Mới về tới cửa ông Phước đã nghe thấy tiếng khóc rấm rức trong nhà. Ông ta thở dài chán chường.
Kẻ trong nhà dường như phát giác ra động tĩnh ngoài cửa, tiếng khóc bỗng dưng nín bặt. Một chuỗi bước chân ruỳnh ruỳnh vang lên. Mụ vợ già của ông Phước lao ra cửa. Mặt hốc hác, tóc rối bù, hai mắt sưng vù vì khóc lóc hàng giờ. Bà ta túm áo ông Phước, giằng, giật bằng toàn bộ sự yếu đuối của mình.
“Lão già khốn nạn! Lão còn biết đường mà về nhà à? Tưởng lão bị con hồ ly tinh câu mất hồn không nhớ nhà cửa vợ con nữa rồi!”
Ông Phước giật tay mụ vợ, quát.
“Ăn nói lung tung.”
Bà ta giật mình rồi bù lu bù loa lên.
“Ối giời ơi, bớ làng nước ơi! Lại đây mà xem loại đàn ông lòng lang dạ sói. Giàu có rồi quên người vợ thuở hàn vi, chạy theo bồ nhí!”
Nỗi căm tức trong lòng bà dồn nén quá nhiều ngày bỗng bùng nổ.
“Con ranh đó cho ông ăn bùa mê thuốc lú gì, mà ông nỡ hai tay dâng con gái rượu cho một thằng giang hồ! Có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”. Lão không phải là hổ, mà là đồ súc vật, là loại quái vật ăn thịt người không nhả xương! Là quái vật đội lốt người!”
Ông Phước dứt khoát xô bà ta ngã xuống đất. Bà vợ ngã lăn quay, ánh mắt kinh hoàng nhìn ông ta. Ông Phước chỉ thẳng vào mặt bà ta, mắng.
“Câm mồm! Là tự thân chúng nó đi tới bước đường này. Tôi bảo thằng con bà đi bắt cóc, hi.ếp dâm à? Hay tôi bảo nó th.am nhũng? Hồi cấp ba đã làm con gái người ta tàn tật một lần. Khó khăn lắm mới nhét tiền, vứt sang nước ngoài được.
Nay thằng ngu xuẩn ấy lại tái phạm! Một thằng ăn hại sống không nên nết! Nó bị thế là đáng lắm! Tôi cho nó ăn sung mặc sướng mấy chục năm. Mà nó trả ơn tôi thế nào? Bà biết là nhờ thằng con trai của bà mà tôi và công ty điêu đứng thế nào không?
Đừng có mà nhắc tới nó! Giờ đến cái thân già này tôi còn gánh không xong. Bà có biết ngày ngày tôi phải luồn cúi, hạ mình trước những thằng ranh con ngày xưa tôi không thèm để vào mắt không?
Nhờ ơn của ai? Của ba mẹ con bà đấy! Bản thân đã vô dụng không giúp gì được cho chồng thì thôi. Hết khóc rồi nháo chẳng ra cái thể thống gì! Bà có quyền đe nẹt tôi sao?
Con gái cưng của bà, danh tiếng thối tha cả nước biết! Giờ con gái bà là đôi giày rách ném ra đường cũng không thằng nào thèm xỏ. Cái loại mất nết như nó thế gia danh môn nào chịu rước?
Đi theo thằng Long không phải để giúp đỡ tôi đâu. Mà là để bù đắp tổn hại nó đã gây ra cho công ty! Nuôi nấng cưng chiều nó bao nhiêu năm.
Nó muốn nổi tiếng, tôi đập tiền cho nó đi hát. Nó bắt nạt người khác, tôi xử lý cho nó. Nó gây tội vạ, tôi đi sau dọn sạch. Xưa nay nó muốn cái gì tôi chẳng cho gấp năm, gấp mười. Coi như đây là báo đáp công ơn nuôi nó hai mươi tư năm đi.
Đã ngu ngốc lại còn học đòi hại người. Nếu người ta không nể tình mà tha cho thì giờ cũng ăn cơm tù giống thằng anh nó rồi!”
Bà ta vốn đang nằm im nghe chồng mắng. Không dám cãi lại bởi Đạt và Hoàng Anh phá hoại khiến việc làm ăn của ông Phước khốn đốn là sự thật. Công ty Tiến Phước tổn thất tới mức chẳng biết còn cơ hội ngóc đầu dậy không. Bà ta là người phụ nữ nội trợ vô năng, không giúp ích được chồng.
Nhưng bà ta nhanh nhạy bắt được chữ “người ta”.
Bà bật dậy, khí thế hừng hực như gà chọi.
“Á à, lại là con hồ ly tinh đó! Lão bênh nó phải không? Cái loại người thứ ba xen vào hôn nhân của người khác, có bị chết đường chết chợ cũng đáng! Cái Hoàng Anh làm tốt. Tốt lắm! Tôi còn ngại độc nó cho chưa đủ mạnh!
Còn cả cái thứ nghiệt chủng trong bụng nó nữa. Tôi nguyền rủa nó đẻ ra thứ súc sinh không có mắt!”
Cái nhà này ông Phước vốn đã không về từ lâu. Cả tháng nay nếu không bận rộn đi bợ đỡ quan trên thì lão đều ở nhà Tiên. Một nơi điêu tàn đổ nát thế này thử hỏi ai còn muốn về. Tiên không ân cần, nhưng luôn lặng lẽ ở bên, thể hiện sự quan tâm tuy chỉ nhỏ nhặt. Còn mụ vợ của lão thì sao? Ngoài gây sự chửi rủa thì chẳng còn chức năng nào khác! Nếu không phải hôm nay cần tạt qua nhà lấy văn kiện thì đừng mong lão ta xuất hiện ở nơi xúi quẩy này.
Lão Phước gầm lên, tát mạnh vào mặt mụ vợ.
“Câm mồm! Đồ mồm quạ đen.”
Tiếng tát tai chát chúa vang lên. Bà ta lại một lần nữa ngã lăn ra đấy. Như một phản xạ không điều kiện, bà lăn ra khóc ầm ĩ.
“Ối giời đất ơi, thằng chồng tôi nó đánh tôi! Ra đây mà xem thằng chồng phụ bạc theo nhân tình trẻ bỏ vợ bỏ con.”
Ông ta hừ lạnh, mặc kệ bà ta náo loạn, toan bước vào phòng làm việc. Mụ vợ lăn lộn ăn vạ thì cứ việc. Ông Phước còn khối việc phải lo.
Bước lên cầu thang, đột nhiên một đôi chân dài chặn trước ông ta.
Hoàng Anh mặc bộ đồ ngủ liền làm từ lông cừu cao cấp mà ông ta mua tặng trong chuyến công tác Úc hồi đầu năm nay. Nhưng giờ cô ta không còn là nàng công chúa nhỏ nữa rồi.
Mái tóc bạch kim dài ngoằng trông hơi xơ xác vì mời ngủ dậy. Đôi mắt không còn trong veo mà vẩn đục chốn hương phấn. Cằm nhọn đi, dáng vẻ trở nên cay nghiệt nhuốm mùi đời.
Quả đúng là tâm sinh tướng. Một kẻ có tâm địa xấu xa thì gương mặt có tô vẽ tới đâu cũng không thể đẹp được nữa.
Ông Phước nhìn Hoàng Anh, không nói. Một phần bởi hổ thẹn.
Ông ta hai tay dâng Hoàng Anh cho tên Hải con, rồi Long Đen, là sự thật.
Lão cần bảo vệ lấy cơ nghiệp cố công gây dựng cả đời này. Lão Phước đã phải đạp lên bao nhiêu người để có được cơ ngơi ngày hôm nay. Ông ta không thể vinh hiển nửa đời rồi về già trắng tay.
Tặc lưỡi ừ thì thất bại mà xong ư? Không. Có vô số kẻ đang chờ ông ta rớt đài. Trong suốt những năm tháng gây dựng công ty Tiến Phước lẫn phát triển việc làm ăn phi pháp, ông ta chuốc thù oán với không ít người. Chúng đang chăm chăm chờ ông ta chết để rỉa xác.
Lão ta không thể để mất địa vị này.
Ông Phước ngẩng đầu nhìn thẳng vào Hoàng Anh.
Ông ta không hối hận. Đó là bước đi phải làm. Lão Phước lạnh nhạt hỏi chuyện Hoàng Anh.
“Dạo này mày với tay Long thế nào?”
Giọng điệu hệt như trao đổi buôn bán của bố khiến lòng Hoàng Anh chua xót. Cô ta lẩm nhẩm.
“Bình thường.”
Rõ ràng là một kẻ đê hèn bán con mưu lợi, vậy mà lão có thể ra lệnh với giọng điệu trịnh trọng.
“Mày phải khôn khéo vào. Đừng để nó chán nhanh.”
Nói xong lão ta lướt qua Hoàng Anh, bước lên cầu thang. Cô ta chỉ có thể nép ra một góc nhường đường. Mẹ Hoàng Anh không còn ăn vạ lăn khóc nữa, mà đang len lén nhìn cô ta, ôm mặt khóc rưng rức.
Hoàng Anh bặm môi, ngửa đầu lên trời, hai hốc mắt đong đầy nước.
Sớm thôi, nỗi nhục này, cô ta sẽ trả lại hết.
—
Gần đây Phượng đã trải qua những chuỗi ngày vô cùng tồi tệ.
Những neuron thần kinh được anh nuông chiều mà thả lỏng, giờ lại căng tựa dây đàn. Trăng đã lên cao, khó khăn lắm Phượng mới lờ mờ đi vào giấc ngủ. Còn chưa vào giấc sâu, tiếng kêu gào đinh tai nhức óc bên ngoài khiến cô dần tỉnh khỏi mộng.
“Phượng! Con Phượng đâu rồi! Mày ra đây cho ông!”
Tiếng chửi bới gọi đích danh khiến không ai có thể thờ ơ. Cô bừng tỉnh, bật dậy. Đúng lúc ấy, chiếc điện thoại trên đầu giường sáng lên.
Thời gian vừa khớp. Khẳng định không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Lúc này đã là một giờ sáng.
Cô cầm điện thoại, đi ra phía cửa sổ. Núp ở một bên tường, qua ô cửa sổ, cô hé mắt nhìn ra cổng. Đêm về khuya nên đèn đường trong khu dân phố đã tắt. Nhưng cô vẫn nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài.
Bởi trước cổng nhà cô, một chiếc ô tô đen bật đèn pha sáng choang đỗ chình ình. Hai tên côn đồ liên tục đạp lên cổng sắt nhà cô, mồm phun ra những câu chửi rủa chói tai.
Cô nhìn xuống chiếc điện thoại đang reo lên liên hồi. Bấm nút kết nối cuộc gọi, giọng nói chói tai đã qua xử lý âm thanh vang lên.
“Tiên đang ở trong tay tao.”
Hơi thở của Phượng sững lại. Kẻ đầu dây bên kia tiếp tục đe dọa.
“Lập tức lên chiếc xe đã chờ sẵn ngoài cổng. Nếu mày dám giở trò hay báo cảnh sát, tao đạp vào bụng nó. À, báo cho mày một tin mừng. Tiên đang có bầu.”
Vừa nói xong, không để cho Phượng kịp phản ứng hay thương thảo, kẻ đó dập máy. Ngay sau đó một tấm ảnh được gửi tới điện thoại của cô.
Tiên bị dây thừng trói chặt, nằm vật dưới đất, môi nhợt nhạt không chút huyết sắc. Chị nằm im như một cái xác… Bên cạnh Tiên là một chiếc điện thoại, màn hình hiển thị cuộc gọi vừa kết nối với cô, đang bật chế độ loa ngoài. Số vừa gọi đến là của Tiên.
Tiếng mắng nhiếc thúc giục ngoài cửa ầm ĩ liên hồi khiến cô không thể bình tâm suy nghĩ.
Ánh đèn hiu hắt tạt lên mặt Phượng, trắng bệch.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT