Tôi biết người đàn ông đi đầu, ông ta tên Thèn A Tu cũng chính là trưởng bản trong lời mọi người. Để mà nói ở nơi này ông Tu là người tôi có thiện cảm nhất. Không giống những người dân bảo thủ lạc hậu kia, ông ấy có một tư tưởng tiến bộ, cũng chính ông là người chủ trương tiếp nhận chính sách cải tổ, đón chúng tôi lên xây dựng vùng kinh tế mới.
Nói qua về ngoại hình, ông Tu là một người đàn ông trung niên, so với những người lớn tuổi khác trong bản thì có phần nổi trội hơn hẳn. Mỗi một cử chỉ, nét mặt đều toát lên vẻ nghiêm nghị, đúng với cốt cách một nhà lãnh đạo. Hiển nhiên ông cũng rất được người dân trong bản kính trọng, thấy ông tới ai nấy đều thức thời lùi lại nhường đường.
Ông Tu không vội hỏi chuyện mà đi một vòng xem xét hai cái xác kia.
"Chết từ bao giờ?"
"Dạ có lẽ khoảng chập tối nay ạ."
Nghe ông hỏi có người nhanh nhẹn đáp lại. Ông Tu khẽ gật đầu, đoạn chỉ vào cái xác nữ nói:
"Đứa con gái kia thân thể không sạch sẽ, âm khí tích tụ quá nhiều."
Trong phút chốc tất đều thất kinh, nét hoảng loạn hiện rõ trên gương mặt họ. Tức thì mọi người đều đồng loạt lùi bước chỉ sợ mình tránh chưa đủ xa sẽ rước họa vào thân.
Tôi không hoàn toàn chắc chắn mình có thể nhìn thấu âm dương, xong từ khi bước chân lên con đường đạo pháp ít nhiều cũng có được chút căn cơ, thế nhưng lúc này nhìn kỹ lại một lượt tôi vẫn không phát hiện gì bất thường.
Vẫn là gương mặt trắng bệch cùng cặp mắt trợn trừng lên ấy, chẳng khác gì với những xác chết thông thường cả. Trong lòng tôi không khỏi dấy lên nghi ngờ về lời ông Tu nói.
"Đưa hai đứa nó đi."
Sau một lúc im lặng ông Tu đột nhiên lên tiếng, theo lệnh ông có mấy người thanh niên khỏe mạnh chạy lại chuẩn bị nâng cái cáng mang đi. Bất ngờ người phụ nữ là mẹ của thằng A Páo lao ra, ngăn hành động của đám người lại.
"Không được! Không được mang nó đi phải để cho cụ Giàng xem đã!"
Khi cái tên đó vừa được thốt ra, tôi cảm nhận được vô số ánh nhìn sắc lẹm hướng về phía người phụ nữ. Có thể thấy cụ Giàng trong câu nói kia là một người không hề tầm thường. Trong đám đông cũng dần vang lên vài tiếng thầm thì.
"Bà ta điên rồi à? Sao lại nhắc đến người đó?"
"Tôi thấy là do đau lòng quá nên mới làm liều. Ai chả biết mang đi theo lời trưởng bản nói là đưa đi an táng ở ngọn núi sau làng. Từ đời tổ tiên nơi đó đã là cấm địa rồi, sau này dù người thân muốn đến viếng thăm cũng khó lòng mà tới được."
Thời gian tôi ở nơi này không phải là ngắn nhưng lại chưa bao giờ nghe nhắc tới nhân vật tên Giàng cùng vùng đất cấm kia. Tôi khó hiểu đưa mắt nhìn hai người bạn của mình nhưng kết quả cũng chỉ nhận được cái lắc đầu không rõ.
Trái với phản ứng của mọi người, ông Tu có phần bình tĩnh hơn hẳn. Ông từ tốn nói với người phụ nữ:
"Tôi hiểu nỗi lòng của chị, cũng rất thương tiếc cho A Páo. Thế nhưng làng này có luật lệ của làng này không thể làm trái. Chị nói có phải không?"
Đoạn, ông vỗ vai người phụ nữ ba cái. Bà ta bấy giờ hệt như người mất hồn, lảo đảo ngã bệt xuống nền đất, đôi mắt vô hồn nhìn chăm chăm về phía thi thể con trai xong cũng không hề ngăn cản nữa.
"Hai người trẻ tuổi này chẳng may qua đời vào giờ đại hung, khi còn sống có quá nhiều nuối tiếc, chết đi không được nhắm mắt. Nếu chôn cất bình thường ắt sẽ hóa lệ quỷ gây hại cho mọi người. Nay tôi đề nghị đưa hai đứa nó đi chôn sau núi, nơi đó có thần rừng bảo hộ ma quỷ không thể cản quấy. Có ai không đồng ý không?"
An ủi xong người mẹ xấu số, ông Tu mới quay sang thông báo cho dân làng. Từ thời xa xưa người dân vùng này đã tin vào sự hiện diện của quỷ thần, nỗi sợ đó di truyền qua nhiều thế hệ, ăn sâu vào tiềm thức. Cứ hễ nhắc đến điều kiêng kỵ này thì tuyệt nhiên không có ai dám đứng lên phản đối.
"Ông Tu nói đúng phải mau chóng đưa đi không nên chậm trễ."
Nhận được sự đồng tình của đám người phía ông Tu liền bắt đầu hành động, mấy gã trai tráng tiến lại gần. Lúc sắp nâng cáng lên chẳng biết từ đâu một con gà mái mơ nhảy bổ vào, dùng móng cào lên mặt mỗi tên một nhát khiến chúng đau đớn vội rút về sau lấy tay che chắn.
Con gà thắng thế không những không dừng lại mà còn trở lên hung tợn hơn. Nó đập cánh vài cái rồi chạy quanh xác Mẩy ba vòng, đoạn đậu lên đầu cô cất giọng gáy đúng ba tiếng.
Gà mái gáy báo hiệu điềm chẳng lành.
Sắc mặt ông Tu theo đó cũng tái nhợt, ông gào lên với mấy thằng thanh niên.
"Nhanh lên bắt nó lại!"
Bấy giờ đám người kia mới hoàn hồn, vội vã làm theo. Sau một lúc hỗn loạn cuối cùng con gà kia cũng bị bắt đem đến trước mặt ông.
Ông Tu một tay túm lấy cổ con gà, tay khác với lấy con dao đi rừng vẫn đeo bên thắt lưng chém mạnh xuống. Chỉ một cái chớp mắt đã cắt phăng đầu con vật. Máu tươi mang theo mùi tanh nồng lan tỏa trong không khí.
Sau hành động ấy, ông ném phần thân gà sang một bên, chỉ nắm lấy cần cổ dài ngoằng của nó vẩy máu lên hai thi thể kia. Ông vừa vẩy vừa lẩm bẩm đọc gì đó bằng tiếng dân tộc. Xong xuôi, ông đưa đầu gà cho một thanh niên gần đó, gã ta hiểu ý nhanh chóng vót một thanh tre, xuyên cái đầu ấy qua rồi chạy đến chỗ ngã ba, cắm nó ở chính giữa đường.
Khi ấy tôi không hiểu vì sao họ lại làm như vậy, mãi đến sau này mới biết. Khi nghe tiếng gà mái gáy tức là tai họa sắp ập đến, để giải trừ điềm rủi ấy phải chặt đầu nó, đem treo ở ngã ba đường đánh lừa ma quỷ, cho chúng không tìm thấy lối tới nhà mình.
Ông Tu yên lặng quan sát mọi thứ, sau khi thấy đã ổn thỏa mới cất tiếng thay đổi quyết định của mình:
"Đưa lên nỉnh đăng."
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT