Tôi về đến nhà, nhìn đồng hồ đã hơn mười rưỡi. Lạch xạch mở cổng, tôi khẽ quay đầu nhìn sang nhà bác Tuấn. Nhà bác đã tối đèn, tôi không muốn sang làm phiền bác nên để mai sang chơi sau. Cu Thành phải nghỉ học mất hơn một tuần nay, lại đang cuối học kỳ, chắc sáng mai nó phải đi học sớm. Tôi nhắn cho nó một tin tôi đã về nhà, sáng sớm mai tôi sẽ sang chơi với nó. Lúc sáng tôi đã gọi cô Doan, nhờ cô khi nào cô cùng cu Thành về đến nhà thì nhắn cho tôi một tin để tôi yên tâm, đến tầm mười một giờ cô đã báo hai cô cháu về đến nhà an toàn.
Cô Doan ở cách nhà tôi một con sông, sáng mai xong thủ tục giấy tờ tôi định sang chơi với cô chú cùng hai đứa con cô. Chú Hạnh chồng cô sửa xe đạp đầu chợ chẳng kiếm được bao nhiêu, cô thì làm nông, bao năm qua cô chú cũng vất vả nuôi hai cô con gái ăn học. Cái Phượng con gái lớn nhà cô năm nay hết lớp mười hai, tôi nghe cô bảo nó định thi tốt nghiệp xong cũng muốn lên thành phố A học nghề trang điểm cô dâu, còn cái Hằng đứa thứ hai nhà cô thì năm nay mới học lớp tám.
Ngôi nhà cấp bốn vắng lặng làm tôi khẽ rùng mình mở cửa bước vào. Nơi đây thân thuộc tuổi thơ tôi gắn bó, mới đầu năm ngoái được bố tôi sửa sang lại cho sạch đẹp, vậy mà lúc này… rêu phong đã bám đầy. Tôi thở dài nhìn lên ban thờ, dường như hương mới cháy hết không lâu. Bác Tuấn bên cạnh vẫn thi thoảng sang đây thắp hương cho ấm cúng. Bác bảo hàng tuần bác vẫn sang quét tước, có hôm bác còn ngủ lại cho có hơi người. Tôi bước đến gần di ảnh thắp ba nén hương khấn nhỏ, mong bố mẹ ở trên cao an lòng về chị em tôi, còn lầm rầm kể chuyện cho bố mẹ nghe từ những ngày xa cách… chỉ là về Thịnh… chẳng hiểu sao tôi lại xấu hổ không dám kể.
Tính tinh.
Có tiếng tin nhắn, tôi hơi hồi hộp mở điện thoại ra xem. Thịnh nhắn cho tôi. Tôi mỉm cười đọc dòng tin.
“Về đến nhà chưa?”
Cơn gió mát thoảng qua tim tôi giữa tiết trời tháng năm bức bối, tôi nhắn lại:
“Tôi vừa về đến nhà, anh đang ở đâu thế?”
“Đang ngoài nhà xây.”
Tôi phì cười, chắc chắn là Thịnh đang thấy khó chịu rồi. Tôi ở quê cây cối ao chuôm còn bức đổ mồ hôi nói gì đến ngôi nhà xây dở trên thành phố lúc này.
“Anh lắp kia chưa?”
“Rồi, yên tâm. Ngủ sớm đi.”
“Ừa, g9!”
Chỉ vài dòng tin ngắn gọn nhưng sao gần gũi đến vậy nhỉ? Tôi tủm tỉm cất điện thoại vào túi áo rồi bước vào phòng mình. Khi sang sửa lại ngôi nhà này, tôi cũng được bố mẹ xếp cho một phòng riêng bên tay phải dù ít khi về nhà, bố mẹ tôi với em trai thì nằm ở hai giường bên ngoài. Nó còn bé nên chưa cần phòng riêng, đợi nó lớn chút bố tôi dự định sẽ lên tầng riêng cho nó nữa… Bao kỷ niệm cứ thế ùa về làm tôi cay xè sống mũi, sụt sịt nằm vật ra giường rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Tiếng gà gáy sáng nhà ai đánh thức tôi dậy sớm hơn hẳn ở thành phố. Mới có năm giờ nhưng trời đã sáng bảnh mắt, những nhà xung quanh cũng đã dậy sớm nấu cơm ăn sáng, mùi khói bếp cùng mùi thức ăn làm tôi nhớ bố mẹ đến nao lòng. Tôi đánh răng rửa mặt, chải tóc buộc gọn lại rồi ra thăm vườn. Vườn trước nhà tôi có mít, sấu, nhãn với bưởi bố tôi trồng từ lâu, giờ cứ đến mùa là lại cho quả, tôi đã nhờ nhà bác Tuấn chăm sóc thu hoạch giúp. Thân cây mít tố nữ lúc lỉu mấy quả chín thơm như mời gọi, tôi nhìn đến mới chợt nhận ra đã đến mùa thu hoạch mít. Tôi quay lại bếp lấy con dao chặt bốn quả chín nhất mang vào nhà, dùng dây buộc lại để dễ xách đi. Xong xuôi, nhìn đồng hồ là sáu giờ, tôi xách theo một quả sang nhà bác Tuấn, gọi to:
– Bác Tuấn ơi!
Bác Tuấn đang cho lợn ăn, nghe động bác để đấy bước ra, thấy tôi bác cười hiền:
– Cái Thảo về chơi à? Về bao giờ thế cháu?
– Cháu mới về tối muộn hôm qua, nhà mình đã dậy chưa hả bác?
Bác vừa mở cổng vừa trả lời:
– Anh Kiên với con Na còn chưa dậy, chị Hà với thằng Thành thì dậy rồi. Vào đây cháu!
Tôi mỉm cười đưa quả mít chín ra trước mặt bác nói:
– Vâng, vườn nhà cháu mới được mẻ mít này, cháu mang biếu bác, mấy quả còn lại cũng sắp chín bác để ý giúp cháu với ạ.
– Chín rồi à, hôm trước bác sang vẫn còn chưa hái được. Chị Hà bảo để chị mang ra chợ bán hộ đấy!
– Thôi… bán làm gì bác, bác cứ thu hoạch ăn hộ cháu bác nhé, để cho thằng Thành ăn nữa mà bác.
– Chị em mày có tí của bác ăn hết thế nào được…
Bác cười, đôi mắt sụp tuổi sáu mươi nhăn nhăn. Bác đón lấy quả mít trên tay tôi, đi sau tôi vào nhà. Lúc này cu Thành cũng từ giếng bước ra, thấy tôi nó reo lên chạy lại:
– A… chị Thảo! Tối qua chị nhắn mà em ngủ mất rồi, sáng nay mới đọc.
Tôi đón lấy thằng bé, cúi xuống vuốt ve tóc nó, nhìn đôi mắt trong veo của nó mà lại thương thương, nhẹ giọng trả lời:
– Ừ… chị còn đi làm mà, nên là muộn mới về được. Hôm qua về có mệt không?
– Em không, em khỏe lâu rồi… hì hì. Có cô Doan là mệt ấy chị Thảo ạ.
Thằng bé cười toe nhe hàm răng thưa. Nó còi cọc, lớp tám rồi mà vẫn như trẻ con, còn chưa dậy thì. Nhìn tội nghiệp lắm mà chẳng biết làm sao, tôi chỉ biết khuyên nó:
– Mày nhớ ăn uống cho tốt vào, thèm cái gì bảo chị mua gửi về cho.
– Em chả thèm gì đâu, chị ở chỗ mới đã quen chưa?
Thằng bé nghe lỏm chuyện tôi với cô Doan lúc trước, hoàn cảnh khiến nó hiểu chuyện mà chẳng dám đòi hỏi như những đứa trẻ khác. Tôi mỉm cười xoa đầu nó:
– Quen rồi.
Thằng bé cười hì hì, theo tôi vào bàn nước trong nhà. Tôi vừa ngồi xuống nó liền bảo: .
truyện ngôn tình– Em chuẩn bị đi học đây, trưa nay em về nhà với chị nhá!
– Ừ, thế đi đi, trưa về với chị.
Tôi đón lấy chén trà ấm từ bác Tuấn, mỉm cười nhìn cu Thành tất tả sắp sách vở cho vào ba lô. Một lát chị Hà từ bếp bước vào, đưa cho thằng bé bắp ngô mới luộc rồi đặt đĩa ngô nóng hổi lên bàn, đon đả mời:
– Cô Thảo về chơi đấy à, đợt này về lâu không em? Ăn ngô đi em, ngô non sáng chị vừa bẻ ngoài ruộng đấy!
Tôi đón lấy bắp ngô từ chị, vừa bóc vỏ ngô vừa trả lời:
– Em về có chút việc thôi, chiều em lại đi. Sáng nay chị có giờ không?
– Không, chiều nay chị mới dạy.
Bác Tuấn quay cái quạt mát ra bàn, chêm vào:
– Cái Thảo nó vừa cho quả mít chín, tao bảo nó chị Hà bán hộ cho mà nó không thèm đấy!
Nghe bố chồng nói vậy, chị Hà nhanh nhẹn tiếp lời:
– Để chị mang ra hàng rau của mẹ chị bán hộ cho, chục quả chứ ít đâu, cả nhãn cũng còn độ tháng nữa là ăn được đấy.
Tôi cảm động nhìn chị nói:
– Vâng… vậy chị bán giúp em, được bao nhiêu chị mua quần áo với sách vở cho thằng Thành hộ em nhé!
– Được rồi, cái đấy không phải lo. Thế tình yêu tình báo thế nào rồi, năm nay cũng hai ba hai tư rồi chứ ít gì?
Tôi ngường ngượng trả lời:
– Em chưa… công việc cũng chưa đâu vào đâu mà chị.
– Yêu đi chứ lại, lấy thì phải tính nhưng yêu thì cứ yêu bừa đi em ạ.
Giáo viên như chị Hà mà mạnh miệng ghê! Chị Hà tốt bụng, tính tình vui vẻ mạnh bạo, xui xẻo thế nào lại vớ phải anh Kiên nhà bác tôi cờ bạc suốt cũng khổ. Có lần giữa đêm chị đến chiếu bạc xách tai chồng về, anh còn tát chị một cái chảy cả máu mồm, đợt ấy hai người họ cãi nhau to suýt thì bỏ nhau nhưng cuối cùng lại vì bé Na mà làm hòa.