"Ăn đi!" Bà Thương đập bụp cái mâm xuống chiếc chiếu cũ khiến bát đũa kêu loảng xoảng, tô canh rau muống cũng vì vậy mà sóng sánh, đổ ít ra mâm. Hai quả trứng luộc trong bát va vào nhau vang lên "cách cách".
Dư im lặng xếp bát đũa, đơm bát cơm chan canh ăn. Rau muống và hai quả trứng trong mâm, Dư không động vào một chút nào.
Đây là bữa cơm hàng ngày của Dư nhưng Dư lại không được phép ăn thức ăn trong đó. Nếu có canh, chỉ được chan canh, nếu có mắm, trộn mắm với cơm ăn. Bà Thương ngồi đây chỉ để giám sát Dư, nếu Dư động vào đồ ăn trong mâm, sẽ dùng đũa nấu vụt tay Dư không khoan nhượng. Bà Thương nói, Dư là đứa trẻ hư không được phép ăn ngon. Tuy vậy, Dư không nhịn được mà đảo mắt nhìn hai quả trứng. Thấy thế, bà Thương cười một tiếng, bắt đầu bắc loa mà hát:
"Mày biết tên mày có ý nghĩa gì không?"
"Là dư thừa ạ."
"Vì mày là đứa trẻ không ai cần nên không được phép ăn ngon, hiểu chưa?"
"Vâng." Dư và miếng cơm to vào miệng, chuẩn bị đón nhận những điều sắp xảy ra.
"Mày có nhớ bố mẹ mày không?"
"Nhớ ạ."
"Có buồn vì bố mẹ mày không quan tâm tới mày không?"
"Có ạ."
Thực ra Dư chẳng thấy buồn chút nào. Cô bé chỉ muốn ăn nốt bữa cơm này trong yên bình nên xuôi theo bà Thương mà thôi. Nhưng Dư cũng chỉ là một đứa trẻ sáu tuổi, biết lựa theo ý người lớn mà trả lời, nhưng vẫn chưa thể lựa được sắc mặt nào để nói chuyện với người đối diện. Thấy Dư mặt tỉnh bơ, chỉ tập trung ăn uống, không có điểm nào buồn bã như lời cô bé nói. Bà Thương vốn đã ngứa mắt nay sẵn có cớ mà chửi.
Bà ta vươn tay, giật bát cơm trong tay Dư mà ném xuống đất, dùng đũa nấu dí trán Dư mà chửi: "Con ranh con, bây giờ biết học cách nói dối rồi à? Vì mày cứ trơ trơ như thế nên bố mẹ mày mới đưa về quê cho tao nuôi đấy. Đúng là cái loại nuôi tốn cơm tốn gạo."
Dư nhìn bà Thương, không phản bác.
"Mày thích giương mắt ếch lên mà nhìn tao không? Cái con vô ơn này. Lớn quá rồi phải không?" Vừa nói, bà ta vừa cầm chiếc đũa nấu vụt tới tấp vào người Dư. Dư chỉ biết dùng tay ôm đầu, cuộn tròn người lại trước trận đòn roi đã lường được từ trước.
Sau khi đánh đã tay, bà ta vứt đôi đũa xuống đất, trước khi bê mâm cơm đi có để lại một câu: "Dọn bát cơm mày làm đổ dưới đất, lau sạch nhà trước khi tao lên. Nghe rõ chưa!"
Dư há miệng, đáp một tiếng "vâng".
Dùng đôi bàn tay nhỏ nhắn chằng chịt vết lằn đỏ, Dư vét những hạt cơm vương vãi trên đất vào bát. Sau, lấy khăn vắt bên hông nhà, lau chỗ vừa đổ cơm. Xong xuôi, Dư không vội mang bát xuống bếp vì cô bé biết, bà Thương đang ngồi trong đó ăn đủ loại món ngon. Cô bé gục đầu, khẽ thở dài. Tiếng thở dài đầy non nớt của một đứa trẻ nghe thật não nề làm sao. Truyện đã được đăng trọn bộ tại awread.vn.
Dư biết, bố mẹ không thích mình. Cũng biết, bà Thương là được bố mẹ bỏ tiền ra thuê để trông Dư. Thức ăn ngon mà bà ta đang ăn là đồ mà Dư đáng được hưởng. Biết là thế nhưng Dư chẳng thể làm gì. Vì không có ai trên đời này lựa chọn đứng về phía Dư cả.
Có lẽ bà Thương nói đúng.
Dư ngồi góc nhà, ngẩn ngơ nhìn mây đen vần vũ kéo đến, những hạt mưa to bằng hạt ngọc rơi lộp bộp trên mảnh sân gạch đỏ trước nhà. Mưa ngày một nặng hạt, trắng xóa cả một vùng. Tiếng mái tôn đập bùm bụp tưởng chừng như sắp rơi xuống bởi cơn gió vừa càn quét qua đây. Sau tiếng sấm nổ vang trời, cả xóm mất điện, tiếng bà Thương chửi thề vang lên trên nhà. Bà ta đội nón, tính đi mua nến nhưng vừa dẫm chân tới bậc đá hoa thứ hai, do trơn trượt mà bà ta ngã "oạch" một cái, cả người nện mạnh xuống mặt sân.
Cú ngã ấy khiến người đàn bà ngoài năm mươi chưa thể đứng dậy ngay được. Thấy Dư ngồi ở hiên nhà dửng dưng nhìn mình, cơn tức trong lòng như ngọn lửa thiêu đốt tâm trí, khiến bà Thương quên đi nỗi đau. Bà ta vùng dậy, bước phăng phăng về phía Dư mà đánh tới tấp.
"Đúng là cái đồ không cha không mẹ dạy dỗ. Mày nhìn thấy bà già ngã mà không biết ra đỡ hả? Loại như mày có nhét lại vào bụng cũng đéo trở thành người tử tế được. Đáng lẽ cái Ly không nên sinh mày ra mới phải! Uổng công tao trông nom mày từ bé tới giờ. Cái loại vô ơn! Rồi tao sẽ cho cả nhà mày đẹp mặt!"
oOo
Tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi tuôn ra như suối. Cổ họng khát khô, tim đập loạn nhịp. Trong đêm tối, tôi với lấy cốc nước trên tủ đầu giường, uống một hơi cạn sạch mới lấy lại được bình tĩnh.
Chỉnh điều hòa xuống nhiệt độ thấp hơn, tôi gục mặt xuống gối. Những ký ức đã phủi bụi, nay bỗng bị Danh khơi gợi, trở lại thông qua giấc mơ. Giờ thì tôi đã hiểu từng câu từng chữ Danh nói, cũng biết, nguyên nhân tại sao bản thân lại lựa chọn trở thành người tốt giả tạo.
Sau cú ngã ấy, bà Thương đi rêu rao khắp nơi, nói tôi vô tâm, không có lòng thương cảm. Ăn không nói có, những chuyện có thật thì thêm mắm dặm muối. Cứ thế, cả làng đều biết, đứa con thứ ba nhà bà Ly bị đụt.
Họ thương cảm, rè bỉu và dần thì đẩy trách nhiệm lên đầu người lớn. Không còn cách nào khác, bố mẹ tôi buộc phải cho bà Thương nghỉ, đưa một số tiền lớn cho bà ta để bịt miệng và chuyển về quê chăm tôi. Người trông nom đã đổi thay nhưng cuộc sống lại không khác trước là bao. Họa chăng, tôi không còn bị ăn đòn như khi xưa nữa.
Sau đó... sau đó thì sao nhỉ?
Sau đó, hình như, hàng ngày đều bị bố mẹ đay nghiến, họ hàng xem thường, hàng xóm tỉ tê muốn "tâm sự". Đỉnh điểm là khi, họ muốn đưa tôi đi gặp bác sĩ tâm lý.
Tiếng cười cợt vì thế lại càng nhiều hơn, đám trẻ trong xóm nghe người lớn kể, nói tôi tâm thần nên mới phải đi khám bác sĩ. Mỗi ngày, người ra người vào không ngớt, chỉ với một mục đích, "chiêm ngưỡng" đứa trẻ trong lời đồn dưới vỏ bọc tới an ủi. Tất cả, khiến tôi thấy bức bối vô cùng.
Một đứa trẻ chưa trải sự đời khi ấy chỉ muốn được yên thân, không phải nghe cằn nhằn, trở thành trung tâm của những buổi ngồi lê đôi mách trong xóm mà quyết định, trở thành một người "tốt".
Tôi của khi ấy đã dành hàng giờ để quan sát những người được gọi là tốt trong xóm, những đứa trẻ được khen là ngoan hòng bắt chước đến mức, không ai có thể phân biệt được giữa tôi và bọn họ.
Và rồi theo thời gian, tôi "lựa chọn" quên đi ký ức, khiến cái suy nghĩ ban đầu dần trở nên mờ nhạt và bị bóp méo. Bóp méo đến mức, tôi... đã đánh rơi bản ngã của chính mình. Trở thành những con người khi xưa đã chèn ép tôi đến bước đường này.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT