một ngày như vậy, không chừng thái độ của ngươi sẽ còn tốt hơn.
Tôn Gia Thụ hơi ngạc nhiên, sau đó gật đầu nói:
- Đúng là có khả năng.
Một nam tử sở hữu cả con đường lớn ở ngoại thành, cùng với một thiếu niên bị xem là đã để vuột cả tòa thành Lão Long, trò chuyện những thứ vặt vãnh đầy mùi vị quê nhà này, lại đều cảm thấy là chuyện bình thường, không hề gượng gạo.
Xe ngựa chạy ổn định. Mặc dù trong lư hương vẫn luôn có khói tím bốc lên, nhưng toa xe không hề biến thành khói mù lượn lờ, chỉ là có thêm một phần khí tức trong lành của gió xuân cỏ xanh.
Trần Bình An nói:
- Ngươi quản lý gia nghiệp lớn như vậy, còn chạy tới đây đón ta, phải tổn thất bao nhiêu tiền? Thực ra ngươi có thể nhờ người khác tới.
Tôn Gia Thụ lắc đầu nói:
- Làm sao kiếm được tiền là một chuyện, phải suy tính thiệt hơn, cho dù là một đồng tiền cũng phải tính rõ với người khác. Nhưng có tiền rồi nên xài thế nào, lại phải xem thói quen của từng người. Giống như ta, quanh năm suốt tháng ra sức kiếm tiền là vì cái gì? Chính là để không cần phải quá hẹp hòi trong chuyện kết giao bằng hữu, còn phải tính toán một chữ “tiền”.
Trần Bình An tỉnh ngộ nói:
- Rất có đạo lý.
Hắn chỉ muốn lấy thẻ trúc nhỏ còn lại trong vật một tấc, nhanh chóng khắc đạo lý này của Tôn Gia Thụ lên đó. Chờ mình có tiền rồi, sau này có người nói mình là kẻ tốt bụng quá mức, sẽ dùng câu này của Tôn Gia Thụ để phản bác đối phương.
Đoạn đường này trò chuyện rất vui, Tôn Gia Thụ kể lại rất nhiều chuyện thú vị và xấu hổ năm xưa du lịch. Trước giờ Trần Bình An là một người nghe rất tốt, từ trong lời nói, ấn tượng của hắn đối với Tôn Gia Thụ vốn mơ hồ lại dần dần rõ ràng, đó là một... người có tiền rất “ôn hòa nhã nhặn”.
Xe ngựa đi tới nông thôn, dưới vó ngựa là một con đường đất vàng, cho nên xe hơi chòng chành nhấp nhô. Tôn Gia Thụ thấy Trần Bình An tỏ ra khó hiểu, bèn mỉm cười vén rèm xe lên. Ngoài cửa xe là từng hàng lau sậy xanh tươi đung đưa. Theo xe ngựa chạy tới, còn có hoa cải vàng rực, cảnh đẹp ý vui. Theo lý mà nói thời gian rau cải ra hoa đã qua rồi, Trần Bình An chỉ cho rằng thủy thổ của thành Lão Long khác với quê nhà mình.
Tôn Gia Thụ giải thích:
- Đây là đất tổ nơi họ Thôi của ta phát đạt, con cháu đời sau vẫn luôn cố gắng duy trì nguyên trạng, sợ phá hư phong thủy tổ tiên phù hộ, cũng có ý tưởng nhớ đời trước. Lúc Tôn gia chiêu đãi khách quý, chẳng hạn như thần tiên trên núi và đế vương tướng soái, đều tổ chức trong Tôn phủ ở nội thành. Đó là một nơi hào hoa xa xỉ, không kém hơn phủ Lão Long của Phù gia. Nhưng khi chiêu đãi bằng hữu thật sự sẽ kéo đến chỗ này. Đi tới trước hơn mười dặm là nhà tổ Tôn gia, diện tích không lớn, có ba khu viện, nhà ở gần nước, đối diện với một con sông, có thể câu cá. Hi vọng ngươi sẽ thích.
Trần Bình An cười rạng rỡ nói:
- Thích, sao lại không thích.
Tôn Gia Thụ cười hỏi:
- Hay là chúng ta xuống xe đi bộ?
Trần Bình An đương nhiên không có dị nghị, thế là hai người xuống xe đi đến nhà tổ họ Tôn. Tôn Gia Thụ lại kể về tình huống đại khái của đất tổ này, hời hợt nói:
- Phạm vi trăm dặm đều là của Tôn gia chúng ta, có sáu thôn trang, khoảng hai ngàn hộ gia đình. Nuôi tằm trồng trà, tất cả sản vật đều được họ Tôn mua với giá cao hơn giá thị trường một chút. Thu nhập của thôn dân cũng tạm ổn, xem như là an cư lạc nghiệp.
Nghe xong Trần Bình An mới hiểu được thành Lão Long lớn đến thế nào, cùng với sự hào phóng của họ Tôn.
Lúc nhìn thấy đường nét nhà tổ họ Tôn, Trần Bình An hỏi:
- Thành Lão Long có thuyền vượt châu đến núi Đảo Huyền không?
Tôn Gia Thụ gật đầu nói:
- Có, thực ra thành Lão Long vốn là đầu mối buôn bán lớn nhất Bảo Bình châu, nơi nào có thể kiếm tiền thì sẽ có thuyền đến đó. Chỉ là không phải ai cũng có bản lĩnh thông qua núi Đảo Huyền, đi đến Kiếm Khí trường thành kiếm tiền. Ngay cả Phù gia và năm họ lớn ở thành Lão Long như họ Tôn, cũng phải rất cẩn thận với chuyện mua bán này, cần chú ý mọi mặt.
Nói đến đây, Tôn Gia Thụ có phần cảm khái, chậm rãi nói:
- Mấy ngàn năm qua, không nói đến thành chủ Phù gia, ngoại trừ họ Tôn thì bốn họ lớn còn lại của thành Lão Long đã bị thay thế mấy lần, hơn một nửa là ngã xuống ở núi Đảo Huyền. Họ Tôn mấy lần thiếu chút nữa suy sụp, cũng có liên quan đến Kiếm Khí trường thành. Hôm nay thành Lão Long chỉ có sáu chiếc thuyền đi đến núi Đảo Huyền, Phù gia chiếm hai chiếc. Sáu chiếc thuyền này đều rất lớn, chiếc nhỏ nhất cũng có thể chở hơn hai ngàn người.
ngôn tình hoàn- Thuyền của Phù gia là một con cá voi Thôn Bảo, cùng với một ngọn núi nổi trên không do tông sư Mặc gia chế tạo. Núi nổi được khen là “Đảo Huyền nhỏ”, bên trên có đình đài lầu các, cung vàng điện ngọc, cảnh tượng rất đẹp, là thuyền thượng phẩm dành cho thần tiên trên núi. Gần như mỗi chuyến đều có rất nhiều lão đại tu sĩ cảnh giới Kim Đan và Nguyên Anh.
- Còn thuyền của họ Tôn chúng ta là một con rùa Sơn Hải, bị tổ tiên bắt được thuần phục. Mai rùa lớn như ngọn núi, có thể chở hai ngàn bốn trăm hành khách, đương nhiên có thể chứa nhiều hàng hóa hơn.
- Qua lại núi Đảo Huyền một chuyến, thu nhập chủ yếu chắc chắn không phải là chút phí dụng của khách đi thuyền. Chỉ cần có thể đưa các loại vật tư và đặc sản của Bảo Bình châu và Câu Lô châu đến núi Đảo Huyền, đó chính là một vốn bốn lời. Có điều đường xá xa xôi, rất nhiều bất ngờ, thương vong nặng nề, có khả năng mất cả vốn gốc. Cho nên luyện khí sĩ thường dựa theo niên đại, thời tiết và quẻ bói, lựa chọn thuyền thích hợp với mình, đó cũng là một môn học vấn lớn.
Nói đến cuối cùng, Tôn Gia Thụ hơi có vẻ tự giễu, mỉm cười nói:
- Quên nói với ngươi, Phù gia thành Lão Long và năm họ lớn chúng ta, đều là môn sinh thương gia trong số các trường phái học thuật. Lão tổ mà các gia tộc thờ phụng trong phòng lớn, không giống với thánh nhân Nho gia trong Văn miếu. Có điều đến bây giờ học vấn của thương gia vẫn là không hợp thời.
- Nghe nói có một vị thánh nhân học cung Nho gia sau này được đưa vào Văn miếu, vị trí còn rất cao, lúc đầu từng nói một câu “thịt chó không lên bàn” (1), thực ra chính là nói thương gia chúng ta. Đánh giá như vậy xem như khách sáo rồi, còn có những câu ác độc hơn như thương nhân hèn hạ, đứng cuối trăm nhà, cả người đầy mùi tiền, không có lòng nhân nghĩa, góp phần khiến nếp sống ngày càng bại hoại. Cho nên chín châu lớn của thế giới Hạo Nhiên có rất nhiều thương nhân, nhưng chắc chắn sẽ không được một vương triều nào xem là nóng cốt.
Những nội tình liên quan đến học vấn tôn chỉ của các trường phái này, Trần Bình An cũng chỉ có thể nghe qua một chút, không dám tùy tiện đánh giá hay kết luận.
Đến nhà tổ họ Tôn không lớn, không có tỳ nữ nha hoàn xinh đẹp nào, chỉ có mười mấy cụ già trông coi ngôi nhà. Tôn Gia Thụ mời Trần Bình An ăn một bữa cơm, không phải gan rồng tủy phượng, nhưng cũng không đến mức cơm canh đạm bạc, đều là rau mùa và tôm cá gà vịt ở gần đây, ăn với cơm rất ngon. Chỉ có một món canh làm từ mấy loại cá biển và hải sản, Trần Bình An đã quen ăn tôm cá tươi ở sông nên không hợp lắm. Tôn Gia Thụ cũng không khuyên hắn ăn nhiều, bảo hắn cứ việc gắp thức ăn theo ý thích của mình là được.
Ăn cơm xong, hai người tản bộ bên bờ sông bên ngoài nhà. Trần Bình An hỏi:
- Tôn công tử, có biết một nơi gọi là tiệm thuốc Khôi Trần trong thành Lão Long không?
Tôn Gia Thụ ngẫm nghĩ:
- Chưa từng nghe nói đến, nhưng ta sẽ nhanh chóng giúp ngươi tìm được.
Trần Bình An lập tức cảm ơn.
Tôn Gia Thụ cười xua tay, ra hiệu cho Trần Bình An không cần khách sáo. Hắn khom lưng nhặt một mảnh đá dẹp, nghiêng người ném ra, đá lướt trên nước bay về phía bờ bên kia. Bờ đối điện là ruộng hoa cải lan tràn, trong tầm mắt đều là màu vàng.
Trần Bình An đã để cái bọc lại trong nhà, một lần nữa cột hồ lô nuôi kiếm vào bên hông, đương nhiên sau lưng vẫn đeo hộp kiếm. Hắn lấy “Khương Hồ” xuống uống một hớp rượu, nhìn nước sông thong thả chảy qua, giống như một ông lão bình thản khoan thai.
Tôn Gia Thụ dừng bước, nói:
- Ta đã tính sơ qua, gần đây còn lại ba chiếc thuyền đi đến núi Đảo Huyền. Một chiếc là rùa Sơn Hải của họ Tôn chúng ta, còn lại là cá voi Thôn Bảo của Phù gia, cùng với đảo Quế Hoa của Phạm gia.
- Nếu xét từ góc độ an toàn, ta đề nghị ngươi ngồi cá voi Thôn Bảo. Trong mười năm qua, đường thủy vượt châu đến núi Đảo Huyền có khí hậu tồi tệ, vì vậy rùa Sơn Hải không bằng cá voi Thôn Bảo, thậm chí không bằng đảo Quế Hoa làm từ một hòn đảo. Dù sao rùa Sơn Hải tính tình có tốt đến mấy cũng là vật sống có máu có thịt, thuyền cá côn núi Đả Tiếu gặp nạn rơi vỡ ở trung bộ Bảo Bình châu chính là một ví dụ.
- Cá voi Thôn Bảo có thể đi xa trong biển sâu là an toàn nhất. Đường thủy kia lại là tuyến đường quen thuộc mà Phù gia mở ra nhiều năm, bọn họ đã sớm thuộc lòng phương pháp né tránh những đại yêu trong nước. Còn nếu muốn tiết kiệm và thoải mái, vậy thì ngồi rùa Sơn Hải nhà ta. Ngươi ở trên đó không dám nói là hưởng phúc, nhưng sẽ không lo cơm áo, cũng không cần quan tâm đến chuyện gì khác...
Trần Bình An do dự hồi lâu, cuối cùng thốt ra một câu:
- Một là rùa Sơn Hải, hai là đảo Quế Hoa, ta chắc chắn sẽ không ngồi cá voi Thôn Bảo.
Tôn Gia Thụ rất bất ngờ, hỏi:
- Vì sao?
Trần Bình An hơi khó xử:
- Ở quê nhà động tiên Ly Châu, thiếu chút nữa ta đã giết chết thiếu thành chủ Phù Nam Hoa của thành Lão Long, làm sao dám ngồi thuyền nhà hắn.
Tôn Gia Thụ không nhịn được vỗ mạnh vào vai Trần Bình An:
- Trần Bình An! Ta đã gặp qua không ít anh hùng hào kiệt, nhưng gan lớn như ngươi đúng là không nhiều.
Trần Bình An thở dài một tiếng, nghe giọng điệu của Tôn Gia Thụ đã biết Phù Nam Hoa chắc chắn là kẻ không dễ chọc.
Tôn Gia Thụ nhịn rất lâu, vẫn không kìm được bật cười:
- Mặc dù thiếu thành chủ thành Lão Long không chỉ có một người, con cháu thê thiếp có hi vọng thừa kế món lão long bào tổ truyền cũng có đến mấy người, nhưng thế nhân đều biết Phù Nam Hoa được thành chủ Phù Huề coi trọng nhất. Còn có một lão tổ Phù gia nắm giữ nửa tiên binh, là người truyền đạo của Phù Nam Hoa, chỉ là mấy năm gần đây vẫn luôn bế quan, nghe đồn là muốn bước lên năm cảnh giới cao. Cho nên Phù Nam Hoa có khả năng làm thành chủ đời tiếp theo nhất. Trần Bình An, ngươi giỏi lắm. Nếu chuyện này truyền ra ngoài, bảo đảm trong vòng một tháng ngươi sẽ danh chấn nửa châu.
Trần Bình An bất đắc dĩ nói:
- Thanh danh này không có thì tốt hơn.
Tôn Gia Thụ càng cười vui vẻ:
- Ta và Phù Nam Hoa qua lại không ít, thậm chí không tính là bạn nhậu đơn giản, đương nhiên Phù Nam Hoa không thể nào so sánh với Lưu Bá Kiều. Hôm nay nghe được chân tướng, ta chỉ thấy buồn cười, xem ra ta cũng không được phúc hậu rồi. Trần Bình An, ngươi cũng phải cẩn thận một chút, làm bằng hữu với loại người như ta, đừng nên thổ lộ tâm tình quá nhiều.
Kết quả Trần Bình An lại thốt ra một câu:
- Thực ra ta và Lưu Bá Kiều cũng không quen thên lắm, tổng cộng chỉ gặp nhau hai lần.
Tôn Gia Thụ cảm thấy ấm ức:
- Trong thư Lưu Bá Kiều kia viết giống như đã cùng ngươi vào sinh ra tử trăm lần, thế là thế nào? Trong thư còn khen ngươi đến mức có một không hai trên đời, tuyên bố nếu ta không tự mình chiêu đãi nhiệt tình, hắn sẽ tuyệt giao với ta, sau đó lan truyền danh hiệu của ta khắp Bảo Bình châu.
Trần Bình An thử dò hỏi:
- Danh hiệu là Tôn Tử (cháu trai)?
Tôn Gia Thụ đưa tay ôm trán, cười khổ nói:
- Chuyện này cũng đoán được sao?
Trần Bình An cười nói:
- Mặc dù mới gặp nhau hai lần, nhưng ta biết tính tình của Lưu Bá Kiều, hắn là kẻ không đứng đắn nhất.
Tôn Gia Thụ thổn thức nói:
- Quan hệ giữa ta và Phù Nam Hoa, dù có quen biết đến già vẫn không thể hiểu nhau. Còn ngươi và Lưu Bá Kiều, lại giống như mới gặp lần đầu đã quen thân.
Người đánh xe kia xuất hiện ở phía xa. Tôn Gia Thụ quay đầu nhìn một cái, nói với Trần Bình An:
- Ta phải lập tức đến Tôn phủ ở nội thành gặp một vị khách, đã hẹn trước rồi. Chuyện tiệm thuốc Khôi Trần, chậm nhất trước khi trời tối sẽ có người nói cho ngươi biết. Ngươi và Phù Nam Hoa đã có tử thù, vậy nếu ngươi muốn đi ra ngoài, nhất định phải nhờ người thông báo cho ta trước, ta sẽ bảo người sắp xếp hành trình. Còn về chuyện ngồi thuyền đi xa, ngươi cứ ngồi rùa Sơn Hải nhà ta đến núi Đảo Huyền, hai mươi ngày sau sẽ xuất phát.
- Trong khoảng thời gian này, ngươi có thể ở lại nhà tổ của ta. Muốn bất cứ thứ gì, chỉ cần thành Lão Long có, ta sẽ đưa tới giúp ngươi. Ngươi cũng đừng cảm thấy ngại ngùng, trước khi mở miệng có thể tự nói với mình: “Tôn Tử kia có tiền, rất nhiều tiền. Làm bằng hữu mà, vốn là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Trước tiên cứ hưởng phúc, sau này kề vai chiến đấu lại chịu khổ, như vậy mới không bị thiệt.”
- Được, ta không khách sáo với ngươi nữa.
Trần Bình An cười gật đầu, chớp chớp mắt:
- Những lời này là Lưu Bá Kiều nói đúng không?
Tôn Gia Thụ giơ ngón cái lên:
- Chẳng trách Lưu Bá Kiều mặt dày mày dạn muốn làm bằng hữu với ngươi, ngươi rất hiểu hắn.
Tôn Gia Thụ cáo từ, đi theo lão đánh xe mà Trần Bình An không nhìn ra sâu cạn, càng lúc càng xa, ngồi xe ngựa đi vào nội thành. Thế là Trần Bình An chỉ còn một thân một mình, bắt đầu dọc theo bờ sông luyện tập sáu bước đi thế.
Nước sông yên lặng, ruộng hoa cải mênh mông, đường đất bình thường. Nếu không phải thiếu một chiếc cầu vòm đá và một cửa hàng kiếm Nguyễn gia, Trần Bình An gần như cho rằng mình đang ở quê hương.
Hắn một đường luyện quyền, đi ra hơn mười dặm, tới một thôn trang nhỏ xây dọc theo bờ sông. Trong thôn trang có gà kêu chó sủa, còn có khói bếp lượn lờ. Hắn ngừng luyện quyền, nhìn xung quanh, thấy gần đó có một cây cầu gỗ nhỏ vắt ngang qua mặt sông. Tại khoảnh khắc này, hắn bỗng nhiên cảm thấy giống như đã xa cách một đời.
Trần Bình An đang định xoay người trở về nhà tổ họ Tôn, bỗng phát hiện trong ruộng rau cải phía xa ở bờ bên kia, có một đám trẻ quần áo giản dị đi ra. Phần lớn đều ở lứa tuổi học vỡ lòng, có một số đứa còn nhỏ tuổi hơn, nước mũi thò lò đi theo phía sau.
Có hai bé trai lớn hơn một chút, tay cầm kiếm gỗ và kiếm trúc, chắc là do trưởng bối trong nhà gọt cho. Hai thanh kiếm hình thức đơn giản, chỉ xem là phôi kiếm thô sơ mà thôi. Hai đứa giống như đang so tài kiếm thuật, một trước một sau đi trên bờ ruộng, chặt chém hoa cải, còn hò hét lung tung, khí thế đầy đủ.
Đáng thương cho hoa cải nơi bờ ruộng, bị hai đứa bé chém văng tứ tung. Phía sau có một đứa trẻ đột nhiên khóc lên. Lúc đầu nó còn rất vui, sau đó mới phát hiện ruộng hoa cải này là của nhà mình, chuyện này nếu bị cha mẹ biết, về nhà còn không phải cái mông nở hoa sao? Thế nhưng nó lại không dám ngăn cản hai “kiếm khách” lớn tuổi kia, đành phải khóc đến xé nát ruột gan.
May mà có một tên “kiếm khách” ý thức được không ổn, bèn móc ra một miếng cốm do nhà mình nướng, dặn dò đứa trẻ kia mấy câu. Đứa bé mặt đầy nước mắt nước mũi, lập tức cười tươi như hoa, nghênh ngang đi theo phía sau hai tên kiếm khách, trơ mắt nhìn bọn chúng xuất kiếm ào ào, cảm thấy rất lợi hại.
Đứa bé nghĩ thầm chờ mình lớn hơn một chút, có sức lực rồi, cũng phải đòi cha là thợ mộc làm cho một thanh kiếm, chém hết tất cả hoa cải, như vậy uy phong biết bao? Xem thử tiểu nha đầu Thúy Hoa nhà hàng xóm, có còn thích chơi với tiểu tú tài phía sau thôn không? Đến lúc đó chắc chắn là ngày ngày bám lấy mình.
Trần Bình An nhìn rất vui vẻ. Đây chẳng phải là cảnh tượng của mình khi còn bé sao? Năm xưa Lưu Tiện Dương thích làm mấy chuyện khiến người ta chán ghét này nhất, không chỉ cầm kiếm gỗ chém hoa cải, còn thích đẩy ngã những bờ ruộng cao cao thấp thấp, cầm đá ném vịt trong sông. Ngày ngày đều bị đám phụ nữ mắng chửi, còn bị người ta đuổi đánh. Sau đó Lưu Tiện Dương và Trần Bình An đều trở thành thợ gốm, mới bớt quậy phá, cảm thấy nhàm chán, chỉ thích chui vào trong núi bắt rắn bắt gà rừng.
Có điều sau mông Trần Bình An lại nhiều thêm một Cố Xán, phát huy bản lĩnh của Lưu Tiện Dương. Chỉ là so với Lưu Tiện Dương thoải mái làm chuyện xấu, Cố Xán mũi thò lò còn nhỏ tuổi lại nhạy bén hơn nhiều, gần như chưa từng bị người phát hiện. Hắn có nghị lực bền lòng mà Trần Bình An cũng phải bội phục, còn có sự trưởng thành gian xảo không hợp với tuổi tác.
Chỉ vì muốn câu một con lươn, Cố Xán có thể vểnh mông ngồi dưới mặt trời lớn hơn nửa ngày. Mỗi lần đến giờ cơm, ngõ Nê Bình đều sẽ vang lên tiếng hô hoán của mẹ hắn.
Trần Bình An ngồi ở bên bờ, ném đá vào sông. Đám trẻ lần lượt từ cầu độc mộc đi tới, những cái đầu nối tiếp nhau giống như một xâu mứt quả dài. Thấy Trần Bình An xa lạ, bọn chúng cũng không sợ, chỉ là nhìn thêm mấy lần, sau đó đi về phía thôn cách đó không xa.
Một đứa trẻ tay cầm kiếm trúc lưu luyến không rời, ánh mắt vẫn luôn nhìn vào hộp kiếm sau lưng Trần Bình An. Cuối cùng nó không kìm được lòng hiếu kỳ, xoay người chạy như bay tới bên cạnh Trần Bình An, dùng ngôn ngữ thông dụng Bảo Bình châu hỏi:
- Chẳng lẽ anh là một kiếm khách?
Trần Bình An đứng lên, phủi tay cười hỏi:
- Em cũng vậy à?
Đứa trẻ trợn trắng mắt, cảm thấy vấn đề này đúng là ấu trĩ, bực bội nói:
- Tôi còn thiếu một quyển bí tịch tuyệt thế.
Trần Bình An cố gắng nhịn cười, gật đầu nói:
- Anh cũng vậy.
Đứa trẻ cúi đầu nhìn kiếm trúc trong tay, lại ngẩng đầu nhìn chuôi kiếm trong hộp gỗ sau người đối phương, hỏi:
- Có thể cho tôi xem thử kiếm của anh không?
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Không được.
Đứa trẻ nhếch miệng, liếc nhìn bầu rượu màu đỏ thẫm bên hông Trần Bình An:
- Con người anh quá hẹp hòi, không giống như kiếm khách hành tẩu giang hồ. Tôi thấy trong bầu rượu của anh chắc chắn không phải rượu mà là nước, ra vẻ gạt người mà thôi.
Trần Bình An hỏi:
- Vậy em có từng thấy kiếm khách thật sự chưa?
Đứa trẻ gật đầu.
Phía sau có một tiểu cô nương gương mặt đỏ bừng, rụt rè nói:
- Chúng em nhiều nhất chỉ đi đến chợ cách đây mười mấy dặm, không thấy được kiếm khách.
Rất nhanh có một đứa trẻ khác thành thật phụ họa:
- Tiên sinh ở trường đã đọc cho chúng em nghe một số thơ từ về kiếm khách. Trong chợ cũng có bán một số sách tranh liên hoàn rất đắt, vẽ rất nhiều đại hiệp giang hồ. Trong đó kiếm khách là lợi hại nhất, tất cả kẻ xấu đều không đánh lại bọn họ.
Đứa trẻ lớn kia quay đầu trừng mắt một cái, hai đứa bé phía sau lập tức ngậm miệng không nói nữa.
Một đứa trẻ hơi lớn khác tay cầm kiếm gỗ, khỏe mạnh kháu khỉnh, hỏi Trần Bình An:
- Kiếm thuật của anh lợi hại đến đâu?
Vấn đề này thật sự làm khó Trần Bình An.
Hắn đành phải nói:
- Anh đã tận mắt nhìn thấy kiếm khách rất lợi hại, không phải là hình vẽ trong sách tranh liên hoàn của các em.
Đứa trẻ cầm kiếm trúc chỉ cười nhạt. Đứa trẻ chất phác tay cầm kiếm gỗ thì tin bảy tám phần, bèn truy hỏi:
- Vậy anh có học được kiếm thuật của những đại hiệp kia không? Nếu anh có thể thi triển kiếm thuật, tôi sẽ tin anh là kiếm khách thật sự. Nếu anh làm được, đến lúc đó anh hãy nhận tôi làm đồ đệ nhé? Tôi muốn theo anh học kiếm thuật, không phải là loại chém hoa cải kia. Nếu anh chém xuống một kiếm có thể chặt đứt cây cầu kia, tôi sẽ lập tức bái sư học nghệ với anh.
Trần Bình An phì cười, với kiếm thuật này của mình, còn muốn bái sư học nghệ với mình?
Hắn vốn không biết, phạm vi trăm dặm nơi nhà tổ họ Tôn này là một chốn thần tiên nổi tiếng ở thành Lão Long. Mặc dù dân chúng nhiều đời cư trú ở đây, phần lớn đều là thôn dân bình thường tính tình chất phác, nhưng trong tối lại có nhiều cao nhân trấn giữ, giúp Tôn gia trông chừng phong thủy khu nhà tổ này, không để người ngoài phá hoại.
Ngoại trừ hai cụ già ở nhà tổ Tôn gia, còn có một tiều phu dựng nhà tranh ẩn cư trên núi, cùng với một ông lão con cháu đầy đàn ở đây. Bọn họ đều là đại tu sĩ chân chính, ba cảnh giới Kim Đan, một cảnh giới Nguyên Anh. Có lão tổ dòng bên họ Tôn không màng việc đời, có cao nhân ngoài trần thế tới đây ẩn cư lánh nạn, đương nhiên cũng có người được Tôn gia dùng số tiền lớn mời tới. Tiền tài động lòng người, thần tiên cũng khó tránh khỏi, dù sao hàng năm đều nhận được tiền cốc vũ.
Lúc này bốn đại luyện khí sĩ đang tề tụ trước nhà tranh của tiều phu, cũng là một trong số mắt trận. Tiều phu bề ngoài như đàn ông trai tráng vung tay lên, hơi nước tràn ngập, hội tụ thành một bức tranh cuộn.
Ánh mắt mọi người vẫn luôn dán vào thiếu niên đeo kiếm đang luyện quyền dọc theo bờ sông. Bọn họ bắt đầu đánh cuộc cảnh giới của thiếu niên này. Có người nói thiếu niên đã là bạn của Tôn Gia Thụ, vậy chắc chắn là một kiếm tu cảnh giới Động Phủ thiên phú phi phàm, quyền ý trên người chỉ là ngụy trang. Có người lại phản bác, nói thiếu niên chưa chắc đã bước vào năm cảnh giới trung.
Hai người còn lại thì tranh cãi thiếu niên rốt cuộc là võ phu cảnh giới thứ tư hay thứ năm. Trong đó một người nói thiếu niên là cảnh giới thứ tư cơ sở rất tốt, chứ không phải võ phu cảnh giới thứ năm bình thường. Thiếu niên ngoại trừ thiên tư rất tốt, còn được cao nhân tương trợ, là con cháu hào phiệt đỉnh cao từ nhỏ đã ngâm trong thuốc, không chừng là xuất thân từ một thế gia ngàn năm cực kỳ giàu có.
Bốn vị thần tiên mặc dù mỗi người một ý, tranh cãi đến đỏ mặt tía tai, nhưng lại rất vui vẻ hòa thuận.
Truyện Kiếm Lai được dịch tại Tàng Thư Viện.
- --------
Trong tiệm thuốc nhỏ ở nội thành, gã đàn ông không đứng đắn kia lại xách ghế đẩu đi tới đầu ngõ. Chỉ là hôm nay hắn không mang theo hạt dưa, mà mang một quyển tạp thư (sách không liên quan đến thi cử), không biết cô gái nào trong tiệm mua tới. Trong đó kể lại rất nhiều cố sự giả tạo, phần lớn là sự tích và lời dạy của thánh nhân hai nhà Nho Đạo, viết những đạo lý lớn rất viễn vông.
Trước kia gã đàn ông nào lại xem mấy thứ này, nhưng ngồi ở đầu ngõ lâu như vậy, vẫn không có cô gái nào để ý tới, khiến hắn cảm thấy có thể mình thiếu một chút phong độ của người trí thức. Trong tay cầm quyển sách lật qua lật lại, biết đâu sẽ có niềm vui bất ngờ.
Vào mùa hè nóng bức, nữ nhân ăn mặc mát mẻ. Gã đàn ông ngồi dưới bóng cây nhỏ, ra vẻ đọc sách, thực ra khóe mắt vẫn như mồ hôi dính trên gương mặt và thân thể của các cô gái. Trong đó có một phu nhân thành thục dáng người xinh đẹp, đã câu mất hồn phách của hắn. Gã khẽ lẩm bẩm “cái mông rộng quá vai, sung sướng như thần tiên”.
Gã đàn ông phát hiện mình cầm quyển sách giả làm người trí thức, cũng không có nữ nhân nào chịu nhìn thẳng vào hắn, ngoại trừ một cô gái. Cô gái này mặt rỗ, eo như thùng nước, gương mặt còn lớn hơn cả cái mông của hắn.
Vẻ mặt hắn như đưa đám, cuối cùng bắt đầu nghiêm túc lật sách. Cô gái trẻ tuổi nhà ở gần đó, vòng tới vòng lui mấy chuyến, cái eo không phải xoay mà là lắc lư. Gã đàn ông vẫn luôn giả vờ không thấy. Sau đó cô gái không chịu nổi ánh mặt trời tàn ác, lưu luyến nhìn tình lang mà mình chọn trúng, hài lòng đi về nhà.
Gã đàn ông lật sách cực nhanh, cuối cùng dừng lại ở một trang. Trong đó nói về một vị đại thánh nhân Đạo gia dùng “Tử” làm hậu tố, thông qua một cố sự liên quan đến “thuyền trống", trình bày một phen chân lý đại đạo.
Cố sự kể về một người ngồi thuyền nhỏ trên sông, phía đối diện có một chiếc thuyền khác chạy tới. Người nọ mấy lần hò hét nhắc nhở, nhưng thuyền vẫn đụng vào. Hắn liền chửi như tát nước, sau đó phát hiện trên thuyền kia vốn không có người, liền cười ha hả.
Cuối cùng đương nhiên sẽ có lời vàng ngọc của thánh nhân lưu truyền đời sau: “Một mình lui tới gọi là cô độc, người cô độc mới có thể trở nên xuất chúng”. Thánh nhân còn nói: “Chỉ người tu dưỡng cao siêu mới có thể ở trên đời như dạo chơi trong hư không, không cần lánh đời”.
Gã đàn ông cảm thấy đây không phải là nói hưu nói vượn, thậm chí hắn có thể hiểu được ý chính trong đó. Nhưng cho dù hiểu được những đạo lý lớn vô dụng này, cũng không có lợi ích gì với hắn, bởi vì hắn và thánh nhân Đạo gia kia không phải là người đồng đạo.
Ngay cả vị tiên sinh dạy học ở trường kia, hắn từng lén lút đến dự thính nhiều lần, cũng hoàn toàn hiểu được đạo lý, thậm chí một số chỗ thâm thúy khó hiểu hắn cũng có cảm ngộ, nhưng lại không có tác dụng gì với tu vi bản thân.
Chuyện khiến hắn khó hiểu nhất, đó là sư huynh cũng tu hành ở địa phương nhỏ, suốt ngày làm chuyện tầm thường của thôn phu, nhưng cảnh giới lại gia tăng rất nhanh. Thậm chí sau khi đến hoàng cung Đại Tùy một chuyến, hôm nay vị sư huynh kia đã trở thành võ phu cảnh giới thứ mười. Sư phụ quanh năm suốt tháng thích mắng mình, nhưng lại thường xuyên khen sư huynh có ngộ tính tốt.
Hắn không vì thế mà ghi hận sư phụ hay sư huynh, chỉ là nghĩ không thông, cho nên nhiều năm như vậy vẫn luôn sống rất hèn nhát. Thậm chí hắn còn không có quyết tâm muốn chứng minh cho sư phụ xem, vì vậy càng ủy khuất. Cho đến khi sư phụ đuổi hắn từ trấn nhỏ phía bắc đến thành Lão Long này.
Hắn không có một câu oán hận nào. Chỉ là Lý Nhị đi rồi, không có ai để khen, hắn cũng đi rồi, không có người để mắng, lão già từ sáng đến tối rít thuốc sẽ buồn chán đến thế nào?
Gã đàn ông khép quyển sách lại, dùng nó làm quạt ra sức quạt vào bên tai. Sau đó sắc mặt hắn tối sầm, thành thạo xách ghế đẩu lên, nhanh như chớp chạy về tiệm thuốc.
Cô ả kia dám dòm ngó mỹ sắc của hắn, tà tâm không chết, đã về nhà thay một bộ quần áo sặc sỡ, lại bắt đầu lắc tới lắc lui trên đường.
Gã đàn ông kinh hồn bạt vía trở về tiệm thuốc, nằm xụi lơ trên chiếc ghế dựa của chủ tiệm. Đột nhiên ánh mắt của hắn sáng lên, nhấc mông lau một cái. Oa, có mỹ nhân lén ngồi qua, mặt ghế vẫn còn hơi ấm. Không thể phung phí được, phải mau quẹt một cái.
Một thiếu nữ tuổi xuân ánh mắt u oán, không tình nguyện móc mấy đồng tiền ra, đập mạnh vào lòng bàn tay một phu nhân, sau đó hung hăng trừng mắt nhìn ông chủ.
Trong lòng gã đàn ông hiểu ra, bèn cười hì hì. Hai cô ả này đã dùng mình để đánh cuộc, xem mình có thể anh minh thần võ phát giác được chút hơi ấm mỹ nhân kia hay không, đúng là nghịch ngợm.
Lúc này có người đến nhà thăm, đó là một thiếu niên anh tuấn, xem cách ăn mặc chắc là con nhà có tiền. Nhưng rốt cuộc có bao nhiêu tiền, các cô gái ở tiệm thuốc dù sao cũng xuất thân quê mùa, ánh mắt còn thấp, không nhìn ra được.
Đám chim oanh chim yến trong tiệm mặt mày đều rạng rỡ. Gã đàn ông lập tức mặt ủ mày chau, uể oải nói:
- Thằng nhóc Phạm gia, lại muốn gì đây?
Đối diện với gã đàn ông lôi thôi lếch thếch kia, thiếu niên có vẻ hơi thận trọng. Sau đó hắn cố gắng kiềm chế sự khó chịu trong lòng, dùng hai ngón tay nhón lấy một cái ghế đẩu nhỏ, ngồi xuống bên cạnh đối phương, nhẹ giọng nói:
- Trịnh tiên sinh, gia phụ bảo tôi tới hỏi, khi nào thì có thể chính thức dạy quyền pháp cho tôi?
Gã đàn ông miễn cưỡng nói:
- Phạm tiểu tử, cảnh giới thứ ba muốn bước lên cảnh giới thứ tư, không thể gấp được.
Vẻ mặt thiếu niên khổ sở, nhưng cũng không dám thúc giục vị Trịnh tiên sinh này.
Gã đàn ông nghĩ thầm, từ đầu đến cuối mình chỉ dạy thiếu niên một chút da lông, mấy thứ này một võ phu cảnh giới thứ năm thứ sáu cũng có thể dạy được. Trong lòng hắn hơi áy náy, bèn thấp giọng nói một cách nghiêm túc:
- Võ phu thuần túy không giống như luyện khí sĩ. Luyện khí sĩ thích một ngày ngàn dặm, thiên phú xuất chúng một ngày đột phá một cảnh giới cũng không sao. Nhưng võ nhân thì không được, tư chất có tốt cũng phải đạp chân trên đất, từng bước lên núi. Thậm chí có đôi khi, rõ ràng có thể đột phá cảnh giới, nhưng vẫn phải cố gắng đè ép, loại trừ tạp chất trong thân thể và tu bổ tì vết của thần hồn. Thuốc thoa mà ta bảo cha ngươi chế biến, cùng với chế tạo suối nước nóng, đều là đang giúp ngươi tu hành. Đó là những thứ mà ngươi cần nhất hiện giờ, chứ không phải vội vã bước vào cảnh giới luyện khí.
Cuối cùng hắn cười nói:
- Được rồi, còn nói là cha ngươi bảo ngươi tới, là do thằng nhóc ngươi nôn nóng mà thôi.
Thiếu niên ở thành Lão Long ăn ngon mặc đẹp, nghe vậy liền xấu hổ ngượng ngùng. Võ phu từ cảnh giới thứ ba bước lên thứ tư thật sự quá khó khăn, cho nên mới được gọi là Bồ Tát đất qua sông. Gần như hoàn toàn phải xem thiên phú bản thân, ngay cả tông sư võ phu cảnh giới thứ bảy cũng không chỉ điểm được.
Đại tông sư cảnh giới thứ tám Viễn Du có thể truyền thụ một con đường tắt. Nhưng một Bảo Bình châu lớn như thế, luyện khí sĩ cảnh giới thứ tám dễ tìm, còn võ phu cảnh giới thứ tám có được mấy người? Chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hơn nữa gần như đều là quý nhân được vương triều lớn ra sức lung lạc cung phụng. Nghe nói chuyện này còn liên quan đến khí vận hư ảo của một nước, khi nào mới rơi xuống thành Lão Long? Lui một vạn bước mà nói, cho dù có thì Phù gia và Tôn gia vốn giàu hơn Phạm gia, chắc chắn sẽ không tới phiên Phạm gia.
Gã đàn ông vỗ ngực bảo đảm:
- Phạm tiểu tử, cứ tiếp tục chờ đợi. Chỉ cần ngươi thật sự đạt đến giới hạn cảnh giới thứ ba, ta sẽ tự mình ra tay, không để cho bạc của Phạm gia ngươi uổng phí. Đến lúc đó thằng nhóc ngươi không muốn đột phá cảnh giới cũng khó.
Thiếu niên đầy bụng buồn bã đi tới cửa tiệm, lúc này lại tinh thần khoan khoái rời khỏi con ngõ. Trên đường có lão tổ cảnh giới Kim Đan âm thầm đi theo hộ tống.
Nên biết vào ngày thiếu niên sinh ra, một chiếc thuyền đảo Quế Hoa đã được chuyển sang dưới danh nghĩa của hắn. Chờ hắn tròn hai mươi tuổi, sẽ có thể điều động khoản tài phú kinh người hàng năm đều tăng trưởng kia.
Thiếu niên vừa đi, đám nữ nhân lại bắt đầu líu ríu, hỏi thăm gia thế của thiếu niên kia. Gã đàn ông vươn một tay ra, làm động tác nắn bóp, ánh mắt lướt qua trước ngực bọn họ, cười bỉ ổi nói:
- Quy tắc cũ của tiệm thuốc, các cô ai bỏ được tiền vốn, ông chủ đây sẽ nói cho người đó biết thân phận tên tuổi của thiếu niên, nhà ở phương nào, thích hình dáng đẫy đà hay xinh xắn đáng yêu...
Đám nữ nhân không một ai mắc câu.
Gã đàn ông tiếc nuối nói:
- Không nỡ bỏ thì sẽ không kiếm được tiểu tình lang, ta thật cảm thấy bất bình cho các cô.
Đám nữ nhân đã sớm tản đi, tụm năm tụm ba thì thầm, nói chuyện riêng liên quan đến thiếu niên kia.
Gã đàn ông thoải mái dựa vào ghế, lẩm bẩm nói:
- Nhân duyên của Trịnh Đại Phong ta với phụ nữ, chẳng khác nào phúc duyên của thằng nhóc họ Trần năm xưa, cùng hội cùng thuyền, cùng hội cùng thuyền...
Gã chủ tiệm thuốc tên Trịnh Đại Phong này đến từ động tiên Ly Châu, đã từng phụ trách canh cổng, thu của người khác một túi tiền đồng kim tinh. Trước đây không lâu sư phụ nhờ người đưa cho hắn một lá thư, bảo hắn chuẩn bị giúp Trần Bình An đánh tan bốn lá bùa chân khí tám lạng kia. Ở phần cuối mật thư, sư phụ nói nếu Trần Bình An có thể tự mình đột phá cảnh giới, vậy Trịnh Đại Phong hắn phải bảo đảm thiếu niên sẽ thuận buồm xuôi gió ở thành Lão Long.
Trịnh Đại Phong quay đầu nhìn về ngõ nhỏ ngoài tiệm, lẩm bẩm nói:
- Thiên tài võ đạo trong mắt thế nhân như thằng nhóc Phạm gia, tối đa cũng chỉ dán được một hai lá bùa chân khí tám lạng, nếu không thân thể sẽ không chịu nổi. Tên đầu đất họ Trần kia, mới mấy ngày không gặp đã tràn đầy sức sống như vậy sao? Từ khi Trần Bình An hắn học thuật thổ nạp mới bao nhiêu năm chứ?
Hắn tự giễu nói:
- Sư phụ quả nhiên không nói sai, đúng là sư huynh có ngộ tính hơn, năm xưa ta lại rất xem thường Trần Bình An.
Đột nhiên có một thiếu nữ vẻ mặt giận dữ, hét lớn với gã đàn ông:
- Ông chủ Trịnh! Quyển sách kia đâu? Trả cho tôi!
Trịnh Đại Phong hắng giọng một tiếng, lấy quyển sách trong ngực ra đặt lên quầy.
Thiếu nữ đỏ bừng mặt:
- Còn nữa đâu?
Trịnh Đại Phong ủ rũ, lại từ trong ngực lấy ra một món áo lót nữ nhân được quấn lại, nhẹ nhàng đặt bên cạnh quyển sách, chột dạ giải thích:
- Cái túi kia của cô để ở nơi công khai như vậy, hơn nữa còn lộ ra một góc sách, cho nên ta cảm thấy tò mò. Sau khi cầm sách, lại phát hiện áo lót hơi bẩn, liền có ý tốt muốn giặt giúp cô...
Thiếu nữ hai má màu hồng phấn giật lấy áo lót, sau đó cầm sách đập vào mặt gã đàn ông, thở phì phì nói:
- Đại sắc lang! Đồ lưu manh!
Gã đàn ông chụp lấy sách, nghiêm túc nói:
- Dáng vẻ cô xinh đẹp, cho dù hiểu lầm ta không phải là chính nhân quân tử, ta cũng tha thứ cho cô. Nhưng áo lót bẩn rồi, ta giúp cô giặt, phần thiện tâm này cô nhất định không thể phụ lòng.
Trong tiệm thuốc vang lên tiếng cười lớn, xen lẫn tiếng mắng mỏ của đám phu nhân, cùng với tiếng oán giận của các thiếu nữ. Hai tay Trịnh Đại Phong ôm sau đầu, cười híp mắt.
- --------
Bốn vị thần tiên trên núi đã triệt tiêu trận pháp núi sông, dù sao nhìn một thiếu niên xứ khác tranh cãi với một đám trẻ nông thôn cũng không có gì thú vị. Còn như thiếu niên đeo kiếm rốt cuộc là kiếm tu ngụy trang rất tốt, hay là võ phu thuần túy cảnh giới luyện thể, bốn người vẫn không thể đưa ra kết luận khiến mọi người tin phục.
Có điều bốn người dù sao cũng là đại tu sĩ thấy nhiều biết rộng. Thành Lão Long là khu vực vàng thau lẫn lộn nhất Bảo Bình châu, ba châu lớn phía đông có rất nhiều nhân tài đi qua nơi này. Phần lớn bọn họ đều sẽ nể mặt trở thành thượng khách của Phù gia và năm họ lớn, nhận lấy một phần tình nghĩa không lớn không nhỏ. Cho nên bốn vị luyện khí sĩ tu vi rất cao, cũng không thể nói là kinh ngạc với thiếu niên.
Nhưng bọn họ đều cho rằng, vị khách được Tôn Gia Thụ tự mình dẫn đến nhà tổ này, bất kể là luyện khí sĩ hay võ phu thuần túy, nhất định là một thiếu niên thiên tài không tầm thường. Không chừng lần sau đến đây thiếu niên đã là trung niên, “người kết thành kim đan, mới ngang hàng với ta”. Hoặc là bước vào cảnh giới thứ bảy võ đạo, có hi vọng dùng thân thể võ phu chống lại thiên đạo, ngự gió đi xa. Đến lúc đó thiếu niên mới là khách quý cần bốn người lộ diện nghênh tiếp, chứ không chỉ là một người bạn của Tôn Gia Thụ.
Bên bờ sông, đám trẻ do hai kiếm khách nhỏ cầm đầu, bắt đầu xúi Trần Bình An thể hiện kiếm thuật, dùng chuyện này để chứng minh hắn là một kiếm khách hành tẩu giang hồ, chứ không phải là một tên bịp bợm cột bầu rượu giả làm anh hùng hảo hán.
Lúc đầu Trần Bình An chỉ hoài niệm khi mình còn bé, đùa giỡn với những đứa trẻ này, trêu chọc bọn chúng. Sau đó phát hiện đám trẻ mặc dù nhỏ tuổi ngây thơ, hơn nữa còn chưa từng thấy qua thành Lão Long, càng đừng nói đến giang hồ hay kiếm khách gì đó, nhưng một ít cảm nhận của bọn chúng lại là chân thực.
Chẳng hạn như đứa trẻ cầm kiếm trúc kia, mặc dù miệng mồm châm chọc, nhưng sâu trong ánh mắt nhìn về phía Trần Bình An vẫn mang theo một chút mong đợi. Hi vọng Trần Bình An là cao thủ giang hồ được vẽ trong sách tranh liên hoàn, có thể dựa vào kiếm thuật đánh bại kẻ ác.
Đứa trẻ cầm kiếm gỗ thì rất khát vọng có thể bái cao nhân làm thầy, thậm chí hắn đã nghĩ đến chuyện dập đầu thắp hương, chỉ chờ “đại nhân” đeo kiếm trong mắt hắn có thể rút kiếm ra khỏi vỏ. Đám trẻ còn lại cũng mở to mắt, chờ Trần Bình An thi triển thân thủ, để lúc về nhà ăn cơm có thể khoác lác với cha mẹ.
Trần Bình An gãi đầu:
- Vậy ta thử một chút nhé?
Bọn trẻ đều gật đầu như gà con mổ thóc. Thiếu niên cầm kiếm gỗ không quên dùng phép khích tướng oán giận nói:
- Chậm chạp lề mề, không nhanh nhẹn chút nào. Tôi thấy anh đúng là một tên lừa gạt, sợ bị lộ đúng không?
Trần Bình An cười ha hả, đang định theo thói quen lấy hồ lô nuôi kiếm xuống, nhưng ngẫm lại vẫn thu tay, không uống rượu nữa. Hắn quay đầu nhìn sang bờ bên kia, thấy mặt sông rộng đến bốn trượng.
Trần Bình An xoay người, hướng về bờ sông:
- Các em nhìn cho kỹ!
Đám trẻ nhìn không chớp mắt, không biết đối phương muốn làm gì.
Trần Bình An nhảy nhót tại chỗ mấy cái, lắc lắc chân, sau đó chậm rãi giơ tay lên, một lần nữa nhắc nhở:
- Nhìn kỹ rồi chứ?
Đám trẻ đồng loạt gật đầu.
Trần Bình An đưa tay vòng qua vai, cầm lấy thanh kiếm gỗ hòe, trong nháy mắt rút kiếm, dùng thủ pháp xảo diệu của võ phu ném kiếm sang bờ bên kia. Sau khi kiếm gỗ hòe xoay một cái giữa không trung, biến thành mũi kiếm thẳng tắp, nhưng bay không được nhanh.
- Đi đây!
Trần Bình An cười lớn, mũi chân nhún một cái, thân hình lướt đi, hai chân một trước một sau giẫm lên kiếm gỗ. Đầu tiên thì hơi lảo đảo, nhưng sau khi đứng vững, thiếu niên lại giống như đạp phi kiếm ngự gió qua sông.
Oa! Đúng là kiếm khách thần tiên, không phải lừa gạt. Đám trẻ đều nghẹn họng nhìn trân trối, vẻ mặt hâm mộ và sùng bái.
Trần Bình An đạp kiếm qua sông, bước chân dịch nghiêng, nhảy xuống một bờ ruộng nhỏ bên kia sông, sau đó chụp lấy kiếm gỗ hòe rơi xuống. Hắn đứng trong đám hoa cải màu vàng, gần hai tay hai chân có những luồng chân khí vô hình tan vỡ trôi đi.
Trong lòng hắn rung động, xoay người giơ ngón cái với những đứa trẻ kia, chỉ vào mình cười nói:
- Ta tên Trần Bình An, ta là một kiếm khách.
Trần Bình An nhìn về nhà tổ họ Tôn, một lần nữa dùng thế lớn lực trầm ném kiếm gỗ hòe ra, kiếm gỗ nhanh chóng bay lướt đi. Hắn lại đuổi theo, lần này đạp kiếm ngự gió đã vô cùng quen thuộc.
Cuối cùng đã có một chút phong thái của thiếu niên kiếm tiên rồi. Một người một kiếm, lần nữa qua sông.
Trần Bình An giẫm lên kiếm, hai tay khoanh trước ngực, nhắm mắt lại, ngẩng đầu lên, yên lặng cảm nhận một sự lưu chuyển kỳ diệu giữa trời đất. Trước mặt gió mát hiu hiu, cả người hắn nhẹ nhõm, hóa ra đã là Bồ Tát đất qua sông, hôm nay đã là cảnh giới thứ tư rồi.
- --------
Chú thích:
(1) Thịt chó không lên bàn: Thời xưa ở nông thôn, chó là loài vật dùng để canh giữ nhà cửa, ngăn cản bọn trộm cắp và dã thú vào bắt trộm gia súc, đại biểu cho sự trung thành. Cho nên dân gian tuy có thể lén ăn thịt chó, nhưng không thể dùng nó để đãi khách.