Nguyễn Đức Trung đại nhân dắt theo vợ và hai vị tiểu thư đến Huy Văn Tự thắp hương nhân dịp Trung Thu, ngày mười bốn tháng tám âm lịch. Trong lúc chờ cha mẹ hàn huyên cùng Ngô phu nhân, Thu Đào có rủ rê Thu Hằng đi thăm thú một vòng, nhưng Thu Hằng đã quá quen với Huy Văn Tự từ nhỏ rồi, đâu có gì đáng để tham quan nữa nên đã từ chối. Hơn nữa, Thu Hằng và Ngô phu nhân giờ đây cùng chung một mục đích, nàng chỉ muốn kề cận Ngô phu nhân để biết thêm nhiều việc khác, cũng xem như là sẵn tiện lấy lòng mẹ chồng tương lai vậy!

Huy Văn Tự này chỉ hấp dẫn với mỗi Thu Đào thôi! Còn nhớ hôm bị ngất xỉu ở chùa Thánh Chúa – tức là Huy Văn Tự của bây giờ, Thu Đào đã có ý định đến đây mong sẽ tìm được giá nến hoa đào, thông qua đó trở về năm 2022. Tuy ở đây rất nhiều thứ hấp dẫn cần khám phá, nhưng lâu ngày e là sẽ vướng phải rắc rối, chẳng hạn như gặp Lê Hạo để rồi động lòng với chàng nhưng biết trước sẽ chẳng đi đến đâu, rồi lại còn phải làm cung tần cho Lê Bang Cơ, nếu kéo dài để đến lúc thật sự tiến cung thì có lẽ phải chịu chung số phận với vị vua bất hạnh đó! Chi bằng sớm tìm cách trở về, ta lại tiếp tục là Trà My! – Thu Đào tự nhủ.

Trãi qua gần sáu trăm năm, cách bày trí ở đây thật sự khác xa với chùa Thánh Chúa trong tương lai, cổng chùa bây giờ cũng chưa có ba cây muỗm to như ở năm 2022, nàng không còn nhận ra phòng nào là phòng nào cả, càng rắc rối hơn là nàng chỉ mới đến chùa Thánh Chúa duy nhất lần đó, đâu có thông thạo ngóc ngách, tìm ra căn phòng nơi có cái giá nến thật là như mò kim đáy bể! Hay là cứ đi từng phòng một, chỗ nào có nơi thờ Phật là ta lại đến đó tìm giá nến vậy! Nghĩ là làm, Thu Đào nhìn lên bàn thờ ở chính điện – nơi cha mẹ vừa thắp hương xong – thêm một lượt nữa, khi đã chắc chắn không có chiếc giá nến hình hoa đào nào trên đó, nàng xin phép cáo lui để đi tham quan Huy Văn Tự.

Dạo quanh một vòng lớn khắp chùa xong, Thu Đào đứng trước cổng nhìn vào khoảng trống rộng hơn một trăm mét vuông trước mặt rồi hình dung lại khung cảnh chùa Thánh Chúa, hi vọng định vị được nơi mình muốn tìm:

- Lẽ ra từ chỗ này là sẽ gặp ba cây Muỗm, rồi đến cánh cửa bước vào điện thờ chính của chùa, sau đó đi sâu vào năm gian phòng, rẽ phải sẽ gặp ngay căn phòng đó, tại sao bây giờ chỉ là một bãi đất trống, trơ trọi một hồ cá và đình hóng mát được xây trên mặt hồ? Nếu phỏng đoán theo vị trí căn phòng đó ở tương lai, thì là dãy phòng đằng kia à?

Thu Đào nhìn thấy khuất sau đình hóng mát trên hồ cẩm lý có một dãy gồm bốn năm căn phòng nhỏ, nàng không biết đó là khu vực sinh hoạt của Lê Hạo và Ngô phu nhân nên muốn đến xem thử.

* * *

Sáng ngày mười bốn tháng tám âm lịch, Lê Nhân Tông thiết triều tại Thiên Hưng điện. Lê Khắc Xương tấu với Nhân Tông:

- Tâu bệ hạ, thần nhận được tin cấp báo từ Bồn Man (*), dư đảng của vua Chiêm Thành Bí Cai mười năm trước bị Đại Việt ta đánh bại nay lại tập hợp lực lượng, tập trận khiển binh, lấy cớ giành lại lãnh thổ Chiêm Thành mà thường xuyên cướp phá dân chúng, mong Hoàng Thượng sớm có đối sách để dẹp yên loạn đảng!

