*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Editor: Quả dứa có gai

Người dân ở trấn Lũng Thủy rất coi trọng ngày sinh nhật, khi người già mừng chỉnh thọ*, sẽ làm không ít màn thầu trắng đóng dấu đỏ và tặng cho người quen, việc này gọi là dính phúc khí, cầu mong lão nhân sống lâu trăm tuổi. (*Chỉnh thọ: tuổi tròn chục như 60, 70, 80,...)

Trẻ em dưới mười tuổi khi mừng sinh nhật thì nhuộm trứng gà đỏ, mang đến đầu ngõ phát cho người qua đường. Mục đích là để nghe được những lời chúc tốt lành, mong đứa trẻ có phúc khí, không bị chết yểu.

Từ mười tuổi trở lên, sinh nhật phải được làm lớn. Nếu là con gái, nghĩ đến chuyện thời gian ở trong nhà qua một năm lại ít đi một năm, sinh nhật liền không thể qua loa. Còn với con trai, làm lớn để mong con trưởng thành khỏe mạnh, có thể làm chủ việc nhà, gánh vác một phần trách nhiệm cho gia đình.

Như Hạ gia là long phượng thai, hàng năm đều tổ chức rất náo nhiệt, vừa mời là mời cả gia đình người thân quen đến ăn cơm. Một nhà A Hạ năm nào cũng qua đó, người nhỏ mang quà của người nhỏ, người lớn tặng quà của người lớn.

Hôm nay vừa qua giờ trưa không lâu, mẹ Phương thay bộ quần áo mới tinh, xách một giỏ đồ rồi gọi: "A Hạ, con mau ra đây, đi với ta đến nhà Hạ di trước. Nhà họ hôm nay đông người, ta đến giúp một tay."

"Tới đây ạ."

A Hạ từ phòng làm mộc ôm ra một cái ổ mèo được bọc bằng vải, che chắn kín mít đến mức chỉ có thể nhìn thấy hình dáng đại khái. Nàng tựa đầu trên đó, nói một cách mơ hồ: "Con xong rồi."

"Thứ gì mà còn phải che che giấu giấu thế, để ta cầm cho."

Mẹ Phương vừa nói vừa đổi giỏ sang tay bên kia, chuẩn bị nhận lấy, nhưng A Hạ lắc đầu, "Không cần đâu nương, con tự cầm được mà."

"Tùy con, tùy con."

Hai mẹ con ra khỏi cửa, vì ôm theo một món đồ khá lớn nên rất thu hút sự chú ý. Vừa đi được vài bước, bà lão nhà họ Lý đang ngồi trước cửa nhặt rau liền cười vui vẻ hỏi: "Ôi chao, A Hạ ôm cái này đi đâu thế?"

"A bà, con đến nhà Sơn Đào, cái này để tặng bọn họ ạ."

"Ồ, vậy con mau đi đi, hôm nay nhà họ náo nhiệt lắm."

A Hạ gật đầu, nở nụ cười rồi vội vã đi tiếp. Đến giao lộ hẻm Thiên Hà, từ xa nàng đã trông thấy trước cửa Hạ gia có một đám người tụ tập, có người đang dựng sân khấu, nàng liếc mắt một cái liền biết ngay là Trương a gia được mời đến múa rối bóng vào tối nay.

Sân khấu còn chưa dựng xong, bên cạnh đã có không ít trẻ con vây quanh, nhảy nhót tung tăng, vô cùng vui vẻ.

Chờ khi đến gần hơn, một người phụ nữ quen biết với mẹ Phương nhìn thấy hai người, bước tới chào hỏi, liếc mắt đánh giá A Hạ một cái rồi cười rộ lên, "Tiểu Cần à, A Hạ nhà ngươi càng ngày càng xinh đẹp, rất có bộ dáng của ngươi thời trẻ. Nếu là gặp trên đường, e rằng ta cũng không nhận ra nổi."

"Ta còn không biết cái miệng này của ngươi sao, chỉ giỏi nói lời hay. A Hạ, chào Đinh di đi con." mẹ Phương tuy nói lời trêu ghẹo, nhưng trên mặt lại cười tươi như hoa, nghe người khác khen A Hạ là nàng ấy lại vui sướng trong lòng.

"Đinh di," A Hạ thân thiết gọi một tiếng, ngay sau đó liền nói, "Nương, con đi tìm Sơn Đào trước nhé."

"Đi đi, đi đi."

Cái nhà cho mèo mà A Hạ nhờ ông nội làm quả thật hơi nặng, chưa kể bên trong còn có quà cho Sơn Đào, mới đi tới cửa nàng đã cảm thấy mệt thở không ra hơi.

Không ngờ vừa bước qua ngạch cửa, đồ vật trong tay đã bị người khác nhấc lên. Tay bỗng trống không, A Hạ còn đang ngơ ngác thì nghe thấy một giọng nói vang lên từ trên đỉnh đầu, "A Hạ, ngươi mang cái gì vậy?"

Giọng nói này có chút khàn khàn như vịt đực, lại cũng có chút trẻ con, rất dễ phân biệt, A Hạ nghe liền nhận ra ngay, vui vẻ kêu lên: "Tiểu A Thất, ngươi về rồi!"

Tiểu A Thất gật đầu, hắn có vóc dáng gầy gò, mặt mũi non nớt, nhìn qua liền biết tuổi tác còn nhỏ, thực ra cũng chỉ kém A Hạ vài tháng, nhưng lại cao hơn nàng một đoạn dài.

Hắn hắng giọng, "Ta mới về hôm qua, vốn định đi tìm các ngươi, nhưng biết hai người Sơn Nam tổ chức tiệc sinh nhật nên thôi không làm phiền nữa. Ngươi vẫn chưa nói đây là cái gì, lại nghĩ ra được thứ đồ mới lạ gì à?"

"Không phải đâu, đến lúc đó sẽ cho ngươi xem," A Hạ rất tự nhiên dùng khuỷu tay huých huých hắn, tò mò hỏi: "Xuân Châu có vui không? Còn nữa, Tiểu A Thất, ngươi cao lên nhiều thật đấy."

Tiểu A Thất ôm nhà cho mèo vững vàng bước về phía trước, hếch cằm, "Đó là đương nhiên, ta đã mười lăm tuổi rồi, đương nhiên là phải cao lên một đoạn chứ, A Hạ à, ngươi còn phải phát triển thêm."

Đôi mắt hắn ngó xuống, giọng điệu rõ ràng rất bình thường, nhưng A Hạ lại nghe ra ý trêu chọc, nàng nhìn vóc dáng cao ráo của Tiểu A Thất, rồi nhìn lại bản thân, sao chỉ thấy thịt tăng mà không thấy cao lên chút nào nhỉ.

Thật là bực mình mà.

"Đừng có mà lấy chiều cao ra nói chuyện, nếu phải so thì ngươi cũng đâu cao bằng Thịnh Tầm ca với Tam Thanh ca."

A Hạ giận dỗi nói, Tiểu A Thất cũng không trêu nàng nữa, chỉ cười cạc cạc, nàng liền phun ra một câu, "Như tiếng vịt kêu."

"Ặc, ngươi còn như vậy, ta sẽ không chia phần quà mang từ Xuân Châu về cho ngươi đâu."

"Ôi, vừa rồi là ai cười đấy, nghe còn êm tai hơn cả tiếng đàn sáo trên thuyền hoa."

A Hạ lập tức thay đổi thái độ, nàng tự nhận mình là người co được dãn được, không thể bởi vì giận dỗi mà không nhận quà được.

Tiểu A Thất đã quá quen với sự lật mặt này của nàng.

Mà ở trên lầu hai, Sơn Đào và Hiểu Xuân mở cửa sổ xem toàn bộ cảnh tượng thì cười khúc khích, tiếng cười lớn đến mức còn bị A Hạ nghe thấy, nàng ngước đầu nhìn lên, rồi nhấc váy bước đi, còn không quên chào hỏi bác gái nhà họ Hạ một tiếng.

Bước lên lầu, lầu hai Hạ gia có một gian đại sảnh rộng lớn, bên trong ngoài bàn ghế còn chất đầy lễ vật.

Sơn Đào, Hiểu Xuân và Sơn Nam đang ngồi trên cái ghế dựa cửa sổ, lúc A Hạ đi đến, bọn họ vẫn chưa ngưng cười, vừa cười vừa bảo nàng ngồi xuống.

"Mau ngồi, mau ngồi."

"Thứ đồ này nặng thật đấy, mau cho ta xem thử là cái bảo bối gì," Tiểu A Thất cuối cùng cũng đi tới, đặt đồ lên trên bàn, thở hổn hển nói.

"Ta cũng muốn xem."

Sơn Nam ngả đầu về phía trước, mắt lộ vẻ chờ mong, Sơn Đào và Hiểu Xuân ở bên cạnh thì cười trộm, bởi vì các nàng đã sớm biết bên trong là gì rồi.

"Được rồi, cho các ngươi xem," A Hạ vừa nói vừa kéo tấm vải ra, để lộ một ngôi nhà cho mèo thật lớn, là hình một chú mèo đang há rộng miệng ngáp, tai nhọn râu dài, cái miệng tròn vo rất to. Ngoài ra, ngôi nhà còn có một cánh cửa tròn, toàn thân được A Hạ sơn màu vàng trắng, bên trong lót một tấm đệm sặc sỡ màu sắc, ở chính giữa treo một chiếc lục lạc.

"Quả nhiên vẫn là A Hạ có nhiều ý tưởng," Tiểu A Thất nhấp một ngụm trà cảm thán, những thứ đồ mà các tiểu cô nương yêu thích như thế này, hắn hoàn toàn không hứng thú.

Sơn Nam thì do dự, "Cái này là tặng cho ta hay là cho Sơn Đào?"

Màu sắc và hoa văn quá lòe loẹt.

"Tất nhiên là cho ngươi," A Hạ nghiêm túc nói, "Ta đã chuẩn bị mấy ngày lận đó."

"Đúng là mấy ngày thật, nếu không phải ta nhắc, năm nay nàng còn chẳng nghĩ ra nên tặng cái gì đâu," Sơn Đào vạch trần nàng, rồi cùng Hiểu Xuân cười ồ lên, sau đó từ trong phòng mình ôm ra một cái lồng làm bằng mây tre đan, bên trong có một bé mèo con màu xám trắng đang kêu meo meo, thỉnh thoảng còn liếm liếm móng vuốt.

Đặt lên bàn lập tức thu hút ánh nhìn của mọi người, Sơn Nam nuốt nước bọt, không dám tin mà chỉ vào chú mèo con kia, nói: "Đây cũng là cho ta?"

"Đương nhiên, trước đó chẳng phải đệ luôn muốn nuôi một con mèo sao, ta đã đặc biệt mang một túi đường đến nhà Văn di để hỏi xin đấy. Đệ nói xem đệ có thích không?"

Sơn Đào vừa nói vừa thả bé mèo con ra, nó còn chưa đi vững, bước về phía trước được hai bước đã "phịch" một tiếng ngã lăn ra bàn, rồi nó thuận thế duỗi thẳng người ra, cái đuôi nhỏ vẫy loạn, không chịu nhúc nhích nữa.

Sơn Nam dùng ngón tay chọc chọc, trên khuôn mặt mập mạp hiện lên hai cái má lúm nho nhỏ, cười khì khì, "Tất nhiên là thích rồi, ta phải đặt cho nó cái tên, gọi là..."

Hắn suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng một tia ý tưởng chợt lóe lên, "Gọi là Một Bao Đường."

Tiểu A Thất thiếu chút nữa là phun trà trong miệng ra, sau khi cố gắng nuốt xuống thì cười đến suýt đau sốc hông, "Gì cơ, Một Bao Đường? Sơn Nam, ngươi đi học uổng công quá."

Hiểu Xuân cũng cười đến nỗi thở hổn hển, "Một Bao Đường, cái tên gì vậy trời, còn không bằng gọi là Phương Đường." (Phương Đường: Đường Khối)

"Phương Đường? Vậy chẳng phải theo họ A Hạ sao, trong nhà nàng đã có Bánh Gạo và Bánh Trôi rồi, không được, muốn gọi thì phải gọi là Hạ Đường."

Sơn Đào không phục.

A Hạ chờ bọn họ nói xong mới chậm rãi lên tiếng: "Những cái tên này đều khó nghe, gọi là Hạ Đường, còn không bằng gọi là Hạt Sen đâu. Các ngươi nghe xem, Hạ Đường Hạ Đường chẳng phải giống Hà Đường(**) sao, mà Hà Đường thì nhiều cái gì, chính là hoa sen sinh ra hạt sen. Ấy, đừng nhìn ta như vậy, không tin thì các ngươi nghe ta gọi một tiếng, nếu nó đáp lại thì chứng tỏ nó thích cái tên này. (**Hà Đường: hồ sen).

Nàng ngồi sau lưng mèo con, thực sự bắt đầu gọi, "Một Bao Đường."

Đôi tai nhọn màu xám của bé mèo giật giật, nhưng nó không quay lại, nàng tiếp tục gọi: "Phương Đường, Hạ Đường."

Hoàn toàn bất động, nàng lại lên tiếng, "Hạt Sen."

Mèo con kêu meo một tiếng, A Hạ thấy có hy vọng, liền gọi tiếp: "Hạt Sen, Hạt Sen, lại đây."

Bé mèo quay đầu lại, do dự mà xoay người, bước tới phía trước vài bước, râu mép rung rung.

A Hạ mừng đến híp cả mắt, "Ta đã nói nó thích cái tên này mà."

Sơn Nam thực bi thương, hắn cảm thấy Một Bao Đường nghe rất êm tai, quyết tâm về sau mỗi ngày đều sẽ gọi nó bằng cái tên này, lâu dần tự nhiên sẽ có thể sửa được.

Có điều, sau đó mỗi lần Hạt Sen nghe thấy cái tên ấy, nó đều nằm im tại chỗ.

Tạm quyết định tên cho mèo con xong, A Hạ móc từ trong tay áo ra một chiếc hộp, đẩy về phía Sơn Đào, "Tự mở ra xem đi."

"Nào, để ta xem thử tặng cái đại lễ gì đây," Sơn Đào cúi đầu mở chiếc hộp dài kia ra, Hiểu Xuân cũng nghiêng người sang nhìn. Bên trong là một cái vòng tay, sợi dây được làm bằng vàng, rủ xuống vài quả đào màu hồng phấn, đại khái là dùng hạt châu mài ra, có chút thô, hẳn là tay nghề thủ công của chính A Hạ.

Tuy ngày thường Sơn Đào hay cãi nhau với nàng, song nàng ấy lại rất thích người chị em này, lập tức mặt mày hớn hở, bảo Hiểu Xuân đeo lên cho mình.

Còn cứ lắc lắc mãi không thôi.

Những món quà khác cũng đã được tặng đi, Sơn Nam tặng cho Sơn Đào một tấm vải rất xinh xắn, để may thành trang phục mùa xuân thì tuyệt đẹp. Hiểu Xuân lần lượt tặng bút mực và đồ trang sức, Tiểu A Thất muốn tỏ ra hào phóng hơn nên tặng mỗi người một bộ tách trà.

Điều này khiến A Hạ bỗng nhiên mất đi phần nào hứng thú với món quà mà hắn mang về từ Xuân Châu.

Nhưng đối với Xuân Châu thì vẫn còn rất hứng thú, A Hạ chưa bao giờ rời khỏi cái trấn này.

Thật ra, nàng có rất nhiều cơ hội để đi ra ngoài, chưa kể đến việc bác ruột nàng là ngư dân đánh cá ngoài biển, chuyên tới các thành trấn khác để buôn bán cá. Mà chỉ cần đi theo cha nàng là đã có thể đến được các trấn khác rồi, nhưng không hiểu sao nàng lại không muốn đi, tuy vậy nàng vẫn rất thích nghe người khác kể về những điều mà họ đã thấy qua.

Tiểu A Thất buông chân đang vắt chéo xuống, hồi tưởng: "Xuân Châu lớn lắm, ít nhất so với trấn này thì lớn hơn nhiều. Người ở nơi đó ăn mặc rất đẹp, chỉ riêng thuyền hoa thôi đã cao đến ba tầng..."

"Oa," A Hạ dù không cảm thấy ngạc nhiên, nhưng vẫn rất hưởng ứng, khiến những người còn lại đều ngơ ngác nhìn nàng, muốn cười lại không dám cười.

Tiểu A Thất không còn cách nào, bèn đem hết mọi chuyện chấn động ra kể, suốt cả buổi chiều, trà cũng đã uống hết ba, bốn chén. Nếu còn không ăn cơm, chỉ e đi một bước cũng có thể nghe thấy tiếng bụng hắn kêu rồn rột.

May mắn thay, có người ở dưới lầu gọi: "Ăn cơm thôi..."

Mấy người khác còn chưa kịp phản ứng, Tiểu A Thất đã đẩy ghế ra xa nửa thước, nhìn lại, người cũng đã đi đến cửa. Đợi khi bốn người họ từ từ bước xuống, mọi người đã ngồi sẵn ở bàn chờ khai tiệc.

A Hạ thật sự không còn lời nào để nói, nàng cũng không ngồi cùng nương mình mà ngồi theo Sơn Đào. Một bàn ngồi đầy những tiểu cô nương tươi sáng, phần lớn đều là thân thích của Hạ gia.

Nàng cũng không cảm thấy ngượng ngùng chút nào, thoải mái hào phóng chào hỏi từng người một, các tiểu cô nương đều vui vẻ đáp lại, coi nàng như thể thân thích trong nhà.

Một, hai tiểu cô nương nói chuyện còn đỡ, mười mấy tiểu cô nương tụ họp lại, người này một câu, người kia một câu, làm A Hạ có chút không ứng phó nổi, khi nàng cảm thấy miệng khô, lưỡi khô, cuối cùng đồ ăn cũng được dọn lên.

Nhà họ Hạ đãi tiệc rất thịnh soạn, món đầu tiên là đậu phụ gạo, có thể xem là một món ăn cao cấp, tuy gọi là đậu phụ, nhưng lại không phải làm từ đậu nành. Sử dụng gạo tẻ ngâm qua một đêm, xay thành hỗn hợp bột. Đổ trực tiếp hỗn hợp bột vào nồi nấu, khi sôi sùng sục thì phải dùng đũa cả khuấy đều. Việc này rất tốn sức, lúc loãng thì còn đỡ, đến khi sệt lại thì khuấy như khuấy kẹo mạch nha, rất mệt mỏi.

Để biết món đậu phụ gạo đã đạt hay chưa, cần phải xem nó có dính hay không. Nếu không dính thì có thể múc vào khuôn đậu phụ đã lót khăn vải ướt, sau đó đậy ván nắp và đè đá lên trên để tạo hình.

Đậu phụ gạo có màu trắng hơi ngả vàng, mềm mại và đàn hồi hơn cả đậu phụ bình thường. Người dân ở trấn Lũng Thủy rất chú trọng việc chế biến món ăn này sao cho thật tươi ngon, tảng đậu phụ gạo được cắt thành từng miếng vuông và nước súp thì không thể dùng nước suông, mà phải sử dụng nước hầm từ gà tơ hoặc gà mái già.

Chỉ có đậu phụ gạo thôi thì chưa đủ, mà còn phải cho thêm vào đó măng mùa xuân thái sợi, trứng tráng thái sợi, thịt nạc thái chỉ, tôm nõn,... màu sắc phối hợp phong phú.

A Hạ thích nhất là cái cảm giác mềm mại và đàn hồi này, rất mềm nhưng lại không quá nhừ, nước súp tươi ngon thanh ngọt, lại gắp một đũa mộc nhĩ thái sợi, dai giòn sần sật, tiếp đến cắn một miếng tôm nõn, chỉ hai từ thôi, "trơn mượt". Sợi trứng tráng hút nước, ăn vào sẽ cảm nhận được trọn vẹn vị nước súp.

Chờ khi A Hạ vùi đầu húp hết nước súp, nhìn lại, cả một bát lớn đậu phụ gạo đã thấy đáy, chỉ còn lại vài giọt dầu, nàng lập tức thấy hối hận vì đã không múc thêm hai muỗng.

Đợi đến lúc những món ăn khác như tương xương nhuyễn, cá đù vàng hấp, khâu nhục rau khô,... được dọn ra, nàng chẳng còn tiếc nuối món đậu phụ gạo nữa, tay không ngừng gắp, chẳng bỏ sót món nào.

Món cuối cùng được dọn lên không phải là món ăn thông thường, mà là mì trường thọ.

Trấn Lũng Thủy có một tình yêu đặc biệt với mì trường thọ, trong rất nhiều dịp vui đều có sự xuất hiện của món ăn này, đặc biệt trong ngày sinh nhật càng không thể thiếu, dù là những gia đình không có điều kiện cũng sẽ mua một bó mì trường thọ để ăn mừng sinh nhật.

Mì này được làm từ tinh bột mì theo công thức bí truyền, sợi mì vừa mỏng vừa dài, sau đó đem phơi khô trên mấy chiếc giá. Khi nấu chín trong nước, mì sẽ trở nên trơn và mềm, chỉ cần nêm thêm chút muối, đập vào một quả trứng gà là đã vô cùng thơm ngon.

Nhà họ Hạ cũng không chế biến món này cầu kỳ phức tạp, trên mì chỉ đặt một quả trứng ốp la, lượng mì không nhiều lắm, chỉ ba sợi, nhưng được làm rất dài, cho nên cuộn lại cũng được non nửa chén nhỏ.

Khi chia mì, cha Hạ hớn hở nói: "Mọi người nhất định phải ăn món mì này, để lấy may mắn, sống lâu trăm tuổi. Trẻ con càng không được bỏ mứa, ăn giỏi lớn lên sẽ khỏe mạnh."

Chỉ cần nghe những lời này, thì chẳng có lý gì để bỏ thừa lại mì trường thọ cả.

Dù đã ăn rất no, mọi người vẫn cố gắng nuốt hết mì xuống bụng, thậm chí cả nước dùng cũng uống sạch. Đáng thương A Hạ ăn no đến mức không thể động đậy, chờ đến khi tiêu bớt thì trời cũng đã tối mịt, mấy bàn người lớn vẫn đang trò chuyện, còn bọn trẻ con thì đã chạy ra ngoài hết.

Múa rối bóng sắp bắt đầu rồi.

Chú thích:

i, Đậu phụ gạo (米豆腐):



ii, Khâu nhục rau khô (干菜扣肉):

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play