Một buổi gặp mặt tại địa phương với những bác sỹ phẫu thuật thần kinh tốt nghiệp từ Stanford diễn ra vào cuối tuần đó, và tôi rất mong ngóng cơ hội được nối lại với bản thân tôi trước kia. Dù vậy, việc có mặt ở đó chỉ làm tăng thêm sự đối nghịch trái khoáy về cuộc đời hiện tại của tôi. Tôi bị bao quanh bởi những thành công, khả năng và đam mê, bởi bạn bè và những người đi trước, những người mà cuộc sống đang chạy theo một quỹ đạo không còn là của tôi, những thân thể có thể đứng liên tục trong các ca mổ kéo dài tới tám giờ. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt bên trong bài ca Giáng sinh bị đảo ngược: Victoria đang mở ra một hiện tại hạnh phúc – những khoản tài trợ, những lời mời làm việc, các bài báo được đăng – lẽ ra tôi đang cùng chung hưởng. Bạn bè tôi đang sống trong một tương lai không còn là của tôi: những phần thưởng mới vào nghề, thăng tiến, căn hộ mới.
Không ai hỏi về kế hoạch của tôi, thật nhẹ nhõm bởi tôi chẳng có kế hoạch nào cả. Dù lúc này tôi có thể đi lại mà không cần gậy chống, sự bất định có tính tê liệt vẫn lờ mờ: Đi về phía trước, tôi sẽ là ai, và trong bao lâu? Người vô dụng, nhà khoa học, giáo viên? Nhà đạo đức sinh học? Hay như Emma đã ám chỉ, quay trở lại làm bác sỹ phẫu thuật? Ông bố ở xó nhà? Nhà văn? Tôi có thể và nên là ai? Là một bác sỹ, tôi có chút cảm nhận về những gì các bệnh nhân hiểm nghèo phải đối mặt – và đây chính là thời điểm tôi muốn ở bên họ để cùng khám phá. Chẳng phải căn bệnh hiểm nghèo này là món quà hoàn hảo cho chàng trai trẻ người hằng mong thấu hiểu cái chết hay sao? Có cách nào hiểu được nó tốt hơn việc sống trong nó? Nhưng tôi không chắc mọi chuyện sẽ khó khăn tới mức nào, có biết bao nhiêu dạng địa hình tôi cần phải khám phá, định hình và dừng chân. Tôi thường tưởng tượng rằng công việc của bác sỹ giống như một cái gì đó kết nối hai phần đường ray xe lửa nhằm đảm bảo một chuyến đi suôn sẻ cho bệnh nhân. Tôi chưa từng tính tới việc phải đối mặt với cái chết của bản thân lại có thể mất phương hướng và chệch choạc đến vậy. Tôi nghĩ về chính mình thời trẻ, người có lẽ đã muốn “rèn giũa lương tri nhân loại trong lò luyện tâm hồn của tôi”; giờ đây nhìn vào tâm hồn tôi, dù để tôi rèn giũa lương tri chính mình, cũng chỉ có một thứ công cụ giòn vỡ và một ngọn lửa đầy yếu ớt.
Lạc lối trong mảnh đất hoang vô dạng về sự hữu hạn của đời mình, khi không tìm thấy chút lực kéo nào trong những địa hạt nghiên cứu khoa học, những chu trình phân tử nội tế bào, những đường cong vô tận về thống kê tỉ suất sống sót, tôi bắt đầu đọc lại văn học: Trại Ung thư của Solzhenitsyn, Những kẻ bất hạnh, của B.S. Johnson, Ivan Ilych của Tolstoy, Tâm hồn và Vũ trụ của Nagel, Woolf, Kafka, Montaigne, Frost, Greville, hồi ký của các bệnh nhân ung thư – bất kỳ cái gì của ai đã từng viết về cái chết. Tôi không ngưng tìm kiếm một vốn từ có thể khiến cái chết có nghĩa, để tìm ra cách định nghĩa lại bản thân mình và tiếp tục nhích dần về phía trước. Đặc quyền của trải nghiệm trực tiếp đã dẫn tôi xa rời văn chương và công việc nghiên cứu, nhưng giờ tôi lại cảm thấy để hiểu được những trải nghiệm trực tiếp của bản thân, tôi cần phải dịch ngược chúng thành lời. Hemingway mô tả quá trình này theo cách tương tự: Thu lượm những trải nghiệm phong phú, sau đó lui mình về để suy tư và viết về chúng. Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước.
Và như thế, văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Tảng đá hoang mang bất định về tương lại đã nhẹ bớt; ở những nơi tôi đến, hình bóng của cái chết che phủ khiến mọi hành vi đều trở thành vô nghĩa. Tôi nhớ đến khoảnh khắc khi sự bất an tuôn trào bị trấn át, khi cả đại dương vô định tưởng chừng bất khả vượt qua cuối cùng cũng rẽ nước. Tôi thức giấc trong đau đớn, phải đối mặt với một ngày mới nữa. Ngoài bữa sáng, không có kế hoạch nào có vẻ khả thi. Tôi đã nghĩ mình không thể tiếp tục và rồi ngay lập tức, tiếng hồi đáp vang lên trong câu niệm chú của Samual Beckett mà tôi đã từng học thời đại học: Tôi sẽ tiếp tục. Tôi ra khỏi giường, bước thêm một bước, lặp đi lặp lại mẫu câu: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.”
Sáng hôm đó, tôi đưa ra một quyết định: Sẽ ép buộc bản thân mình quay lại phòng mổ. Tại sao? Bởi vì tôi có thể. Bởi vì đó chính là tôi. Bởi vì tôi phải học cách sống khác, nhìn nhận cái chết như một vị khách không mời nhưng hiểu rằng ngay cả khi tôi phải chết, thì tôi vẫn sẽ sống cho đến lúc thực sự ra đi.
*

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play