Nhân Tông nghe xong, bèn hỏi ý quần thần:

- Dư đảng của Bí Cai bị đánh bại đã mười năm, một phần lãnh thổ cũng đã sát nhập vào Bồn Man của Đại Việt ta, nay lại bất ngờ gây chiến, chắc chắn cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, ta không nên khinh địch. Vậy có vị ái khanh nào hiến kế cho Trẫm nghe không?

Như đã thông đồng trước với Lê Khắc Xương, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân bèn cho ý kiến:

- Tâu bệ hạ, đúng là không thể xem thường dư đảng quân Chiêm. Nhưng chúng vẫn chỉ là một lũ ô hợp căn cơ không vững, ta nên dùng uy thế triều đình, cho một vạn quân đến đánh một trận áp đảo, giết sạch không chừa một tên, bọn chúng ắt sẽ biết khó mà từ bỏ dã tâm từ đây!

Nghe đến đây, quan Thái Bảo Đinh Liệt (*) vốn là vị tướng tài từ triều Lê Thái Tổ liền hừng hực khí thế muốn đánh giặc giúp vua, ông tâu với Nhân Tông:

- Xin bệ hạ hãy để thần cầm quân diệt dư đảng Chiêm Thành lần này!

Sợ mưu kế thất bại, Lê Nghi Dân can ngăn:

- Đinh đại nhân, ngài là vị tướng quân dày dặn kinh nghiệm, Minh triều phương Bắc luôn dòm ngó Đại Việt ta, ngài chỉ nên tập trung đề phòng phía Bắc, quân Chiêm yếu ớt lần này không cần vì chúng mà phí sức.

Nói xong, Nghi Dân im lặng vài giây ra chiều đắt ý tiếp tục hiến kế:

- Thần có cách này, vừa có thể nêu cao uy danh của bệ hạ, vừa dễ dàng áp đảo khí thế quân Chiêm, khiến chúng chưa đánh đã sợ mà xin hàng, chỉ là trước khi bẩm tấu, dám xin bệ hạ tha tội nếu thần có điều mạo phạm!

Nhân Tông liền đáp:

- Trẫm miễn tội, Lạng Sơn Vương cứ nói!

Lê Nghi Dân thưa:

- Chỉ cần Hoàng Thượng thân chinh dẹp loạn, với thanh thế của đương kiêm thánh thượng, cộng thêm một vạn quân tinh nhuệ, thần cam đoan quân Chiêm ở Bồn Man chưa đánh đã khiếp vía xin hàng, việc hao binh tổn tướng sẽ giảm nhẹ rất nhiều. Hơn nữa lần này chỉ là trận đánh nhỏ không nguy hại đến long thể được. Việc này cũng giúp bệ hạ có thêm uy danh phục chúng, tuyệt đối chỉ có lợi không hại.

Nghe đến việc vua thân chinh đánh giặc, nhiều vị văn võ bá quan có lời phản đối, vì không nhất thiết phải mạo hiểm đến long thể. Tuy nhiên Lê Nghi Dân và Lê Khắc Xương dùng uy tín và sức ảnh hưởng của mình liên tục đốc thúc khiến cuộc tranh luận kéo dài gần nửa canh giờ vẫn không có hồi kết. Nhân Tông vẫn ngồi trên ngai vàng giữ thái độ điềm nhiên nghe hết ý kiến của từng người. Cuối cùng hạ lệnh tạm gác việc này, ba hôm sau sẽ tuyên bố thánh ý cho quần thần được rõ.

* * *

Bãi triều, Lê Nghi Dân cố tình theo sau Lê Hạo thăm dò ý tứ:

- Tứ đệ vẫn luôn im lặng, không biết đệ nghĩ thế nào?

Lê Hạo khiêm nhường đáp:

- Đệ đệ nông cạn, chưa hiểu hết đại cục nên không dám cho ý kiến, nhưng cách của đại ca xem ra cũng có lý!

Lê Nghi Dân trước nay luôn vừa lòng với sự cung kính của Lê Hạo, nhưng mãi vẫn không dám chắc chắn chàng sẽ theo phe mình. Mượn việc lần này, Nghi Dân quyết tâm buộc Lê Hạo tỏ rõ chính kiến. Tuy Lê Hạo từ nhỏ bị tách khỏi cuộc tranh đấu vương quyền, nhìn bề ngoài thì không có thực lực trong triều đình, nhưng chàng là người tài hoa lỗi lạc, được lòng nhiều văn võ bá quan, nếu lôi kéo được Lê Hạo thì sẽ như hổ thêm cánh, lòng dân ắt sẽ thuận theo. Vì vậy Lê Nghi Dân ngầm ra tối hậu thư cho Lê Hạo:

- Phàm là kẻ làm việc lớn phải biết điểm xuất phát của mình là ở đâu, dù có muốn lên tận trời xanh cũng phải bắt đầu từ nấc thang đầu tiên. Tứ đệ! Ta khuyên đệ từ bây nên chọn nấc thang của mình là vừa!

Nói xong hai người im lặng đi cùng nhau ra đến tận cổng hoàng cung. Trước lúc tạm biệt, Nghi Dân không quên nhắc thêm:

- Tứ đệ, Hàn Tín nhà Hán trước khi chọn đúng minh chủ cũng chỉ là tên vô danh tiểu tốt, tài hoa của hắn chỉ khi gặp Lưu Bang mới có dịp phát huy, lưu danh sử sách! Đệ phải noi theo cổ nhân mà làm!

Nói xong vỗ vai Lê Hạo rồi quay lưng ra về. Lê Hạo vẫn thái độ cung kính, chấp hai tay ngang đầu bái biệt đại ca.

Lê Hạo tất nhiên đã nhìn rõ tâm tư của Lê Nghi Dân từ lâu, chẳng qua đang buổi thái bình, Lê Tuấn tại vị lấy đức trị nước nên rất được lòng dân, hắn không có lý do gì lật đổ mới đành tạm hoãn việc tạo phản. Lần này muốn khích cho vua phải thân chinh đi đánh trận, chắc chắn có mưu đồ ám sát. Nếu Lê Tuấn không còn, hắn là đại hoàng tử, hơn nữa lại từng là chủ Đông cung, ngai vàng mười phần hết chín sẽ lọt vào tay hắn. Quả là mưu sâu kế hiểm!

- Ta phải làm sao để vừa bảo vệ được tam ca, vừa bảo toàn cho bản thân thoát khỏi hiềm nghi của hắn đây! – Chàng âu sầu tự hỏi bản thân.

Lê Hạo vừa rảo bước định trở về Huy Văn Tự thì nghe tiếng Lê Tuấn gọi phía sau:

- Tứ đệ, chờ ta với!

Lê Tuấn đã thay thường phục, vội vã đuổi theo Lê Hạo tận cổng cung, vừa thở vừa nói:

- Ngày mai trong cung có yến tiệc mừng tiết Trung Thu, Trẫm muốn đích thân đưa thiếp mời cho đệ và Ngô Tiệp Dư, hai người nhớ đến dự. Sang thu Trẫm sẽ đón đệ và Tiệp Dư hồi cung cùng với Mỹ Nhân của Trẫm! Thế nào? Có đồng ý không?

Cảm động trước tình cảm huynh đệ của Lê Tuấn dành cho mình, Lê Hạo không muốn từ chối, cung kính chấp hai tay ngang đầu thưa:

- Thần đệ đa tạ Hoàng Thượng hậu ái!

Lê Tuấn vỗ em trai rồi hóm hỉnh dùng thân phận giả là anh họ nói với Lê Hạo:

- Biều đệ, tối nay trăng đẹp, ta muốn biểu đệ cùng Lê Tuấn ta thưởng trà ngắm trăng trong Huy Văn Tự!

Lê Hạo vui vẻ nhận lời:

- Hân hạnh tiếp đón biểu huynh!

* * *

Đã xế chiều, ánh nắng mặt trời không còn gay gắt, xung quanh vắng vẻ chỉ có mỗi Thu Đào đang thong dong dạo bước. Nàng băng qua chiếc cầu nhỏ bắt ngang hồ cẩm lý, nối liền khu đất từ chính điện sang dãy phòng của hai mẹ con Lê Hạo. Căn đầu tiên của dãy phòng này chính là nơi Lê Hạo viết chữ đọc sách. Cửa không đóng, Thu Đào nghiêng đầu nhìn vào quan sát. Bên trong bày trí đơn giản, chỉ có ba giá sách, bàn viết chữ có bày sẵn bút nghiên, một bàn trà với bộ ấm tách bằng gốm sứ hoa văn màu xanh da trời, khá giống với tưởng tượng của Thu Đào về nội thất thời cổ. Trông chẳng có vẻ gì là nơi riêng tư của ai, nàng đánh bạo bước vào, xem thử "thư viện" ở đây có khác gì với thư viện hiện đại không!

Tò mò về những quyển sách trên giá, Thu Đào chui hẳn vào dãy giữa, hết cầm quyển này lên lại đặt quyển kia xuống, tuy chữ bên trong đọc không hiểu được bao nhiêu, nhưng việc được tận mắt xem, tận tay sờ vào những đồ vật thời phong kiến như thế này, đối với Thu Đào là một trãi nghiệm cực kỳ lý thú. Mãi lo xem sách, nàng quên mất phải đi tìm căn phòng và giá nến bí ẩn kia.

Được một lúc, Thu Đào chú ý thấy trên bàn viết chữ có một quyển sách đang mở ra sẵn trang cuối, còn có một thanh gỗ nhỏ dằn lên để làm dấu trang. Nàng đến gần nhìn thì thấy cuối trang có vẽ đóa hoa đào hình dạng giống với đóa hoa đào của giá nến. Mừng rỡ và hiếu kỳ, Thu Đào cầm quyển sách lên để xem cho kỹ, biết đâu có chút manh mối gì chăng?

Mặt trời sắp lặn, Lê Hạo dắt theo Lê Tuấn về gần đến cửa thư phòng, thấy có bóng dáng ai đó đang cầm quyển sách mình quý trọng nhất, Lê Hạo nóng lòng chạy nhanh vào làm Lê Tuấn ở sau lưng phải gấp rút đuổi theo xem có việc gì. Lê Hạo căng thẳng hỏi lớn:

- Ai đó!

Bị gọi lớn Thu Đào giật mình đánh rơi quyển sách.

Khi đã nhìn rõ "kẻ đột nhập" là Thu Đào, Lê Hạo hơi ngạc nhiên hỏi:

- Nàng đến đây từ khi nào?

Lê Tuấn cũng vừa bước vào cửa:

- Thì ra là Thu Đào tiểu thư, làm ta tưởng hôm nay tứ đệ xui xẻo bị kẻ trộm ghé thăm!

Thu Đào lúc này hiểu ra đây là chỗ ở của Lê Hạo, biết mình đã thất lễ nên bối rối xin lỗi:

- Ta.. ta cứ tưởng đây là thư viện của Huy Văn Tự, có thể vào thăm thú được.. nên là..

Nhìn nàng hoảng sợ Lê Tuấn cảm thấy thật đáng thương, không muốn làm Thu Đào hoang mang thêm bèn chuyển sang nói việc khác:

- Nàng đến đây với ai? Chắc là thấy Huy Văn Tự đẹp nên tiện thể thăm thú một chút, đây cũng chỉ là thư phòng thôi, chắc tứ đệ không ngại đâu đúng không?

Lê Hạo lúc này đang vội vàng nhặt quyển sách dưới chân Thu Đào lên, chàng nâng niu dùng vạt áo lau qua một lượt, rồi trả lời:

- Tất nhiên không sao rồi! Nơi này trước kia nàng vẫn hay tới lui cùng chúng ta đọc sách viết chữ, chẳng khác gì nhà của nàng đâu!

Thu Đào giải thích thêm:

- Thật xin lỗi! Ta theo cha mẹ đến đây thắp hương, tiện thể muốn dạo chơi một chút..

Lê Hạo dịu dàng trấn an nàng lần nữa:

- Không sao đâu!

Gặp được Thu Đào ở đây Lê Tuấn vô cùng vui mừng, chàng có ý muốn mời nàng ở lại cùng uống trà ngắm trăng, bèn đưa mắt nhìn Lê Hạo, ý muốn nhờ em trai đi sắp xếp. Chàng nói:

- Hẹn trước không bằng tình cờ gặp! Hôm nay trăng đẹp, nàng cùng huynh đệ ta ở lại uống trà nhé!

Thu Đào tất nhiên là vui mừng đồng ý ngay, vừa được ở lại trò chuyện với Lê Hạo, vừa muốn nhân cơ hội hỏi về hình vẽ hoa đào và cái giá nến kia, một công đôi việc thật quá tốt rồi!

Lê Hạo hiểu ý anh trai, liền đi chuẩn bị một bàn điểm tâm cùng trà ngon để mang ra đình hóng mát trên hồ cẩm lý.

* * *

Trong lúc chờ Lê Hạo đi chuẩn bị điểm tâm, Thu Đào theo sau Lê Tuấn cùng đến đình hóng mát giữa hồ. Nhìn Lê Tuấn từ sau lưng, nàng chợt nghĩ đến chàng trai cầm ô đứng giữa vườn hoa ngoài cửa sổ từng xuất hiện trong giấc mơ lúc trước. Trang phục, dáng đi, và cả khung cảnh trước mắt lúc này sao quen thuộc quá! Rồi như một sự sắp đặt của số mệnh, ngay lúc đó Lê Tuấn nhận ra Thu Đào đang tụt lại phía sau mình khá xa, chàng quay lại hóm hỉnh nói:

- Tiên nữ! Sao đi chậm quá vậy, ta chờ nàng lâu rồi đấy!

Vừa nghe giọng nói và câu từ quen thuộc xong, bỗng nàng cảm giác như có một mũi kiếm đâm sâu vào tim, Thu Đào thấy đau nhói nên đưa hai tay ôm lấy ngực, mặt xanh xao nhăn nhó, nàng loạng choạng như sắp ngã xuống.

Lê Tuấn nhanh chóng nhận ra bất thường liền lao đến đỡ lấy nàng rồi hoang mang hỏi:

- Thu Đào! Nàng sao vậy?

Dần dần cơn đau tim qua đi, Thu Đào bình thường trở lại, nhưng chính nàng cũng ngơ ngác không hiểu chuyện gì vừa xảy ra với mình. Chẳng lẽ cái thân xác của Thu Đào này yếu ớt vậy, đi có vài bước đã mệt đến nỗi đau tim như vậy rồi sao?

Nàng trả lời để Lê Tuấn yên tâm:

- À, ta không sao rồi! Đa tạ chàng!

Lê Tuấn hỏi lại, giọng vẫn chưa hết lo lắng:

- Nàng vừa bị làm sao vậy?

Không biết phải diễn tả cảm giác lúc nãy ra sao, Thu Đào đành nói cho qua chuyện:

- Có lẽ ta vừa mới khỏi bệnh nên đi vài bước đã thấy hơi mệt thôi!

Lê Tuấn nhìn nàng ân cần:

- Nàng thật sự không sao chứ? Đêm nay tuy không lạnh nhưng giớ lớn, hay là ta đưa nàng về phủ?

Sợ bị mất cơ hội dò hỏi tung tích hình vẽ hoa đào, nàng vội vàng vỗ tay lên ngực chứng minh:

- Thật sự không sao mà, đừng nói cho cha mẹ ta biết, ta rất muốn ở lại ăn điểm tâm, ngắm trăng cùng nhị vị Lê công tử! Xem này ta khoẻ lắm!

Lúc này Lê Tuấn mới yên tâm phần nào nhưng chàng không vượt lên đi trước nữa mà sánh đôi bên cạnh nàng, vừa đi vừa chốc chốc nhìn sang như để trông chừng báu vật của mình.

Kể ra cũng thật lạ, mỗi khi bên cạnh Lê Tuấn nàng đều cảm thấy một cảm giác thân thuộc ấm áp, chàng không giống như những tên đào hoa háo sắc chút nào. Ta và chàng kiếp này cũng có duyên bằng hữu chăng?

Đến đây, đột nhiên Thu Đào nhớ ra Lê Tuấn từng nói chàng là ngự tiền thị vệ bên cạnh Lê Nhân Tông nên nảy ra ý định nhờ chàng giúp đỡ thăm dò ý tứ nhà vua, thậm chí nói xấu về mình để Nhân Tông từ bỏ ý định nạp cung tần cũng hay! – Nàng tự nghĩ rồi quay sang nhìn Lê Tuấn bằng ánh mắt tinh nghịch. Nụ cười lạ lùng làm Lê Tuấn chột dạ hỏi:

- Chuyện gì đây đại tiểu thư?

Thu Đào đá lông nheo gợi ý:

- Chàng có muốn nghe thêm về "thành phố Hồ Chí Minh" của tiên nữ ta sống không? Giúp ta một việc đi, ta sẽ kể cho chàng nghe!

Lê Tuấn khoanh hai tay trước ngực đáp lại:

- Muốn ra điều kiện với ta sao?

- Đúng vậy, chàng là ngự tiền thị vệ, chắc chắn có cơ hội tiếp cận với Hoàng Thượng, ta muốn chàng nghĩ cách khiến Hoàng Thượng không còn muốn nạp ta làm cung tần nữa!

Lê Tuấn nghe đến đây không nhịn được nữa nên phì cười. Chàng giả vờ từ chối:

- Ta chỉ là một thị vệ nhỏ bé, làm sao lời nói lại đáng để Hoàng Thượng nghe được! Thôi, nàng chấp nhận số phận đi, vào cung làm mỹ nhân cho Hoàng Thượng vậy!

Thu Đào lườm một cái rõ dài rồi mắng, mà quên mất Lê Tuấn cũng hiểu tiếng Hán:

- 真是个渣男, 还敢说喜欢上了我! (Đúng là tên xấu xa, còn dám nói là thích ta)

Lê Tuấn trêu ghẹo trả lời:

- 那你说我能怎么帮哦! (Vậy nàng nói xem ta có thể làm được gì)

Thu Đào ấm ức:

- Nếu chàng thật sự thích ta lẽ ra phải thấy buồn khi ta phải làm cung tần cho Hoàng Thượng mới đúng chứ!

- Ta buồn chứ, nhưng biết làm sao được? Dù sao nàng cũng không thích ta, chi bằng cho nàng vào cung làm mỹ nhân cho xong!

Lê Tuấn nói xong khoái chí bậc cười thành tiếng. Thu Đào nghe đến đây cảm thấy không "nhờ vả" gì được tên thị vệ này nên nét mặt chùn hẳn xuống, nàng không nói gì nữa, tiến đến chiếc ghế trong đình hóng mát ngồi phịch xuống, chống tay lên cằm ngắm trăng chờ Lê Hạo mang điểm tâm đến.

Lê Tuấn cũng nhận ra lời từ chối tuy là đùa đùa vui của chàng đã làm cho Thu Đào thất vọng, bèn an ủi bằng lời chân thành, nhưng mãi về sau này nàng mới hiểu ra:

- Hoàng Thượng nhất định sẽ tốt với nàng mà!

Thu Đào liếc mắt sang nhìn Lê Tuấn một lần, rồi bất lực ngẩng đầu lên trời mà thở dài.

Lê Tuấn trộm nhìn nàng cố giấu nụ cười thích thú.

Trời đã tối hẳn. Dưới mái đình, hai người ngồi cạnh nhau cùng ngắm ánh trăng thu vằng vặc.

* * * Hết chương 9 ---

Chú thích:

1. (*) Đinh Liệt: Danh tướng nhà Hậu Lê, là cháu gọi Lê Thái Tổ - Lê Lợi là cậu. Thời còn trẻ ông đã theo làm cận vệ cho Lê Lợi, làm quan qua bốn triều vua Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

2. (*) Bồn Man: Tên một quốc gia cổ, một phần nằm ở tỉnh Xiêng Khoảng phía Đông Lào, một phần nằm ở phía Tây các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam. Thời Lê Nhân Tông, Bồn Man thuộc lãnh thổ Đại Việt, gọi là tỉnh Trấn Ninh. 350 năm sau thì bị Nguyễn Ánh (Vua Gia Long nhà Nguyễn) cắt cho Lào.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play