Edit + Beta: V
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc đã ba, bốn năm trôi qua.
Phủ Tùng Giang, huyện Tùng Dương.
Giờ Tỵ.
"Leng keng."
Tiếng chuông lắc vang lên từ cỗ xe ngựa cũ kỹ đang bon bon trên con đường nhỏ sình lầy ngoài huyện thành. Áng mây xanh nép mình sau lớp sương mù, phía trước cỗ xe là bộ dây cương kẽo kẹt rung lắc.
Đêm hôm trước trời giáng mưa rào nên bùn đất bên dưới nhão nhoẹt, dọc đường đi có thể thấy địa thế nơi đây là lưng tựa núi, núi lại kề sông. Xa xa là rừng trúc xanh ngắt và dòng suối uốn lượn chảy quanh, người dân đã đào mương dẫn nước vào công sự ngầm, nên có thể nói hằng ngày đều có nước ngầm chảy qua huyện thành nhỏ này.
Trên nóc xe đặt rất nhiều hành lý, nó giống như cái túi đa năng vậy, nào là đựng tiền bạc, đồ dùng, thuốc lá sợi cuốn, tẩu thuốc, lại còn có túi đựng quạt, khăn tay linh tinh chất đống.
Trong xe chở ước chừng năm, sáu người đeo tay nải từ các huyện khác đến đây, bởi vì đa số bọn họ vẫn tiếp tục đi về phía Nam buôn bán nên chỉ có hai người ngồi trong cùng xuống ở huyện Tùng Dương.
Có thể thấy, một người là vị mang theo rương đựng sách bọc vải trắng và cây dù, người còn lại là một đứa bé.
Nhìn tuổi và cử chỉ thì trông có vẻ giống cha con.
Sắc mặt người đàn ông nọ tái nhợt, cứ như bị bệnh tật quấn thân vậy. Y mặc bộ đồ xám nom hệt như kẻ nghèo khổ, song khiến người ta cảm thấy kỳ quái là trên gò má y có một vết sẹo đỏ.
Nó trông như một con rết uốn mình vặn vẹo rất đáng sợ.
Người đàn ông cao gầy này vốn mang dung mạo bị hủy hoại đến mức chẳng ai đoái hoài, vậy nên cũng chả trách những người ngồi trên xe không dám bắt chuyện với y. Ngay cả đứa bé chưa tới bảy, tám tuổi kia suốt cả đường đi cũng chỉ rúc vào ngực y và im lặng.
"Đứa bé này ngoan quá, không quậy phá gì cả." Ông lão đánh xe vào nam ra bắc nhiều năm, đã sớm quen mắt các loại người, nhưng đây là lần đầu tiên lão thấy một đứa bé như vậy, thế là bèn cười ha hả nói một câu.
"Từ nhỏ nó đã vậy rồi, y như khúc gỗ vậy, không thích nói chuyện với người khác." Đoàn Hào ngồi kế bên càng xe nhắm mắt dưỡng thần, nghe vậy bèn đáp.
Tuy dung mạo y bình thường nhưng giọng nói lại rất đặc biệt, khi ngước mắt lên, nếu như không có vết sẹo khó coi ngay má thì không ai nghĩ y sở hữu gương mặt ấy cả.
"Mẹ nó đâu rồi?"
"Không có mẹ, một mình tôi nuôi lớn nó."
Đây cũng giải thích vì sao người nọ lại có đứa con lớn như vậy.
"Uầy, vậy cậu làm cha nuôi dưỡng thằng bé cũng không dễ dàng gì. Cớ sao mặt cậu lại thành ra thế kia, chắc đi ra ngoài sẽ cảm thấy bất tiện lắm nhỉ?"
"Mấy năm trước tôi bị thương nên mới biến thành bộ dạng ma chê quỷ hờn này. Giờ cũng chỉ có thể bôi thuốc trị ngoại thương, e là cả đời này không khỏi." Lúc đề cập đến nửa gương mặt của mình, Đoàn Hào chẳng thèm để tâm gì cả.
"Vậy lần này cậu tính đến Tùng Dương à?"
"Dạ thưa, một người bạn ở Tùng Dương có giúp đỡ tôi tìm một công việc vặt cho nên tôi mới tới, sau này có đi hay không phải xem tâm trạng đã, nói không chừng hai năm nữa tôi sẽ về quê."
"Thì ra là thế, tôi nói mà, Tùng Dương ấy là chỗ khỉ ho cò gáy, có gì tốt lành đâu mà đến." Lão đánh xe tỏ vẻ thấu hiểu cảm thán một câu.
"Cậu muốn đến nha môn thì ở huyện thành phía Đông đấy, Huyện lệnh họ Mã, trên còn có Tri phủ đại nhân, tên là Giai Hồn."
"..."
"Còn muốn hỏi xem chỗ của chúng tôi có gì tốt thì vùng này vẫn được xem là thái bình, quanh năm suốt tháng chẳng xảy ra chuyện gì to tát cả, được thì cậu cứ mang thằng bé đi dạo ăn uống một phen. Cơ mà cậu đến Tùng Dương làm gì vậy, sao lại mang cái rương lớn thế kia?"
"Hay là ông đoán thử xem?" Thấy lão đánh xe dễ nói chuyện như vậy, Đoàn Hào bèn hàn huyên đôi ba câu với lão.
"Bán tranh chữ à?"
"Không phải."
"Hửm? Vậy thì để nấu súp tứ thần ư?"
"Nếu tôi nói là tôi mang người chết đến, trong rương đựng nội tạng và một đống xương trắng thì ông tin không?" Đoàn Hào trả lời.
Song lão đánh xe lại lắc đầu tỏ vẻ không tin: "Tôi không tin, nhìn cậu như vậy e là thấy xác chết sẽ sợ tè ra quần, còn bày đặt mang người chết đến cái gì."
"..."
"Tôi nghe những người xung quanh nói, rằng mấy xác chết trong nha môn đã thối rữa đến mức không nhìn rõ mặt, trông đáng sợ lắm. Cái nghề mà ngày nào cũng gặp Diêm Vương thế này thì ai mà dám làm. Cậu bảo cậu nhìn thấy xác chết rồi hả, tôi chả tin đâu." Lão đánh xe nói chắc như đinh đóng cột.
Thấy lão không tin, Đoàn Hào cũng không nhiều lời nữa.
Nói chuyện phiếm suốt cả đường, rốt cuộc lão đánh xe cũng không tin lời Đoàn Hào nói là y mang xác chết đến.
Còn một đoạn nữa mới đến huyện thành, song vì có hàng cần giao nên lão đánh xe bèn tìm chỗ nào đó thả hai cha con xuống. Sau khi xuống xe thì Đoàn Hào và Đoàn Nguyên Bảo cảm ơn người ta, người lớn thì mang cái rương lớn bọc vải trắng, kẻ nhỏ thì cầm chiếc ô giấy đỏ đi vào cổng thành.
Diện tích của huyện Tùng Dương rất nhỏ nên chẳng mấy chốc bọn họ đã đến cổng chính của huyện thành. Sáng sớm, đoàn người xếp hàng chờ vào thành không nhiều lắm, phần lớn là tiều phu lên núi đốn củi rồi về.
Song, trong đoàn người đang xếp hàng chờ vào thành lại đột nhiên xuất hiện một đội ngũ gồm năm, sáu tên đàn ông vạm vỡ đang nâng một cái cáng trùm vải trắng kín mít, tỏa ra mùi lạ vội vã lướt qua khiến dân tình bàn tán sôi nổi.
"Vụ gì vậy? Mùi thối quá."
"Hay là có chuyện lạ xảy ra ở miếu Thạch Đầu Bồ Tát? Nói mới nhớ, sao hai ngày qua không nghe ngũ bất nữ [*] nhà họ Bạch khóc vậy cà, có phải trên núi bị gì rồi không?"
[*] 五不女 - Ngũ bất nữ: Ý chỉ khiếm khuyết sinh lý bẩm sinh của phụ nữ. Theo quan niệm của người xưa thì ám chỉ người phụ nữ không có khả năng sinh sản.
"Thôi đừng quan tâm, mấy người như chúng ta biết ít chút thì tốt hơn."
Nghe câu này, dân xứ khác - Đoàn Hào đứng cuối hàng chẳng hó hé gì.
Miếu Thạch Đầu Bồ Tát, ngũ bất nữ - hai từ nghe được từ dân địa phương khiến người ta cảm thấy mới mẻ lắm.
Khi đám người kia quát lớn tránh ra rồi lướt qua mặt y thì Đoàn Hào đang cõng rương, tay dắt con trai bèn liếc mắt nhìn sang tấm vải trắng.
Năm, sáu tên đàn ông vạm vỡ che mặt này đều mặc quần áo chẽn của nha môn, chân mang giày dành cho quan lại.
Tuy tấm vải trắng trùm kín mít, nhưng đôi giày lộ ra bên dưới lớp vải có vệt đen dinh dính giống như rêu trên đất sình. Xem xét dấu vết rêu phong và đất dính trên đó thì ít nhất phải ba ngày.
Màu xanh đen xen kẽ một chút nâu sẫm mềm xốp.
Dù hoa văn trên giày vải lộ ra dưới tấm vải trắng bình thường, nhưng nó cũng không bình thường đến mức người buôn bán nhỏ có thể mang, ít nhất phải là đồng sinh hoặc tú tài mới có vật liệu để may, đặng ra ngoài xã giao với người ta.
"Cha ơi." Như phát hiện gì đó, Đoàn Nguyên Bảo thấy Đoàn Hào không lên tiếng thì bèn kêu một tiếng.
"Không sao, trước hết vào thành cái đã." Đoàn Hào ngắt lời cậu bé.
Lời xì xào của hai tiều phu địa phương tới đó cũng ngưng bặt, khiến người ta không khỏi suy nghĩ sâu xa.
Cũng vào lúc này, một người phụ nữ mặc đồ tang nối gót xuống núi.
Người này thắt bím tóc, chưa cài trâm hoa, bên dưới đồ tang trắng là một chiếc áo xanh lá. Đôi mắt cô đỏ hoe, trên chân mang đôi giày vải lụa hoa trắng lấm tấm bùn đất, đôi tay phát run, tựa như hoảng sợ vì nhìn thấy gì đó, ngay cả nói cũng không thốt nên lời, trên móng tay màu ngọc bích còn dính chút bùn đất đã khô nữa.
Thấy người phụ nữ nọ vừa xuất hiện thì dân chúng ồn ào bàn tán, thỉnh thoảng có người chỉ chỉ trỏ trỏ về xuất thân khiến cô gái bị gọi là ngũ bất nữ che mặt khóc thút thít, không dám ngẩng đầu nhìn mọi người.
Hai cha con nhìn thấy hết thảy nhưng không nói gì cả.
Ngược lại, so với đám đông thì hai người còn tỏ ra lãnh đạm và hờ hững, không hé răng tiếng nào, làm như không thấy mà nhìn đoàn người lướt qua cổng.
Chờ sau khi vào được cổng thành thì trời đã sáng tỏ.
Lúc này, một lớn một nhỏ mới rời khỏi đoàn người đi vào huyện thành nhỏ.
Hai bên đường chủ yếu là cửa hàng tạp hóa, cửa hàng may mặc, cửa hàng bánh ngọt đếm hoài không xuể, lại có một con sông chảy qua thành, có thể nghe tiếng khua mái chèo vọng lại từ xa.
Vì trên Tùng Dương còn có phủ Tùng Giang, phủ Tùng Giang giáp biển nên trên đường bày bán rất nhiều thủy hải sản, nào là tôm khô, cá khô,... tiếng mời chào từ gánh hàng rong vang lên không dứt.
Tuy bọn họ chưa chắc có nhiều ngân lượng để mua, song nó cũng khiến thằng bé Đoàn Nguyên Bảo chưa từng thấy cảnh vật xứ khác nảy sinh lòng hiếu kỳ.
"Cha ơi, đó là gì vậy ạ?" Lớn vậy rồi, đây là lần đầu tiên cậu bé đi tới nơi xa như vậy, dọc đường rất ít khi nói chuyện, thấy người qua kẻ lại rao bán trên đường nên Đoàn Nguyên Bảo bèn nhỏ giọng hỏi.
"Đó là mì Dương Xuân, sao, đói bụng rồi hả?"
Nhìn trời đã ngừng mưa, Đoàn Hào cầm lấy cây dù trên tay cậu bé, nhớ hồi sáng cu cậu vừa mới ăn miếng bánh nướng lớn trong bọc quần áo nên thuận miệng hỏi.
"Dạ không đói, con chỉ hỏi một chút thôi, do con chưa thấy bao giờ." Đoàn Nguyên Bảo nói.
"Yên tâm đi, chờ tìm được cửa hàng quan tài đưa đồ giùm ông lão ở phủ Nghiêm Châu, rồi tìm nha môn giao vật chứng, báo cáo xong thì cha dẫn con đi mua giấy, mua gạo, có thể mua thêm chén mì ăn luôn." Đoàn Hào đáp.
"Dạ cha."
Đoạn đối thoại của hai cha con dừng ở đây.
Dáng vẻ nói chuyện có nề nếp của Đoàn Nguyên Bảo rất giống ông cụ non, còn người cha Đoàn Hào này cũng coi người ta như cậu bé non nửa trưởng thành để nuôi.
Đây là thái độ chung sống bình thường của cha con nhà họ Đoàn.
Mặc kệ sự đời, không nói lời nhảm, coi bộ rất ăn ý.
Người ngoài nhìn vào có thể cảm thấy kỳ lạ, nhưng bọn họ cư xử với nhau nhiều năm như vậy cũng tập thành quen rồi.
Mục đích của chuyến đi này như khi nãy nói với ông lão đánh xe, hai người họ cầm dù và một ít bọc hành lý đơn giản từ nha môn phủ Nghiêm Châu tới.
Chặng đường bốn, năm ngày ngồi lắc lư, dật dờ trên xe ngựa.
Sở dĩ đến huyện Tùng Dương vì y vừa hay có việc cần đến nha môn huyện thành để đưa một vật chứng hữu dụng cho người khác, phải tự tay y ký tên mới được.
Thứ hai là vì Đoàn Hào có quen một người bạn ở phủ Nghiêm Châu, vị này đã bỏ nghề mà bọn họ làm từ lâu rồi, nghe nói y muốn tới Tùng Dương nên bèn nhờ y hỗ trợ đưa một món đồ.
Chờ vào cổng thành cũng mất nửa canh giờ.
Y dẫn con trai chạy hết một vòng mà không tìm được, thế là đành cầm bản đồ hỏi người đi đường, ngay cả người Tùng Dương nhìn thấy tấm bản đồ quái lạ của y cũng nảy sinh nghi ngờ, người nọ nhìn cả buổi trời rồi vỗ ót nói: "Uầy, gì mà tròn vuông lung tung tôi xem mà chả hiểu, hay là anh thử tìm kiếm xung quanh xem sao."
"Nhưng mà nếu anh tìm cửa hàng quan tài bên cạnh kỹ viện thì để tôi chỉ đường cho. Chỗ đó trước đây quả thật có một cửa hàng quan tài, giờ đã đóng cửa đổi nghề khác rồi, quanh năm suốt tháng đóng cửa miết, cơ mà thật ra đẩy cửa một cái là mở được à."
"Anh vào đó không cần gõ cửa, chắc chắn bên trong có người, nhưng phải cẩn thận trước sau trái phải, miễn cho bị đồ vật quái lạ nào đó ngộ thương. Trên lầu còn có một kẻ kỳ quái không thấy bóng dáng, lâu lâu mới xuất hiện nữa, chắc đó là chỗ anh muốn tìm đấy."
Mới đầu nghe, Đoàn Hào cảm thấy có lẽ đây là nơi mà ông lão ở phủ Nghiêm Châu muốn tìm, chỉ là không ngờ nhiều năm trôi qua người ta không còn ở đó nữa. Nhưng nghe nửa câu sau, Đoàn Hào không khỏi hỏi thêm một câu: "Kẻ kỳ quái? Giờ chỗ đó đang làm gì?"
"Ha ha, chuyện liên quan đến nghề nghiệp của người khác tôi cũng không thể ăn nói lung tung, chỉ có thể tiết lộ đó là nơi giết chết người sống đấy, còn lại tôi không tiện nhiều lời, anh tự đi tìm hiểu đi thôi."
Lời này khiến người khác nửa hiểu nửa không.
Đoàn Hào cũng không hỏi nhiều nữa, y dựa theo lời của người nọ mò mẫm tìm đường.
Dựa vào tấm bản đồ cũ nát trong tay và hỏi đường, rốt cuộc y cũng đến được chỗ có thể nhìn ra chút bóng dáng của cửa hàng quan tài khi xưa.
Ban ngày ban mặt mà trước cửa nhà này không có một bóng người.
Trên nóc nhà treo lơ lửng hai chiếc đèn lồng bám đầy tro bụi, cửa thì khóa, nhưng theo như lời của người ta nói thì chỉ cần đẩy vào là mở được. Có một tấm bảng màu đen sắp rơi rụng treo trước cửa, trên đó viết mấy chữ.
"Phòng Sự Vụ điều tra án của đại thám tử Phú Sát Nhĩ Tế."
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT