Lần tiếp theo gặp lại Trình Nhất Thủy là ở Nam Kinh.
Thực tập kết thúc, tôi cho phép mình tận hưởng kì nghỉ lễ kéo dài một tuần.
Thanh Gia cũng trở lại Tô Châu từ Bắc Kinh.
Cách gần như vậy, Thanh Gia đã nói muốn đến Nam Kinh chơi vài ngày. Sau đó rôi mới biết được Thanh Gia đã gặp được “crush” của mình ở Bắc Kinh. Cô ấy và người ấy, sau khi đã nói không làm phiền nhau nữa, nhưng cô ấy không buông bỏ được, nhiều lần gửi vài ba tin nhắn mập mờ cho người đàn ông đó vào lúc đêm khuya, đối phương luôn đáp lại một cách thờ ơ.
Mấy ngày này, người đàn ông đó sẽ đi đến Nam Kinh để công tác, Thanh Gia là vì muốn gặp anh ta.
Cho đến nay, tôi vẫn cảm thấy chuyện này khó mà tin được. Thanh Gia là kiểu người thanh cao và kiêu ngạo, vậy mà có thể rơi vào mối tình một đêm rẻ tiền và nhanh chóng như vậy. Nó rất giống như một câu chuyện tức nước vỡ bờ.
Tôi không ngờ rằng Trình Nhất Thủy cũng đi cùng.
Đúng lúc Trình Nhất Thủy có kế hoạch điều tra chuyên sâu hiệu sách Tiên Phong, nghe nói Thanh Gia muốn đi tới Nam Kinh, chú ấy liền đề nghị để mình lái xe.
Thanh Gia có chuẩn bị mà đến, đương nhiên không hi vọng có người khác đi cùng, hơn nữa người này còn là bố của cô ấy. Nhưng cô ấy lại không nghĩ ra lý do nào hợp lý để từ chối lời đề nghị này, toàn bộ chuyến đi trông có vẻ không vui.
Bởi vì ra quyết định ngẫu hứng vào sáng sớm, Trình Nhất Thủy xin lỗi vì đã vội vàng làm phiền, cũng giải thích trước rằng chú đã sắp xếp lịch trình riêng của mình, sẽ không làm phiền đến những người trẻ tuổi chúng tôi.
Nhưng tôi nhất quyết mời họ đi ăn tối.
Biệt thự Dân Quốc Hồng trên đường Giang Tô, tôi không giành được cơ hội tính tiền. Trình Nhất Thủy nói tôi là con nít, ở đâu lại có đạo lý để con nít trả tiền chứ.
Sau khi ăn xong, Trình Nhất Thủy nhân tiện đi dạo một chút ở đường Di Hòa gần đấy, cầm một chiếc máy ảnh Sony nhỏ bé chụp các tòa nhà kiến trúc cũ.
Thanh Gia kéo tôi sang một bên buôn chuyện, nhưng tôi luôn dõi mắt về phía Trình Nhất Thủy.
Chú ấy quan sát những tòa nhà kia giống như đang quan sát tình nhân của chú ấy, vừa chăm chú vừa dịu dàng.
Ngày tiếp theo, Thanh Gia nhờ tôi giúp đỡ. Nói dối là đi đến chùa Kê Minh với tôi, thực ra là muốn đi hẹn hò với người đàn ông đó.
Đến tận khi trời tối, Thanh Gia vẫn chưa trở lại khách sạn mà cô ấy ở cùng với Trình Nhất Thủy.
Cô ấy nói Trình Nhất Thủy, cô ấy và tôi cùng nhau uống rượu ở 1912, sau đó sẽ ngủ lại ở nhà tôi.
Cô ấy gửi tin nhắn mong tôi đừng vạch trần cô ấy.
Tôi không ngờ rằng Trình Nhất Thủy sẽ trực tiếp gọi điện thoại cho tôi.
Tôi đang ở nhà chơi game, ngôi nhà yên tĩnh đến nỗi nhìn thế nào cũng không giống một quán ăn đêm.
Chuẩn bị một chút để nói dối rằng mình đang ở trong phòng tắm, Trình Nhất Thủy đã nói thẳng: “Thanh Gia không ở cùng với cháu đúng không?”
Tôi không biết phải trả lời như thế nào.
Giọng điệu của Trần Nhất Thủy không giống một câu hỏi, mà giống một câu trần thuật hơn.
Nói dối chú ấy sẽ khiến tôi cảm thấy xấu hổ.
Giọng nói của Trình Nhất Thủy mang theo sự xấu hổ và nụ cười dịu dàng: “Xin lỗi Chu Dự, Thanh Gia từ nhỏ đã như vậy rồi, lúc nói dối sẽ luôn lôi kéo người khác theo cùng. Chú không có ý gì khác, chỉ muốn xác định con bé có an toàn hay không. Chú sẽ không bán đứng cháu đâu.”
Tôi chỉ có thể nói: “... Thanh Gia đã là người trưởng thành rồi.”
Trình Nhất Thủy là người thông minh.
Ngày tiếp theo, Thanh Gia lại tiếp tục quấn lấy người đàn ông đó.
Cô ấy lập một nhóm có tôi và Trình Nhất Thủy, nói với Trình Nhất Thủy ở trong nhóm: Hôm nay con đi đến Lăng Trung Sơn chơi với Chu Dự nhé.
Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy xấu hổ vì người khác như thế.
Thanh Gia không hề biết, lời nói dối vụng về của cô ấy chính là bộ quần áo mới của hoàng đế* đối với Trình Nhất Thủy.
*là một truyện ngắn của nhà văn Hans Christian Andersen về việc hai người thợ dệt hứa với vị hoàng đế là sẽ dệt cho ông một bộ y phục mà khi ông mặc vào thì những kẻ ngu ngốc, bất tài hoặc bất xứng với địa vị của họ sẽ không thể nhìn thấy. Hoàng đế đã không mặc gì và đi diễu hành quanh đất nước nhưng thần dân ai cũng khen bộ quần áo đẹp, ngoại trừ một cậu bé dám nói sự thật.
Trình Nhất Thủy không vạch trần, trả lời Thanh Gia ở trong nhóm: Các con cứ chơi vui vẻ đi. Có về ăn cơm tối cùng nhau không?
Thanh Gia: Con không về ăn cơm với bố được.
Trình Nhất Thủy lại gửi riêng một tin nhắn Wechat cho tôi, vẫn là xin lỗi vì Thanh Gia đã ép tôi nói dối.
Tôi trả lời chú ấy rằng không sao cả, nhân tiện hỏi chú ấy, hôm qua chú đã đến nhà sách Tiên Phong chưa?
Trình Nhất Thủy nói đã đến rồi.
Thật sự là ý muốn nhất thời của tôi, nhưng không phủ nhận rằng chính mình có một khát vọng mơ hồ có thể được ở một mình với Trình Nhất Thủy.
Tôi hỏi Trình Nhất Thủy: Bên trong đại học Nam Kinh có một hiệu sách Vạn Tượng, chú Trình đã từng đến đó chưa? Ở đó cũng khá thú vị, biết đâu nó có thể truyền cảm hứng cho chú đấy.
Không cho Trình Nhất Thủy thời gian để suy nghĩ, tôi đã gửi một tin nhắn khác: Chỗ đó khá khó tìm. Nếu chú muốn, cháu đưa chú đi dạo một chút.
Xưng hô là “chú Trình”, “chú” như thế sẽ không khiến Trình Nhất Thủy hiểu lầm sự nhiệt tình của tôi.
Có thể chú ấy không biết, người có tính cách tồi tệ như tôi, nếu như không có kế hoạch thì sao có thể tiếp đãi bố của bạn thân với tâm thế ung dung “Kính già yêu trẻ” như thế chứ.
Trình Nhất Thủy lái xe đến đón tôi.
Chính ngày hôm đó, tôi đã thoáng thấy một góc bí mật của chú ấy.
Khi tôi mở cửa lên xe, Trình Nhất Thủy bảo tôi đợi một lúc, sau đó nhặt đồ trên ghế phụ và đặt chúng vào băng ghế sau.
Là áo khoác của chú, còn có một túi tài liệu bị áo khoác đè lên.
Liếc nhanh, tôi thoáng thấy logo của Bệnh viện Cổ Lâu được in trên túi.
Lúc đó tôi mới chợt hiểu ra rằng hai bố con họ đều là những kẻ dối trá.
Thanh Gia không đến chơi với tôi, Trình Nhất Thủy cũng không phải đến khảo sát hiệu sách Tiên Phong.
Tôi vờ như không biết và lên xe.
…
Cao Lãng muốn chen vào nói, tôi biết anh định gì nên nói: “Phía sau em sẽ nói cho anh biết, anh đừng nóng vội.”
…
Chúng tôi đậu xe ở bãi đậu xe phía sau tòa nhà thương mại trên đường Tiểu Phấn Kiều, tôi đưa Trình Nhất Thủy băng qua một nửa khuôn viên trường từ đường Hán Khẩu để tìm hiệu sách Vạn Tượng.
Thực tế, đậu xe ở đường Tây Bắc Kinh sẽ gần hơn.
Tôi cố tình làm vậy.
Diện tích của hiệu sách không lớn lắm, có rất nhiều nam sinh viên đến đây tự học.
Dường như Trình Nhất Thủy thực sự đến đây để khảo sát, mỗi khi chú ấy đi đến một góc trong hiệu sách, chú ấy sẽ dừng lại để xem xét kỹ lưỡng và chụp ảnh.
Chờ chú “khảo sát” xong, chúng tôi đến quầy lễ tân gọi hai cốc nước lạnh rồi ngồi xuống chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ.
Chiều hôm đó, tôi nghe Trình Nhất Thủy nói về “Chủ nghĩa giải cấu trúc.”
Tôi không biết gì về kiến trúc, trước khi gặp chú ấy, tôi đã tạm tìm kiếm tên của một kiến trúc sư, cũng chỉ nhớ mỗi cái tên Zaha Hadid này.
Trình Nhất Thủy lại sẵn sàng giảng giải những chỗ không hiểu về chuyên ngành này cho tôi.
Chú ấy kiên nhẫn nói liên tục, bắt đầu với Chủ nghĩa tối cao của Malevich.
Tôi gật đầu, cũng thường xuyên xen vào một cách kịp thời để tạo ảo giác rằng tôi có quan tâm đến chủ đề này.
Thực ra, tôi chỉ chú ý đến đôi lông mày nghiêm nghị, giọng nói trong trẻo như gõ vào ngọc thạch của chú, đôi bàn tay thỉnh thoảng vung vẫy khi nói, cổ tay xương xẩu và đôi mắt hơi sáng lên khi chú ấy nói về lĩnh vực yêu thích của mình.
· ·
Cao Lãng nghe đến đó thì hít một hơi, khó khăn nói: “Nhưng chú ấy lớn hơn em rất nhiều tuổi…”
“Có phải anh muốn nói là em có phức cảm Electra* không?”
*Phức cảm Electra là một thuật ngữ phân tâm học được sử dụng để mô tả cảm giác cạnh tranh của một cô gái với mẹ để giành được tình cảm của cha mình. Nó có thể so sánh với phức cảm Oedipus ở nam giới
Cao Lãng không nói gì, nhưng vẻ mặt đã phản bội anh ấy.
Tôi cười bảo: "Em đoán là anh sẽ nói thế, mọi người đều nói thế. Xin anh, em đã yêu rồi. Có thể anh không tin, nhưng em muốn nói là em yêu đương một cách bình thường.”
“... Theo anh thấy thì có vẻ là không bình thường lắm?”
“Hôm nay em đã quyết định là sẽ không nói dối anh một lời nào. Tất nhiên chúng ta vẫn được coi là bình thường, nhưng xin lỗi... Em không yêu anh nhiều như vậy."
Cao Lãng khẽ mím môi.
“Anh có để ý không?” Tôi cười nhìn Cao Lãng: “Anh cũng không còn yêu em nhiều như vậy nữa.”
Cao Lãng không nói gì.
"Về phức cảm Electra, em đã từng thảo luận với Trình Nhất Thủy, chuyện này em sẽ nói sau.”
…
Chúng ta hãy trở lại với buổi chiều rực rỡ ánh nắng nắng ấy.
Trình Nhất Thủy và tôi đã nói chuyện rất nhiều.
Hẳn là chú ấy không thiếu người để nói chuyện, chú ấy có tên tuổi lớn trong ngành, nếu muốn, thậm chí sẽ có người trả tiền để nghe chú ấy nói.
Tôi chỉ có thể giải thích rằng, bởi vì Thanh Gia không có hứng thú với sự nghiệp mà chú ấy đang dấn thân vào, vì vậy chú ấy đã xem tôi như người thay thế cho sự vắng mặt của Thanh Gia.
Và tôi e rằng chính chú ấy cũng không nhận ra điều đó.
Trò chuyện đến tận chiều tối, Trình Nhất Thủy nhìn đồng hồ, tựa như đột nhiên ý thức được thời gian đã trôi qua nhiều như vậy.
Chú mời tôi đi ăn tối, tôi không từ chối mà đồng ý ngay lập tức.
Tôi dẫn chú ấy đến một quán rượu nhỏ gần trường đại học sư phạm phía Nam, rất bí mật, nếu chỉ đi theo chỉ dẫn thì sẽ không thể tìm được.
Tôi gọi rượu, chú không hề uống một ngụm nào, chỉ uống nước soda.
Chú hỏi tôi, tại sao không thi vào Đại học Nam Kinh.
Tôi nói, bởi vì mọi ngóc ngách của Nam Kinh đều có bạn trai cũ của tôi, không thể ở lại lâu hơn nữa.
Rõ ràng Trình Nhất Thủy nghĩ rằng tôi đang nói đùa, vì vậy chú ấy chỉ cười mà không bình luận gì.
Chúng tôi ăn rất chậm, tôi đã vô tình uống quá nhiều rượu.
Tiếp tục chủ đề vào buổi chiều, tôi bắt đầu nghe chú ấy nói về kinh nghiệm làm việc của mình, nhờ đó biết được avatar WeChat của chú ấy, đây là tòa nhà đầu tiên mà chú tham gia thiết kế.
“Ở đâu thế?”
"Pellston, nước Mỹ. Một thành phố nhỏ gần hồ Michigan."
Sau khi ăn xong, Trình Nhất Thủy hỏi tôi có muốn dùng thêm món tráng miệng không.
Chú cầm lấy thực đơn, lật sang một trang, chỉ vào món bánh pudding phô mai hình con thỏ trong một bức tranh nào đó, hỏi tôi có muốn ăn không.
Tôi cười bảo: “Chỉ có trẻ con mới ăn đồ ăn đáng yêu vậy thôi.”
Chú nói: “Chẳng lẽ cháu không phải sao?”
Khi dùng thìa múc bánh pudding, tôi nói với Trình Nhất Thủy rằng khi tôi mười ba hay mười bốn tuổi, bố mẹ tôi đã không còn coi tôi như một đứa trẻ nữa.
Họ cãi vã công khai, xúc phạm nhau bằng những lời lẽ tục tĩu, ác độc nhất, rồi dắt tình nhân về nhà không chút do dự, thậm chí còn không thèm đóng cửa khi ân ái.
Có lẽ bởi vì tôi nói ra lời này quá thẳng thừng, Trình Nhất Thủy đã sửng sốt một chút.
Có lẽ tôi đã say, có lẽ tôi đang lơ lửng, giống như tôi đang mơ.
Tôi tiếp tục nói với chú ấy rằng tôi đã cố gắng thu hút sự chú ý của họ bằng cách bị điểm 0 trong bài kiểm tra, đánh nhau và tự làm hại bản thân, nhưng vô ích. (đọc truyện trên app giúp phát triển các team dịch TYT)
Tôi không thích về nhà nữa, bởi vì có nơi khác có thể mang lại cho tôi sự ấm áp. "Ở đâu?"
Đã thân thiết hơn rồi, tôi biết, tôi đang cố ý.
Tôi không muốn Trình Nhất Thủy xem tôi như người thay thế cho Thanh Gia, tôi và Thanh Gia hoàn toàn khác nhau.
Tôi cười nói: “Trong vòng tay của đàn ông.”
Trình Nhất Thủy nhíu mày rất chặt.
Nhất định là chú đã nghĩ rằng tôi thật hư hỏng.
Tôi cắn nhẹ chiếc thìa bằng răng và không ngừng cười. Khi uống say tôi sẽ cười, bạn bè thường nói rằng khi tôi cười rộ lên rất đáng sợ.
Tôi nói: “Rất nhiều, rất nhiều, tốt xấu có cả. Thực ra bọn họ đều đối xử với cháu rất tốt, chưa bao giờ để cháu phải chịu thiệt thòi.”
Nhưng mà rất nhàm chán.
Dường như có hàng chục chiếc áo phông được mua giảm giá, màu sắc và hoa văn chỉ hơi khác một chút. Áo phông cũng chỉ là áo phông, không đủ để giữ ấm khi trời lạnh giá.
· ·
Cao Lãng nói: "... Anh cũng là áo phông."
Tôi đã cười.
· ·
Trình Nhất Thủy nói: “Chu Dự, cháu uống say rồi, chú đưa cháu về nhà.”
"Ừm. Hình như là vậy." Tôi ngoan ngoãn đứng dậy.
Tửu lượng của tôi cũng không tốt lắm, nên tôi sẽ không phủ nhận mình say. Nhưng hôm đó thật sự chưa đạt tới mức độ đó, bởi vì tôi có thể nhớ rõ ràng các chi tiết của ngày hôm đó cho đến tận bây giờ.
… Khiến anh thất vọng rồi, không còn chi tiết nào đáng nói nữa.
Tôi cố tình làm xáo trộn ấn tượng của Trình Nhất Thủy về tôi, đây giống như một lời tuyên bố không thể tránh được của tôi.
Trước đây, khi yêu đương tôi đều như vậy, tôi muốn cho những chàng trai hay những người đàn ông đó biết trước rằng tôi là một kẻ tồi tệ, vì vậy đừng mong đợi gì ở tôi.
Đối với Trình Nhất Thủy cũng vậy, nhưng đó chỉ là một tuyên bố từ chối trách nhiệm khác: Tôi không giống với Đại tiểu thư như Thanh Gia - người đã đến cái tuổi hai mươi mới bắt đầu nổi loạn, tôi chính là một người hư hỏng như thế. Trình Nhất Thủy, tốt nhất là chú đừng nên thông cảm cho tôi, nếu không… Tôi sẽ ỷ lại vào chú.
Trên đường tiễn tôi về, chúng tôi không nói chuyện với nhau nữa.
Tôi nghĩ rằng Trình Nhất Thủy sẽ cảm thấy hối hận khi đi ra ngoài với tôi hôm nay, đụng phải một kẻ say rượu không đầu không đuôi.
Tận đến khi chúng tôi dến dưới lầu nhà của tôi.
Tôi định xuống xe, nhưng Trình Nhất Thủy đã gọi tôi lại.
Chú nói với tôi: “Chu Dự, đừng phủ nhận chính mình. Những người làm việc chăm chỉ để có được cơ hội thực tập đang sống một cuộc sống tốt đẹp và thoải mái. Cháu là một đứa trẻ tốt. Quá trình trưởng thành luôn có một chút gì đó tồi tệ, trưởng thành rồi sẽ ổn thôi.”
Động tác của tôi ngừng lại.
Rượu thừa biến thành nước mắt.