Sáng ngày hôm sau, biên quan báo tin dữ.
Nhị hoàng tử dẫn đầu phản quân, ám sát chủ trướng. Đúng lúc giặc Man tấn công, quân Chiêm Du liền lâm vào nguy kịch.
Tuy kết quả quân Chiêm Du thắng trận, nhưng Tam hoàng tử và Khánh Thần tướng quân hy sinh, Nhị hoàng tử Ngạc Duyên cũng bị Khánh Thần tướng quân giết chết.
Chiến báo nói, ngày nữa, Mạnh Kỳ tướng quân sẽ đem xác của ba người cùng đại quân trở về.
Đêm thứ ba sau cung biến, Hoàng đế Chiêm Du cuối cùng cũng không trụ được, băng hà.
Triều đình Chiêm Du liền rơi vào rối loạn.
Ngạc Điền được mọi người đồng thuận nâng đỡ lên vị trí Thái tử, nhưng hắn lại từ chối.
Ngũ hoàng tử tỏ thái độ, trước mắt hắn sẽ tạm thời giám quốc, việc thừa kế ngai vàng liền để sau hãy bàn.
Sau đại tang của Hoàng đế Chiêm Du, Ngạc Điền liền cho viết Cáo thị, vạch trần tất cả âm mưu của Thái tử và Bạch gia, bố cáo để thiên hạ cùng biết.
Nhân chứng, vật chứng đầy đủ, cùng với sự thống nhất của lục bộ Thượng thư và các nguyên lão, tội danh giết vua, giết hại huynh đệ của Thái tử, Nhị hoàng tử được định đoạt.
Hạ Quả cũng chỉ ra, Thất hoàng tử, người trúng độc được giấu ở cung Hoàng hậu, chính là kẻ cầm đầu vụ án Thu săn hại chết Tứ hoàng tử.
Bạch gia sừng sững trăm năm, sụp đổ chỉ trong một đêm.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Ngày mười tám tháng chín năm Vĩnh Khánh thứ hai tính theo lịch Nam Quốc, đại tang của Tam hoàng tử Ngạc Chiếu được tiến hành.
Ngạc Điền đứng đầu, ân chuẩn tiến hành đại tang theo nghi thức tang lễ dành cho Thái tử.
Khánh Hoàng quý phi đang trò chuyện cùng Cửu hoàng tử, thì nghe thái giám báo phu thê Ngũ hoàng tử đến gặp, bà liền cho mời.
Ngạc Điền và Hạ Quả vừa tiến vào, Cửu hoàng tử hành lễ xong, liền muốn lui ra, nhưng Ngạc Điền lên tiếng ngăn lại.
"Đệ ngồi xuống đi. Việc này cũng có liên quan đến đệ."
Cửu hoàng tử do dự một chút, cũng kéo ghế ngồi xuống.
Đợi cung nhân lui ra hết, Ngạc Điền nhìn Hạ Quả, thấy nàng mỉm cười gật đầu, mới nhìn sang Khánh Hoàng quý phi.
"Khánh mẫu phi.
Hôm nay bọn con đến đây là muốn bàn với người về vấn đề người kế vị.
Cửu hoàng đệ, ta hỏi đệ lần cuối, đệ thật sự không muốn làm hoàng đế?"
Khánh Hoàng quý phi cũng đưa mắt nhìn Cửu hoàng tử.
Cửu hoàng tử dường như cũng đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, ngay lập tức đáp lời.
"Hoàng huynh, hoàng tẩu,
Ta thật sự sợ hãi cảnh tranh đoạt chém giết chốn kinh thành này lắm rồi!
Hơn nữa, so với ta, huynh càng xứng đáng trở thành hoàng đế hơn.
Xin hãy cho ta làm một nhàn vương không có thực quyền, sống thanh bình đến cuối đời.
Đây là tâm nguyện của ta, thỉnh hoàng huynh và hoàng tẩu chấp thuận."
Ngạc Điền thở dài. Lần này, là nói với Khánh Hoàng quý phi.
"Khánh mẫu phi.
Nếu Cửu đệ đã nói như vậy, chúng ta cũng không ép hắn.
Ta và Hạ Quả đã quyết định, sẽ để Đại hoàng tôn Ngạc Chấn Đông của Tam hoàng huynh đăng cơ.
Ta sẽ trở thành Nhiếp Chính vương, theo sát và phò trợ hắn, cho đến ngày hắn có thể tự mình giám quốc. Người thấy như vậy có được không?"
Khánh Hoàng quý phi và Cửu hoàng tử vô cùng bất ngờ trước quyết định này của Ngạc Điền.
Hắn nắm chặt tay của Hạ Quả, cười giải thích.
"Thứ nhất, bọn ta đã biết chân tướng của trận cung biến hơn hai mươi năm trước. Ngai vàng này nên được trả lại cho hậu duệ của chính chủ.
Thứ hai, sau này khi thế cục ổn định, ta sẽ thường xuyên theo nương tử về Nam Quốc thăm người thân của nàng.
Nếu ta trở thành hoàng đế, Hạ Quả thành hoàng hậu, e là sẽ có nhiều ràng buộc, ta sẽ không thể đáp ứng nàng. Nếu vì vậy mà nàng ấy rời bỏ ta, thì ta cũng chẳng thiết tha cái ngai vàng này nữa!"
Khánh Hoàng quý phi và Cửu hoàng tử nghe đến đây thì bật cười.
Cửu hoàng tử trêu ghẹo.
"Hoàng huynh! Ta không ngờ, huynh là loại người cần mỹ nhân, không cần gian sơn."
Ngạc Điền cũng cười đáp lại.
"Vốn dĩ ngai vàng này là nàng ấy giành cho ta, sao ta có thể vong ân phụ nghĩa, nhận vật bỏ người được!"
Khánh Hoàng quý phi lúc này mới lên tiếng.
"Nếu các con đã quyết, bổn cung cũng không còn gì để nói thêm.
Chỉ mong, mấy đứa các con, sau này đứa nào cũng hạnh phúc. Đừng như thế hệ của bọn ta, đến cuối đời chỉ còn tiếc nuối và hận thù."
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Ngày hai mươi chín tháng chín năm Vĩnh Khánh thứ hai tính theo lịch Nam Quốc, buổi thượng triều đầu tiên sau khi tiên đế qua đời được tổ chức.
Hoàng gia, cựu thần cùng các vị Thượng thư thống nhất, chấp thuận yêu cầu của Ngũ hoàng tử, đưa Đại hoàng tôn lên kế vị.
Đại hoàng tôn Ngạc Chấn Đông mười ba tuổi đăng cơ, trở thành hoàng đế tiếp theo của Chiêm Du quốc, lấy hiệu là Quang Minh.
Ngũ hoàng tử trở thành Nhiếp Chính vương, sẽ thay tiên thượng hoàng bên cạnh chỉ dạy cho Hoàng đế đến năm hoàng đế mười tám tuổi.
Cửu hoàng tử phong Tiêu Dao vương, ban cho đất phong ở Lãnh Khang, phía đông kinh đô, đúng theo ước nguyện, trở thành một vương gia không có thực quyền.
Truy phong Tam hoàng tử thành Vinh Vương. Vinh Vương phi trở thành Thái hậu. Khánh Hoàng quý phi thành Thái Hoàng Thái hậu.
Truy phong Lục hoàng tử thành Thuận Vương, Bát hoàng tử thành Huệ Vương, các vị vương phi và con cháu được kế thừa tước hiệu. Tề quý phi mất hết cả hai vị hoàng tử, trực tiếp hóa điên.
Riêng Bạch gia, tru di tam tộc. Các hoàng tử Bạch gia đều bị xóa tên khỏi gia phả hoàng gia, trở thành người Bạch gia.
Xử trảm gia đình Thái tử.
Nhiếp Chính vương lần lượt khen thưởng cho các công thần đã có công trong bình định cung biến và đánh đuổi giặc Man.
Bè cánh của Thái tử và Bạch gia bị quét sạch, triều đình lập tức khuyết đi nhiều vị trí trọng yếu. Nhờ có sự trợ giúp đắc lực từ Khánh gia và Mạnh gia, cộng với sự giúp đỡ tài lực từ "nhà vợ" Nam Quốc, triều đình nhanh chóng được ổn định.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Một chiều giữa tháng chín, hội bàn tròn gồm những đầu não còn lại của Nam Quốc đang họp bàn ở Phủ Quận chúa, thì nhận được mật báo từ Chiêm Du gửi về.
Nghiêm Cẩn nhận tin báo, đọc qua một lượt, rồi thông báo tình hình cho Vĩnh Khánh đế và mọi người cùng nghe.
Vĩnh Khánh đế nhìn Nghiêm Cẩn vẫn bình tĩnh, lên tiếng.
"Nghiêm Cẩn, nhiều khi trẫm cảm thấy khanh thật đáng sợ!"
Nghiêm Cẩn rót nước lê cho Minh Châu, cười đáp.
"Chỉ cần bệ hạ thương yêu Minh Châu của thần, thì Nghiêm Cẩn vẫn mãi mãi là người của bệ hạ."
Minh Châu nghe hắn đáp, mỉm cười, nhận lấy ly nước.
Vĩnh Khánh đế nổi da gà, tiếp tục.
"Vậy bước tiếp theo, chúng ta sẽ làm gì?"
Nghiêm Cẩn gắp bánh hoa lê bỏ vào chén của Minh Châu, đáp như đang nói chuyện thời tiết.
"Nghe nói nghĩa quân của Thượng Quan Đình công chúa mấy ngày nữa sẽ xuất chinh.
Chúng ta, cũng phải giúp đỡ Tề Hoành một chút chứ!"
Vĩnh Khánh đế nhíu mày.
Nghiêm Cẩn cầm bình rượu, rót cho hắn và Hoắc Dương.
"Hoàng đế Chiêm Du và các vị Hoàng tử chết gần hết, chuyện lớn như vậy mà chẳng thấy Ngạc Thụy công chúa về thăm, có phải hơi vô tình không?
Nhưng mà, nếu Quốc Vương Sĩ Đạt không cho công chúa về, lại là chuyện khác!
Hiện tại, người lãnh đạo Chiêm Du là muội phu nhà chúng ta!"
Nói xong, cụng ly với Hoắc Dương.
"Hoắc tướng quân, lần này cũng hành quân thuận lợi, bách chiến bách thắng nhé!"
Hoắc Dương cũng cụng ly lại với hắn, nhưng lời thì nói với Vĩnh Khánh đế.
"Ba ngày nữa, thần sẽ dẫn một trăm vạn quân đi luyện binh ở biên giới phía Bắc.
Số lượng quân có hơi nhiều, mong hoàng thượng ân chuẩn."
Vĩnh Khánh đế nhìn nhị vị trọng thần nhà mình, thở dài ân chuẩn.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Mấy ngày sau, Ngạc Thụy công chúa, hiện đang là Du Phi của Quốc vương Sĩ Đạt, nhận được thư báo của Tân Hoàng đế Chiêm Du quốc.
Trong thư báo rõ, Chiêm Du đế băng hà, Bạch gia tạo phản, ba vị hoàng tử bỏ mạng. Chiêm Du Quốc đang kỳ đại tang, Tân Hoàng gọi công chúa về chịu tang để tròn đạo hiếu.
Ngạc Thụy nhìn tên của người đại diện gửi thư là Nhiếp Chính vương Ngạc Điền, liền biết là ca ca ruột của nàng đến đón nàng về.
Ngạc Thụy ngay lập tức xin phép Quốc vương Sĩ Đạt, nhưng hắn đã từ chối nàng, đồng thời gửi thư đáp trả Tân Hoàng đế Chiêm Du, nói thẳng là không cho phép công chúa hồi hương, giọng điệu hồi đáp hết sức phách lối.
Nhiếp Chính vương nhận được phản hồi thì vô cùng tức giận. Sĩ Đạt coi thường Hòa ước giữa hai nước, giam cầm công chúa của họ, ép công chúa trở thành người bất hiếu, bất trung, bất nghĩa. Không nói hai lời, dẫn binh tiến đánh biên giới.
Sĩ Đạt nhận tin không hề nao núng, định cử quân đánh trả, thì nhận được thư yêu cầu chi viện của Thất hoàng tử Mạch Bổn Tụ, rằng Nhữ Cơ nổi dậy, cần đưa binh trấn áp.
Chưa kịp dàn xếp, lại có tin báo, biên giới Nam Quốc, binh của Hoắc Dương đóng quân luyện binh thường xuyên gây chuyện, quấy nhiễu biên cương.
Lúc bấy giờ, Quốc vương Sĩ Đạt mới nhận ra nguy cơ của mình.