Tống Nhĩ Giai đợi một phút, nhưng không nhận được hồi âm của Nguyễn Trinh.

Từ trước đến nay nàng luôn lớn gan, không sợ trời, không sợ đất, nhưng khi đối mặt với Nguyễn Trinh, nàng lại trở nên rất nhát gan.

Dũng khí đã cạn kiệt trong một phút đó, Tống Nhĩ Giai nhai xiên thịt nướng một cách vô vị, nhấc điện thoại lên và thu hồi lại tin nhắn vừa rồi.

Nguyễn Trinh là người lịch sự, cô luôn trả lời ngay khi nhìn thấy tin nhắn. Nếu cô không trả lời kịp thời, có lẽ là do cô không nhìn thấy được, hoặc đang bận việc gì đó nên chưa tiện trả lời.

Tống Nhĩ Giai cầu mong là vế trước.

Ba phút sau, Nguyễn Trinh gửi một tin nhắn khác đến——

【 Vừa tiếp điện thoại xong, em thu hồi gì thế? 】

Ui, quả nhiên không thấy được.

Tống Nhĩ Giai cảm thấy một chút may mắn, nhưng cũng có một chút tiếc nuối, rất nhiều cung bậc cảm xúc đan xen vào nhau. Nàng trả lời:"【 Không có gì đâu, em muốn hỏi chị Chủ nhật này có rảnh không, chúng ta cùng nhau đi biển ngắm hoàng hôn, nhưng em sợ chị từ chối nên đã thu hồi lại. 】

Nguyễn Trinh:【Chủ nhật này chị có ca trực, thực sự không có thời gian. Tuần sau xem có được không em? 】

Tống Nhĩ Giai gần như nhảy cao ba thước khi nhìn thấy tin nhắn này, nàng mỉm cười rồi nhanh chóng đáp lại:【Có thể chứ, không thành vấn đề! Hẹn gặp chị vào tuần sau! 】

Nguyễn Trinh không trả lời, Tống Nhĩ Giai lưu luyến đặt điện thoại xuống.

Nàng nhiệt tình trò chuyện về mối quan hệ nam nữ với những người bạn đang cùng ăn xiên nướng với mình. Khi nói đến việc theo đuổi người nào đó, một người bạn giơ ngón tay ra, so sánh ba với một và nói:" Một trong ba ảo tưởng lớn nhất trong cuộc đời này, đó là cô ấy thích tôi!"

Lời nhận xét vô tình này như dội một gáo nước lạnh lên đầu nàng. Tống Nhĩ Giai sờ sờ mũi, thầm ngẫm lại có phải hai ngày nay nàng đã nghĩ về Nguyễn Trinh quá nhiều hay không, tất cả cảm xúc của nàng đều bị ảnh hưởng bởi cô.

Kiềm chế kiềm chế.

Nhiều năm qua, Tống Nhĩ Giai đã đến rất nhiều "chốn nhục d.ục". Nàng hiểu đối với một số người, nếu tình một đêm xảy ra như cơm bữa thì lại càng không có ý nghĩa gì.

Nàng không chắc Nguyễn Trinh có phải là loại người này hay không.

Nàng đã kiềm chế bản thân và không liên lạc với Nguyễn Trinh trong nhiều ngày.

Nguyễn Trinh cũng không chủ động liên lạc với Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai có chút mất mát.

Tối thứ bảy, Chu Chu - bạn cùng phòng đang thực tập bên ngoài trở về trường. Hiện tại, bốn người trong ký túc xá hiếm khi tụ tập đông đủ, họ mua một ít nguyên liệu và rau để ăn lẩu, lén lút nấu lẩu trong ký túc xá.

Chu Chu là giáo viên thực tập môn Ngữ văn cho một trường học. Cô ấy có mái tóc ngắn, cao ráo, hiền lành, rất được lòng các bạn nữ sinh cấp ba, còn có vài cô gái đỏ mặt gửi thư tình cho cô ấy.

Trông vẻ bề ngoài rất dễ bị hiểu lầm nhưng cô ấy chỉ nghĩ để tóc ngắn cho dễ chăm sóc, mặc quần áo nam tương đối đẹp trai. Nhưng cô ấy là gái thẳng, cực thẳng cực thẳng, cô ấy đã có bạn trai được 4 năm rồi.

Bốn người họ ở trong ký túc xá, ăn lẩu và trò chuyện về những tin tức mới nhất.

Chu Chu đột nhiên nói:" Ở trường mà tôi đang thực tập có một bạn nữ trong lớp dạo này tâm trạng không được tốt cho lắm. Ngày mai tôi muốn đưa em ấy đến phòng khám tâm thần ngoại trú. Nhĩ Giai, cậu quen với phân hiệu Phân Hải của Tam viện, ngày mai cậu có thời gian đi cùng tôi không?"

Lúc còn sống, mẹ của Tống Nhĩ Giai là phó viện trưởng của cơ sở Phân Hải và là phó chủ nhiệm khoa tâm thần số hai. Sau khi Tống Nhĩ Giai vào đại học, nàng tham gia vào hiệp hội thanh niên tình nguyện. Vào năm thứ ba, nàng trở thành chủ tịch của hiệp hội và thiết lập mối quan hệ hợp tác với Bệnh viện Phân Hải, bố trí các tình nguyện viên, sinh viên đại học hàng tháng, quyên góp vật phẩm và sách cho bệnh viện, sắp xếp các tình nguyện viên đến thăm và đồng hành với bệnh nhân tâm thần, cùng với các hoạt động hướng dẫn tình nguyện.

Tống Nhĩ Giai hỏi: "Chu Chu, tại sao em ấy lại nhờ cậu đưa đi? Người giám hộ của em ấy đâu?"

Chu Chu nói:" Đứa trẻ kia là đại biểu môn Ngữ văn trong lớp bọn tôi, trước đây em ấy là một đứa trẻ lanh lợi và vui vẻ, nhưng gần đây bỗng trở nên ngại nói, cứ ngơ ngác ngồi một góc. Một số giáo viên trong trường cũng nhận thấy điều này, chúng tôi vốn muốn tìm thời gian để trò chuyện với em ấy xem có phải em ấy đang cảm thấy áp lực học tập khi kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến gần hay không? Em ấy có một người bạn rất thân, cũng là học sinh trong lớp của tôi. Cô bé cũng nhận thấy rằng dạo gần đây cảm xúc của em ấy không được tốt nên nói vài chuyện với tôi. Giáo viên của lớp chúng tôi đến trò chuyện với em ấy. Trong khi trò chuyện, chúng tôi phát hiện ra rằng em ấy có vết thương tự gây ra trên cổ tay của mình."

Những người bạn cùng phòng ngạc nhiên "ôi" lên một tiếng và hỏi: "Tại sao em ấy lại tự làm hại bản thân thế?"

Chu Chu:" Em ấy không chịu nói với bọn tôi. Gia đình em ấy rất giàu có, nhưng bố mẹ em ấy đã ly hôn từ khi em ấy còn nhỏ và họ đều ở nước ngoài, bọn họ chỉ chu cấp tiền cho em ấy, còn những chuyện khác thì mặc kệ. Hiện tại em ấy đang sống trong ký túc xá của trường. Hôm qua chủ nhiệm lớp đã gọi điện cho phụ huynh của em ấy, bọn họ chỉ nói nhờ giáo viên đưa em ấy đến bệnh viện để kiểm tra là được rồi."

Bạn cùng phòng phàn nàn: "Loại bố mẹ gì thế này? Chỉ lo sinh, không biết dưỡng."

Chu Chu nói:" Tôi và đứa trẻ đó rất ăn ý, mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt. Em ấy không gọi tôi là cô giáo mà thường gọi tôi là chị gái, vì vậy tôi nghĩ ngày mai tôi sẽ đưa em ấy đến khoa ngoại tâm thần của bệnh viện Phân Hải, nhưng bản thân tôi cũng không quá hiểu biết về quy trình của bệnh viện tâm thần."

Những người không quen đến bệnh viện ít nhiều cũng có những e ngại chưa biết về bệnh tật và bệnh viện. Cho nên tìm người quen để cùng nhau đi khám bệnh sẽ an tâm hơn nhiều.

Tống Nhĩ Giai hiểu tâm tư của người bạn cùng phòng và sẵn sàng cùng họ đi khám bệnh:" Thật ra cũng giống như khám nội khoa vậy. Ngày mai tôi sẽ đưa cậu đi, tôi quen biết nhiều bác sĩ ở đó lắm."

*

Sáng Chủ nhật ngày hôm sau, Tống Nhĩ Giai và Chu Chu đến cổng trường đón hai cô bé.

"Hai bé rất xinh. Đứa cao tên là Đồng Đồng, trước đây là một cô gái vui vẻ hoạt bát, cũng 18 tuổi rồi, hiện tại không thích nói chuyện cho lắm; Đứa bé thấp hơn tên là An An, rất ít nói và nhút nhát, mới 16 tuổi, học giỏi, thường xuyên đứng đầu khối, cũng là học sinh nhỏ tuổi nhất lớp tôi." Chu Chu giới thiệu sơ lược hoàn cảnh của hai cô bé cho Tống Nhĩ Giai.

Cô ấy tiếp tục giới thiệu Tống Nhĩ Giai cho hai đứa bé:" Đồng Đồng, An An, đây là bạn thân của chị, chị ấy có quen biết với các bác sĩ trong bệnh viện. Hôm nay, chị ấy sẽ đi cùng chúng ta, các em có thể gọi chị ấy là chị Giai Giai."

Tống Nhĩ Giai cầm túi đồ ăn nhẹ trên tay. Ngay khi gặp nhau, nàng đã đưa nó cho hai cô gái như một món quà nhỏ: " Chào các em."

Đồng Đồng không trả lời, mím môi, vô cảm nhìn về Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai nhìn em ấy.

Đôi mắt của em ấy rất đẹp, là mắt đào hoa chuẩn mực, nhưng ánh mắt lại ảm đạm tối tăm, hệt như một vũng nước đọng, vô hồn.

An An cầm lấy túi đồ ăn vặt, thủ thỉ điều gì đó với Tống Nhĩ Giai.

Giọng nói cực kỳ trầm, Tống Nhĩ Giai phải nghiêng tai sang một chút mới có thể nghe thấy tiếng cảm ơn nhỏ như muỗi kêu của em ấy.

Tống Nhĩ Giai cười ha hả: "Đừng khách sáo, đi thôi, đến bệnh viện trước. Sau khi kiểm tra xong, chị sẽ mời các em bữa cơm trưa thật thịnh soạn."

Từ trường đến tam viện Phân Hải có tàu điện ngầm chạy thẳng đến, vì vậy bốn người đi tàu điện ngầm để đến đó.

Đồng Đồng im lặng cả một đoạn đường, An An lo lắng nhìn em ấy, sau đó nói với Chu Chu rằng em có quen một bác sĩ ở bệnh viện, bác sĩ đã hẹn số giúp em và nói sẽ tìm bác sĩ tâm lý cho em.

Bởi vì mẹ nàng từng là phó viện trưởng của tam viện nên kể từ khi còn nhỏ, Tống Nhĩ Giai rất thường xuyên đến đây. Nàng không dám nói rằng mình biết hết nhân viên ở đây, nhưng có đến 60 - 70% nhân viên cũ nàng đều nghe đến quen tai.

Nàng hỏi An An:" Là bác sĩ nào vậy?"

Có thể là bọn đầu cơ giả danh bác sĩ để lừa gạt trẻ em.

An An đưa điện thoại di động cho Tống Nhĩ Giai xem tên và thông tin liên lạc của bác sĩ.

Tống Nhĩ Giai cùi đầu, nhìn thấy cái tên và dãy số quen thuộc—

Nguyễn Trinh, 180XXXXXXXX.

À, thì ra là bác sĩ này.

*

Sau khi mẹ qua đời, Tống Nhĩ Giai hiếm khi bước vào khoa tâm thần thứ hai của bệnh viện Phân Hải.

Từ năm lớp một đến lớp sáu của trường tiểu học, Tống Nhĩ Giai đều đến đây để làm trước bài tập sau giờ học. Sau đó, nàng chờ mẹ tan tầm rồi về nhà cùng bà.

Khi còn học cấp hai, nàng đến thời kỳ nổi loạn nên không đến đây làm bài tập nữa mà chỉ lêu lổng bên ngoài cùng nhóm bạn bè xấu của mình. Trong những dịp lễ, Tết, nàng thường đến lấy sủi cảo hầm canh gà, vịt, cá, thịt do bà ngoại làm để an ủi mẹ và các đồng nghiệp trực ban trong bệnh viện.

Khi bước chân vào nơi này lần nữa kể từ khi mẹ qua đời. Y tá trưởng và một vài vị chủ nhiệm già từng nhìn nàng lớn lên đều nhìn nàng bằng ánh mắt thương hại, thậm chí còn kéo nàng đến, ân cần hỏi han, họ sợ nàng vẫn chưa vượt qua được bóng ma tâm lý của việc mất mẹ.

Tống Nhĩ Giai quen cửa quen nẻo, nàng đưa họ đến khu điều trị nội trú của khoa tâm thần số hai.

Khoa tâm thần thứ hai là một khoa mở, ngoại trừ ánh mắt đờ đẫn của những bệnh nhân ra vào thì không khác gì một khoa nội bình thường.

Vừa vào khoa đã nhìn thấy Nguyễn Trinh đang dựa vào trạm y tá.

Cô có dáng người cao gầy, mặc một chiếc áo blouse trắng, mái tóc dài được buộc thành kiểu đuôi ngựa đơn giản, đang cúi đầu ký vào bệnh án. Một lọn tóc mai rơi xuống thái dương, cô tùy ý vén nó ra sau tai.

Tống Nhĩ Giai nhìn sườn mặt trắng nõn của cô, nhẹ nhàng gọi một tiếng:" Nguyễn Trinh."

Nguyễn Trinh nhìn theo tiếng gọi, ánh mắt dừng trên người Tống Nhĩ Giai ba giây, sau đó nhìn về hai cô bé phía sau nàng.

"Nói cho chị nghe xem tại sao bọn em lại đến cùng nhau." Sau khi chào hỏi đồng nghiệp, Nguyễn Trinh đưa bọn họ đến thang máy dành cho nhân viên và đến phòng khám sức khỏe tâm thần vị thành niên.

Tống Nhĩ Giai tóm tắt những gì đã xảy ra qua dăm ba câu. Nguyễn Trinh gật đầu, nhìn về phía Đồng Đồng, âm thầm quan sát nét mặt và hành vi của cô bé.

Đồng Đồng cúi đầu, ủ rũ, không nói lời nào.

Hôm nay trong bệnh viện có phòng khám miễn phí. Tuy đã gần giờ tan tầm nhưng vẫn có rất nhiều người ngồi ở khu chờ của phòng khám thanh thiếu niên trên lầu 5. Ngoài ra còn có các tình nguyện viên phát tờ rơi tuyên truyền ý thức chung về sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Sau khi Nguyễn Trinh gọi điện thoại, cô trực tiếp đưa Đồng Đồng và Chu Chu vào phòng tư vấn.

Tống Nhĩ Giai đưa An An đứng bên cửa sổ cạnh hành lang, nhìn ra khung cảnh của bệnh viện rồi kể về một số bệnh nhân mà nàng từng gặp trong bệnh viện khi còn nhỏ.

Một phút sau, Nguyễn Trinh bước ra, đứng bên cạnh họ, nhìn về phía đài phun nước bên dưới bệnh viện.

Tống Nhĩ Giai khẽ quay sang, lén nhìn sườn mặt xinh đẹp của Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh dùng đầu ngón tay gõ gõ hai lần vào lan can, trầm ngâm một lúc rồi bình tĩnh nói:" Tống Nhĩ Giai, tuần này em nhớ phải tự làm bài tập sinh hoạt công dân đấy. Tuần trước em vừa xem xong liền ngủ quên, chị vẫn phải làm bài tập về nhà giúp em."

- -

Tác giả có lời muốn nói:

Nguyễn Trinh (nói một cách dễ hiểu): Chị không làm gì em cả!

- -------

Lời editor: Các bạn đọc xong vui lòng ủng hộ mình bằng nút VOTE, xin chân thành cảm ơn các bạn rất nhiều

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play