*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Toàn bộ căn phòng đều là tranh của Lâm Tri.

Mấy chục bức tranh đủ mọi màu sắc và kích thước treo khắp bốn bức tường, được lồng tỉ mỉ vào khung tranh. Những bức còn lại không treo hết thì được đặt tựa vào tường thật chỉnh tề, như một hàng rào hoa khảm quanh căn phòng.

Còn có một số bức chưa được bồi, chắc hẳn vẽ cũng lâu rồi, viền giấy đã ngả vàng, nhưng vẫn được giữ gìn và thu gom lại, để trong hộp đựng trong suốt.

Mặt hộp nào cũng dán nhãn, Nhiếp Chấn Hoành đi tới gần hơn, thì mới thấy rõ dòng chữ ghi trên đấy ——

“Tranh tập vẽ năm 12 tuổi của Tri Tri”

“Tập phác họa của Tri Tri”

“Tranh luyện màu nước đẹp của Tri Tri”

“…”

Mỗi nhãn dán trên hộp, đều là nét chữ của một người duy nhất. Tuy nét chữ ấy chẳng thanh thoát đẹp xinh, cũng không gọn gàng ngay ngắn, nhưng mỗi nét bút đều hàm chứa tình thương mộc mạc và đẹp đẽ nhất mà người mẹ dành cho con trai mình.

“Tất cả chỗ này… đều là tranh của Tiểu Lâm sao?”

Hai mẹ con họ Nhiếp đứng ngoài cửa cũng kinh ngạc trước cách bài trí của căn phòng này. Bà Nhiếp không khỏi cất tiếng hỏi. Còn Bé Lớn đang nắm tay Nhiếp Triển Hà thì giằng khỏi tay mẹ, vừa “Ù òa” kinh ngạc, vừa chạy vào phòng ngắm những bức tranh trong ấy kỹ hơn.

Với lũ trẻ con, thì những màu sắc tươi sáng sặc sỡ là hút mắt nhất.

Huống chi, phần lớn tranh do Lâm Tri vẽ đều là những sự vật và phong cảnh có thể nhìn thấy thường ngày. Bất kể là chim lượn trên trời, hay sên bò dưới đất, hoặc tủ lạnh TV trong nhà, đứa cháu lớn đều có thể vừa ngắm vừa hớn ha hớn hở chỉ trỏ gọi tên ngay.

Nhiếp Triển Hà vẫn còn bế đứa nhỏ trong lòng, không túm được thằng con lớn lại, đành quát nó, “Bé Lớn, con quay lại đây ngay cho mẹ! Không được sờ lung tung biết chưa!”

“Không sao ạ.” Tự dưng lúc này EQ của Lâm Tri lại cao hiếm thấy. Nhưng có lẽ cậu vốn cảm thấy những bức tranh này chẳng đáng giá gì, nên chỉ nghiêm túc nói với chị Nhiếp, “Chạm vào được ạ.”

Nhưng Nhiếp Chấn Hoành thì khác, anh không nỡ để những món đồ quý giá trong căn phòng này gặp phải chuyện gì. Anh vội vàng duỗi tay nhấc đứa cháu lớn lên, bế thằng bé trước người mình, “Ngắm thì được, nhưng không được sờ. Không hiểu chỗ nào thì hỏi anh Tri Tri nhé.”

Bé Lớn gật đầu, chẳng rõ nó có nghe lọt không, nhưng cu cậu giãy khỏi cậu mình, chủ động đến cạnh Lâm Tri. Nó còn ngoan đến lạ, nắm tay anh trai trước mặt. Sau đấy thằng bé kéo Lâm Tri đến trước bức tranh vẽ một con mecha khổng lồ, bắt đầu hỏi han ríu rít.

(Mecha là cách gọi của người Nhật thay cho “mechanical”, chỉ những thứ thuộc về máy móc cơ khí, cơ học hoặc công nghệ. Trong phim hay là mấy con robot khổng lồ đi bằng hai chân, có người điều khiển bên trong hoặc bên ngoài. Mấy cái này rất nổi ở Nhật, ví dụ như Gundam, Evangelion.)



Hai anh em đứa hỏi đứa đáp, trông đến là hòa hợp. Tới cả Nhiếp Triển Hà cũng không ngờ được rằng Lâm Tri lại hợp rơ với ông tướng con nghịch như ranh nhà mình đến vậy. Còn Nhiếp Chấn Hoành thì chẳng ngạc nhiên tẹo nào.

Tri Tri của anh dường như có một loại khí chất bẩm sinh, khiến cậu rất hòa hợp với tụi con nít.

Có lẽ là vì cậu và đám trẻ đều sống rất đơn giản, thế giới trong mắt họ đều đơn thuần và đáng yêu.

Nhiếp Chấn Hoành tươi cười, ngắm cậu họa sĩ nhà anh tháo bức tranh trên tường xuống đặt vào tay cháu trai anh. Ngày mưa hôm ấy và cảnh Lâm Tri khốn khổ đội mưa ôm hai bức họa về nhà bỗng hiện ra trước mắt anh lần nữa.

Khi đó… Tri Tri của anh đã đi đâu thế? Bồi tranh xong, mà về lại bỏ. Em ấy muốn mang chúng đi bán lấy tiền, nhưng bị người ta từ chối sao?

Lồng ngực Nhiếp Chấn Hoành muộn màng thắt lại, anh thầm mắng kẻ đáng ghét không có mắt nhìn kia. Anh ngẩng đầu lên, không khỏi quan sát những bức họa trong căn phòng cẩn thận và nghiêm túc hơn. Như thể anh đang ngắm chúng từ một góc độ khác, kiếm tìm lại quá khứ mà mình chưa từng tham dự của bé con.

Có những nét vẽ vụng về bắt chước thời bé, những màu sắc u ám mô tả lại món đồ chơi tự chế trong không gian nhỏ hẹp, có những phong cảnh rực rỡ sống động như ảnh chụp, có cả những nhân vật với đường nét gương mặt nhạt nhòa khó lòng phân biệt nổi.

Nhiếp Chấn Hoành dường như có thể nhìn thấy, một đứa trẻ nhỏ xíu, sau khi bị bạn bè cùng trang lứa xa lánh và bạo lực học đường, đã chậm rãi thu mình lại thế nào. Chỉ còn một ô cửa sổ mà em có thể vươn tay ra được, dùng cây cọ vẽ ghi chép lại những con chữ em không hiểu nổi và thế giới hoang đường xung quanh.

Anh chưa từng học nghệ thuật, cũng không hiểu hội họa, chỉ có thể nhận ra tài nghệ vẽ vời của người nghệ sĩ không ngừng tiến bộ, dần vận dụng các gam màu một cách thành thạo.

Nhưng gần như tất cả những bức họa trên bốn mặt tường, đều ít nhiều mang vẻ cứng nhắc và thô kệch, tựa như chúng được vẽ từ góc nhìn của một người ngoài cuộc chưa từng tham dự vào đó.

Như thể… chỉ bôi vẽ mà không có linh hồn hay cảm xúc.

Cho đến khi anh đưa mắt về chân tường, nơi mấy chục bức tranh để bừa bãi dưới sàn nhà.

Những bức tranh này khắc họa lại cảnh tượng mà anh quen thuộc hơn. Đây là những hình ảnh mà anh tận mắt thấy Lâm Tri đưa từng nét cọ khắc họa lại suốt hơn nửa năm anh ở bên bé con.

Đó là khu tập thể cũ mà họ đang sinh sống, là con phố đông đúc ầm ĩ này, là cuộc sống thường ngày của những người hàng xóm ồn ào nhưng lại nhiệt tình.

Tựa như những sắc màu rực rỡ hơn, nhỏ lên mặt hồ không gợn sóng, lan rộng dần ra.

Tất cả đều bắt đầu trở nên sinh động.

Anh bắt đầu cảm nhận được cái nóng bỏng cháy của ngày Hè và cơn gió nhẹ phất qua gò má, bắt đầu ngửi thấy mùi mồ hôi lẫn với hương trái cây thơm ngọt trong bầu không khí xung quanh, bắt đầu thấy những khuôn mặt tươi cười niềm nở của người qua đường trên phố, bắt đầu phát hiện biết bao chi tiết đẹp tươi mà thường ngày anh không để ý đến.

Giọt sương đọng trên trái đào mật tươi ở sạp nhà Lão Chu. Quân bài Nhị Đồng tróc nửa sơn trên chiếc bàn mạt chược để ngoài sân nhà chị Trương. Hóa ra đôi mắt của con mèo bông Miu Miu mà bé Y Na nhà Nhiệt Hợp Mạn thích nhất lại làm bằng hạt cườm thủy tinh. Một nửa số giày da được bán ở quầy giày nhập ngoại trước cửa tiệm uốn tóc Mỹ Liên đều bị sút gót…



(Quân bài Nhị Đồng, nghĩa là có 2 cái chấm. Thuộc hàng Văn, gồm những quân bài có 1 đến 9 chấm tròn)

Nhiếp Chấn Hoành càng ngắm, nét cười trong đôi mắt càng đậm đặc. Anh dần đưa mắt từ những trang giấy vẽ đến chàng trai trẻ tuổi đang đứng thẳng tắp trong căn phòng.

Hóa ra… Tri Tri của anh, đã cất cánh bay ra ngoài từ lâu.

Cậu không còn là con robot chỉ biết chăm chăm làm việc theo tiết tấu riêng nữa, mà đã trở thành một chú ve con vỗ cánh bay ra khỏi thế giới của mình, thoát khỏi sự cứng nhắc và nỗi bất an.

Ve con đang nỗ lực dành hết tâm sức quan sát thế gian, sống thật nghiêm túc.

*

Tham quan xong căn phòng ngập tranh của cậu họa sĩ, Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri cùng tiễn mẹ anh, chị anh với hai đứa cháu lên taxi. Họ còn mang theo một bức tranh to, đấy là tranh vẽ mecha hoạt hình mà Lâm Tri tặng cho thằng cu lớn.

Trước khi lên xe bà Nhiếp kéo con trai qua một bên, nhét một đống tiền vào ngực anh. Đồng thời thủ thỉ dặn dò anh, sau này nhớ chú tâm kiếm tiền thêm, đừng có tiêu của người yêu mãi nữa!

Nhiếp Chấn Hoành lười giải thích, chỉ nhét tiền về túi mẹ, “Con tự nuôi vợ con được mà.”

“…” Bà Nhiếp lườm anh, cũng thây kệ, “Rồi rồi rồi, chả tranh với anh nữa! Để mẹ xem anh thì nuôi được người ta thế nào!”

Nói xong, bà đóng cửa xe lại nghênh ngang bỏ đi, để Nhiếp Chấn Hoành đứng đằng sau hít khói.

“Ơ?” Lâm Tri nghi hoặc nhìn về phía người đàn ông, “Dì giận ạ?”

“Đâu.”

Nhiếp Chấn Hoành xoa mái tóc mềm của bé con, “Mẹ anh vui mà. Mẹ bảo Tri Tri nhà mình ngoan lắm, dặn anh nuôi em tử tế.”

Lần này Lâm Tri lại không tin ngay, ngược lại còn mím môi, nói cực kỳ chắc mẩm với Nhiếp Chấn Hoành: “Anh Hoành lừa em!”

Nhiếp Chấn Hoành nhướng mày, “Sao em lại nghĩ anh lừa em?” Ban nãy rõ ràng bé con đứng xa lắm mà, nghe sao được.

“Bởi vì, bởi vì…”

Lâm Tri không biết biểu đạt thế nào, chỉ có thể miêu tả theo những gì mình nhìn thấy, “Bởi vì dì chuyển qua màu đỏ.”

“Chuyển qua màu đỏ?”

Nhiếp Chấn Hoành chẳng hiểu ra làm sao cả, hôm nay mẹ mình bận nguyên cây xanh lục mà, đỏ ở đâu ra?

Trước đó, Lâm Tri mới chỉ sử dụng màu sắc để biểu đạt cảm nhận của mình ở trước mặt mẹ cậu thôi.

Từ khi học vẽ tranh, cậu dần thấy được màu sắc của những người khác. Không phải ai cũng có, nhưng thi thoảng tiếp xúc với một ai đấy, cậu có thể nhìn thấy những màu sắc khác nhau toát ra từ người họ.

Tựa như một vầng hào quang mông lung, bao phủ trên cơ thể họ, có người là màu đỏ, có người là màu lam, có người là màu đen… Những sắc màu ấy còn thường xuyên thay đổi. Mới đầu Lâm Tri thấy sợ và khó hiểu lắm, tưởng mình lại mắc bệnh gì mới.

Nhưng mẹ bảo cậu rằng, không phải đâu.

Đó là món quà mà ông trời tặng cho cậu đó.

Những bạn nhỏ khác đều nhận được món quà giống nhau, các bạn ấy sẽ tìm hiểu về thế giới này nhờ việc đọc sách biết chữ. Nhưng Tri Tri đáng yêu của mẹ đặc biệt hơn, nên ông trời đã tặng con một đôi mắt có thể trực tiếp nhìn thấy thế giới, giúp con phân biệt được những cảm xúc khác nhau bằng màu sắc.

Chẳng qua món quà này đặc biệt quá, quý giá lắm thay.

Nên cậu không thể nói cho người khác biết.

Nhưng theo cảm nhận của Lâm Tri, thì anh Hoành không phải là người khác.

“Dì có màu cam ấm áp, giống mẹ em.”

