Lịch Sử Vạn Vật

Chương 15. VẺ ĐẸP NGUY HIỂM


1 năm

trướctiếp

Vào những năm 1960, trong khi đang nghiên cứu lịch sử núi lửa tại công viên quốc gia Yellowstone, Bob Christiansen của Viện nghiên cứu địa chất Hoa Kỳ đã phải sửng sốt trước một điều kỳ quặc chưa từng xảy ra trước đó: ông không thể tìm được núi lửa của công viên này. Trước đó rất lâu người ta đã xác dịnh rằng nguồn gốc Yellowstone là một núi lửa – đây là nguyên nhân tạo ra các mạch nước phun và hơi nước liên tục bốc lên tại đây. Nhưng Christiansen không thể tìm thấy núi lửa nào tại đây cả. Đặc biệt, thứ ông tìm được lại là một kết cấu được gọi là canđêra (hõm chảo).
Hầu hết chúng ta, khi nghĩ về núi lửa, đều cho rằng núi lửa là một ngọn núi hình nón chẳng hạn như núi Fuji hoặc Kilimanjaro, được tạo ra bởi quá trình phun trào nham thạch tạo thành một ngọn núi cân đối. Việc này hình thành rất nhanh. Năm 1943, tại Parícutin thuộc Mexico, một nông dân hoảng hốt khi trông thấy khói bốc lên từ một phần nông trại của mình. Chỉ một tuần lễ sau tại đó xuất hiện một ngọn núi cao năm trăm foot. Hai năm sau độ cao của nó đạt một nghìn bốn trăm foot với đường kính hơn nửa dặm. Tổng cộng có mười nghìn ngọn núi lửa có thể dễ dàng trông thấy như thế này trên trái đất (trong đó có vài trăm đã tắt). Nhưng còn có một loại núi lửa thứ hai không hề có hình nón như chúng ta thường nghĩ. Đó là loại được gọi là canđêra, hõm chảo. Rõ ràng Yellowstone là loại thứ hai này, nhưng Christiansen vẫn chưa tìm được miệng của nó.
Cũng trong khoảng thời gian này, NASA quyết định kiểm tra các loại máy chụp được đặt ở vị trí rất cao so với mực nước biển bằng cách chụp các bức ảnh về công viên Yellowstone, sau đó các bức ảnh này được gửi đến cho những người lãnh đạo công viên này với suy nghĩ rằng họ sẽ có một trung tâm thu hút khách du lịch bậc nhất trên thế giới. Ngay khi Christiansen xem các bức ảnh này, ông hiểu được tại sao mình lại không tìm được miệng núi lửa: gần như toàn bộ công viên – 2,2 triệu hécta – chính là miệng núi lửa. Vụ nổ núi lửa trước đó đã để lại một chiếc hố có đường kính hơn bốn mươi dặm – quá lớn nên không thể trông thấy từ vị trí thấp. Tại thời điểm nào đó trong quá khứ, ắt hẳn Yellowstone đã bùng nổ dữ dội vượt ngoài tầm hiểu biết của con người.
Hóa ra là Yellowstone là một siêu núi lửa. Nó tọa lạc trên một điểm nóng khổng lồ, nó là nguồn đá chảy xuất nguồn từ ít nhất 125 dặm dưới mặt đất. Nhiệt từ nguồn đá chảy này tạo ra tất cả các suối nước nóng cũng như lớp bùn nhão nóng ở đây. Bên dưới bề mặt tại khu vực này là một lớp dung nham trải rộng bốn mươi lăm dặm – gần bằng chiều rộng của công viên này – và dày tám dặm tại điểm dày nhất. Bạn hãy hình dung một đống thuốc nổ TNT với kích cỡ đảo Rhode và chiều cao tám dặm. Nếu nó phát nổ, một cơn tai biến cực lớn ngoài sức tưởng tượng sẽ xảy ra. Theo Giáo sư Bill McGuire của Đại học London, khi nó bùng nổ thì những người sống cách xa nó một trăm dặm không thể trốn chạy được. Những hậu quả tiếp theo có thể còn thê thảm hơn.
Không ai có thể chắc chắn về Yellowstone, nhưng có hai điều chắc chắn về nó: lớp vỏ trái đất tại Yellowstone rất mỏng và thế giới bên dưới đó rất nóng. Nhưng liệu lớp vỏ trái đất tại đây mỏng là do nhiệt độ tại đây nóng bỏng hay là do lớp vỏ trái đất tại đây mỏng, đây là vấn đề vẫn đang được tranh luận.
Kể từ lần phun trào đầu tiên của nó cách đây 16,5 triệu năm, nó đã phát nổ hàng trăm lần. Vụ nổ gần đây nhất của nó có cường độ lớn gấp một nghìn lần so với cường độ của vụ nổ tại đỉnh St. Helens; vụ nổ trước đó mạnh gấp 280 lần, và vụ nổ trước đó nữa mạnh đến mức không ai có thể ước đoán được cường độ của nó. Người ta cho rằng ít nhất nó cũng mạnh gấp hai mươi lăm nghìn lần so với vụ nổ tại đỉnh St. Helens.
Chúng ta hoàn toàn chẳng có gì có thể đem so được với nó. Vụ nổ lớn nhất trong thời hiện đại là vụ nổ diễn ra tại Krakatau ở Indonesia vào tháng Tám 1883, vụ nổ này tạo ra tiếng rền trên toàn thế giới kéo dài suốt chín ngày và khiến nước biển Manche phải tràn bờ. Nhưng nếu bạn hình dung cường độ của vụ nổ này bằng quả bóng chơi gôn thì vụ nổ lớn nhất của Yellowstone sẽ có kích cỡ to bằng một quả cầu mà bạn có thể nấp phía sau được. Với tỷ lệ này, vụ nổ tại đỉnh St. Helens chỉ bằng hạt đậu.

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp