Hoyt Lewis, nhân viên đọc công tơ cho công ty Georgia Power, đậu xe dưới một tán cây to trong con hẻm rồi ngồi ngả người ra cùng hộp đồ ăn trưa của mình. Chẳng còn gì là vui khi mở hộp, vì anh đã tự tay chuẩn bị nó. Không còn mấy mẩu thông điệp be bé nữa, cũng chẳng có món tráng miệng Twinkie bất ngờ.
Anh ăn hết được nửa phần sandwich thì một giọng nói oang oang ngay tai làm anh nhảy dựng, "Chắc là tôi đã xài hết một nghìn đô tiền điện tháng này
chứ gì?"
Lewis quay lại trông thấy ngay cửa sổ xe mình là khuôn mặt đỏ lựng của ông H.G. Parsons, đang mặc quần soóc lửng, tay cầm chổi quét sân.
“Tôi không hiểu ông nói gì cả.”
“Tôi đoán là cậu sẽ bảo rằng tôi đã xài hết một nghìn đô tiền điện tháng này. Lần này cậu nghe rõ tôi chưa?”
“Tôi không biết ông dùng hết bao nhiêu vì tôi chưa đọc công tơ nhà ông, ông Parsons ạ. Khi nào đọc xong, tôi sẽ ghi ra mảnh giấy ngay đây này.”
Ông Parsons cay cú với số điện trên hóa đơn lắm. Trước đây ông này từng than phiền với công ty điện rằng mình bị tính không đúng như lượng tiêu thụ thực.
"Tôi nắm vững những gì mình dùng lắm đấy nhé” Parsons bảo. “Tôi cũng sẽ đem những ghi chép ấy lên ủy ban Dịch vụ Công cộng nữa.”
"Ông có muốn cùng tôi đọc công tơ không? Ta ra ngay đấy và..”
“Tôi biết cách đọc chứ. Tôi nghĩ cậu cũng có thể đọc được, nếu nó không đến nỗi quá phiền phức.”
"Này ông Parsons, ông im lặng một chút nào." Lewis ra khỏi xe. “Im lặng một chút nào, bực quá. Năm ngoái ông đặt một thỏi nam châm lên công tơ nhé. Bà nhà bảo là ông đang nằm viện, nên tôi cất thỏi nam châm đi mà không nói gì. Mùa đông rồi ông lại chế mật đường lên đấy, tôi đã lập biên bản tường trình. Tôi thấy là ông đã thanh toán khi chúng tôi phạt tiền ông.”
"Hóa đơn của mấy người đội lên sau khi cậu làm mấy cái trò chạy dây gì đấy. Tôi đã hết hơi hết sức nói với cậu là: có cái gì đấy trong căn nhà kia đang chạy cạn hết nguồn điện. Thế cậu có thuê kỹ sư điện đến mà tìm cho ra không? Không đâu, cậu lại gọi đến văn phòng mà kể lể bêu xấu tôi. Tôi đang tính gài bẫy cậu đây” Lewis giận tái cả mặt.
"Tôi sẽ tìm hiểu rốt ráo chuyện này” Parsons vừa nói vừa lùi về con hẻm phía sân nhà mình. "Người ta đang kiểm tra anh đấy, anh Lewis. Tôi có thấy người kiểm tra lộ trình của anh trước rồi” ông ta đứng bên này hàng rào nói vọng ra. “Chẳng bao lâu nữa anh sẽ phải lao động như những người khác thôi.”
Lewis rồ máy xe lái ra khỏi con hẻm. Giờ thì anh sẽ phải tìm chỗ khác để ăn cho xong bữa trưa thôi. Tiếc quá. Cái cây tỏa bóng thật râm kia bao nhiêu năm nay là chỗ ăn trưa tốt biết mấy.
Nơi ấy nằm ngay sau nhà gia đình Charles Leeds.
***
5 giờ 30 chiều, Hoyt Lewis chạy xe đến quán Cloud Nine, làm vài ly bia pha rượu để giải tỏa đầu óc.
Khi gọi điện cho người vợ nay đã thành người lạ, điều anh chỉ có thể nghĩ ra mà nói là “Anh ước gì em vẫn chuẩn bị đồ ăn trưa cho anh.”
"Đáng ra hồi đó anh đã phải nghĩ đến chuyện này chứ, ông Lỏi” cô ấy đáp rồi cúp máy.
Anh chơi một ván shuffle-board tẻ ngắt với mấy tay thợ chạy dây điện và cậu điều vận cùng công ty Georgia Power rồi nhìn khắp đám đông. Nhân viên hãng hàng không mắc dịch đã bắt đầu túa vào quán. Tất cả đều để hàm ria con kiến be bé và đeo nhẫn ngón út. Chẳng bao lâu nữa người ra sẽ phải sửa chữa thứ tiếng Anh trong quán Cloud Nine bằng một bảng phi tiêu chết tiệt thôi. Ta không thể trông chờ vào hư vô được.
"Ê Hoyt. Tôi mời cậu chai bia nhé." Là Billy Meeks, quản lý của Lewis.
“Này Billy, tôi cần nói chuyện với anh.”
“Gì thế?”
“Anh biết cái thằng già khốn nạn Parsons cứ gọi điện đến công ty mình mãi đấy không?”
"Thật tình, mới gọi tôi tuần trước này," Meeks đáp. “Lão lại có chuyện gì à?”
“Lão bảo có ai đó đang đọc công tơ trước khi tôi đọc, như là hình như có ai đấy nghĩ tôi không đi ghi đủ số hộ cần ghi. Anh không nghĩ là tôi ngồi nhà mà ghi số công tơ đấy chứ hả?”
“Không hề.”
“Anh không nghĩ như thế, đúng không? Ý tôi là, nếu tôi bị kẻ nào cho vào danh sách đen thì tôi muốn kẻ ấy cứ ra mặt nói thẳng.”
“Nếu cậu nằm trong danh sách đen của tôi, cậu nghĩ tôi sẽ sợ không dám nói thẳng vào mặt cậu à?”
“Không.”
“Thì đấy. Nếu có ai đang kiểm ra xem cậu có đi đủ tuyến không thì tôi sẽ biết ngay. Điều hành bên cậu luôn biết được tình huống như thế. Không có ai đang kiểm tra cậu đâu, Hoyt à. Mà để tâm đến cái tay Parsons ấy làm gì cơ chứ, lão ta vừa già vừa lẩm cẩm ấy mà. Tuần trước lão gọi tôi mà bảo, “Chúc mừng vì đã chịu khôn ra với tay Hoyt Lewis ấy nhé. Tôi chẳng buồn quan tâm.”
"Uớc gì hồi lão phá công tơ lần trước chúng ta đưa lão ta ra pháp luật luôn” Lewis bảo. “Hôm nay tôi vừa mới cho xe vào con hẻm dưới bóng cây để định ăn trưa thì lão làm tôi thót cả tim. Lão này phải được đá đít cho phát.”
“Thời tôi phải đi ghi điện tôi cũng hay nghỉ trưa nơi ấy,”
Meeks bảo. “Trời ạ, có lần tôi trông thấy bà Leeds - ừ thì đề cập đến bà ấy lúc này có vẻ như không được đàng hoàng cho lắm vì bà ấy đã chết rồi - nhưng một đôi lần bà ấy có ra ngoài sân sau nhà để phơi nắng trong bộ đồ bơi. Chu choa. Cái bụng dưới xinh xinh dễ thương vô cùng. Chuyện về gia đình họ thật tội quá. Bà ấy tử tế lắm.”
“Có ai bị bắt chưa?”
“Chưa.”
"Tiếc quá, tên này chọn gia đình Leeds trong khi lão Parsons kia lại ở ngay cuối phố chứ mấy," Lewis nhận xét.
“Nói thật với cậu, tôi không để cho mụ già nhà tôi mặc đồ bơi nằm ườn phơi nắng ngoài sân đâu. Bà ấy hay bảo Trời đất Billy, ai thèm nhìn tôi chứ?” Tôi bảo bà ấy, này bà, mình không thể biết được có cái thứ khốn nạn điên khùng nào đấy sắp nhảy qua hàng rào với củ lẳng phơi cả ra ngoài đâu nhé. Cảnh sát có nói chuyện với cậu chưa? Hỏi cậu có từng thấy ai không đấy?”
"Rồi, tôi nghĩ cảnh sát đã hỏi tất tần tật những người ở đoạn đường đó. Mấy người đưa thư, hỏi hết. Nhưng mà cả tuần ấy tôi đang làm việc ở khu Laurelwood mé bên kia đường Betty Jane." Lewis khều khều nhãn chai bia. “Anh bảo tuần trước Parsons có gọi anh à?”
“Ừ.”
“Vậy thì hẳn là lão ta đã nhìn thấy ai đấy đọc công tơ của lão. Nếu lão mới chỉ dựng chuyện lên hôm nay để chọc tôi thôi thì hẳn lão đã không gọi rồi. Anh thì bảo anh không phải ai đi, và chắc chắn người lão ấy thấy không phải là tôi.”
“Có thể là công ty Southeastem Bell đang kiểm tra gì đấy.”
“Cũng có thể.”
“Nhưng chúng ta đâu có dùng chung trụ điện ở khu vực đó đâu.”
“Anh nghĩ tôi có nên gọi cho cảnh sát không?”
"Cũng đâu có hại gì," Meeks đáp.
“Có chứ, biết đâu lại làm Parsons quắn lên khi phải nói chuyện với luật pháp ấy. Khi cảnh sát chạy xe đến thì lão sẽ sợ vãi cả quần cho xem.”
Graham quay trở lại nhà gia đình Leeds vào chiều muộn. Anh vào nhà qua cửa trước và cố không nhìn vào đống tan hoang mà tên sát nhân đã để lại. Tính đến giờ thì anh đã xem qua hồ sơ, bãi giết chóc và thịt - toàn cảnh hậu quả. Anh biết được kha khá gia đình này đã chết thế nào. Còn chuyện họ từng sống thế nào thì hôm nay, anh sẽ nghĩ đến.
Khảo sát qua vậy. Ga ra cất một chiếc thuyền trượt tuyết xịn, được sử dụng thường xuyên và bảo dưỡng kỹ càng, cùng một chiếc xe bảy chỗ. Còn có cả gậy đánh gôn và xe đạp leo núi. Mớ dụng cụ chạy bằng điện hầu như không được đụng đến. Đồ chơi của người lớn.
Graham lôi một gậy từ túi gôn ra rồi nắm chắc cây gậy dài, thực hiện một cú vụt vặn người. Túi gậy phả mùi da thuộc vào anh khi anh tựa túi vào tường. Đồ của Charles Leeds.
Graham theo dấu Charles Leeds xuyên khắp căn nhà. Ảnh đi săn của ông này treo trong phòng làm việc. Bộ Những Tác phẩm Vĩ đại của ông nằm nguyên một dãy. Các tạp chí thường niên đại học Sewanee. H. Allen Smith, Perelman và Max Shulman trên kệ sách. Vonnegut và Evelyn Waugh. Cuốn Tiếng trống trận của c.s. Forrester nằm mở trên bàn.
Trong tủ chìm của phòng làm việc là khẩu súng săn thể thao loại tốt, máy ảnh hiệu Nikon, máy quay hiệu Bolex Super Eight và đầu chiếu.
Graham, gần như chẳng sở hữu thứ gì ngoài mấy dụng cụ câu cá cơ bản, một chiếc Volkswagen đã qua hai đời chủ, hai hộp rượu vang Montrachet, cảm thấy hơi chút oán hờn mấy món đồ chơi người lớn này và thắc mắc vì sao.
Ông Leeds là ai? Một luật sư thuế thành đạt, cầu thủ bóng bầu dục của trường Sewanee, một người đàn ông dong dỏng, thích cười vui, một người đã vùng dậy kháng cự với cổ họng bị cứa đứt.
Graham theo dấu ông Leeds khắp căn nhà vì một cảm giác nghĩa vụ bắt buộc kỳ quái. Tìm hiểu về ông này trước là cách để xin phép được nhìn đến vợ ông ta.
Graham cảm giác rằng vợ ông Leeds là người đã lôi kéo tên quái vật đến, chắc chắn như chuyện một con dế véo von thu hút cái chết từ con ruồi mắt đỏ.
Rồi, đến lượt bà Leeds.
Bà có một phòng thay quần áo nho nhỏ ở lầu trên. Graham xoay xở lên đến phòng này mà không phải nhìn quanh phòng ngủ. Căn phòng màu vàng trông có vẻ không bị xáo trộn gì trừ tấm gương bị đập nát trên bàn phấn. Một đôi giày da đanh hiệu L.L. Bean nằm trên sàn trước tủ chìm, như thể bà Leeds mới thả chân ra khỏi đấy. Chiếc áo khoác ngủ của bà trông như từng được treo trên kẹp áo, còn tủ áo cho thấy chút lộn xộn của một người phụ nữ có quá nhiều tủ quần áo khác cần được sắp xếp.
Cuốn nhật ký của bà Leeds đặt trong chiếc hộp nhung màu mận chín trên bàn phấn. Chìa khóa hộp được dán băng dính vào nắp cùng với nhãn dán đã kiểm tra từ phòng quản lý tài sản của cảnh sát.
Graham ngồi lên chiếc ghế trắng mảnh khảnh rồi lật ngẫu nhiên một trang nhật ký:
Ngày 23 tháng Mười hai, thứ Ba, nhà mẹ. Đám trẻ còn đang ngủ. Khi mẹ cho lợp kính hàng hiên phơi nắng, mình ghét cái cách nó làm thay đổi bề ngoài ngôi nhà, nhưng nó lại rất dễ chịu và mình có thể ngồi đây ấm áp nhìn ra ngoài ngắm tuyết. Mẹ có thể quản được một căn nhà chen chúc các cháu được mấy mùa Giáng sinh nữa nhỉ? Hy vọng là còn nhiều.
Một chuyến chạy xe mệt nhoài từ Atlanta lên hôm qua, trời đổ tuyết sau khi qua khỏi Raleigh. Bọn mình phải chạy rì rì. Dẫu sao thì mình cũng đã quá mệt vì trước đó đã phải chuẩn bị cho mọi người. Qua khỏi đồi Chapei, Charlie dừng xe đi ra ngoài. Anh đập lấy chút băng trên cành cây để pha cho mình ly martini. Anh quay lại xe, chân dài nhấc cao khỏi mặt tuyết, trên tóc trên mi anh vương chút tuyết làm mình nhớ ra mình yêu anh chàng này. Cảm giác như là có gì đấy vỡ ra hơi nhói đau lên rồi tràn qua ấm áp.
Hy vọng chiếc áo khoác vừa người anh. Nếu anh mà mua cho mình cái nhẫn đính đá lòe loẹt ấy thì mình chết mất. Mình có thể đá thẳng vào cái mông đầy mỡ rạn của Madelyn vì tội khoe khoang nhẫn và cư xử dở hơi. Bốn viên kim cương to đến lố bịch có màu như băng bẩn. Mảnh băng trong ly trong thật là trong. Ánh mặt trời rọi xuyên qua của sổ xe và tại nơi mảnh băng bị bể, ánh mặt trời đâm ra khỏi ly thủy tinh tạo thành một lăng kính vạn hoa be bé. Nó tạo thành một đốm đỏ và xanh lục trên bàn tay đang cầm ly của mình. Mình có thể cảm nhận được sắc màu trên bàn tay.
Anh hỏi Giáng sinh này mình muốn quà gì và mình khum hai tay quanh tai anh ấy mà thì thầm: Cái của nợ to tướng của mình ấy, ngốc ạ, vào sâu thật là sâu.
Mảng hói phía sau đầu anh đã lựng lên. Anh lúc nào cũng sợ đám nhỏ sẽ nghe thấy. Đàn ông chẳng có tự tin gì vào việc thì thầm cả.
Trang giấy lốm đốm tàn xì gà của viên thanh tra.
Graham mải miết đọc tiếp cho đến khi ánh sáng lụi dần, đọc qua đoạn cắt a mi đan của cô con gái, rồi một lần hoảng loạn vào tháng Sáu khi bà Leeds phát hiện ra một khối u nhỏ trên ngực. (Lạy Chúa, mấy đứa trẻ còn quá nhỏ.)
Ba trang sau thì khối u đó chỉ là một cái nang nhỏ lành tính, cắt bỏ dễ dàng.
Bác sĩ Janovich cho mình ra viện chiều nay. Bọn mình rời khỏi bệnh viện và lái xe ra hồ. Đã lâu lắm bọn mình không ra đấy. Dường như chẳng khi nào có đủ thời gian cả. Charlie mang theo hai chai sâm panh ướp đá, thế là chúng mình vừa uống vừa cho mấy con vịt ăn trong lúc mặt trời lặn. Anh đứng ngay mép nước một đỗi, lưng quay về phía mình và mình nghĩ anh có khóc một chút.
Susan bảo nó sợ bọn mình từ bệnh viện về mang theo thêm một thằng em trai nữa cho nó. Về nhà rồi!
Graham nghe thấy điện thoại trong phòng ngủ reng lên. Một tiếng cách rồi tiếng rì rì của máy trả lời tự động. “Chào, Valerie Leeds đây. Xin lỗi tôi không bốc máy ngay lúc này được, nhưng nếu bạn để lại tên cùng số điện thoại ngay sau tín hiệu, chúng tôi sẽ gọi lại cho bạn. Cảm ơn.”
Graham chừng như mong đợi nghe thấy giọng Crawford sau tiếng bíp, nhưng chỉ có tiếng đường dây bận. Người gọi đã gác máy.
Anh đã nghe thấy giọng bà Leeds; giờ thì anh muốn nhìn thấy bà ta. Anh đi xuống phòng làm việc.
Trong túi anh là cuộn phim Super Eight của Charles Leeds. Ba tuần trước khi chết, ông Leeds đã để cuộn phim cho dược sĩ để người này gửi đi tráng. Ông ta không hề đến lấy lại. Cảnh sát tìm thấy biên nhận trong ví của ông Leeds nên đã thu hồi cuộn phim từ tay dược sĩ. Các điều tra viên đã xem qua cuộn phim cùng ảnh chụp gia đình được in rửa cùng lúc mà không tìm thấy gì đáng chú ý.
Graham muốn nhìn thấy gia đình Leeds khi còn sống. Tại đồn cảnh sát, các thanh tra đã cho anh mượn máy chiếu. Anh lại muốn xem phim đấy tại căn nhà này kia. Phía cảnh sát miễn cưỡng để anh đem phim ra khỏi kho lưu giữ tài sản.
Graham tìm thấy màn hình cùng máy chiếu trong tủ phòng làm việc, anh lắp máy, đoạn ngồi xuống chiếc ghế bành lớn bằng da thuộc của Charles Leeds mà xem. Anh thấy thứ gì đó dinh dính trên tay ghế dưới lòng bàn tay mình - mấy dấu tay con nít dính dính bị bụi vải phủ xơ ra. Bàn tay Graham có mùi như kẹo.
Cuộn băng là đoạn phim câm ngắn dễ chịu về gia đình, giàu trí tưởng tượng hơn hầu hết các phim cùng loại. Phim mở đầu là con chó, giống Scotty lông xám, đang nằm ngủ trên thảm phòng làm việc. Con chó chợt bị quy trình quay phim quấy rầy nên nó ngóc đầu lên nhìn vào ống kính. Rồi lại nằm xuống ngủ tiếp. Một cảnh cắt đột ngột sang cảnh con chó vẫn đang ngủ. Rồi hai tai Scotty vểnh lên. Nó đứng dậy sủa, máy quay theo chân nó vào bếp khi nó chạy ra cửa đứng ngóng, vừa run mình vừa ve vẩy mẩu đuôi ngắn ngủn.
Graham cũng cắn môi chờ đợi. Trên màn hình, cửa mở ra và bà Leeds bước vào xách theo thực phẩm mua về. Bà chớp chớp mắt rồi phá lên cười vì bất ngờ rồi đưa tay kia lên vuốt mớ tóc rối. Môi bà mấp máy khi bà bước ra khỏi khung hình, và mấy đứa nhỏ bước vào nhà theo sau bà mang theo những túi nhỏ hơn. Bé gái sáu tuổi, hai bé trai tám và mười tuổi.
Bé trai nhỏ tuổi hơn, rõ ràng là đã quá lão luyện với việc quay phim gia đình, chỉ tay vào hai tai mình rồi ve vẩy. Ống kính máy quay được cầm khá cao. Ông Leeds cao một mét chín, theo như trong báo cáo của bác sĩ pháp y.
Graham tin là phần phim này hẳn phải được quay hồi đầu xuân. Đám trẻ con vẫn mặc áo gió còn bà Leeds trông trắng xanh. Trong nhà xác thì bà ấy mang làn da rám nắng đều trừ vết trắng ở những chỗ mặc đồ tắm.
Vài cảnh quay ngắn theo chân hai bé trai chơi bóng bàn dưới tầng hầm còn bé gái Susan thì đang gói quà trong phòng mình, lưỡi cong lên môi trên vì tập trung cao độ, một lọn tóc xõa xuống trán. Cô bé đưa bàn tay mũm mĩm lên vén tóc, như mẹ mình đã làm trong bếp.
Cảnh tiếp theo chiếu Susan trong bồn tắm đầy bọt, ngồi xổm như con ếch con. Cô bé đội một chiếc nón bọc tóc to tướng. Ống kính máy quay lần này thấp hơn và tiêu điểm không được ổn định cho lắm, rõ ràng đây là tác phẩm của cậu anh trai. Cảnh này kết thúc khi bé Susan gào lên không tiếng vào máy quay rồi đưa tay che lấy bộ ngực bé gái sáu tuổi khi chiếc nón che tóc trượt xuống chắn lấy mắt bé.
Không chịu kém miếng, ông Leeds cũng gây bất ngờ cho bà Leeds trong phòng tắm. Màn che bồn tắm phập phồng như tấm màn sân khấu trước buổi trình diễn của trường mẫu giáo. Một cánh tay bà Leeds thò ra quanh màn. Trong tay bà là miếng bọt biển thật to. Cảnh khép lại khi ống kính phủ nhòa bọt xà phòng.
Cuộn phim kết thúc với cảnh Norman Vincent Peale nói trên ti vi và ống kính lia về phía Charles Leeds đang ngáy o o trên chiếc ghế mà lúc này Graham đang ngồi.
Graham nhìn chăm chăm vào vuông ánh sáng trống trơn trên màn hình. Anh thích gia đình Leeds này. Anh thấy hối hận vì mình đã đến nhà xác. Anh nghĩ tên điên đến thăm mấy người này hẳn cũng thích họ. Nhưng chắc hắn thích họ như lúc này hơn.
***
Đầu óc Graham đầy đặc và ngu ngơ. Anh bơi trong bể bơi khách sạn cho đến khi hai chân nhũn cả ra, rồi ra khỏi bể trong lúc nghĩ đến hai thứ đồng thời - một ly martini Tanqueray và vị ngọt môi Molly.
Anh tự mình rót martini ra chiếc cốc nhựa rồi gọi điện thoại cho Molly.
"Chào em xinh tươi”
“Chào cưng! Anh đang ở đâu thế?”
“Trong cái khách sạn chết tiệt này ở Atlanta.”
“Có đang làm gì hay ho không thế?”
“Chẳng có gì đáng kể. Anh có một mình.”
“Em cũng vậy.”
“Đang hứng.”
“Em cũng vậy.”
“Kể anh nghe chuyện em đi.”
“À, hôm nay em đụng độ với bà Holper. Bà ta muốn trả lại cái váy mà phần mông lại dính một vết whisky to tướng. Thật chứ, rõ là bà ta đã mặc váy đi tiệc nhà Jaycee rồi.”
“Thế em đã nói gì nào?”
“Em bảo bà ta là cái váy lúc em bán cho bà ấy không như thế.”
“Và bà ta nói sao?”
“Bà ta bảo là trước nay chưa có vấn đề gì với việc trả lại đồ cả, đấy là lý do bà ta hay mua đồ ở chỗ em chứ không phải ở những chỗ khác bà ta biết.”
“Rồi em nói sao?”
“Ồ, em nói em đang bực mình vì Will nói chuyện điện thoại cà chớn quá.”
“Hiểu rồi.”
“Willy ổn cả. Thằng bé đang đem phủ mấy quả trứng rùa mà đám chó đào lên. Kể em nghe anh đang làm gì nào.”
“Đang đọc báo cáo. Ăn đồ ăn độc hại.”
“Suy nghĩ lung lắm chứ gì, em đoán thế.”
“Phải.”
“Em giúp cho anh nhé?”
“Anh không thông suốt hết mọi nhẽ, Molly à. Không có đủ thông tin. Ừ thì nhiều thông tin lắm, nhưng anh chưa xử lý hết được.”
“Anh sẽ ở lại Atlanta một thời gian phải không? Em không phải đang lèo nhèo đòi anh về nhà đâu, chỉ hỏi cho biết thôi.”
“Anh không biết. Anh sẽ nán lại đây vài ngày là ít. Anh nhớ em.”
“Muốn nói chuyện làm tình không?”
“Anh nghĩ anh chịu không nổi đâu. Anh nghĩ tốt hơn mình đừng nói.”
“Đừng nói gì?”
“Nói về chuyện làm tình ấy.”
“Được thôi. Nhưng mà nếu em có nghĩ đến chuyện ấy thì anh cũng không phiền gì phải không?”
“Tất nhiên rồi.”
"Bọn mình có thêm con chó mới đấy”
“Trời đất ơi."
“Trông như là giống lai giữa chó săn basset và chó Bắc Kinh vậy.”
“Hay nhỉ.”
“Dái nó to lắm!”
“Để ý đến dái nó làm gì.”
"Gần như là xệ sát đất ấy. Khi chạy nó phải thụt dái vào".
"Không thể nào." “Được mà. Anh chẳng biết gì cả.”
“Có, anh có biết chứ.”
“Anh có thụt vào được không?”
“Anh nghĩ thế nào bọn mình cũng nói đến chuyện này.”
“Sao hả?”
“Nếu em muốn biết thật, anh từng thụt dái lại một lần.”
“Khi nào thế?”
“Lúc còn trẻ ấy mà. Anh phải nhanh chân phóc qua một hàng rào dây kẽm gai.”
“Sao vậy?”
“Anh đang ôm trái dưa hấu không phải do anh trồng.”
“Anh đang bỏ chạy hả? Chạy khỏi ai thế?”
“Một tay chăn lợn ngườỉ quen ấy mà. Được đám chó báo động cho, ông ta mặc quần lót phóng ra khỏi chòi, tay vung vẩy khẩu súng bắn chim. May là ông ta vấp phải giàn đậu leo nên anh có cơ hội bỏ chạy xa.”
“Ông ta có bắn anh không?”
“Lúc đó thì anh nghĩ là có, có bắn thật. Nhưng mấy tiếng nổ anh nghe thấy chắc có lẽ là từ mông anh phát ra thôi. Anh chẳng bao giờ biết rõ về chuyện này.”
“Anh có nhảy qua hàng rào không?”
“Gọn gàng.”
“Một đầu óc tội phạm, thậm chí là ở cỡ tuổi ấy.”
“Anh đâu có đầu óc tội phạm đâu.”
“Tất nhiên là không rồi. Em đang nghĩ đến việc sơn bếp. Anh thích màu gì? Will ơi? Anh thích màu gì? Anh có đấy không thế?”
“Có, ừm, màu vàng. Ta sơn màu vàng đi.”
“Màu vàng không hợp với em rồi. Ngồi ăn sáng trông em sẽ xanh mét.”
“Vậy màu xanh da trời vậy.”
“Da trời thì lạnh lẽo quá.”
“Trời ơi là trời, cứ sơn màu vàng cứt su đi anh chẳng quan tâm đâu... Thôi, em này, chắc chắn anh sẽ sớm về nhà rồi chúng ta sẽ ra hiệu sơn mua mấy thứ lặt vặt, nhé? Với lại có lẽ là thêm mấy cái tay nắm cửa mới nữa.”
“Ta làm thế đi, mua mấy cái tay nắm cửa. Em không biết sao mình lại đang nói về chuyện này nữa. Anh à, em yêu anh, em nhớ anh và anh đang làm chuyện đúng đắn. Làm vậy cũng khiến anh hao tổn mọi bề nữa, em biết mà. Em ở nơi này và sẽ luôn ở đây bất cứ khi nào anh về nhà, hoặc em sẽ đến gặp anh ở mọi nơi, mọi lúc. Có vậy thôi.”
“Ôi Molly, Molly. Em đi ngủ đi.”