Trong đầu cô liền thoáng lên hình ảnh anh nam sinh cấp 3 cao lều khều gầy gò ngày đó bị bạn học đánh gần ngay hẻm nhà bà ngoại, khi cô đang lon ton qua nhà nhỏ bạn hàng xóm chơi và vô tình bắt gặp. Đó là cảnh tượng vô cùng bạo lực đã ám ảnh 1 đứa con nít mới lên lớp 3 như cô trong 1 thời gian dài. Mặc dù chuyện đã qua cả mười mấy năm, nhưng cô vẫn nhớ rõ hình ảnh anh trai ấy đã bị bao vây bởi 4, 5 người bạn học khác. Họ cứ thế đấm, đá, thay nhau hành hạ anh đến nỗi vẹo vả xương mũi, mặt mày sưng húp biến dạng không còn nhìn rõ dung nhan. Máu từ miệng, mũi cứ thế túa ra thấm ướt cả chiếc áo trắng học sinh thành những mảng màu đỏ tươi rất đáng sợ. Vừa hành hạ, họ vừa dùng những lời lẽ thô tục để sỉ vả trách mắng chỉ vì lý do anh không cho họ chép kịp bài kiểm tra ở trên lớp, và tội nghiệp nhất là vì anh nghèo và không cha cũng không mẹ.

Bé Linh ngày ấy tuy hổ báo nhưng lần đầu tiên trông thấy cảnh tượng máu me đó đã sợ đến tái mét cả mặt mày, 2 chân run lẩy bẩy nhưng vẫn dũng cảm nhanh trí chạy ù về nhà méc bà ngoại ra viện trợ cứu nguy.

Với cây chổi chà trên tay bà vớ đại ở ngoài sân, tuy nhỏ con nhưng cái họng bà lớn và tướng mạo của bà trông khá gân nên đã thành công xua đuổi đám du côn kia chạy xúc quần mà không kịp lượm cả dép, với những câu mắng chửi muốn banh cả xóm làng:”Mẹ cha tụi bay, học không lo học tụm năm túm ba đánh nhau hả, tụi bay con ông nào bà nào học ở đâu để tao qua tận trường mắng vốn l. Đồ cái thứ học sinh quỷ ma…bla bla”.

Hàng xóm đang nghỉ trưa nghe giọng chửi vang vọng khắp bốn phương liền kéo nhau ra nhiều chuyện. Thiệt sự lúc ấy đối với anh trai này, cả bà lẫn cô và mọi người đâu có quen cũng chẳng biết con cái nhà ai. Thấy người ta gặp nạn nên đứng ra giúp thôi.

Cô nhớ lúc ấy bà vừa đợi xe taxi đến vừa rối rít hỏi anh:”Con ơi con sao rồi! Nhà con ở đâu? Con có ổn không? Mặt mày con chảy nhiều máu quá sưng tấy hết rồi để bà đưa con đi bệnh viện nha.” Nhưng anh ấy chỉ lắc đầu và ngồi thừ ra 1 cách vô cùng chán đời, như chẳng còn sức lực, chẳng còn trông mong vào bất cứ điều gì nữa. Đó là ánh mắt của sự tuyệt vọng, tăm tối và lạc lối. Nhìn chiếc áo tuy thấm máu nhưng vẫn hiện rõ những vết ố vàng, chiếc quần tây cũ đã bạc màu muốn chuyển sang màu tím và đôi giày cũ mèm muốn lủng ngón cái tới nơi. Trông anh ta thảm thương đến 1 cách đau lòng.

Nhưng đối với sự nhiệt tình săn sóc của bà đã khiến anh ứa ra 1 giọt nước mắt của sự tủi nhục, vì dường như đã quá lâu anh không được 1 ai quan tâm như thế. Đôi mắt anh rưng rưng, giọng anh khàn đặc muốn nức nở với bà:

- Bà ơi! Con không sao đâu!

Đối diện với cậu nam sinh hiền lành tội nghiệp bị bạn học ăn hiếp muốn thở thoi thóp tới nơi, bàn tay ấm áp xuất hiện nhiều vết đồi mồi của bà đã nắm lấy tay anh vực dậy mà nói:

- Không sao cái gì, đứng dậy bà đưa con đi bệnh viện, lẹ! Xe đến rồi kìa!

Lúc ấy cô hóng hớt đi theo bà đưa anh trai ấy đi bệnh viện để bác sĩ thăm khám và vệ sinh vết thương. Trong khi chờ ngoại đi lấy thuốc của bệnh viện, cô chỉ nhớ mình đã đứng trước mặt anh và nói những câu mà gã Long đã nhắc. Khoảnh khắc đó anh trai đã nhìn cô chăm chăm khá lâu, sau đó liền mỉm cười với cô rất đỗi dịu dàng.

Những chuyện sau này giữa gã và bà ngoại cô không hề hay biết gì cả. Chỉ nghe kể lại ông ngoại của gã thời điểm đó đã lớn tuổi sắp gần đất xa trời. Biết mình không còn sống được bao lâu, ông đã gửi gắm gã cho dì lớn mong sao cháu mình được ăn học tới nơi tới chốn, vì ông biết gã học đâu hiểu đó, rất thông minh và sáng dạ.

Bà dì lớn lúc ấy gia cảnh cũng khá khó khăn, sau khi được ông ngoại kí giấy để lại tài sản với điều kiện phải lo cho gã ăn học đầy đủ đến lúc cưới vợ. Vì lòng tham nên sau khi ông vừa nhắm mắt bà ta đã ôm hết tài sản. Đành đoạn lật mặt bỏ bê gã vứt lăn vứt lóc tưởng học tới lớp 11 gã đã phải nghỉ học tới nơi rồi. May mắn sao lúc tuyệt vọng nhất lại gặp được bà ngoại của cô. Khi nghe được hoàn cảnh của gã, lúc ấy sự nghiệp trong tay bà cũng coi như là vững chắc. Bà đã âm thầm lo cho gã ăn học đến lúc đậu được vào trường Đại Học Bách Khoa thành phố mà người trong gia đình không 1 ai hay. Không phụ lòng ngoại, gã đạt được học bổng toàn phần ra bên nước ngoài du học. Khi qua được bên ấy, gã đã hứa với ngoại sau này sẽ học hành thành tài trở về sẽ báo đáp ngoại. Nhưng bà chỉ mong sau này gã có thể tự lo được cho bản thân và không để ai ức hiếp nữa thôi.

- Sao? Nhớ ra chưa?

Lạc khỏi đoạn ký ức, cô ngẩng đầu lên nhìn gã chồng trước mắt của mình và so sánh với hình ảnh của người anh kia trong quá khứ. Má ơi cứ như 2 người hoàn hoàn khác biệt không có chung bất kỳ 1 đặc điểm nhận dạng nào cả. Ông bà ta nói “tâm sinh tướng” quả là không sai miếng nào mà.

- Có thật anh chính là anh ấy?

Gã quả quyết:

- Nói dóc em tôi được gì?

Vẫn dùng đôi mắt vô cùng hoang mang như thể chưa tin vào sự thật này, cô vẫn cố chấp hỏi:

- Tại sao anh lại thành ra thế này rồi?

- Ngày đó chính em chê tôi yếu mềm để bị đánh như thế, giờ tôi mạnh mẽ sống đúng như ý em rồi em còn muốn gì nữa? Mà thật ra phải như thế này tôi mới có thể sống sót đến tận bây giờ để có thể bảo vệ em được.

Ừa ha! Cũng có lý. Cô nhớ tới lần đầu tiên gặp lại gã thời còn là học sinh cấp 3, chính cô cũng đã bị cái vẻ ngoài này mê hoặc, còn ước có người yêu giống gã để ra đường không sợ bị ai bem nữa cơ mà. Nhưng:

- Ngày đó tôi kêu anh phải mạnh mẽ sống chứ có kêu trở thành chồng tôi đâu. Đã thế còn coi thường phụ nữ, vừa ‘giang hồ boy’ vừa ‘fuck boy’ thế này! Tệ vãi chưởng.

Nắm lấy bàn tay cô rồi vươn cổ tới đưa lên miệng mình hôn cái chụt 1 cái mặc cho cô đòi rụt lại cự tuyệt, gã ngả ngớn nói:

- Ai kêu lúc ấy không dặn người ta 1 tiếng phải chờ em lớn đi, xong giờ tối ngày ghen cứ nhai đi nhai lại hoài. Mà thôi! Tôi ăn chơi chán chê vậy là đủ rồi. Từ khi có ý định muốn cưới em tôi an phận tu chí làm ăn, không có dây dưa với ai đâu nên đừng suy nghĩ vớ vẩn chi cho mệt nữa.

Trời trời! Thấy ghê chưa? Cha nội này tự tin thấy ơn chưa kìa? Rút tay lại kiểu giận lẫy, cô cong môi trề mỏ lườm nguýt đáp trả gã:

- Tôi mà phải ghen á? Xin lỗi à, có con nào hốt dùm chắc con này mừng dữ lắm. Tưởng vì trả thù hoá ra cũng vì trả ơn bà ngoại tôi thôi. Thật là quý hoá quá!

Ngày trước cứ ngỡ gã lấy cô vì muốn trả thù gia đình thằng Luân các kiểu này nọ nên sinh ra căm phẫn. Bây giờ nghe gã giải bày hoá ra gã cũng vì nhớ tới cái ơn của bà ngoại nên mới dốc lòng giúp đỡ, tự nhiên cô chợt cảm thấy buồn trong lòng nhưng cố giấu nó đi. Nói tóm lại cũng chỉ vì ân nghĩa mà thôi. Haiza! Cơ mà cô đang mong chờ điều gì ở gã mà lại thành ra thế này chứ hả?

Đáp lại sự hụt hẫng trong lòng cô, gã đã trả lời:

- Tôi chẳng phải trả thù hay trả ơn mà cưới em mà là vì trả nghiệp. Bởi vì nhóc! Em chính là nghiệp báo của cuộc đời tôi sau bao nhiêu tháng ngày tôi giày vò những người phụ nữ khác, e rằng cả đời này chắc trả cũng không hết quá! Thôi từ giờ đành trông mong em chiếu cố vậy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play