Đêm Hội Long Trì

Chương 5 (Phần 1)


1 năm


Chúa Tĩnh Đô đi đi lại lại trong cung, lòng Chúa bị bao nhiêu tình cảm chia xé. Trông nét mặt cũng biết ngài đau khổ vô cùng. Một lúc người thái giám chí thân của Chúa là Khê Trung hầu khúm núm bước lên thềm. Tĩnh Vương ra hiệu cho vào, và hỏi ngay:

- Ta hối vô cùng, nhưng không còn cách gì nữa. Nay ta cự hôn, thì không những Tuyên phi phẫn uất, mà ta còn mang tiếng trẻ con với thần dân. Các quan dâng sớ can gián nhiều lắm, người nào cũng bàn nên hoãn việc hôn nhân, lấy cớ là Quận chúa còn nhỏ dại. Ý ngươi thế nào.

- Tâu Chúa thượng, cứ như ý ngu thần, ta nên hoãn rồi liệu cớ thoái thác, chứ đem Quận chúa mà gả cho em Tuyên phi thì làm hại cả một đời Quận chúa. Quận chúa có được như ai! Người hiền lành, mà sức thì yếu. Chỉ e Quốc cữu là một kẻ vũ phu...

Khê Trung hầu chợt đứng im không nói nữa, trán vã mồ hôi. Tuyên phi vén rèm bước ra, dáng giận dữ, vẻ đẹp kiêu kỳ.

Tĩnh Vương ngượng nghịu hỏi:

- Ái phi ra đây làm gì?

Nàng quỳ trước mặt Chúa:

- Tiện thiếp vào tự tiện, tội thực đáng chết.

Chúa nâng nàng dậy. Nàng khóc và nói tiếp:

- Xem ý thì Chúa thượng phân vân vì cuộc hôn nhân của em tiện thiếp và Quận chúa. Đó là quyền ở Chúa thượng, tiện thiếp đâu dám nài ép? Làm cho Chúa thượng ưu phiền, tiện thiếp còn sống làm gì nữa.

Chúa thấy nàng rút trong bọc ra một vật gì sáng loáng đưa lên cổ.

Nhanh tay ngài giữ lấy thì là một con dao nhọn sắc như nước. Lòng ngài tan trong tình yêu, bao nhiêu ý phân vân bay hết. Ngài đưa mắt bảo Khê Trung hầu lui ra, thân dìu Tuyên phi vào trong phòng, đặt lên một chiếc giường kê ở đó. Người nàng run run, mặt nàng xanh nhợt, nhưng đôi mắt đa tình dịu dàng nhìn Chúa. Tĩnh Vương hỏi:

- Sao ái phi lại nghĩ lẩn thẩn thế?

- Xin Chúa thượng cự hôn đi, em tiện thiếp không xứng với Quận chúa.

- Đó là các quan dâng biểu xin cự hôn, ta không có ý ấy.

- Chiều nay đã cưới, xin Chúa thượng quyết đoán ngay cho, Chúa thượng cự hôn cũng còn kịp.

- Ái phi đừng nghi ngờ. Tín vi quốc chi bảo, có lẽ nào ta lại nói sai lời, để mang tiếng với thần dân và hậu thế. Nhưng ta muốn nói với ái phi một điều...

- Xin Chúa thượng cho biết.

- Ái phi không lạ gì con ta còn bé, mới 16, 17 tuổi, chưa phải đến tuổi gả chồng. Vả Quận chúa người ốm yếu luôn, thuốc quanh năm, mà vẫn không có lực. Ái phi chắc cũng chẳng lạ gì thể chất Quỳnh Hoa. Nay ta định thế này: Cưới thì vẫn cho cưới, nhưng động phòng hoa chúc phải hoãn cho đến năm Quận chúa đầy 18 tuổi. Ý ái phi nghĩ sao?

- Tâu Chúa thượng, Chúa thượng nghĩ thế thật là chu đáo. Tình thương con của Chúa thượng không mấy người bằng. Tiện thiếp đâu dám không tuân theo? Vả việc ấy, tiện thiếp đã nghĩ đến, và đã nói rõ cho em tiện thiếp, dặn phải rất từ tốn với Quận chúa. Đạo vợ nghĩa chồng, có phải chuyện chơi đâu. Chúa thượng dạy thế, tiện thiếp hoàn toàn đồng ý...

- Ta muốn gọi Quốc cữu vào đây nói chuyện, ái phi nghĩ thế nào?

- Em tiện thiếp đang chờ ở Bội Lan thất. Xin Chúa thượng cho nội giám vời đến.

Chúa đánh chuông gọi một người nội giám và truyền:

- Ngươi đến Bội Lan thất triệu Quốc cữu lại đây.

Một lúc lâu Đặng Lân tới quỳ ở ngoài thềm, hô muôn tuổi. Chúa truyền cho đứng dậy và cho vào. Lân lóp ngóp đứng lên, khúm núm đi vào, dáng quê kệch, tuy ăn bận rất sang. Ý từ hôn đã nguội trong óc Tĩnh Vương, bấy giờ lại bốc lên. Ngài nhìn Tuyên phi, nghĩ thầm:

- Sao con tạo lại oái oăm thế. Chị thì là thiên tiên, em thì là quân bần tiện.

Ngài cố nén mãi mới không để lộ vẻ khinh bỉ.

Tĩnh Vương quay lại, chợt thấy Tuyên phi nhìn mình như có ý trách móc: nàng thấu hết ẩn tình Chúa. Ngài cố nói giọng thân mật.

- Quốc cữu ngồi đấy, ta nói chuyện.

Đặng Lân dạ dạ, ngồi xuống. Tĩnh Vương chậm rãi nói:

- Quận chúa đương độ đào tơ liễu yếu. Chính ta cũng phải cưng chiều. Nay ta gả Quận chúa cho Quốc cữu, để cho hai họ thêm thân, nhưng ta dặn trước, Quốc cữu phải dè dặt buổi đầu, và đúng như ngạn ngữ nói, phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” mới được. Nay Quận chúa mới 16 tuổi; ta cho cưới, nhưng lễ động phòng hoa chúc phải hoãn. Trong phủ Quốc cữu, phải để riêng một lầu cho Quận chúa, từ nay đến năm Quận chúa 18 tuổi, Quốc cữu không được nhập phòng. Quốc cữu nghe ra chưa?

- Tâu Chúa thượng, hạ thần nghe ra rồi.

- Ta sẽ cử hai vị đại thần đi theo Quận chúa, để dạy Quận chúa học tập lễ nghi và trông nom thuốc men cho Quận chúa. Quốc cữu muốn nói chuyện với Quận chúa phải hỏi qua hai vị đại thần ấy. Hai vị có cho mới được. Từ 18 tuổi trở đi, Quận chúa mới hoàn toàn là vợ Quốc cữu, và những lệ luật ta bắt Quốc cữu phải theo tự nhiên ta sẽ bãi đi. Lệnh ta đã ban Quốc cữu phải tuân, nếu không ta sẽ cho đón Quận chúa về và nghiêm trị Quốc cữu.

- Dạ dạ, hạ thần xin tuân lệnh thánh.

Tĩnh Vương ngắm Đặng Lân. Chúa càng ghét, giọng thêm nghiêm nghị:

- Thôi, chỉ dặn có thế, cho lui.

Đặng Lân lạy Chúa, rồi dương dương đi ra. Tuyên phi cũng quỳ trước mặt Chúa, xin theo em ra để sửa soạn lễ nghi.

Chúa đánh chuông gọi Khê Trung hầu. Người thái giám già bước lên thềm chắp tay chờ lệnh. Chúa ra hiệu cho đến gần, và hỏi một cách rất thân mật:

- Ta có việc này, phải nhờ đến nhà ngươi. Nhà ngươi là người có tuổi, lại trải thờ hai triều, lòng trung nghĩa đã rõ. Ngươi cũng biết rằng ta bất đắc dĩ mà gả Quận chúa cho Đặng Lân.

Khê Trung hầu tâu:

- Tâu Chúa thượng, ngài nhất định gả Quận chúa cho Quốc cữu? Chỉ e Quốc cữu là người thô suất không hợp với tính đoan chính nghiêm trang của Quận chúa, rồi sẽ sinh chuyện rắc rối về sau. Huống chi Quận chúa người thì yếu, vóc thì gầy, chịu sao nổi được một kẻ phàm phu! Hôn nhân là việc trọng, xin Chúa thượng đừng hấp tấp.

Chúa không lấy làm chướng vì lời nói bộc trực của Khê Trung hầu. Chúa biết tính hầu ngay thẳng và rất trung hậu. Ngài đăm đăm nhìn hầu, và nói:

- Lễ cưới cử hành chiều hôm nay. Quân tử vô nhị ngôn, ta không thể bãi việc hôn nhân này được. Chỉ còn việc này ta chưa giải quyết xong, là chưa có người trông nom Quận chúa về nhà chồng. Ta nghĩ đến hai người là ngươi và quan Ngự sử Lương Khánh Bảo. Quan Ngự sử không có đây, chốc nữa ta sẽ cho triệu vào. Nhưng có ngươi đi thì ta mới được yên tâm. Ta biết ngươi chăm sóc Quận chúa như cha, ngươi hiểu biết tính tình Quận chúa, chính ngươi là người thuốc thang cho Quận chúa từ thuở nhỏ, đi theo Quận chúa không ai hơn ngươi được. Ngươi vốn cẩn thận, nên vì ta gánh vác việc này.

Khê Trung hầu cảm động, mắt giàn giụa ngước nhìn lên, thấy mặt Chúa buồn, hầu tâu:

- Hạ thần đội ơn cao dầy, chưa có dịp báo. Nay Chúa thượng giao cho việc này, dám đâu từ khó! Giả sử Chúa thượng không bảo, hạ thần cũng xin đi, để hầu hạ và trông nom Quận chúa. Quận chúa còn non, có người thân đi kèm, cũng đỡ phần bỡ ngỡ. Cúi xin Chúa thượng cứ tin vào hạ thần. Hạ thần xin trọn đạo thần tử.

Chúa mỉm cười, tiến lại vỗ vai Khê Trung hầu, ân cần nói:

- Ngươi cố giúp ta nhé!

Ngài lại cầm tay hầu, đặt vào bàn tay người thái giám một lạng vàng và nói tiếp:

- Ta biếu riêng ngươi, ngươi đừng từ chối.

- Tâu Chúa thượng, Chúa thượng ban, hạ thần đâu dám không nhận. Chỉ nghĩ công việc chưa làm, đã nhận thưởng, đối với lương tâm, thực là xấu hổ. Vả hạ thần đội ân Chúa thượng nhiều rồi, Chúa thượng bắt nhảy vào đống lửa cũng phải nhảy, huống chi là việc nhỏ này. Nhận thưởng đã tham lại không phải đạo.

- Ngươi cứ cầm lấy, không được phụ tấm lòng ân cần của ta.

Khê Trung hầu quỳ xuống lĩnh, hai giọt lệ lăn trên gò má dăn deo:

- Hạ thần dẫu tan thây nát óc cũng không sao báo được thánh ân.

Chúa bằng lòng phán:

- Ngươi về sắp sửa đi. Mọi sự ta giao phó cho ngươi đấy. Ta sai ngươi đi, thác ra là để dạy Quận chúa lễ nghi, nhưng thực là để kiềm chế Đặng Lân, ngươi nên lưu ý nhé.

- Hạ thần đã hiểu ý Chúa thượng, xin Chúa thượng phóng tâm.

Khê Trung hầu quỳ lạy Chúa rồi khép nép quay ra. Chúa nhìn theo người thái giám trung thành, thở dài khoan khoái, và nói một mình:

- Bây giờ lòng ta mới được thư thái một chút...

Chiều hôm ấy, một buổi chiều thu buồn rười rượi. Lễ nghênh hôn đã sắp, mà chúa Tĩnh Đô còn lưu luyến trong tư thất với Quỳnh Hoa. Đã hai lần, lễ phiên vào tâu xin cho rước dâu, sợ qua giờ tốt Chúa đều gạt phắt đi. Ngài gắt gỏng vô cùng. Chúa nhìn con gái, như cố thu hết một lần cuối cùng hình ảnh thân yêu. Ngài nhận thấy con gái xanh xao, trông quá gầy nhỏ trong bộ quần áo cưới. Chúa bất nhẫn chia tay. Ngài đã hỏi con gái bao nhiêu lần câu: “Con có xin gì cha nữa không? Con xin gì cha cũng cho”, vậy mà Chúa vẫn hỏi. Quỳnh Hoa muốn xin một điều là bãi việc hôn nhân, nhưng nàng biết không sao được, nên mỗi khi Chúa hỏi nàng chỉ từ chối. Thái độ ấy càng làm cho Chúa thương nàng, và càng làm tăng lòng hối hận của ngài.

Lễ phiên giục giã lần thứ ba. Chúa biết không lưu luyến được nữa, đứng lên. Bao nhiêu quận chúa, phi tần, thị nữ xúm quanh Quỳnh Hoa, để đi phù dâu: Chúa như không trông thấy ai cả. Ngài đỡ Quỳnh Hoa đứng dậy, mắt không rời nàng. Cầm tay con gái, thấy lạnh, Chúa hỏi:

- Con làm sao đấy mà tay lạnh thế này? Mai về lại mặt, cha bảo ngự y bốc thuốc cho con.

Quỳnh Hoa sẽ tâu:

- Tâu phụ vương, con không làm sao cả. Con đi chỉ nhớ phụ vương, phận con gái, không báo đáp được ơn sơn hải, sinh ra thực là vô ích, xin phụ vương tha tội bất hiếu cho con.

- Con đừng nghĩ dở. Lòng hiếu của con cha đã biết.

- Con xin phụ vương ở nhà nên gìn vàng giữ ngọc, con thấy phụ vương sút đi nhiều, người trông võ vàng, con lấy làm lo ngại lắm.

- Con không phải lo cho cha. Chính con phải nên giữ gìn thân con cho cha được yên lòng.

Chúa Tĩnh Đô thân phù con ra khỏi cửa cung. Chín phát súng vang động kinh thành. Chợt Quỳnh Hoa nhìn cha, như có ý cầu khẩn. Tĩnh Vương dừng bước hỏi con:

- Con muốn xin gì cha chăng?

- Xin phụ vương tha tội cho con, con mới dám nói.

- Bao nhiêu tội của con, cha nhận hết. Con xin gì, cha cũng cho.

- Tâu phụ vương, phụ vương còn nhớ người làm ra bài phú Long Trì chứ?

Tĩnh Vương đột nhiên thấy hiện ra trong trí hình ảnh thanh tú của chàng Bảo Kim, người mà trước kia trong thâm tâm ngài đã chấm làm phò mã. Lời nói vô tâm của Quỳnh Hoa, Chúa thấy bao hàm cả bao nhiêu ý trách móc. Lòng Chúa thắt lại, phần thì thương con, phần thì hối hận. Chúa nói:

- Cha còn nhớ.

Quỳnh Hoa định quỳ xuống, Chúa giữ nàng lại và nói:

- Con không phải giữ lễ nữa. Có việc gì xin cha, con cứ nói. Cha đã bảo con rằng cha không tiếc gì con. Con nói đi, kẻo nhà trai người ta giục giã.

Quỳnh Hoa ngập ngừng một lát rồi thưa:

- Đây là chút ân tình của con. Con không thể giữ mãi trong lòng được nữa. Bảo Kim và con tuy không thề thốt nặng lời - con là gái khuê các, dám đâu làm những điều xấu hổ ấy? - nhưng con đã biết chàng là người quân tử. Cuộc thi văn đêm hội Long Trì, chàng được giải nhất, chưa nói ra, con đã...

Nói đến đây, nàng đỏ mặt, mãi không nói tiếp. Chúa Tĩnh Đô hiểu ý đỡ lời con:

- Cha đã biết.

Quỳnh Hoa nghĩ một lúc lâu rồi thưa, vẻ bẽn lẽn:

- Con chưa bẩm mệnh phụ vương, nhưng con đã muốn xin cha kén chàng làm phò mã, chỉ vì có việc này...

Nàng cảm động thổn thức khóc. Chúa cũng rơi lệ, và xung quanh, các quận chúa, các phi tần, các thị nữ và cả các nội giám người nào cũng sụt sùi, cảm thương cho thân thế nàng. Tĩnh Vương nói:

- Cha làm lỡ đời con, con trách, cha cũng xin chịu.

Quỳnh Hoa nức nở:

- Con có dám trách phụ vương đâu? Phụ vương đặt đâu con vui lòng ngồi đấy. Con gái sao lại oán cha? Bài phú Long Trì của Bảo Kim, ba bài tứ tuyệt chàng tặng con, con đã sai thị nữ đem trả lại chàng. Gái có chồng không được có tư tình. Con sở dĩ muốn xin phụ vương một việc là chỉ muốn đáp lại tấm lòng của Bảo Kim.

- Vậy con xin gì?

- Xin phụ vương trọng dụng Bảo Kim. Chàng là một người tài giỏi, có thể giúp phụ vương nhiều lắm.

- Cha sẽ thể ý con. Bảo Kim là chân ấm sinh, nay mai cha sẽ cho tập ấm, tuyển vào toà Hàn lâm.

Quỳnh Hoa bái tạ Chúa:

- Con xin vạn tạ phụ vương. Nay con mới được vui lòng xuất giá.

Chúa Tĩnh Đô và đoàn phù dâu đỡ Quỳnh Hoa ra khỏi cung. Trước thềm, hai vị đại thần là Khê Trung hầu và Ngự sử Lương Khánh Bảo, mặc đại trào phục đã đứng trực sẵn. Hai vị đại thần cúi chào Tĩnh Vương và Quận chúa. Tĩnh Vương bảo con gái:

- Cha đã nói cho con biết trước hai vị đại thần đây sẽ theo con về nhà chồng, dạy con học tập lễ nghi và trông nom sức khỏe cho con.

Quận chúa tâu:

- Phụ vương săn sóc cho con đến thế là cùng. Con biết lấy gì báo đáp ơn phụ vương?

Nàng lại thủ lễ cùng hai vị đại thần:

- Chỉ vì tôi mà hai vị cố lão phải vất vả.

Lương Ngự sử nói:

- Đó là chức phận chúng tôi phải thế. Quận chúa không phải quan tâm...

Tĩnh Vương nói:

- Ta giao Quận chúa cho hai khanh. Trăm sự nhờ hai khanh cả.

Quân ngự lâm đã từ từ bước đi, hai vị đại thần đã lên ngựa, kiệu Quận chúa đã khênh lên, chuông khánh rung rinh, phi tần, thị nữ xúm xít theo hầu, tàn quạt che kín...

Chúa Tĩnh Đô không nhìn thấy gì cả. Trước mặt ngài, chỉ còn hình ảnh người con gái mảnh khảnh và ngây thơ, bên tai ngài, chỉ văng vẳng tiếng nói dịu dàng của Quận chúa. Ngài thở dài, lâu lâu lui vào cung. Không gượng được nữa, vị Tổng nguyên súy, Nhiếp chính quốc, Thái sư Thượng phụ, uy quyền hống hách, cầm cân nẩy mực cho muôn dân, loạng choạng đi vào nằm lăn trên giường, thốt tiếng kêu:

- Quỳnh Hoa! Cha hại con!

Hàng lệ tuôn ra, Chúa thổn thức như một đứa con nít.

***

Phủ Đặng Lân là một tòa lâu đài nặng nề và kiên cố. Được chúa Tĩnh Đô che chở, lại được phong chức Quốc cữu, Đặng Lân tự xử như những bậc đại gia, xây phủ giống như phủ Thế tử. Các quan nhiều người đã hạch Đặng Lân, cho là lộng hành. Chúa làm ngơ cho, Lân lại càng được thể.

Những bậc công khanh ở kinh đô chỉ biết trả thù Đặng Lân bằng cách không giao thiệp. Vả, ai cũng sợ con người tiểu nhân nham hiểm và lật mặt ấy. Đặng Lân cũng biết mình bị khinh bỉ, vì thế một mặt càng ngang ngạnh, gây sự với mọi người, một mặt hết sức sửa sang phủ đệ, trang hoàng cho đẹp hơn hết các dinh thự ở kinh thành.

Nhưng ý một đằng thì sự thực lại xoay ra một cách khác. Càng tu bổ bao nhiêu thì phủ càng thêm lòe loẹt, càng thêm khó coi bấy nhiêu. Vẻ khôi hài của phủ Đặng Lân không qua được mắt Quận chúa. Đã ngao ngán, nàng lại thêm ngao ngán.

Lầu mà Lân dành cho Quận chúa lại càng lòe loẹt. Quỳnh Hoa lấy làm chướng mắt vì những màu sống sượng, những kèo cột chạm trổ công phu nhưng vụng về, nhất là vì mấy đôi câu đối chữ viết đã non, lời văn lại đầy ý lẳng lơ dâm đãng. Quận chúa ngắm chiếc giường thất bảo của mình. Phải, đấy là giường của nàng! Nàng ghê tởm nghĩ đến người chồng mà nàng phải chung chăn chung gối. Nàng rùng mình, có cảm tưởng như đứng trước một nơi xú uế.

Nàng cho đời mình thế là hết, không còn sinh thú gì nữa. Mỏi quá, đáng lẽ phải ngồi xuống giường, Quỳnh Hoa ngồi trên một chiếc cẩm đôn. Các thị nữ xúm quanh lại, đứng hầu nàng, chờ lệnh. Quỳnh Hoa không nói không rằng, nàng nghĩ vẩn vơ, thèm muốn được như bầy thị nữ.

Hai vị đại thần sau khi trông nom cho Quận chúa yên sở rồi, cũng trở xuống dưới lầu. Họ ăn mặc đại trào phục và ngồi trang nghiêm như trong chốn miếu đường. Quỳnh Hoa cũng thấy yên tâm, vì có sự che chở của hai vị cố lão.

Nàng giật mình nghĩ đến Bảo Kim. Chàng đã báo tin sẽ cùng anh em đến cứu nàng, ngay đêm hôm cưới. Khi tiếp được tin ấy, nàng rụng rời, sai ngay Ái Thi, Ái Nhạc chạy đi đưa thư cho Bảo Kim, can ngăn chàng. Thư tuy đã đi, nhưng nàng vẫn lo sợ...

Thấy Ái Thi và Ái Nhạc đứng đấy, vẻ mặt buồn tênh, nàng sẽ ra hiệu cho chúng lại gần và hỏi:

- Hai con đưa thư ban sáng cho ai?

- Thưa Quận chúa, Ái Thi đáp, chúng con đã trao thư cho công tử Bảo Kim, theo lời Quận chúa dặn.

Nàng thở dài, nghĩ thầm:

- Thân ta là thân bỏ đi, sống đã vô duyên, chết cũng không có điều chi oán hận. Đời thiếu ta được, nhưng không thể thiếu Bảo Kim và các bạn chàng.

Lo cho Bảo Kim, nàng quên hết cả duyên số hẩm hiu. Đêm đã khuya, gió tháng Chín thổi lành lạnh, đánh bật một chiếc rèm rơi xuống ngay chân Quận chúa. Quỳnh Hoa nhìn qua chấn song, bỗng tái mặt đi và nhắm nghiền mắt lại.

Cách lầu Quận chúa độ hai mươi thước có một nhà bát giác, không xây tường, rất rộng. Trong nhà chăng đèn kết hoa sáng trưng như ban ngày. Cậu Trời đang ngồi ăn uống với lũ gia nhân. Tiệc đã đặt từ lâu, rượu đã cạn từng vò, mà chưa có vẻ gì tỏ rằng họ sắp thôi. Đồ ăn vẫn tiếp tục đem lên, các mỹ nữ vẫn chuyên nhau rót rượu. Trong tiệc có đến một trăm người ăn. Cậu Trời, bào gấm, mũ hoa, ngồi ghế chủ, bên một thiếu phụ vẻ dâm ô. Lân đã say mềm, mắt híp lại, cười ha hả, nói líu không thành câu, chợt kéo thiếu phụ lại, ả cố gắng giằng ra, bàn ghế đổ tung, bát đĩa vỡ loảng xoảng. Một tiếng lụa xé soạt soạt, ả thiếu phụ đã hở một bên vai tròn trặn và một góc ngực nõn nà. Đèn nến bỗng tắt tối om. Người ta chỉ còn thấy những bóng vật lộn trong nhà bát giác...

Trống thành đã điểm canh ba. Chợt có tiếng quát tháo của Cậu Trời và những tiếng chửi rủa thô tục. Sau cuộc say sưa, Lân sực tỉnh dậy, như có ý hối hận về những cử chỉ vừa qua, nghĩ thầm:

- Chết chửa, Quỳnh Hoa mà trông thấy, ta còn thể thống gì nữa!

Ả thiếu phụ, trong lúc mơ màng, ôm lấy chân Cậu Trời. Lân tức giận nghiến răng, rút con dao găm sáng loáng trong bọc ra, đâm thẳng xuống ngực thiếu phụ. Ả chỉ kịp kêu:

- Trời ơi! Chết tôi rồi!

Đặng Lân rút dao ra, đâm luôn mười mấy nhát, đá cái thây sang một bên, rồi quát như con quỷ sứ:

- Bùi Đãng!

Tên vô lại sực tỉnh dậy. Y biết là có biến, vì sau cuộc vui vầy của chủ, không bao giờ là không có án mạng. Y đẩy người con gái nằm bên cạnh, vùng đứng lên thưa:

- Thưa cậu, cậu truyền gì?

- Thắp đèn lên mau!

Mọi người đã tỉnh, đèn vừa thắp lên, ai nấy đều rụng rời thấy ả thiếu phụ nằm lõa lồ trên vũng máu, mà Cậu Trời cũng be bét những máu, trông dữ dội như một hung thần. Đặng Lân thét:

- Bây giờ là bao giờ?

Bùi Đãng thưa:

- Thưa cậu, bây giờ là vào nửa đêm, vừa mới trống canh ba.

- Chúng bay là một lũ ăn hại! Ai cho chúng bay bắt chước tao, những thằng kia?

Lân quay lại, rút con dao ở thây ả thiếu phụ. Cả bọn đứng lên, chạy toán loạn. Nhưng người đông, chen nhau lục đục không ra được, Lân cứ việc đâm lấy đâm để, bất kỳ một người nào, không mấy người không bị thương. Cả bọn đã chạy hết, duy còn một người con gái ngây thơ díu cẳng vấp phải cái cột ngã lăn ra. Cậu Trời đuổi kịp cười ha hả:

- Mày chạy đi đằng trời, đồ thất tiết!

Người con gái van lạy một cách thất vọng:

- Xin lạy cậu, cậu tha cho em...

- Tha cho mày để mày đi đánh đĩ? Không giết mày để làm gì?

Người con gái ứa nước mắt, nói:

- Em không có tội gì, cậu tha cho em... Bố mẹ em...

Con dao đã cắm phập vào giữa bụng... Mặt hoa nhăn nhó, người con gái ôm bụng:

- Trời ơi! Trời ơi! Cậu tha cho em.

Đặng Lân rút dao ra, cười một cái cười ma quỷ, say sưa trong tội ác, lại đâm lia lịa nạn nhân cho đến khi không còn thấy cử động nữa bấy giờ mới thôi.

Giữa lúc ấy, thì trên lầu, Quận chúa thốt lên một tiếng kêu thất thanh. Lân quăng dao đứng dậy nhìn lên phía trên lầu. Lại một tiếng rú vừa ai oán vừa thất vọng. Lân ngắm đến mình, thấy quần áo đỏ ngầu những máu, tay chân cũng vậy. Vội lấy tay vuốt mồ hôi mặt, và mặt như sơn đỏ, trông càng kinh tởm. Con người trụy lạc ấy bỗng khao khát một chút tình êm ái hơn.

Lân quay vào trong nhà, kéo ghế ngồi, nhưng vẫn đăm đăm nhìn lên lầu Quận chúa. Hình ảnh dịu dàng của người thiếu nữ quí phái phảng phất trước mặt con dâm quỉ, nhẹ nhàng như áng hương thơm. Đột nhiên Lân chán ghét tất cả những thú vui xác thịt, tất cả những con gái đã qua tay.

Lân gật gù:

- Quỳnh Hoa đã là vợ ta, không lý gì vợ chồng lại cách biệt nhau, bông hoa đã kề đến tận tay, ai lại bỏ không hái? Con người lịch sự nhất kinh thành, cao quý nhất nước, nay thuộc về ta, bỏ không cũng uổng, mà chờ là khờ.

Lòng phơi phới, Lân tưởng tượng phút ái ân bên cạnh người khuê các kia: Một bậc tuyệt sắc giai nhân chắc phải có hương vị đặc biệt hơn tất cả những kẻ tầm thường. Lân đứng dậy quả quyết:

- Mệnh lệnh của Chúa thật là vô lý. Sao ta lại nhắm mắt theo? Có gì đã có chị ta che chở. Mà khi sự đã rồi, Chúa có hỏi, chả lẽ lại đem làm tội con rể.

Nghĩ đến đây, Lân gọi lớn:

- Bùi Đãng! Bùi Đãng! Lên mau, cậu hỏi.

Nghe giọng nói, Bùi Đãng biết cơn điên của chủ đã dịu, y chạy lên thưa:

- Thưa cậu, cậu truyền gì?

Thấy chủ nhìn lên lầu Quận chúa, Bùi Đãng đoán được ý nói ngay:

- Thưa cậu, cậu nên đi tắm rửa. Đêm thanh cảnh vắng, đây là lúc cậu nên lên lầu nói chuyện với Quận chúa. Cậu đánh chén quá say, quên cả lễ hợp cẩn, cậu thực là một ông tân lang kỳ quặc!

Lân nói:

- Mày đun nước thơm mau, để ta tắm rồi lên lầu giáp mặt vợ ta.

Bùi Đãng dạ dạ luôn miệng. Một lúc sau, Lân tắm rửa sạch sẽ, mũ áo chỉnh tề, soi gương lấy làm tự đắc lắm. Quay hỏi Bùi Đãng:

- Ta có xứng là rể của chúa Tĩnh Đô không?

Bùi Đãng lạy phục trước mặt Đặng Lân và thưa:

- Cậu không xứng thì còn ai xứng nữa? Chúa thực đã kén chọn được một vị giai tế. Và Quận chúa được một đức ông chồng như cậu, thực là tốt duyên. Nghĩa là con, đầy tớ trong nhà, quen mồm gọi là cậu, chứ người ngoài thì một là bẩm Quận mã, hai là hô Thiên tuế, con rể Chúa có phải chuyện tầm thường?


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play