Lâm Tri nắm tay Nhiếp Chấn Hoành, sóng vai cùng bước trên con đường về nhà.

Đèn đêm hiu hắt, bao phủ lên bóng dáng hai người, cũng mạ một quầng sáng ấm áp tương tự.

“Vậy là ban nãy em thấy màu cam trên người mẹ anh hóa thành màu đỏ à?”

Nhiếp Chấn Hoành vừa kinh ngạc lại vừa mừng rỡ.

Anh từng nghe nói, hội chứng này hình như tên là… Cảm giác kèm. Có kẻ có thể cảm nhận được nhiệt độ của âm nhạc, người khác lại có thể biết kết cấu của từng con số. Tri Tri của anh vốn đã rất đặc biệt rồi, hình như việc cậu có thể cảm nhận được màu sắc của các cảm xúc khác nhau, cũng chẳng phải chuyện gì bất ngờ lắm.

“Vâng.”

Lâm Tri gật đầu, lại giơ tay lên thể hiện một khoảng nhỏ bằng ngón trỏ và ngón cái.

“Chỉ, chỉ đỏ một xíu thôi.” Cậu bổ sung, “Đỉnh đầu có một xíu màu đỏ tươi. Ừm, chắc là không giận lắm đâu ạ.”

Nhiếp Chấn Hoành thấy cách miêu tả của cậu đáng yêu ghê, bèn gật đầu đồng ý, “Ừ, chỉ giận xíu xiu thôi.”

“Vậy…”

“Không sao đâu,” Nhiếp Chấn Hoành lại vuốt tóc bé con, “Anh Hoành không lừa em đâu, mẹ chỉ giận vì anh không chăm sóc tốt được cho em thôi.”

“Nào có!” Lâm Tri vội vàng phản bác, “Tốt lắm mà!”

Nhiếp Chấn Hoành cười, “Ha ha, vậy lần sau em làm chứng giúp anh Hoành nhé.”

“Vâng ạ.” Lâm Tri nghiêm túc gật đầu.

Nhiếp Chấn Hoành tiếp tục dắt bé con đi về hướng nhà mình.

Thật ra, anh vẫn còn nghĩ mãi về lời mẹ nói. Anh cảm thấy đúng là mình thiếu chí tiến thủ thật, còn để mẹ phải lo mình không kiếm đủ tiền nuôi bạn đời.

Nhiếp Chấn Hoành cúi đầu, nhìn hai cái bóng đang đi song song nhau dưới ánh đèn đường. Kế bên cái bóng thẳng tắp trẻ trung của Lâm Tri, là cái bóng khập khiễng cà nhắc của anh.

Những cảm xúc phức tạp hiện lên trong mắt anh, tiếc nuối, tự ti, xen cùng hoài nghi và ghét bỏ bản thân nữa.

“Tri Tri có muốn ở căn nhà to hơn không?”

“Nhà bây giờ, đã to lắm rồi mà? Nhà em, nhà anh Hoành, đều to.”

“Vậy… em có muốn ăn những món ngon hơn không?”

“Ừm, sao cũng được ạ. Cứ món anh Hoành nấu là ngon thôi.”

“Có muốn mặc những bộ quần áo đẹp hơn không?”

“Không cần ạ, quần áo em đủ mặc rồi.”

“Vậy em có muốn đi thăm thú nhiều nơi không?”

“Khi nào ạ? Anh Hoành không mở cửa hàng nữa ạ? Em mang bảng vẽ đi được không?”

Cảm xúc phức tạp trong mắt Nhiếp Chấn Hoành dần tan biến trước những câu nói đơn giản và ngây thơ của cậu nhóc, cho đến khi chỉ còn sự dịu dàng và nét cười.

Tuy Tri Tri của anh đã bay ra khỏi thế giới của mình, nhưng cậu chưa bay xa, mà vẫn luôn quanh quẩn nơi này, trong thế giới có anh.

Tuy rằng thế giới của anh hơi tàn tạ, hơi cũ nát, nhưng Tri Tri của anh chưa bao giờ chê bai, cũng chẳng lúc nào do dự. Một khi đã thế, thì anh cũng không cần coi nhẹ bản thân nữa, bớt để… bớt để bé họa sĩ của anh nhìn thấy những màu sắc khác.

Nhiếp Chấn Hoành nghiêng đầu, nhìn cậu nhóc đang nghiêm túc bước đi bên cạnh mình, không kiềm nổi nỗi tò mò trong lòng.

“Tri Tri.”

“Dạ?”

“Trong mắt em, anh là màu gì?”

Nhiếp Chấn Hoành vốn tưởng bé con chí ít phải liếc mình một cái thì mới trả lời được câu này. Nào ngờ, Lâm Tri chẳng thèm suy nghĩ, thốt ra một từ ngay, như thể từ ấy đã cắm rễ trong lòng cậu từ lâu ——

“Đại thụ.” Nhiếp Chấn Hoành nghe Lâm Tri nói vậy.

Anh chưa hiểu ra ngay, “Cái gì?”

“Màu nâu ạ.”

Lâm Tri từ tốn bổ sung, “Anh Hoành là màu nâu như cây đại thụ ạ.”

Màu nâu… à.

Lúc này, trong ánh đèn đêm, hai người cũng cất những bước chầm chậm về con phố nơi mình sinh sống. Phố về đêm gần như không một bóng người, chỉ có tiếng chim và tiếng ve rì rào trong tán lá ven đường.

Nhiếp Chấn Hoành đưa mắt về hàng cây long não đã lặng lẽ đứng bên đường bao năm qua, loáng thoáng hiểu được ý nghĩa về màu sắc của mình.

“Vậy…” Anh lại không nhịn nổi mà hỏi thêm, “Em cảm thấy mình là màu gì?”

“Ừm…” Lâm Tri chớp chớp mắt, lần này cậu phải nghiêng đầu ngẫm nghĩ thật lâu, rồi mới đưa ra đáp án được.

“Chắc là giống màu lúa mạch ạ.”

Cảnh tượng đang hiện ra trong tâm trí Lâm Tri lúc này, là đồng ruộng mẹ từng đưa cậu đi vẽ tranh trong hồi ức.



Đó là một ngày cuối Thu mát mẻ, ruộng lúa mạch vàng kim, mênh mông vô bờ trải kín mặt đất.

Ánh nắng trên cao ấm áp nhưng lại không bỏng rát, đậu lên người cậu, ấm như vòng ôm của mẹ. Thi thoảng gió lại quét qua đồng ruộng, vô số cây lúa mạch trước mắt cậu đồng loạt lắc lư theo quy luật trước gió, tỏa hương thơm ngát. Sóng lúa nhẹ nhàng, chậm rãi, lên xuống tự nhiên như nhịp thở. Lâm Tri nhắm mắt lại, cảm thấy dường như mình cũng là một cây lúa trong ấy.

Không có những lời châm biếm, không có những câu mỉa mai, không có những ánh mắt và lời nói nhắm vào mình, khiến mình thấy khó chịu. Cậu cũng như hàng ngàn hàng vạn những cây lúa mạch chung quanh, cùng một chiều cao, cùng một màu sắc, dùng lớn lên dưới ánh mặt trời.

Cậu cảm thấy vô cùng an toàn và thoải mái.

Nghe lời giải thích nhẹ nhàng bâng quơ của bé con, trái tim Nhiếp Chấn Hoành vừa mềm nhũn vừa nhói đau.

Anh siết chặt bàn tay mềm mại và trân quý mà mình đang nắm lấy, dắt cậu tới một gốc cây ven đường.

“Không, không đúng.”

Nhiếp Chấn Hoành nâng khuôn mặt lạnh lùng không biểu cảm của Lâm Tri lên, đầu ngón tay tình cờ áp đúng vị trí lúm đồng tiền trên má cậu.

“Là màu quả kim quất.”



Cũng là màu vàng kim, nhưng Nhiếp Chấn Hoành lại cảm thấy người trước mặt hoàn toàn không giống lúa mạch tẹo nào. Bé con của anh rõ ràng là —— một quả kim quất, nhác trông còn chưa chín, nhưng ăn vào thì mềm mại ngọt lành.

Hơn nữa, nhất định cậu là quả duy nhất mọc trên cây đại thụ anh đây.

“Màu của em là màu quả kim quất. Loại vừa mọc trên cành ấy.”

Anh cúi đầu, ôm quả kim quất bé xinh của mình, âu yếm hôn lên những cánh hoa quất non mềm ngọt như xi-rô.

Thịt quả dưới những đầu ngón tay anh lõm xuống, ứa dòng mật ngọt. Nhấp nhẹ một ngụm, là sẽ hóa thành thức kẹo ngọt ngào nhất trên đời trong khoang miệng.



Nha Đậu:

Cuối cùng cũng viết đến đoạn đối thoại trong phần giới thiệu rồi. Chương này thực sự bao hàm rất nhiều thứ, nhưng những gì tôi muốn biểu đạt, những gì Tri Tri và anh Hoành muốn biểu đạt, đều được ghi lại trong văn rồi đó.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play