Thời gian sau này, gia đình êm ấm vô cùng. Dì Hằng không biết là do trận trách phạt của quan bà, hay lời căn dặn của quan ông liền trở nên ngoan ngoãn. Quan ông cũng vì để tránh mất hòa khí giữa mấy bà vợ, liền phân chia theo lịch, hôm nay ở phòng ngươi, ngày mai ở phòng người.

Thời điểm xét duyệt rất nhạy cảm, nỗi lực từng ấy năm, cũng chỉ mong có cơ hội này. Quan nội chức gần vua, rất dễ lập công thăng chức, còn quan ngoại chức như tri huyện, tri phủ, tri châu việc lập công còn phải nhờ thời thế may mắn. Giả như huyện của ngươi có một nhóm cướp hung ác, càng quấy, ngươi dẫn quân đi bắt chúng, thế là lập công (Ông Hậu là quan văn trói gà không chặt, việc này coi như bỏ đi), hay là năm đó thiên tai lũ lụt, hạn hán, ngươi là quan phụ mẫu liền dốc lòng chăm lo cho dân, tu sửa đê điều, phát gạo cứu đói, vua sẽ nhìn ngươi một cái (Thiên tai lúc nào cũng kinh khủng, đừng nên tới thì hơn), cách nào cũng không được, chỉ nên trông đợi lần xét duyệt này. Thời điểm này, mắt đám quan trong Ngự sử đài giống như phán quan địa phủ, chỉ cần sơ xuất một chuyện, bị hạch tội, thế là mười mấy năm lăn lộn của ngươi coi như xong.

Quan ông Huỳnh Văn Hậu là con trưởng dòng dõi thư hương, tuy ông cha đều chỉ dừng ở chức quan tứ phẩm, ngũ phẩm nhưng gia đình ba đời làm quan, trong họ luôn có người học thức, chưa từng sinh ra đám ăn chơi ngu xuẩn. Ông đỗ khoa bảng, làm tri huyện mẫu mực, tuy không thể nói là thương dân như con nhưng cũng là dạng thanh bạch như nước. Quan ông lấy vợ đầu là con gái Tri phủ, nay đã thăng làm An phủ sứ trấn Thuận Hóa. Cơ hội thăng tiến thật mở rộng trước mắt. Ông Trần An có cho người sang báo tin mừng, rằng triều đình đang cất nhắc ông lên chức Phát vận sứ hoặc là Hàn Lâm Viện học sĩ, cụ thể là thế nào thì vẫn chưa rõ. Cả hai chức này đều là tứ phẩm. Phát vận sứ vẫn là một quan ngoại ban, tuy nhiên coi sóc việc vận chuyển lại là một việc béo bở, từ lương thảo đến cống phẩm, nếu ngươi không phải thanh quan ai lại cất nhắc ngươi vào chức này, nhưng ngồi vào chức này có còn là thanh quan hay không thì khó lòng biết được. Hàn Lâm Viện học sĩ tuy là chức văn nội ban nhưng trông coi chuyện văn chương lại vô cùng tẻ nhạt. Quan ông vì chuyện này, suy tính cả tháng trời. Rốt cuộc vẫn là do ông tự mình âu lo, chứ cho ngươi chức quan gì vẫn là do bề trên định đoạt.

Ta chỉ mong những ngày tháng yên bình này kéo dài được mãi. Ta và chị Yên vẫn hay tới lui, cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ. Chị Yên nhanh chóng được mẹ dạy cho cách quản lý gia đình cùng điền sản, người làm. Ta theo chị ấy học được không ít. Cái gì Hồng Yên biết thì ta cũng đều biết. Cái chị Yên này đối với văn chương thơ phú thì dốt đặc cán mai, nhưng với chuyện sổ sách, quản gia thì giống như Chu Du hoặc Gia Cát Lượng. Cái gì gọi là thiên phú, nay ta coi như đã rõ.

- Ta hỏi em, nếu trong nhà có hai tên quản lý tá điền, một tên thô lỗ hung hăn, một tên hòa nhã, khéo léo, em chọn tin dùng ai? - Chị ta cầm sổ sách, học dáng điệu của thầy Lệ, hỏi ta

- Đương nhiên là tên hòa nhã khéo léo

- Sai!

- Vậy là tên thô lỗ à?

- Sai, em phải tra trước! Tra rồi mới biết tên hòa nhã có thật hòa nhã, sau lưng không có chuyện xấu gì, tra rồi mới biết tên thô lỗ hung hăn kia có kiến tá điền khổ sở hay là tính tình bộc trực thẳng thắn.

Ta ở với chị ta từng ấy thời gian, coi như cũng học được chút bản lĩnh bà lớn, không biết tương lai có vận dụng được hay không. Không chỉ là bản lĩnh quản lý, bà Trần còn dạy cách đối phó với mẹ chồng độc ác, trừng trị dì nhỏ không biết điều. Có thể gọi đây là một khóa học “gia đấu”. Bà Trần trải qua hơn nữa đời người, không muốn con gái sau này cha mẹ không còn, không có chỗ dựa, liền đem toàn bộ bản lĩnh truyền lại, lượng kiến thức cùng kinh nghiệm phong phú, nếu đem viết thành sách có thể gọi là “gia đấu bảo điển”.

Mùa thu năm đó, chiếu xuống đạo thánh chỉ thăng cho cha ta chức Hàn Lâm Viện học sĩ, lệnh mùa xuân năm sau đến kinh đô nhậm chức. Cả nhà ta giăng đèn kết hoa, mở tiệc ăn mừng. Lần này không giống như những lần trước, tờ tiến cử của ông Trần An khiến ta trở thành nhân vật quan trọng làm nên công danh cho quan ông, lòng ta kì thực muốn nói ‘công này không phải do con, là do cái vị hầu gia tuấn tú nào đó”. Ta được thưởng một bộ ngũ thân màu ngọc bích bằng tơ lụa, một bộ tứ thân màu vàng bằng gấm hoa, một vòng cổ thạch anh cùng ngọc thơm. Ta và mẹ được ngồi mâm ăn cỗ, tuy chỉ là ngồi mâm dưới, nhưng cũng đã là một bước tiến lớn.

Dì Hằng đứng bên trái nhà, ngón tay bấu vào lòng bàn tay đến hằn đỏ.

_____________

Đôi lời tác giả:

Các chức quan trên đều được tham khảo từ wikipidia

1. An phủ sứ là chức quan cai quản một trấn/lộ thời Trần, có thể coi là chủ tịch UBND Tỉnh ngày nay.

2. Phát vận sứ là chức quan lo việc giao thông vận tải cả đường thủy lẫn bộ

3. Hàn Lâm Viện học sĩ là chức quan coi sóc việc văn chương, thơ ca

Mình dùng nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu đôi chút lịch sử nước nhà, mong mọi người ủng hộ

Xin đa tạ

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play