Đêm văn nghệ vẫn rộn ràng như những năm trước, mình được trang điểm và mặc trang phục từ chiều. Mái tóc hay cột đuôi ngựa giờ lại được búi thấp, đầu đội một cái mấn đính vài hạt cườm nhỏ, chiếc yếm đào lụa mỏng manh màu đỏ tươi, thêu một đóa hoa sen nở rộ ôm lấy nửa người phía trên của mình, để lộ tấm lưng trần. Chiếc váy đụp dài che hết đôi chân to như cái cột đình, nên phần nào giúp một đứa con gái như mình tự tin hơn.
Mấy đứa biết trang điểm giúp mình thay đổi diện mạo, đánh chút phấn mắt, má hồng, thoa thêm sắc son. Mình bỗng dưng không nhận ra đứa con gái trong gương. Cũng có lúc mình đẹp thế sao? Vòng nào cũng ra vòng nấy đấy chứ, biết đâu sau hôm nay lại có khối anh mê, nhưng mà ăn bận có hơi "thiếu vải" nên mình chần chữ mãi không dám ra ngoài.
Nhỏ Nhung bị trang điểm đen nhẻm đi, cái hàm răng giả vàng khè, còn hô hẳn ra ngoài, thêm cái mụn ruồi ngay gần miệng trông xấu đau đớn, mặc thêm bộ đồ yếm màu nâu vừa bẩn vừa nhàu, hợp Thị Nở đến mức tưởng chừng xé sách bước ra. Chí Phèo của thằng Nhân cũng không kém cạnh, họa cái mặt trông như già đi chục tuổi, vừa đen vừa bẩn, râu mọc lổm chổm, thêm cái vết sẹo kéo dài ngay bên mắt trái nữa.
Vì tiết mục của tụi mình ở gần cuối nên vẫn có thể thong thả ở trong lớp, mình đứng nhìn Nhật Hưng và Trúc Quỳnh cùng song hành mở đầu cho đêm hội âm nhạc 20/11 qua khe cửa sổ.
Vị trí ấy, mình cứ tưởng sẽ thuộc về bản thân nhưng rốt cuộc vẫn là không phải. Có chăng là do mình quá ảo tưởng không nhỉ, để rồi hiện thực tàn khốc khiến mình hiểu thế nào mới là xứng đôi?
Chỉ vì một số hành động bất chợt ấy mình lại tưởng bở Nhật Hưng cũng có tình ý với mình, ngu ngốc thật chứ!
Mình ghét nhìn thấy cảnh này nhưng vẫn giương thật to đôi mắt nhìn kĩ đôi nam nữ đang tỏa sáng trên sân khấu.
Năm ngoái, một nam một nữ cùng nhau biểu diễn văn nghệ, người con gái thanh thoát cất giọng hát, người con trai dịu dàng đánh đàn.
Năm nay, cả hai cùng nhau đại diện cho trường để dẫn những ca khúc, tiết mục. Vẫn là người con gái trong bộ áo dài trắng thướt tha cùng chiếc mấn đội đầu màu trắng ngọc trai, người con trai cao ráo khoác trên mình áo dài nam cách tân Đông Hồ, họ đẹp đôi đến mức khiến lòng mình ngứa ngáy, khó chịu như bị kiến cắn.
Giờ mình mới thấm thía câu nói "hóa ra cảm giác đầu tiên khi biết yêu là tự ti".
Mãi đến khi còn 15 phút, mình mới lấy lại tinh thần.
Không việc gì phải buồn, không thích thằng này thì thích thằng khác. Rồi sẽ có ngày, mình hết thích Phạm Gia Nhật Hưng.
Mình bước ra khỏi lớp, bọn lớp 12 Toán réo lên ồ ạt:
- Trời ơi, phải lớp phó học tập của 11 Toán hông vậy?
- Eo ôi, mợ ba xinh thế này, Chí Phèo cũng phải mê thôi.
- Hân ơi, tao đứng đây từ chiều nè.
- Kiểu này thằng ất ơ kia mất vợ chắc rồi, ai bảo không ở lớp chạy đi với em khác!
Mình cười ngượng ngùng, không phải nhân vật chính mà được mọi người để ý quá thành ra ngại đến đỏ cả mặt.
- Như Aleksandr Solzhenitsyn đã từng nói: "Văn chương trở thành ký ức sống động của một quốc gia", văn học Việt Nam cũng từng chứng kiến một tác phẩm Chí Phèo quá đỗi tuyệt vời đến từ nhà văn Nam Cao. Một Chí Phèo tưởng chừng độc ác, xấu xa hóa ra lại mang trái tim nhân đạo và ao ước được làm người đến thế, hóa ra tình người lại thiêng liêng và quý giá đến thế. Và không để các bạn chờ lâu, tiếp theo sau đây xin mời mọi người thưởng thức vở kịch Chí Phèo của lớp 11 Toán.
Cảnh đầu của vở kịch là hình ảnh Chí Phèo đứng trước nhà Bá Kiến, ra sức chửi rủa, chửi từ hai cha con nhà Bá Kiến đến các bà vợ, chửi đến cái làng Vũ Đại, rồi mắng chửi mọi thứ trên đời.
Cảnh này của Nhân thì đâu cần diễn, nó cứ nhìn đám tụi mình rồi chửi hăng say, chắc thằng này nhẫn nhịn lâu lắm hay sao mà buông lời cay độc còn hơn diễn tập hằng ngày.
Rất nhanh những cảnh Chí Phèo gặp ông Bá Kiến và thằng Lý Cường xuất hiện, hai thằng Phước và Trung được dán thêm hàm râu trông hết sức đê tiện, bần hèn.
Cảnh đầu tiên mình xuất hiện là khi các bà đứng tụm năm tụm bảy nghe Chí Phèo chửi, nói chung vẫn diễn rất trơn tru bởi có dính lời thoại nào đâu, chỉ là cứ có cảm giác ai đó nhìn mình bằng con mắt muốn xuyên qua người luôn ý.
Tiết trời đầu đông đang trở gió lạnh tê tái mà mình vẫn cảm thấy nóng rực trong người, không tiện để ý nên mình cũng quên đi cảm giác khi ấy.
Sau đó, một loạt cảnh Chí Phèo và Thị Nở gặp nhau ở buồng chuối trong men say thăng hoa, bát cháo hành giữa hai kẻ khốn khổ bị xã hội ruồng bỏ, cảnh Thị Nở nghe lời bà cô mà nói lời cay nghiệt với Chí Phèo cứ thế tiếp diễn.
Khỏi phải nói, Chí Phèo và Thị Nở của Nhân và Nhung xuất sắc đến mức khán giả đằng dưới hòa cảm xúc vào cả vở kịch, một số người còn rơi nước mắt.
Trong cơn giằng xé nội tâm của Chí Phèo, cảnh quan trọng của mình cũng xuất hiện. Mình ngồi chễm chệ trên cái chõng tre, phe phẩy cái quạt nhìn Nhân, lúc này đang là Chí Phèo bóp chân, cười cười đầy vẻ khêu gợi:
- Mày thực thà quá! Con trai gì hai mươi tuổi mà đã như ông già.
Mình xoay người, để lộ tấm lưng trần dưới ánh đèn vàng nhạt của sân khấu.
- Chả nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư?
Vừa dứt câu, tự nhiên mình thấy lạnh toát, cảm giác này không phải lạnh vì thời tiết đâu, nó lạ lắm, cứ như có ai nhìn chằm chằm vào người mình ý, đặc biệt là cái lưng và cả chiếc yếm đào đỏ tươi.
Hết cảnh mà mình vẫn còn ngồi ngẩn ngơ ở đó, làm Nhân phải nháy mắt mấy lần, không thấy mình đáp nên nắm lấy tay mình, hướng mắt về phía cánh gà.
Thật ra không giống nắm tay lắm, vì nó nhéo mình tỏ ý kiểu:
"Mẹ mày, không đi vào cho tao diễn tiếp à?"
Tiếp theo sau đó là cảnh Chí Phèo uống rượu say lao vào nhà Bá Kiến, gào thét:
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết không?
Thế rồi Chí Phèo kết thúc sinh mạng của lão già độc ác, và cũng kết thúc sinh mạng của mình trong sự đau khổ đến cùng cực.
Cảnh kết thúc cuối cùng của vở kịch này là khi Thị Nở thơ thẩn thoáng nhìn thấy lò gạch cũ sau khi nghe tin Chí Phèo chết.
- Bộp bộp...
Mọi người dưới khán đài đồng loạt vỗ tay, nhiều đứa còn hú hét "Đỉnh quá!", "Ờ mây zing, gút chóp"...
Chúng mình cúi chào khán giả, lúc ngước lên vô tình thấy ánh mắt ai kia cứ nhìn mình, đôi mắt đó không dịu dàng như thường ngày nữa.
Bình thường mình sẽ mỉm cười một cái nhưng hôm nay, mình không muốn, Trúc Quỳnh xuất hiện ngay sau Nhật Hưng, khoác tay cậu ấy cùng tiến lên bục giảng. Mình đảo mắt sang hướng khác, vừa hay thấy mấy thằng lớp Lý, Hóa cứ giơ tay bùng chíu thả tim đủ kiểu, mình cười nhẹ đáp lệ.
- Trời ơi, mợ ba cười với tao kìa.
- Có cái đầu mày ý, cười với tao mà...
Tụi nó chưa kịp nói xong thì thấy lạnh cóng, hai tay hai chân bủn rủn hết cả lên.
- Lạ thật, hay tụi mình bị duyên âm theo ta. Sao lạnh thế?
- Ừa, tao cũng có cảm giác ai đó nhìn mình bằng con mắt sát khí lắm mày ơi.
Mình cũng thấy lạ, chắc trường chuyên chứa con ma nào thật rồi.
Câu chuyện ngoài lề:
Người con gái trên sân khấu nhoẻn miệng cười, để lộ hàm răng trắng, hai má hây hây đỏ, giống y hệt câu thơ miêu tả Thúy Vân trong truyện Kiều:
"... Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da..."
Một số đứa ở dưới cất giọng trầm trồ:
- Lạ thật, nhìn lúc đầu không đến nỗi gọi là đẹp mà sao cười lên trông lung linh quá nhờ!
- Tao thấy mặt bình thường mà mày, tròn vo như cái bánh đa luôn ý, nhưng mà tấm lưng đẹp quá, phải hỏi bí quyết để không bị mụn lưng mới được.
- Mày ngu hả? Con gái thời xưa đẫy đà như vậy mới gọi là đẹp nhé! Đinh Ngọc Khả Hân á khoa đầu vào chuyên Toán, đứng nhất khối 10 năm ngoái với huy chương bạc Olympic Toán nè, thành viên đội tuyển quốc gia, vừa giỏi vừa xinh thế này.
Một số đứa con trai cũng tiếp lời, vẻ mặt đầy hứng thú.
Chưa kịp dứt lời thì tụi nó cũng im bặt, thằng kia nhìn tụi nó như muốn cào nát cái mặt, cảm tưởng như sấm chớp đùng đùng, vừa mưa ngoài trời, vừa mưa trong lòng.
"Gớm, ỷ mình làm MC mà khinh người à? Ỷ mình là thủ khoa đầu vào chuyên Toán, đứng nhì khối, huy chượng Bạc Olympic, biết chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, biết đánh đàn thì khinh thường người khác à?"
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT