Từ khi nghe Hải nói đến cái tên người phụ nữ đó, trong đầu bà Phu giờ đây chỉ còn chỗ trống nhường cho ba chữ: “ Nguyễn Lệ Thanh!”.
Bà Nghiêm từ nãy giờ im lặng cuối cùng cũng cất tiếng nói chuyện với bà Phu:
“ Bà Phu, bà sao đấy? Nhất định là con quỷ cái đó rồi. Đúng là thứ rắn độc, nó muốn hại con Liễu nhà bà rồi đổ tội cho tiệm thuốc đó mà.”
Bà Phu vẫn cứ thế không đáp lại gì mặc cho bà Nghiêm bên cạnh nói gì đi chăng nữa.
Thấy bạn mình cứ im lặng không nói gì, bà Nghiêm bực mình:
“ Này, sao đấy. Lấy lại tinh thần để còn đòi lại công bằng cho cháu của bà chứ.”
Nghe hai chữ công bằng mà tim gan của bà Phu lại càng đau đớn hơn vạn phần.
…………
Ngày bà Phu sinh cô Liễu cũng là ngày mà người chồng của bà Phu ra đi mãi mãi. Người trụ cột biến mất làm cho cuộc sống của hai mẹ con bà phải nói là khó khăn đến cùng cực. Sinh cô Liễu được một tuần thì bà Phu đã phải bắt đầu chạy vạy đi làm thuê làm mướn để có thể chống cự qua ngày, cái đói cái nghèo bủa vây làm cho bà Phu từng nghĩ đến chuyện chết đi…nhưng nghe tiếng con khóc vì khát sữa mà bà cố gắng sống tiếp. Bà chết đi cũng không sao nhưng đứa trẻ này rồi cũng phải chết ư…bà không muốn điều đó …Phải!, bà phải sống tiếp…Con bà, nó phải được sống!
Từ khi có ý thức rõ ràng về cuộc sống, cô Liễu đã phải thấm cảnh mẹ và cô cầu xin chủ nhà trọ cho ở lại vì đóng thiếu tiền thuê. Cô không nhớ rõ mẹ và mình đã phải đổi biết bao căn nhà trọ cho kể, cái khổ cái đói cứ thế đeo bám lấy suốt quãng thời gian ngày thơ ấu của cô gái bé nhỏ. Có những lúc tưởng chừng như cô bị bệnh nặng không thể vượt qua được nhưng rồi ông trời dường như cũng lười lấy mạng của một kẻ nghèo hèn như cô. Bánh xe của cuộc đời cứ thế tiếp nối chuyển động, cô lại may mắn thoát chết trong gang tấc….
Bà Phu từng chút nhớ lại những mảnh ký ức của ngày xưa mà nước mắt cứ thế giàn dụa:
“ Bà còn nhớ ngày xưa mọi người hay gọi mẹ con tôi là gì không?”
Bà Nghiêm nghe vậy thì đáp:
“ Mẹ con nhà cháy.”
Bà Phu nghe vậy thì cười khổ:
“ Đúng vậy, nhà cháy. Ngày đó mẹ con tôi đen nhẻm trong thật thảm hại. Tôi nhớ ngày đó, con bé Liễu nó xém bị đè chết vì củi. Tôi còn nhớ rất rõ khi ấy nó chỉ có bốn mươi mấy kí nhưng nó lén tôi đi vác củi thuê cho người ta để kiếm thêm ít đồng. Sức nó yếu quá nên vác được vài lần thì ngã xuống, củi đè lên thêm thân xác gầy guộc làm cho nó ngã úp xuống. May mắn làm sao khi người ta cấp cứu cho nó thì nó vẫn còn sống được và người cứu nó cũng chính là bà…” – Nói đến đây thì bà Phu liền ngồi sụp xuống mà nước mắt cứ thế đua nhau lã chã rơi trông thật khổ sở.
Nghe tiếng khóc của người đàn bà số khổ trước mặt mà khóe mắt của bà Nghiêm như có gì đó dụi vào khiến nó cay xè:
“ Phải, phải. Tôi còn nhớ chứ. Ngày đó, người ta hô hoán rất to. Cứ tưởng là đống gỗ đó đè lên thì khó mà sống được nhưng khi tôi tiến lại gần nó liền kêu tôi cứu nó với (sụt sịt)…Nó bảo nó muốn sống với mẹ, nó cần mẹ…(từ sụt sịt bà Nghiêm cũng đã cất thành tiếc nấc)…Khi ấy trong đầu tôi chỉ nghĩ bằng mọi cách phải cứu nó….”
Bà Phu nghe đến đó thì nước mắt cứ thế tuôn chảy nhiều hơn:
“ Trách tôi, tôi là mẹ…nhưng không thể lo cho con cái ăn cái mặc đầy đủ như người ta được ….chỉ có thể để nó chịu khổ như vậy thôi.”
“ Khi Liễu được đưa về nhà, tôi vạch áo của nó ra thì toàn chỉ toàn là những vết bầm tím, miệng nó cứ bảo không sao nhưng tôi biết nó…chỉ nói vậy…để tôi không lo lắng thôi…” - bà Phu nói trong nấc nghẹn.
Bà Nghiêm nghe đến đó thì chỉ sụt sùi theo.
Bà Phu khẽ khàng lau nước mắt rồi tiếp tục nói:
“ Nằm nghỉ được vài hôm, nó liền đòi đi làm. Tôi liền ra sức ngăn cản nhưng nó nhất quyết không chịu. Lúc đó, tôi giận quá, tôi có tát nó nhưng lòng tôi đau lắm. Tôi biết nó nhìn tôi chịu khổ nên nó mới vậy, chỉ là mọi đường sống của mẹ con tôi khi đó thực sự rất chật hẹp, chỉ có làm việc quần quật mới mong có thể đổi được bữa cơm rau đạm bạc. Nó bảo với tôi nó sẽ kiếm việc vừa sức không khiêng gỗ nữa nên tôi mới để nó đi.” – Bà Phu vừa nói vừa đập vào ngực trái của mình mà tự trách.
“ Thế rồi nhà máy may gần đó tuyển công nhân, con Liễu may mắn được nhận làm. Đó là tháng mẹ con tôi trả được tiền nhà sớm. Bà không biết con bé nó vui đến cỡ nào đâu, nó nói với tôi…nó sẽ ráng làm thật nhiều…thật nhiều …để mong có ngày tôi và nó có được chốn dung thân yên ổn…” – Bà Phu sụt sùi nói không nên lời.
“ Cứ thế, trời thương cho mẹ con tôi cũng cất được căn nhà như hiện tại…” – Bà Phu lau nước mắt, lời nói vẫn còn nghẹn trong cổ họng.
“ Tôi nhớ đó là lần nó dẫn thằng Phong về gặp tôi, nó nói đây là bạn trai con, nó cười nói vui vẻ khi ở bên thằng Phong. Thật sự thì thằng Phong nhìn cũng thật thà, chất phác nên tôi cũng rất vui khi thấy con gái tìm được người vừa ý. Thế rồi bọn chúng cũng thành vợ chồng, nhìn con gái có gia đình êm ấm nên tôi cứ ngỡ ông trời đã thương xót mà ngó ngàng đến nó nhưng rồi thằng Phong có người phụ nữ ở bên ngoài. Con Liễu nó đã rất sốc khi biết được điều đó, nó điên cuồng gào khóc cấu xé mọi thứ, một lần nữa lại chìm vào tuyệt vọng rồi… chúng nó ly hôn,…Tôi không thể nghĩ được con quỷ cái đó đã có được điều nó muốn rồi…thì tại sao nó lại tiếp tục muốn hại đứa bé trong bụng của con Liễu nhà tôi để làm gì cơ chứ…Đứa bé có tội lỗi gì? ….Nó làm vậy để được gì…Rốt cuộc công bằng ở đâu ….ở đâu chứ? Đứa bé đã mất rồi…thì công bằng còn có nghĩa lý gì nữa…(Bà Phu òa khóc)” – Bà Phu nói với ánh mắt đầy uất hận.
Bà Nghiêm nghe đến đó thì cũng thập phần tức giận trong lòng, nhưng nhìn người bạn ngồi sụp trước mặt, bà cũng không dám nói lời độc địa nên cũng chỉ biết mở lời an ủi:
“ Thôi bà Phu, cứ ngồi dậy đã, nếu đã có manh mối thì cũng còn có cơ hội cho đứa trẻ mất đi còn có lời giải thích. Trước mắt phải về xem con Liễu thế nào. Rồi mình tìm cách khiến con quỷ cái đó phải trả giá.”
[……………….]
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT