Người đẹp mà Lâm Phi Lộc gặp qua không đến một nghìn thì cũng tới chín trăm.
Kiếp trước miễn bàn đến, sau khi tới Đại Lâm này cô thấy trong hậu cung dù là cung nữ nhỏ nhoi thôi mặt cũng đã có nét rồi, chẳng cần tính phi tần, hoàng tử.
Là một người u mê sắc đẹp, mắt nhìn của cô cũng khá cao, nhưng dù thế thì cô vẫn bị nhan sắc của cậu thiếu niên mới tầm mười một, mười hai tuổi này làm cho kinh ngạc.
Như thể khi Nữ Oa tạo ra nhân loại đều nặn người ta qua loa bằng bùn thôi, còn riêng cậu ta lại được nâng niu trên tay điểm từng nét vẽ.
Thêm một nét thì đậm, bớt một nét lại nhạt nhòa, vẻ đẹp cân đối, đẹp đẽ nhưng không nữ tính, vừa thuần khiết lại chẳng kém phần trân quý.
Bóng trúc la đà, ánh sáng tản ra xuống người cậu trên nhiều sắc độ, tựa như trăng trên trời tuyết trên mặt đất, nhìn thế nào cũng không giống người thật.
Trước đây cô từng đọc một bài thơ Tô Thức, viết rằng:
"Công tử chỉ ứng kiến họa
Thử trung ngã độc tri tân
Tả đáo thủy tòng thiên diểu
Định phi trần thổ gian nhân." (*)
( Dịch:
"Người như công tử hẳn chỉ có ở trong tranh
Thiếp ở nơi này biết đến có đôi điều
Chép sách tới sơn cùng thủy tận
Mới hay chàng chẳng phải người nơi trần thế."
Ý khen chàng trai đẹp vô thực, dưới góc nhìn của người con gái.)
Vào giờ khắc này, cô cảm thấy chữ quả thật đã hòa hợp cảnh.
Còn nhỏ tuổi mà tướng mạo đã phi phàm như vậy rồi, đợi đến khi cậu trưởng thành, đường nét trên mặt hoàn thiện hơn, chẳng phải sẽ khiến trái tim thiếu nữ toàn thiên hạ loạn nhịp sao?
Hiển nhiên là Tam công chúa đã mê đắm quên lối về rồi.
Đối mặt với Lâm Hi hùng hổ dọa người, thiếu niên kia không để lộ nửa phần thất thố, chẳng tức chẳng giận, trái lại trên mặt còn nở một nụ cười, toát ra vẻ ung dung ôn hòa đáng ra ở tuổi này chưa thể có: "Chơi hồ là chuyện nhỏ, chỉ có điều ta mắc phong hàn chưa khỏi hẳn, sợ rằng sẽ lây bệnh sang Tam công chúa.
Thân thể người quan trọng nhường nào, không thể để người chịu khổ được."
Những lời này, rõ là muốn cự tuyệt nhưng lại toát ra sự quan tâm của người nói với nàng ta.
Trong nháy mắt, Lâm Hi xuôi xuôi, hơi vui vui, hỏi lại: "Huynh đang quan tâm ta sao?"
Tống Kinh Lan tủm tỉm: "Tất nhiên rồi, rừng trúc gió lớn, công chúa nên giữ sức khỏe mới phải, người về trước đi."
Mới hai ba câu thôi mà đã thu phục được Lâm Hi rồi.
Cô nhóc dẫn cung nữ xoay người rời đi, vừa khéo Lâm Phi Lộc đứng cách đó mấy bước.
Nàng ta sực nhớ tới trận ốm vừa qua, bèn lên cơn kiêu căng: "Thật là xúi quẩy, đi đâu cũng đụng phải con yêu tinh hại người kia."
Lâm Phi Lộc rũ mắt, sợ hãi nép sau lưng Lâm Cảnh Uyên, túm vạt áo cậu, cúi gằm mặt xuống.
Lâm Cảnh Uyên thấy vậy, nổi cáu, chỉ thẳng mặt Lâm Hi mắng: "Đúng là Trưởng tỷ làm hư ngươi, trước mặt ta mà cũng dám ngỗ nghịch! Nếu ta mà nghe thấy mấy lời này nữa thì ta không tha cho đâu!"
Lâm Hi chẳng thể ngờ Tứ hoàng huynh lại bênh vực Lâm Phi Lộc.
Ngày thường dù nàng ta cũng cư xử phách lối nhưng so ra chẳng bằng một góc của Lâm Cảnh Uyên.
Bình thường Tứ hoàng huynh đã không ưa nó, bây giờ lại bị ăn mắng thẳng mặt như vậy, nó tủi thân, ấm ức khóc lóc chạy đi.
Lâm Cảnh Uyên hừ một tiếng, quay lại xoa bím tóc bé nhỏ trên đỉnh đầu Lâm Phi Lộc: "Đừng sợ."
Lâm Phi Lộc ngước lên, chớp chớp mắt, trong mắt đong đầy vẻ sùng bái và tin cậy chẳng thể che giấu.
Lâm Cảnh Uyên thấy vậy, nhiệt huyết sôi trào, tí thì bay lên mây, siết nắm đấm, thầm thề trong lòng: "Ta sẽ là người bảo vệ Tiểu Lộc muội muội!"
Khi màn tấu hài bên này kết thúc thì ở đầu bên kia Tống Kinh Lan cũng định dẫn người hầu trở về Thúy Trúc Cư, trước khi đi, xoay người nhìn hai huynh muội cười mềm mỏng, đầu gật nhẹ, thong thả bước đi.
Bóng lưng phản chiếu trên nền xanh rì của biển trúc sao mà thanh tao, phong nhã, ung dung lạ kỳ.
Lâm Phi Lộc thì thào hỏi: "Cảnh Uyên ca ca, kia là ai thế?"
Lâm Cảnh Uyên vừa đi vừa thuận miệng trả lời: "Muội không biết cậu ta à? Cậu ta là con tin nước Tống đưa sang từ năm năm trước, tên là Tống Kinh Lan."
Trước mắt vốn hiểu biết của Lâm Phi Lộc với thời đại này chỉ giới hạn ở Đại Lâm, nghe Lâm Cảnh Uyên nói vậy, cô nhân cơ hội này giả bộ ngây ngô hỏi: "Con tin là gì ạ?"
Lần đầu tiên trong đời, Tứ hoàng tử nát học nếm mùi vị đạt được thành tựu của sự học, hắng giọng, hứng chí bừng bừng giảng giải cho Ngũ hoàng muội nghe.
Hóa ra ở thời này ngoài nước Đại Lâm ở phương Bắc ra thì còn nước Tống ở phương Nam, và nước Ung chuyên sống du mục cùng tạo ra thế kiềng ba chân giữa ba nước.
Mới đầu nước Tống là quốc gia hùng mạnh nhất, vì đất đai phương Nam phì nhiêu nên sản vật vô cùng phong phú.
So với phương Bắc cằn cỗi và nước Ung thảo nguyên tít tắp thì nước họ quả là được thiên nhiên hậu đãi.
Nhưng bởi quá sung túc nên nảy nòi ra tật biếng nhác.
Từng đời, từng đời Hoàng đế nước Tống sau kém hơn trước, cứ ỷ vào quốc khố dồi dào cùng sản vật phong phú, dần dà sa đọa chỉ biết hưởng lạc.
Tới thế hệ quân vương hiện tại lại sa vào mê đắm sắc đẹp, chuyên đoạt hết mỹ nhân khắp thiên hạ, dính với cái danh háo sắc.
Mấy năm trước, nước Ung ngỏ ý kết binh liên thủ với nước Tống đối phó với Đại Lâm ngày càng hùng mạnh, còn đưa ra lời đề nghị kết liên hôn.
Không ngờ chuyện này bị Đại Lâm phát hiện, Lâm Đế nổi cơn thịnh nộ.
Đại Lâm vốn luôn ao ước thèm muốn nước Tống, ngặt nỗi không kiếm được cái cớ nào để dẫn binh, hơn nữa hai bên còn cách nhau một cái ranh giới trời rạch ra là sông Hoài.
Lâm Đế e ngại của cải nước Tống đã tích lũy nhiều năm, nếu đánh lâu dài Đại Lâm sẽ rơi vào thế bất lợi nên chưa vội vàng phát binh.
Tống Đế nắm rõ việc này, cũng rất sợ Lâm Đế giận quá hóa cuồng xuất binh tấn công nước Tống.
Thế là không những cự tuyệt đề xuất của nước Ung mà còn sai sứ giả qua truyền đạt quyết tâm cầu hòa của mình, thậm chí vì thể hiện sự chân thành nên đưa luôn một vị hoàng tử sang.
Vị hoàng tử ấy, chính là Tống Kinh Lan.
Lâm Cảnh Uyên kể lúc cậu ta đến Đại Lâm mới bảy tuổi, chỉ mang theo một tên tùy tùng.
Tuy mang danh hoàng tử nhưng thực chất chỉ là con tin.
Cuộc sống trong cung của cậu không đến nỗi khổ sở nhưng chẳng tốt đẹp ấm êm cho cam.
Lâm Cảnh Uyên chẳng dám kể cho Tiểu hoàng muội biết chuyện mình cũng từng bắt nạt, xem thường Tống Kinh Lan.
Lúc học ở Thái Học, cậu ta luôn là kẻ được Thái học khen ngợi.
Lâm Cảnh Uyên trời đẻ ra đã ghét học nhất nên tất nhiên chẳng ưa gì Tống Kinh Lan, đã kha khá lần tạt mực lên áo cậu hoặc hùa cùng các hoàng tử khác trêu chọc cậu.
Nhưng tới tận hiện tại Tống Kinh Lan cũng chưa bao giờ tỏ ra sầu não buồn bực, hình như cậu ta lúc nào cũng chỉ biết cười, với ai cũng ôn hòa khiêm tốn.
Thế là Lâm Cảnh Uyên dần dà chẳng có hứng chọc nữa, ít bày trò hẳn.
Lâm Phi Lộc nghe xong xuôi đầu đuôi câu chuyện, cảm thán một hồi, anh giai xinh trai này đáng thương quá đi.
Quả nhiên ông trời luôn luôn công bằng, nếu đã ban cho ngươi giá trị nhan sắc đỉnh cao thì sẽ lấy đi của ngươi một số thứ tương ứng, dẫu sao cũng khiến đời ngươi chẳng thể xuôi chèo mát mái dễ dàng được.
Thế là đúng rồi.
Kể ra thì mình và cậu ta cũng hiểu nỗi khổ của nhau.
Nếu nước Tống sừng sững lớn mạnh, nếu Đại Lâm phải phái một công chúa cầu thân thì người bị chọn trúng nhắm mắt đoán cũng biết đó là mình.
Họ đều là những người bị bỏ rơi.
Lòng cô lẳng lặng thổn thức, nhưng không để Lâm Cảnh Uyên nhìn thấu, cứ vui vẻ câu cá cùng cậu cả buổi chiều.
Thái giám phục vụ ở ao câu cá làm việc chu toàn, cuối buổi câu cá họ câu được vào dây rồi phái người đưa về cung của mỗi người.
Lâm Cảnh Uyên vốn định đưa cô về nhưng mới được nửa đường thì gặp người truyền lời của Nhàn phi, báo rằng Hoàng đế đang đích thân tới điện Trường Minh kiểm tra việc học của cậu, gọi cậu mau mau về cung.
Lâm Cảnh Uyên sợ hú hồn, dặn dò đôi câu rồi phóng đi mất.
Lâm Phi Lộc chầm chậm trở về cùng thái giám được cử theo cô.
Khi đi ngang Thúy Trúc Cư, gió trúc xào xạc, ánh chiều tà vàng ruộm góc mái hiên, vô cùng nên thơ.
Cô ngẫm nghĩ một chốc, nhặt hai con cá trong thùng, dặn dò thái giám: "Đứng đây chờ ta."
Thấy thái giám khom người vâng lời, Lâm Phi Lộc bèn xách cá đi vào Thúy Trúc Cư.
Trong ấn tượng của cô, cung Minh Nguyệt nơi cô ở đã hẻo lánh quạnh quẽ lắm rồi, chẳng ngờ Thúy Trúc Cư này còn tiêu điều hơn cả cung Minh Nguyệt.
Lúc đẩy cửa đi vào, cánh cửa tróc sơn kêu lên kẽo kẹt vì nhiều năm không được sửa sang.
Bên trong viện, tùy tùng của Tống Kinh Lan đang ngồi sắc thuốc, thấy có người đi vào, khuôn mặt đang chăm chú nhất thời toát ra vẻ lúng túng ngập ngừng.
Chiều nay hắn đã bắt gặp cô bé này đi cùng Tứ hoàng tử.
Tứ hoàng tử bình thường chuyên vô duyên vô cớ gây sự với chủ tử của hắn, chắc hẳn cô bé này cũng chẳng tốt lành gì.
Chẳng ngờ cô lại đi thẳng tới, cười híp mắt, nâng xâu cá trên tay đưa cho hắn, lanh lảnh cất tiếng: "Cái này cho ngươi."
Tên tùy tùng ngẩn người, không dám đưa tay nhận.
Lâm Phi Lộc nói thêm: "Điện hạ nhà ngươi không phải đang bệnh sao? Đi nấu canh cá tẩm bổ cho huynh ấy đi."
Hắn liếc con cá, lại nhìn cô bé có vẻ vô hại này, trộm nghĩ, chẳng lẽ con cá này bị hạ độc?
Hình như Lâm Phi Lộc đã đọc làu làu suy nghĩ trong lòng hắn, cười phì một tiếng, giở giọng trêu ghẹo: "Không muốn nhận ư?"
Tên người hầu bối rối không biết làm sao.
Cánh cửa phòng sau lưng hắn bất ngờ được mở ra.
Tống Kinh Lan khoác áo choàng đứng ở ngưỡng cửa, nói với giọng ôn hòa: "Thiên Đông, cất đi đi." Rồi quay lại nhìn về phía Lâm Phi Lộc, mặt mày đầy dịu dàng: "Đa tạ Ngũ công chúa."
Lâm Phi Lộc hơi ngạc nhiên: "Huynh biết ta à?"
Thiếu niên gật đầu: "Đã nghe qua tên của công chúa."
Đoán chừng cậu vừa mới rời giường, tóc tai hơi xô lệch, trên mặt mang vẻ nhợt nhạt bệnh tật nhưng chẳng đánh mất phong thái cao quý vốn có.
Đúng là càng ngắm càng thấy đẹp trai.
Lâm Phi Lộc hài lòng thưởng thức cái đẹp.
Sau khi đưa cá xong liền nhảy chân sáo ra về.
Lúc gần đi, còn kĩ tính đóng kĩ cổng lại.
Cô bé đi khuất, Thiên Đông lập tức nói: "Điện hạ, để ta đem chôn con cá này."
Tống Kinh Lan phẩy tay: "Không cần, mang nấu đi."
Thiên Đông hơi chần chừ: "Nhỡ đâu bị bỏ thuốc..."
Tống Kinh Lan cười: "Công chúa đã đích thân đưa tận cửa thì sẽ không có gan làm bậy đâu, yên tâm đi."
...
Lâm Phi Lộc tặng cá xong về cung ngay, lúc đi đến cổng đã thấy Tiêu Lam đứng chờ bên ngoài.
Thấy cô đến gần, lập tức qua đón, sốt sắng nói: "Con đã về rồi."
Lâm Phi Lộc phát hiện sự lạ, khi thái giám đưa cá đi về, cô hỏi: "Mẫu phi, sao vậy ạ?"
Tiêu Lam đầy mặt lo lắng, dẫn cô đi vào: "Buổi chiều sau khi con đi, người của Tứ hoàng tử mang sang rất nhiều đồ."
Lúc này Lâm Phi Lộc mới thấy khắp phòng chất đầy rương hòm.
Có thức ăn, có vải gốm, có trang sức và cơ man đồ chơi lung tung cô chưa từng thấy qua, ngập cả căn phòng nhỏ của cô.
Thằng nhóc Lâm Cảnh Uyên này cũng thật có tâm.
Lâm Phi Lộc rất thích được tặng quà nên vui vẻ nhận.
Tiêu Lam lại lo âu ra mặt: Nhàn Phi nương nương mà biết thì phải làm sao?"
Lâm Phi Lộc đã quen với cái tính nhìn trước ngó sau sợ bóng sợ gió của mẹ, cô chẳng lên tiếng, chỉ hào hứng đi mở quà.
Hôm nay câu được kha khá cá, sau khi nấu bữa tối còn lưu lại mấy con, Vân Du cho số cá đó vào cái ao nhỏ ở góc sân để nuôi.
Lâm Chiêu Viễn có cá chơi, khoái chí ra mặt.
So với tình hình của cung Minh Nguyệt thì lúc này ở điện Trường Minh, không khí có phần căng thẳng.
Đến khi Lâm Cảnh Uyên chạy về thì Lâm Đế đã yên vị ở đó.
Ngài đang uống trà với Nhàn phi thì thấy cậu nhóc đầu đầy mồ hôi thở hồng hộc xông thẳng vào nhà.
Lâm Đế sa sầm mặt, tỏ rõ sự không hài lòng.
Nhàn phi tức đến phát cuống lên.
Nàng ta chợt nhớ đến chuyện chiều nay nghe cung nữ bẩm báo con mình chẳng nói chẳng rằng lôi một đống đồ đến cung Minh Nguyệt cung, giận lắm mà chẳng tìm thấy chỗ nào để xả.
Lâm Cảnh Uyên theo lệ quỳ xuống dập đầu.
Lâm Đế lạnh lùng hỏi: "Lại chạy ra ngoài quậy phá đúng không?"
Lâm Cảnh Uyên thật thà trả lời: "Con đi câu cá ạ."
Lâm Đế hừ một tiếng: "Con nhàn nhã quá nhỉ, không bao giờ để ý chuyện học hành mà chỉ thích dốc sức nô đùa chơi bời thôi!"
Nhàn phi thuyết phục: "Bệ hạ bớt giận, Cảnh Uyên còn nhỏ, chỉ hơi ham chơi thôi, đợi nó..."
Lâm Đế bực mình ngắt lời nàng ta: "Đều là do nàng nuông chiều nó! Tám tuổi đâu còn bé bỏng gì, khi trẫm bằng tuổi nó đã làm được ba bài Quốc phú rồi."
Nhàn phi nịnh: "Bệ hạ văn thao võ lược, Cảnh Uyên sao có thể so với Bệ hạ được."
Lâm Đế nhấp một ngụm trà để hạ hỏa, chợt thấy nơi ngực áo Lâm Cảnh Uyên căng phồng lên, nhíu mày hỏi: "Thứ con giấu trong ngực là gì vậy?"
Trước đây có lần tiểu tử này tống con chim chết vào ngực áo rồi đem vào Thái Học hù dọa Thái Phó.
Lâm Đế nghĩ lại tiền án ngày trước cậu phạm phải, không khỏi hoài nghi cậu có phải đang nhét cá chết vào người không.
Nhàn phi vừa tức vừa chộn rộn, không thể nói đỡ cho con nữa, trơ mắt nhìn con trai giơ tay lên sờ ngực áo rồi lôi ra một quyển Luận Ngữ.
Gượm đã??
Luận Ngữ???!!!
Đây có phải đứa con vừa thấy sách đã than nhức đầu choáng váng bải hoải rụng rời cả chân tay của mình không???!.