Trên taxi, bà Lan đưa khăn tay chấm nước mắt kể lại mọi chuyện cho Thanh Tú. Biết chuyện cha dượng làm ăn thua lỗ, còn nợ nần ngập mặt đến mức sắp mất toàn bộ tài sản, Thanh Tú chua xót cắn môi. Dù lâu nay mối quan hệ giữa cô và ông Vương Kiên nhạt nhòa như nước lã nhưng dẫu sao ông ta cũng là chồng của mẹ cô, cha của em trai cô, thế nên cô trấn an mẹ:
– Mẹ… hay con thử nói với bà nội… biết đâu bà lại có cách giúp dượng?
Bà nội mà cô nói là bà Kim Yến, người đàn bà quyền lực của gia tộc họ Hoàng. Bà Yến là mẹ của cha cô, ông Hoàng Thế Quân, người chồng đã mất của bà Lan. Nghĩ đến người mẹ chồng xưa nay luôn tỏ thái độ ghét bỏ, còn nói bà ta là thứ không ra gì, bà Lan đanh mặt vội xua tay:
– Đừng… chuyện nhà mình không liên quan gì đến nhà họ Hoàng, con đừng nói kẻo họ lại càng coi thường chúng ta!
Ngay sau đó, bà ta cúi mặt, rầu rĩ tiết lộ:
– Con biết không… anh Khải giờ làm phó giám đốc công ty tài chính Thiên Uy… chỉ anh ấy mới có thể giúp chúng ta mà thôi! Tiền anh ấy đảm bảo không thiếu, quyền hành lại lớn như vậy… cái xưởng in con con với số nợ của dượng chẳng là gì với anh ấy cả!
Thanh Tú nửa ngạc nhiên nửa vui mừng liền hỏi lại:
– Anh Khải… giờ làm hẳn chức vụ đó sao mẹ? Sao…
Nhớ lại những vết lằn roi tím sẫm rớm m.áu trên da thịt Vương Khải, nhớ khuôn mặt lầm lì chịu đòn, nhớ cái ngày anh bị nhốt suýt chút nữa không thể tốt nghiệp cấp ba, thân hình thiếu niên gầy guộc chìm trong bóng tối, Thanh Tú như bị dao cắt từng nhát thịt, trầm lặng không thể nói tiếp. Những hận thù khắc sâu ngày đó hẳn khiến anh không muốn giúp nhà họ Vương, thậm chí có thể còn cười hả hê trước cú ngã ngựa khó lòng gượng dậy của ông Kiên.
Vương Khải là đứa con nuôi mà năm xưa bà Huệ, người vợ đầu của ông Kiên đem về nuôi nấng. Bà Huệ đau ốm liên miên không thể sinh cho ông ta một người con, bà thương anh côi cút nhận nuôi anh từ trại trẻ mồ côi. Năm anh lên bảy bà Huệ qua đời, anh bỗng trở thành vật cản trên con đường tìm hạnh phúc của ông Kiên. Bà Lan bước vào nhà họ Vương là lúc anh mười hai tuổi. Mỗi lần nhìn anh là bà ta lại một lần thấy chướng mắt, chỉ hận một nỗi không thể tống anh trở lại trại trẻ. Ông Kiên cũng chẳng đoái hoài, mặc kệ vợ kế muốn hành anh thế nào thì hành.
Khi Vương Khải rời bỏ nhà họ Vương, anh mới chỉ mười tám tuổi. Nếu Thanh Tú không kịp trộm chìa khóa của bà Lan mở cửa cho anh thì anh đã chẳng thể hoàn thành buổi thi tốt nghiệp trung học. Cũng chính ngày hôm đó anh quyết định rời khỏi những kẻ chỉ muốn anh chìm trong bóng tối, muốn anh cả đời làm nô lệ cho bọn họ. Công nhân khuân vác xưởng in không lương… công việc đó bà Lan nhắm đến cho anh từ sớm, để đạt mục đích bà ta quyết ngăn chặn con đường phát triển của anh bằng được.
