Kể từ lúc tỉnh lại, trong lòng tôi cứ thấp thỏm mãi không yên.
Tôi nhớ Minh Dương.
Nhưng tôi cũng sợ Minh Dương đột ngột quay lại, sẽ phát hiện tôi sắp rời xa nó.
Tôi nhìn gương mặt của ba, của mẹ, của em trai, của Tuân. Từng người, từng người một, mỗi ngày đều đắp lên mặt một nụ cười đầy gượng ép, chỉ để cổ vũ cho tinh thần cho tôi.
Tôi không muốn Minh Dương cũng trở thành người như thế.
Một tuần tôi ở bệnh viện, thời gian chậm chạp trôi như tách cà phê nhỏ giọt.
Tôi chỉ thấy cuộc sống này quá đỗi bất công.
Tại sao có những người khao khát được sống, nhưng không toại nguyện?
Tại sao có những người lại muốn từ bỏ nhân thế?
Lẽ nào không thể bù trừ cho nhau được sao?
Những ngày này, lượng tin nhắn giữa tôi và Minh Dương trở nên ít ỏi vô cùng.
Một phần là vì nó không mở lời với tôi nhưng dạo trước.
Tôi sợ vấn đề nó gặp phải đang trở nên phức tạp.
Tôi sợ nó gặp rắc rối nhưng ngại tôi lo nên không nói.
***
Tối thứ sáu, tôi quanh đi quẩn lại trong nhà, đột nhiên nhớ đến mẹ kế của nó, trong lòng bất chợt dâng lên cảm giác bất an.
Tôi đợi đến bữa cơm mới mở lời với ba mẹ.
"Trong thời gian đợi kết quả xét tốt nghiệp, con đi du lịch vài bữa được không ba mẹ?"
Ba tôi gật đầu: "Con muốn đi đâu? Ba xin nghỉ phép rồi cả nhà mình cùng đi."
"Nhưng ba với mẹ còn dự án ở công ty mà?"
Suốt hai tháng nay, ba mẹ tôi liên tục phải xin nghỉ phép vì bệnh tình của tôi. Tôi e rằng nếu còn xin nghỉ nữa, họ sẽ bị đuổi việc mất.
Tôi nom ánh mắt của cả ba lẫn mẹ cũng đủ hiểu, điều tôi lo ngại không hề thừa thãi.
"Ba và mẹ không cần lo cho con đâu. Con chừng này tuổi rồi, con muốn được làm người trưởng thành."
Một hồi năn nỉ thuyết phục, cuối cùng ba mẹ cũng đồng ý cho tôi đến Sài Gòn trong 5 ngày, với điều kiện là phải có một người đi theo nữa, phòng khi bệnh của tôi tái phát.
***
Sài Gòn chào đón hai chị em tôi bằng một cơn mưa rào.
Mưa nặng hạt đến nỗi chỉ cần bước ra khỏi cửa sân bay là có thể nghe rõ mồn một tiếng hạt mưa dồn dập lao xuống mặt đất.
Thằng Nghĩa giành kéo vali cho tôi, nhanh nhẹn nói: "Chị hai đợi em xếp đồ lên taxi, xong rồi em quay lại cõng chị hai."
Tôi bỗng nhiên thấy buồn cười.
"Có cái gì mà phải cõng? Phổi hỏng chứ chân đâu có què?"
"Chị hai đang đi giày mà, chị hai cũng thích đôi giày đó nữa, nên đừng để giày bị ướt. Sài Gòn không phải nhà mình, không tiện giặt phơi đâu."
Đôi giày này là món quà sinh nhật Minh Dương tặng tôi năm tôi tròn 18 tuổi.
Tôi vốn định cất giữ nó cẩn thận, không lấy ra dùng đâu. Nhưng tôi sắp đi rồi, tôi sợ không còn cơ hội dùng nữa. Với lại, tôi cũng muốn xem xem Minh Dương còn nhớ món quà này hay không.
Tôi thấy thằng Nghĩa tự nhiên ngồi xổm cởi giày và tất, liền thắc mắc hỏi: "Này, đi chân đất à?"
"Vâng."
Tôi càng lúc càng khó hiểu.
"Đi chân đất làm gì? Vừa bẩn chân, vừa tốn công lát nữa phải đeo lại."
"Thôi, tốn công một tí có sao đâu, chân bẩn thì lát nữa về khách sạn rửa, nhưng giày của chị hai tặng thì không thể bẩn được."
Một câu trả lời bình thản của nó khiến sống mũi tôi cay xè.
Từ trước đến giờ, Nghĩa vẫn luôn là một chàng trai ấm áp, ngoan ngoãn như thế.
Nó tôn trọng tất cả các mối quan hệ của tôi, tôn trọng những món đồ tôi hay dùng thường ngày, tôn trọng món quà đầu tiên tôi mua tặng nó bằng đồng lương đầu tiên của mình.
Bởi vậy, nó là đứa khiến tôi day dứt nhất trong những ngày cuối đời.
"Bẩn thì chị mua đôi khác cho. Đi giày vào đi, kẻo bị cái gì đâm vào chân đấy."
Em tôi hồn nhiên đáp: "Chị hai đừng có lo. Với lại em chỉ thích đôi này thôi."
***.
||||| Truyện đề cử:
Dưới Bóng Cây Sồi |||||
Đến tầm chiều tối thì Sài Gòn tạnh mưa hẳn, tôi và thằng Nghĩa sắp xếp lại đồ rồi xách mông đi ăn.
Ăn uống no nê xong thì lại dạo quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đến Sài Gòn, tôi mới ngấm được hai chữ "hoa lệ".
Sài Gòn lộng lẫy vô cùng, nhưng bên cạnh đó luôn là những mảnh đời khó khăn đang vất vả mưu sinh.
Chúng tôi dừng lại trước một sạp chè của một cụ bà lớn tuổi.
Tôi không thích ăn chè lắm vì nó ngọt, nhưng chủ yếu là mua để ủng hộ bà thôi.
Rồi tôi ngửi thấy mùi khoai lang nướng thoảng qua cánh mũi, bất giác quay đầu sang hướng đó.
Thằng Nghĩa đột nhiên che mắt tôi, vội kéo tôi đi, hấp tấp nói: "Chị hai qua bên này đi, em muốn ăn bắp rang bơ phô mai."
Hành động của nó rất bất ngờ, giống như muốn che giấu gì đó, khả năng cao là mấy vụ đánh ghen hoặc ẩu đả.
Con người tôi được nhất cái tính tò mò, ai càng giấu thì càng khiến tôi hứng thú hơn.
Tôi vờ men theo bước chân em tôi được vài bước, rồi đột ngột quay phắt đầu lại nhìn.
Giờ thì tôi mới hiểu, em trai tôi chỉ muốn bảo vệ tôi mà thôi.
Nếu tôi không quay lại nhìn mà đi theo nó, có lẽ tim tôi đã chẳng nát bấy thành lắm mảnh vụn như bây giờ.