Vốn là người hiểu rõ bản tính của Thu Đào nhất, Lê Hạo đoán biết tối nay không được dự cung yến mà phải ở lại phủ đệ một mình chắc chắn nàng sẽ chẳng chịu cam tâm an phận, không khéo lại tự tung tự tác gây ra họa gì cũng nên. Tuy nói là từ sau khi bạo bệnh mất hết ký ức, Thu Đào đã không còn là con người trước kia, nhưng trong mắt Lê Hạo nàng vẫn chính là Thu Đào của chàng, vẫn là người con gái hoạt bát thông minh, tính tình trẻ con bốc đồng. Nghĩ đến cảnh tượng nàng phải chịu buồn bã ở lại trong phủ nhìn người người đi dự yến, hoặc là nàng sẽ bỏ trốn khỏi phủ đệ tham gia vào những trò hoạt náo ở phố phường rồi va chạm với những kẻ giang hồ hiếu chiến mà gây họa như trước kia, Lê Hạo cảm thấy thật không muốn để xảy ra sự cố ấy chút nào!
Lê Hạo nhớ lại năm trước, nàng chỉ mới mười ba tuổi, vào dịp tiết Trùng Dương (*) năm ấy triều đình có dịp đón tiếp sứ thần nhà Minh cùng dự yến với hoàng thân quốc thích của Đại Việt. Nguyên nhân việc sứ thần tham dự vào gia yến (*) năm ấy là bởi chính ngài ấy đã tự bày tỏ nguyện vọng với Thái Hậu, mục đích là muốn tìm hiểu thêm về văn hóa gia phong hoàng tộc Đại Việt, hiểu rõ về nhau sẽ giúp thắt chặc thịnh tình hai nước. Biết được người phương Bắc rất tin vào phong thuỷ thiên tượng, họ cho rằng sáu và chín là những con số may mắn nên sau khi dùng các món chính của yến tiệc, Thái Hậu đã chuẩn bị một bàn điểm tâm đặc biệt gồm chín đĩa điểm tâm, sáu đĩa hoa quả đặc sản của Đại Việt để thiết đãi sứ thần. Thu Đào lúc ấy cũng được dịp theo Nguyễn Đức Trung đại nhân đến Cần Chính Điện dự yến cùng các công chúa hoàng tử. Chẳng biết thế nào mà đĩa bánh trôi bột nếp trong vắt, nhân đỏ thẫm đẹp mắt đã vào tầm ngắm của nàng ta. Nhân lúc các cung nữ bận rộn bày biện trang trí, nàng đã lén lút trộm mất một đĩa bánh trôi rồi mang ra ngự hoa viên, còn rủ thêm Lê Hạo theo ra cùng thưởng thức. Lê Hạo lúc đó ngây ngô chẳng biết nguồn gốc của đĩa bánh nên cả hai đã vui vẻ vừa ăn vừa ngắm những chiếc đèn hoa sen đang trôi bồng bềnh dưới ngự hồ của hoàng cung. Đến lúc Thái Hậu mời sứ thần dùng điểm tâm tráng miệng, ông ta đã chú ý đến số lượng đĩa đang được bày biện và hỏi một câu khiến Thái Hậu phải bất ngờ:
- Bẩm Thái Hậu, bổn sứ ta xưa nay rất quan tâm việc tìm hiểu về nền văn hóa của quý quốc, nay được thiết đãi yến tiệc long trọng, trong lòng bổ sứ cảm kích tấm thịnh tình của quý quốc vô cùng. Nhưng thứ lỗi cho ta hiểu biết nông cạn, xin Thái Hậu khai sáng cho một việc. Theo như nghi thức thông thường, ta hay được thiết đãi chín đĩa điểm tâm, sáu đĩa hoa quả biểu trưng cho vĩnh cửu, tài lộc. Tại sao lần này lại là tám và sáu?
Thái Hậu nghe xong mặt biến sắc, bối rối không hiểu vì sao chỉ còn có tám? Nhưng chẳng lẽ lại đi thừa nhận với sứ thần rằng do cung nhân sơ suất để thiếu sót? Mà nếu không phải thế thì biết nói sao? Ngay lúc nghe sứ thần hỏi Lê Hạo đã lạnh sống lưng nghĩ ngay đến đĩa bánh trôi lúc nãy, chàng biết ngay là họa do Thu Đào gây ra, nhưng lúc đó nàng chỉ đơn giản nghĩ rằng đến ngự thiện phòng lấy đi một đĩa bánh có gì là to tát, hoàn toàn không biết đó là vật phẩm thiết đãi sứ thần, vẫn thản nhiên ngồi ở hàng ghế dành cho nữ tử nhà quan lại, hết nếm món này rồi động đũa món khác. Chính bản thân chàng lúc này cũng chưa biết nên làm thế nào, thì Lê Tuấn - lúc ấy đã đích thân chấp chính - ôn tồn đứng lên, hai bàn tay đan mười ngón lại ngay ngắn đưa lên ngang mặt, hành lễ nghĩa rất đúng mực với sứ thần phương Bắc, rồi chàng chậm rãi nói với sứ thần bằng tiếng Hán một cách trôi chảy:
- 这儿是朕的主意的. 听说在贵国所地方有一个叫广东. 在广东方言, "八" 和 "発", "六" 和 "禄" 的发音是一样的! 所以用广东方言来发音八六就是 "発禄", 盛好的意义对吗? (Đây là chủ ý của Trẫm. Nghe nói ở quý quốc có một địa phương gọi là Quảng Đông, trong tiếng Quảng Đông thì chữ "tám" và chữ "phát" đồng âm, chữ "sáu" và chữ "lộc" đồng âm. Như thế thì "sáu tám" phát âm ra là "Phát Lộc", mang ý nghĩa rất tốt đúng không)
Sứ thần nghe xong rất lấy làm nể phục Hoàng Đế Đại Việt, hết lời khen ngợi nhà vua tuổi trẻ tài cao, chẳng những phong thái nho nhã anh tuấn mà còn am hiểu sâu rộng. Tiếng phương Bắc không phải ai cũng nói được trôi chảy như thế, thân là quân chủ một nước Lê Tuấn quả không thẹn với văn võ bá quan trong triều, ai nấy đều muôn phần bội phục Nhân Tông Hoàng Đế của họ.
Lê Hạo nghĩ đến đây thì bất giác mỉm cười, chàng cảm thấy kiếp này được gặp gỡ Thu Đào, được là huynh đệ với Lê Tuấn thì có chết cũng không còn gì hối tiếc.
Đoạn chàng nhớ ra việc cần làm là phải đến phủ đệ Chỉ Huy Sứ để lén đưa Thu Đào vào dự cung yến. Để tránh điềm xấu, khi hoàng tộc có tiệc tùng thường không mời người đang để tang, người đang bệnh hoặc thương tích, mà Thu Đào lại đang có vết bỏng trên mặt nên tất nhiên không thể đường đường chính chính mà tham dự được. Lê Hạo bèn nói với Ngô phu nhân hãy vào cung trước, chàng có công vụ phải giải quyết, sẽ vào cùng mẫu thân sau. Tiễn mẹ lên kiệu xong, Lê Hạo lấy ra một bộ quần áo của nam nhi và có thêm cả một chiếc mũ vãi, khi đội lên sẽ giúp Thu Đào che được vết thương trên mặt. Chàng mang theo tay nải vui vẻ đến phủ đệ.
* * *
Đêm Trung Thu trăng sáng vằng vặc, Thu Đào chán nản ngồi trên bậc cửa không ngừng nài nỉ Xuân Mai xuống phố dạo chơi, nhưng cô tì nữ này rất mực ngoan ngoãn, có thuyết phục thế nào nàng ta vẫn nhất quyết nghe lời căn dặn của Lê Tuấn ban chiều, rằng tuyệt đối không được để tiểu thư ra ngoài nắng ngoài gió, không được để tiểu thư đi chơi quá khuya, không được để tiểu thư vận động nhiều làm mồ hôi thấm ướt vết thương.. Cứ mỗi lần Thu Đài "dụ dỗ" thì Xuân Mai lại nhớ ra một câu dặn dò của Lê Tuấn lúc sáng khi chàng đến thăm. Thu Đào cảm thấy tên này còn phiền phức hơn cả Nguyễn phu nhân, mẫu thân của mình hiện tại.
- Dẫu biết hắn có ý tốt với ta, nhưng do Xuân Mai quá nể sợ hắn mà răm rắp nghe lời, hại ta đêm trăng đẹp đẽ thế này lại phải bó gối ngồi ở nhà! Phải đợi đến năm sau mới có dịp đi chơi Trung Thu thời phong kiến sao? À, mà biết đâu trong nay mai ta sẽ về được năm 2022, vậy xem như ta bỏ lỡ mất cơ hội du hành đêm trăng tại Lê Triều rồi? Tiếc rẻ biết bao nhiêu!
Thu Đào than ngắn thở dài mãi không thôi. Nàng hết đứng lại ngồi, đi đi lại lại trông đến là tội nghiệp. Đang chống cằm ngắm trời nắm đất trong tuyệt vọng, Thu Đào chợt nghe tiếng Xuân Mai đang tưới hoa trước sân lễ phép chào:
- Lê công tử! Người không đi dự yến à? Sao lại đến phủ đệ có việc gì chăng?
Lê Hạo tươi cười trả lời Xuân Mai nhưng mắt thì nhìn về phía Thu Đào hóm hỉnh trêu:
- Ta không đến thì e sẽ có người buồn phiền đến phát điên!
Thu Đào thấy Lê Hạo đến trong lòng phấn khởi vô cùng, nhất là chàng lại còn đến cạnh bên đẩy chiếc tay nải vào lòng nàng nói:
- Đi thôi! Ta dắt nàng vào cung dự yến, nhưng không được để cho ai biết đâu đấy!
Thu Đào sung sướng phát điên reo lên:
- Được, được! Hay quá rồi, được đi "quẫy" rồi! Há há!
Thu Đào chẳng còn biết giữ ý tứ của một đại tiểu thư con nhà quan là gì, nàng cười khanh khách. Lúc mở tay nải ra thấy bộ quần áo của nam nhân, nàng còn cười lớn hơn nữa:
- Đúng kịch bản luôn! Nữ cải nam trang đi trẩy hội! Ha ha ha!
Nói xong nàng phi vào phòng riêng thay y phục, bỏ mặc Lê Hạo đứng đó ngớ ngẩn nói với Xuân Mai:
- Tiểu thư nhà nàng vừa nói gì vậy? Ta nghe không hiểu gì cả?
Xuân Mai lúc ấy cũng mắt tròn mắt dẹt suy nghĩ về những thứ mình vừa nghe được:
- Nô tì tuy có học được vài câu mới lạ của tiểu thư, nhưng mà.. "quẫy" là gì? Nô tì chưa được tiểu thư dạy cho!
Lê Hạo cũng đành chịu, chàng lắp bắp nhẩm lại từ ngữ như để lục tìm trong tri thức uyên thâm của mình xem có từng nghe qua chưa:
- "Qu.. ẫy.." à?
* * *
Thu Đào cứ như chú chim xổ lồng, bước chân nhảy nhót hết ngắm hàng vải lụa son phấn, lại tạt qua chỗ bán đồ chơi, lồng đèn. Nàng hết nhìn bên trái lại ngắm nghía bên phải, xuýt xoa khen ngợi phố phường ngày lễ hội của kinh thành Thăng Long. Thì ra thủ đô ta thời cổ lại trong lành, lại xinh đẹp đến thế! Những con đường vào ban đêm lung linh trong ánh nến ánh đèn, cũng người qua kẻ lại tấp nập, tiếng rao hàng, tiếng trẻ con nói cười tíu tít, khung cảnh vui như Tết chứ nào có phải tăm tối ảm đạm do thiếu ánh điện như trước giờ nàng vẫn tưởng tượng đâu!
Thu Đào mãi mê nhìn nhìn ngắm ngắm, chợt nàng nhớ ra trong các bộ phim cổ trang thường hay thấy có bán món hồ lô ngào đường, bèn quay sang Lê Hạo định hỏi chàng xem ở đây có không. Chưa kịp nói gì thì Lê Hạo đã giơ lên hai que kẹo hình bươm bướm trước mặt nàng nói:
- Nhìn nàng cứ như đứa trẻ lần đầu được đi chơi vậy! Ta nghĩ nàng đã quên hết chuyện trước kia, nên có lẽ đây đúng là lần đầu chúng ta cùng nhau đi lễ hội! Đây, món kẹo đường này lúc trước nàng rất thích, nếm thử đi!
Thu Đào cảm động trước sự ân cần của Lê Hạo lắm, nàng chợt nhớ đến Sỹ Thành, nhớ những cuối tuần hai đứa rong ruổi cùng nhau trên phố Tây Bùi Viện ăn hàng ăn quán, hay thong dong trên khu Nguyễn Huệ vừa đi vừa nhấm nháp ly trà sữa ngọt lịm.
- Bây giờ người đứng trước mặt mình là ai? Có phải là anh đấy không Sỹ Thành ơi! Em thật sự nhớ anh!
Thu Đào nghe như trong lòng dậy sóng, vừa nhớ người yêu, vừa nhìn Lê Hạo đầy thắc mắc hiếu kỳ. Làm sao giải thích được lý do chàng và Sỹ Thành lại giống nhau đến thế?
Thu Đào đón lấy que kẹo, dặn lòng phải tạm gác lại tương tư. Nàng tự nói với mình rằng đây không phải Sỹ Thành, chàng chính là Lê Tư Thành, người sau này sẽ là Hoàng Đế Đại Việt, người sẽ vẽ nên một đoạn sử hào hùng của Việt Nam ta. Ta may mắn được kề cần chàng thì nên biết trân trọng, cẩn thận mà học hỏi ở chàng nhiều điều hay lẽ phải mới đúng! Chứ sao trong đầu toàn chuyện tình yêu tầm thường thế được!
Đoạn nàng hỏi Lê Hạo việc về kẹo hồ lô:
- Lê công tử, ta được biết phương Bắc có món kẹo hồ lô ngào đường, Thăng Long ta có món đó không?
Lê Hạo chậm rãi giải thích:
- À! Ta từng đọc sách nên có biết kẹo hồ lô là món ăn truyền thống của người phương Bắc, họ dùng đường bao bọc quanh những loại trái cây có vị chua, thường là quả táo gai. Ta thấy cũng rất thú vị, tiếc là Đại Việt ta không có tập tục đó, nên ta cũng chưa được ăn thử bao giờ!
Thu Đào gật gù theo lời kể của chàng, đoạn nàng cầm que kẹo ăn hết một mạch rồi nói:
- Kẹo đường của Đại Việt ta cũng ngon quá! Lần đầu ta được thưởng thức hương vị này! Đa tạ chàng!
Lê Hạo mỉm cười rồi khéo léo nắm lấy cánh tay nàng kéo đi, họ lướt băng băng giữa dòng người tấp nập để kịp dự cung yến.
* * *
Trời đã tối hẳn.
Ông trăng to tròn như một chiếc gương đồng khổng lồ soi sáng khoảng sân rộng như một cái quảng trường của Cần Chính Điện.
Những chiếc đèn ông sao do Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung hiến tặng đã được treo khắp nơi. Những chiếc bàn nhỏ được xếp ngay ngắn thành bốn hàng ngang ở giữa sân, mỗi bàn dành cho một người ngồi, hàng trên cùng là dành cho các vị đại thần nhất phẩm, hoàng thân quốc thích, ba hàng còn lại được sắp xếp theo thứ ở phía trước thì chức quan lớn, ở phía sau là các vị quan cấp bậc thấp hơn.
Người qua kẻ lại tấp nập, gặp nhau chuyện trò thăm hỏi. Cung nữ thái giám bận bịu sắp xếp nào hoa quả, nào thức ăn, nào nến thơm. Nơi nơi đều được trang hoàng uy nghi lộng lẫy.
Lê Nhân Tông ngồi ở bàn giữa, trên chiếc ghế to dát vàng được chạm trổ hình rồng tinh xảo. Vua mặc hoàng bào có áo khoát ngoài dài quá gót, đầu đội mão cửu long, thắt lưng có mặt ngọc điêu khắc hình hai con rồng năm móng cuộn vào nhau thành vòng tròn ở trước bụng. Dáng vẻ uy nghi đường bệ, Nhân Tông nâng ly chúc tụng cho văn võ bá quan có một mùa trăng đoàn viên an khang. Toàn thể triều thần tung hô vạn tuế để đáp lễ nhà vua. Tiếng nhạc cung đình du dương cất lên ngay sau khi vua uống cạn chung rượu đầu tiên. Thái giám Đào Biểu đứng cạnh bên Nhân Tông không ngừng phe phẩy chiếc quạt làm bằng lông đuôi chim công, chốc chốc lại rót rượu dâng điểm tâm. Cung yến bắt đầu trong không khí vui tươi ấm áp nhưng không kém phần trang nghiêm.
Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân ngồi ở hàng ghế đầu tiên đối diện với Nhân Tông, tay nâng ly rượu, mắt nhìn vào ghế rồng đầy tư lự. Từ lúc mới bước vào Cần Chính Điện, Nghi Dân đã đảo mắt khắp nơi tìm Lê Hạo nhưng không thấy. Theo lệ thường hằng năm, tiết Trung Thu chỉ là gia yến được tổ chức đơn giản, không hiểu vì sao năm nay lại có phần trang trọng hơn hẳn. Lúc nhận được thiếp mời của triều đình Nghi Dân đã thấy hơi lạ, một buổi tiệc công phu như thế mà chỉ được chuẩn bị trong vòng chưa đầy hai ngày, e là có mục đích gì bên trong chăng?
Nghi Dân vốn thừa hưởng tính tình hống hách ngạo mạn của bà phế phi Dương thị tiền triều (*), mỗi lần vào cung hắn đều không quên dắt theo vài chục cận vệ để phô trương thanh thế. Tốt xấu gì cũng từng là Đông Cung Thái Tử, mẫu thân từng là sủng phi bậc nhất của Thái Tông Hoàng Đế, tuy đã bị phế vị nhưng bè đảng trong triều trước kia khi ở ngôi Thái Tử của Nghi Dân quả thật không ít. Cũng chính vì hào quang của quá khứ mãi đeo bám, hai mẹ con Nghi Dân không ngừng nhắc đến địa vị từng có không một chút kiêng dè, lúc nào cũng ấp ủ lòng riêng, chưa bao giờ thật sự quy thuận Nhân Tông, hơn nữa là luôn dùng câu "Bỏ trưởng lập thứ là không hợp lòng trời" ra để ngấm ngầm sách động quần thần. Vì vậy, Nghi Dân luôn là mối lo ngại lớn trong lòng hai mẹ con Lê Hạo và một người nữa.. chỉ khi trừ khử được hắn thì mới có thể kê cao gối ngủ ngon.
Tuyên Từ Thái Hậu lúc này vẫn còn ở tẩm cung, chưa vội ra dự yến. Bà ngồi tỳ một tay lên chiếc gối bằng nhung mềm mại, tay còn lại đưa cho ngự y Châu Khâm bắt mạch. Xong, ngự y chấp hai tai trước ngực bẩm rằng:
- Thái Hậu phụng thể an khang, có lẽ do mùa hè nóng nực nên có hơi khó ngủ, thần sẽ kê đơn thuốc an thần để Thái Hậu phục dùng, cải thiện giấc ngủ.
- Kỳ nham là loại cỏ có dược tính tốt, giúp an thần dễ ngủ. Châu ngự y! Trong cung này không chỉ có mỗi bổn cung là cần phải được nghỉ ngơi đầy đủ, ông là ngự y thân cận của bổn cung, chắc ông cũng tự hiểu bổn cung muốn người nào được an giấc, đúng không?
Châu Khâm lập tức cúi đầu tuân lệnh:
- Thái Hậu yên tâm, hạ quan xin nhận lệnh của người!
Châu Khâm nói xong thì lui ra khỏi tẩm điện. Tuyên Từ Thái Hậu đứng trước gương nhìn mình trong gương, bà đưa tay lên vuốt vuốt chỉnh trang lại búi tóc rồi khẽ nhếch mép cười một cái, đôi mắt sắc lạnh mở to lên rồi nheo nheo như hạ quyết tâm thực hiện cái âm mưu bà đã rắp tâm sắp đặt từ lúc biết tin Nghi Dân bày kế ép Lê Tuấn thân chinh dẹp giặc.
- Phải chăng năm xưa ta đã quá nhân từ với mẹ con nhà ngươi?
Tuyên Từ Thái Hậu rít giọng qua kẽ răng tự hỏi chính mình.
* * *
Lê Hạo dắt Thu Đào vào cung bằng cổng phụ phía Nam, lối đi này thường dùng cho các quan lại có chức bậc thấp nên ít ai để ý. Chàng dùng thân phận tứ Hoàng Tử đương triều dắt theo tuỳ tùng nên đã đưa được Thu Đào vào cung trót lọt.
Nào mái ngói tráng men màu xanh ngọc bích, nào là những cây cột lớn bằng gỗ đen bóng chống đỡ cả tòa điện được chạm rồng trổ phượng, thỉnh thoảng lại bắt gặp một chậu hoa bằng sứ trắng đục, hoa văn xanh đỏ vàng đủ loại, hoa quỳnh, hoa nguyệt quế, và nhiều nhiều các loại hoa khác tỏa hương thơm ngát vào ban đêm mà Thu Đào ngửi thấy khi đi ngang qua ngự hoa viên. Dưới ánh trăng và ánh nến của những chiếc đèn lồng treo rợp khắp nơi, tất cả hợp lại đập vào mắt nàng một cảnh tượng lung linh huyền diệu. So với những gì nàng đọc được trong sách khảo cổ thì chỉ giống ba bốn phần thôi, thực tế trước mắt nàng bây giờ lộng lẫy hào nhoáng hơn nhiều những hình ảnh từng có trong trí tưởng tượng.
- A! Thì ra kiến trúc cung điện nhà Lê chủ đạo là màu xanh ngọc bích và màu gỗ màu đen! Thật là đẹp, thật là vi diệu! – Thu Đào khẽ reo lên.
Kiến trúc cung đình của Lê Triều ta mang bản sắc rất riêng, khác với Tử Cấm Thành có màu đỏ chủ đạo của Trung Quốc. Thu Đào vừa đi vừa hít hà cái mùi hương hoàng tộc lan tỏa khắp trong bầu không khí, nàng mở to mắt để ngắm, lắng tai lên để nghe, dùng hết năm giác quan để cảm nhận phong vị Đại Việt mà trước đây chỉ được đọc, chỉ được nghe, chỉ có trong tưởng tượng.
* * * Hết chương 12 ----
Chú thích:
1. (*) Tiết Trùng Dương: Ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch.
2. (*) Gia yến: Yến tiệc chỉ có người trong gia đình và vài đại thần tham dự.
3. (*) Dương Thị Bí: Mẹ ruột của Lê Nghi Dân, từng được vua Lê Thái Tông rất sủng ái nên đã phong cho Nghi Dân làm Thái Tử.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT