- Đao kiếm vô tình, Tứ cô nương nên nhanh chóng đưa ra quyết định thì hơn.
Thứ lỗi cho ta, bị kiếm kề cổ mà chẳng thể nào nghiêm túc được. Ta ôm bụng cười như con rồ. Vô Ưu giận ta ghê lắm. Hắn dí sát kiếm vào cổ mình. Ta nhìn thấy vài giọt máu ứa ra liền sởn gai ốc, tuyệt nhiên không dám cười thêm nữa. Ta rối rít khuyên hắn:
- Vô Ưu... có gì... bình tĩnh...
Vô Ưu buồn bã hỏi ta:
- Phận một người nam nhân, ngây thơ trao tấm thân trong trắng ngàn vàng cho ai đó, để rồi bị người ta khinh rẻ, lạnh nhạt suốt một năm liền. Tứ cô nương thấy ta có đáng thương không?
Ủa? Sao nghe nó cứ sai sai kiểu gì ý nhỉ? Ngặt nỗi, ta không biết là sai ở đâu cả. Càng ngẫm lại càng thấy hợp lý nó mới lạ lùng chứ. Ta bối rối nói:
- Ừ... thì... cũng... đáng thương...
Vô Ưu được đà cảm thán:
- Một người nam nhân liễu yếu đào tơ, ôm trong mình bao nỗi tương tư, vượt sông vượt núi để đến bên Tứ cô nương, vậy mà lại bị cô nương chê cười. Cô nương thấy như vậy liệu có công bằng tới ta không?
- Xin Vô Ưu công tử đừng cả nghĩ. Ta mắc cười thì cười thôi... không có ý chê bai gì đâu.
- Xin hỏi Tứ cô nương, chuyện hôn nhân đại sự là chuyện có thể mắc cười được hay sao?
- Ta... ta...
- Tứ cô nương đang xem thường tấm chân tình của ta ư? Phải chăng cô nương đã có được ta nên trong mắt cô nương, ta liền không đáng giá?
- Ta... không có ý đó...
- Tứ cô nương vùi hoa dập liễu, giờ lại kêu không có ý đó là sao? Hành động và lời nói của cô nương sao có thể không nhất quán như thế?
- Rồi... rồi... ta sai rồi... ngươi bỏ kiếm xuống đi... chúng ta bình tĩnh nói chuyện... nha!
- Khi xưa cao hứng, cô nương ngọt ngào gọi "chàng", còn hứa kiếp này chỉ muốn hầu hạ một mình ta. Hiện tại, có được ta rồi, cô nương liền lật lọng không chịu gả. Cô nương đã vô tình như vậy, ta còn hi vọng gì nữa?
- Được rồi... ta gả... ta gả là được chứ gì?
- Cô nương gả mà không tình nguyện thì trái tim ta đây cũng chua xót khôn nguôi.
- Đừng chua xót, có gì đâu mà phải chua xót? Ta tình nguyện gả cho ngươi mà.
- Vậy tại sao giọng điệu của Tứ cô nương lại hơi cao, nghe có vẻ như không cam tâm thế?
Ta hạ giọng nịnh nọt người trong mộng:
- Vô Ưu! Tứ Tứ tình nguyện gả cho chàng!
Vô Ưu cười rạng rỡ. Tranh thủ lúc chàng không để ý, ta giật kiếm của chàng vứt xuống đất, xót xa áp môi mình lên vết thương trên cổ chàng. Vô Ưu vỗ nhẹ lên lưng ta, dịu dàng an ủi:
- Đừng lo! Chỉ là một vết thương nhỏ thôi.
Vết thương đúng là rất nhỏ, chỉ một lát đã cầm máu rồi. Thế nhưng, nước mắt ta vẫn cứ ứa ra. Ta nghẹn ngào nói:
- Là do Tứ Tứ không tốt, để chàng phải chịu thiệt thòi. Thiếp hứa sẽ dùng cả kiếp này để bù đắp cho chàng.
- Ta đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi, kiếp này nàng có trả góp cũng không hết được đâu.
- Vậy thì sang kiếp sau thiếp sẽ trả tiếp.
Vô Ưu phải chịu nhiều uỷ khuất như vậy mà ta chỉ cần nói ngọt vài câu, chàng đã vui phơi phới rồi. Người gì đâu mà dễ bị dụ nhỉ? Kém cỏi quá đi á! Vô Ưu khẽ giơ tay ra hiệu, Ngọc Tâm và Ngọc Ý liền đưa ta lên một chiếc thuyền lớn. Hai nàng giúp ta tắm gội, trang điểm và thay y phục của cô dâu. Chiếc thuyền đưa chúng ta tới một sơn trang rất bề thế, trên cổng có tấm biển viết "Vô Ưu Vô Tư", xung quanh sơn trang dán giấy đỏ, treo đèn lồng đỏ, cứ như thể đang có đám cưới của ai vậy. Ơ? Ta quên mất! Đám cưới của ta mà. Ta vừa bước chân vào cổng, Vô Ưu đã bế ta lên. Quân lính cầm đuốc sáng rực, đứng xếp hàng hai bên đông nghịt. Bọn họ đồng thanh hô lớn:
- Cung chúc Tứ Hoàng tử! Chúc người và thê tử con đàn cháu đống, bách niên giai lão!
Vô Ưu mỉm cười gật đầu. Chàng bước qua mấy chậu than để xua đi đen đủi trước khi đi vào phòng ngủ. Chàng đặt ta ngồi lên chiếc ghế dài rồi ngồi xuống ngay bên cạnh ta. Ngọc Tâm lấy một lọn tóc của ta tết với một lọn tóc của Vô Ưu, tượng trưng cho tình cảm phu thê quấn quít không rời. Ngọc Minh lấy của ta một giọt máu, lấy của Vô Ưu một giọt máu, hoà chung vào một bát rượu để hai chúng ta cùng uống cạn. Ngọc Ý đem lên rất nhiều thức ăn ngon, tuy đĩa nào cũng được chia làm hai phần nhưng có vài đĩa Vô Ưu nhường cho ta ăn hết. Ngọc Trí ghé tai ta thủ thỉ nói đây là điềm lành, dấu hiệu cho thấy trong cuộc sống sau này, Vô Ưu sẽ luôn là người nhường nhịn ta. Sau khi dâng trà thơm cho bọn ta thưởng thức, Ngọc Trí cắt phần tóc đã tết của bọn ta bỏ vào chiếc hộp ngọc rồi cùng những người khác lặng lẽ rời khỏi phòng. Vô Ưu vỗ nhẹ tay lên đùi, ý bảo ta qua đó ngồi. Ngặt nỗi, ta bị ngại thành ra nói năng như con điên:
- Vô Ưu công tử bị ngứa đùi ư?
Vô Ưu có vẻ hơi tức. Chàng hỏi đểu ta:
- Đã thành thân rồi mà phu nhân còn nói năng như vậy, đối với ta phải chăng là có chút vô lễ?
- Là thiếp không đúng chừng mực... công tử... à không... phu quân... thứ lỗi cho thiếp.
Ôi chao ôi! Phu quân á? Chính miệng ta nói ra mà sao ta nghe nó cứ ngượng ngượng kiểu gì ý nhỉ? Vô Ưu mặt dày chả biết xấu hổ là gì cả, chàng cười không khép được miệng luôn à. Chàng nhấc ta lên, đặt ta ngồi lên đùi chàng, từ tốn nói:
- Ta hầu phu nhân thay y phục.
Ta giả bộ điệu đà bảo:
- Phu quân! Thiếp đã gả cho chàng rồi, sao dám để chàng hầu thiếp? Thiếp phải là người hầu chàng thay y phục mới trọn đạo làm vợ.
- Ngồi im.
- Phu quân! Thiếp... khó xử...
- Nàng không thích được cưng chiều ư?
Vô Ưu tủm tỉm hỏi. Ta làm màu:
- Thiếp thích. Cơ mà, thiếp sợ sẽ bị chàng chiều hư rồi trở nên ngang ngược, khiến chàng chán ghét.
- Không sao. Chỉ cần là Tứ Tứ, ngang ngược cỡ nào ta cũng có thể bao dung.
- Vậy... thiếp không khách khí nữa.
- Ừ.
Ta vui vẻ để Vô Ưu giúp mình cởi bỏ chiếc áo lộng lẫy bên ngoài. Áo yếm lụa bên trong không che được sự đẫy đà của nữ nhân. Vô Ưu trìu mến hôn ta, nụ hôn đó vốn đã qua một lớp áo lụa nhưng vẫn khiến trái tim ta mềm nhũn. Ta rất muốn được yếu ớt nép vào người chàng, nhưng chàng không cho phép. Chàng bắt ta ngồi đối diện với chàng, nhìn thẳng vào mắt chàng. Chàng thoăn thoắt cởi bỏ tất cả những mảnh lụa còn sót lại trên người ta, nhưng rồi chàng chỉ ngây người ngắm nghía ta chứ không giúp ta mặc đồ ngủ. Ta thắc mắc:
- Phu quân! Hành động của chàng... có vẻ như không phải là thay y phục...
- Phu nhân thứ lỗi, ta có cách thay y phục riêng.
Vô Ưu mặt dày bao biện. Cách thay y phục riêng của chàng đó chính là vùng vẫy mãnh liệt trong miền cảm xúc dạt dào của ta. Ta dùng nơi ấm áp nhất của mình để bao bọc lấy nam nhân mà ta yêu nhất. Ta cố gắng kìm nén nỗi bất an trong lòng, giả bộ đùa cợt bảo chàng:
- Phu quân! Nếu như chàng không trở về, thiếp sẽ là của người khác. Giữa chúng ta, không có kiếp này, càng không có kiếp sau.
- Nàng dám!
Vô Ưu suýt chút nữa định bóp cổ ta. Tuy nhiên, có thể do ánh mắt bi thương của ta đã làm dịu nhẹ cơn giận của chàng. Chàng nhàn nhạt doạ ta:
- Phu nhân ở nhà nếu như không thể giữ trọn đạo làm vợ thì đừng trách ngày đầu tiên ta trở về sẽ là ngày ta xé xác nàng.
Ta chớp chớp mắt, phụng phịu hỏi:
- Thật sao? Phu quân nỡ ra tay với thiếp sao?
Vô Ưu hôn má ta. Chàng thật thà thừa nhận:
- Không nỡ... nếu như có một ngày nàng không cần ta nữa... thì... ngày đó... sẽ là ngày... ta bỏ mặc cuộc đời mình cho mẫu hậu định đoạt.
Ta ôm Vô Ưu, oà khóc nức nở. Ngay từ đầu, ta đã biết nếu hôm nay gặp chàng, nhất định sẽ rất buồn. Trớ trêu thay, ta có trốn thế nào cũng không trốn nổi chàng. Ta khóc không ngừng, khóc đến mức không thở nổi. Chàng không khóc to như ta, chàng im lặng, chỉ là, nước mắt cũng không ngừng chảy. Chúng ta cứ như vậy bên nhau đến khi trời hửng sáng. Ta hèn mọn, không đủ dũng khí tiễn chàng ra trận. Ta giả bộ ngủ say. Chàng không đánh thức ta, chỉ hôn nhẹ lên môi ta rồi để lại cho ta một chiếc áo choàng có mùi thơm của chàng.
Tình hình chiến sự vào những ngày đầu tháng Giêng năm Canh Ngọ hết sức căng thẳng. Vô Ưu vốn thích đánh nhanh thắng nhanh, nhưng quân địch đông gấp đôi, chàng hiển nhiên không thể tấn công trực diện. Ta thi thoảng đi loanh quanh trong trấn, nghe người ta kháo nhau rằng quân địch nhiều phen muốn đánh dứt điểm nhưng do quân ta phòng thủ tốt nên chúng vẫn chưa thể hạ được cổng thành Nam Châu. Sang tháng Hai, bên địch im ắng lạ thường, chúng còn cho người phao tin khắp nơi rằng chúng đã bỏ cuộc. Ta cảm thấy thật nực cười, chắc chắn Vô Ưu sẽ không mắc mưu đâu. Đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm, thành Nam Châu tất nhiên vẫn cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Từ tháng Ba trở đi, ta rất hay bị buồn nôn. Ta còn hay gặp ác mộng nữa. Ta linh cảm mình đã có bầu, nhưng ta không dám đi khám, ta sợ thầy lang nhiều chuyện. Ta không muốn bị sỉ vả vì tội ăn cơm trước kẻng, càng không thể nói với mọi người mình đã gả cho Vô Ưu vì đám cưới của bọn ta không hề có sự chứng kiến của các bậc tiền bối. Chàng cũng không phải là một nam nhân bình thường, chàng là Tứ Hoàng tử, là người mà ta không thể tuỳ tiện nhắc tới. Mọi người sẽ bàn tán thế nào nếu như họ biết được Tứ Hoàng tử đã thành thân với một nữ thầy bói trong một sơn trang xa tít mù tắp? Ta thực lòng không thể tưởng tượng nổi. Trong lúc ta rối bời nhất thì có một người đủng đỉnh mở cổng đi vào phủ. Ta nhìn thấy người đó mà như nhìn thấy thầy bu, thấy gia đình, thấy quê hương. Người đó cầm trên tay một chùm khế ngọt, khẽ mỉm cười với ta. Ta nhào vào lòng người đó, khóc tu tu như một đứa trẻ. Người đó thở dài xoa đầu ta. Ta mếu máo nhõng nhẹo:
- Sư phụ... sư phụ nhớ Vô Tư à? Sư phụ... không... từ mặt con nữa à?
- Ừ.
Sư phụ bắt mạch cho ta, ánh mắt người thoáng buồn. Ta lo lắng hỏi sư phụ:
- Sư phụ... con lại có bầu rồi à?
- Ừ.
- Sư phụ... Vô Tư rất mệt... con còn rất hay gặp ác mộng nữa... con mơ tháng Chín mình không đẻ được.
- Vô Tư ngoan, đừng lo. Đứa trẻ này... có lẽ tháng Mười mới có thể chào đời.
Sư phụ chậm rãi nói. Ta hoảng sợ hỏi người:
- Tại sao lại thế? Rõ ràng con nghe người ta bảo đàn bà mang thai chín tháng mười ngày mà.
- Thường thì là như thế... nhưng ta bắt mạch cho ngươi lại thấy cái thai này không phát triển như bình thường. Vô Tư! Dạo này, ngươi có ăn gì lạ không?
- Không ạ. Con chỉ ăn cơm do Ngân Hạnh nấu thôi à. Nàng là người có thể tin tưởng được.
Ta đã nói vậy rồi mà sư phụ vẫn không an tâm. Người ở lại phủ của ta, chăm chút ta từ bữa ăn tới giấc ngủ. Có sư phụ nấu đồ ngon cho ta, Ngân Hạnh rõ ràng nhàn hơn, vậy mà lúc nào thấy sư phụ ở dưới bếp, nàng cũng lảng vảng dưới đó. Nhặt có mỗi mớ rau thôi mà phải bôi son đỏ rực mới kinh hãi chứ. Sư phụ chỉ hỏi nàng lọ muối để ở đâu mà cũng khiến hai má nàng đỏ ửng. Thấy nàng cười vu vơ, ta tưởng tâm trạng nàng rất tốt. Thế nhưng, sư phụ vừa gọi ta vào bếp nếm thử cháo người nấu, nàng liền tỏ vẻ khó chịu. Tóm lại, nàng như bị trúng tà rồi, dở dở ương ương chả biết đâu mà lần. Có hôm, ta còn bắt quả tang nàng tỉ tê với Ngũ đồ đệ:
- Sư phụ con ngu ngơ, nếu như giao tiền cho nàng đi chợ thì cũng hết sạch mà thôi. Số tiền này là do bu biết cách chi tiêu khôn khéo nên mới dôi ra.
Ngũ đồ đệ chau mày bảo:
- Tiền dôi ra thì vẫn là tiền của sư phụ, đâu phải là tiền của chúng ta. Tiền của chúng ta là tiền sư phụ phát cho bu hàng tháng, trả công bu quán xuyến nhà cửa giúp người mà. Bu mau trả lại tiền cho sư phụ đi, bằng không, con sẽ mách với sư phụ rằng bu biển thủ tiền đi chợ.
- Nếu con muốn sư phụ tống cổ bu ra khỏi phủ thì cứ tự nhiên. Đến lúc đó, thử hỏi ai sẽ là người nấu cơm cho con ăn, hát ru con ngủ và kể chuyện cho con nghe?
Ngân Hạnh doạ nạt. Ngũ đồ đệ sợ không dám vặn vẹo thêm nữa. Chỉ là chút tiền nhỏ, ta chẳng muốn tra khảo nàng làm gì. Ta còn đang lo cho đứa nhỏ trong bụng mình đây này, thời gian đâu mà để tâm tới những chuyện vặt vãnh. Sư phụ động viên ta đứa nhỏ sinh tháng Mười sẽ đẹp hơn tháng Chín, nhưng không hiểu sao ta vẫn luôn có cảm giác bất an. Bất an vì chuyện gì thì ta không rõ nữa. Ta mang tiếng là thầy bói, thi thoảng có thể nhìn trước một vài chuyện trong tương lai của người khác, nhưng tương lai của mình thì lại mù mịt, thật trớ trêu quá! Bụng ta ngày một to, Ngân Hạnh và các đồ đệ nhìn vào đều hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chẳng biết có phải do sư phụ đã dặn dò trước không mà không một ai hỏi ta về cha của đứa nhỏ. Ta sợ bị chửi là đồ hư hỏng nên không dám đi ra ngoài nữa. Các đồ đệ ngược lại thường xuyên đi hóng hớt, hóng được tin gì hay liền chạy ngay về phủ khoe với ta.
Đầu tháng Sáu, Nhị đồ đệ báo cho ta biết quân địch đã không thể thi gan thêm được nữa. Tuần trước, chúng vừa quyết tâm làm một trận sống còn. Chúng sử dụng hàng trăm máy bắn đá cỡ lớn và hàng ngàn cung tên lửa để công thành. Sau ba ngày ba đêm giao tranh kịch liệt, cổng thành Nam Châu vẫn chưa bị hạ, nhưng số binh lính thương vong đã lên tới ba vạn người. Nhất đồ đệ nói bên địch đã tổn thất mười vạn quân tinh nhuệ. Tuy vậy nhưng chúng vẫn rất hân hoan, bởi vì người cầm đầu quân ta, Tứ Hoàng tử đã mất tích. Ở ngoài quán nước, người ta đồn đủ thứ chuyện. Có người bảo chàng đã bị địch bắt. Có người kêu chàng sợ hãi nên đã bỏ trốn. Có người một mực khẳng định chàng đã tử trận rồi. Ruột gan ta nóng như lửa đốt. Ta đuổi các đồ đệ ra ngoài rồi sốt ruột đi lối tắt sang phòng sư phụ. Trong phủ này, chỉ có phòng của ta và phòng của sư phụ treo hai bức tranh vẽ vườn hoa mẫu đơn. Vén hai bức tranh đó lên sẽ thấy đường hầm thông nhau giữa hai căn phòng. Ta đi đến gần phòng của sư phụ liền nghe thấy một giọng nói vô cùng uy phong:
- Hoàng đệ! Thi thể của Tứ Hoàng tử đang được đưa về kinh thành. Hiện tại, Thái tử đã lên đường tới Nam Châu để làm yên lòng binh lính. Tuy nhiên, với khả năng hạn hẹp của Thái tử, ta e rằng Nam Châu thất thủ là điều không thể tránh khỏi.
Ta tưởng như tim mình vừa bị ai đó bóp nghẹt. Vô Ưu đã hứa sẽ quay trở về, chàng không thể ra đi dễ dàng như thế được. Người trong phòng sư phụ là ai? Tại sao ông ta lại nói năng nhăng quậy như vậy? Tại sao ông ta lại gọi sư phụ là Hoàng đệ? Ta còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã nghe thấy ông ta căn dặn:
- Ta biết Hoàng đệ nắm trong tay ba mươi vạn quân. Chỉ cần đệ phối hợp với ta bảo vệ kinh thành, ta hứa sẽ truyền ngôi cho đệ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT