5.

Cái bàn cạnh thùng rác đã bị dời đi.

Lớp học vẫn đông đúc, thậm chí không nhìn ra là thiếu đi một học sinh.

Khi một người đã mất, tựa như giọt nước hòa vào trong nước.

Mọi thứ dần dần trở lại bình lặng.

An Tề từ sống trong miệng của bọn họ, trở thành sống trong ký ức của tôi.

Những ngày tốt đẹp của cậu ấy không dài, ngày lành của tôi cũng không kéo dài bao lâu.

Lên lớp 9, học hành căng thẳng, cô chủ nhiệm xin trường cho tôi một chỗ ở miễn phí.

Tôi mới chuyển đến ngày thứ hai. Buổi tối trong giờ tự học, cô Lý đang giảng bài toán trên bục thì ba tôi xông vào, người nồng nặc mùi rượu.

“Con khốn Đường Hà Thanh đâu rồi?”

Xem ra ông ta lại thua nên tâm trạng bực bội, muốn tìm tôi trút giận. Tôi siết chặt bút trong tay.

Cô Lý buông bài kiểm tra xuống, sau khi kinh ngạc thì bình tĩnh lại. “Vị phụ huynh này, làm phiền ông ra ngoài, bây giờ đang là giờ học.”

Giọng điệu nghiêm túc không biết đã chọc trúng chỗ đau nào của gã đàn ông kia. Ông ta vung tay lên, ném hết đồ đạc trên bục giảng xuống đất, ngón tay gần như chọc vào trán cô.

“Dám bảo ông đây đi ra ngoài? Mày là cái thá gì? Tưởng mình là ai hả.”

Ông ta vung tay lên.

Cô Lý cho dù nghiêm nghị đến đâu thì cũng chỉ mới hơn 20, gặp kẻ vô lại thế này làm sao không sợ. Ngực cô phập phồng dữ dội, đầu ngón tay bấu chặt vào mép bàn đến trắng bệch.

Đây là cô giáo tôi thích nhất, kính trọng nhất.

Cô sẽ lấy danh nghĩa động viên mà âm thầm đưa văn phòng phẩm cho tôi.

Cô sẽ tranh luận với trưởng khối để giành cho tôi một phần trợ cấp cho học sinh nghèo.

Cô nhìn thấy buổi trưa tôi chỉ ăn cải trắng, sẽ lặng lẽ gắp đùi gà trong mâm mình đưa cho tôi.

Cô sẽ quan tâm đến tôi trong mọi việc ở lớp, sợ tôi sẽ bị đối xử bất công.

Nhưng mà bây giờ, cô lại vì tôi mà chịu uất ức.

Trong nháy mắt, không biết dũng khí từ đâu đến, tôi xông lên như điên. Vừa kéo cô giáo ra, chắn trước mặt cô, vừa thét to bảo ba tôi cút đi, tôi mắng ông ta là đồ súc sinh.

Một cái tát vang dội đập vào mặt tôi. Lực mạnh đến mức nửa mặt tôi gần như tê dại, khóe miệng chảy máu. Tai ù đi hết lượt này đến lượt khác.

Ý nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu tôi:

[Cũng may, may mà chặn kịp]

[Tiếc là bó hoa giấy tôi làm còn cất trong ngăn kéo, chưa kịp tặng cô.]

Hôm nay là Ngày nhà giáo. Nhưng tôi nghĩ mình không xứng là học trò của cô.

Gã súc sinh bị mấy người bảo vệ đến đưa đi.

Tôi từ từ ngẩng đầu lên, nhìn những ánh mắt từ bốn phía đổ dồn về đây. Bọn họ không làm gì cả, nhưng tôi cảm giác mình như bị lột trần ra.

Cái tát này đánh nát uy nghiêm của cô giáo, cũng đánh nát lòng tự trọng của tôi, chiếc ô bảo vệ cuối cùng của tôi cũng bị xé toạc ra rơi xuống.

Hiệu trưởng tìm cô chủ nhiệm, nói việc tôi sống trong trường sẽ ảnh hưởng đến an toàn của những bạn học khác, đề nghị tôi nên tiếp tục học ngoại trú.

Cô còn muốn lên tiếng bênh vực tôi, tôi lại không còn mặt mũi nào nhận sự cố gắng của cô. Tôi đồng ý dọn đi trong đêm.

Lúc này lại thấy may vì đồ đạc của tôi quá ít ỏi, không cần cô giúp, tự mình tôi có thể dọn đi.

Nhìn ra màn đêm đen kịt, tôi biết từ ngày mai, ngày lành của tôi đã kết thúc.

Thủ phạm gây ra bạo lực không hề e dè nơi nào, từ nay càng không kiêng nể gì. Mà tôi sau khi về nhà sẽ đối mặt với trái đắng của lần đầu tiên phản kháng.

Tôi đeo hành lý đứng ở ngã tư, nhớ về quá khứ, tưởng tượng tương lai, quá khứ và tương lai đan xen nhau trong cơn gió lạnh đầu thu.

Trong ngơ ngẩn, tôi như rơi vào ảo giác.

Cả đời này, con đường tôi đi sẽ là con đường lầy lội khó khăn.

Nhưng mà cuộc sống vẫn đang tiếp diễn.

Vì thế, trên dòng sông khốn khổ này, tôi lại vung mái chèo gãy của mình tiếp tục lên đường.

6.

Cách đối phó với bạo lực trực tiếp nhất chính là lấy bạo lực kiềm chế bạo lực.

Gậy ông đập lưng ông.

Tôi quấn mình trong chiếc chăn đơn, hứng gió lạnh đầu cầu suốt một đêm. Sắc trời dần sáng, trong đầu tôi hiện lên một đôi mắt. Đen như sơn, lạnh lùng, sắc bén.

Nửa năm trước, thị trấn nhỏ này có người từ ngoài chuyển đến. Họ mở một tiệm xăm ở nơi sâu nhất của hẻm Bình An.

Nghe nói là hai mẹ con, một là tên côn đồ liều mạng, một là bà điên.

Ba tôi là kẻ luôn bắt nạt kẻ yếu. Có lần ông ta uống say nổi điên, nói người phụ nữ điên trong hẻm nhỏ đó là đồ dâm đãng, ai cũng qua cửa được.

Lời này truyền tới tai tên côn đồ kia. Tối hôm đó, người cha cao to của tôi bị kéo về nhà như một con lợn chết. Toàn thân bầm dập, mặt mũi sưng vù, miệng đầy máu, hai chiếc răng cửa bị gãy.

Người đàn ông cao lớn, đứng ngược sáng không thể nhìn rõ mặt. Người đó thản nhiên ném ba tôi vào sân, bước tới dùng chân đè nghiến những đầu ngón tay ông ta, giọng âm trầm.

“Lão già khốn nạn, sau này tôi còn nghe ông dám há miệng nói những lời bẩn thỉu về mẹ tôi thì ông không cần dùng đến lưỡi nữa.”

Ba tôi gật đầu lia lịa, không dám phát ra một tiếng.

Tôi nấp sau cánh cửa nhìn xuyên qua khe hở. Bỗng nhiên đôi mắt sâu thẳm sắc bén đó nhìn thẳng vào tôi, một tiếng cười khẽ trầm thấp từ sâu cổ họng người đó bật ra không rõ ý nghĩa.

Đến khi tôi định thần lại thì người đó đã đi rồi, lưng tôi toát mồ hôi lạnh.

Họa không bằng người nhà, lưu manh vẫn còn nói đạo nghĩa.

Buổi tối tôi giả vờ ngủ say, nghe ba tôi ở sát vách khóc lóc chửi bới cả đêm, lòng thầm cảm thấy sung sướng.

Gã côn đồ đó ra tay tàn nhẫn. Ba tôi ba ngày không ra khỏi giường nổi, ngay cả đánh tôi cũng không còn sức.

Sau này tôi sợ gây họa nên luôn cố ý tránh khỏi con hẻm đó. Chưa từng có tiếp xúc với người đó.

Có thể trị ba tôi, ngoài người đó ra tôi không thể nghĩ ra ai khác.

Vì vậy, sáng sớm hừng đông, lần đầu tiên tôi bước vào con hẻm nhỏ này.

Rêu xanh mềm nằm dọc theo hai bên con đường nhỏ lát đá. Cuối đường là một ngôi nhà nhỏ hai tầng, bức tường cũ loang lổ đã được sửa chữa, quét sơn trắng sạch sẽ. Trước nhà là một cây hoa quế đang tỏa hương, không khí thoang thoảng hương thơm nhè nhẹ.

Tôi hít sâu vào một hơi, đẩy cửa bước vào.

