1. Ốc sên
“Gần đây người trong đầu cậu có còn cùng cậu nói chuyện nữa không?”
Tại trung tâm chăm sóc sức khoẻ tinh thần, trong một phòng khám bệnh riêng, một bác sĩ mặc áo blouse trắng vừa lật xem bệnh án vừa hỏi.
Một cậu trai trẻ khoảng 20 tuổi ngồi phía bên kia bàn khám bệnh.
An tĩnh, ngoan ngoãn, không hề có chút nguy hiểm nào.
Đây là ấn tượng đầu tiên mà cậu để lại cho người ta.
Tầm mắt của cậu bây giờ đang dừng lại trên một chậu cây xanh ở bệ cửa sổ.
Đó là một chậu trầu bà được chăm sóc rất tốt, cành dài từ trên bệ cửa sổ rủ xuống dưới.
Một làn gió khẽ thổi qua, ánh nắng trên lá cây như đang nhảy nhót.
“... Giang Diệu?”
Bác sĩ Ôn Lĩnh Tây rời mắt khỏi bệnh án.
Nhận ra bệnh nhân của mình đang mải mê theo đuổi suy nghĩ trong đầu, bác sĩ Ôn bất lực mà cười.
Cộc cộc.
Bác sĩ Ôn nhẹ nhàng gõ gõ mặt bàn trước mặt Giang Diệu.
Nhưng hành động khiến cậu chú ý này là phí công.
Giang Diệu vẫn nhìn chậu cây kia, nhìn đến nỗi quên cả chớp mắt.
Làm người ta không khỏi tò mò, chậu trầu bà kia vô cùng bình thường, tại sao cậu lại nhìn không chớp mắt như vậy.
Giang Diệu trước sau vẫn chăm chú nhìn chậu cây.
Bác sĩ Ôn cũng yên lặng quan sát cậu.
Sau mấy lần gọi cậu mà không có kết quả, bác sĩ Ôn thở dài, bắt đầu mở bệnh án ra xem.
Giang Diệu 21 tuổi, được chẩn đoán đã mắc bệnh tự kỷ hai mươi năm.
Khi sinh ra, cậu và những đứa trẻ khác không có gì khác nhau. Cha mẹ cậu cũng vui sướng chào đón một sinh mệnh nhỏ chào đời.
Nhưng về sau, họ phát hiện ra có điều gì đó không đúng.
Đầu tiên là ánh mắt.
Trẻ con ở tuổi Giang Diệu đối với thế giới xung quanh đều tràn ngập tò mò, nhưng cậu lại không giống vậy.
Dù cho là món đồ chơi nhỏ lấp lánh hay là cố ý phát ra tiếng động thu hút sự chú ý, Giang Diệu đều rất hiếm khi đáp lại ánh mắt của cha mẹ.
Cậu chỉ để ý đến những gì mà cậu muốn xem.
Không ai biết được rốt cuộc cậu thích thứ gì.
Bởi vì cậu không chịu nói.
Vì vậy cha mẹ cậu quyết định đưa cậu đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.
Thính giác và thanh quản của Giang Diệu đều phát triển bình thường, không có dấu hiệu gì bất thường. Nhưng cậu nhất định không chịu mở miệng.
Lúc Giang Diệu hơn một tuổi đã được bố mẹ cậu đưa đi thăm khám rất nhiều bác sĩ. Sau khi nghe xong tình trạng của cậu, vị bác sĩ nọ khuyên cha mẹ cậu nên đưa cậu đi khám bệnh tự kỷ.
Bệnh tự kỷ hay còn gọi là hội chứng cô độc.
Khi ấy, cha mẹ Giang Diệu cũng không biết rõ tự kỷ là bệnh gì.
Tận cho đến khi đưa bệnh án về, họ mới biết được đây là một loại bệnh tinh thần rất khó chữa trị.
Thường thì những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ sẽ gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quá trình phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu là do: giao tiếp khó khăn, ngôn ngữ phát triển chậm chạp và lặp đi lặp lại một vài hành vi.
Đây là lý do vì sao năm Giang Diệu một tuổi luôn né tránh ánh mắt của cha mẹ mình, cũng không đáp lại lời bọn họ.
Trẻ con mắc bệnh tự kỷ phải sinh hoạt ở nơi giống như chiếc lồng pha lê.
Cậu không muốn tác động gì đến thế giới quanh mình.
Thế giới cũng không tác động đến cậu.
Đại đa số những đứa trẻ như vậy đều gặp khó khăn trong việc học tập. Nghiêm trọng hơn là không thể học được cách ăn cơm, bài tiết.
Hơn nữa, đây là một căn bệnh rất khó chữa khỏi.
Chỉ khi người bệnh được điều trị đúng phương pháp và tập luyện khả năng giao tiếp thì mới cơ bản có khả năng sinh hoạt bình thường.
Vậy cậu có thể hòa nhập xã hội như người bình thường thì sao? Cái này quả thực khó hơn lên trời.
Giang Diệu hơn một tuổi đã bị chẩn đoán là mắc bệnh tự kỷ, điều này đối với cha mẹ cậu là một cú sốc vô cùng to lớn.
Họ hàng thân thích và bạn bè đều khuyên họ rằng: Tranh thủ khi còn trẻ, hãy sinh thêm đứa nữa.
Đứa nhỏ này mắc bệnh nhưng đã trị mà không hết, vậy thì sinh cho nó một người em trai. Sau này hai người già rồi thì cũng có người giúp họ trông nom nó.
Cha mẹ Giang Diệu suy nghĩ rất lâu, nhưng cuối cùng cũng không nghe theo lời người khác mà hết lòng để chữa bệnh cho cậu.
Bọn họ chưa từng nghĩ sẽ bỏ đứa nhỏ này, cậu chỉ bị bệnh chứ không làm sai điều gì cả.
Bởi vậy, từ khi Giang Diệu hơn một tuổi đã được cha mẹ đưa đi khám ở rất nhiều bệnh viện lớn.
Sau những nỗ lực không ngừng của hai người, Giang Diệu dần học được cách ăn cơm, mặc quần áo, rồi từ từ có thể giải quyết các chuyện cá nhân một mình.
Không chỉ vậy, bọn họ cũng ngạc nhiên mà phát hiện rằng tuy Giang Diệu rất khó tiếp xúc cùng người khác nhưng cậu lại có rất nhiều tài năng khiến người ta phải cảm thán.
Ví dụ như, cậu chỉ cần thấy qua gì đó là lập tức ghi nhớ. Dù chỉ liếc mắt qua một tờ báo từ vài tháng trước cậu cũng có thể thuật lại không thiếu một chữ.
Hay ví dụ như cậu thích vẽ tranh. Tuy rằng cậu không được theo học chương trình chính quy, thế nhưng cậu tùy ý vẽ một bức tranh lại tạo cho người thưởng thức cảm giác kỳ ảo mỹ lệ. Không ít lần cậu làm cho người xem kinh ngạc vì bức tranh cậu vẽ quá đẹp, thậm chí nó còn xuất hiện trong danh sách tranh hot search..
Nhưng như vậy là đủ rồi.
Cha mẹ Giang Diệu vui mừng nghĩ: Ít nhất cậu cũng có thể nuôi sống bản thân bằng việc vẽ tranh.
Sau đó biến cố đã xảy ra.
Cho đến hôm nay thì vẫn chưa ai có thể giải thích được biến cố kia xảy ra như nào.
Năm Giang Diệu 20 tuổi, cậu bỗng nhiên mất tích.
Đó là một ngày bình thường, trời trong nắng ấm. Mẹ Giang Diệu kê bàn vẽ ra sân để cậu vẽ tranh.
Nhưng Giang Diệu không cẩn thận làm đổ thuốc màu khiến chiếc quần cậu mặc bị bẩn mất.
Mẹ cậu liền quay vào nhà gọi cha tới giúp.
Khi quay lại thì hai người không thấy Giang Diệu đâu.
Trong sân không có cửa, tường cao đến hai mét. Nơi duy nhất có thể ra ngoài là hành lang mà mẹ cậu vừa đi qua.
Ở đó chỉ còn giá vẽ được đặt yên dưới giàn nho.
Trên mặt đất còn sót lại thuốc màu.
Ghế dựa không còn bóng dáng Giang Diệu.
Họa sĩ tài năng mắc bệnh tự kỷ đột nhiên biến mất làm cho toàn giới khiếp sợ.
Sự việc quá nghiêm trọng, cảnh sát nhanh chóng lập án điều tra, cư dân mạng cũng tự tìm người.
Nhưng nơi Giang Diệu biến mất thì vẫn không rõ.
Giống như trong truyền thuyết “Thần ẩn”. Dưới ánh nắng sau giờ ngọ, cậu bị thần minh mang đi ở trước giàn nho nhà mình.
Cảnh sát đã bất lực, ngay cả cha mẹ cậu cũng sắp tuyệt vọng mà từ bỏ.
Thế nhưng một năm sau, Giang Diệu lại đột nhiên xuất hiện như cái cách cậu biến mất.
Giang Diệu bất ngờ xuất hiện ở cửa nhà cậu.
Cả người cậu trần trụi, trên người còn có máu.
Cậu giống như vừa được vớt lên từ một đầm máu nhưng lại không hề bị thương.
Cảnh sát lúc đầu cho rằng cậu và kẻ bắt cóc vật lộn rồi để lại dấu vết, là máu của cậu.
Sau khi lấy máu đó đi xét nghiệm ADN thì lại không phải máu của Giang Diệu.
Cũng không có cách nào khác, dữ liệu ADN ở trong kho là của những người có tiền án. Nếu tên tội phạm bắt cóc chưa từng có tiền án thì ở trong kho sẽ không có dữ liệu ADN của hắn.
Cảnh sát liền chuyển hướng điều tra sang người bị bắt cóc.
Tất cả mọi người đều muốn biết một năm Giang Diệu mất tích đã xảy ra chuyện gì.
Nhưng Giang Diệu lại mất trí nhớ.
Ký ức về lúc còn dưới sân nhà của cậu rất rời rạc.
Giang Diệu nhớ rõ thuốc màu bị đổ, màu sắc diễm lệ ấy bắn lên quần của cậu.
Sau đó thì sao?
Sau đó cậu nghe được tiếng hét chói tai xung quanh. Cả người cậu trần trụi, dính đầy máu, cậu đứng trước cửa nhà.
Trong thời gian qua đã xảy ra những gì?
Suốt một năm chẳng lẽ một chuyện cũng không nhớ nổi?
Cậu nghĩ không ra.
Toàn bộ ký ức của cậu như bị chặt đứt. Ký ức một năm đó bị người ta lấy đi rồi ghép đầu đuôi lại với nhau.
Một giây trước cậu còn đang ngồi trong sân, một giây sau đã cả người đầy máu đứng trước cửa nhà.
Trong một năm này cậu đã đi đâu, làm gì? Lượng máu đủ để giết chết một người trên cơ thể cậu là của ai? Tại sao cậu lại trần trụi mà quay về?
Tất cả đều không rõ cũng không biết phải truy xét từ đâu.
Vụ án mất tích lạ lùng này khiến cho cư dân mạng cả nước chú ý. Sau khi cậu xuất hiện thì cư dân mạng lại bàn tán hăng hơn, chiếm vài chỗ hot search trên đầu.
Không một ai có thể giải thích toàn bộ sự việc. Mỗi người đều có suy đoán của riêng mình nhưng đều có lỗ hổng, việc này hoàn toàn không thể dùng phán đoán khoa học để giải thích.
Cảnh sát và bác sĩ đều dùng hết những biện pháp có thể nhưng đều không có được lời giải đáp hợp lý.
Chỉ có thể không giải quyết được gì.
Đối với cha mẹ cậu thì chỉ cần con trai trở về là tốt rồi.
Không chỉ bình an trở về mà bệnh tình của cậu còn có chuyển biến tốt đẹp.
Sau khi Giang Diệu về nhà thì đột nhiên lại muốn nói chuyện.
Cậu sẽ khóc, sẽ cười sẽ nói “Con muốn”.
Giang Diệu nhìn vào gương và nói: “Trong lòng con luôn có một giọng nói, không ngừng nói với con rằng thế giới ngoài kia rất tốt đẹp, muốn con phải sống thật tốt.”
Có lẽ trong một năm kia cậu đã phải trải qua gì đó rồi sinh ra nhân cách thứ hai.
Bác sĩ Ôn – bác sĩ điều trị chính cho Giang Diệu đã nói với cha mẹ cậu như thế.
Trước khi mất tích, Giang Diệu giống một cái cây nhỏ, vô cùng yên tĩnh, ngoan ngoãn, không biểu đạt suy nghĩ của mình, khi bị thương cũng không bao giờ nói đau.
Sau khi về nhà, tuy Giang Diệu vẫn lầm lì ít nói nhưng cũng đã gần giống người bình thường.
Cha mẹ cậu một lần nữa hy vọng nhưng vẫn không yên tâm nên vẫn đưa cậu đi kiểm tra định kỳ.
Vậy nên bây giờ Giang Diệu đang ngồi trong phòng khám bệnh riêng này.
“...” Sau vài lần gọi mà không thấy trả lời, bác sĩ Ôn lại thở dài, ghi trong bệnh án rằng lần điều trị này thất bại.
Bệnh có khả năng lặp lại. Xem ra người nhà phảiphải quan sát chặt chẽ, không nên để cho người bệnh tự mình sinh hoạt.
Bác sĩ Ôn cúi đầu viết lời chẩn đoán.
Bên kia bàn làm việc, Giang Diệu vẫn cứ chăm chú nhìn chậu trầu bà kia.
Gió thổi nhẹ làm lay động bức rèm, lá cây trầu bà theo gió khẽ đung đưa.
[ Thật đẹp. ]
Giang Diệu nghe được tiếng nói đó trong lòng mình.
[ Trên đường về hãy dạo qua tiệm cây đi. ]
Tiếng nói tiếp tục lên tiếng.
Giang Diệu nghe được hai tiếng “tiệm cây”, vẻ mặt liền tươi cười.
“... Cậu thích cái này sao?” Bác sĩ Ôn cuối cùng cũng để ý tới tầm mắt của cậu, lấy chậu cây lại gần rồi nói: “Nếu cậu thích thì tôi tặng cho cậu mang về chăm sóc.”
Giang Diệu khẽ nâng mí mắt nhìn bác sĩ Ôn rồi lại nhìn chậu hoa.
Sau đó cậu vươn tay nâng một chiếc lá trên cây rồi lấy ra một con bọ rùa.
Thân con bọ rùa này có màu đỏ là chủ đạo, ngoài ra còn có những đốm đen.
Là một chú bọ rùa bảy đốm xinh đẹp.
[ Phải nói gì? ]
Tiếng nói trong lòng hỏi cậu.
Giang Diệu: “Cảm ơn.”
Cậu đứng lên, hướng về phía bác sĩ Ôn trịnh trọng nói: “Cảm ơn bác sĩ.”
Bác sĩ Ôn sửng sốt.
Giang Diệu cẩn thận chơi đùa với con bọ rùa, bên khóe môi còn khẽ mỉm cười.
…
Cậu thực sự giống một loài cây nhỏ.
Hiền lành, vô hại, đem một con côn trùng nhỏ từ một cây khác chuyển sang tay mình.
Cũng không phải để làm hại nó mà đơn giản chỉ là thích nó nên muốn chạm vào.
Bác sĩ Ôn thất thần một lát rồi lại mở bệnh án ra.
Trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng bác sĩ Ôn xóa câu “Bệnh tình có khả năng lặp lại” đi, viết lại chẩn đoán một lần nữa:
“Năng lực trao đổi với thế giới bên ngoài của người bệnh có chuyển biến tốt. Phương pháp điều trị tạm thời không có gì thay đổi. Tiếp tục quan sát.”
...
Bác sĩ Ôn ghi chép xong liền ra mở cửa mời mẹ Giang Diệu vào.
Đây là thói quen khám bệnh của anh ta. Trước hết cùng người bệnh nói chuyện, sau đó mới cùng người nhà bệnh nhân trao đổi.
Người ngồi ở hàng ghế chờ là một người phụ nữ ăn mặc vô cùng nữ tính, duyên dáng.
Vừa nhìn thấy Ôn Lĩnh Tây, bà lập tức đứng lên chào.
Ai vừa nhìn cũng có thể nhận ra được bà là mẹ của Giang Diệu bởi bà cùng Giang Diệu đều có một loại khí chất ôn hòa vô hại.
Nếu nói Giang Diệu ôn hòa là do mắc chứng bệnh cô độc, trời sinh đã không quan tâm đến cảm xúc của mọi người thì Từ Tĩnh Nhàn mẹ cậu chính là một vũ công ba lê uyển chuyển nhẹ nhàng và ưu nhã.
Vết chân chim ở khóe mắt cho thấy bà đã đứng tuổi nhưng nó không hề ảnh hưởng đến khí chất và dáng người của bà.
Khi trẻ bà nhất định là một đại mỹ nhân vạn người mê.
Giang Diệu hoàn toàn được thừa hưởng hết những nét đẹp của bà.
Ôn Lĩnh Tây đưa Từ Tĩnh Nhàn vào phòng khám, nghiêng đầu liếc mắt nhìn Giang Diệu một cái.
Cậu vẫn an an tĩnh tĩnh ngồi trên sofa, cúi đầu chăm chú nhìn vào con côn trùng trong tay.
Làn da trắng tựa tuyết mai tinh khôi được điểm xuyết bởi đôi mắt xinh đẹp. Hàng mi dài rũ xuống tựa như lông quạ đen tuyền, cứ thế mà nhẹ nhàng lay động khiến người ta cảm thấy đối phương mang dáng vẻ vô cùng yếu ớt.
Bệnh rối loạn nhân cách, hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên “Đa nhân cách”.
Giang Diệu bây giờ đang mắc cùng lúc hai chứng bệnh này.
Tình huống này thường thấy ở những đứa trẻ bị tổn thương nghiêm trọng.
Có một giả thiết cho rằng sau khi trẻ nhỏ phải chịu những tổn thương sinh lý hoặc tâm lý nghiêm trọng thường không có cách nào sống trong thế giới thực, không muốn tin chuyện mình bị những thứ đáng sợ đó làm sợ hãi.
Vì thế bọn trẻ tưởng tượng ra một người khác, đến để thay cho bọn họ chịu đựng sự đau khổ đó.
Một năm mất tích kia, rốt cuộc Giang Diệu đã phải trải qua những gì?
Tuy rằng cảnh sát đã công bố rằng trên người cậu không có dấu vết bị hành hung nhưng những đứa trẻ khi gặp cái gì nguy hiểm đều vô thức bảo vệ bản thân mình, huống hồ lại là một đứa trẻ có vẻ ngoài xuất chúng như thế…
Giống như một loài cây nhỏ xinh đẹp.
Người ta có thể tưới nước cho cậu, mở cửa sổ để cậu đón ánh mặt trời.
Người ta cũng có thể bẻ gãy cành của cậu, vân vê, giày vò gốc rễ cậu.
Cậu đều không có cách nào phản kháng.
Ôn Lĩnh Tây kìm lại lòng xót thương, mỉm cười nói với Từ Tĩnh Nhàn.
“Tình huống hiện tại của cậu ấy tương đối ổn định, khả năng giao tiếp cũng tiến triển tốt hơn.” Ôn Lĩnh Tây nói, “Vậy nên, về việc dung hợp hai nhân cách …”
Dung hợp nhân cách có nghĩa là đem nhân cách thứ hai dung hợp làm một với nhân cách nguyên bản.
Lần tái khám này đã ước định thời gian sớm hơn rất nhiều so với lần trước.
Cha mẹ Giang Diệu vẫn luôn hy vọng cậu có thể sinh hoạt như người bình thường.
Ôn Lĩnh Tây biết rõ Từ Tĩnh Nhàn nóng lòng, anh tata đang muốn giải thích rõ việc dung hợp nhân cách cho bà nghenghe nhưng lại bị Từ Tĩnh Nhàn ngắt lời.
“Bác sĩ Ôn, tôi đưa thằng bé đến không phải để dung hợp nhân cách.”
Ôn Lĩnh Tây nghi hoặc nhướng mày, lại phát hiện ánh mắt Từ Tĩnh Nhàn nhìn Giang Diệu không chỉ có lo lắng mà còn ẩn chứa chút vẻ bất an.
Giống như một chú chim nhỏ bị kinh sợ, đôi cánh ướt dầm dề, run bần bật mà ẩn mình trong nhánh cây ở khu rừng Hắc Ám.
“Thằng bé gần đây bắt đầu nhắc đến một vài thứ rất kỳ quái …”
Từ Tĩnh Nhàn nói rất chậm, cơ hồ là đang lựa chọn từ để nói.
Ôn Lĩnh Tây hơi khom người, chú ý hỏi: “Ví dụ như?”
Từ Tĩnh Nhàn hít sâu một hơi, giọng nói rõ ràng nhưng hơi run rẩy.
“Ví dụ như thằng bé nói trong tai nó có ốc sên.”