Phân Tâm Học Nhập Môn

Thuyết khát dục và bệnh thần kinh Narcissisme (2)


1 năm

trướctiếp

Tôi trả lời như sau. Lời bài bác thứ nhất của bạn nghe được. Việc xem xét những trạng thái giấc ngủ, bệnh tật và tình ái có lẽ không bao giờ sẽ dẫn tới sự phân biệt giữa khát dục khách quan và khát dục của cái tôi, giữa khát dục và lợi ích. Nhưng bạn đã quên mất những công trình khảo cứu khởi đầu của chúng ta, những công trình đã rọi ánh sáng vào những trạng thái tinh thần mà chúng ta đã khảo cứu từ trước tới nay. Chỉ vì đã chứng kiến sự xung đột phát sinh ra bệnh thần kinh chuyển hoán mà giữa những bản năng tình dục và bản năng tự bảo tồn. Chúng ta không thể nào bỏ được sự phân biệt đó. Việc khát dục của các đối tượng có thể biến thành khát dục của cái tôi, việc phải xét đến sự có mặt của khát dục của cái tôi là cách giải thích duy nhất có giá trị đối với những điều bí ẩn của bệnh thần kinh mà chúng ta gọi là “nác xít”, ví dụ như bị điên sớm phát, đối với những điều giống nhau và khác nhau giữa bệnh này một đằng và bệnh náo loạn thần kinh cùng bệnh ám ảnh đằng khác. Hiện nay chúng ta áp dụng cho giấc ngủ, bệnh tật và trạng thái tình ái những điều mà chúng ta thấy không thể chối cãi được tại nơi khác. Chúng ta cần tiếp tục sự áp dụng đó để xem chúng sẽ đưa chúng ta tới đâu. Đề luận duy nhất không được rút ra một cách trực tiếp từ sự nghiên cứu phân tâm học là như sau: khát dục vẫn là khát dục, dù đem áp dụng cho các đối tượng hay cho cái tôi của đương sự và không bao giờ nó biến thành lợi ích, ích kỷ cả; đối với lợi ích cũng vậy, nó không bao giờ biến thành khát dục cả. Nhưng đề luận này cũng giống như sự phân biệt giữa khuynh hướng tình dục và khuynh hướng của cái tôi, sự phân biệt mà chúng ta phải giữ lại cho tới khi nó bị phủ nhận vì lý do ích lợi của sự phát minh.
Lời bài bác thứ hai của bạn cũng đúng nhưng đi sai đường hướng. Tất nhiên sự quay trở về với cái tôi của khát dục sau khi tách rời khỏi đối tượng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh; chúng ta chẳng đã thấy hiện tượng này xảy ra trước khi bắt đầu giấc ngủ để rồi lại thụt lùi trở lại sau khi thức dậy sao? Giống vật li ti trong nguyên sinh chất thụt chân giả vào rồi lại thò ra khi gặp cơ hội. Nhưng sự việc xảy ra khác hẳn khi có một sự diễn tiến nào đó rất cương quyết bắt buộc khát dục phải tách rời khỏi đối tượng. Khát dục sau khi trở thành “nác xít” không tìm lại được con đường trở về đối tượng nữa và chính sự giảm sút của tính di động của khát dục mới là nguyên nhân gây bệnh. Người ta có thể nói rằng trong một vài giới hạn nào đó sự tích luỹ của khát dục không chịu đựng được. Nếu khát dục phải bám vào một đối tượng nào đó chính là vì cái tôi gây nên. Nếu chúng ta định đi vào chi tiết của bệnh điên sớm phát, tôi sẽ cho các bạn hay rằng sự diễn tiến làm cho khát dục sau khi tách rời khỏi đối tượng không tìm được quay về với những đối tượng đó nữa - sự diễn tiến đó cũng gần sự dồn ép hay một sự gì giống thế. Nếu tôi nói cho bạn hay rằng những điều kiện của sự dồn ép thì các bạn sẽ có cảm tưởng như đang đi trên con đường quen thuộc. Sự xung đột có vẻ như chỉ là một, và diễn ra bằng những sức mạnh giống nhau. Nếu kết quả của cuộc xung đột đó có khác nhau như trong bệnh náo loạn thần kinh chẳng hạn thì đó chỉ là do sự khác nhau về bản chất. Trong người bệnh của chúng ta, phần yếu trong quá trình phát triển của khát dục, phần gây ra triệu chứng, lại ở chỗ khác. Có lẽ tương ứng với giai đoạn sơ khai của “nác xít” mà bệnh điên sớm phát quay trở lại trong giai đoạn cuối cùng của nó. Điều đáng chú ý là chúng ta bị bắt buộc phải công nhận trong khát dục của tất cả các bệnh thần kinh “nác xit” những điểm định cư tương ứng với những giai đoạn phát triển sớm hơn trong các bệnh náo loạn thần kinh và ám ảnh nhiều. Nhưng các bạn biết rằng những khái niệm chúng ta thu lượm được trong khi khảo sát bệnh thần kinh chuyển hoán cũng giúp cho chúng ta tìm được đường hướng phải theo trong bệnh thần kinh “nác xít” khó tìm hơn nhiều về phương diện thực tế. Những điểm giống nhau rất nhiều và thực ra chỉ có một hiện tượng thôi. Vì thế cho nên bạn hiểu rõ những sự khó khăn, nếu không nói là không thể được đối với những muốn dựa vào thần kinh học để cắt nghĩa những bệnh này mà không biết gì về bệnh thần kinh hoán chuyển phân tâm học.
Bệnh điên sớm phát không phải chỉ có những triệu chứng thoát ra từ sự tách bạch của khát dục khỏi các đối tượng rồi tích luỹ lại bên trong cái tôi, với tính chất của một khát dục “nác xít”. Người ta phải dành chỗ lớn cho những hiện tượng khác gắn liền vào những cố gắng của khát dục đối với các đối tượng, nghĩa là tương ứng với một mưu toan trả lại hay khởi bệnh. Những triệu chứng sau này còn ầm ĩ đáng chú ý hơn nữa. Chúng có nhiều điểm giống nhau với triệu chứng của bệnh náo loạn thần kinh, ít điểm giống nhau hơn với bệnh ám ảnh, tuy nhiên vẫn khác cả hai bệnh này về những điểm khác. Có vẻ như trong sự cố gắng quay trở lại với đối tượng bệnh trong thần kinh sớm phát, khát dục đã thành công trong việc bám vào các đối tượng đó nhưng thực sự chỉ bám vào được bóng của các đối tượng đó thôi, nghĩa là vào sự phát biểu thành lời nói của các đối tượng đó. Tôi không thể nói nhiều hơn nữa nhưng cho rằng thái độ của khát dục trong khi cố gắng quay về với các đối tượng đã giúp cho ta hiểu rõ được sự khác biệt thực sự giữa một sự khác biệt hữu thức và một sự phát biểu vô thức.
Tôi đã đưa các bạn vào một vùng đất trong đó môn phân tâm học sẽ đạt được nhiều tiến bộ. Kể từ khi chúng ta quen với danh từ “khát dục của cái tôi” chúng ta đã tìm hiểu được bệnh thần kinh nác xít; công việc của chúng ta còn là tìm được cách giải thích sinh động về các bệnh này và luôn thể bổ túc những điều hiểu biết của chúng ta về đời sống tinh thần bằng cách đào sâu những điều đã biết về cái tôi. Tâm lý của cái tôi mà chúng ta định xây dựng, không thể dựa trên căn bản của những dữ kiện của sự quan sát nội tâm, mà phải dựa trên căn bản của sự phân tích những điều rối loạn và phân tán của cái tôi như trong sự khát dục. Có thể sau khi xong công việc đó thì giá trị của những điều hiểu biết về bệnh thần kinh hoán chuyển và liên quan đến khát dục sẽ giảm đi. Nhưng công việc này chưa tiến được bao nhiêu. Chúng ta không thể dùng hết kỹ thuật của chúng ta trong việc tìm hiểu bệnh thần kinh nác xít như trong bệnh thần kinh hoán chuyển. Tôi nói cho các bạn nghe tại sao. Một khi tiến lên một bước trong bệnh thần kinh nác xít, chúng ta như cảm thấy một bức tường bắt chúng ta dừng lại trong một lúc. Trong các bệnh thần kinh hoán chuyển tuy có gặp những điểm chống đối nhưng chúng ta đã phá bỏ được từng chướng ngại vật một. Trong bệnh thần kinh nác xít, sự đề kháng có vẻ như không thể nào vượt qua được. Chúng ta chỉ có thể kiễng chân nhìn qua bức tường để rình xem đằng sau có gì không. Vì vậy chúng ta phải thay thế kỹ thuật hiện thời bằng kỹ thuật khác, chúng ta chưa biết sẽ thay thế như thế nào. Tất nhiên vật liệu về các bệnh này không hề thiếu. Bệnh phát hiện bằng nhiều cách, dù không phải bằng những cách hợp ý chúng ta và trong lúc này chúng ta đành phải giải thích những phát hiện đó thôi bằng cách dùng những điều đã thu nhận được trong khi nghiên cứu bệnh thần kinh hoán chuyển. Hai loại bệnh này khá giống nhau đủ để gặt hái được những kết quả xác thực trong bước đầu, dù rằng chúng ta không thể nói chắc là kỹ thuật đó có thể đưa chúng ta đi xa hơn.
Còn nhiều khó khăn nữa xuất hiện làm ngăn trở bước tiến của chúng ta. Bệnh thần kinh nác xít và tâm lý chỉ hé mở những bí ẩn của chúng cho những người đã học qua trường phân tâm học về bệnh thần kinh hoán chuyển thôi. Vậy mà những nhà thần kinh học không hề biết đến phân tâm học trong khi những nhà phân tâm học lại không thấy có nhiều trường hợp thần kinh học. Chúng ta cần một thế hệ những nhà thần kinh học qua một trường phân tâm học như một khoa học sửa soạn. Hiện nay ở Mỹ đã có hai cố gắng loại này, trong đó những nhà thần kinh học nổi tiếng dạy sinh viên về phân tâm học và các nhà giám đốc nhà thương điên công hay tư cũng dùng phân tâm học để quan sát bệnh nhân của họ. Chúng ta cũng đã nhìn qua tường thấy một vài điều về bệnh thần kinh nác xít dưới đây.
Hình thức bệnh hoạn của bệnh vọng tưởng và bệnh điên kinh niên giữa một địa vị mơ hồ trong việc phân loại của bệnh thần kinh học tối tân. Vậy mà những chứng bệnh này rất gần với chứng bệnh điện sớm phát dưới danh từ “paraphrenie” theo nội dung thì bệnh vọng tưởng có thể được mô tả như thói quen kỳ cục thích danh vọng cao sang, có cảm tưởng như mình bị hành hạ, cuồng dục, ghen tuông… Chúng ta không chờ đợi thần kinh học đưa ra những lời giải thích. Tôi lấy một ví dụ (xảy ra từ lâu lắm rồi và có thể mất đi một phần giá trị) đó là sự cố gắng dựa vào một triệu chứng để tìm ra một triệu chứng khác bằng cách dựa vào lý luận tri thức của người bệnh: người bệnh có cảm tưởng rằng mình bị hành hạ chính là vì mình là người quan trọng, do đó mới phát sinh ra chứng bệnh kỳ cục thích danh vọng cao sang là hậu quả ngay tức khắc của sự tích luỹ sắc dục quá nhiều trong cái tôi làm cho cái tôi trở thành quan trọng; đó là bệnh nác xít phụ thuộc, xuất hiện như hậu quả của bệnh nác xít sơ khai, nghĩa là của những ngày đầu tiên của tuổi thơ ấu. Nhưng một quan sát của tôi trong bệnh bị hành hạ đưa tôi đến một dấu vết khác. Tôi nhận thấy rằng trong phần lớn các trường hợp người ta bị hành hạ cũng như kẻ hành hạ đều cùng thuộc một phái (nam hay nữ). Người ta có thể cắt nghĩa sự kiện này bằng nhiều cách, nhưng trong một vài trường hợp được nghiên cứu kỹ người ta nhận thấy rằng chính người cùng phái mà mình yêu mến nhất trước khi mắc bệnh đã trở thành người hành hạ mình trong khi bị bệnh. Tình trạng có thể phát triển bằng sự thay thế người mình yêu mến bằng một người khác, ví dụ như thay thế người cha bằng người gia sư, hay người cao hơn. Từ những kinh nghiệm đó tôi đưa ra nhận xét rằng bệnh bị hành hạ chỉ là hình thức bệnh hoạn trong đó người bệnh chống lại một khuynh hướng đồng tính luyến ái quá mạnh. Sự biến đổi của lòng yêu thành thù hận, một sự biến đổi có thể trở thành một sự đe doạ cho sự sống của con người vừa được yêu, vừa bị thù ghét, trong những trường hợp này tương ứng với sự biến đổi của những khuynh hướng khát dục thành lo sợ, hậu quả của sự dồn ép. Các bạn hãy nghe điều quan sát mới nhất của tôi về vấn đề đó. Một vị bác sĩ trẻ tuổi bị bắt buộc phải rời bỏ thành phố nơi sinh của mình vì đã đe doạ giết chết con trai một vị giáo sự đại học trong thành phố đó, anh con trai này trước đây là bạn thân của anh ta. Vị bác sĩ này cho rằng người bạn cũ của mình có những ý tưởng thật kinh khủng, một sức mạnh của quỷ sứ, cho rằng chính anh đã gây ra một nỗi khổ sở xảy đến cho gia đình mình trong mấy năm qua, gây ra mọi điều không may về gia đình cũng như xã hội. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, anh con trai bạn cũ và cha anh ta, ông giáo sư đại học còn phải chịu trách nhiệm về chiến tranh đã xảy ra vì đã gọi quân Nga đến xâm lăng Tổ quốc của mình. Bệnh nhân của chúng ta cho rằng anh ta đã nhiều lần suýt chết vì ông bạn quý và cho rằng chỉ có cái chết anh này mới làm cho anh ta hết mọi nỗi đau đớn thôi. Vậy mà lòng yêu đối với người bạn cũ còn mạnh đến nỗi một hôm khi có dịp dùng súng lục bắn chết anh này, người bệnh thấy tay mình như tê liệt. Trong cuộc nói chuyện với người bệnh tôi biết là tình bạn giữa hai người khởi đầu từ những năm đầu tiên học trung học. Ít nhất có một lần tình bạn đã vượt quá giới hạn của tình bạn. Một đêm cùng ngủ với nhau một giường họ đã giao cấu với nhau hoàn toàn. Người bệnh không bao giờ cảm thấy một tình cảm đối với đàn bà như những người cùng tuổi và cùng phái. Anh ta đã đính hôn với một cô gái đẹp, nhưng cô này thấy anh chẳng tỏ cảm tình âu yếm gì nên dứt tình luôn. Nhiều năm sau bệnh của anh ta được phát hiện sau khi đã thoả mãn hoàn toàn một người đàn bà. Người này vừa hôn anh xong thì đột nhiên anh thấy đau đớn kỳ lạ, như có người lấy dao bổ óc ra làm đôi. Sau đó anh cho rằng, anh có cảm tưởng như người ta bổ đôi óc anh ta để lòi xương sọ ra như trong phòng giải phẫu hay trong việc mổ sọ; thế rồi vì người bạn thân lại chuyên môn về giải phẫu sọ nên anh cho rằng chính người bạn đã gửi người đàn bà đến cám dỗ anh ta. Đến lúc đó anh mới mở mắt ra và hiểu rằng mọi sự hành hạ khác đều do anh bạn cũ mà ra cả.
Tôi đã có dịp quan sát một trường hợp như thế và khẳng định quan niệm của tôi mặc dù bề ngoài có vẻ mâu thuẫn. Người con gái tưởng tượng rằng mình bị một người đàn ông đã đến chỗ hẹn với nàng hai lần rồi hành hạ, thực ra là nàng đã bắt đầu thù ghét một người đàn bà mà nàng coi là đã thay thế mẹ nàng. Mãi sau khi đến chỗ hẹn lần thứ hai với người đàn ông, nàng mới chuyển sự thù ghét người đàn bà sang người đàn ông. Vậy điều kiện người cùng phái đã được thực hiện trong trường hợp thứ hai này cũng như trong trường hợp thứ nhất. Trong lời phàn nàn của nàng đối với vị luật sự và vị bác sĩ của mình, người bệnh đã không đả động gì đến giai đoạn đầu tiên đó và chính điều này có vẻ như đã cải chính quan niệm của chúng ta về vấn đề người cùng phái.

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp