Quả nhiên, người Mỹ kia lại là người đầu tiên đến đây.
Cả doanh trại chỉ có một chiếc điện thoại cho binh lính dùng chung, mỗi ngày đều có cả hàng dài người đứng đợi đến lượt. Laurent cứ tuân theo lệnh của Đại uý mà yên vị trên ghế gỗ nhỏ phía sau quầy bưu điện, vừa đổi tiền lẻ vừa quan sát những người xếp hàng, hệt như con chuột đồng lẩn trốn giữa bãi cỏ. Sở dĩ cậu được chọn để quan sát người dùng điện thoại cũng là nhờ vào khả năng nghe nói tiếng Anh của mình – do cha cậu là một thủy thủ người Anh, và mặc dù ông ta đã đi tới Ấn Độ từ năm Laurent lên sáu với lời hứa hẹn nửa năm sau sẽ trở về, nhưng từ đó liền chẳng thấy tăm hơi, cậu còn mong là ông ta đã chết quách ở đâu đó cho xong.
Mảnh dằm nhỏ trên chiếc ghế gỗ đâm vào tay cậu. Người Mỹ thấy Laurent đang mút ngón trỏ chảy máu liền mỉm cười, xoa xoa đầu cậu, không biết từ đâu lôi ra những tờ tiền như thể có phép thuật. Laurent nhẩm đếm từng đồng xu để đưa lại cho anh ta mà không nói một lời nào. Vẫn theo thói quen, người Mỹ sẽ bắt chuyện trước.
"Hôm nay trời gió ghê đấy nhỉ." Anh ta nói.
"Ở nơi này của chúng tôi, ngày nào tiết trời cũng như vậy." Laurent đáp, tự hỏi có phải mình đã quá thờ ơ không? Ông ngoại từng dạy cậu đi mò trai mò hến, vá lưới đánh cá, chữa bệnh cho chó, nhưng chưa từng chỉ bảo Laurent phải giao tiếp thế nào với những tên lính đến từ vùng đất khác. Le Havre giờ chẳng khác nào một bức tranh biếm họa rách nát, ai nấy quần áo rách rưới trú ẩn trong những tòa nhà gần như sắp sụp xuống. Những đêm trời tối, mỗi khi có người nào hoặc chó mèo đi ngang qua những ngọn lửa nhen nhóm sáng lên sau đống đổ nát, cái bóng của họ trông cứ như đang nhe nanh múa vuốt trên những bức tường đầy lỗ đạn. Laurent tự hỏi người Mỹ sống ở đâu, lưng áo của anh ta dính đầy bùn, khả năng cao là do ngủ trên mặt đất, dưới những cơn mưa ẩm ướt. Le Havre thiếu thốn mọi thứ, nhưng không bao giờ thiếu thủy triều, bùn lầy và mưa gió.
"Nhóc sống gần đây à?" người Mỹ sau đó hỏi.
"Tôi không sống ở đâu cả," cậu bé trả lời, cố tình hạ thấp tông giọng nhằm tạo cảm giác trưởng thành hơn, nhưng do đang trong thời kỳ vỡ giọng nên nghe chẳng khác nào ngỗng đực bị bóp cổ họng, "Nhà tôi bị đánh bom rồi."
Đối phương gật đầu, không nói gì nữa. Đây còn chẳng được coi là bi kịch, thử hỏi người dân Le Havre xem có nhà nào không bị bom HE san bằng không? Có nơi nào không có lỗ chỗ vết đạn do súng tiểu liên để lại không? Bi kịch có còn được coi là bi kịch không, nếu nó xảy ra với tất cả mọi người? Hay đây chỉ được xem như là một chuyện thường thấy trong cuộc sống? Người dân vẫn có quyền lên tiếng chứ? Nếu ông ngoại còn sống, có thể ông sẽ giải đáp những câu hỏi này.
"Mỗi ngày anh đều tới để gọi cho ai vậy?"
Đồng hồ nứt mặt đang treo trên tường chỉ sáu giờ ba lăm, trong bưu điện không còn ai khác. Người Mỹ ngồi xuống quầy và nhìn Laurent. Gió biển thổi bay những mảnh giẻ dùng để che đi những lỗ hổng do đạn gây ra và lùa thẳng vào trong, cậu nhóc nhảy xuống ghế, bước ra cố định mảnh vải nhơ nhuốc kia vào chỗ cũ. Người Mỹ cũng giúp một tay, do Laurent chỉ đứng đến bả vai anh ta và anh ta thì có thể túm chặt đầu trên của mảnh vải một cách dễ dàng.
"Tôi còn chưa biết tên của nhóc."
"Tôi là Laurent, nhưng nếu cảm thấy khó phát âm quá thì có thể gọi là Lauren cũng được, Đại uý vẫn luôn gọi như vậy."
"Xin chào Laurent, tôi là Charles, nếu khó phát âm quá thì xin lỗi nha, tôi cũng không biết người Pháp đọc tên này kiểu gì."
"Sharl."
"Cảm ơn, có lẽ "Charles" vẫn hợp với tôi hơn." Người Mỹ ngồi trên thùng chứa phao, tầm mắt của hai người ngang nhau, "Laurent, tôi chợt nhận ra mỗi ngày nhóc đều ngồi ở chỗ này, quanh đây không có gì khác để làm à?"
Cậu nhóc không định để hắn đổi đề tài: "Anh gọi ai vậy?"
"Thỏ Phục sinh, người ta nợ tôi chocolate."
Laurent cau mày, hình như còn bĩu môi. Trước đó cậu đã thề rằng sẽ không bao giờ bĩu môi nữa, bởi vì đây là hành vi của con nít, mà thói quen thì khó sửa. Người Mỹ bật cười rồi xoa đầu cậu, bước vào bốt điện thoại và đóng sầm cánh cửa gỗ vốn chẳng có tác dụng gì kia lại. Qua lớp kính cáu bẩn, Laurent có thể thấy rõ bàn tay đang cầm ống nghe kia chằng chịt những vết sẹo, như thể anh ta chỉ dùng hai bàn tay trắng này băng qua dãy An-pơ. Người này từng bị tra tấn, Laurent cố lục ra vài từ vựng trong đầu mình hệt như đang mò tìm từng xu lẻ rỉ sét nơi đáy túi, torturé, douloureux... những từ chỉ từng biết qua thơ ca từ tận hồi cấp hai mà tới hôm nay cậu mới hiểu được ý nghĩa của chúng. Trong lúc chờ chuyển tiếp cuộc gọi, gương mặt người Mỹ đầy vẻ căng thẳng, gò má gầy guộc lộ rõ, một tay nắm chặt phần dưới ống nghe, tay còn lại đặt trên hộp phím số, cúi gằm mặt xuống, nhắm mắt lại, hồi hộp gõ gõ vào hộp nhựa. Laurent tự hỏi có phải anh ta đang cầu nguyện không, anh ta cầu nguyện với ai, anh ta thành tín ai?
Điện thoại được kết nối, người Mỹ đang nhỏ giọng nói chuyện, bàn tay buông xuống của anh ta co lại thành nắm đấm, đôi lúc Laurent còn tưởng rằng anh ta thật sự sẽ phang vỡ kính cửa, nhưng suốt thời gian qua nắm đấm đó cùng lắm chỉ đập xuống tấm ván gỗ đặt điện thoại mà thôi. Charles đang tranh luận với người ở đầu dây bên kia, vẫn không một lần to tiếng, Laurent không thể nghe rõ anh ta nói gì. Cuối cùng, người Mỹ cúp điện thoại, đẩy cửa ra, gật đầu với Laurent một cái và nhanh chóng rời khỏi bưu điện. Cơn gió thoảng qua mang theo mùi cát ẩm, cánh cửa một lần nữa đóng sầm lại.
Laurent ngậm đuôi bút chì, cắn chặt, tay bỏ những đồng xu vào hộp giấy trong ngăn kéo. Đã bảy giờ sáng, những tay lính khác sẽ sớm lấp đầy văn phòng chật hẹp này, biến bưu điện nhỏ xíu hút gió nơi đây thành một nhà hát, ánh đèn sân khấu chiếu thẳng tới bốt điện thoại, binh lính kẻ khóc người cười, người đứng đờ ra, người cắn móng tay, người đi đi lại lại, người tự lẩm bẩm một mình. Mùi thuốc lá, mùi mồ hôi và mùi giày da cũ đọng lại thật lâu mới dần tan đi.
–
Người Mỹ kia cũng từng đến gửi vài bức điện tín. Lúc viết thư, anh ta trông như đã chẳng còn ôm chút hy vọng nào, một lần là xong xuôi, không cần cân nhắc sửa sang lại câu cú, cứ vậy đưa mảnh giấy cho Laurent rồi rời đi ngay lập tức, khác hẳn so với những người lính nhìn mãi chiếc máy truyền tin đầy mong mỏi khác. Sáng hôm sau, thư hồi âm ngắn gọn kiểu theo phép công mà làm đã tới: "Ngài không có quyền tìm hiểu thông tin liên quan."
Khi Laurent đưa bức điện tín cho người Mỹ, anh ta nhìn qua một hồi rồi vo nó lại, nhét vào túi, không nói gì hết.
"Là thỏ Phục Sinh ạ?"
"Phải nói là đám thỏ hoang khổng lồ không được nhiệt tình cho lắm, bởi vì tôi không phải là "họ hàng gần" của thỏ Phục sinh nên chúng sẽ không cho tôi biết chú thỏ của tôi đang ở đâu, thậm chí còn không được biết nó còn sống hay không."
Laurent không biết phải trả lời thế nào, chỉ nói, "Ồ."
Người Mỹ móc diêm và thuốc lá ra, dùng điện báo để châm điếu thuốc lá. Anh ta rít hai hơi rồi đưa nó cho Laurent, cậu bé chần chừ vài giây mới nhận lấy và học theo người Mỹ rít thử, mùi cay khé cổ tựa như cháy rừng, lan tận lên não.
"Tên người ấy là Louis."
"Ai cơ?"
"Thỏ Phục sinh của tôi, tên là Louis."
"Tên của Quốc vương."
"Vậy sao?" Charles nhả một làn khói lơ lửng trên trần nhà, "Trước đây tôi không biết cơ đấy."
"Tay anh làm sao vậy?"
"Cái này à?" Người Mỹ giơ tay, lộ ra từng đốt tay thương tật, "Trèo qua hàng rào dây thép gai ở trại tù binh."
"Nghe đáng sợ thật." Laurent ngưng một lúc, "Nhìn thôi cũng cảm nhận được."
Charles chỉ mỉm cười, tiếp tục hút thuốc và không nói gì thêm. Khi điếu thuốc cháy gần hết, anh ta dụi nó vào bức tường, đứng dậy, lấy một khối hình vuông nhỏ trong túi ra và ném cho Laurent. Cậu theo bản năng giơ tay tóm lấy, là một viên chocolate, mang ra chợ đen có thể đổi lấy bột mì cho cả một tuần.
"Quà này. Ngày mai tôi đi rồi."
"Đến nước Anh?"
"New York. Khu trục hạm không phải là thuyền phà, sẽ không dừng lại ở bất cứ nơi nào chỉ vì ước muốn riêng của ai."
Laurent mân mê miếng chocolate: "Cảm ơn."
Người Mỹ với tay qua quầy để xoa đầu cậu, rồi mở cửa và rời đi. Laurent nhấc miếng giẻ che những lỗ đạn ra, dõi theo bóng dáng anh ta trên bãi đá xám xịt. Sóng biển vỗ từng cơn vào vách đá ngầm đằng xa, những tiếng ồn vang vọng, những con tàu trôi nổi giữa bến cảng đổ nát. Laurent muốn biết New York trông như thế nào, nhưng do không biết tham khảo ở đâu nên cậu nhóc chỉ có thể hình dung ra một nơi gần giống Le Havre nhưng lớn hơn một chút.
–
Người Mỹ kia không còn tới bưu điện nữa.
Laurent không ăn thanh chocolate, cũng không đổi nó lấy bột mì, chocolate đã nằm trong túi của cậu lâu đến mức tan chảy thành một cục trong lớp bọc. Ngày càng có nhiều binh lính đến Le Havre hơn, nhưng không phải đám người Anh và Pháp rách rưới chạy trốn từ phía đông tới, hầu như là người Mỹ và Canada với diện mạo bảnh bao, hẳn là đều đủ ăn đủ mặc hàng ngày. Le Havre vô cảm quan sát bọn họ tiến về phía đông, ghen tị với những món đồ hộp quân đội của họ.
Tiếng chuông điện thoại reo vang.
Laurent vòng qua quầy. Bưu điện chẳng còn ai ngoại trừ một tay lính đang cặm cụi viết thư, mà tên đó vẫn đang đăm chiêu nhìn chằm chằm vào bức thư như thể hoàn toàn không nghe thấy tiếng chuông. Laurent bước vào bốt điện thoại, nhấc ống nghe lên: "Xin chào?"
"Ông có phải là ông Sinclair không?" Đầu bên kia nói tiếng Anh.
"Không phải, đây này là bưu điện Le Havre."
"Có thể cho tôi gặp ông Sinclair không?"
"Ở đây không có ai tên là Sinclair."
"Anh có chắc không? Trụ sở Stanmore đang tìm kiếm một phi công bị bắt giữ, có khả năng người này từng ở Le Harve."
"Tôi không biết người này, xin lỗi."
"Cảm ơn anh."
Đầu bên kia cúp máy. Laurent nhìn chằm chằm ống nghe một hồi, đặt nó lại và trở về phía sau quầy. Tay lính kia đã viết xong, Laurent nhận lấy phong thư, đóng dấu bưu điện lên và bỏ vào thùng thư. Mới qua mười giờ, xa xa vọng lại tiếng vang ù ù, máy bay vận tải cất cánh từ trên bãi đá, chẳng khác gì ngày hôm qua.
END.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT