Bạn có thể cho rằng lần đầu tiên mổ xẻ một người chết, ta sẽ có cảm giác hơi kỳ cục. Vậy mà thật lạ, mọi thứ đều bình thường. Đèn sáng rọi, bàn thép không rỉ, và những vị giáo sư cổ đeo nơ bướm tạo không khí trịnh trọng, trang nghiêm. Dù vậy, thật không thể quên được vết cắt đầu tiên từ sau gáy xuống thắt lưng đó. Con dao mổ sắc tới mức như thể đang phanh ra một lớp da người thay vì cắt, để lộ ra những cái gân bị giấu kín và bất khả xâm phạm bên dưới. Và bất kể đã chuẩn bị thế nào, bạn sẽ bị bất ngờ, xen lẫn nỗi xấu hổ và sự hứng chí. Mổ xác là một nghi thức chuyển tiếp của sinh viên y khoa và là xâm lấn vào cái linh thiêng bất khả xâm phạm, đem lại vô số cảm xúc: từ sự kinh tởm, hồ hởi, buồn nôn, thất vọng và kinh hãi cho đến khi chỉ đơn thuần là sự tẻ nhạt của những bài thực hành kiến thức. Mọi thứ đều giới hạn trong cái thống thiết bi ai và cái tầm thường: tại đây, bạn xâm phạm vào những cái cấm kị cơ bản nhất của xã hội, và cho dù vậy, formaldehyde11 vẫn là một chất kích thích vị giác mạnh mẽ, thế là bạn còn thèm cả một chiếc burrito12 nữa. Sau cùng, khi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phẫu dây thần kinh giữa, cưa khung chậu làm đôi và cắt mở trái tim, sự tầm thường bước đến thay thế: sự xâm phạm vào cái linh thiêng giờ mang theo đặc tính của một lớp học thông thường ở đại học, đầy rẫy những kẻ mô phạm, những cây hề trong lớp và tất thảy. Với nhiều người, giải phẫu tử thi điển hình cho sự biến hóa từ một học sinh ủ dột đáng mến trở thành một vị bác sĩ kiêu ngạo chai lì.
Sứ mệnh đạo đức lớn lao trong y học khiến những ngày đầu của tôi ở trường Y mang một áp lực nặng nề. Ngày đầu tiên, trước khi chúng tôi đến với những cái xác là buổi tập huấn hồi sức tim phổi CPR, đây là lần thứ hai tôi làm việc này. Lần đầu tiên là khi còn ở trường đại học cũ. Lần ấy thật là nực cười, thiếu nghiêm túc và mọi người đều cười lớn: những video đóng rối vụng về, những con ma-nơ-canh bằng nhựa không chân tay trông giả không thể giả hơn. Nhưng giờ đây, cái khả năng ngấm ngầm rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ phải sử dụng tất cả những kỹ năng này đã thổi đầy sinh khí cho mọi thứ. Khi tôi liên tục đập mạnh bàn tay vào ngực của một đứa trẻ bé xíu bằng nhựa, giữa những câu bông đùa của bạn bè, tôi không thể không nghe thấy tiếng xương ngực đang rạn vỡ thực sự.
Các tử thi đảo ngược cái cực tính. Những con ma-nơ-canh giả vờ là thật; những thi thể thực lại bị coi là giả. Nhưng những ngày đầu tiên ấy, thật khó để làm được điều đó. Khi tôi đối mặt với cái xác hơi xanh và phù, trạng thái chết hoàn toàn và nhân tính trọn vẹn của người đàn ông này là những thứ không thể chối bỏ. Ý nghĩ rằng trong suốt bốn tháng tới tôi sẽ cắt đôi chiếc đầu của người đàn ông này bằng một chiếc cưa kim loại dường như không thể chấp nhận nổi.
Dẫu sao thì cũng còn các giáo sư bộ môn giải phẫu. Lời khuyên của họ là hãy nhìn thật kỹ một lần khuôn mặt cái xác và sau đó phủ kín lại; điều đó khiến cho công việc dễ dàng hơn. Hít một hơi sâu và trông đầy thành khẩn, ngay khi chúng tôi chuẩn bị mở tấm bọc cái đầu của tử thi, một bác sĩ mổ rẽ qua tán dóc đôi câu, nghiêng người tới và tì khuỷu tay trên mặt cái xác. Chỉ ra vô số những dấu vết và sẹo trên tấm thân trần truồng, ông dựng lại tiền sử bệnh của bệnh nhân. Vết sẹo này là từ ca mổ thoát vị bẹn, vết này là cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh; những vết ở đây cho thấy sự cào gãi, có lẽ là vàng da, bilirubin cao; anh này có lẽ đã chết vì ung thư tụy dù rằng không có vết mổ nào chưng tỏ điều đó – cái chết đến quá nhanh. Trong khi đó, tôi không thể không nhìn chằm chằm vào khuỷu tay đang xê dịch, vừa lăn qua lăn lại trên chiếc đầu phủ kín vừa giảng giải lý thuyết và thuật ngữ y học. Tôi nghĩ: Prosopagnosia (hội chứng mù mặt) là một rối loạn thần kinh mà người mắc nó mất đi khả năng nhận diện khuôn mặt. Sẽ rất sớm thôi rồi tôi cũng mắc phải nó, với chiếc cưa kim loại trên tay.
Bởi vì sau vài tuần, kịch tính dần tiêu tan. Trong những cuộc hội thoại với vài sinh viên không theo ngành Y, khi kể về câu chuyện của những cái xác, tôi thấy mình nhấn mạnh với họ cái sự đó nó mới quái đản, rùng rợn và vô lý làm sao như thể cố trấn an mọi người rằng tôi vẫn bình thường cho dù tôi đã trải qua sáu giờ mỗi tuần để chia cắt một xác chết. Đôi khi tôi nói về khoảnh khắc khi tôi nhìn quanh và thấy một người bạn cùng lớp, thuộc kiểu cô gái trẻ với chiếc ly trang trí màu xốp trên tay, đang nhón chân trên ghế đẩu, hăm hở nện đục vào xương ống một người phụ nữ, mảnh vụn bay đầy trong không khí. Tôi kể câu chuyện như thể đang cố chia cách bản thân mình ra khỏi nó, nhưng sự dính líu thì không thể chối bỏ. Xét cho cùng, chẳng phải tôi cũng vô cùng hào hứng tháo tung lồng ngực một người đàn ông với một chiếc kìm cắt bu-lông đó sao? Dù làm việc trên những thi thể với khuôn mặt phủ kín và tên tuổi là một ẩn số, bạn sẽ thấy đặc thù con người của họ thình lình xuất hiện – như khi mở bụng một thi thể, tôi thấy hai viên moocphin còn chưa tan hết cho thấy anh ta đã chết trong đau đớn, có lẽ một mình và loay hoay lần mò nắp chai thuốc.
Dĩ nhiên, khi còn sống, chủ nhân của các thi thể này đã tình nguyện hiến dâng thân xác họ cho cái số phận này và thứ ngôn ngữ sử dụng bên các thi thể trước mặt chúng tôi nhanh chóng phản ánh thực tế đó. Chúng tôi được chỉ thị không dùng từ “xác chết” nữa, thay vào đó, “người hiến tặng” là từ phù hợp hơn. Và đúng, yếu tố tội lỗi trong việc giải phẫu đã giảm dần so với những ngày xưa. (Sinh viên giờ đây không còn phải mang cơ thể riêng đến lớp như thế kỷ XIX. Và trường Y đã ngưng sự ủng hộ của họ đối với việc ăn trộm mộ kiếm xác. Hành vi đánh cắp này chẳng qua là phương thức cải tiến hơn cùa hành vi giết người, đã từng có dạo phổ biến tới mức được dành cho hẳn một động từ riêng: burke, hành vi được OECD định nghĩa là “giết ai đó một cách âm thầm bằng cách làm ngạt hơi hay bóp cổ nhằm mục đích bán cơ thể nạn nhân cho giải phẫu.”) Dẫu vậy, những người thạo tình hình nhất – các bác sĩ – lại hầu như không bao giờ hiến xác của chính họ. Vậy những người hiến xác kia, họ biết được ở chừng mực nào? Và như một giáo sư giải phẫu học đã nói với tôi, “Cậu sẽ không nói cho bệnh nhân biết những chi tiết máu me trong ca mổ nếu điều đó khiến họ không ký vào đơn chấp thuận mổ.”
Thậm chí ngay khi người hiến tặng được cung cấp thông tin đầy đủ - và chuyện có lẽ là vậy bất kể sự lập lờ của một vị giáo sư giải phẫu nào đó – thì cái ý nghĩ rằng mình bị mổ giải phẫu cũng chẳng mấy gì cay đắng. Cái cay đắng chính là ý nghĩ về việc mẹ bạn, bố bạn, hay ông bà bạn bị chặt chém thành từng mảnh bởi mấy gã sinh viên cợt nhả mới hai mươi hai tuổi đầu ở trường Y. Mỗi khi tôi đọc bảng câu hỏi cần đọc trước thí nghiệm và nhìn thấy những từ như “chiếc cưa xương,” tôi luôn tự hỏi liệu đây có phải là giờ học mà cuối cùng thì tôi cũng sẽ nôn mửa, vậy mà tôi rất hiếm khi gặp rắc rối trong phòng thực hành, ngay cả khi tôi phát hiện ra “chiếc cưa xương” trong thắc mắc hóa ra chẳng có gì hơn một chiếc cưa gỗ han gỉ thông thường. Lần gần nhất tôi suýt nôn chẳng liên quan gì đến phòng thí nghiệm mà là lần viếng thăm mộ bà ở New York nhân 20 năm ngày mất của bà. Tôi gập người, suýt bật khóc và thầm tạ lỗi – không phải tới những thi thể mà là con cháu họ. Trên thực tế, đã có một cậu con trai đến xin lại cơ thể mới mổ một nửa của mẹ cậu ngay nửa chừng buổi thực hành của lớp chúng tôi. Đúng, bà mẹ đã ưng thuận, nhưng anh con trai thì không thể chịu được điều đó. Tôi biết tôi cũng sẽ làm như vậy. (Phần còn lại đã được trao trả.)
Trong lớp giải phẫu, chúng tôi vật thể hóa người chết, nói theo nghĩa đen là quy họ ra thành những bộ phận cơ thể, mô, dây thần kinh, và cơ. Vào ngày đầu tiên, bạn hoàn toàn không thể phủ nhận những đặc tính con người của một cái xác. Nhưng tại thời điểm khi bạn lột da các chi, lạng qua từng thớ thịt phiền phức, kéo ra những lá phổi, cắt mở trái tim và loại bỏ đi một thùy gan, thì thật khó để còn có thể nhận ra đống mô đó là con người. Đến cuối cùng, những giờ thực hành giải phẫu không còn là sự xâm phạm vào tính linh thiêng mà trở thành một cái gì đó xen lẫn giữa những giờ hạnh phúc. Việc nhận ra điều này khiến con người ta thật bối rối. Trong những giây phút hiếm hoi bồi hồi nhìn lại, tất cả chúng tôi đều im lặng tạ lỗi với những thi thể, không phải vì chúng tôi cảm nhận được sự xâm phạm đầy tội lỗi, mà bởi vì chúng tôi đã không hề cảm nhận thấy điều đó.
Dù vậy, đó không phải là một tội ác thuần túy. Toàn bộ lĩnh vực y học, không chỉ việc mổ xẻ tử thi, đều xâm lấn vào phạm vi thánh thần. Bác sĩ xâm phạm cơ thể người bằng mọi cách chúng ta có thể tưởng tượng ra. Họ bắt gặp con người trong tình trạng mong manh nhất, hoang mang nhất, và riêng tư nhất. Họ hộ tống bệnh nhân đến với thế giới, sau đó rút lui. Nhìn nhận cơ thể dưới dạng vật chất và các cơ chế là một cách khác để làm dịu nhẹ những đau đớn tột bậc của con người. Cũng vì lẽ đó, những đau đớn tột bậc nhất của con người trở thành công cụ sư phạm đơn thuần. Các giáo sư giải phẫu học có lẽ nằm ở cực điểm của mối quan hệ này. Dù vậy, sự tương hợp của họ với các thi thể vẫn còn. Trước đây, khi tôi tạo một đường cắt nhanh dài qua cơ hoành của người hiến tặng để dò tìm động mạch lá lách, giám thị của chúng tôi vừa giận tái người vừa khiếp đảm. Không phải bởi vì tôi đã tàn phá một cấu trúc quan trọng hay hiểu sai một khái niệm chính yếu hay phá hủy những đường cắt mổ sau đó mà bởi vì tôi đã có vẻ rất ung dung trong việc làm đó. Ánh nhìn trên khuôn mặt ông, sự bất lực của ông để thể hiện nỗi buồn đó thành lời đã dạy cho tôi nhiều hơn về y học hơn bất cứ bài giảng nào tôi từng dự. Khi tôi giải thích rằng một giáo sư giải phẫu khác đã bảo tôi thực hiện vết cắt, nỗi buồn của vị giám thị chuyển thành sự thịnh nộ, và đột nhiên những vị giáo sư mặt đỏ tía tai đã bị kéo ra ngoài hành lang.
Những lần khác, mối quan hệ tương hợp đơn giản hơn nhiều. Một lần, khi cho chúng tôi thấy những tàn tích của căn bệnh ung thư tụy trên một người hiến tặng, giáo sư đã hỏi, “Người này bao nhiêu tuổi?”
“Bảy mươi tư,” chúng tôi đáp.
“Cùng với tuổi tôi,” ông đáp lại, đặt cái que thăm xuống, và bỏ đi.
*
Trường Y đã làm sâu sắc hơn những hiểu biết của tôi về mối quan hệ giữa ý nghĩa, cuộc đời và cái chết. Tôi nhìn thấy ‘tính quan hệ của con người’ mà mình đã viết thời đại học trong mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân. Là sinh viên y khoa, chúng tôi đương đầu với cái chết, sự thống khổ và các đòi hỏi trong công việc chăm sóc bệnh nhân, đồng thời lại được che chở khỏi gánh nặng thực sự của trách nhiệm dù rằng có thể nhận thấy bóng ma ám ảnh của nó. Sinh viên y khoa dành hai năm đầu tiên miệt mài trên lớp học, kết bạn, nghiên cứu và đọc sách; rất dễ xem công việc chỉ đơn thuần là mở rộng thêm của việc học trên giảng đường. Nhưng bạn gái tôi, Lucy, người tôi gặp trong năm đầu trường Y (và sau trở thành vợ tôi) đã hiểu được ẩn tình của học thuật. Khả năng yêu thương của nàng là gần như vô hạn và là một bài học đối với tôi. Một đêm trên ghế sofa trong căn hộ của tôi, nàng thận trọng suy xét một xấp giấy những đường uốn lượn tạo thành hình điện tâm đồ EKG, và sau đó xác định một cách chính xác chứng rối loạn nhịp tim gây chết người. Đột nhiên, nàng sáng tỏ và bật khóc: cho dù cái “EKG thực tế” này có đến từ đâu thì người bệnh cũng không còn sống nữa. Những dòng kẻ nguệch ngoạc này không chỉ là dòng kẻ; chúng là những rung tâm thất dần hóa thành đường thẳng báo hiệu cái chết, và chúng có thể khiến bạn rơi nước mắt.
Lucy và tôi cùng theo học trường Y của Yale khi Shep Nuland vẫn còn giảng dạy ở đây, nhưng tôi chỉ biết đến ông với tư cách của một độc giả, Nuland là một nhà triết học - bác sĩ phẫu thuật danh tiếng, tác giả của cuốn sách đầy ảnh hưởng về cái chết, How We Die (Hiểu về Sự chết)13, xuất bản khi tôi còn học cấp ba nhưng chỉ đến tay tôi khi tôi đang theo học trường Y. Hiếm cuốn nào trong số những cuốn tôi đọc đề cập đến thực tế cơ bản của sự tồn tại một cách trực tiếp và trọn vẹn như thế: mọi sinh vật, cho dù là một chú cá vàng hay một đứa cháu nội, đều chết. Tôi nghiền ngẫm nó trong đêm, đặc biệt ghi nhớ những mô tả của ông về căn bệnh của bà ông và cách mà đoạn văn đó, một cách hoàn hảo, đã làm sáng tỏ được những phương thức mà trong đó các khía cạnh cá nhân, y học và tinh thần trộn lẫn với nhau. Nuland nhớ lại khi ông còn là một đứa trẻ và thường chơi trò chơi lấy ngón tay ấn lõm vào da của bà mình để xem mất bao lâu nó mới trở lại trạng thái cũ – một phần của quá trình lão hóa, mà cùng với chứng khó thở mới phát hiện, đã cho thấy “bà dần đi tới chứng suy tim xung huyết… một sự suy giảm trầm trọng lượng oxy mà khối máu lão hóa có thể nhận được từ các mô lão hóa của những lá phổi lão hóa.” Nhưng “điều hiển nhiên nhất,” ông tiếp tục, “là quá trình từ từ lìa đời… Tại thời điểm Bubbeh ngừng cầu nguyện, bà gần như dừng hết luôn mọi thế sự khác.” Với cú đột quỵ cuối cùng của mình, Nuland liên tưởng tới Religio Medici của Sir Thomas: “Chúng ta không biết tới những vật lộn và đớn đau đưa ta đến thế giới, nhưng việc thoát ra khỏi nó thường không phải là một chuyện dễ dàng.”
Trong nỗ lực thấu hiểu hơn những đặc tính của cái chết, tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu văn học ở Stanford và lịch sử y học ở Cambridge, rốt cuộc chỉ để cảm thấy chúng vẫn chỉ là một ẩn số không thể đoán biết. Những miêu tả như của Nuland khiến tôi tin rằng ta chỉ có thể biết được những thứ như vậy khi thực sự giáp mặt với chúng. Tôi theo đuổi ngành Y để được làm chứng nhân cho những bí ẩn song hành cùng cái chết, những biểu thị mang tính kinh nghiệm và sinh học của nó: vừa vô cùng cá nhân, vừa tuyệt đối phi cá nhân.
Tôi nhớ Nuland trong các chương mở đầu của cuốn How We Die đã viết về những trải nghiệm khi còn là một sinh viên y khoa trẻ tuổi, một mình trong phòng mổ với một bệnh nhân tim đã ngừng đập. Trong một hành động tuyệt vọng, ông đã mổ ngực bệnh nhân và cố gắng bơm tim bằng tay không, nói trần trụi là ra sức bóp vắt sự sống quay trở lại. Bệnh nhân chết, và ông thầy hướng dẫn tìm thấy Nuland trong tình trạng toàn thân đầy máu me, và thất bại.
Trường Y đã thay đổi nhiều khi tôi vào trường, tới mức mà cảnh tượng tương tự hoàn toàn là điều không tưởng: là một sinh viên y khoa, chúng tôi hầu như không được phép chạm vào người bệnh chứ đừng nói gì tới việc mổ ngực họ ra. Điều duy nhất không thay đổi, đó là tinh thần trách nhiệm quả cảm giữa cảnh máu me và thất bại. Điều này gây ấn tượng với tôi như một hình ảnh chân chính của một bác sĩ.
Sự sống đầu tiên tôi chứng kiến cũng là cái chết đầu tiên.
Gần đây tôi đã hoàn thành vòng 1 trong kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề, kết thúc hai năm nghiên cứu chuyên sâu vùi trong sách vở, chìm trong các thư viện, nghiền ngẫm đống ghi chú bài giảng và nằm dài trên giường ôn lại đống thẻ ghi chú tự làm. Hai năm kế tiếp, tôi dành thời gian ở bệnh viện và phòng khám, cuối cùng cũng áp dụng vào thực tế mớ kiến thức lý thuyết đó để làm dịu nhẹ những thống khổ, với bệnh nhân chứ không phải các khái niệm trừu tượng như trọng tâm ban đầu. Tôi bắt đầu tại phòng sản phụ khoa, làm ca đêm trong phòng chuyển dạ và sinh đẻ.