Chuyện đi làm lại này đã lâu Ngân không nhắc đến kể từ lúc cu Mầm được hai tuổi, cũng là độ tuổi cô cảm thấy có thể quay lại công việc. Bảo xoay đầu lại chau mày nhìn Ngân, anh hỏi bằng tông giọng không thoải mái:

– Em đi làm rồi nhà cửa tính sao, con cái tính sao? Anh có cần em phải đi làm đâu?

Ngân không phải bộc phát mà nói ra điều này, những ngày gần đây Ngân đã nghĩ đến, chỉ chưa có lúc nào nói với Bảo được, đến khi đối diện với nỗi hoang mang dù chẳng có gì thực sự đáng lo ngại, chỉ là cảm nhận khó gọi thành tên mà cô quyết định như vậy. Cô hít một hơi, bước lại ngồi cạnh Bảo, nhìn vào mắt anh thuyết phục:

– Cu Mầm giờ cũng cần tách mẹ cho quen thôi anh, cứ chiều chuộng con quá nó ỷ lại không chịu lớn, cho nó đi lớp có khi lại là điều tốt hơn cho con. Lớp ba tuổi không nhận thì cho nó vào lớp hai tuổi một tuổi cũng được…

Cô nghẹn lại, lòng đau như bị ai xát muối vào vết thương dai dẳng mà nói về đứa con đứt ruột đẻ ra. Con vẫn bình thường, vẫn ăn ngoan ngủ tốt không quấy khóc, mặt mũi tươi tắn dù không được khôn như nhiều đứa trẻ khác, chỉ là… con chậm mà thôi… cô bặm môi như lấy thêm sức để nói tiếp:

– Gửi con cho bà Tám như cái Trang bên cạnh nhà mình gửi, một tháng hai triệu là thoải mái, hai triệu với anh chẳng bõ gì phải không? Còn nhà cửa thì… sáng em dậy sớm nấu cơm, nấu cả cơm trưa cho mẹ, tối em về sớm nấu cơm tối… nhà cũng có mấy việc đâu, giặt giũ quét dọn cũng hết ngày mà thực ra đâu có cần thiết!

Ngân nói bằng âm giọng cứng cỏi, khi trước điều cô ngại nhất là cu Mầm mà thôi, còn nhà cửa thì, bà Dư không chịu cô cũng kệ, cái Châu nó có phải phỗng đâu mà đến dọn cơm rửa bát cũng không làm được? Chẳng qua cô ở nhà, cô làm nhanh thì cô làm luôn cho xong, chứ không cô cũng nói bằng được để nó làm.

Thấy Ngân quyết tâm như vậy, Bảo không muốn nhưng anh không có cách nào phản bác, chỉ thở dài nói:

– Được rồi, em đi làm mỗi tháng được bao nhiêu? Có được mười triệu không? Em ở nhà, mỗi tháng anh gửi riêng cho em khoản đấy, em thích tiêu gì thì tiêu! Em cứ muốn làm khó cho anh, đi làm đã mệt mỏi lắm rồi, nay chuyện này mai chuyện khác! Tiền anh kiếm được cũng vì cái gia đình này, nhưng nếu em thích thì anh trích riêng cho em, muốn tiêu dùng thoải mái gì tùy em!

Bảo nói mà không giấu vẻ bực bội, quay mặt lại màn hình máy tính. Ngân có chút không ngờ anh ngăn cản quyết tâm của cô đến như vậy, cô đành kéo tay Bảo để anh chú ý, cảm giác ấm ức cũng theo đó mà tuôn ra:

– Tại sao cứ phải là ở nhà? Vấn đề không phải là tiền mà là tự do! Anh có tự do của anh, còn em, em cũng có tự do của em chứ!

Bảo bỗng gắt lên, khuôn mặt anh bực bội đến đỏ ửng:

– Anh chỉ thấy em muốn trốn con thì có!

– Anh…?

Ngân sững lại nhìn chồng, âm thanh đến họng bỗng nghẹn đi không sao tiếp tục. Trốn con? Ngân muốn trốn con sao? Ngân muốn mang con theo đến mọi nơi Ngân có thể, nhưng điều này là không tốt trước hết là cho chính con. Anh không hiểu điều này sao, hay anh cố tình không muốn hiểu?

Ngân thẫn thờ gật nhẹ, nước mắt bỗng lăn dài hai bên má… Cô cứ nghĩ lâu nay Bảo chiều chuộng cô, bao bọc cho cô nhưng… có lẽ cô đã hiểu lầm anh rồi.

– Anh muốn em làm ô sin cao cấp đến bao giờ nữa?

– Em nghĩ cho kỹ đi… ngoài kia bao nhiêu phụ nữ mong được như em đấy!

Bảo đứng dậy, anh không muốn tiếp tục câu chuyện này, hầm hầm bỏ về phía cửa. Ngân nhìn theo bóng lưng anh, nước mắt chẳng kiềm lại được mà chảy thành dòng. Anh nói đúng, ngoài kia biết bao nhiêu phụ nữ mong một câu “ở nhà anh nuôi”, bao nhiêu người đàn bà thèm khát người đàn ông đẹp trai tài giỏi như anh… nhưng… Ngân muốn phá vỡ lớp kén kìm kẹp mà thoát ra như con ngài muốn được tự do. Ngân cứ đứng chết trân nhìn Bảo đóng sầm cửa lại, trong một giây thoáng sợ mất anh mà vội vội vàng vàng chạy theo anh hỏi:

– Anh đi đâu giờ này?

– …

Bảo không trả lời, cứ thế bước xuống cầu thang. Ngân hoảng hốt theo bước anh, níu lấy tay anh mà nói:

– Anh, nghe em nói!

Chẳng mấy chốc hai người xuống đến chân cầu thang. Bà Dư đang ngồi ở sofa xem TV quay ra, thấy lần đầu tiên vợ chồng Ngân cơm không lành canh chẳng ngọt thì không khỏi ngạc nhiên, ngay sau đó bĩu môi mà nói:

– Con Ngân làm gì mà thằng Bảo tức giận thế? Nó đi làm cả ngày đã mệt rồi, chỉ có ở nhà chơi không cũng chẳng xong!

– Mẹ xem đi, vợ con nói muốn đi làm!

Bảo giật tay Ngân ra, hậm hực giải thích cho mẹ anh hiểu rồi bỏ về bếp, mở tủ lạnh lấy chai nước mát làm một hơi. Ngân thoáng thấy anh không có ý định rời khỏi nhà thì tim đã rộn lên một nhịp vui mừng, chẳng kịp để ý đến vẻ mặt đen kịt lại của bà Dư.

Mẹ chồng Ngân đứng dậy, chống tay vào nạnh mà quát:

– Mày đi làm thì cái nhà này bỏ cho ai? Chẳng lẽ tao già bằng tuổi này rồi còn hầu chúng mày à? Còn thằng Mầm, mày tính có đem nó theo được không?

– Mẹ… con vẫn nấu cơm cho cả nhà mà mẹ, mẹ thông cảm cho con một chút! Còn cu Mầm… con định gửi bà Tám ngay đầu ngõ mình thôi…

– Cái thằng ba ngơ ấy mà mày định gửi cho người ta làm người ta tế cả cái họ nhà này lên à?

– Mẹ…?

Ngân sốc, sốc đến mức máu trong đầu như thể ngưng hết lại, đôi môi mấp máy, hai mắt mở to kinh ngạc nhìn người đàn bà được gọi là “bà nội” của con cô. Ngay sau giây thảng thốt là cảm giác cáu giận như núi lửa muốn phun trào, Ngân cố kìm nén mà nói:

– Mẹ… mẹ nói cháu mẹ thế mà nghe được à?

– Tao sợ đếch gì mà không nói, thằng Bảo với con Châu ngày xưa hơn một tuổi đã ca hát líu lo rồi, cái ngữ kia là tại ai?

– Mẹ thôi đi!

Bảo từ bếp quay ra, hai hàng mày nhíu chặt quát lên. Bà Dư đang dở cơn ấm ức bao ngày dồn nén, nghe con trai quát mình thì bù lu bù loa:

– Con tôi dứt ruột đẻ ra, bao năm một mình tôi nuôi nó lớn khổ cực trăm bề giờ nó quát tôi, con nó ba ngơ nó không chịu nhận, nó muốn nhận con nó là thần đồng! Ôi làng nước ơi khổ cái thân tôi!

Ngân uất lắm mà vẫn phải tự nhủ bản thân cắn răng chịu đựng. Mẹ chồng cô nanh nọc có phải bây giờ cô mới biết đâu, chỉ là hai chữ “ba ngơ” đau như dao sắc cứa qua gan ruột từ trước đến giờ cô chưa từng nghe từ bà, trong giây phút ngỡ ngàng nhất thời khó có thể chấp nhận. Nhưng… chồng cô vừa bênh cô một tiếng trước mẹ anh, bỗng chốc cơn giận trong cô như được cơn gió mát lành thổi mát, nhìn Bảo cáu kỉnh giậm chân bước lên cầu thang cô liền bước theo anh, mỉm cười theo chân anh lên phòng ở tầng ba.

Ngân đã lo sợ Bảo bỏ đi, đúng là cô cũng ngốc nghếch thật. Bảo đâu phải là người bốc đồng như thế, bao năm quen biết anh, ngoại trừ tình yêu sét đánh anh dành cho cô mà theo đuổi cô ngay từ lần đầu gặp mặt thì cô chưa từng thấy ở anh sự bộp chộp sớm nắng chiều mưa. Mọi thứ ở Bảo đều chậm rãi, đều đều một nhịp điệu đơn giản đến mức cô cảm thấy tin tưởng anh như bản thân dựa vào cây tùng cây bách. Ngân cần phải tin ở chồng mình, không để anh phải mệt mỏi vì những chuyện không đâu nữa. Chuyện đi làm kia, cô sẽ từ từ thuyết phục anh sau vậy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play