Rồi Minh Hoàng cũng đến nhà. Lúc ông bà Hưng trò chuyện với anh, Trúc Khanh ẹ thẹn cúi mặt, nhưng thỉnh thoảng lại len lén nhìn anh. Minh Hoàng dù ung dung nói chuyện với ông bà Hưng, vẫn tinh mắt nhận ra Trúc Khanh đang kín đáo nhìn mình.

Dù chỉ gặp hai lần nhưng anh có thể phân biệt được đâu là cô chị, đâu là cô em. Điểm dễ nhận biết giữa hai chị em nhà này là cô em yếu đuối, hiền lành và quy củ hơn người chị đanh đá.

Thêm nữa người kia hoàn toàn không ưa anh, nên chắc chắn không thể kiên nhẫn ngồi ở chỗ này. Cô ta chưa đá anh là may, làm sao dành cho anh cái nhìn thiện cảm như vậy được.

"Trúc Khanh khỏe hẳn chưa? Hôm trước nhìn em xanh xao, giờ xinh đẹp hơn rồi." Minh Hoàng lịch sự, cư xử đúng mực, không để nỗi ác cảm lấn át lý trí như lần trước.

"Dạ bữa nay em khỏe nhiều rồi. Cám ơn anh Hoàng!" Trúc Khanh dịu dàng.

"Nãy giờ mọi người trông con. Chỉ sợ con bận đột xuất không đến được."

Bà Hưng cố nói giảm nói tránh cho con gái, rồi viện lí do phải vào bếp hỗ trợ chị giúp việc dọn thức ăn ra bàn, để rời phòng khách. Ông Hưng cũng đứng lên theo, giả vờ lên phòng cất hồ sơ, sẵn tiện lấy bàn cờ tướng. Lát nữa ăn cơm xong, hai chú cháu sẽ đánh vài ván.

Minh Hoàng làm sao không nhìn ra hai ông bà cố ý để anh và Trúc Khanh có cơ hội nói chuyện riêng với nhau. Nhìn cô nhỏ hôm nay mặt mũi hồng hào hơn, trông có sức sống hơn lần vừa rồi anh gặp, nói chung anh ráng không bài xích nên cảm xúc bây giờ dễ chịu hơn lần đầu rất nhiều.

Trúc Khanh đang mặc bộ váy liền thân màu vàng, tôn lên làn da trắng ngần. Bộ váy mặc nhà dù đơn giản nhưng không làm mất đi đường nét thanh tú trên gương mặt cô. Đợi ba mẹ mình khuất phía sau bình phong, lúc này Trúc Khanh mới thoải mái hơn một chút.

Trúc Khanh thả lỏng chính mình, bắt đầu hỏi thăm về công việc của Minh Hoàng. Công ty có rất nhiều mảng kinh doanh và các phòng ban phụ trách xử lý, anh chỉ quản những cái vĩ mô, dù vậy vẫn khiến anh bận rộn, nhưng nói cái này có vẻ khô khan quá, anh bèn chuyển để tài.

Anh nhìn cô xã giao: "Trúc Khanh đang học năm thứ ba nhạc viện phải không? Anh nghe cô chú nói Khanh đàn giỏi lắm."

Trúc Khanh mắc cỡ: "Em cũng không giỏi lắm đâu, nhưng đúng là em thích dương cầm. Anh Hoàng có thích nghe nhạc không?"

Thật sự Minh Hoàng không thuộc kiểu người khô khan, nhưng cuộc sống ngày thường quá bận rộn, anh ít có thời gian thư giãn. Lúc rảnh rỗi anh chỉ nghe một chút nhạc không lời. Trúc Khanh đề nghị đàn cho anh nghe, đương nhiên anh thuận theo ý cô, để cô trổ tài.

Trúc Khanh uyển chuyển đi đến cây đàn được đặt bên trái của phòng khách, Minh Hoàng vẫn ngồi tại salon. Nhìn bóng lưng cô dịu dàng, đôi tay ngà ngọc lướt trên phím đàn, rất có phong thái. Giai điệu lãng mạng bắt đầu vang lên. Từng bài Roman, Moonlight Sonata, hay những âm điệu du dương như You Raise Me Up, Proud of You, được cô truyền tải thật điêu luyện. Cô như muốn đưa anh vào thế giới âm nhạc mộng mơ đầy huyền bí, giúp tinh thần anh thư thái.

Một lúc lâu sau tiếng đàn đã dứt, nhưng dường như anh vẫn cảm nhận nó còn vang vang đâu đây. Trúc Khanh đi đến ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Minh Hoàng nhìn cô không tiếc lời khen tặng. Không hổ là dân nhạc viện, anh như bị cô thôi miên, lạc lối vào giai điệu nhẹ nhàng trầm bổng của tiếng dương cầm.

Trúc Khanh nghe anh nói trong lòng vui sướng, trên mặt cũng có chút tự mãn. Mình đã nói anh ấy sẽ thích phong thái chơi đàn của mình. Mình đã không nghĩ sai. Xem như đã có một bước tiến. Cô lại có quyền hy vọng.

Lúc này ông bà Hưng cũng vừa xuống lầu. Ông Hưng hỏi bâng quơ: "Này giờ hai anh em trao đổi gì rồi? Bây giờ ăn tối nhé hai đứa?"

Trúc Khanh nhìn ba mẹ không giấu được sự vui sướng: "Dạ không có nói gì nhiều. Con chỉ đàn cho anh Hoàng nghe thôi ba."

"Trúc Khanh thật tài hoa. Cô ấy đàn rất điêu luyện cô chú ạ." Minh Hoàng thật lòng khen ngợi.

Ông bà Hưng nhìn tình hình trước mặt cũng cảm thấy vui thay con gái. Dường như tình huống cũng không quá tệ. Bốn người đi vào bàn ăn. Minh Hoàng theo thói quen lại hỏi thăm:

"Thụy Khanh không có nhà sao cô chú? Chúng ta không đợi cô bé về ăn chung sao?"

Ba người nghe anh bất thình lình hỏi con gái lớn, biểu tình lập tức cứng ngắc. Không khí bị đông lạnh một vài giây. Trúc Khanh vừa vui vẻ là thế, giờ nghe anh nhắc đến Thụy Khanh, cô lập tức xụ mặt xuống. May nhờ ông Hưng nhanh trí, giả vờ cười nói bình thường:

"Con bé đấy hay chạy loạn ngoài đường. Chẳng biết lúc nào nó mới về. Chúng ta không cần đợi đâu."

Minh Hoàng nghe lời ông nói khiến anh ngạc nhiên. Có vẻ nhà này không hề quan tâm cô chị, trong khi cô em lại được chăm chút, nâng niu cẩn thận. Thật khó hiểu gia đình này. Nhưng mà chuyện nhà người ta anh không muốn nghĩ nhiều.

Bàn ăn to được bày biện nhiều thức ăn nhưng chỉ có bốn người. Ông Hưng cố ý để anh và Trúc Khanh ngồi cạnh nhau. Hai người ngồi một bên, đối diện bên này là ông bà Hưng. Khung cảnh hài hòa như một gia đình đang cùng nhau ăn bữa cơm tối ấm cúng. Ông Hưng gợi chuyện:

"Ngày thường bên nhà chỉ có con và ông cụ ăn cơm với nhau hả Hoàng?"

Minh Hoàng trả lời nhã nhặn: "Dạ, thường chỉ có mình ông nội con. Thỉnh thoảng con tiếp khách về muộn, một mình ông nội trải qua bữa tối."

"Ông cụ chắc buồn và cô đơn." Bà Hưng cũng bắt đầu tham gia "Chả trách ông cụ muốn con kết hôn cho vui cửa vui nhà."

Đúng là ngày nào ông nội cũng mắng anh, nhai lại điệp khúc cũ. Anh làm kinh doanh không mệt, nhưng đối phó với ông nội thì mệt vô cùng. Anh nhớ lại hình ảnh ông nội phùng mang trợn mắt khi anh bảo chưa muốn lấy vợ mà muốn bật cười.

"Các bậc cha mẹ, ông bà đều như thế. Chú đây cũng mong sau này hai đứa con gái có thể chọn được người chồng có phong thái như con." Ông Hưng đầy ẩn ý.

Minh Hoàng chỉ cười, từ chối cho ý kiến. Bốn người đang trò chuyện vui vẻ, thì ngoài sân Thụy Khanh cũng vừa về đến. Chị người làm mở cửa cho cô, nhìn cô với ánh mắt tội nghiệp. Chị giúp việc cho nhiều gia đình giàu có rồi, nhưng chưa thấy gia đình nào kỳ lạ như gia đình này.

Chị thấy Thụy Khanh thật bơ vơ. Tánh tình con bé ngoan ngoãn, hiền lành hơn cô em, lại biết chuyện và không kênh kiệu, nhưng hà cớ gì ba mẹ nó chỉ quan tâm cô em. Ăn cơm cũng không chờ con nhỏ. Nhìn nó cô độc trong chính ngôi nhà của mình thấy mà thương.

"Cô Thụy đã ăn gì chưa?"

Chị người làm cất giọng quan tâm. Chị thường kêu hai người con gái song sinh này bằng tên lót đầu. Cô chị là Thụy, cô em là Trúc.

"Dạ chưa chị Tâm. Em mới dạy kèm về."

Thụy Khanh dắt xe vào, chị Tâm bước đến gần nói nhỏ vào tai cô: "Trong nhà có khách, dường như người quen của ông chủ, đang ăn cơm với ông bà và cô Trúc đó."

Sợ chạm trán nên Thụy Khanh nhanh chóng mường tượng trong đầu cô sẽ đi từ lối hông vào nhà bếp, rồi lên phòng, lát nữa chào ba mẹ sau.

Như bao lần, chị Tâm lại không thôi quan tâm Thụy Khanh, sợ cô đói thế là đòi mang đồ ăn lên phòng cho cô. Thụy Khanh không muốn hành tội chị nên từ chối, tí nữa đợi khách về rồi cô xuống ăn sau.

Nhưng chị Tâm ngó thấy dáng gầy mong manh của cô vì không chịu ăn đúng giờ, thế là phê bình cô không biết cách chăm sóc bản thân. Chị thật lòng quan tâm Thụy Khanh vì thương xót cô. Trong suy nghĩ của chị thì ba mẹ cô chẳng công bằng. Con gái ngoan như vậy nhưng cứ cố tình bỏ mặc.

"Em lên phòng học bài chút em xuống. Chị nhớ chừa cơm cho em nha." Thụy Khanh háy mắt giả vờ năn nỉ, chọc chị Tâm cười vui vẻ.

"Chị để phần đồ ăn ngon nhất cho em. Có làm gỏi em thích nữa. Lát nữa không chịu xuống thì chị mang lên đó."

Xét cho cùng chị Tâm còn quan tâm Thụy Khanh hơn những người thân ruột thịt trong gia đình. Ba mẹ, em gái của cô không buồn để ý cô hiện giờ đang ở đâu, làm gì mà đi sớm về khuya. Đặc biệt là ba mẹ, lúc nào gặp cũng tỏ thái độ kém vui, khiến cô rất sợ khi chạm mặt hai người.

Thụy Khanh dựng xe đạp của mình vào gốc cây Nguyệt Quế như thường lệ, vừa định theo lối mòn xưa vòng ra vườn địa đàng để chuồn lên phòng từ cửa sau, đúng lúc này cô thấy ông Hưng và một người con trai cao to đang đi ra vườn. Thôi xong, ý định chuồn của cô bất thành, đành đứng im chịu trận cái nhìn nghiêm khắc của ba.

Nghĩ cũng lạ đời, Thụy Khanh chẳng làm gì sai, mà về nhà là thấy ánh mắt bất mãn của những người thân ruột thịt, cứ như cô đã gây chuyện động trời, khiến họ khổ sở vì phải dọn tàn cục cho cô.

"Thưa ba con mới đi học về." Thụy Khanh ngoan ngoãn.

"Về sao không chịu vào nhà chính, lại định đi cửa sau? Còn không định chào khách." Ông Hưng rầy con gái, không chừa cho cô một chút mặt mũi nào.

Minh Hoàng cũng thấy ngạc nhiên, vừa nãy với Trúc Khanh chú ấy nhẹ nhàng bao nhiêu, thì giờ với cô bé này chú lại thiếu kiên nhẫn. Nếu không biết cô nhóc là con gái ruột, có khi anh nghĩ đây là người bà con xa nào đó, đang ở nhờ nhà chú nên chú mới không vui.

"Đâu có ạ! Tại con sợ ba đang tiếp khách không tiện quấy rầy, nên con định về phòng, lát nữa con xuống thưa ba mẹ sau."

Trông cô ngoan ngoãn hiền lành lễ phép, vậy mà lúc đầu anh tưởng cô ngang ngạnh chua ngoa, ba mẹ không khiển được nên mới bực mình. Càng ngày anh càng cảm thấy khó hiểu gia đình này.

Thuy Khanh lễ phép nhìn sang anh chào hỏi, có vẻ chẳng nhớ gì chuyện xích mích giữa anh và cô: "Anh Hoàng mới đến ạ!"

Cư xử đúng mực không có điểm nào để chê. Nếu không có cuộc trò chuyện ngày đó ở công ty, anh còn không nhìn ra cô nhóc này có thể trưng nhiều sắc mặt như vậy.

"Thụy Khanh mới đi học về sao?" Anh cũng giả vờ lịch sự hết mức có thể. Để lỡ sau này có trở thành người nhà với nhau đỡ gượng gạo.

"Dạ! Anh Hoàng ở chơi với ba. Em xin phép. Thưa ba con vào trong."

Thụy Khanh chào rồi bước đi. Sao anh cứ cảm thấy cô bé buồn buồn, kiểu như đang ở trọ. Đây là ba của cô mà, sao biểu cảm cô có vẻ xa cách, lạc lõng. Nhìn cô cúi mặt lầm lũi đi vào nhà, dáng vẻ cô độc khiến anh ngạc nhiên khó hiểu.

"Lại đây con. Hai bác cháu mình làm vài ván cờ."

Ông Hưng kéo anh đến bộ ghế đá ngoài vườn dưới mái đình, đối lập với khu vườn có mấy khóm hoa dại bên kia. Hai chú cháu đang xếp quân cờ thì bà Hưng và Trúc Khanh cũng ra đến, trên tay mỗi người cầm trái cây và bình trà.

Bốn người ngồi nơi bộ bàn ghế đá quý được thiết kế trạm trổ công phu, tạo cảm giác mát mẻ, dù thời tiết Sài Gòn có nóng bức, cũng không ảnh hưởng đến không khí khu vườn.

Thay vì tập trung vào ván cờ, Minh Hoàng lại nghĩ vẩn vơ. Anh có cảm tưởng ba người này mới là một gia đình, cô bé Thụy Khanh đó như người lữ khách cô độc. Sao cô lại không chịu hòa nhập với gia đình của mình nhỉ? Thật lạ lùng!

Trúc Khanh và bà Hưng ngồi bên cạnh rót trà, thỉnh thoảng trò chuyện vài ba câu. Vì cố tình cho anh và Trúc Khanh có nhiều thời gian bên nhau, nên ông Hưng chỉ chơi một ván cờ, rồi giả vờ kéo bà Hưng vào nhà, trả lại không gian riêng cho anh và Trúc Khanh.

"Ngày thường ngoài giờ học, Trúc Khanh thường làm gì."

Minh Hoàng muốn hiểu rõ hơn về cô gái này. Để không phụ lòng ông nội và chú Hưng, anh cố gắng dẹp bỏ ác cảm ban đầu.

"Dạ ba mẹ rất giữ Khanh, nên ngoài giờ học em chỉ về nhà. Mẹ đưa đi đón về, nên em cũng không giao du với mấy bạn nhiều."

Cũng đúng, ông bà Hưng cưng cô như vậy, chẳng trách cô ngoan ngoãn, quy củ, lễ phép. Thời đại này tìm một cô gái đáng yêu như cô chắc không dễ dàng. Minh Hoàng thật lòng thấy Trúc Khanh quá khuôn phép. Cô như được nuôi dạy trong lồng son, không hề biết thế giới bên ngoài sôi động, hối hả thế nào. Ở cô toát lên sự cổ kính, khiến tâm người ta bình an. Thật lòng ngồi với cô, anh như thấy thời gian trôi qua chậm chạp.

Chẳng phải anh bài xích hay ác cảm. Có lẽ cô bé không phải mẫu người của anh, nên ngồi với người không phải trong lòng, thời gian thật sự ngừng trôi theo nghĩa đen. Nhưng vì đã trót hứa với người lớn hai nhà nên anh phải kiên nhẫn. Người làm kinh doanh ngoài lợi ích cũng còn phải giữ chữ tín. Thôi thì anh sẽ ráng hết sức tìm hiểu cô bé này.

"Tại ba mẹ quá lo lắng thôi. Tim của em chỉ có chút yếu, ba mẹ vẫn sợ các bạn va chạm em, nên lúc nào cũng giữ em thật chặt, không cho em đi đâu với các bạn." Giọng Trúc Khanh dịu dàng nhưng ẩn chứa chút gì đó tự mãn khi mình là con cưng, là viên ngọc quý, được ba mẹ nâng niu hết mực.

Mình Hoàng nói đùa: "Trúc Khanh được cưng chiều như vậy, sợ mai mốt anh làm Trúc Khanh buồn, cô chú xử anh mất."

"Không có đâu. Ba mẹ em quý anh Hoàng lắm. Đặc biệt là ba, hay nhắc anh Hoàng với cả nhà. Ba nói anh Hoàng giỏi lắm." Cô không thèm che giấu hảo cảm dành cho anh.

Tự nhiên trong lòng anh run lên. Cô bé này thần tượng anh như vậy, lỡ như một ngày nào đó anh từ chối, cô bé sẽ ra sao? Dường như anh đã đi sai đường. Chắc anh phải cố gắng yêu cô bé này, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

"Tại chú Hưng ưu ái anh nên nói thế thôi. Trong giới kinh doanh, còn nhiều người trẻ và tài giỏi hơn anh nhiều. Trúc Khanh ít giao thiệp nên không thấy được. Mai mốt anh dẫn em đi ra ngoài chịu không?" Cứ như anh đang nói chuyện với đứa con nít.

"Anh Hoàng đồng ý dẫn em ra ngoài chơi sao? Nếu đi cùng anh, ba mẹ sẽ không ngăn cản."

Mặt Trúc Khanh ngời lên sự háo hức của trẻ con sắp được cho đi chơi. Trong một phút tim anh thật sự mềm mại. Cô bé này cũng có nét dễ thương. Thế là anh cam kết cuối tuần sẽ đến đưa cô ra ngoài. Biểu cảm của Trúc Khanh như sợ anh chỉ hứa suông khiến anh không đành lòng, bèn củng cố thêm lòng tin cho cô:

"Em phải giữ sức khỏe, cuối tuần anh mới đưa em đi chơi được. Giờ cũng trễ rồi, anh về cho em nghỉ ngơi."

Anh không hay giọng mình có chút nuông chiều nhưng không phải với người yêu, mà như đang dỗ dành em gái nhỏ. Anh đứng lên định vào nhà chào ông bà Hưng ra về, thì Trúc Khanh lại nhìn anh đầy hy vọng, muốn mai anh sẽ đến nữa. Tiếc là anh không thể hứa.

Dù có chút buồn nhưng viễn cảnh cuối tuần được ra ngoài cùng anh khiến Trúc Khanh háo hức, nên dù mai anh không ghé thăm, cô cũng không mè nheo. Cô chỉ đang lên tinh thần chờ đến cuối tuần. Con tim tội nghiệp của cô không tải được sự hưng phấn hay xúc động quá mức, vậy mà cô không chịu kiểm soát cảm xúc, báo hại ông bà Hưng cũng hồi hộp bất an theo.

Trong lòng ông bà có cùng suy nghĩ, liệu mình có đi sai nước cờ không? Nếu sau này Minh Hoàng từ chối, con gái cưng của hai người có chịu được cú sốc này không? Tự nhiên ông bà thấy vô cùng hoảng sợ. Nhưng chuyện đã đến nước này, ông bà chẳng còn quay đầu lại được nữa. Chỉ mong ơn trên phù hộ cho con gái bé bỏng của hai người bình an.

(Còn tiếp)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play