Câu Chuyện Của Diêu Miêu

Chương 1


3 tháng


CHƯƠNG MỘT: CÔ BÉ DIÊU MIÊU

Diêu Miêu năm nay tròn 9 tuổi, bé mới được chuyển đến học ở một ngôi trường tư. Diêu Miêu từng nghe bố mẹ nói loáng thoáng cho bé về trường. Trường mới của bé có cả tên tiếng anh cơ đấy. Qua phát âm ngượng nghịu vốn chẳng chuẩn chỉ gì cho cam của mẹ Diêu, bé nhớ là “Bít Tết” gì đó (Bill Gates)…

* William Henry Gates III, thường được biết tới với tên Bill Gates, là một nam doanh nhân, nhà từ thiện kiêm tác giả người Mỹ. Ông được biết đến là chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm mà ông đồng sáng lập cùng với Paul Allen.

Mẹ dịu dàng bảo trường mới của bé là trường quốc tế. Với cái đầu non nớt của Diêu Miêu, vốn từ vựng ít ỏi của cô bé chẳng đủ để bé hiểu rõ ‘quốc tế’ là gì. Dù vậy, cô bé thầm nhủ có lẽ nó phải hơn ngôi trường cũ của bé nhiều lắm. 

Trường cũ của bé là trường tiểu học Thịnh Liệt ở đầu ngõ, rất gần địa chỉ nhà cũ nhà Diêu. 

Đây trước hết là một đại công trình có vẻ ngoài xập xệ cũ kỹ. Lớp bờ tường đáng lẽ phải trắng sữa đã sớm hoen ố, lốm đốm vệt vàng, cứ như là lớp bê tông đó đã chinh chiến qua vài chục năm mưa gió. 

Với vẻ bề ngoài “khắc khổ”, già cỗi như vậy, thật khó cho người ta đoán thử tuổi đời của trường. Trên thực tế thì trường mới xây được vài năm.

Dầu gì thì các cụ cũng nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vẻ ngoài không đẹp đẽ ấy vốn có thể được châm chước, nhưng khổ nỗi đây không phải thiếu thốn duy nhất của trường…

Lớp của Diêu Miêu chả hạn, là một ví dụ điển hình thể hiện điều kiện khốn khó của cơ sở vật chất nhà trường. 

Lớp bé không có sẵn điều hòa. Theo thông lệ nhà trường, điều hòa sẽ là khoản chi tiêu do ban phụ huynh chung tay vào gom góp, điều hòa cũng có thể dỡ ra đem theo khi các em học sinh lên lớp. Một lớp học cùng lắm là cần 2 cái điều hòa, chia tiền ra trên đầu 60 em cũng chẳng còn bao nhiêu…

Thế nhưng, các bậc sinh thành lớp Diêu Miêu có vẻ không mấy hòa thuận trong việc san sẻ chi phí sắp đặt. Diêu Miêu từng nghe lén mẹ Diêu bực bội kể lại với bố Diêu về một bác trai kiên quyết từ chối đóng tiền. Ông bác say sưa kể về những năm tháng tuổi thơ khổ sở vất vả của mình, cái thời mà điều hòa lúc ấy còn chưa được biết đến ấy. Rồi ông kết luận nhẹ bâng: chẳng phải không có thì vẫn sống được hay sao, không trải qua khó khăn thì sao biết phấn đấu, con tôi sẽ sống như tôi, không cần điều hòa, cháu nó vẫn thế sống tốt…

Có thể do bài phát biểu đó quá đỗi hào hùng, hay do người ta không thể ngầm dung túng cho một ông bác khôn lỏi không muốn bỏ tiền mà rồi vẫn được lợi từ thành quả chung, kế hoạch góp tiền lắp điều hòa của lớp Diêu Miêu nhanh chóng phá sản…

Thế là vào hè, khi 60 cái đầu chen chúc trong một căn phòng kín, phòng học của Diêu Miêu bỗng chốc biến thành một cái lò nhiệt, vô cùng nóng nực, bức bối. 

Nhưng điều hòa, nói cho cùng, thì chỉ là một tiện nghi của xã hội hiện đại, không phải là điều kiện tiên quyết của sống còn. Vậy mà buồn thay, vế đằng sau cũng chẳng là điều trường có thể đáp ứng đầy đủ, chuyện nước và vệ sinh đem so ra càng khiến hình ảnh về cuộc sống học đường tại ngôi trường thêm phần tệ hại. 

Ở thế kỉ này, con người đã có nhiều bước tiến khá xa từ thời kì đồ đá, thế mà thật kì lạ, nước lọc được coi là hàng khan hiếm trong ngôi trường này. Những bình nước thường được vẫn chuyển đến vào giữa trưa trong ngày, với số lượng ít ỏi đến đáng thương. Khả năng cao đây lại là một khoản chi tiêu mà ban giám hiệu trường nhét vào mục cắt giảm, tiết kiệm.

Học sinh được kì vọng tự mang nước từ nhà đi, nhưng đặc điểm của đa số học sinh tiểu học vốn là không làm theo những gì chúng được kì vọng. Câu chuyện thường tình hay diễn ra là các em này mượn nước từ một bạn khác và rồi lại tiếp tục “quên” mang những ngày tiếp theo.

Bình nước của Diêu Miêu, do vậy, luôn trong tình trạng bị giành giật, cô bé mới hớp một ngụm, quay đi quay lại, đã thấy nước trong bình chạm đáy. Ít uống nước, thì ít phải đi vệ sinh, âu cũng là một cái may. Vì nói thật, nhà vệ sinh trường mới là thứ tồi tệ nhất học sinh trong trường phải đối mặt mỗi ngày. Gọi là nhà vệ sinh cho đúng với mục đích hoạt động của nó, chứ nơi này được xây dựng tạm bợ hết mức, chỉ là có hàng gạch được kê lên trên một vùng trũng, chưa kể ở đây chỉ giải quyết vấn đề đi nhẹ. Với điều kiện ấy, thảm cảnh tắc nghẽn xảy ra thường xuyên, tạo nên một hồn hợp mùi hương nồng nàn vô cùng khó tả. Nó kinh khủng đến nỗi, dù nhu cầu sạch sẽ của mấy đứa nhóc tì thường chẳng cao, học sinh trong trường lại tự biết đường mà liệt nhà vệ sinh vào danh sách những địa điểm cần tránh xa.  

Vấn đề quan trọng duy nhất còn lại là chất lượng giảng dạy. Hầu hết giáo viên trong trường trong mắt Diêu Miêu đều rất đáng mến, dễ thương, bản thân bé cũng luôn ngoan ngoãn, nghe lời . Nhưng thường các cô không tập trung hết được vào bé, chủ yếu do một lớp có quá nhiều em. Mà Diêu Miêu, xuất phát là một em bé sinh non, học khá chậm, em là một trong những người biết đọc biết viết cuối cùng của lớp. Nhưng đấy là ở phạm trù tiếng việt, ở một ngôn ngữ khác, cụ thể là tiếng anh, em lại trở thành một học sinh khá nổi bật trong lớp. Tuy vậy, như nhiều trường công khác, giáo trình tiếng anh của trường sẽ không đủ để bồi dưỡng học sinh năng khiếu trong môn này. 

Nhà hai chị em Diêu Miêu không phải không có điều kiện, bố mẹ bé quyết định đi tìm cho bé một môi trường học tập mới, phù hợp hơn.

Chuyện giờ mới kể, Diêu Miêu không phải con một trong nhà. Bé có một em gái sinh đôi nữa, tên là Miêu Dị. Từ bé đến giờ, Diêu Miêu và Miêu Dị luôn gắn nhau như hình với bóng, hầu như hai bé còn luôn ngồi cùng bàn, nhưng đấy là trước khi chuyển đến ngôi trường mới.

Ở đây, Diêu Miêu và Miêu Nị bỗng chợt tách lớp riêng. Diêu Miêu được báo phân vào lớp 4A1, trong khi đó Miêu Nị trở thành một thành viên mới trong tập thể lớp 4A3. 

Sự xa cách đột ngột này đã khiến cô bé Diêu Miêu càng thêm lo sợ và hồi hộp biết bao, cũng đã càng thêm mong chờ ngày đi học đầu tiên ở trường mới…


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play