Trước khi viết:
Mình viết giải trí là chính, viết kiểu cũ thôi, không sáng tạo gì nhiều.
Nếu đòi hỏi mình phải viết mới mẻ sáng tạo thì mời rẽ trái click back.
Mình không phải là nhà văn, mà chỉ là một người kể truyện bình thường.
Dù có lấp hết hố được không, mình cũng cảm ơn các bạn đã hợp tác.
~Khúc Hoán Hoa~
Chương 1:
Ròng rọc kéo nước phát ra những tiếng kẽo cà kẽo kẹt, cô gắng sức quay ròng rọc, thử kéo nước từ dưới giếng sâu lên.
Đương độ tháng Ba, tuy rằng đã là cuối Xuân, nhưng với người lớn lên ở vùng Cận nhiệt như cô, gió vẫn rất lạnh. Nhưng vì nắng và làm việc nặng, người cô đầm đìa mồ hôi, gió lùa vào chiếc áo bông nửa cũ nửa mới của cô, khiến cô rùng mình.
Dù đã hơn một năm, nhưng cô vẫn chưa thể thích ứng được với khí hậu Ôn đới này.
Sau khi gắng sức đổ nước từ giếng vào lu, cô thở phào nhẹ nhõm, ngồi xuống nhũn người dựa vào lu nước thở dốc, híp mắt nhìn bầu trời xanh thẳm. Ngón tay quấn trong miếng vải rách không ngừng run rẩy, hơi nhơm nhớp. Cơn đau nhói lên tim, có lẽ lại vỡ bọt nước vì cọ xát rồi.
Cô lại kéo một xô nước giếng lên để làm dịu đôi tay đau đớn. May thay cô đã làm xong gần hết việc hôm nay, chỉ còn nấu bữa tối nữa là hết.
Dù bây giờ mặt trời mới ngả về Tây, còn lâu mới xuống núi, nhưng để đến chập choạng thì khỏi cần nấu nướng gì nữa, dầu nành đắt lắm.
Khác với một năm trước, hiện tại cô cảm thấy mỗi bữa cơm đều rất đáng trân trọng và ngon lành. So với nhà bên, cô đã rất giàu có rồi. Tới bữa cô có thể ăn cơm tẻ hoàn toàn, còn là loại gạo trắng to như hạt trai, không phải trộn chút hoa màu nào. Hàng xóm đều biết nhà cô giàu, những lúc cụ già em nhỏ nhà họ đổ bệnh, họ đều đến vay cô chút gạo trắng ── đây chính là món ngon mà chỉ có người ốm hoặc trẻ con mới có phúc được ăn.
Cô bắc phần cơm tẻ đang quay cuồng trong nồi ra, thả một nhúm cải thìa chỉ to bằng ngón tay cái và một nắm hẹ tươi vào nồi nước vừa sôi. Ngay lúc rau còn giòn, cô bỏ thêm chút mỡ heo và muối tương. Món măng trong chiếc nồi nhỏ đậy nắp trên bếp đã chín tới, chỉ chờ được vớt ra để nguội.
Cơm trắng rải cải thìa và hẹ tươi, tỏa hương mỡ heo nồng nàn. Cô đậy nắp bếp lại, đảo nhẹ nước cơm. Cô nâng chiếc bát sứ lớn đựng thức ăn, cầm đôi đũa trúc, đi đến vách núi nhỏ sau nhà, ngồi xếp bằng trên nền cỏ xanh, nhìn hồ nước xanh gợn sóng lăn tăn dưới vách núi, thỏa mãn ăn bữa chiều.
Không ngờ chỉ mới một năm mà hạnh phúc đã trở nên giản dị thế này ── ngồi ăn cơm ngắm hồ nước dưới hoàng hôn.
Cô tên là Bạch Dực… Nếu cô nhớ không nhầm. Hoặc là, nếu cô chưa phát điên, thì hẳn cái tên này là đúng. Tuy rằng cô cũng cảm thấy hoang mang, không hiểu gì cả, nhưng khi cuộc đời đơn giản đến độ chỉ còn ăn, ngủ, làm lụng, thì nỗi hoang mang kia trở nên cực kỳ vụn vặt.
Một năm trước, cô tới ngôi làng nằm trong thung lũng có dãy núi bao quanh này. Chính xác ra mà nói, thì là một khu rừng cách làng tầm hai dặm.
Đến bây giờ cô vẫn chưa tài nào hiểu được, rốt cuộc cô đã chết hay vẫn còn sống. Rõ ràng cô đã nhảy xuống từ tầng thượng của trường… Nhưng tại sao cô lại đến “âm phủ” phong cảnh đẹp tươi này? Đoạn giữa ở đâu rồi?
Hoặc giả, thực ra cô đã trở thành người thực vật, đây chỉ là một giấc mơ dài và tựa như một thước phim thôi?
Thật sự cô cũng không rõ.
Nhưng kẻ bị cô đè chết kia… Cảm giác và mùi máu tươi vẫn vô cùng chân thật.
Một chàng trai tái nhợt gầy giơ xương cứu cô… chắc là vậy. Anh chàng gầy giơ xương thấy cô xuất hiện từ thinh không, chẳng tỏ vẻ kinh ngạc chút nào, chỉ lặng lẽ đọ mắt với cô năm sáu phút. Cô ngạc nhiên quá đỗi, cũng không rõ anh chàng kia đang nghĩ ngợi điều chi.
Nhưng anh chàng gầy giơ xương tốt bụng kia đã đưa cho cô hai thỏi bạc nguyên bảo (coi như đồ cổ luôn cũng được), không nói không rằng chỉ đường tới ngôi làng trong núi này, rồi “bay lên cây” rất kiểu võ hiệp.
(Nguyên bảo: thỏi bạc được tạo hình như chiếc thuyền chứa quả bóng bên trong)
Ngôi làng trên núi kia tên là làng họ Lư. Cô mơ màng hồ đồ đi vào làng, phát hiện giọng chỗ này rất giống tiếng Mân Nam trộn lẫn với tiếng Quảng Đông, vậy nên cô phải khoa tay múa chân hồi lâu, vì cô đang đói, muốn mua chút gì để ăn.
(Tiếng Mân Nam là một ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Hán-Tạng được nói như tiếng mẹ đẻ ở miền Nam của Phúc Kiến, một tỉnh thuộc miền Đông Nam Trung Quốc. Tiếng Quảng Đông là một nhóm ngữ âm chính trong tiếng Trung Quốc được nói chủ yếu ở các vùng Đông Nam của Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao.)
Dân làng mặc đồ thời xưa suýt bị cô hù chết, cô cũng suýt bị đám dân làng rất có phong thái cổ đại này hù chết.
Chung quy cô vẫn không mua được bất kì món gì để ăn, vì hai thỏi nguyên bảo kia vừa đúng bằng 20 lượng bạc. Trong ngôi làng trên núi này, đây là một món tiền rất lớn, họ không đủ tiền thối lại.
Dân làng tốt bụng cho cô một bát cháo ngũ cốc, không lấy chút tiền nào của cô.
Bát cháo ngũ cốc ấy thật ra khô khốc, không muối thiếu tương, rất khó ăn. Nhưng cô đói bụng. Trước khi nhảy lầu, ngoài truyền nước thì cô đã không ăn gì gần bốn ngày.
Cảm giác được ăn gì đấy rất tuyệt. Sao cô lại quên mất cảm giác thỏa mãn này, còn muốn tuyệt thực đến chết cơ chứ…?
Đám dân làng ít khi thấy người ngoài không thích cô, thậm chí còn hơi sợ cô. Nhưng họ vẫn giữ Bạch Dực lại. Nhà bên Đông cho cô miếng sắn, nhà bên Tây cho bát cháo loãng, thậm chí họ còn cho cô ngủ ở gian phòng nhỏ kế kho lúa.
Hai tháng sau cô mới có thể bập bẹ nói chuyện với dân làng, trưởng làng còn bán một căn nhà nhỏ trên đỉnh núi cách làng không xa cho cô, kèm theo một mảnh rẫy rất to, chỉ lấy 10 lượng của cô, còn mua giúp cô trọn bộ đồ đạc trong nhà và áo xống bốn mùa.
Tuy rằng sau khi nghe nói lưu loát, cô được các bà các thím chia sẻ cô lỗ nặng rồi, trưởng làng đúng là lòng dạ hiểm độc vân vân… Nhưng thật ra cô vẫn rất cảm kích.
Cô chẳng hề bị chơi khăm, bị đánh chết hay cướp bóc, trưởng làng chỉ bán đắt thôi, còn để lại một nửa tài sản cho cô.
Lúc vừa bắt đầu ở đây, cô rất cực khổ. Cô sướng quen, chẳng biết làm gì cả. Tiền bạc có rất ít tác dụng trong ngôi làng trên núi này, trừ phi ra khỏi núi mua trâu cày, đồ ăn, nông cụ linh tinh, còn lại hầu như mọi người đều trao đổi thứ này lấy thứ kia.
Sau khi hiểu được những tiếng cười chê “Ăn mày”, “Mụ lười” của bọn trẻ con, cô bèn thử tự lập.
Mệt lắm, cô phải học tất cả mọi thứ. May thay hồi nhỏ cô được ông bà nội nuôi dưỡng, ở nông thôn toàn bộ quãng đời thơ ấu, đến tận lúc tốt nghiệp cấp hai mới đoàn tụ với cha mẹ… không thì cô quả thực phải nhắm mắt đưa chân.
Nhưng phải học từ đầu vẫn rất vất vả. Chuyện dựng giàn dưa, trồng rau cỏ đều được xóm giềng trong làng đỡ đần, họ còn chia một ít hạt giống cho cô. Cỏ dại mọc lan tràn vườn rau, cô phải khai khẩn. Thậm chí thấy cô đáng thương, họ còn cho cô mượn một cái cuốc sắt.
REPORT THIS ADPRIVACY SETTINGS
Nhưng hai tay cô vẫn nổi bọt nước rồi rách da, kết vảy rồi lại nứt toác chảy máu, cực kì mong manh dễ vỡ. Sức cô yếu, không khiêng được lưỡi lê, cũng không thể khai rẫy thành ruộng mương. Có một khoảng thời gian, cô tưởng mình sẽ chết đói, cô còn chẳng biết nhóm lửa, đốn củi mà gặp rắn là gào tướng lên.
Nhưng, mỗi ngày mệt bở hơi tai, ngắm cảnh hoàng hôn huy hoàng tráng lệ, ăn món cơm nửa sống nửa chín, cô lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc, rất muốn sống tiếp.
Cô rất biết ơn chàng trai gầy giơ xương kia.
Hai mươi lượng bạc ấy có thể mua được một căn nhà nhỏ sát vách núi và một mảnh rẫy, còn đủ để cô mua 2 con trâu cày! Trong làng, cô là người duy nhất có tận hai con trâu, mọi người đều tới thuê trâu của cô. Tiền thuê chỉ gọi là cho có, đôi khi là một nắm hạt giống rau, có lúc lại là một bọc gạo, cứ có là được.
Bạch Dực sống cũng ổn thỏa. Thậm chí cô còn có một chiếc xe kéo cũ nát, có thể tròng lên trâu cày, lạch xạch chạy xuống trấn nhỏ dưới chân núi mang rau cỏ lương thực còn thừa ra chợ bán.
Cô nói với dân làng, cô là người nước ngoài, ai nấy đều tin.
Đôi lúc, chính cô cũng tin là vậy. Ăn hết bát cơm to, cô thở ra một hơi, lau mồ hôi trên chóp mũi và trán. Cô múc một bát nước cơm trắng, tước vỏ món măng đã nguội, chặt chúng thành những miếng to, cho vào nước cơm. Bát cơm vẫn còn vương mùi tương dầu, cô ăn ngấu nghiến món măng tươi giòn như lê, uống nước cơm ngọt bùi.
Có cho làm vua phương Nam cô cũng không đổi.
[HẾT CHƯƠNG 1]