Đập vào mắt là phòng khách, trên tường treo rất nhiều tranh. Người đàn ông quay lưng ra cửa, bộ đồ bảo hộ trắng, đường nét cơ bắp cánh tay săn chắc. Một tay đang kẹp thuốc lá, tay kia đang sắp xếp lại dụng cụ trên bàn.

Nghe tiếng động, người đó búng tàn thuốc, tiếp tục động tác trên tay, giọng lạnh nhạt: “Chưa đến giờ, không làm.”

Tôi biết, tấm biển trên cửa ghi 15:00 - 24:00.

Nhưng tôi muốn nói, tôi không phải đến xăm mình. Lúc này mới phát hiện mở miệng ra rất khó khăn, vết thương tối qua chưa xử lý nên khóe miệng dính lại với nhau.

“Buổi chiều lại…” Người đó quay đầu lại.

Điếu thuốc trong tay hơi run lên. Đôi mắt đen nhìn thẳng vào tôi, một lúc sau mắng nhỏ, “Đệt.”

Tôi còn chưa kịp hỏi là tại sao.

“Con trai, ăn cơm chiên trứng không… úi cha, mẹ đi đây, mẹ còn nghĩ sao nay dậy sớm vậy, gặp quỷ rồi gặp quỷ rồi.”

Người phụ nữ mới ló đầu ra đã vội vàng cầm sạn quay nhanh về bếp, nhanh đến mức chỉ thấy được một góc áo.

“…”

Vừa hiểu ra thì một chiếc gương nhỏ được chìa đến trước mặt. Người đàn ông chống má, dập tắt thuốc, có vẻ không muốn nhiều lời.

Tôi nhận lấy. Trong gương là một thiếu nữ sắc mặt tái nhợt, đầu tóc rối bù. Dưới mắt quầng thâm đen, mắt lại to, nửa bên mặt sưng vù, khóe miệng còn vệt máu khô. Đồng phục học sinh trên người đỏ trắng xen lẫn.

Lại còn xuất hiện vào sáng sớm tinh mơ.

Bất kể thế nào thì cũng thấy khá kinh khủng. Ban nãy tôi không bị đánh xem như tôi may mắn vì anh ta đang tốt tính.

Tôi xấu hổ xoa xoa khóe miệng.

Anh vươn tay nhặt chiếc áo da trên sô pha, khoác lên người. “Chiều em cũng đừng đến, tôi không xăm cho trẻ vị thành niên. Đặc biệt là những đứa trẻ nổi loạn bỏ nhà trốn đi.”

Anh hiểu nhầm. Tôi lắc đầu, lấy trong túi ra tờ 10 tệ nhàu nát, từ từ đặt nó lên bàn.

“Nghe nói anh thu phí bảo kê, vậy anh… có thể bảo vệ em không?”

Anh thờ ơ liếc nhìn tôi. “Em thấy tôi giống xã hội đen à?”

Tôi đánh liều nhìn kỹ anh ta hơn. Trẻ đến bất ngờ. Mặt mày lạnh lùng, hàng mi dài dày rậm đen như cánh quạ. Rất đẹp, cũng rất dữ tợn.

Đặc biệt là gương mặt không biểu cảm.

Không chỉ giống xã hội đen mà còn giống lão đại xã hội đen.

Trong lòng nghĩ vậy, ngoài miệng vô thức nói ra thành lời.

“…”

“…”

Anh lắc lắc cổ, cười thành tiếng. “To gan đấy, con cái nhà ai đây?”

“Dạ, nhà ở phía tây kia ạ.”

Anh nghĩ ngợi. “Đường Thế Quốc là cha em?”

“Cũng có thể không phải.”

“…”

Có vẻ như cúi đầu nói chuyện với tôi mỏi cổ, anh quay người ngồi lên sô pha. “Không phải đêm đó em cũng thấy sao? Tôi đánh cha em.” Anh cầm ly nước trên bàn.

“Vậy anh muốn đánh em ạ?” Tôi hỏi.

“Em thiếu đòn à?” Anh hỏi lại.

Tôi lắc đầu dứt khoát. Ba tôi thiếu, tôi thì không.

Anh nhướng mắt. “Vậy là được.”

Ý anh là sẽ không đụng tới tôi. Không biết sao nhưng tôi tin lời anh nói.

Thấy chủ đề đi xa, tôi lại đẩy 10 tệ trên bàn về phía trước.

Có lẽ do tôi quá dửng dưng với việc cha mình bị đánh, hoặc là tôi lại kiên trì cầu cứu người từng đánh cha mình. Anh kinh ngạc, “Không hận tôi?”

“Hận. Hận anh sao không đánh chết ông ta.” Tôi nói không cần nghĩ ngợi.

Người đối diện đột nhiên bị sặc, ho khù khụ. Anh siết cái ly. “Em muốn tôi bảo vệ em thế nào?”

“Đánh chết ba em.” Một nửa tức giận, một nửa thật.

Anh ngừng uống nước, đặt ly lên bàn. “Người không bao lớn mà lại ngang ngược vậy.”

Tôi không biết thế nào, đành lấy lùi mà tiến. “Vậy đánh ông ta tàn phế cũng được.”

Anh xoa xoa giữa hai chân mày, tức giận: “Việc này không nhận được.”

Vốn dĩ không ôm bao nhiêu hy vọng, nhưng khi nghe đáp án từ chối vẫn thất vọng. Tim tôi chùng xuống, khó thở, đầu choáng váng, tầm mắt dần mơ hồ.

Giây sau, tôi ngã về phía trước.

Dường như rơi vào một vòng ôm vội vã.

Người đàn ông giận quá hóa cười. “Chết tiệt, sáng sớm đã gặp ăn vạ.”

7.

Mơ mơ màng màng. Dường như ngủ rất lâu.

Xung quanh có mùi thuốc sát trùng. Khóe môi mát lạnh, hình như không còn sưng lên.

Tay phải có lòng bàn tay nhẹ nhàng nắm lấy, có vài phần thương xót.

Bên tai là tiếng chuyện trò khe khẽ của người đàn ông và phụ nữ.

“Thằng nhóc chết tiệt, con bé ngất xỉu có hơn một nửa là do bị con dọa.” Giọng trách móc.

“Con còn oan hơn Thị Kính nữa đó.” Tiếng lười nhác của người đàn ông.

“Oan gì mà oan hả? Bác sĩ mới nói đó, sốt cao, cảm xúc kích động, suy dinh dưỡng lâu ngày, hạ đường huyết, con dám nói hai cái trước không liên quan tới con hả? Người sốt nóng đến muốn chín, con còn ở đó nói đông nói tây.” Giọng người phụ nữ đang nhẹ nhàng bỗng cao lên một quãng tám.

Có vẻ như giận quá, lòng bàn tay giật giật, người phụ nữ đứng dậy đấm cho người đàn ông một đấm.

“Uiii daaa.” Người đàn ông rên lên như đau đớn.

Hơi thở quen thuộc lại đến gần, bàn tay phải tôi lại được giữ chặt trong cảm giác ấm áp.

“Con không biết lúc mẹ thay áo bệnh nhân cho con bé, người gầy nhom, toàn thân đầy những vết bầm xanh xanh tím tím, không một khoảng thịt da nào lành lặn.” Tiếng nói bên tai ngừng lại, nghẹn ngào, “Con bé nhỏ vầy đã chịu khổ bao lâu rồi.”

Giọng nói lười nhác của người đàn ông chợt thu lại, mang theo vẻ sắc bén. “Mẹ nó, Đường Thế Quốc đúng là lão súc sinh, con gái ruột mà xuống tay tàn nhẫn như vậy. Biết trước thế này hôm đó nên đánh c/h/ế/t lão.”

“Chu Hải Yến! Con không yên ổn được hả?”

Tựa như chạm vào vùng cấm của cả hai, hai người im lặng đối đầu. Trong nhất thời, phòng bệnh quá sức yên tĩnh. Nước thuốc lạnh lẽo truyền dần theo kim qua mu bàn tay phải, dần dần đi vào cơ thể.

Hóa ra anh tên Chu Hải Yến.

Trong mơ màng, tôi nghĩ đến một từ:

Sông trong biển lặng*.

(Chú thích: 河清海晏 là tên của hai nhân vật chính Hà Thanh - Hải Yến, đồng thời là một câu thành ngữ Trung Quốc. (Hoàng) Hà = sông; Thanh = trong veo/trong vắt; Hải = Biển; Yến = trời trong/trời trong không một gợn mây gọi là yến. Nước sông Hoàng Hà trong vắt, biển lặng sóng. Đó là một phép ẩn dụ cho hòa bình trên thế gian.

Theo Baidu https://baike.baidu.com/.../%E6%B2%B3%E6%B8%85%E6.../4425977

“Hà thanh hải yến, thì hòa tuế phong, quốc thái dân an.” (Chú thích: Sông trong biển lặng, mùa màng sung túc, đất nước thái bình dân tình an ổn.)

Cô Lý từng khen tên tôi rất hay.

Chu Hải Yến, tên anh cũng rất hay.

Ba mẹ anh chắc hẳn rất yêu anh.

Ngày tôi sinh, mẹ nói ba đặt tên cho tôi, ông ta không kiên nhẫn, tiện tay chỉ dòng sông nhỏ bên bờ ruộng, nói nước rất trong, vậy thì gọi là Đường Hà Thanh. Thế là mẹ tôi đồng ý.

Mãi đến khi gặp được cô Lý, nghe cô giải thích tôi mới biết rằng cỏ dại cũng có thể nở hoa.

Tiếng nói bên tai dần mơ hồ. Dưới tác dụng của thuốc, tôi lại ngủ thiếp đi.

Khi thức dậy lần nữa đã là buổi chiều.

“Người nhà ấn ở đây một lúc, đừng để chảy máu.” Chai dịch truyền cuối cùng đã hết. Y tá rút kim xong, dặn người đàn ông đứng bên cạnh.

Chu Hải Yến kéo cái ghế đẩu ngồi xuống, ngón tay thô ráp ấn lên lớp băng dính trên mu bàn tay tôi.

Lực không mạnh không nhẹ.

Tôi giơ tay ra rồi rụt lại, muốn nói tự mình làm. Vừa mở miệng, cổ họng khô khốc đắng nghét, giọng khàn như vịt kêu.

Anh đè tay tôi lại, lấy chiếc ly giấy trên bàn cạnh giường đưa tôi. “Em nghỉ ngơi đi, giọng như bị pháo nổ.”

“…”

Không thể phản bác. Tôi dùng tay trái nhận lấy. Nhấp một hớp, nước vừa ấm, ngòn ngọt.

Là nước đường.

Tôi chớp chớp mắt, ngậm nước đường trong miệng một lúc rồi mới nuốt xuống.

Trong phòng chỉ có tôi và anh ấy, không biết phải nói gì. Tôi đành cúi đầu nhấp hết ngụm nước này đến ngụm khác.

Lát sau. Người đàn ông thấy thời gian tương đối, thả tay ra. “Lát nữa đưa em đi chụp phim kiểm tra tai.”

Tôi nhìn lên, lắc đầu theo bản năng.

Không cần.

Số tiền tiết kiệm trong con heo đất kia cố gắng lắm mới có thể trả nổi chi phí truyền dịch. Còn kiểm tra kia, quá đắt, tôi không trả nổi.

Giọng nói tôi lào khào nói cả buổi, hai người mắt to trừng mắt nhỏ, không hiểu.

Lúc này tôi nhớ ra, dùng tay diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ môi của người câm điếc, sợ anh không hiểu.

Kết quả là anh nghĩ thật lâu, nhíu mày: “Không phải chứ, em diễn kịch câm à? Ơ ơ a a, không hiểu.”

Tôi sốt ruột. Giơ ngón trỏ và ngón cái xoa xoa vào nhau, chỉ chỉ bản thân, xua xua tay, lại chỉ về anh.

Vầy là rõ ràng rồi chứ, tôi nói tôi không có tiền trả anh. Thấy anh có vẻ bừng tỉnh, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Anh: “Em nói muốn tặng mình cho tôi? Sau đó không muốn cho nữa?”

Tôi nghẹn. luồng hơi giữ trong ngực không thể thở ra hay nuốt xuống.

Lý giải này hơi quá đáng.

“Được rồi được rồi, thằng nhóc con đừng trêu trẻ con nữa.”

Cửa mở ra, giọng phụ nữ quen thuộc bước vào.

Mẹ Chu Hải Yến.

Sáng nay vội vàng không kịp nhìn, giờ đã có thể thấy rõ ràng. Gương mặt hai người rất giống nhau nhưng nét của bà dịu dàng, mềm mại, không như Chu Hải Yến, hung dữ.

Bà giận dỗi đẩy Chu Hải Yến ra khỏi ghế.

Trêu tôi?

Tôi nhân cơ hội lén nhìn anh xác nhận.

Người đàn ông ngoảnh mặt đi, sờ sờ mũi.

“…”

Thật là…

Dì Chu đặt cà mèn trên tay xuống bàn mở ra. Mùi cháo thơm tỏa khắp phòng.

Bà sờ trán tôi, cười nói: “Nào, mới hạ sốt nên ăn thanh đạm chút, khỏe lại thì mình ăn thịt cá.”

Tôi nhìn nồi cháo trắng mềm thơm trước mặt, vừa nuốt nước miếng vừa lắc đầu xin lỗi. Tôi không có gì để đền đáp họ. Những thứ tôi sở hữu quá ít ỏi.

“Cả ngày không ăn sao mà được? Ngoan nào.”

Tôi cúi đầu, mân mê tay không nói.

Bà thở dài. Quay đầu đập tay vào lưng Chu Hải Yến. Tiếng vang lớn đến tôi kinh ngạc.

“Đều tại thằng nhóc con đó, con bé chắc chắn là bị con dọa rồi.”

“…”

Chu Hải Yến không nói nên lời. “Phải phải phải, tại con tại con. Người con muốn đội nồi gì cũng được, có thể dùng xào rau nữa.” (Đội nồi: Kiểu như chụp mũ, đổ oan, đổ thừa.)

“Con bé không ăn cháo, con làm sao thì làm.”

Dì Chu bĩu môi ra hiệu cho tôi. “Thanh Thanh, dì đánh nó.”

Chu Hải Yến tặc lưỡi. Bưng chén lên, lấy muỗng khuấy khuấy, cúi người xuống gần. Trong ánh mắt sắc bén có vài ý năn nỉ.

“Bà cô nhỏ à, chúng ta không thù không oán mà em hại tôi bị đánh hai lần, em cảm thấy vừa ý chưa?”

“…” Tôi không kiềm được bật cười thành tiếng. Nhận chén ăn từng muỗng một.

“Ăn từ từ thôi, không gấp.”

Chắc vì cháo quá nóng, nóng đến mức mắt tôi nóng ran. Nước mắt trượt dài từ má xuống miệng, mặn chát, tôi cố kìm lại mà không được.

Sao tôi không hiểu lòng họ. Hàng xóm nhà tôi dỗ đứa bé 4 tuổi ăn cơm cũng vậy.

Nhưng tôi đã không còn là một đứa trẻ. Mà cho dù khi còn là đứa bé, mẹ cũng không dỗ dành tôi ăn cơm như thế.

Ba tôi ghét con gái, không cho tôi ngồi ăn cơm cùng bàn, vì vậy trước giờ luôn là tôi lấy một ít thức ăn, ăn một mình trong góc.

Nếu gắp hai miếng thịt, đũa của ông ta sẽ đánh vào tay tôi, nói tôi tham ăn, ích kỷ.

Nếu bới cơm đầy bát, bàn tay ông ta sẽ đập lên mặt tôi, nói tôi ham ăn biếng làm.

Mỗi lần ăn cơm tôi đều ăn ngấu nghiến, sợ ăn chậm thì giây tiếp theo bát sẽ bị ba tôi ném rớt không còn mà ăn.

Trước kia mẹ còn từng khen tôi với hàng xóm rằng từ bé tôi đã không khiến người khác lo lắng về việc ăn uống, ăn như con heo con vậy.

Bà ấy, trước giờ chỉ nhìn thấy những việc bà muốn thấy.

Nước mắt như sợi dây chuỗi bị đứt, rơi ào ạt xuống. Sợ bị hai người phát hiện, tôi cúi đầu, gần như chôn đầu vào bát cháo.

Trước kia tôi thật sự không thích khóc.

Người thanh niên nắm một túi khăn giấy nhưng lại không dám đưa. Anh nuốt nước bọt, giọng căng thẳng.

“Mẹ, lần này hình như là vì cháo mẹ nấu không ngon.”

“…”

8.

Tôi ăn xong bát cháo, rốt cuộc nước mắt cũng ngừng rơi.

“Ngon không Thanh Thanh?” Ánh mắt dì Chu vừa mong chờ vừa thấp thỏm.

Tôi nở nụ cười thật tươi, gật đầu thật mạnh.

Bà thở phào nhẹ nhõm. Quay đầu lại đấm cho Chu Hải Yến một đấm nặng nề. “Thằng nhóc chết tiệt, đồ ăn bà đây nấu có khi nào lụt nghề đâu chứ.”

“…”

Chu Hải Yến che tay lại, mắt u oán.

Tôi không kìm được cong cong khóe môi, nhận ra vậy không ổn lắm nên lại nhanh chóng đè xuống.

Tầm mắt người thanh niên không rõ ý nghĩa đảo qua.

“…”

Dì Chu vào nhà vệ sinh lấy một chậu nước. Quay lại mang theo chiếc khăn ấm, nhẹ nhàng lau mặt tôi, đắp lên mắt. “Khóc thế này sao vẫn là cô mèo mướp xinh xắn nhỉ?”

Tôi mím môi, vành tai đỏ bừng.

Bà nói: “Lát nữa chúng ta đi làm kiểm tra một chút, bác sĩ nói tai con hơi nhiễm trùng, đi chụp X-quang thôi, không đau đâu. Còn phần viện phí thì do thằng nhóc kia hại con nằm viện, nó nhiều tiền lắm, nó có thể không móc ra sao? Nó là người lớn, làm sai mà còn không nhận trách nhiệm thì dì xấu hổ giùm nó.”

Chu Hải Yến đang dọn dẹp chén bát, không ngẩng đầu lên; “Phải phải phải.”

Chụp X-quang rất nhanh. Bác sĩ nhìn tấm phim xám, giọng nặng nề.

“Tai phải cô bé trước kia bị thương, kéo dài quá lâu, vết thủng màng nhĩ không được chữa trị kịp thời. Hiện tại lại bị lực nặng tác động nhiều lần nên vết thương càng nặng. Tình hình phức tạp, chỉ có thể nói tạm thời cho uống thuốc để giảm viêm nhiễm.”

“Phẫu thuật có thể chữa khỏi không?” Dì Chu cau mày.

“Xác suất phẫu thuật thành công rất thấp, không khuyến khích thực hiện.”

Tựa hồ không ai đoán trước kết quả thế này. Từ bệnh viện ra, mọi người đều im lặng suốt quãng đường về.

Nhưng tôi không muốn họ buồn vì tôi. Thính giác tai phải của tôi giảm dần là việc tôi biết từ rất lâu.

Năm 5 tuổi, một cái tát của ba khiến tôi thủng màng nhĩ. Mẹ muốn đưa tôi đi bệnh viện, nửa đường bị ba tôi cướp hết tiền.

Mẹ yếu đuối chỉ biết ôm tôi khóc, sau đó cho tôi uống hai viên thuốc giảm đau.

Thời gian đầu tai tôi đau đến nỗi cả đêm không ngủ được. Bên trong tai sưng sưng, nóng lên.

Tôi ôm mẹ nói tôi khó chịu, bà vỗ về lưng tôi, bảo tôi nhanh nhắm mắt lại ngủ, ngủ rồi sẽ không sao.

Tôi thử, nhưng vô ích, cơn đau như tăng lên gấp bội. Tôi nói, mẹ ơi con vẫn còn đau quá.

Ánh mắt bà không có thương xót, ngược lại mang phần nghi ngờ lẫn mất kiên nhẫn. Bà nói, mẹ kiếm tiền vất vả, con có thể đừng õng ẹo không hiểu chuyện thế không.

Nhưng tôi thật sự không nói dối, thật sự rất đau rất đau.

Nhưng không ai để ý đến tôi.

Vì thế tôi chỉ có thể nhẫn nhịn chịu đựng, nhẫn nhịn cắn đến chảy máu ngón tay, nhẫn nhịn cắn đến hổ khẩu xanh tím.

Phương pháp này có ích, sau đó thật sự không còn đau.

Bởi vì nỗi đau đã thành quen.

Hết đêm dài đau đớn này qua đến đêm khác, hết lần này đến lần khác nhắc nhở tôi, tôi là một đứa trẻ không ai quan tâm.

Nhưng sự đau lòng đến muộn này có thể nhìn thấy trên người họ. Nhận định này khiến ngực tôi thắt lại gần như không thở nổi.

Tôi hít sâu vài hơi, cố kìm cảm xúc xuống. Mặt mang ý cười, giọng vẫn khàn khàn. “Thật ra không khác gì người bình thường đâu ạ. Hơn nữa, thính giác còn một nửa thực sự rất ngầu!”

Dì Chu quay đi, khóe mắt ẩm ướt.

Chu Hải Yến rút tay trong túi ra, che tai tôi lại, giọng thấp đến gần như không nghe thấy. “Ừ, đúng thật rất ngầu.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play