[Phiên ngoại: Nữ hầu tước]
Lão phu nhân của Giang gia đã làm được hai chuyện lớn vang danh thiên hạ trong cuộc đời mình.
Chuyện đầu tiên, là vào đại hôn của bà với Quốc Hồng Công Phủ thế tử, bà đã xé váy cưới và nhảy xuống sông để đào hôn.
Chuyện thứ hai, là gả cho một vị tướng quân, sau khi tướng quân hy sinh, bà đã đã tiếp quản đội quân một trăm ngàn người, đánh đuổi Man tộc ra xa hàng nghìn dặm.
Một tay bà lật ngược tình thế trong cơn khủng hoảng, bảo vệ hàng ngàn hàng vạn sinh linh.
Sau đó, bà còn cứu trợ thiên tai, ổn định cuộc sống người dân, chiến công lẫy lừng.
Năm ba mươi tuổi, bà được phong làm nữ hầu tước, danh hiệu chưa từng có trong lịch sử, được ban cho một cây quyền trượng đầu mãng xà, có thể giáo huấn thiên tử và trừng phạt quần thần.
Cả đời bà đều đã có tất cả mọi thứ, không cầu gì hơn nữa, nửa cuộc đời còn lại, mục đích sống duy nhất của bà chính là bảo vệ thứ mà tướng quân đã giao cho bà: Giang gia.
Giang lão phu nhân cả đời danh tiếng lẫy lừng, bản thân bà cũng có tính khí cứng như sắt đá.
Chữ“dịu dàng”, từ sau khi tướng quân chết, đã không còn liên quan gì đến bà nữa.
Ngay cả với con trai ruột, bà cũng chưa bao giờ dịu dàng. Cho đến khi đứa cháu gái nhỏ chào đời.
Đứa trẻ này vừa sinh ra đã không còn mẹ, nên Giang lão phu nhân chỉ có thể giữ đứa trẻ ở lại, đích thân nuôi dưỡng dạy dỗ.
Cũng có thể là vì người đã già rồi, nên trái tim cũng trở nên mềm yếu hơn.
Bà ôm lấy đứa trẻ, động lòng rồi.
Đứa trẻ giống như một chiếc bánh bao vậy, vừa mới sinh ra đã có thể cười, Giang lão phu nhân nhìn nó, nhìn thế nào cũng không đủ.
Đứa trẻ lớn lên từng ngày, biết đi, rồi biết nói, rất nghịch ngợm và luôn gây rắc rối.
Bà bất đắc dĩ phải dạy dỗ đứa trẻ, nếu không dạy, bà sợ nàng sẽ đi sai đường nên phải mắt nhắm mắt mở đánh vào lòng bàn tay nàng.
Mỗi lần đánh nàng xong, bà lại đau lòng muốn ch/ết, không muốn thể hiện ra ngoài nên đành quay về phòng, đánh mạnh vào lòng bàn tay mình.
Giang lão phu nhân thích nghe cháu gái đọc sách nhất, giọng sữa bị ngọng đọc: Người là lợn, bản tính lương thiện.
Cũng không biết có phải đứa cháu gái cố tình hay không, lần nào cũng chọc bà cười ra nước mắt.
Bà yêu nàng như yêu mạng sống của mình, thề sẽ dạy dỗ nàng thật tốt để nàng phú quý bình an, một đời vô lo.
Cháu gái cũng xem như là biết nghe lời.
Mãi đến năm mười ba tuổi, cháu gái gặp được thái tử một lần trong cung, thì con người nàng liền thay đổi.
Giang lão phu nhân không thích người trong hoàng gia, bọn họ là loại người bạc tình bạc nghĩa nhất, cuộc sống có quá nhiều nữ nhân vây quanh, sao bà có thể để đứa cháu gái của mình phải chịu tủi thân được?
Bà đã đánh nàng, sau một khoảng thời gian dài.
Nhưng dù có đánh thế nào, cũng không ngăn được trái tim rung động của thiếu nữ.
Ngược lại, nàng càng lúc càng nổi loạn hơn.
Sau này, con trai bà đã tái giá, cưới thêm phu nhân vào nhà.
Cháu gái càng ngày càng phản nghịch hơn.
Cuối cùng, một ngày nọ, cháu gái nhất quyết muốn đi xem thi đấu mã cầu để gặp thái tử thì bất ngờ gặp phải thích khách, còn cứu được thái tử đang bị thương nặng.
Hoàng thượng ban hôn.
Bà bất lực, đành phải nhìn đứa cháu gái của mình bước xuống vực thẳm.
Bà tức giận đến mất đi lý trí, đêm hôm đó, bà phạt đứa cháu gái quỳ trong từ đường cả đêm.
Từ hôm đó, bà không gặp được cháu gái nữa.
Cho đến lúc cháu gái gả vào Đông Cung, mà vẫn bặt vô âm tín.
Bà tự nhủ, con cháu có phúc phần của con cháu, đừng quan tâm đến chúng nó nữa.
Nhưng sao bà có thể bỏ nàng được chứ, bà đành kêu người đến Đông Cung nghe ngóng xem cháu gái của bà sống như thế nào.
Nghe nói thái tử đối xử với nàng rất lạnh nhạt, nghe nói, ngày nào nàng cũng khóc.
Nàng vô cùng đau lòng nhưng muốn giữ thể diện nên không chịu đến tìm bà.
Bà chỉ nghĩ, đợi đến khi nào nàng chịu khổ đủ rồi, tự nhiên sẽ hối hận rồi quay về bên bà.
Nhưng bà không đợi được đến ngày đó.
Man tộc xâm lược, Yến Môn thất thủ, kinh thành cũng trầm luân.
Nghe nói thái tử đã bỏ lại thái tử phi, đưa theo trắc phi chạy trốn, bà lo lắng đến mức phi ngựa đi tìm cháu gái.
Nhưng sắp đến nơi thì bà đã chứng kiến cảnh nàng nhảy lầu.
Khoảnh khắc đó, bà gào khóc không ngừng, đau đớn như thể chính mình là người đã chết.
Bà lao tới ôm lấy nàng.
Đột nhiên nhìn thấy thái tử.
Không biết hắn đã hối hận hay sao mà lại quay về.
Bà tức giận mắng hắn là kẻ hèn nhát và hỏi: “Không phải ngươi đã bỏ rơi nó để chạy trốn rồi hay sao? Ngươi quay lại đây làm gì?”
Thái tử khóc gục xuống đất.
“Ta không hề bỏ rơi nàng, ta, ta đến muộn rồi…”
Bà không muốn nghe hắn giảo biện, tát hắn một cái.
Thái tử ngã xuống đất, mất một lúc không thể đứng dậy nổi, cho đến khi người trong cung tìm được hắn, dìu hắn chạy trốn.
Triều đình dời xuống phía Nam, Giang lão phu nhân cũng đi theo.
Sau này, thái tử đăng cơ, bà không biết tin tức gì về thiên tử, bà chỉ biết rằng cháu gái thứ hai của bà, cũng chính là trắc phi của thái tử, đã chết không rõ nguyên nhân trong lãnh cung.
Hai năm sau, Giang lão phu nhân cũng mắc bệnh trầm cảm mà qua đời.
Sau khi bà chết, Quỷ Sai đã đưa bà đến trước mặt Diêm Vương, nói bà thời còn sống công đức vô lượng, sau khi chết, sẽ được lập vị ban tiên, trở thành Địa Tiên canh giữ một phương.
Vậy mà bà lại từ chối.
Bà quỳ dưới ghế của Diêm Vương, nói bà không có công đức gì, nhưng đã làm ra một chuyện trái lương tâm.
Bà nói, cháu gái của bà chết oan uổng, thỉnh cầu Diêm Vương khai ân, cho cháu gái một cơ hội được sống lại.
Diêm Vương tất nhiên không cho phép.
Bà đành quỳ xin mỗi ngày.
Mãi đến khi bà quỳ đủ mười năm, Diêm Vương không nhịn được nữa mới đồng ý dùng phúc khí mười đời để đổi lấy đứa cơ hội trùng sinh cho cháu gái bà.
Bà nhanh chóng cảm ơn.
Vừa ngẩng đầu lên, bà đã ở trong nhà của mình, con trai đang phàn nàn với bà: “A Vu lại chạy đi gặp thái tử rồi.”
Bà vui mừng khôn xiết, cũng biết rõ ngày này rất quan trọng nên đã vội vàng ra ngoài tìm Giang Vu.
Không ngờ nàng lại tự mình quay về.
Giang Vu quỳ xuống dưới chân bà, gọi bà bằng cái tên đã lâu chưa gọi, “tổ mẫu”.
Sau này, Giang Vu mặc dù vẫn nghịch ngợm như xưa, nhưng không còn xa cách với bà giống như kiếp trước nữa.
Bà kinh ngạc trước sự thay đổi của nàng, rồi lại nghĩ, có lẽ Diêm Vương đã giúp bà một tay, khiến Giang Vu tỉnh táo lại, trong lòng bà cảm thấy rất biết ơn.
Kiếp này, bà nhất định sẽ thay đổi kết cục chết chóc của kiếp trước.
Chỉ là, bà đã không còn ở trong triều từ rất lâu rồi, cũng không có chứng cứ, muốn bảo hoàng thượng canh giữ nghiêm ngặt Yến Môn cũng khó.
Bà liền nghĩ ra cách mua chuộc tử sĩ, giả làm thích khách Man tộc làm loạn kinh thành.
Chiêu này quả thực có hiệu quả, người trong triều đình bắt đầu chú ý đến Yến Môn Quan, nơi đã bị lơ là trong một thời gian dài.
Đáng tiếc, điều bà không ngờ tới được là, triều đình yên bình quá lâu, nên đã sớm quên mất cách chiến đấu rồi.
Tháng mười, Yến Môn bị tấn công, thương vong vô số.
Tuy nhiên, triều đình không cử thêm binh lực cứu viện.
Bà rất muốn đi, nhưng bà đã già rồi, thân thể không còn tốt như trước nữa, cho dù có ra tiền tuyến chiến đấu cũng khó giành được thắng lợi.
Hơn nữa, nếu bà chết, thì Giang Vu phải làm sao?
Bà sợ nếu kéo dài sẽ lại có kết cục giống như kiếp trước nên đã khuyên hoàng thượng dời đô về phía Nam.
Cuối cùng, Hoàng thượng cũng đồng ý.
Bà vội vàng quay về thu dọn hành lý, nhưng Giang Vu lại dùng tính mạng ép bà, phi ngựa chạy về phía Yến Môn.
Lúc này bà mới biết, cháu gái của mình đã có tình cảm sâu sắc với tội thần kia.
Bà phái người đuổi theo nhưng không theo kịp Giang Vu.
Bà không còn cách nào khác, quyết định quay lại chiến trường cứu nàng trở về.
Mọi chuyện không dễ dàng như vậy, bà không có binh mã, triều đình suy yếu, sẽ không cho bà mượn binh lính đâu.
Bà chỉ đành mượn từ các phủ doãn, tiêu hết gia tài, thu mua nghĩa sĩ, mới tập hợp đủ người và ngựa vào giữa tháng mười một.
Bà đưa theo những người này tiến thẳng đến Yến Môn.
Nữ hầu tước đã già nhưng Man tộc vẫn bại trận dưới váy bà.
Bà đánh đuổi Man tộc ra trăm dặm, nhưng thân thể không còn được như lúc còn trẻ, vừa về Yến Môn bà đã ngã gục.
Tội thần kia đã tìm rất nhiều đại phu đến để chữa trị cho bà, nhưng bà không dám cảm kích, bà sợ cảm kích rồi sẽ khiến cháu gái phải trả giá.
Bà biết Giang Vu thích Tiêu Bạc Ngôn, nhưng bà không đồng ý, Tiêu Bạc Ngôn thân mang tội, tương lai không chắc chắn, sao bà có thể bằng lòng để cháu gái mình phải chịu khổ được?
Mãi cho đến sau này, bà ngày ngày tiếp xúc với hai người họ, tận mắt chứng kiến cách Tiêu Bạc Ngôn đối xử dịu dàng với Giang Vu và cách hắn chiều chuộng nàng, trái tim bà mới dần chấp nhận hắn.
Vài ngày sau, Tiêu Bạc Ngôn lại quỳ ngoài cửa phòng bà thêm ba ngày nữa.
Lúc này bà mới đồng ý.
Bà qua đời vào mùa xuân.
Sau khi chết, Quỷ Sai đến đón bà rời đi.
Bà hỏi có phải bà sắp bị đưa đi chịu khổ không.
Quỷ Sai cười nói: “Ngài là nữ hầu tước có công cứu thế, chết rồi mà vẫn phải chịu khổ, vậy chẳng phải là thiên đạo bất công sao?”
Bà sửng sốt.
Quỷ Sai nói: “Chuyện lấy đi phúc khí mười đời sau của ngài, là Diêm Vương lừa ngài đấy, vị trí Địa Tiên này, Diêm Vương vẫn giữ cho ngài. Lão phu nhân, ngài muốn làm Địa Tiên ở đâu?”
Bà ngẩng đầu lên, nhìn nhân gian cỏ xuân vô tận, trả lời không chút do dự.
“Yến Môn.”
(HẾT)