Bạch Nguyệt Quý gật đầu, đáp: “Đúng là tốn không ít, nhưng cũng không có cách nào. Em không làm việc, anh ấy cũng chỉ làm vài việc qua loa, không mua thì phải ngáp gió Tây Bắc rồi.”
“Em khuyên Chu Dã, nếu chỉ ngồi ăn thì núi cũng lở. Đồ tốt trên núi liệu có thể gặp được hàng năm hay không? Dù có bán được chút tiền cũng không thể chịu nổi đà này, người khác chia tiền thì các em xài tiền. Ngày này qua ngày khác không phải là chuyện một sớm một chiều, phải nghĩ nhiều cho sau này. Em cũng sắp sinh con rồi, mà không phải chỉ sinh một đứa, sau này còn phải sinh nữa. Em xem nhà chị, chỉ có hai thằng con trai mà chị đã thấy áp lực trên vai không nhỏ, mỗi ngày hai cái miệng ầm ĩ đòi ăn, bao nhiêu cũng không đủ cho tụi nó ăn. Bây giờ tụi nó còn nhỏ, sau này lớn lên thì sao? Như nhà anh cả chị, ba thằng con trai, ăn xong chưa được bao lâu lại kêu đói, giống như cái hố sâu không đáy.”
Năm nay gia đình chị Lý và Lý Phong Thu chỉ được chia hơn hai mươi đồng. Chị Lý đã cất giữ hết số tiền đó, vì chi phí sinh hoạt năm sau đều ở đây, từng đồng một đều được tính toán cẩn thận.
Đương nhiên Bạch Nguyệt Quý nghe rất lọt tai, chị ấy cũng là thật lòng mới có thể nói những chuyện kinh nghiệm sống này với cô.
Cô cười nói: “Em đã nói với anh ấy rằng năm sau anh ấy phải ra đồng làm việc để kiếm công điểm. Nếu không em và con sẽ không sống cùng anh ấy nữa.”
“Em cũng không cần phải nói những lời như vậy. Chu Dã còn trẻ, sức khỏe cũng tốt. Chỉ cần cậu ấy làm việc chăm chỉ thì không sợ không nuôi nổi em và con.” Chị Lý cười.
Bạch Nguyệt Quý hỏi: “Em nghe Chu Dã nói, năm nay đội sẽ nuôi lợn?”
“Ừ, đã bế về rồi, năm con. Trước đây thật là không dám nghĩ tới, hai năm nay chúng ta thu hoạch tốt, đội trưởng đã quyết định như vậy!” Chị Lý rất vui khi nói về điều này, chị ấy cũng cảm thấy vinh dự: “Đại đội có điều kiện nuôi lợn cũng không nhiều. Ở quê chị không có khả năng này. Còn những đại đội xung quanh, chị biết chỉ có hai đội nuôi, năm nay tính cả chúng ta thì có lẽ có ba đội.”
“Phải nuôi bao lâu thì mới xuất chuồng được?”
Chị Lý cũng không có kinh nghiệm về chuyện này nên đáp: “Chị nghe nói nếu nhanh thì sang năm vào thời điểm này là được rồi. Nhưng phải có đủ thức ăn mới được. À, năm sau em có thể đi nhổ cỏ cho lợn.”
“Được mấy công điểm?” Bạch Nguyệt Quý hỏi.
“Hai.” Chị Lý nói: “Công việc này nhẹ nhàng, chỉ dành cho người già và trẻ em. Em đang mang thai không tiện làm việc khác, nhưng nhổ cỏ cho lợn thì được. Sau này sinh con rồi cũng có thể vừa chăm con vừa nhổ cỏ cho lợn để kiếm thêm thu nhập trang trải chi tiêu gia đình.”
Sống độc lập cũng có điểm không tốt, không có người giúp đỡ, việc gì cũng phải do hai vợ chồng tự làm, con cái phải tự chăm sóc, như vậy sẽ thiếu đi một lao động.
Bạch Nguyệt Quý gật đầu, hai công điểm chắc chắn là không nhiều, nhưng để trang trải chi tiêu gia đình thì vẫn ổn.
Chưng 17: Đặng Tường Kiệt
Chị Lý ở lại khoảng một tiếng thì về. Bạch Nguyệt Quý đưa cho chị ấy mấy hạt dẻ và quả chà là mà cô hái được: “Không phải cho chị đâu, là cho Mãn Thương và Mãn Khố ăn.”
“Cho tụi nó ăn làm gì, hai thằng nhóc thối đó.” Chị Lý cười nhưng cũng không từ chối.
Sau khi Chị Lý đi rồi, Bạch Nguyệt Quý ngâm bột ngô, tối nay sẽ nấu cháo bột ngô.
Bây giờ trời lạnh rồi, ở đây chỉ ăn hai bữa một ngày, vì không làm việc thì không kiếm được công điểm, chắc chắn phải thắt lưng buộc bụng mới sống được.
Tuy nhiên, Bạch Nguyệt Quý vẫn phải ăn ba bữa một ngày. Buổi sáng cô đều phải dậy ăn, vốn định ngủ nướng nhưng không được, bụng cứ đói cồn cào.
Như Chu Dã, anh chỉ ăn hai bữa một ngày, sáng anh nấu cơm cho cô ăn, sau đó sẽ ăn sáng lúc mười giờ, chiều bốn giờ ăn tối, một ngày hai bữa.
Bạch Nguyệt Quý nói với anh rồi nhưng anh nói ai cũng như vậy, ở trong thôn cũng sống theo kiểu này.
Nhưng Bạch Nguyệt Quý không nỡ.
Cô suy nghĩ một chút, cuối cùng lấy bút và giấy ra, bắt đầu viết sách, cô định gửi bản thảo cho tòa soạn báo xem thử.
Bạch Nguyệt Quý thực sự không làm được công việc đồng áng, nhưng khả năng viết lách của cô rất khá. Nếu có thể được tòa soạn báo chú ý, nói không chừng đây có thể trở thành nền tảng cho cô đứng vững trong thời đại này.
Tất nhiên, gửi bài cũng không dễ dàng như vậy, phải viết thật tốt, loại bỏ mọi điều nhạy cảm. Nếu không thì đừng nói đến việc kiếm nhuận bút, còn có thể tự dính vào rắc rối.
Bạch Nguyệt Quý bắt đầu viết say sưa.
Ở chỗ đội thanh niên trí thức.
Một nhóm thanh niên trí thức đang quây quần bên nhau nướng khoai lang, đồng thời hỏi thăm tình hình bên ngoài từ Đặng Tường Kiệt vừa đi diễn thuyết từ bên ngoài về.
Năm nay, bài báo của Đặng Tường Kiệt đã được đăng trên báo thành phố, thể hiện tư tưởng tiến bộ, vì vậy đã được truyền đạt từ cấp này đến cấp khác. Đặng Tường Kiệt không chỉ được khen thưởng nhiều mà còn được chủ nhiệm công xã chỉ định đại diện công xã đi diễn thuyết ở các công xã khác.
Bây giờ bài diễn thuyết cũng đã kết thúc, hơn nữa tuyết cũng rơi rồi, đương nhiên là anh ta phải trở về.
Tuy nhiên, không cần phải nói về vẻ mặt đầy khí thế của Đặng Tường Kiệt. Các thanh niên trí thức lớn tuổi hơn như Đổng Kiến và một số người khác, cũng như Trần Tùng và những thanh niên trí thức cùng một lứa với Đặng Tường Kiệt, đều tụ tập lại để hỏi thăm những gì anh ta gặp được khi ra ngoài diễn thuyết lần này.
Đặng Tường Kiệt cũng không hề keo kiệt, vừa cười vừa kể về những chuyện bên ngoài:
“Mấy ngày nay tôi đi rất nhiều nơi, cũng đã thấy nhiều điều, càng thấy đại đội Ngưu Mông của chúng ta không tệ. Những rối ren mà các đội khác có thì chúng ta không có.”
“Trước đây tôi thấy đại đội Ngưu Mông rất nghèo. Nhưng khi tôi ra ngoài rồi mới biết, cả khu vực này đều rất nghèo. Thậm chí có những công xã còn nghèo đến mức không đủ ăn, chứ đừng nói đến việc ban đầu nói sẽ mở nhà máy gì đó, hoàn toàn không có điều kiện đó.”
“Cũng không có các nghề phụ khác có thể phát triển, kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy lần này tôi trở về định nộp đơn lên công xã, xem có thể thương lượng lại với lãnh đạo huyện không. Nếu được thì cũng phải phát triển một số nghề phụ.”
“...”
Khi anh ta nói, anh ta vừa toát ra một cảm giác yêu nước thương dân sâu đậm vừa lại rất cảm động lòng người.
Cuối cùng, Đặng Tường Kiệt nói: “Mặc dù khu vực này của chúng ta rất nghèo nhưng chỉ cần chúng ta nỗ lực xây dựng, chắc chắn sẽ dẫn dắt các xã viên có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là mục đích ban đầu của chúng ta khi đến nông thôn. Không biết mọi người có lời khuyên gì hay không? Nhân cơ hội này, có thể đề cập đến một chút, tôi sẽ báo cáo lên.”
Trần Tùng và những người khác nhìn nhau, lắc đầu. Họ có thể có lời khuyên gì, đều là những người sống qua ngày. Ý chí ban đầu? Không biết đã sớm bị mài mòn đến đâu rồi.