Đại Kiều làm việc ở Trấn Giang còn Tử Thạch ở Ninh Ba. Có một lần hai người họ đến Nam Kinh chơi, bốn người chúng tôi cùng nhau đi ăn lẩu. Trong lúc nói chuyện, Đại Kiều lỡ miệng nhắc đến việc chúng tôi cá cược khi xưa, Lăng Nhất Nghiêu lập tức biến sắc hỏi tôi: “Anh theo đuổi em chỉ vì cá cược?”. Tôi nhớ từng xem một bộ phim, nhân vật chính trong đó cũng vì nguyên nhân này mà chia tay, liền dọa trắng bệch, Đại Kiều và Tử Thạch cũng sững người. Nhưng Lăng Nhất Nghiêu ngay lập tức cười ồ lên, nói với Đại Kiều và Tử Thạch: “Vậy hai người nói lời phải giữ lời, bao giờ thì chạy đây?”Tử Thạch giảo biện nói: “Đợi hai người kết hôn đi, tụi này trong hôn lễ sẽ chạy cho hai người xem, được không?” “Được”, Lăng Nhất Nghiêu vui vẻ đáp. Tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện, Nghiêu Nghiêu nhà tôi là người con gái vui tính biết bao. Buổi tối về đến nhà, cô ấy cuối cũng cũng thu lại nụ cười tối giờ, bắt tôi giải thích đàng hoàng ý nghĩa vụ cá cược ấy. Hóa ra cô ấy chỉ không muốn làm mất mặt tôi trước mặt người khác, nhưng tội lỗi cần tính thì muốn chạy cũng không được.
Tôi thật tiếc rằng lúc đó không bắt Đại Kiều và Tử Thạch nói lời giữ lời ngay đi, bây giờ bọn họ chạy cũng không được nữa.
-----
Có lúc tôi thấy Lăng Nhất Nghiêu rất khó hiểu. Vào buổi sáng ngày lễ Tình nhân khác, chúng tôi ở bên ngoài trạm tàu điện Nam Kinh nhìn thấy một người đàn ông ôm một bó hoa tươi quỳ xuống trước mặt người con gái, tỏ tình trước đông đảo mọi người. Lăng Nhất Nghiêu ngưỡng mộ đứng một bên nín thở xem, đến khi mọi người giải tán rồi mới dám thở mạnh, còn nhìn theo đầy nuối tiếc. Cô ấy nhìn chăm chú quá, đến mức không biết đã cắn nát cái ống hút sữa đậu nành, tôi đành đi cửa hàng tiện lợi mua cho cô ấy một hộp sữa tươi để lấy ống hút. Tôi cứ nghĩ cô ấy thích lãng mạn như vậy nên sau khi tan ca mua một bó hoa, tính tìm nơi nào đó thích hợp tặng cho cô ấy, để cô ấy vui một chút, ai ngờ khi gặp nhau vừa thấy bó hoa trên tay tôi, cô ấy đã vội vàng kéo tôi sang một bên, nhỏ giọng nói: “Anh mau cất đi, ngại chết đi được.”
Tôi mặt mày u ám về nhà với cô ấy, không ngờ vào nhà, cô ấy vừa trách móc tôi tiêu tiền lung tung, vừa ôm hoa lên hít ngửi ngắm nghía, hạnh phúc ra mặt. Tôi hỏi cô ấy sao thấy người khác tỏ tình tặng hoa thì vui như thế, cô ấy nói: “Thích xem phim đâu có nghĩa là thích đóng phim, bị người ta bu quanh khó xử lắm, giống như hai đứa ngốc.”. “Vậy lúc mình kết hôn thì làm thế nào? Bao nhiêu người xung quanh...” Lăng Nhất Nghiêu nghĩ ngợi một chút rồi tỏ vẻ căng thẳng nói: “Đúng thật, cũng có lý. Vậy em phải chuẩn bị tâm lý từ bây giờ mới được.” -----
Khi Lăng Nhất Nghiêu học thạc sĩ năm 3, gia đình cô ấy bắt đầu giới thiệu đối tượng cho cô ấy gặp mặt, sau vài lần từ chối cô ấy cuối cùng thừa nhận mình có bạn trai rồi, hơn nữa đã bên nhau rất lâu. Gia đình cô ấy hỏi thăm tình hình cụ thể của tôi, Lăng Nhất Nghiêu sợ bị phản đối nên đành phải khai gian một số chuyện về tình hình của tôi, đặc biệt là về tình hình tài chính. Cô ấy nói tôi là giám đốc bộ phận, lương tháng 8000 tệ, nhưng sự thực lúc đó lương tôi chỉ có 3500 tệ.
“Nhà em rất để ý điều này sao?” Tôi vô cùng cay đắng hỏi. Lăng Nhất Nghiêu lườm tôi một cái nói: “Để ý thì có sao? Lẽ nào bây giờ còn chưa phải lúc?”
Tôi cảm thấy không được tôn trọng, đặc biệt là do Lăng Nhất Nghiên khai gian tình trạng thu nhập của tôi, cho rằng cô ấy khinh thường kinh tế của tôi lúc bấy giờ nên nổi giận với cô ấy. Nhưng Lăng Nhất Nghiên cũng bị nhà cô ấy hối dữ quá, lại thêm áp lực làm luận án và tìm việc nên tâm trạng của cô ấy vô cùng tệ. Thế là chúng tôi lần đầu tiên đòi chia tay.
Chúng tôi nói những lời tổn thương lẫn nhau. Cô ấy nói tôi không nỗ lực cầu tiến, tôi kêu cô ấy đi mà tìm ông chủ nào đó đi, không cần chịu nghèo khổ cùng tôi. Sau cùng, cô ấy tức đến nỗi trốn ra ngoài ban công khóc. Tôi ngồi trong phòng, nhìn cái túi xách cũ cô ấy đã dùng hơn một năm, nhìn tủ quần áo lèo tèo vài cái, còn có những thứ rẻ tiền tôi tặng, cả cái điện thoại đã dùng hai năm mà vẫn được cô giữ gìn như mới, đột nhiên cảm thấy đau lòng.
Tôi đi ra ban công, ôm cô ấy vào lòng nói xin lỗi. Cô ấy không ôm tôi, cũng không đẩy tôi ra, chỉ nhìn chỉ nhìn một góc thành phố trải dài trước mặt, trong mắt ngập tràn nỗi hoang mang. Tôi dần dần hiểu ra được, chúng tôi đã không còn là những học sinh cấp ba vô lo vô nghĩ, cũng không phải những sinh viên chỉ biết vui vẻ và hạnh phúc nữa. Nếu tôi không làm nguôi được những lo lắng bất an của cô ấy, tôi có thể sẽ mất cô ấy mãi mãi. -----
Khi Lăng Nhất Nghiêu chuẩn bị tốt nghiệp, vì có một người bạn rủ tôi cùng đi kiếm tiền, tôi rời Nam Kinh đi theo một công trình rất lớn bên bờ biển Hoàng Hải. Bạn tôi vẽ ra một bức tranh đẹp đẽ, nói cùng nhau làm ăn này nọ. Tôi ngẫm nghĩ mình cũng có một số hiểu biết về mặt này thế là đồng ý. Tôi lúc đó cảm thấy đây là cơ hội ngàn năm có một nên chưa bàn bạc với Lăng Nhất Nghiêu đã đồng ý, tôi muốn chứng minh với cô ấy tôi không phải là một kẻ bỏ đi, tôi sớm muộn gì cũng sẽ thoát khỏi mảnh trời nhỏ hẹp này.
Lăng Nhất Nghiên sau khi biết quyết định này của tôi thì vô cùng tức giận. Nhưng ý tôi đã quyết cô ấy cũng không tiện ngăn cản gì. Cô ấy thu dọn hành lý cho tôi, sau đó tiễn tôi lên xe. Cô ấy không khóc nhưng xe chạy rồi cô ấy vẫn đứng ở đó nhìn theo mãi, nhìn cô ấy đứng trong gió, tóc bay phất phơ, tay đưa lên vẫy chào tôi, cả trái tim tôi chùng xuống. Lúc đó tôi không biết lòng dạ sắt đá thế nào mới có thể đặt chân lên con đường cách cô ấy càng ngày càng xa như thế. Mỗi lần uống say quên trời quên đất, tôi đều nhớ đến vô số Lăng Nhất Nghiêu của tôi: Một Lăng Nhất Nghiêu cột tóc đuôi gà mặc đồng phục học sinh, xinh đẹp và non trẻ; một Lăng Nhất Nghiêu dưới ánh đèn hoàng hôn lén lút nhét thư vào tay tôi; một Lăng Nhất Nghiêu mỗi lần hôn đều không nhịn được mà nhắm chặt mắt; một Lăng Nhất Nghiêu nửa đêm tỉnh giấc ôm lấy tôi mà thì thầm “em yêu anh”... Nhưng khiến tôi mất ăn mất ngủ nhất, thậm chí đến ngày tôi chết đi vẫn không thể nào quên là Lăng Nhất Nghiêu đứng dưới hoàng hôn buồn rầu bất lực tiễn tôi đi xa ngày hôm đó.
-----
Thời tiết ven biển vô cùng khó chịu, ánh mặt trời cũng vô cùng gay gắt còn gió biển như những lưỡi dao sắc nhọn, cát ở đó chỉ cần 10 giây thôi cũng có thể thành một cái bẫy lún ăn thịt người. Không chỉ có thế, chúng tôi ăn uống ngủ nghỉ trong những chiếc lán di động, dù trước mặt là biển cả mênh mông nhưng mỗi giọt nước đều quý như kho báu. Chúng tôi mời nhà thầu ăn cơm, cứ ai ăn mặc lịch sự đều phải gọi là tổng giám đốc X, vị nào miệng cười giả lả là kỹ sư Y. Những người này không đơn giản, mục đích trên bàn tiệc của họ không phải là ăn cơm, cũng không phải là công việc mà là chuốc rượu cho đối phương đến chết. Đây cũng chính là lý do bạn tôi rủ tôi đến – uống rượu cũng là một loại kỹ năng. Cứ uống, hết bữa này đến bữa khác, có lúc hơi rượu bữa trước còn chưa tan hết thì rượu bữa sau đã lại bày ra.
Hôm đó vì một cái báo giá, chúng tôi lại mời khách ăn cơm. Khi tôi đã ngà ngà say, Lăng Nhất Nghiêu đột nhiên gọi điện tới nói: “Bụng em đau khủng khϊếp!”
“Sao vậy, em đến ngày hả?” Tôi hỏi.
“Không phải, tự nhiên đau.”
“Hay là em nhiễm lạnh rồi? Có cần đi bệnh viện kiểm tra không?” Ngoài những lời nói suông này ra, tôi còn có thể nói gì nữa? “Anh đang làm gì?”
“Anh đang uống rượu.”
Lăng Nhất Nghiêu buồn rầu cười bảo: “Uống rượu? Vậy anh uống tiếp đi.” Sau đó cúp máy, tôi gọi lại nhưng không có người nghe. Lúc đó, người bên trong đang gọi ầm ỹ kêu chủ xị tôi đây vào uống tiếp, tôi chỉ đành quay lại bàn tiệc, sau đó lại uống say. Khi ngồi xe về lại, tôi phải dừng lại ói bốn lần, ói ra cả mật xanh mật vàng nhưng vẫn nhớ chửi cái kiểu uống rượu xoay vòng này không ổn.
Ngày thứ hai tỉnh rượu rồi tôi mới lờ mờ nhớ lại chuyện Lăng Nhất Nghiêu bị đau bụng, vội vàng gọi điện thoại hỏi thăm cô ấy. Cô ấy nói đêm qua uống một viên thuốc đau bụng, mơ màng đến sáng mới ngủ được một lúc.
Đây chính là nỗi khổ của người yêu xa, bạn không biết cô ấy cần bạn đến thế nào, còn cô ấy không biết bạn thương cô ấy đến thế nào, hai người đều khổ sở ôm nỗi buồn bị lãng quên trong thế giới của riêng mình. Đa số mâu thuẫn đều sinh ra trong thời gian xa cách. Nếu gần nhau, cho dù mâu thuẫn trời biển thế nào thì chỉ cần một cái ôm cũng hóa giải được tất cả. “Thời gian này anh không có bên cạnh, em có quen không?” Tôi hỏi.
Lăng Nhất Nghiêu trầm mặc hồi lâu nói: “Cũng được, em sắp quen rồi. Chỉ là cứ nhìn thấy dép lê của anh, thấy gối, thấy bàn chải đánh răng, thấy chăn của anh là em lại cảm thấy mất mát. Hồi trước lúc dọn nhà thấy vớ bẩn của anh dưới gầm giường là mắng anh. Bây giờ tìm không thấy nữa, em còn buồn hơn.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT