Lững thững đi vào ngõ rồi dừng lại trước cổng Phương Nhi nghển cổ ngó vào nhà. Bà ô sin chạy ra thì thào:
- Chưa vào được, đợi thêm tý!
Sao phải đợi, bởi vì bây giờ nhà cô y như thùng thuốc súng, cô đi không khéo va phải ai đó nổ banh xác chứ chẳng chơi. Vậy Phương Nhi phải né ai, chính là bố của cô. Ông ghét Phương Nhi, rõ ràng rồi. Mà ngoài mẹ cô ra người nào bố cô chả ghét. Hàng xóm láng giềng đều cho bố cô là gã gàn dở, ai cũng ngại.
Sao bố cô lại ghét cô? Phương Nhi không biết, cô chưa nhận được 1 lời giải thích hợp lí nào. Có phải vì cô là con gái, con 1 nên như hầu hết đàn ông Việt Nam muốn có con trai, cô thành ra đáng ghét? Hay vì những lựa chọn của Phương Nhi luôn đi ngược với ý ông nên ông ghét?
Dù gì thì cô cũng bị ghét và nó trở thành nỗi ám ảnh đối với cô, theo Phương Nhi vào cả những giấc mơ, những cơn ác mộng, nơi cô phải nghe ông rủa xả, rồi khóc ấm ức đến ướt đầm cả gối.
Là vì Phương Nhi sống ở cái nước Việt Nam này con cái chưa lập gia đình dù có đủ tiền mua nhà cũng chẳng thể chuyển ra ngoài vì sợ dị nghị này kia nên cô cứ phải chịu đựng, chịu đựng mãi.
Đã từng có 1 khoảng thời gian ước ao cháy bỏng của cô là kiếm được 1 tấm chồng, vậy là sẽ có thể đường đường chính chính bước ra khỏi nhà. Nhưng không lâu sau đó Phương Nhi lại phát hoảng với ý nghĩ lỡ đâu lại rước phải 1 gã như bố mình thì sao.
Bố cô đối xử với mẹ cô rất tốt. Trừ mẹ cô ra, phần còn lại của thế giới, ôi thôi đừng hỏi. Ngay cả ông ngoại Phương Nhi người đã đứng ra xin cho gã nhà quê là bố cô 1 công ăn việc làm tốt ở Hà Nội cũng bị bố cô làm cho tức chết.
Căn bản mà nói giữa Phương Nhi và bố mẹ không có mối liên kết. Cô bị đưa về sống ở nhà ông bà ngoại từ nhỏ. Tại sao? Câu trả lời thật khó nuốt, đó là bố mẹ Phương Nhi còn bận kiếm tiền. Đến khi vào đại học cô mới quay về sống với họ.
Biệt thự mà ông bà ngoại Phương Nhi sống khá lớn, không phải nhất chỉ to thứ 3 trong cả khu nhà thôi. Ngoài ông bà ra còn có dì với cậu lúc ấy vẫn chưa lập gia đình. Nhà cô toàn kết hôn muộn, không biết do truyền thống hay di truyền, mà cái này có di truyền không nhỉ. Vì vậy Phương Nhi cũng sắp băm đến nơi vẫn chưa thấy rục rịch gì.
Vậy cô ở nhà bà ngoại có được yêu thương không? Sống cùng nhau suốt 8 năm nhưng giờ có hỏi món ăn ưa thích của Phương Nhi là gì cũng không ai biết. Thế là đủ để trả lời câu hỏi cô có được yêu thương không rồi nhé.
Còn ai muốn tìm hiểu thêm thì để cô kể cho chuyện này: khi con bé 10 tuổi là Phương Nhi kêu nhớ mẹ, đòi về với mẹ thì dì cô trả lời ráo hoảnh:
- Bố mẹ mày không cần mày nữa, mày về đấy là họ chặt chân!
Thực sự Phương Nhi không hiểu nổi người thân của mình, đã chẳng yêu thương cô còn nuôi cô làm gì.
Bây giờ quay lại vấn đề chính, sao nhà Phương Nhi thành thùng thuốc súng. Bình thường thì đã có mùi thuốc súng quanh đây, chỉ là giờ đậm đặc thêm chút thôi.
Đã bảo rồi bố cô ghét cô nên khi ở nhà Phương Nhi luôn triệt để tránh ông, nghe tiếng ông bên ngoài thì cô sẽ ngồi lỳ trong phòng không ra.
Tuy nhiên vẫn có những lúc không thể tránh được: bữa ăn. Vậy là việc vừa ăn vừa nghẹn với cô đã quá quen thuộc. Suốt bữa ăn ông luôn chì chiết hoặc bóng gió xa gần, đến lúc Phương Nhi không chịu nổi đứng lên khỏi bàn còn nghe ông nói với theo:
- Ừ nhịn đi, xem có chết không!
Thời phổ thông cô sống trong nhà ông bà ngoại. Hồi ấy thường là sáng học ở trường chiều đi học thêm. 1 giờ chiều Phương Nhi vào học nhưng nhà bà ngoại 2 giờ mới có bữa trưa. Vậy nên cô toàn vạ vật ăn cơm bụi hoặc ăn ở nhà Huy.
Huy là hàng xóm của cô, 2 nhà đối diện nhau. Khi Phương Nhi học năm cuối phổ thông trung học nhà cô còn đang xây, đến lúc cô vào đại học mới xong, nên câu hỏi đặt ra: làm sao Phương Nhi quen Huy được? Đấy là vì nhà cô gần nhà bà ngoại.
Thật ra ông ngoại thấy mảnh đất đẹp đẹp mới bảo bố mẹ cô mua, vậy nên Phương Nhi đã lượn lờ quanh đây trước cả khi nhà cô xây xong và rồi Huy đá bóng trúng người cô do đó Phương Nhi mới quen anh ta.
Biết thế thôi, quen thế thôi chứ khi còn học phổ thông cô chưa yêu Huy. Mà Huy lớn hơn cô 2 tuổi lúc đấy đang yêu người khác.
Mẹ Huy đã mất mấy năm trước do bệnh tim, 3 bố con Huy sống với nhau, Huy còn có 1 đứa em trai. Mọi người trong khu nhà gọi bố Huy là "ông 10 trứng" vì lần nào ghé qua chợ cũng mua 10 quả trứng. Thì tại trứng vừa rẻ, vừa dễ chế biến có thể nấu ra được nhiều món ngon mà.
Là hàng xóm của nhau cũng chẳng có vấn đề gì, cao trào của mọi chuyện là khi thợ xây nhà cô làm ngày làm đêm để cho kịp bàn giao công trình, 11, 12 giờ đêm vẫn xây xây trát trát.
Ở trong khu dân cư ai cho phép thế 10 giờ tối dù có làm gì cũng phải giảm âm lượng, tránh gây phiền đến người khác, do đó bố Huy ra phàn nàn. Hôm sau thợ làm ồn ông lại ra và quát ầm lên.
Lúc này bố Phương Nhi đã rình sẵn xông vào cãi nhau với bố của Huy. Rồi đến Huy, ranh con láo toét, cũng nhảy vào nữa, thật tưng bừng náo nhiệt.
Tới khi Phương Nhi chuyển về sống thì Huy bắt đầu chú ý đến cô hơn. Mà ngẫm lại Phương Nhi cũng chẳng biết Huy để ý tới cô thật không hay đấy chỉ là để chọc tức bố cô, trước đó anh ta chê bai cô đủ điều.
Như đã nói khi Phương Nhi còn học phổ thông Huy đang yêu người khác, bạn học cùng phổ thông trung học. Anh dân kiến trúc, chị dân mỹ thuật, tâm hồn nghệ sỹ đồng điệu lãng mạn, tinh tế không như cô cái loại con gái chuyên toán rồi thành dân kinh tế khô như ngói.
Rồi đùng 1 cái họ chia tay, Huy quay sang cô, cứ xa xa gần gần khiến Phương Nhi nuôi hy vọng. Rồi lại đùng 1 cái anh ta quay lại với người yêu cũ.
Phương Nhi sẽ luôn nhớ mãi ngày mà cô sang nấu ăn ở nhà Huy như mọi khi thì người ra mở cửa là chị ta. Rất đon đả chị ta mời cô vào nhà ăn trưa như thể chị ta là người chủ hợp pháp của căn nhà.
Mặt Phương Nhi lúc ấy chắc phải thê thảm lắm may thay em trai Huy xuất hiện kịp thời cứu nguy cho cô. Nó thoái thác rằng cô và nó có việc phải đi rồi kéo Phương Nhi ra ngoài. Ngồi trong quán cafe cô khóc như mưa mặc cho người xung quanh trố mắt nhìn.
Những ngày kế cô chẳng có dịp bước chân vào nhà Huy nữa vì chị ta luôn ở đó còn em trai Huy thì luôn ở bên cô, nhắn tin, gọi điện, rồi kéo Phương Nhi đi khắp nơi để cô vơi bớt nỗi buồn. 1 năm sau Huy và bạn gái cùng đi du học còn cô và em trai Huy chính thức yêu nhau.
Những tưởng thế là chấm dứt chuỗi ngày bi kịch của cô nhưng không, giống như Huy em trai anh ta rồi cũng đá Phương Nhi.
Mẹ Huy đã mất, bố anh ta tái hôn với 1 góa phụ có 1 đứa con gái. Sau khi Huy đi du học 1 thời gian, bố và em trai Huy chuyển về sống trong nhà mẹ kế của Huy, còn nhà anh ta thì cho thuê.
Vậy thì sao, chỉ là chuyển đi xa hơn 1 chút chứ có phải là cách núi ngăn sông muốn gặp mà không gặp được đâu. Nhưng trớ trêu thay, em trai Huy lại đem lòng yêu con riêng của mẹ kế.
Nam thanh nữ tú ở chung 1 nhà nên nảy sinh tình cảm với nhau hay cái máy bay bà già là cô không đủ hấp dẫn cậu ta, cô hơn cậu ta 2 tuổi? Chẳng rõ là lí do nào nữa.
Lần chia tay này đau thật là đau, Phương Nhi như muốn chết đi sống lại. Để trốn tránh mọi chuyện học xong đại học cô đi du học, cũng mới về gần đây. Và không biết là trùng hợp hay gì, cậu ta cũng quay lại. Nhà không cho thuê nữa vì cậu ta lấy vợ rồi, không phải con riêng mẹ kế, cần 1 cơ ngơi để sống.
Sao cuộc đời Phương Nhi lại be bét thế này, sao chỉ muốn sống yên ổn 1 chút thôi cũng không được thế. Nào cô có lỗi gì, cậu ta phản bội cô, cậu ta bỏ cô kia mà. Vậy sao 2 vợ chồng cậu ta cứ tìm cách kiếm chuyện với nhà Phương Nhi, từ việc cố ý để cả đống rác trước cửa đến trò hắt nước bẩn từ trên cao xuống.
Toàn chuyện khiến người ta nổi điên thì 1 kẻ điên sẵn như bố cô bực tức cũng chẳng đáng ngạc nhiên.
Còn chuyện này mới thuộc dạng đỉnh cao: phòng Phương Nhi đối diện với phòng ngủ của họ, vậy là họ cứ lôi nhau ra ban công hay cửa sổ mà xếp hình. Bên này là tiếng gầm gừ của bố, bên kia là tiếng rên rỉ của đôi uyên ương, Phương Nhi nghĩ mình sắp quá sức chịu đựng rồi. Phải đấy, bộ óc của cô có dấu hiệu quá tải chập cháy nổ, đã thấy khói trắng lơ lửng bốc lên trên đầu.