Tây tiến

chương1


10 tháng


Thi phẩm có bốn khổ thơ như bốn đợt sóng của nỗi nhớ. Ở khổ thơ thứ nhất với 14 dòng thơ đã tập trung thể hiện nỗi nhớ của tác giả về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa mĩ lệ cùng với sức mạnh hào hùng của người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân. Đến đoạn thơ thứ hai- khổ thơ được phân tích, qua những kỉ niệm ngọt ngào tươi sáng, Quang Dũng đã miêu tả nét hào hoa, nghệ sĩ trong tâm hồn của những chàng trai Hà thành lãng mạn và mộng mơ.

Bốn câu đầu đoạn thơ là những ấn tượng sâu sắc, những cảm nhận tinh tế của người chiến sĩ Tây Tiến về một đêm lửa trại nơi trú quân giữa một bản làng ở miền Tây:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” 

Đọc câu thơ đầu, người đọc như liên tưởng đến một tiếng reo vui đầy xúc cảm. Đây là lần thứ hai trong bài thơ hình ảnh “đuốc” được liên tưởng đến “hoa”. Nếu trong đêm sương Mường Lát, người chiến sĩ Tây Tiến nhìn đuốc soi đường lung linh huyền ảo như “hoa về trong đêm hơi” thì lần này trong một đêm lửa trại, bút pháp lãng mạn đã khiến cho ánh lửa bập bùng nơi đóng quân trở thành những đuốc hoa rực rỡ, gợi đến sự náo nức, rạo rực trong lòng người. Từ đó khiến cho đêm liên hoan ấy trở thành đêm hội tưng bừng:

“Đuốc hoa chẳng hẹn với chàng mai xưa”

Động từ “bừng lên” như một nốt nhấn tươi sáng cho cả câu thơ. Nó đem đến ấn tượng về ánh sáng, gợi cho ta về hình ảnh thứ ánh sáng đột ngột, bất ngờ trong “Từ ấy” của Tố Hữu:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”

Việc sử dụng từ “bừng”, cả Quang Dũng và Tố Hữu đều nhằm gợi lên cho người đọc một sự liên tưởng bởi sự đột ngột, bất ngờ. Có điều trong cách thể hiện của Quang Dũng khắc sâu trong tâm trí độc giả về thứ ánh sáng chói lòa, đột ngột của lửa, đuốc đã xua đi cái bóng đêm thăm thẳm của núi rừng đồng thời diễn tả niềm say đắm cùng niềm vui sướng, rạo rực trong lòng những người lính trong đêm hội. Từ đó, ta có thể hình dung được ánh mắt ngỡ ngàng, những gương mặt bừng sáng của các chiến sĩ. Bừng sáng vì sự phản chiếu của ánh lửa bập bùng trong đếm hội. Bừng sáng còn là vì ngọn lửa ấm nóng trong tâm hồn, ngọn lửa của niềm vui trẻ trung; ngọn lửa của tình yêu với con người và mảnh đất miền Tây.

Câu thơ thứ hai là hình ảnh trung tâm của “hội đuốc hoa”- các thiếu nữ miền sơn cước.

“Kìa em xiêm áo tự bao giờ”

“Kìa” cùng cụm từ “tự bao giờ” đã bộc lộ cảm xúc vừa ngỡ ngàng, thú vị, vừa ngưỡng mộ trìu mến của các chiến sĩ trước sự xuất hiện của các cô gái miền Tây. Hơn thế đó còn là cảm giác chân thực trong một dịp vui hiếm hoi sau bao ngày hành quân giữa rừng già với núi cao, giữa dốc thẳm với sương dày, với mưa rừng và thú dữ. Với niềm vui tỏa ra từ câu thơ, Quang Dũng đưa người đọc đến một cảm nhận thú vị khi liên tưởng đến câu thơ trước đó. “Doanh trại bừng lên” dường như không chỉ là ánh sáng của lửa, của đuốc mà còn là vì sự xuất hiện đột ngột của các sơn nữ miền Tây.

Hình ảnh các cô gái miền Tây hiện lên với ấn tượng đẹp đẽ bởi bút pháp mỹ lệ hóa trong “xiêm áo” lộng lẫy và nét “e ấp” đầy nữ tính. Những ấn tượng ấy khiến cho các cô gái trở nên đẹp hơn trước đoàn quân “xanh màu lá” và duyên dáng hơn trước những người lính “dữ oai hùm”. Việc tạo ra những nét tương phản trong cảm hứng lãng mạn đã tạo nên chất thi vị cho câu thơ và làm dịu đi cái hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh.

Tiếp đó ở câu thơ kế tiếp:

“Khèn lên man điệu nàng e ấp”

nhà thơ Quang Dũng gợi ra trước mắt người đọc: những người lính Tây tiến không chỉ ngỡ ngàng đắm say trước vẻ đẹp của những cô thiếu nữ mà còn mơ màng trong “man điệu” của núi rừng. “Man điệu” có thể là những vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ nên người lính còn mơ màng bởi giai điệu mới mẻ của vùng đất Tây Bắc trong tiếng “khèn lên” mê hoặc lòng người. Với tâm hồn hào hoa nghệ sĩ, đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến say đắm chiêm ngưỡng, cảm nhận những hình ảnh rực rỡ, những âm thanh ngọt ngào, những đường nét duyên dáng trong đêm lửa trại. Để được thả hồn mình trong thế giới mộng mơ với những vẻ đẹp say người nơi phương xa đất lạ.

            Khép lại khổ thơ là tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ:

“Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Một câu thơ bảy chữ mà lại sử dụng đến sáu thanh bằng. Phải chăng Quang Dũng muốn diễn tả tinh tế cảm giác mơ màng chơi vơi. Rõ ràng trong bốn dòng thơ trước đó với nét khỏe khoắn, mê say, nhà thơ đã dẫn ta vào đêm liên hoan văn nghệ thực mà mơ, vui tươi mà sống động, Hơn thế nữa nhà thơ còn để lại trong người người đọc cảnh vật, con người như ngả nghiêng ngất ngây trong men say rạo rực vì vui sướng được sống trong giây phút bình yên. Dư âm của chiến tranh tàn khốc bị đẩy lùi xa để chỉ còn những tâm hồn lãng mạn trong tiếng nhạc, trong hồn thơ. Đây là khoảnh khắc thật hiếm hoi trong thời chiến, để rồi ngày mai các anh lại bước vào máu lửa.

Nếu như bốn dòng thơ đầu là những kỉ niệm đẹp đẽ về tình dân quân trong đêm liên hoan văn nghệ thì bốn dòng thơ cuối khổ thơ là nỗi nhớ về cảnh sắc, con người miền tây.

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy”

Trong câu thơ, ta nhận ra nỗi nhớ miền tây được gửi gắm vào lời nhắn “người đi”. Đây đâu chỉ là lời nhắn với ai đó mà thực ra là Quang Dũng đang để cho lòng mình hướng về “Châu Mộc”, hướng về núi rừng miền Tây trong một “chiều sương” - một thời khắc có sức gợi lan tỏa: mờ ảo , nhạt nhòa, đầy sương khói. Rõ ràng “chiều sương ấy” vừa gợi không gian và thời gian, gợi hình ảnh của màn sương huyền ảo của núi rừng, của những hoài niệm nhớ nhung.

 


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play