Phân Tâm Học Nhập Môn

Những điều kiện và kỹ thuật của sự giải thích


1 năm

trướctiếp

Như vậy, muốn cho công cuộc khảo sát về giấc mơ tiến triển, chúng ta phải có một con đường mới, một phương pháp mới. Tôi muốn đề nghị với các bạn một điều thực giản dị: chúng ta hãy coi những giấc mơ như những hiện tượng không có tính chất cơ thể mà chỉ có tính chất tinh thần. Bạn biết điều đó có nghĩa gì, nhưng cái gì đã cho phép chúng ta làm điều đó? Không có gì hết nhưng cũng chẳng có gì cấm chúng ta. Sự việc như thế này: nếu giấc mơ là hiện tượng cơ thể thì chúng ta chẳng cần để ý đến nữa, chúng ta chỉ để ý đến những giấc mơ vì đó là những hiện tượng tinh thần. Vì vậy chúng ta phải gán cho nó những tính chất tinh thần để xem công việc khảo cứu của chúng ta sẽ đi đến đâu trong điều kiện đó. Theo kết quả thu lượm chúng ta sẽ biết là có nên giữ giả thuyết của chúng ta không? Bởi vì chúng ta định đi tới đâu, mục đích của chúng ta là gì? Mục đích đó là mục đích của mọi khoa học nói chung: chúng ta muốn tìm hiểu các hiện tượng, ràng buộc chúng vào với nhau để rồi mở rộng phạm vi quyền hạn của chúng ta đối với chúng.
Vậy chúng ta tiếp tục công trình khảo cứu bằng cách coi giấc mơ như một hiện tượng tinh thần. Nhưng trong giả thuyết các giấc mơ đó như là một cách phát biểu của người nằm mơ, một cách phát biểu không cho chúng ta biết gì hết, mà chúng ta không hiểu. Ở trường hợp các bạn thì có thể làm việc gì khi bạn không hiểu gì về tôi cả. Bạn sẽ hỏi tôi phải vậy không? Vậy tại sao chúng ta không hỏi luôn người nằm mơ? Tại sao chúng ta không hỏi ngay chính người đó xem giấc mơ của anh ta có nghĩa gì?
Các bạn hãy nhớ rằng, có một lần chúng ta đã ở trong tình trạng tương tự. Đó là trường hợp một hành vi sai lạc, một trường hợp lỡ lời. Có một người nói: “ Có những việc đã xảy ra ( Vorschwein gekommen)”. Chúng ta hỏi anh ta xem anh ta định nói gì trong câu nói vô nghĩa đó. Anh ta trả lời là ý anh ta muốn nói: “Đó là những trò con heo (Das waren Schweinrein)” nhưng ý kiến này bị một ý kiến ôn hòa hơn chèn ép: “ Có những sự việc xảy ra (Vorschein)”. Nhưng ý tưởng thứ nhất bị dồn ép làm cho anh ta thay chữ Vorchein bằng chữ Vorschwein, một chữ không có nghĩa gì nhưng diễn tả được ý chê bai của anh ta. Lúc đó tôi đã giảng cho các bạn nghe rằng, sự phân tích này là điển hình cho công cuộc khảo cứu về phân tâm học. Và bây giờ thì bạn hiểu tại sao môn phân tâm học lại áp dụng kỹ thuật giải quyết các điều bí ẩn bằng cách hỏi ngay đương sự. Vì thế, cho nên đến lượt người nằm mơ phải nói cho chúng ta biết giấc mơ của anh ta có nghĩa gì.
Tuy nhiên trong giấc mơ không phải là mọi sự đều giản đơn như thế. Trong các hành vi sai lạc chúng ta đứng trước những trường hợp đơn giản; rồi sau đó chúng ta phải gặp những trường hợp bớt đơn giản, khi mà đương sự không muốn nói cho chúng ta nghe gì cả, trái lại còn giận dữ trước những lời đề nghị của chúng ta. Về các giấc mơ bao giờ anh ta cũng trả lời không biết gì hết. Anh ta cũng không có ý kiến gì về cách giải thích của chúng ta vì thực sự chúng ta chẳng có gì đề nghị với anh ta hết. Có phải vì thế mà chúng ta đành phải bỏ rơi lối giải thích của chúng ta không? Người nằm mơ không biết gì hết, chẳng có người thứ ba nào cho chúng ta biết thêm được điều gì, chính chúng ta cũng không có một nguồn tin tức nào để biết thêm, chúng ta chẳng còn hy vọng được biết điều gì cả. Đúng vậy, các bạn cứ việc đầu hàng đi theo tôi. Tôi cho rằng có thể người nằm mơ biết giấc mơ của anh ta có nghĩa gì nhưng vì không biết rằng mình biết nên cho rằng mình không biết.
Các bạn sẽ cho rằng đây là lần thứ hai tôi lại dùng lại sự giả dụ và làm như thế tôi giảm giá trị của phương pháp đi nhiều. Điều giả dụ thứ hai: Trong con người có những hoạt động tinh thần mà anh ta biết là có nhưng không biết đó là gì... Các bạn sẽ cho rằng những giả dụ này không thể nào thành sự thực được nên những kết luận của tôi sẽ không có giá trị gì.
Đúng thế, nhưng tôi không mời các bạn đến đây để giấu giếm hay phơi bày cái gì hết. Tôi đã báo thức trước rằng đây chỉ là bài học nhập môn, điều đó không có nghĩa rằng tôi phải hiến cho các bạn các bài học tường trình thực đẹp che giấu những cái khó khăn, lấp các hố thiếu sót để làm cho các bạn có cảm tưởng rằng đã học được một chút gì rồi. Không, chính vì các bạn là những người mới bắt đầu nên tôi phải trình bày khoa học của chúng ta với nguyên hình của nó, với những cái gì không điều hòa, cao vọng của nó cũng như những khó khăn. Tôi biết khoa học nào cũng thế nhất là những khoa học mới bắt đầu. Tôi cũng biết là giáo dục thường có thói quen che giấu không cho sinh viên biết những khó khăn và những điều thiếu sót của môn học. Vì vậy, tôi đã đưa ra hai điều giả dụ có liên quan chặt chẽ đến nhau, nếu các bạn thấy sự việc đó khó nhọc quá, không vững chắc và nếu các bạn quen với những sự xác thực cao hơn, những sự diễn dịch đẹp đẽ thì các bạn chẳng nên đi xa hơn nữa. Tôi còn cho rằng các bạn nên gạt ra một bên những vấn đề tâm lý thì hơn. Bởi vì các bạn sẽ không thấy con đường chúng ta đang theo đuổi là con đường chắc chắn đáng theo. Vả lại một khoa học có thể cho nhân loại điều gì đó mà không cần tìm những kẻ ủng hộ mình. Chính những kết quả sẽ nói nhiều về giá trị của nó, nó có thể chờ cho những kết quả đó làm cho mọi người chú ý.
Nhưng tôi cần báo trước cho những người muốn theo con đường tôi đi là hai điều giả dụ của tôi không có giá trị bằng nhau. Đối với điều thứ nhất, chúng ta sẽ dùng công cuộc khảo cứu để chúng ta chứng minh rằng giấc mơ là một hiện tượng tinh thần. Còn về điều thứ hai, chúng ta đã dùng nó trong một công việc khác rồi, chúng ta chỉ còn dùng nó để giải những bài toán trong vấn đề này.
Ở đâu và trong phạm vi nào người ta chứng minh rằng có một tri thức mà chúng ta không biết gì hết, đúng như trường hợp của anh chàng nằm mơ của chúng ta. Đó là một điều rất đáng chú ý, đáng ngạc nhiên, có thể thay đổi hẳn quan niệm của chúng ta về đời sống tinh thần, không cần phải lánh mặt làm gì. Đó là một sự kiện diễn tả một cái gì có thực. Vậy mà sự kiện này không hề lánh mặt. Nếu người ta không biết đến nó đâu có phải lỗi tại nó; chúng ta cũng không có lỗi gì nếu tất cả những người xa lạ đối với những sự quan sát và thí nghiệm về vấn đề này đưa ra.
Việc chứng minh sự có mặt của sự kiện này đã được thực hiện trong phạm vi thôi miên. Tôi được chứng kiến thí nghiệm sau đây của Liebault và Bernheim năm 1889 ở Nancy: Người ta ru ngủ một người trong một giấc ngủ mộng du, trong đó người bị ru ngủ được gây cho có một thứ ảo giác: lúc tỉnh dậy anh chàng có vẻ như không hay biết những sự việc xảy ra trong giấc ngủ. Khi Bernheim hỏi anh về những sự việc xảy ra, anh trả lời là anh không nhớ gì hết. Nhưng Bernheim hỏi đi hỏi lại và quả quyết là anh ta phải biết và chắc chắn có biết: thế là anh chàng ngập ngừng, bắt đầu tập trung ý tưởng rồi lại nhớ lại như trong giấc mơ một điều, rồi hai điều rồi càng ngày càng nhiều hơn, càng rõ hơn lên cho tới khi nhớ lại được hết từ đầu đến cuối không còn sót một điều nào. Vì đương sự không hề được ai cho biết những điều đó, chúng ta phải kết luận rằng ngay trước khi bị thúc đẩy, bắt phải nhớ lại, anh ta đã biết có những sự việc xảy ra trong lúc ngủ. Chỉ có điều là những biến cố đó như không biết rằng mình biết, tưởng rằng mình không biết. Trường hợp đó hoàn toàn giống như trường hợp người nằm mơ của chúng ta.

......(Còn tiếp ...)

Vui lòng đăng nhập để đọc tiếp.
Trải nghiệm nghe tryện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp