Uy Vũ gào to đến mức gây cả sự chú ý của sư phụ. Người đi tới chỗ bọn ta, trừng mắt lườm hắn, bắt hắn phải xin lỗi ta. Uy Vũ bất đắc dĩ nói:

- Vũ xin lỗi Tư tỷ, nhưng Tư tỷ vẫn đáng ghét á!

Lồng ngực ta đau buốt, trong phút chốc, ta cảm thấy như bị ngạt. Sư phụ dìu ta về phòng. Người cho ta uống thuốc an thần rồi đi ra ngoài cho ta nghỉ ngơi. Khoảng một canh giờ sau, Niên Ý cầm một túi đồ to đùng đem qua phòng ta, ngập ngừng trình bày:

- Đơn tần nương nương, cậu Tâm bảo em đem váy áo qua cho nương nương.

Ta tò mò hỏi nàng:

- Sư phụ biết ta về vội, quên không đem theo đồ ư?

- Dạ không ạ. Đây là đồ thị vệ để lại ở phủ chúng ta, chắc do Hoàng thượng sai người chuẩn bị từ trước. Nương nương mau dậy đi, em hầu nương nương tắm gội.

Trong lúc chải tóc giúp ta, Niên Ý thỏ thẻ nói:

- Đơn tần nương nương cho Niên Ý xin lỗi. Em nhất thời nóng giận nên hành động hồ đồ.

- Ừ. Tay em làm sao mà đỏ vậy? Sư phụ đánh em ư?

- Là em tình nguyện chịu phạt, em thà bị đánh còn hơn bị cậu Tâm đuổi ra khỏi phủ.

- Ta thật không thể hiểu nổi tại sao đối với em, sư phụ luôn nóng nảy?

- Tại em ngu dại khiến cậu Tâm buồn lòng. Em nói với Uy Vũ là nương nương sẽ cướp mất thầy Tâm của Uy Vũ nên Uy Vũ mới nổi cáu đuổi nương nương đi.

- Ra vậy. Có thể thấy Uy Vũ rất thương sư phụ.

- Dạ, cậu Tâm cũng thương Uy Vũ lắm. Cậu đi đâu cũng cho Uy Vũ đi theo. Ngoài chợ, người ta cứ đồn Uy Vũ là con riêng của cậu suốt thôi, còn thi nhau đoán già đoán non xem ai là bu của Uy Vũ.

Uy Vũ giống hệt cha hắn, cha hắn lại là cháu ruột của sư phụ, hiển nhiên, hắn có nhiều nét giống sư phụ. Chưa kể, hắn ở gần sư phụ từ thuở lọt lòng nên tác phong y chang sư phụ. Sư phụ nổi tiếng lạnh lùng với mỹ nhân, người ta tò mò về danh tính mẫu thân Uy Vũ cũng phải thôi. Ta nghe Ngọc Trí kể trong các buổi thượng triều, rất nhiều quan lớn đem việc phỏng đoán chuyện tình của sư phụ ra làm thú vui tiêu khiển:

- Bách Tâm ý à, tưởng thanh cao thế nào mà cũng ác ghê ấy các vị nhể?

- Công nhận, tội nghiệp người đàn bà đã đẻ cho hắn một đứa trẻ kháu khỉnh, giống hắn như tạc tượng vậy mà chẳng có lấy một danh phận.

Toàn những người thích hóng hớt rồi thêm mắm dặm muối, chém gió tung nóc nhà. Hoàng thượng đối với những lời đàm tiếu đó cực kỳ không vui. Ngọc Minh tiết lộ với ta rằng Hoàng thượng đã từng cho mười danh hoạ về Sơn Nam chỉ để vẽ Uy Vũ. Sau khi thấy hắn trong mười bức tranh đều giống hệt sư phụ, Hoàng thượng đã ngồi trầm ngâm suốt một đêm liền trên cây sồi đại thụ. Ta tuy xót chàng nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm. Nếu chàng biết Uy Vũ là con của mình, khẳng định sẽ không tha cho sư phụ. Sư phụ dẫu sao cũng từng dạy dỗ ra biết bao nhiêu anh tài, trong đó có cả chàng, chuyện mua chuộc danh hoạ đối với người chỉ là chuyện vặt. Ta thở dài hỏi Niên Ý:

- Vậy người ta có đoán ra bu của Uy Vũ là ai không?

Niên Ý ngượng ngùng nói:

- Có nhiều người đoán là em ạ. Tại họ nghe thấy Uy Vũ gọi em là bu. Uy Vũ thương em lắm, em nịnh Uy Vũ có xíu thôi mà Uy Vũ đã gọi bu liền luôn á.

- Vậy hả? Chẳng bù cho ta, ta nịnh hắn mỏi mồm mà hắn không chịu gọi bu.

- Thôi! Đơn tần nương nương đừng tốn công nịnh Uy Vũ nữa. Uy Vũ chỉ được gọi em là bu thôi. Em không cho phép người đàn bà khác tranh Uy Vũ của em đâu, nhất là người đã bỏ rơi Uy Vũ chỉ vì vinh hoa phú quý như nương nương. Nương nương không chăm Uy Vũ ngày nào cả, không xứng đáng được làm bu của Uy Vũ.

Niên Ý quả thực rất thẳng thắn. Chỉ là, ta cảm thấy ranh giới giữa thẳng thắn và vô duyên nó mong manh lắm. Nói thẳng mà như sát muối vào lòng người ta thì tốt nhất nên ngậm miệng lại thì hơn. Có lẽ Niên Ý đã coi Uy Vũ như con ruột nên nàng mới đố kị. Ta không quở trách gì nàng cả, chỉ nhỏ nhẹ cảm ơn nàng vì thời gian qua đã chăm sóc Uy Vũ tận tình. Mấy ngày ta ở phủ Thường Tín, Niên Ý lúc nào cũng kè kè bên Uy Vũ, hắn chỉ liếc ta một cái thôi nàng cũng tỏ ra bất an. Nhưng trẻ con mà, hắn cho dù ngoài miệng nói ghét ta thì trong lòng vẫn không tránh khỏi hiếu kỳ. Thấy ta chơi với những đứa trẻ khác trong xóm, hắn hậm hực trách móc:

- Sao Tư tỷ lại chơi với tụi nó? Tụi nó đâu có đẹp lồng lộn được như Vũ đâu?

Ta xị mặt làm màu:

- Vũ đẹp lồng lộn nhưng mà Vũ có chơi với Tư tỷ đâu. Tư tỷ cô đơn thì Tư tỷ phải chơi với người khác á!

Uy Vũ xoa đầu ta, ngọt giọng nịnh nọt:

- Tư tỷ đừng cô đơn nữa. Vũ dắt Tư tỷ đi chơi!

Uy Vũ đưa ta đi chơi có một buổi chiều thôi mà mắt Niên Ý đã sưng húp. Ta thấy tội nghiệp nàng nên những lần sau không đi chơi riêng với Uy Vũ nữa mà rủ nàng đi cùng. Đối với sư phụ, ta cũng tiết chế những cử chỉ thân mật. Chúng ta đối xử với nhau rất khách sáo. Ta có cảm giác như đây là một vùng đất xa lạ nào đó chứ không phải là quê hương yêu dấu của mình. Ta ở đây... dường như... đã là người thừa thãi.

Mồng Chín Tết, ta đội nón, đeo khăn che mặt, đi lên trấn Sơn Nam thăm các đồ đệ. Có nằm mơ ta cũng không ngờ được phủ của mình lại náo nhiệt như có lễ hội vậy. Lũ đồ đệ ngu dốt mới năm Mậu Thìn còn không lập nổi lá số tử vi, qua năm Quý Dậu chẳng hiểu sao đã vang danh cả trấn. Ngay cả đứa nhóc như Ngũ đồ đệ cũng có thể xem bói dựa vào đường chỉ tay rồi. Nhị đồ đệ thì vẫn vênh váo như xưa:

- Đã mua đủ mười đĩa bún đậu mắm tôm chưa mà muốn bổn công tử lập lá số tử vi cho vợ ngươi?

Khách phàn nàn:

- Mười đĩa bún đậu mắm tôm thì hơi nhiều ạ.

- Nhiều nhặn gì? Bổn công tử có nốc một mình đâu mà nhiều? Bổn công tử nói cho ngươi biết, ta chỉ ăn một đĩa thôi, chín đĩa còn lại sẽ đem vào cung dâng cho sư phụ ta, tức Đơn tần nương nương.

Một vị khách khác tò mò hỏi:

- Vậy lần trước công tử đòi ta hai mươi đĩa bún đậu mắm tôm, không lẽ là đem vào cung mười chín đĩa ư?

- Đúng rồi. Không giấu gì các vị huynh đài, sức ăn của sư phụ ta phải cỡ mười con lợn nái cộng lại.

Nhất đồ đệ tốt bụng nhắc nhở:

- Nhị đệ nên bớt mồm bớt miệng lại thì hơn, kẻo sư phụ nghe thấy người lại đau lòng.

- Sư phụ ở đâu mà đòi nghe thấy?

Tam đồ đệ giải đáp:

- Nhị huynh... sư... sư phụ... tưởng xa tận chân trời... nhưng... nhưng mà... lại gần ngay trước mắt...

Ta cởi nón, tháo khăn che mặt. Tất cả mọi người ngay lập tức quỳ xuống hành lễ. Ta mỉm cười ra lệnh:

- Tất cả bình thân.

Tứ đồ đệ liếc về phía ta, ánh mắt đỏ hoe. Ngũ đồ đệ lao tới ôm ta. Nhị đồ đệ gào thét:

- Sư phụ! Là sư phụ của con thật ư? Một cô nương nốc phát hết một xâu bánh tẻ, ngủ trương thây tới giữa trưa mới dậy như người cớ sao lại gầy gò thế? Hả? Trong cung không có bún đậu mắm tôm à?

Nhất đồ đệ ôn tồn giải thích:

- Trong cung dẫu có bún đậu mắm tôm thì với thân phận hiện tại của sư phụ cũng tuyệt đối không nên ăn món đó.

Ngũ đồ đệ ngây thơ nói:

- Công nhận. Ăn vào thúi mồm, thất sủng thì toi.

Nhị đồ đệ bật khóc rưng rức, ấm ức bảo:

- Một người nam nhân không sủng sư phụ chỉ vì mồm sư phụ thúi thì không phải nam nhân tốt đâu ạ.

Ta đến phát rồ vì lũ đồ đệ nhiều chuyện này. Ta đã ở lại phủ ăn một bữa cơm với bọn chúng rồi mới lên đường hồi cung mà bọn chúng vẫn cáu. Nhất đồ đệ, Tam đồ đệ, Tứ đồ đệ dỗi không thèm tiễn ta. Nhị đồ đệ mỉa mai:

- Sư phụ về phủ nhiều thế này thì lần sau khỏi về. Gớm thôi! Gặp gỡ chớp nhoáng, còn chẳng bõ dính răng.

Ngũ đồ đệ phụng phịu oán trách:

- Sơn Nam phong cảnh hữu tình. Cỏ gà mọc đầy ven sông, đợi người vặt lên chơi. Người còn chưa chơi, cớ sao đã vội đi rồi?

Ta nghe mà rớt nước mắt, nhưng vẫn phải hẹn bọn chúng đợt khác ta sẽ về chơi thật lâu. Rời cung chưa được mười ngày mà chẳng hiểu sao ta đã thấy nóng ruột khủng khiếp. Ta về cung sớm hơn lời hẹn với chàng. Ở trên cổng thành chỉ có lính gác, chẳng có bóng dáng ai kia. Không khí Tết dường như đã biến mất trong cung, không có người nhộn nhịp đi qua đi lại, không có những câu đối đỏ, không có pháo hoa, cũng chẳng có đèn lồng, chỉ còn mỗi không khí se se lạnh và cơn mưa phùn buồn đến nao lòng. Khoảnh khắc ta bước chân vào Mẫu Đơn cung, cung nữ đồng loạt quỳ xuống, đồng thanh nói:

- Chúng nô tì thỉnh an Đơn tần nương nương. Chào mừng nương nương hồi cung.

Các nàng chào mừng ta nhưng mặt mày như đưa đám cả lũ. Ta cho các nàng bình thân, lo lắng hỏi han tình hình ở trong cung. Cẩm Anh oà khóc bẩm báo:

- Bẩm Đơn tần nương nương, nô tì nghe đồn... vết thương cũ của Hoàng thượng tái phát... hình như đúng vào đêm ba mươi tháng Chạp năm ngoái. Ra Giêng... thì... tình trạng tiến triển xấu... đêm Mồng Bảy... người... đã rơi vào hôn mê rồi.

Ta nghe mà tưởng như sét đánh ngang tai. Ta cuống quýt lao ra khỏi cung. Cẩm Anh đoán được ta muốn đi đâu nên níu tay ta, nức nở khuyên nhủ:

- Nương nương! Tuyệt đối không nên tới Tuệ Long điện lúc này! Sau khi Hoàng thượng hôn mê, Thái hậu đã giao ngọc tỷ cho Hoàng hậu. Hiện tại, mọi việc trong cung đều nhất nhất phải nghe theo Hoàng hậu. Đến hai thái giám thân cận của Hoàng thượng cũng bị Hoàng hậu giam lỏng trong lãnh cung rồi.

Tội nghiệp Ngọc Minh và Ngọc Trí, ai bảo bọn chúng nhiều lần mượn oai Hoàng thượng, bố lếu bố láo với Hoàng hậu. Ta đau lòng trách móc bâng quơ:

- Ngự y trong cung bị ngu hết rồi hay sao mà để Hoàng thượng hôn mê tận hai ngày?

- Bẩm nương nương, Mồng Bảy Tết, ngự y nói tình trạng của Hoàng thượng lành ít dữ nhiều, bây giờ chỉ còn chờ mong vào một cách chữa mẹo trong dân gian đó là dùng máu của thê tử làm thuốc dẫn. Hoàng hậu nghe vậy liền không ngần ngại kêu cung nữ lấy máu của mình. Ngặt nỗi... Hoàng thượng... dùng thuốc xong... buổi đêm... liền bất tỉnh. Có tên ngự y to gan nói máu của Hoàng hậu không phù hợp khiến Hoàng hậu tức điên, lôi ông ta ra đánh một trăm gậy.

- Vậy máu của ai mới phù hợp?

- Nô tì nghe đồn phải là máu của người đàn bà đã từng thân mật với Hoàng thượng. Thái hậu đã hạ lệnh cho mười vị phi tần mỗi người trích từ đầu ngón tay cái ra mười giọt máu để làm thuốc dẫn. Ngặt nỗi, Hoàng thượng vẫn không có tiến triển gì cả.

- Cẩm Anh! Em về cung trước đi. Ta nhất định phải tới Tuệ Long điện một chuyến.

- Không được đâu Đơn tần nương nương, Hoàng hậu rất căm ghét nương nương. Nương nương tới đó chẳng khác nào tự chui đầu vào rọ.

- Ta và Hoàng hậu không thù không oán, cớ sao nàng lại căm ghét ta?

- Bởi vì trước khi hôn mê, Hoàng thượng đã sai Ngọc Trí gửi cho nương nương một bức thư. Thật không may... bức thư đó rơi vào tay Hoàng hậu. Hoàng hậu đọc xong liền lên cơn tăng xông, giận dữ xé thư. Nô tì dùng hai lượng bạc mới mua được những mảnh giấy vụn từ một cung nữ ở Tuệ Long điện... nô tì đã dán lại...

Ta nhận lấy bức thư chắp vá từ tay Cẩm Anh, buồn bã đọc những dòng tâm tư của chàng:

"Tứ Tứ!

Trẫm có lẽ không đợi được nàng.

Cho dù trẫm có thể đợi được... nàng cũng chưa chắc sẽ quay trở lại.

Trẫm chúc nàng cùng người mình thương ở Sơn Nam bách niên giãi lão, con đàn cháu đống, sống một đời thong dong, vô ưu vô tư, tự do tự tại."

Ta đau xé ruột, oà khóc nức nở. Mặc kệ Cẩm Anh ra sức khuyên ngăn, ta vẫn tới Tuệ Long điện. Hoàng hậu lớn tiếng đuổi ta về. Ta mặt dày van nài nàng:

- Hoàng hậu hiền lương thục đức, thần thiếp van xin người mở lòng từ bi cho phép thần thiếp được ở cùng Hoàng thượng một đêm. Chỉ cần Hoàng thượng qua được kiếp nạn này, thần thiếp đảm bảo miệng kín như bưng, toàn bộ công lao đều thuộc về Hoàng hậu.

Hoàng hậu rất thông minh, nàng hiển nhiên biết cân nhắc thiệt hơn. Nàng đồng ý với thoả thuận của ta, nhưng chỉ mình ta miệng kín như bưng thì không đủ, tất cả những người biết ta hồi cung sớm đều phải thề độc rằng nếu họ dám hé răng nửa chữ, người thân của họ nhất định sẽ gặp nguy hiểm. Hoàng hậu cẩn thận dặn dò ta:

- Rạng sáng ngày mai, thị vệ của bổn cung sẽ đưa Đơn muội tới một quán trọ nhỏ ở trong kinh thành. Hoàng thượng thương nhớ Đơn muội, khi tỉnh lại, sớm hay muộn gì người cũng sẽ hỏi tới muội. Để tránh bị nghi ngờ, muội hãy viết một bức thư nói rằng muội ham chơi, sang tháng Hai mới có thể hồi cung.

Ta tuân lệnh Hoàng hậu, viết vội vài dòng:

"Bẩm Hoàng thượng, kinh thành phồn hoa, thần thiếp ham chơi, sang tháng Hai mới có thể hồi cung."

Hoàng hậu hài lòng cho ta vào thăm Hoàng thượng. Khoảnh khắc gặp lại chàng, nước mắt ta trào ra như mưa. Những lời năm xưa của Ngọc Minh chợt vang vọng trong tâm trí ta:

"Vết thương ở ngực trái của người đến bây giờ vẫn chưa khỏi, bởi vì người không chịu uống thuốc. Người kêu uống thuốc chỉ lành được da thôi chứ không lành được tim. Tứ cô nương quả thực thâm độc hơn cả rắn rết!"

Ta chậm rãi ngồi lên long sàng, nhẹ nhàng cởi áo của chàng. Vết sẹo sâu hoắm ở ngực trái của chàng như lưỡi kiếm nhọn chém liên tục vào tim ta, khiến nó nát tươm. Nếu như không vì thương xót ta, sư phụ đã không đi quá xa, chàng cũng sẽ không bị tổn thương. Ngọc Minh chửi ta quả không sai. Ta có khi còn chẳng bằng loài rắn rết. Ta... quả thực không xứng đáng được yêu thương.

- Đơn tần nương nương, đã tới giờ cho Hoàng thượng uống thuốc rồi.

Cung nữ của Hoàng hậu nhắc nhở ta. Ta đỡ Hoàng thượng dậy, để chàng gối đầu lên đùi ta. Ta không nhỏ mười giọt máu vào thuốc như cách thông thường mà làm theo cách ở quê mình. Ta cắn mạnh vào đầu ngón cái cho máu ứa ra, dùng ngón cái xoa lên cánh môi chàng. Đến khi cánh môi ấy bớt khô khốc, ta mới đưa ngón cái vào trong miệng chàng, để nó chạm vào lưỡi của chàng. Ta thấy rất ấm áp, nhưng thật không may, sự ấm áp đó lại như một liều thuốc cầm máu. Ta tiếp tục cắn ngón trỏ. Thật trớ trêu, bất cứ ngón tay nào của ta đưa vào trong miệng chàng, chỉ một loáng đã cầm máu. Ta đã phải cắn cả mười đầu ngón tay chỉ vì sợ không đủ máu làm thuốc dẫn. Sau đó, ta đỡ lấy bát thuốc ấm trên tay cung nữ, dịu dàng bón cho chàng từng thìa thuốc nhỏ.

Hoàng thượng dùng thuốc được một canh giờ thì sắc mặt hồng hào hẳn ra. Ta bảo cung nữ bôi thuốc trị sẹo vào lòng bàn tay mình rồi nhẹ nhàng xoa xung quanh ngực trái của chàng. Nước mắt ta ứa ra, ta cúi xuống hôn lên vết sẹo kia rồi buồn bã ngân nga bài ca thương nhớ:

"Sơn Nam phong cảnh hữu tình,

như một bức hoạ đẹp...

Chàng tưởng tim thiếp đặt ở Sơn Nam,

nhưng chàng đâu hay biết...

Trong tim thiếp... hình bóng của chàng luôn là bức hoạ diễm lệ nhất."

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play