Suốt những năm qua, số lần Thanh Tú gặp Vương Khải không nhiều. Lần cuối cùng cô gặp Vương Khải là cách đây nửa năm. Tối hôm đó cô cùng mấy cô bạn cấp ba đến quảng trường lớn đếm ngược chào năm mới. Sau thời khắc pháo hoa rực rỡ, đám đông xô đẩy làm nhóm con gái các cô xảy ra xô xát với một đám thanh niên côn đồ, đúng lúc đó cô bỗng gặp được anh. Anh vẫn vậy, thâm trầm lạnh lùng, gặp cô anh cũng không hỏi han, chỉ giúp nhóm cô bình an thoát khỏi lũ du côn kia. Khi ấy cô muốn gọi anh, muốn nói lời cảm ơn, muốn hỏi thăm anh nhưng chưa kịp cất lời anh đã rời đi cùng những người đàn ông xăm trổ theo sau anh.
– Mẹ… anh Khải nói sao hả mẹ?
Thanh Tú nghẹn lại, cả khuôn mặt thâm trầm không nhìn mẹ. Bà Lan sụt sịt, đanh giọng trách cứ:
– Cái thằng vô ơn ác nghiệt đó nó không thèm giúp ba nó… cái Hằng đến tìm nó mà nó còn đuổi cổ!
Bà ta bấu những ngón tay dán móng tô điểm tinh xảo vào da thịt mềm mại của Thanh Tú, hai mắt khẩn thiết van xin:
– Nhưng con khác… con có thể nhờ nó giúp dượng! Chỉ cần con nói chắc chắn nó sẽ nghe con! Mẹ xin con… tương lai của mấy người nhà chúng ta đều phụ thuộc vào con đấy Tú!
Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt xinh đẹp chưa có nhiều dấu thời gian, bà Lan chợt sững sờ khi Thanh Tú sầm mặt. Âm giọng không nén được tức giận, cô từ từ gỡ tay mẹ khỏi cổ tay mình:
– Mẹ nghĩ con có thể sao? Năm xưa mẹ với dượng đối xử với anh ấy thế nào, mẹ và dượng đến van lạy anh ấy có khi còn có cơ hội hơn đấy!
– Mẹ sao có thể làm vậy? Còn dượng con… ông ấy đang bị tạm giam… không thể nào đâu con! Mà dù chúng ta có đến cũng chỉ chuốc nhục nhã thôi… nhưng chị con nói… con có thể…
Nghĩ đến người chị của mình, Thanh Tú khẽ thở dài một tiếng. Trần Thanh Hằng là chị gái của cô nhưng không cùng cha, chị ta là kết quả sai lầm đầu đời của bà Lan, khi ấy mẹ cô mới mười chín tuổi, không chồng mà đẻ ra chị ta. Cha chị ta không rõ là ai, nghe nói đã bỏ đi biệt xứ.
Bà Lan vẫn sụt sịt bên tai Thanh Tú:
– Coi như mẹ van xin con đi Tú… dù sao mẹ với dượng cũng chăm lo cho con từ tấm bé… dù nhà họ Hoàng có gửi tiền cho con nhưng cũng không đáng bao nhiêu cả… con hãy vì dượng vì mẹ một lần đi con!
“Không đáng bao nhiêu”… Thanh Tú không muốn bóc trần bà ta, cô chỉ im lặng. Nhà họ Hoàng giàu có nức tiếng, bà nội cô không tiếc tiền cho cô ăn học bên trời Tây, chẳng có lý gì bà keo kiệt với cháu gái những năm tháng thiếu thời, có điều cô cũng không muốn tranh cãi với người mẹ này. Trên hết, cô không nghĩ mình có thể van xin Vương Khải mủi lòng. Hơn nữa, chuyện xảy ra là do ông Kiên tự làm tự chịu, liên lụy đến Vương Khải chỉ khổ anh mà thôi. Tiền mất rồi sao có thể đòi anh giúp?
Cô bực bội nghiêm giọng: .
Ngôn Tình Sắc– Anh Khải khổ cực trăm bề mới lên được vị trí hiện tại, tốt hơn nhà mình đừng kéo anh ấy xuống vũng bùn ngày xưa!
Thấy Thanh Tú một mực không chấp nhận, bà Lan từ van xin chuyển sang tức giận:
– Mày… Được!… Chúng tao có ra sao cũng không ảnh hưởng đến mày phải không? Phải rồi… dù chúng tao có đi ăn xin thì mày vẫn là tiểu thư danh giá nhà họ Hoàng mà… Ha, tao đúng là đã nuôi ong tay áo! Mày giờ đủ lông đủ cánh nên chẳng còn cần biết đến mẹ đến dượng, đến chị em mày nữa!